Trang chủ

CHÍNH SÁCH NGOẠI THƯƠNG NHẬT BẢN THỜI KỲ TĂNG TRƯỞNG CAO VÀ TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ

Đăng ngày: 20-04-2012, 12:59 | Danh mục: Ấn Phẩm

CHÍNH SÁCH NGOẠI THƯƠNG NHẬT BẢN THỜI KỲ TĂNG TRƯỞNG CAO VÀ TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ

Tác giả: Bùi Xuân Lưu, Trần Quang Minh

Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội, 2001, 253 trang

Kí hiệu: Vv527

Trong quá trình công nghiệp hóa, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới chính sách phát triển ngoại thương nhằm mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Cùng với việc nghiên cứu, phân tích, hiểu rõ những quy luật khách quan và thực tiễn để đề ra chính sách ngoại thương có cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, việc nghiên cứu, tham khảo kinh  nghiệm của các nước phát triển và các nước trong khu vực về những thành công và không thành công khi hoạch định và thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển ngoại thương, là việc làm vô cùng cần thiết.

Là một quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh thế giới thứ 2, ngày nay Nhật Bản trở thành một “siêu cường kinh tế” lớn thứ 2 thế giới. Cái gì đã làm cho Nhật Bản có thể vượt qua được những tổn thất nặng nề trong chiến tranh để đạt được một “sự thần kỳ” trong phát triển kinh tế? Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên “sự thần kỳ” Nhật Bản là thành công của họ trong việc đề ra và thực hiện chiến lược và chính sách phát triển ngoại thương như một công cụ quan trọng nhất, có tính sống còn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ngày nay, Việt Nam bắt tay vào phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa đất nước trong bối cảnh quốc tế và điều kiện kinh tế xã hội khác nhiều so với Nhật Bản trước đây. Tuy nhiên những kinh nghiệm và bài học rút ra từ thực tiễn Nhật Bản về hoạch định và thực hiện chính sách ngoại thương trong quá trình phát triển có thể có ý nghĩa ứng dụng thiết thực cho Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn nước ta đang thực hiện chiến lược phát triển ngoại thương hướng về xuất khẩu, từng bước hội nhập về kinh tế nước ta với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đó là lí do ra đời cuốn “Chính sách ngoại thương Nhật Bản thời kỳ tăng trưởng cao và toàn cầu hóa kinh tế”. Nội dung cuốn sách gồm 4 chương như sau:

Chương I: Chính sách ngoại thương và công cụ biện pháp thực hiện chính sách ngoại thương của Nhật Bản. Trong đó tác giả đề cập ba vấn đề chính là chính sách ngoại thương và vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế của Nhật Bản; các biện pháp áp dụng trong chính sách ngoại thương; các biện pháp tài chính tiền tệ.

Chương II: Chính sách ngoại thương của Nhật Bản thời kỳ tăng trưởng cao (1955-1973). Gồm chính sách thay thế nhập khẩu, chính sách tự do hóa mậu dịch và chính sách khuyến khích xuất khẩu. Nhận xét về chính sách ngoại thương của Nhật Bản thời kỳ tăng trưởng cao và bài học kinh  nghiệm.

Chương III: Chính sách ngoại thương của Nhật Bản trong điều kiện toàn cầu hóa. Ở đây, tác giả đề cập đến sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế sau các cuộc khủng hoảng tiền tệ và năng lượng thế giới; sự lên giá mạnh của đồng yên và chính sách tăng cường đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; các biện pháp chính sách khắc phục mâu thuẫn mậu dịch. Nhận xét chính sách ngoại thương của Nhật Bản trong điều kiện toàn cầu hóa và ý nghĩa đối với Việt Nam.

Chương IV: Chính sách bảo hộ sản xuất và mậu dịch hàng nông sản. Trong đó tác giả trình bày vài nét về nông nghiệp Nhật Bản. Chính sách nông nghiệp, chính sách bảo hộ nông nghiệp và mậu dịch nông nghiệp với sự phát triển nông nghiệp Nhật Bản. Một vài nhận xét về chính sách bảo hộ nông nghiệp và bài học kinh nghiệm.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã đi sâu tìm hiểu nội dung, hình thức và tác động của các biện pháp, chính sách ngoại thương mà Nhật Bản đã áp dụng nhằm phát triển kinh tế của nước này từ sau Chiến tranh thế giới lần 2 đến cuối những năm 90. Trọng tâm là nghiên cứu chiến lược và chính sách ngoại thương của Nhật Bản thời kỳ tăng trưởng cao sau chiến tranh, từ đó rút ra những bài học lớn có ý nghĩa áp dụng đối với Việt Nam. Đây là tài liệu thực sự rất bổ ích cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

 

0thảo luận