Trang chủ

VẤN ĐỀ QUẦN ĐẢO CURIN TRONG QUAN HỆ LIÊN BANG NGA - NHẬT BẢN

Đăng ngày: 17-04-2012, 16:02 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 6

Trong quan hệ quốc tế hiện đại, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia dân tộc là vấn đề quan trọng, phức tạp và khó giải quyết. Trong quan hệ giữa Liên bang Nga với Nhật Bản hiện nay, trở ngại lớn nhất là vấn đề lãnh thổ, nổi bật là vấn đề quần đảo Curin. Quần đảo Curin (gồm bốn đảo: Habomai, Sikotan, Cunasirơ và Iturup) hiện tại do Liên bang Nga chiếm giữ, phía Nhật Bản lại vẽ bản đồ ghi quần đảo Curin thuộc lãnh thổ Nhật Bản (người Nhật gọi là “lãnh thổ phương Bắc”). Bài viết này đề cập một số nội dung chính trong cuộc tranh chấp Nga – Nhật về quần đảo Curin trong thập kỷ 90 thế kỷ XX, những năm đầu thế kỷ XXI và nêu nhận xét, triển vọng giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

1. Quần đảo Curin trong quan hệ giữa Liên Bang Nga và Nhật Bản trong thập kỷ cuối cùng thế kỷ XX

Cuối năm 1991, Liên Xô tan rã và Liên bang Nga “Quốc gia kế tục Liên Xô” ra đời. Trong những năm 1991-1993, Tổng thống Nga B. Enxin thi hành chính sách đối ngoại “Định hướng Đại Tây Dương” với nội dung là thân Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Nga muốn dựa vào phương Tây để tiến hành thắng lợi cải cách ở nước Nga.

Trong hoàn cảnh đó, chính sách của Nhật Bản về vấn đề lãnh thổ đối với Liên bang Nga có sự thay đổi. Thời kỳ này, Tôkyô yêu cầu Mátxcơva “trao trả một lần, ngay lập tức cả 4 đảo Habomai, Sikotan, Cunasirơ và Iturup” cho Nhật Bản. Do chính sách cứng rắn về quần đảo Curin của Nhật Bản như vậy nên năm 1992 hai lần Nga đã hoãn chuyến đi thăm của Tổng thống B. Enxin đến Nhật Bản([1]).

Tháng 10-1993 Tổng thống B. Enxin đến thăm Nhật Bản. Ngày 13-10-1993, Liên bang Nga và Nhật Bản đã ký Tuyên bố chung Tôkyô. Trong Tuyên bố chung này, Nga và Nhật Bản ghi nhận sẽ tiếp tục đối thoại về vấn đề lãnh thổ; vấn đề quần đảo Curin sẽ được Chính phủ Nga và Chính phủ Nhật Bản giải quyết trên cơ sở thừa nhận những nhân tố lịch sử và tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm sự công bằng cho cả hai bên([2]). Phía Liên bang Nga với tư cách là “Quốc gia kế tục Liên Xô” khẳng định nghĩa vụ của Nga là tiếp tục thực hiện tất cả các Hiệp định mà trước đây Liên Xô đã ký kết với Nhật Bản([3]).

Theo M.L. Chitarencô, Viện trưởng Viện Viễn Đông Nga: trong chuyến đi thăm của Tổng thống B. Enxin đến Nhật, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố ủng hộ những cải cách ở Liên bang Nga và việc nước Nga gia nhập các tổ chức quốc tế ở Châu Á - Thái Bình Dương, hứa viện trợ cho Nga khoản tiền 4,3 tỷ USD([4]).

Nửa sau những năm 90 chính sách của Nhật Bản về vấn đề quần đảo Curin có mềm dẻo hơn so với giai đoạn 1991-1993. Tôkyô ghi nhận tồn tại của Tuyên bố Xô - Nhật năm 1956: Liên Xô sẽ trao trả Nhật Bản hai đảo Habomai, Sikotan sau khi ký kết Hiệp định hoà bình Xô - Nhật([5]).

Năm 1996, Ngoại trư­ởng Nga E. Primacốp đến thăm Nhật Bản, tại Tôkyô E. Primacốp nêu kiến nghị hai phía Nga và Nhật cùng hợp tác khai thác vùng Nam Curin. Hiện tại, 4 đảo thuộc quần đảo Curin theo phía Nga thuộc tỉnh Xakhalin và trong bản đồ Nhật Bản lại thuộc đảo Hôcaiđô.

Sự kiện đặc biệt trong quan hệ Nga - Nhật là từ ngày 1 đến 3 tháng 11 năm 1997 tại Kratsnôđarơ (Nga) đã diễn ra gặp gỡ giữa Tổng thống Nga B. Enxin và Thủ tướng Nhật Bản R. Hasimôtô. Trong thông báo chung Nga - Nhật có ghi: “...vấn đề quần đảo Curin sẽ được giải quyết vào trước năm 2000...”([6]).

B­ước phát triển tiếp theo là ngày 21/2/1998 Phó Thủ tư­ớng Nga B. Nhen xốp và Ngoại trư­ởng Nhật Bản K. Ôbichi đã ký “Hiệp định Nga - Nhật về hợp tác đánh, bắt thuỷ sản ở vùng biển Nam Curin”.

Sau cuộc gặp cấp cao Nga - Nhật tháng 11-1997, báo chí Nhật Bản đã viết nhiều về kế hoạch “B. Enxin - R. Hasimôtô” theo đó để Nga và Nhật ký kết Hiệp định hòa bình, Nhật Bản sẽ viện trợ kinh tế cho nước Nga. Tờ báo Nhật Nikkei Weekly viết: “Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nga và hy vọng sẽ giải quyết được cuộc tranh chấp về lãnh thổ. Nga có lợi về kinh tế và Nhật sẽ lấy lại lãnh thổ phương Bắc”. Cũng tờ báo trên dẫn lại lời trả lời phỏng vấn của Phó Thủ tướng Nga B. Nhen xốp: “Những hoạt động kinh tế giữa Nga và Nhật là điều kiện cần thiết để ký kết Hiệp định hòa bình Nga - Nhật”. Tuy nhiên, tại Tôkyô, khi trả lời phỏng vấn các phóng viên Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao E. Primacốp một mặt khẳng định thoả thuận giữa Tổng thống B. Enxin và Thủ t­ướng R. Hasimôtô: “...sẽ giải quyết vấn đề quần đảo Curin tr­ước năm 2000”, song mặt khác Ngoại trưởng Nga lại l­ưu ý dư­ luận Nhật Bản rằng: “năm 1947 Hiến pháp Liên Xô đã ghi: 4 hòn đảo ở quần đảo Curin là lãnh thổ thuộc Liên Bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết...”([7]).

Để soạn thảo nội dung văn kiện Hiệp định hoà bình Nga - Nhật, chính phủ hai nư­ớc đã thành lập các đoàn cấp chính phủ, đoàn Nga do Thứ trư­ởng Ngoại giao G. Carasin dẫn đầu, đoàn Nhật Bản do Thứ trư­ởng Bộ ngoại giao M. Tamba lãnh đạo và hai đoàn tiến hành đàm phán. Vũ khí mà phía Nhật Bản gây sức ép với Nga trong quá trình đàm phán vẫn là sự giúp đỡ về tài chính, kinh tế của Nhật Bản đối với n­ước Nga. Trong buổi gặp Tổng thống B. Enxin tại Mátxcơva vào ngày 23-2-1998 (23/2 - Ngày lễ bảo vệ tổ quốc của nước Nga), Ngoại trư­ởng Nhật Bản K. Ôbuchi thông báo: Nhật Bản sẽ viện trợ cho Nga 1,5 tỷ USD, số tiền này dùng để xây dựng nhà ở cho sĩ quan và binh lính Nga(8).

Sự kiện quan trọng cuối cùng trong quan hệ giữa Nga với Nhật Bản ở thế kỷ XX là tại Cavan từ ngày 18-19 tháng 4 năm 1998, Tổng thống B. Enxin đã gặp Thủ tướng R. Hasimôtô. Trong cuộc họp báo chung Nga - Nhật ngày 19 tháng 4 năm 1998, chính sách của Nhật Bản về vấn đề lãnh thổ được Thủ tướng R. Hasimôtô tuyên bố rõ ràng: “Chính phủ Nhật Bản chỉ ký Hiệp định hoà bình với Nga theo điều kiện Chính phủ Nga trao trả lại Nhật Bản quần đảo Curin”. Trong cuộc họp này, Tổng thống Nga nêu một kế hoạch gồm 5 giai đoạn nhằm giải quyết vấn đề quần đảo Curin. Cụ thể kế hoạch 5 giai đoạn của B. Enxin như sau:

- Giai đoạn một: Liên bang Nga công nhận tồn tại sự tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Curin trong quan hệ Nga - Nhật.

- Giai đoạn hai: Thực hiện hợp tác kinh tế Nga - Nhật, Nga và Nhật Bản cùng khai thác vùng Nam Xakhalin (gồm cả quần đảo Curin).

- Giai đoạn ba: Phi quân sự hoá vùng Nam Xakhalin.

- Giai đoạn bốn: Ký Hiệp định hoà bình Nga - Nhật.

- Giai đoạn năm: Sau khi ký Hiệp định hoà bình Nga - Nhật có ba phương án giải quyết vấn đề quần đảo Curin như sau:

Phương án một: Chuyển 4 đảo của quần đảo Curin dưới sự quản lý chung của Liên bang Nga và Nhật Bản.

Phương án hai: Biến quần đảo Curin thành “khu vực tự do”.

Phương án ba: Trao trả quần đảo Curin cho Nhật Bản([8]).

Đến đây quan điểm về giải quyết vấn đề quần đảo Curin giữa lãnh đạo Liên bang Nga và Nhật Bản có sự khác nhau quá lớn. Do đó, trước năm 2000, Liên bang Nga và Nhật Bản vẫn chưa giải quyết được cuộc tranh chấp về quần đảo Curin và Hiệp định hòa bình Nga - Nhật vẫn chưa được ký kết.

2. Quần đảo Curin trong quan hệ Nga - Nhật những năm đầu thế kỷ XXI

Ngày 31-12-1999, tại nước Nga, diễn ra sự kiện quan trọng: Tổng thống B. Enxin tuyên bố từ chức trước thời hạn và cử Thủ tướng V. Putin làm Quyền Tổng thống. Sau đó, V. Putin đã trúng cử Tổng thống trong cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga tháng 3 năm 2000 (lần 1) và tái thắng cử vào tháng 3-2004 (lần 2).

Sau khi V. Putin lên làm Tổng thống, Chính phủ Nhật Bản do Thủ tướng E. Môri đứng đầu có lời mời Tổng thống mới của nước Nga sang thăm nước Nhật để tiếp tục thảo luận về vấn đề ký Hiệp định hoà bình Nga - Nhật. Thủ tướng Nhật Bản E. Môri nêu điều kiện để ký Hiệp ước hoà bình Nga - Nhật như sau: 1- Nga trao trả cho Nhật Bản cùng một lúc 4 đảo thuộc quần đảo Curin; 2- Nga giao trả Nhật Bản 2 đảo Habomai, Sikotan, sau khi ký Hiệp định hoà bình Nga - Nhật, trong một thời gian ngắn Nga sẽ trao trả nốt 2 đảo Cunasirơ và Iturup cho Nhật Bản.

Sau một thời  gian chuẩn bị, từ ngày 3-5 tháng 9-2000, Tổng thống Nga V. Putin đã đến thăm chính thức nước Nhật. Tại Tôkyô, ngày 5 tháng 9 năm 2000 phát biểu trước các thương gia Nhật Bản, V. Putin cho rằng: Tổng kim ngạch ngoại thương Nga - Nhật năm 1999 đạt gần 5 tỷ USD là quá nhỏ so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản với Hoa Kỳ trong năm 1999 là 222 tỷ USD, tổng ngoại thương của Nhật Bản với Trung Quốc năm 1999 là 75 tỷ USD, cần phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Từ ý tưởng này, Nga đã tiến hành thực hiện đồ án xây dựng tại Nam Xakhalin nhà máy năng lượng để xuất sang đảo Hôcaiđô và vùng trung tâm Nhật Bản với công suất 25,5 tỷ KW/giờ/ năm([9]).

Kết thúc cuộc gặp cấp cao Nga - Nhật, Tổng thống V. Putin và Thủ tướng E. Môri đã ký Thông cáo chung Tôkyô, trong Thông cáo này hai phía Liên bang Nga và Nhật  Bản cam kết sẽ tiếp tục đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định hòa bình Nga - Nhật. Đánh giá kết quả giải quyết vấn đề quần đảo Curin trong cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Nhật tháng 9-2000, tờ báo Nhật Bản “The Daily Youmiuri” viết: “... trong cuộc đàm phán giữa hai nguyên thủ Nga và Nhật Bản, yêu cầu của Nhật Bản đòi Nga trao trả các đảo phía Đông đảo Hôcaiđô (quần đảo Curin) đã không đạt kết quả, cũng như kết quả các lần đàm phán Nga - Nhật trước đây”([10]).

Tiếp sau đó, ngày 25-3-2001, cuộc gặp Thượng đỉnh không chính thức giữa Tổng thống V. Putin và Thủ tướng  E. Môri diễn ra tại Irơcuxcơ. Trong hội đàm, về vấn đề quần đảo Curin, Thủ tướng Nhật Bản nhắc lại Tuyên bố của Liên Xô năm 1956 hứa trả hai đảo Habomai, Sikotan cho Nhật Bản và đề nghị Nga thực hiện việc này. Tổng thống  Nga nêu lại công hàm năm 1960 của Chính phủ Liên Xô gửi Chính phủ Nhật Bản với nội dung Liên Xô không thực hiện lời hứa trong Tuyên bố năm 1956 với lý do Nhật Bản liên minh với Hoa Kỳ chống lại Liên Xô([11]).

Về kết quả giải quyết tranh chấp quần đảo Curin giữa Liên bang Nga và Nhật Bản tại cuộc gặp cấp cao không chính thức Nga - Nhật ngày 25 tháng 3 năm 2001 tại Irơcuxcơ, các báo của Nga viết: “V. Putin không trả Nhật Bản các hòn đảo... cuộc tranh luận về chủ quyền lãnh thổ đã không được giải quyết...”([12]) và “...Liên bang Nga không đồng ý trao trả Nhật Bản hai hòn đảo...”([13]).

Cuối tháng 9-2004, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Machimura tuyên bố Nhật Bản mong muốn sớm cùng Nga ký kết Hiệp ước hoà bình Nhật - Nga theo tinh thần Tuyên bố chung Xô - Nhật (1956) và Tuyên bố chung Nga - Nhật năm 1993([14]). Ngày 14-11-2004, Ngoại trưởng Nga Lavrốp cho rằng Liên bang Nga - “Quốc gia kế tục Liên Xô” có thể thực hiện Tuyên bố Xô - Nhật năm 1956 trao trả hai đảo Habomai, Sikotan cho Nhật Bản. Tới cuối năm 2004, lập trường của Liên bang Nga và Nhật Bản về vấn đề quần đảo Curin  như sau: Với Nga, trả lại cho Nhật Bản hai đảo Habomai, Sikotan, ký kết Hiệp định hòa bình Nga - Nhật và vấn đề lãnh thổ giữa Liên bang Nga với Nhật Bản coi như giải quyết xong; Đối với Nhật Bản, biên giới Nga - Nhật là các đảo Bắc Curin, Nga thừa nhận chủ quyền của Nhật với quần đảo Curin, Nhật Bản công nhận Liên bang Nga tạm thời kiểm soát quần đảo Curin, sau khi phân định biên giới giữa hai nước, quần đảo Curin sẽ trở lại Nhật Bản([15]).

Cuối tháng 11-2005, Tổng thống V. Putin đi thăm Nhật Bản và hội đàm với Thủ t­ướng Kôdư­mi, hai nguyên thủ thống nhất đẩy mạnh hợp tác giữa hai n­ước về kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng l­ượng (dầu, khí), song vấn đề quần đảo Curin một lần nữa chưa đ­ược giải quyết trong cuộc gặp cấp cao Nga - Nhật lần này.(17)

Ngày 15-8-2006 tại khu vực quần đảo Curin xảy ra vụ tàu biên phòng hải quân Nga truy đuổi khi tàu Nhật Bản vào đánh bắt 3 tấn cua và các hải sản khác trong khu vực Curin do Liên bang Nga kiểm soát. Báo chí nước Nga khi đưa tin về việc này cho rằng hải quân Nga đã hành động đúng, còn Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố các sĩ quan biên phòng Nga đã hành động “quá tàn bạo”(17).

Trong vấn đề quần đảo Curin, công luận ở Liên bang Nga và Nhật Bản đã tác động đến chính sách của chính phủ hai nước, điều này thể hiện như sau:

Tại Nga sau tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrrốp đối với quan hệ Liên bang Nga - Nhật Bản, vấn đề lãnh thổ giữa hai nước và Hiệp định hòa bình Nga - Nhật, tổ chức ROMIR - monhitorinh đưa ra số liệu điều tra về ý kiến của dân chúng nước Nga:

 

 

Trả 4 đảo cho Nhật Bản đổi lấy Hiệp định hòa bình Nga - Nhật

5%

Trả 2 đảo cho Nhật Bản và ký Hiệp định hòa bình Nga - Nhật

13%

Sẽ giải quyết vấn đề lãnh thổ Nga - Nhật trong tương lai

62%

Không trả lời

21%

Nguồn: http://www.romir.ru/sôcplit/socio/12_2004/japan/htm

 

 

Theo số liệu trên, đa số dân chúng nước Nga không tán thành trao trả quần đảo Curin cho Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay.1718

Tại Nhật Bản, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, Tôkyô luôn đòi Mátxcơva trả lại quần đảo Curin “lãnh thổ phương Bắc của Nhật” cho Nhật Bản và ngày 7-2 là “Ngày của những vùng lãnh thổ phương Bắc” được người Nhật kỷ niệm trong nhiều thập kỷ qua. Tại đất nước “mặt trời mọc” còn thành lập “Phong trào ủng hộ việc đòi lại lãnh thổ phương Bắc” mà các thành viên của phong trào này là 70 triệu dân Nhật. Trong năm 2001-2002, ngân sách nhà nước đã chi 15 triệu để đảm bảo về mặt chính trị và ngoại giao cho việc giải quyết vấn đề lãnh thổ (18).

Như vậy, do sự khác nhau về quan điểm giải quyết vấn đề quần đảo Curin giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Nhật Bản cộng với áp lực từ ý kiến nhân dân hai nước Nga, Nhật về vấn đề lãnh thổ quốc gia, vấn đề “lãnh thổ phương Bắc” trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI chưa được giải quyết trong quan hệ giữa Nga với Nhật Bản.

3. Nhận xét và triển vọng giải quyết vấn đề quần đảo Curin trong quan hệ Nga – Nhật thời gian tới

Nghiên cứu vấn đề quần đảo Curin trong quan hệ giữa Liên bang Nga với Nhật Bản từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay có thể rút ra một số nhận xét và triển vọng giải quyết vấn đề này trong thế kỷ XXI như sau:

+ Quần đảo Curin có tầm quan trong đặc biệt đối với cả Nga và Nhật Bản. Với Liên bang Nga, bốn đảo ở quần đảo Curin có vị trí chiến lược to lớn về an ninh, quốc phòng, kinh tế do quần đảo Curin án ngữ đường ra Thái Bình Dương từ vùng biển Ô Khốt của Hạm đội Thái Bình Dương Nga, nếu mất quần đảo Curin, Liên bang Nga sẽ khó kiểm soát khu vực biển Ôkhốt, hải phận phía Đông của Nga hướng ra Thái Bình Dương và bị mất đi một vùng lãnh hải với tài nguyên biển giàu có.   Đối với Nhật Bản, vùng “lãnh thổ phương Bắc” có giá trị quan trọng về lãnh thổ, an ninh và kinh tế. Mất quần đảo Curin, một mặt tầm kiểm soát vùng biển phía Bắc của Nhật Bản bị hẹp đi, mặt khác do Nhật Bản đất chật, người đông, ít tài nguyên, khoáng sản, nên không có quần đảo Curin thì vùng lãnh hải phía Bắc của Nhật Bản bị thu hẹp, Nhật Bản mất đi một nguồn tài nguyên biển to lớn.

+ Trong thập kỷ 90 thế kỷ XX, Tổng thống Nga B. Enxin thi hành chính sách đối ngoại nhượng bộ đối với các nước phát triển và có dự định trao trả lại Nhật Bản 2 đảo ở quần đảo Curin. Trong quan hệ Nga - Nhật, để ký kết Hiệp ước hoà bình Nga - Nhật, Nga phải nhượng bộ, thực hiện yêu cầu của Nhật Bản, trả lại Tôkyô 4 đảo thuộc quần đảo Curin, điều này vì nhiều nguyên nhân, giới lãnh đạo Nga chưa sẵn sàng thực thi. Từ năm 2000 đến nay, Tổng thống V. Putin đã nhiều lần gặp các Thủ tướng Nhật Bản, song Nga- Nhật vẫn chưa giải quyết được vấn đề quần đảo Curin bởi lập trường của Liên bang Nga và Nhật Bản còn khác xa nhau nhiều. Trước đây và hiện nay, Nga chỉ chấp nhận trả lại Nhật 2 đảo Habomai, Sikotan và như vậy coi như vấn đề lãnh thổ giữa Nga với Nhật đã được giải quyết, điều này trái với yêu sách của Tôkyô đòi Mátxcơva phải trả cả 4 đảo cho Nhật Bản.

+ Việc giải quyết vấn đề quần đảo Curin không chỉ phụ thuộc vào tương quan thực lực giữa Nga và Nhật Bản mà còn liên quan đến ổn định và cân bằng lực lượng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sau Chiến tranh Lạnh, trong khi Nga bị  khủng hoảng, suy yếu ở Châu Á - Thái Bình Dương thì liên minh Mỹ - Nhật và ảnh hưởng của Mỹ, Nhật được gia tăng mạnh mẽ ở khu vực này, do đó Nga không muốn yếu hơn, lép vế hơn nữa khi trao trả các đảo thuộc quần đảo Curin cho Nhật Bản.

Tóm lại, thời kỳ trước, trong Chiến tranh Lạnh và từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, vấn đề quần đảo Curin trong quan hệ Nga - Nhật chưa được giải quyết hoàn toàn; Vấn đề “lãnh thổ phương Bắc” sẽ còn tồn tại lâu dài trong quan hệ giữa Liên bang Nga với Nhật Bản, đây là nhân tố quan trọng để Nga và Nhật chi phối, kiềm chế lẫn nhau. Về vấn đề này, nguyên Thủ tướng Nhật Bản I. Nacaxônê viết như sau: “... Vấn đề các lãnh thổ phương Bắc tồn tại trong quan hệ giữa Nhật Bản và Nga đã không được giải quyết trong Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Lạnh kết thúc đã không đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề này. Cũng không nhìn thấy triển vọng giải quyết vấn đề ấy trong tương lai gần”(19).

 

TRẦN HIỆP - LÊ THẾ LÂM

(Học viện Chính trị Khu vực I)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1- Chính sách đối ngoại của Liên Bang Nga 1992-1999, Mátxcơva, Đại học ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2000.

2- M.L. Chitarencô Nga và Đông Á: Những vấn đề quan hệ quốc tế và quan hệ giữa các nền văn minh, Mátxcơva, Nxb. ấểìấẻÂẻ ẽẻậÅ.

3- Nga và Phương Đông trước thế kỷ XXI, Mátxcơva, Viện Phương Đông, 1998, 367 tr.

4- Những xu thế mới trong quan hệ quốc tế ở Châu Á, Mátxcơva, Viện Phương Đông, 2002.

5- Phân tích tư liệu, số tháng 2-2005, Mátxcơva, Đại học Ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2005, 22 tr.

6- Quan hệ quốc tế hiện đại, Mátxcơva, Đại học ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2001.



([1]) Tuyển tập tư liệu mới về lịch sử vấn đề lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản, 2001. Dẫn theo:                - http://www.embjapan.ru/jrr/sovmest_sbornik.2.htm

([2]) Những nét mới trong quan hệ Nga – Nhật từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh tới nay nay Thông Tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo chủ nhật, 19-3-2006, tr. 14.

([3]) Quan hệ quốc tế hiện đại, Mátxcơva, Đại học Ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2001, tr. 372.

([4]) M.L. Chitarencô, Nga và Đông Á: Những vấn đề quan hệ quốc tế và quan hệ giữa các nền văn minh, Mátxcơva, Nxb. ấểìấẻÂẻ ẽẻậÅ, 1994, tr. 161.

([5]) Quan hệ Nga – Nhật: Triển vọng tiến triển Phân tích tư liệu, số tháng 2-2005, Mátxcơva, Đại học Ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2005, tr. 6.

([6]) Chính sách đối ngoại của Liên Bang Nga 1992-1999, Mátxcơva, Đại học Ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2000, tr. 260.

([7]) I.A. Latưsép “Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật trong giai đoạn hiện nayNga và Phư­ơng Đông trước thế kỷ XXI,  Mátxcơva, Viện Phư­ơng Đông, 1998, tr. 322.

(8) Nga và Phương Đông trước thế kỷ XXI, Mátxcơva, Viện Phương Đông, 1998, tr. 321.

([8]) I.A. Latưsép “Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật trong giai đoạn hiện nay” Nga và Phư­ơng Đông trước thế kỷ XXI,  sđd, tr. 327-328.

([9]) I.A. Latưsép “Hội nghị Cấp cao Nga - Nhật ở Tôkyô (9-2000) và Irơcuxcơ (3-2001)” // Những xu thế mới trong quan hệ quốc tế ở Châu Á, Mátxcơva, Viện Phương Đông, 2002, tr. 96-97.

([10]) The Daily Yomiuri, September 6, 2000.

([11]) Những xu thế mới trong quan hệ quốc tế ở Châu Á, Mátxcơva, Viện Phương Đông, 2002, tr. 106-107.

([12]) Báo Thương nhân (Nga), 26-3-2001.

([13]) Báo Hôm nay (Nga), 26-3-2001.

([14]) Báo Thời sự (Nga), 28-9-2004.

([15]) Quan hệ Nga – Nhật: Triển vọng tiến triển Phân tích tư liệu, sđd, tr. 11.

(17) Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 29-8-2006 Báo Nhân dân, 22-11-2005.

(18) Báo Nhân dân, 22-11-2005.

(19) I. Nacaxônê, Chiến lược quốc gia của Nhật Bản trong thế kỷ XXI, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2004, tr. 44.

0thảo luận