Trang chủ

ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU KINH TẾ NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:05 | Danh mục: Ấn Phẩm

ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU KINH TẾ NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

Tác giả: Vũ Văn Hà chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, 289 trang

Kí hiệu: Vv1085

Dưới tác động của cách mạng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, từ cuối những năm 1980 của thế kỷ XX, quá trình toàn cầu hóa kinh tế  gia tăng mạnh mẽ đã ảnh hưởng đến chiều hướng phát triển kinh tế của mọi quốc gia. Trong bối cảnh này các quốc gia đều có sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhằm tranh thủ cơ hội, đồng thời cố gắng vượt qua những thách thức do toàn cầu hóa đặt ra. Trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua, nền kinh tế Nhật Bản cũng đã có những điều chỉnh cơ cấu theo hướng tự do hóa, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam, cũng đang trong quá trình thực hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình này hiện đang đặt ra không ít vấn đề đòi hỏi chúng ta giải quyết như việc lựa chọn những ngành ưu tiên, vấn đề phát triển vùng và nhất là vấn đề xây dựng có hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước… Để giải quyết những vấn đề này đương nhiên phải dựa trên cơ sở thực tiễn Việt Nam và cần tranh thủ tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài. Hơn nữa, Nhật Bản là một cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới lại cùng nằm trong khu vực Đông Á và là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, cho nên những chuyển đổi của Nhật Bản tất yếu có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Do vậy, việc tiến hành nghiên cứu tiến trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế của Nhật Bản trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Với lý do đó, nhóm cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu và cho ra đời cuốn “Điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Nội dung cuốn sách gồm 4 chương như sau:

Chương 1: Điều chỉnh cơ cấu ngành. Trong đó, tác giả đề cập đến cơ cấu ngành và những yếu tố tác động đến sự điều chỉnh cơ cấu ngành ở Nhật Bản hiện nay. Những thay đổi chủ yếu về cơ cấu ngành xét trên phương diện vĩ mô. Những thay đổi cơ cấu trong nội bộ một số ngành kinh tế cụ thể.

Chương 2: Điều chỉnh cơ cấu kinh tế vùng. Ở đây tác giả nêu lên những yếu tố chủ yếu thúc đẩy sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế vùng và sự điều chỉnh của cơ cấu kinh tế vùng.

Chương 3: Tư nhân hóa khu vực kinh tế công cộng và điều chỉnh cơ cấu  khu vực kinh tế tư nhân. Tác giả trình bày bối cảnh của quá trình tư nhân hóa, mục đích và quá trình tư nhân hóa. Nguyên nhân của cải cách và điều chỉnh cơ cấu của các công ty tư nhân.

Chương 4: Dự báo điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật Bản thời gian tới. Trong chương này tác giả đề cập đến các yếu tố tác động đến sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong những năm tới và sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế ở Nhật Bản trong thời gian tới.

Từ những nội dung ở trên, có thể thấy cuốn sách đã làm rõ xu hướng điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật Bản hiện nay cùng những yếu tố chi phối quá trình này, từ đó đưa ra những dự báo và đánh giá tác động của chính sự điều chỉnh kinh tế Nhật tới Việt Nam. Đây là tài liệu vô vùng bổ ích cho bạn độc khi nghiên cứu về kinh tế Nhật Bản.

Thực hiện: Hà Hậu

 

0thảo luận