Trang chủ

TỔNG QUAN VỀ QUAN HỆ HÀN – MỸ

Đăng ngày: 17-04-2012, 16:00 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 6

1. Lịch sử quan hệ Hàn - Mỹ trước 1948

Năm 1948, Đại Hàn Dân Quốc ra đời, cùng với sự kiện này, quan hệ Hàn - Mỹ từ đây cũng được xác lập. Song, khi nói đến lịch sử mối quan hệ này, người ta thường nhắc đến một mốc khởi đầu xa hơn - ngày 22/5/1882, với việc ký kết Hiệp ước Hoà bình, Hữu nghị, Thương mại và Hàng hải giữa Triều Tiên* và Mỹ (The Treaty of Peace, Amity, Commerce and Navigation).(1) Đây là hiệp ước đầu tiên giữa Triều Tiên và một nuớc phương Tây. Hiệp ước năm 1882 xuất phát từ lợi ích của cả hai phía. Từ những năm 1830,  Mỹ đã từng muốn thiết lập quan hệ với Triều Tiên, trong khi đó Triều Tiên cũng muốn “mời gọi” những cường quốc khác vào như một đối trọng với hai nước láng giềng thù địch là Nhật và Nga.

Sau hiệp ước năm 1882, quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ bắt đầu có những tiến triển tốt đẹp. Trong thời gian từ 1882 - 1895, người Mỹ dẫn đầu trong các ngành công nghiệp chính đang phát triển ở Triều Tiên, bao gồm ngành khai thác mỏ, giao thông vận tải và ngành điện. Ví dụ, người Mỹ đã quản lý mỏ vàng Unsan, với sự tham gia làm việc của 70 người da trắng, gần 700 người Trung Quốc, hơn 2.000 công nhân Triều Tiên và rất đông người Nhật; xây dựng đường tàu lửa đầu tiên nối Seoul và Chemulp’o; nhà máy điện đầu tiên cũng được xây dựng bởi công ty Edison Electric của Mỹ vào năm 1885.(2)

Có thể nói, trong những năm cuối thế kỷ XIX, vùng đất mới mẻ này đã thu hút khá đông giới kinh doanh Mỹ vào đầu tư và triển khai các hoạt động buôn bán. Trong đó, thành công nhất phải kể đến hai công ty thương mại Mỹ, Jame R. Morse’s America Trading Company và Walter D. Townsend’s Townsend and Company in Chemulp’s. Chỉ tính trong vòng một năm, từ tháng 5/1883 đến tháng 5/1884, nhập khẩu của hai công ty này vào Triều Tiên đạt 175.000 USD, với các mặt hàng chủ yếu như vũ khí, đạn dược, đồ trang trí nội thất... Năm 1893, một dự án điện chiếu sáng ở Hoàng cung cũng được họ nhận lắp đặt với giá trị là 47.000 USD...

Quan hệ buôn bán giữa hai nước trong giai đoạn này, có thể nói, đã có những bước phát triển đáng kể. Tổng giá trị mà Triều Tiên nhập từ Mỹ đạt khoảng 10%. Những mặt hàng chủ yếu là dầu lửa, nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải... Trong đó, dầu lửa là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất, chiếm 1/3 trong số hàng hoá nhập khẩp từ Mỹ. Tiếp theo là các nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng giao thông như đường ray xe lửa, máy kéo... Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã xuất khẩu sang Mỹ một số mặt hàng nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp.(3)

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ rất mong muốn được quản lý hoàn toàn các hòn đảo ở Philippin, vì vậy họ sẵn sàng hy sinh tất cả những gì đã đầu tư ở Triều Tiên để đạt được tham vọng của mình. Ngày 27/7/1905, Mỹ đã ký kết một thỏa thuận với Nhật Bản xung quanh vấn đề Philippin, Viễn Đông và Triều Tiên. Theo thỏa thuận, Mỹ thừa nhận quyền ảnh hưởng của Nhật Bản tại Triều Tiên. Đổi lại, Nhật Bản bằng lòng để Mỹ tự do hoạt động ở Philippin. Sau thoả thuận này, hầu hết người Mỹ, chủ yếu là thương nhân, đã rút khỏi địa phận Triều Tiên.

Sau khi Nhật Bản thôn tính Triều Tiên, giai đoạn 1910-1945, quan hệ Triều Tiên - Mỹ (chủ yếu trên lĩnh vực thương mại) vẫn tiếp tục nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp. Hầu hết những hoạt động thương mại của Mỹ ở đây đều phải qua trung gian là Nhật Bản. Bảng 1 cho thấy, hàng hoá Triều Tiên xuất sang Mỹ và ngược lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Năm 1910 hàng hoá của Triều Tiên xuất khẩu sang Mỹ đạt 305 triệu USD (chiếm 1,7%), nhập khẩu đạt 3.024 triệu USD (chiếm 7,6%). Số liệu tương ứng, vào năm 1916 là  964 triệu USD (1,7%) và 6.551 triệu USD (0,8%), năm 1919 là  336 triệu USD (0,15%) và 24.812 triệu USD (8,6%). Rõ ràng, đây là những con số hết sức khiêm tốn trong quan hệ buôn bán giữa Triều Tiên và Mỹ, nếu so với buôn bán giữa Triều Tiên và Nhật Bản trong cùng thời điểm.

Nhìn chung, quan hệ Triều Tiên - Mỹ trước năm 1945 vẫn còn mang những đặc điểm của sự khởi đầu. Hay nói cách khác, quan hệ của Mỹ với Triều Tiên trong thời kỳ này chỉ là sự thể hiện những nỗ lực chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi buôn bán trên lĩnh vực kinh tế, riêng lĩnh vực an ninh chính trị quan hệ giữa hai nước vẫn chưa có gì đặc biệt.

Năm 1945, Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, thỏa thuận Maxcơva về Triều Tiên được ký kết nhằm xác lập một chế độ thác quản của bốn cường quốc và một ủy ban chung Mỹ - Xô thực thi. Trong đó, Mỹ tiếp quản Bán đảo từ vĩ tuyến 38o trở xuống. Thật ra, trước đây, khi Bán đảo Triều Tiên chịu sự chiếm đóng của Nhật Bản, Mỹ vẫn còn rất thờ ơ với điều này, bằng chứng là Mỹ sẵn sàng đánh đổi Triều Tiên để có được Philippin mà không hề có một phản ứng gay gắt nào. Thế nhưng, năm 1941, khi sự kiện Trân Châu Cảng xảy ra, Mỹ  buộc phải nhảy vào cuộc chiến để bảo vệ lợi ích sống còn của mình ở khu vực Đông Bắc Á. Lúc này, Mỹ cũng đã bắt đầu thay đổi thái độ đối với vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

Trong hội nghị Cairo (11/1943), Mỹ đã trực tiếp cam kết về tương lai của Triều Tiên. Ba nước Anh, Trung  Quốc và Mỹ tuyên bố rằng “trong thời điểm thích hợp” (4),  Triều Tiên sẽ được tự do và độc lập. Song, do Mỹ lo ngại rằng sau khi Nhật bại trận sẽ tạo nên khoảng trống quyền lực trên Bán đảo và Liên Xô có thể giành lấy cơ hội này để gây ảnh hưởng tại khu vực Đông Bắc Á, nên Mỹ chủ trương trì hoãn độc lập của Triều Tiên và thuyết phục Liên Xô chấp nhận một chế độ thác quản quốc tế tạm thời tại Hội nghị Ianta tháng 2/1945. Với thỏa thuận Maxcơva, Mỹ đã nhanh chóng chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên từ vĩ tuyến 38o trở xuống.

Vì mục tiêu bá chủ toàn cầu của mình, bắt đầu từ năm 1945, Mỹ đã triển khai các chương trình viện trợ quân sự và kinh tế cho Bán đảo Triều Tiên trên phần lãnh thổ mà họ chi phối. Tuy nhiên, phải đến năm 1948, sau khi chính phủ thân Mỹ của Tổng thống Synman Rhee ra đời, quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ mới thực sự được thiết lập. Mối quan hệ này trở nên sâu sắc hơn từ sau Chiến tranh Triều Tiên.


Bảng 1: Quan hệ buôn bán giữa Triều Tiên với Nhật và Mỹ (1910 - 1936)

(Đơn vị: nghìn USD)

Năm

Nhật Bản

Mỹ

Tổng giá trị buôn bán

Xuất Khẩu

Nhập khẩu

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Xuất khẩu

Nhập khẩu

1910

15.379

25.348

305 (1,7)*

3.024 (7,6)

17.914

39.782

1912

15.369

40.756

96 (0,5)

6.459 (9,6)

20.986

67.115

1914

28.587

39.047

92 (0,3)

6.127 (9,6)

34.389

63.231

1916

42.964

52.459

964 (1,7)

6.551 (8,8)

56.802

74.457

1918

137.205

117.273

116 (0,08)

10.341(6,5)

154.189

158.309

1919

199.849

184.913

336 (0,15)

24.812(8,6)

219.666

280.786

1934

407.693

439.622

312

5.083

?

?

1935

485.893

558.813

546

7.547

?

?

1936

518.047

647.918

993(0,17)

9.151(1,2)

594.456

762.256

* Phần trăm của Mỹ trong tổng số.

Nguồn: Bank of Chosen, History of Chosen Economy (Seoul, 1920), P.176; Government - General of Tyosen, Annual Report on Administration of Tyosen, 1936 -1937, P.73

 

2. Quan hệ Hàn - Mỹ  thời  kỳ 1948 - 1979

2.1. Giai đoạn 1948 - 1961

Chính thức thiết lập mối quan hệ vào năm 1948, với những mục đích khác nhau, song động cơ mà cả Hàn Quốc và Mỹ theo đuổi đều chịu sự chi phối từ lý do chính trị. Điều này đã tác động sâu sắc đến quan hệ Hàn - Mỹ trong suốt nhiều năm sau đó.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nam Bán đảo Triều Tiên được đặt dưới sự chiếm đóng của chính quyền quân sự Mỹ, nơi đây hầu như không có gì ngoài một đống đổ nát. Vì mục đích của mình, ngay từ  năm 1945, Mỹ đã bắt đầu có sự “quan tâm đặc biệt” đối với vùng đất này thông qua các khoản viện trợ. “Sự hào hiệp” của Mỹ được thể hiện đậm nét hơn khi chính phủ của Synman Rhee ra đời. Trong lúc đó, vốn ra đời trong một hoàn cảnh không mấy thuận lợi, cùng với sự tàn phá của Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) đã đẩy Hàn Quốc đến chỗ ngày càng phụ thuộc hơn vào viện trợ của Mỹ.

Rõ ràng, “viện trợ và nhận viện trợ” là một đặc điểm nổi bật trong quan hệ Mỹ - Hàn (1948 - 1961). Điều này được thể hiện rõ nét cả trong quan hệ an ninh chính trị cũng như kinh tế. Đây không phải là hiện tượng lạ. Bởi sau chiến tranh, với tiềm lực sẵn có của mình, Mỹ đã chi một khối lượng tiền khổng lồ cho các nước đồng minh thân tín, trong đó Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Hay nói cách khác, viện trợ là nhân tố chiếm vị trí chủ đạo cho kiểu “quan hệ một chiều” là đặc trưng chung trong quan hệ giữa Mỹ với các nước ở khu vực như: Đài Loan, Thái Lan và kể cả Hàn Quốc. Thông qua viện trợ, Mỹ từng bước chi phối tình hình chính trị tại các nước này. Đặc biệt, cuộc Chiến tranh Triều Tiên xảy ra đã làm cho Hàn Quốc và Mỹ càng gắn chặt vào nhau hơn. Dường như sau sự kiện này, không chỉ Mỹ mà cả Hàn Quốc cũng đã bắt đầu nhấn sâu vào trò chơi cân bằng quyền lực tại khu vực, “kể từ khi Mỹ dính líu đến cuộc Chiến tranh Triều Tiên, không những chỉ có Mỹ là một bộ phận liên quan đến sự cân bằng quyền lực trên toàn cầu và trong khu vực mà Hàn Quốc cũng là một bộ phận liên quan đến sự cân bằng quyền lực tại địa phương nhằm chống lại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”(5)

Có thể nói, điều kiện, hoàn cảnh và vị trí của mình đã làm cho Hàn Quốc không thể không dính líu đến cuộc chơi” của Mỹ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tuy rằng màu sắc của nó không phải lúc nào cũng giống nhau.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, và đặc biệt là sau Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đã phải đối mặt với quá nhiều khó khăn về kinh tế cũng như chính trị, buộc Tổng thống Synman Rhee phải đặt trọng tâm vào việc “ổn định đời sống xã hội”. Tham gia vào việc định hình mô hình này còn có sự giúp đỡ trực tiếp của Mỹ. Mỹ đã rót vào đây một lượng viện trợ khổng lồ để tái thiết và xây dựng Hàn Quốc theo quỹ đạo mà mình đã vạch sẵn. Theo đó, tất cả mọi vấn đề liên quan đến sự tồn vong của Hàn Quốc đều chịu sự chi phối của Mỹ, Chính phủ Hàn Quốc có tiếng nói hết sức mờ nhạt trong bất kỳ quyết định nào. Ngoài việc tận dụng tối đa những khoản viện trợ của Mỹ, Tổng thống Synman Rhee đã không đưa ra được một chính sách nào thực sự hiệu quả và hợp lý. Không phải ông không có ý đồ làm cho Hàn Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc ngày càng nặng nề vào Mỹ, song có lẽ đối với ông lúc này, Mỹ là chỗ dựa “vững chắc và an toàn” nhất của mình, nên “không dám” có những hành động làm “tổn hại” đến mối quan hệ này. Thực chất, ông có thể vừa “dựa” vào Mỹ vừa đưa ra những chính sách hợp lý hơn để phát triển đất nước. Thế nhưng, Synman Rhee và chính phủ của mình đã không làm được điều đó. Phải chăng, chính phủ của Synman Rhee đã “không thật sự nhận thức được” rằng lợi ích bao giờ cũng là nền tảng và yếu tố hàng đầu chi phối chính sách ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào? Tất nhiên, quan hệ Hàn - Mỹ được xác lập dựa trên lợi ích của cả hai phía, nhưng trong thời kỳ này, cái gọi là “lợi ích” mà Hàn Quốc có được đã không mang lại một kết quả tốt đẹp mà người dân nước này thực sự mong muốn. Viện trợ chỉ là “phương tiện”“vỏ bọc” mà Mỹ sử dụng để đạt được mục đích cuối cùng của mình. Mục đích của Mỹ ở Hàn Quốc không đơn thuần là việc xây dựng đất nước này thành một quốc gia vững mạnh, mà xa hơn Mỹ muốn biến Hàn Quốc thành một công cụ hữu hiệu để có thể ngăn chặn “mối đe doạ” từ Liên Xô, Trung Quốc, cũng như phục vụ lâu dài những mưu đồ chính trị của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Không phải không nhận thức rõ điều này, song sau nội chiến, dường như chính phủ của Synman Rhee lúc nào cũng sẵn sàng chuẩn bị cho một “hiệp đấu” tiếp theo, và điều đó đã đẩy Hàn Quốc đến chỗ ngày càng phụ thuộc hơn vào Mỹ. Quan hệ Hàn - Mỹ (1948 - 1961) nổi bật lên một đặc trưng là dựa trên cơ sở lợi ích an ninh và quốc phòng với tư cách là yếu tố chi phối hàng đầu.

Nhìn chung, trong suốt gần hai thập kỷ, chính phủ của Synman Rhee vẫn chưa làm được điều mà mình mong muốn “phát triển kinh tế để duy trì độc lập”. Trái lại, để tồn tại, họ buộc phải dựa vào Mỹ. Những khoản viện trợ khổng lồ của Mỹ lúc này thực sự là “cứu cánh” đối với họ. Những chính sách cứng nhắc, thiếu hiệu quả của chính phủ lúc bấy giờ đã làm cho nền kinh tế vốn nặng tính phụ thuộc của Hàn Quốc sau chiến tranh càng phụ thuộc hơn vào Mỹ. Vì vậy, quan hệ Mỹ - Hàn trong suốt thời kỳ 1948 - 1961 cũng không thể nào thoát ra khỏi hình thức “kẻ cho - người nhận”. Quan hệ một chiều - đặc trưng nổi bật trong giai đoạn này được thể hiện đậm nét trong tất cả các lĩnh vực.

2.2. Giai đoạn 1961 - 1979

Sang thập niên 1960, khi tướng Park Chung Hee lên nắm quyền, nền kinh tế Hàn Quốc đang ở trong tình cảnh hết sức khó khăn. Hầu hết người dân Hàn Quốc đều lâm vào cảnh nghèo khổ. Do, ngoài việc tận dụng tối đa nguồn viện trợ nước ngoài mà chủ yếu là từ Mỹ, chính phủ của Tổng thống Synman Rhee (1948 - 1961) không có một chiến lược tăng trưởng rõ ràng nào hơn ngoài việc đẩy mạnh toàn diện sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Mối quan tâm lớn của Tổng thống Synman Ree là chính trị, và những chính sách kinh tế của chính phủ ông đều tập trung vào thay thế nhập khẩu dựa trên tỷ giá hối đoái, đồng nội tệ được định giá cao và dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài. Đứng trước tình hình này, Tổng thống Park đã quyết định thực hiện bước chuyển đổi chiến lược phát triển kinh tế Hàn Quốc. Triết lý của ông là “Đối với những người nghèo, bên bờ vực của sự chết đói như người dân Hàn Quốc, thì kinh tế được đặt ưu tiên cao hơn chính trị trong đời sống hàng ngày của họ và việc thực thi dân chủ là điều vô nghĩa”. “Suchul ipguk” (xây dựng đất nước thông qua xuất khẩu) là câu châm ngôn ưa thích của Tổng thống Park. “Trước hết là xuất khẩu” là một thành ngữ ưa thích khác của ông, và đã được các nhà kinh doanh Hàn Quốc chấp nhận.(6) Cho đến nay, vẫn không ai có thể phủ nhận tính ưu việt của chính sách phát triển kinh tế mà Park Chung Hee đã lựa chọn trong thời điểm bấy giờ. Thật sự, chiến lược phát triển hướng ra bên ngoài dựa trên việc đẩy mạnh xuất khẩu đã làm cho bộ mặt Hàn Quốc thay đổi nhiều so với trước.

Sự chuyển biến có tính chất bước ngoặt của nền kinh tế Hàn Quốc kể từ khi chính phủ Park Chung Hee lên nắm quyền đã tác động sâu sắc đến quan hệ Hàn - Mỹ. Quan hệ Hàn - Mỹ (1961 - 1979) bước sang một thời kỳ mới, trong thời kỳ này, quan hệ kiểu chi phối, phụ thuộc bắt đầu giảm dần, thay vào đó là kiểu quan hệ cạnh tranh bình đẳng giữa hai đối tác. Cùng với việc Mỹ cắt giảm viện trợ và sự sụp đổ của chính quyền Synman Rhee, quan hệ kiểu “viện trợ và nhận viện trợ” trong giai đoạn 1948 - 1961 cũng không còn nữa. Rõ ràng, Mỹ không thể mãi đóng vai trò là một nhà viện trợ “hào hiệp” mang đến cho Hàn Quốc một khối lượng lớn viện trợ khổng lồ như thời kỳ sau chiến tranh. Bởi, cuối những năm 1960, và đặc biệt là từ những năm 1970, dù vẫn là một nước đứng đầu tư bản về kinh tế, nhưng giờ đây vị trí của Mỹ so với trước đã giảm sút nhiều.

Trước sự tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc cùng với những khó khăn trong nước, Mỹ đã quyết định giảm dần đi đến ngưng hẳn viện trợ cho nước này. Trong lúc đó, Park Chung Hee lên nắm quyền trong tình cảnh đất nước còn bộn bề khó khăn. Những chính sách của chính phủ tiền nhiệm không những không đưa đất nước thoát khỏi bế tắc mà còn làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, lạm phát leo thang, nợ nước ngoài ngày càng tăng...gây tâm lý bất ổn đối với mọi tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, nếu Mỹ không cắt giảm viện trợ thì chính phủ của Park Chung Hee cũng không thể trông cậy hoàn toàn vào “khoản thu” này. Bởi, hơn ai hết, Tổng thống Park nhận thức được rằng viện trợ Mỹ dù có lớn lao đến mấy cũng không thể thay thế nguồn thu nhập chính của quốc gia được. Cũng chính vì vậy, mà ông đã chuyển chiến lược thay thế nhập khẩu sang chiến lược hướng vào xuất khẩu. Trên thực tế, điều này đã góp phần làm thay đổi đáng kể quan hệ Hàn - Mỹ. Mỹ đã không, và cũng không thể mãi đóng vai trò là một “nhà bảo trợ”, và Hàn Quốc cũng không thể cứ phụ thuộc mãi vào Mỹ. Tất nhiên, phải thừa nhận rằng, sự cắt giảm viện trợ của Mỹ đã ít nhiều tác động đến những chính sách của Hàn Quốc lúc bấy giờ, như một nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã nhận xét: “Mỹ càng ít hành động giống như một nhà bảo trợ thì Hàn Quốc càng ít phụ thuộc vào Mỹ”.(7)Điều này hoàn toàn không phải là một nghịch lý.

Nếu vào giai đoạn trước, chính phủ đặt chính trị lên trên kinh tế, thì vào giai đoạn này, Tổng thống Park Chung Hee đã đặt kinh tế lên trên quân sự. Dù là một tướng lĩnh quân sự, song chính quyền của Tổng thống Park Chung Hee đã không theo cam kết chuẩn bị quân sự như chính phủ của Tổng thống Synman Rhee. Ông thừa nhận thực tế tồn tại của hai miền và triệt để khai thác sự bảo trợ về quân sự của Mỹ, hạn chế chi tiêu ở lĩnh vực này để dành nguồn tích luỹ cho phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp. Với hàng loạt chính sách và biện pháp tích cực trong vấn đề quản lý đất nước và phát triển kinh tế, chính phủ hiện thời đã dần đưa đất nước Hàn Quốc thoát khỏi những bế tắc. Theo đó, quan hệ Hàn - Mỹ cũng không còn giống trước nữa. Nói cách khác, những nỗ lực từ phía Hàn Quốc cùng với sự “giúp đỡ” của Mỹ, sang những năm 1960, Hàn Quốc đã thoát dần khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, tạo cho mình một thế đứng độc lập hơn.

Khác với thời kỳ trước, quan hệ Mỹ - Hàn trong thời kỳ này không mang đậm tính chất “viện trợ một chiều”, mà kiểu quan hệ mang tính cạnh tranh bình đẳng và hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực đã bắt đầu dần dần hình thành. Trong suốt thập niên 1960, Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho Hàn Quốc tuy vào cuối thời gian này số lượng đã bắt đầu giảm. Với tham vọng tạo ra “một nước Hàn Quốc đủ mạnh” và một nước Hàn Quốc không trở thành gánh nặng cho ngân sách của mình, ngoài việc duy trì một nguồn viện trợ nhất định cũng như mở rộng các hình thức cho vay, đầu tư trực tiếp,... Mỹ sẵn sàng mở cửa ưu tiên tiếp nhận những mặt hàng được sản xuất từ nguồn lao động dồi dào với giá hạ của Hàn Quốc. Đây là một đóng góp rất lớn vào sự thành công của chiến lược hướng về xuất khẩu mà chính phủ Park Chung Hee đã đề ra vào đầu những năm 1960.

Nhờ có nhiều biện pháp khuyến khích xuất khẩu, chính sách phát triển kinh tế tích cực và những nhân tố trong nước tạo lợi thế cạnh tranh ở một số ngành, đặc biệt là thị trường Mỹ mở rộng cửa cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc, do đó xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng lên nhanh chóng. Nếu vào năm 1961, xuất khẩu của Hàn Quốc vào Mỹ mới đạt 6,9 triệu USD, thì một năm sau đã tăng gấp đôi với con số là 12 triệu USD, và chỉ sau 6 năm (1967), tăng tới 20 lần, đạt con số 137,4 triệu USD. Đến năm 1971, xuất khẩu của Hàn Quốc vào Mỹ đã lên tới 531,8 triệu USD, tăng 77 lần so với năm 1961. Thu nhập từ xuất khẩu của Hàn Quốc vào cuối những năm 1960 đã trở thành nguồn tài chính chủ yếu đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. Xuất khẩu của Hàn Quốc vào thị trường Mỹ đã vượt xa mức viện trợ bình quân hàng năm của giai đoạn 1961 – 1971.(8)

Bước sang thập niên 1970, quan hệ Hàn - Mỹ bắt đầu thực sự biến đổi. Lúc này, do tình hình trong nước và trên thế giới có nhiều biến động nên Mỹ đã điều chỉnh chính sách của mình, đặc biệt là đối với các nước ở khu vực Châu Á. Cụ thể, ở Hàn Quốc, Mỹ đã cắt giảm viện trợ  kinh tế và kể cả quân sự, chuyển quan hệ kiểu viện trợ sang quan hệ kiểu cho vay.

Vào đầu những năm 1960, Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Hàn Quốc, tuy nhiên, con số này bắt đầu giảm dần vào cuối những năm 1960, và giảm mạnh trong suốt thập niên 1970. Đặc biệt, học thuyết Nixon ra đời đã làm cho quan hệ Hàn - Mỹ đã có những thay đổi đáng kể. Rõ ràng “cuộc chơi miễn phí” của Mỹ đã đến hồi kết thúc. Mỹ đã bắt đầu tính đến những chính sách nhằm làm giảm bớt “gánh nặng” tại các nước phi cộng sản ở Châu Á. Đối với Hàn Quốc, học thuyết này không những đã báo trước sự kết thúc “mối quan hệ đặc biệt” của họ với Mỹ mà còn đưa ra yêu cầu Hàn Quốc cần phải đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại của mình chứ không chỉ nhằm tới tiêu điểm Washington như những năm vừa qua nữa.

Sang thập niên 1970, uy tín và vị thế của Mỹ bị giảm sút nghiêm trọng do thất bại ở Việt Nam, sự sụp đổ hệ thống tiền tệ Bretton Woods và cuộc khủng hoảng dầu lửa. Mỹ vừa chịu sự cạnh tranh kinh tế gay gắt của đồng minh Nhật Bản vừa phải đương đầu với sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô ở khu vực mà lúc này đã giành được thế cân bằng về hạt nhân chiến lược của Mỹ. Từ năm 1971, Nixon đã thừa nhận thế giới đang phát triển theo xu hướng đa cực hoá, bắt đầu hình thành năm trung tâm quyền lực là Mỹ, Liên Xô, Tây Âu, Nhật  Bản và Trung Quốc.

Trước tình hình đó, chính quyền Nixon, Ford, Carter thực hiện chính sách hoà dịu với Liên Xô để tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn nội bộ của nước Mỹ và ở các khu vực khác trên thế giới, nhất là Trung Đông và Châu Âu. Lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung, Mỹ thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc để sử dụng con bài này kiềm chế Liên Xô mở rộng ảnh hưởng. Đối với các nước tay sai khác, Mỹ chỉ giương cái ô hạt nhân”, các nước này phải tự lực phòng thủ là chính, khi cần thiết, Mỹ mới giúp đỡ bằng lực lượng không quân và hải quân, viện trợ hậu cần, khi thật cần thiết mới dùng một ít lực lượng lục quân Mỹ. Mỹ chủ trương không “can thiệp sâu” vào nội bộ của các nước một khi những gì xảy ra ở đây không tổn hại đến quyền lợi của Mỹ. Thực sự, cuộc Chiến tranh Việt Nam và bài học đau đớn của nó đã tác động sâu sắc đến chính sách của Mỹ đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố của Tổng thống Nixon: Mỹ phải tránh chính sách làm cho các nước Châu Á phụ thuộc vào mình, bởi vì điều đó sẽ cuốn nước Mỹ vào những xung đột như đã từng xảy ra ở Việt Nam” .(9)

Không thể khác, chính phủ nước này đã chủ động xây dựng những chương trình phát triển kinh tế táo bạo, đôi chút phiêu lưu nhưng đầy hiệu quả nhằm đảm bảo cho sự tồn tại của mình. Sự tác động kết hợp giữa hai yếu tố từ phía Mỹ lẫn phía Hàn Quốc đã đặt dấu kết thúc cho kiểu quan hệ chi phối phụ thuộc giữa Mỹ và Hàn Quốc. Thay vào đó là kiểu quan hệ bình đẳng, cạnh tranh và hợp tác giữa hai đối tác.

3. Quan hệ Hàn - Mỹ  từ 1979 đến nay

Sang thập niên 1980, quan hệ Hàn - Mỹ về an ninh chính trị vẫn tiếp diễn, chính sự phát triển quan hệ đồng minh ngày càng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực khiến Mỹ coi việc bảo vệ Hàn Quốc là một lợi ích căn bản của chính mình. Mục tiêu dính líu của Mỹ đối  với quốc  gia này hầu như không thay đổi là ngăn chặn cuộc tấn công của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Và thái độ của Hàn Quốc đối với Cộng Hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên như thế nào cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ “máu thịt” mà hai nước đã duy trì bấy lâu .(10)

Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ luôn nắm Hàn Quốc trong vòng ảnh hưởng của mình nhằm phục vụ cho các lợi ích an ninh của Mỹ. Điều này được thể hiện qua việc Mỹ thúc ép Hàn Quốc đưa vào chương trình nghị sự vấn đề tên lửa và hạt nhân của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, gây sức ép buộc Hàn Quốc không được thảo luận vấn đề tồn tại quân đội Mỹ trong các cuộc đàm phán. Mặt khác, sức mạnh của Mỹ giờ đây cũng không còn giống trước nên Mỹ ưu tiên cho phát triển kinh tế và có những điều chỉnh trong các cam kết an ninh với Hàn Quốc. Tổng thống Clinton tuyên bố “Mỹ không có ý định gánh vác mọi chi phí cho sự hiện diện quân sự của mình ở Châu Á và các trách nhiệm cho vai trò lãnh đạo khu vực khi điều đó làm cản trở sự tăng trưởng của Mỹ”. Vì vậy, Mỹ coi trọng vai trò hỗ trợ của Hàn Quốc trong việc chia sẻ gánh nặng phòng thủ và phối hợp giải quyết các vấn đề an ninh trên Bán đảo.

Trên lĩnh vực kinh tế, quan hệ Hàn - Mỹ đã bắt đầu xuất hiện xung đột ngay từ thập niên 1980. Vào thời điểm này, Hàn Quốc đã trở thành một trong năm nước xuất siêu đứng đầu thế giới cùng với Nhật Bản, Đức, Đài Loan và Canada. Xuất siêu của Hàn Quốc với Mỹ tăng từ 4,3 tỷ USD năm 1985 lên đến 9,6 tỷ USD vào năm 1987. Mỹ lúc đó là đối tác buôn bán lớn nhất và chiếm hầu hết cán cân thương mại của Hàn Quốc. Quan hệ kinh tế  Hàn - Mỹ ngày càng phụ thuộc vào cán cân thương mại. Các nhà kinh tế đã cho rằng, nếu xu thế này tồn tại thì quan hệ “con nợ”“chủ nợ” trước đây giữa hai nước sẽ bị đảo ngược. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ kêu gọi Hàn Quốc tự do hoá mậu dịch và nâng giá đồng won để giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Trong lúc đó, Hàn Quốc lại cho rằng Mỹ mạnh hơn nhiều so với Hàn Quốc, và việc Hàn Quốc mở cửa thị trường với Mỹ sẽ gây nên sự sụp đổ của nhiều ngành công nghiệp, làm thiệt hại nghiêm trọng cho nền nông nghiệp trong nước. Dường như họ vẫn đang giữ “tâm lý nước đang phát triển” và hy vọng nhận được sự “đối đãi đặc biệt” của Mỹ cũng như các nước tiên tiến khác. Về phía mình, người Mỹ lại  cho rằng “Hàn Quốc có thể là Nhật Bản thứ hai” và quan hệ thương mại  Hàn - Mỹ về cơ bản giống như quan hệ Mỹ - Nhật(11).

Chính quyền Mỹ đánh giá cao vị trí Châu Á - Thái Bình Dương đối với việc triển khai chiến lược kinh tế phục hưng nước Mỹ. Mục tiêu kinh tế của Mỹ là “tiếp tục thúc đẩy quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư thông qua APEC, thúc đẩy xuất khẩu sang các nước Châu Á thông qua các biện pháp nhằm mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho giới kinh doanh Mỹ”. Mỹ cho rằng nhiều nước trong khu vực không công bằng trong đầu tư và thương mại, vì vậy mục tiêu của Mỹ là đòi khu vực mở cửa thị trường tiến tới tự do hoá đầu tư và thương mại. Để đạt được mục tiêu này, trong quan hệ song phương, Mỹ đòi các nước mở cửa thị trường cho hàng hoá và cơ hội kinh doanh cho các công ty của Mỹ. Mỹ sẵn sàng đe doạ hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những nước mà Mỹ cho là không công bằng trong luật chơi. Tất nhiên, trong trường hợp này, Hàn Quốc cũng không thể là một ngoại lệ, dù cho điều này đã  từng xảy ra với họ trước đây.(12) Dẫu biết rằng, Mỹ vẫn là đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh và xu thế mới, mối quan hệ Hàn - Mỹ cũng không còn giống trước. Giờ đây, quan hệ buôn bán giữa hai nước trở thành quan hệ cạnh tranh, những xung đột thương mại ngày càng tăng. Bởi, khi mối quan hệ đã được đặt trên cơ sở các nhu cầu thực sự lợi ích cho cả hai phía thì một mặt nó phản ánh cách tiếp cận đúng đắn thiết thực của cả hai bên, song mặt khác những khó khăn thực sự cũng nảy sinh. Bản chất của quan hệ  Hàn - Mỹ đang trên đà phát triển nhưng đã có sự thay đổi. Những năm gần đây, khi nền kinh tế Hàn Quốc đã phát triển tương đối toàn diện, Washington đã bắt đầu coi Hàn Quốc như một quốc gia phát triển. Và những ưu tiên mà Mỹ dành cho nước này trước đây cũng không còn nữa. Hàn Quốc cùng với Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Canada và Trung Quốc được Tổng thống B.Clinton coi là 6 đối tác thương mại lớn nhất mà Mỹ phải quan tâm đặc biệt trong việc giám sát và tuân thủ hiệp định thương mại.(13)

Dường như tầm quan trọng của liên minh  Hàn - Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu giảm trong vài năm sau Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là trong quanh hệ kinh tế. Tỷ phần của Mỹ trong tổng giá trị thương mại Hàn Quốc đạt 30% năm 1987 đã giảm xuống 21% vào năm 1993. Trong giai đoạn 1990 - 1992, đầu tư của Mỹ vào Hàn Quốc giảm tới 20%. Cho dù vậy thì Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc lúc bấy giờ.(14)

Đầu tư của Mỹ vào Hàn Quốc tăng trở lại vào giữa thập niên 1990. Năm 1995, đầu tư của Mỹ vào Hàn Quốc đạt hơn 5,3 tỷ USD, tăng 30 % so với mức 4,1 tỷ USD năm 1994. Cùng với Nhật Bản, Mỹ là nguồn cung cấp công nghệ tiên tiến và đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng nhất của nước này.(15) Đồng thời, vào  giữa thập niên 1990, thị trường xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng lên nhanh chóng. Vào năm 1995, Hàn Quốc đã vượt Đức và trở thành nước có thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 đối với Mỹ, đứng sau Canada, Nhật Bản, Mêxicô và Anh. Hàn Quốc có rất nhiều  lý do để hy vọng rằng, trong một tương lai gần, họ sẽ vượt qua các nước này. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế của Hàn Quốc trong những thập niên gần đây, không cho phép nước này tiếp tục trông chờ vào Mỹ bất kỳ sự “ưu tiên” nào; và từ lâu, Hàn Quốc cũng không còn là “một nền kinh tế tầm gửi” nữa, nên việc Mỹ đặt Hàn Quốc như một nước ngang hàng trong những hợp đồng thương mại như Washington đã ký với Nhật Bản là điều khó tránh khỏi.

Vào tháng 7 năm 1996, Hàn Quốc đã lọt vào danh sách những nước được ưu tiên trong lĩnh vực  viễn thông của Chính phủ Mỹ. Các quan chức  thương mại Mỹ tuyên bố rằng, Chính phủ Hàn Quốc đang can thiệp vào việc mua bán các thiết bị vận chuyển cá nhân để ngăn chặn việc mua sản phẩm của Mỹ. Lời tuyên bố này bị phản đối một cách mạnh mẽ bởi các nhà cầm quyền Hàn Quốc, mặc dù họ đã thành công trong việc giải quyết một số hiệp định với Mỹ.

Trên thực tế, Hàn Quốc rất quan tâm đến việc giảm bớt căng thẳng trong quan hệ thương mại với Washington, thế nhưng xung đột thương mại vẫn tiếp tục xảy ra. Đối phó với hành động của Mỹ chống lại Hàn Quốc trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hàn Quốc quyết định lập hồ sơ trình lên WTO để phản đối Washington hạn chế việc hạ giá ti vi màu của công ty điện tử Samsung (SEC). Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc phát đơn kiện lên WTO. Trước khi hành động như vậy, Hàn Quốc đã rất kiên trì yêu cầu phía Mỹ ngừng ngay việc chống hạ giá chống lại SEC. Có lẽ, đúng như một vài nhà quan sát địa phương đã nhận xét, Washington được coi như một đối tác thương mại lớn nhất, đó là nguyên nhân cọ sát thương mại thường xuyên xảy ra với Hàn Quốc.(16) Cũng phải thừa nhận rằng, tính hiệu quả luôn được đặt lên hàng đầu trong quan hệ hợp tác giữa Mỹ với một nước khác. Lợi ích bao giờ cũng là yếu tố chỉ đạo sự hợp tác giữa Mỹ với nước thứ hai. Song, khách quan mà nói, trong quan hệ hợp tác, xét về toàn cục, không bao giờ chỉ một bên được và bên kia mất. Rõ ràng, bản chất quan Hàn - Mỹ trong trật tự thế giới mới sau Chiến tranh Lạnh vẫn tiếp tục nhưng đã mang màu sắc khác trước. Quan hệ “viện trợ và nhận viện trợ” hay quan hệ “một chiều” của những năm 1950, 1960 giữa Hàn Quốc và Mỹ giờ đây không còn nữa, thay vào đó là một mối quan hệ bình đẳng thực sự giữa hai đối tác. Tất cả mọi vấn đề đều được đặt trên cơ sở lợi ích mà cả hai đang hướng đến.

4. Vài  lời kết

Hàn Quốc và Mỹ đã thiết lập quan hệ cách đây hơn một thế kỷ, kể từ Hiệp ước Hoà bình, Hữu nghị, Thương mại và Hàng hải (22/5/1882). Song, nhìn chung quan hệ Hàn Quốc - Mỹ trước năm 1948 vẫn còn mang những đặc điểm của sự khởi đầu. Nói đúng hơn, quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ trong thời kỳ này chỉ là sự thể hiện những nỗ lực chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi buôn bán trên lĩnh vực kinh tế, riêng lĩnh vực an ninh chính trị quan hệ giữa hai nước vẫn chưa có gì đặc biệt.

Thiết lập trên cơ sở những động cơ chính trị, hơn là những lý do kinh tế, nên quan hệ Hàn - Mỹ trước khi Tổng thống Park Chung Hee lên nắm quyền, chịu sự chi phối mạnh mẽ của vấn đề an ninh và phòng thủ. Hay nói cách khác, vấn đề an ninh phòng thủ, chính trị đã nổi bật lên với tư cách là mối quan tâm hàng đầu của cả Mỹ lẫn Hàn Quốc. Quan hệ kinh tế chỉ được đặt ở hàng thứ yếu, vì vậy kết quả thu được là không đáng kể. Hơn nữa, ngoài sự chi phối, lấn át bởi nỗi ám ảnh, lo âu về an ninh và những rối ren của tình hình chính trị, thì nền kinh tế non trẻ, nặng tính phụ thuộc của Hàn Quốc lúc bấy giờ thiếu quá nhiều điều kiện để có thể thiết lập một mối quan hệ thực sự với Mỹ mà không vấp phải một số khó khăn nhất định. Đó không phải là hạn chế riêng của quan hệ Hàn - Mỹ. Cùng thời điểm, quan hệ của một số nước trong khu vực với Mỹ cũng vấp phải những khó khăn tương tự.

Nhìn chung, quan hệ Hàn - Mỹ đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ trong suốt quá trình phát triển của Hàn Quốc. Ở vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vận mệnh an ninh của Hàn Quốc gắn chặt với Mỹ. Sau Chiến tranh Lạnh, khi tình hình quốc tế và khu vực đã có nhiều thay đổi, cả Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định lại tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Hàn. Phát biểu với phóng viên tạp chí Hoàn cầu (7/2003), Tổng thống Roh Moo Hyun đã khẳng định: “Trong 50 năm qua, Hàn Quốc và Mỹ luôn duy trì đồng minh vững chắc. Mối quan hệ đồng minh hữu hảo và hợp tác này từ nay về sau sẽ tiếp tục được duy trì không thay đổi, hai nước đều cố gắng phát triển mối quan hệ hợp tác chín muồi và cùng có lợi”.

Trên lĩnh vực kinh tế, quan hệ kinh tế Hàn - Mỹ cũng là xương sống của nền kinh tế Hàn Quốc. Dưới thời Synman Rhee, với những khoản viện trợ to lớn của mình, Mỹ đã kéo Hàn Quốc thoát ra khỏi đống đổ nát sau chiến tranh. Trong những năm phát triển kinh tế mạnh mẽ, Hàn Quốc nhận được nhiều sự giúp đỡ và được hưởng một thị trường mở rộng cửa của Mỹ. Hiện nay, quan hệ buôn bán giữa hai nước trở thành quan hệ cạnh tranh, những xung đột thương mại ngày càng tăng. Bởi, khi mối quan hệ đã được đặt trên cơ sở các nhu cầu thực sự lợi ích cho cả hai phía, thì một mặt, nó phản ánh cách tiếp cận đúng đắn thiết thực của cả hai bên, song mặt khác, những khó khăn thực sự cũng nảy sinh. Bản chất của quan hệ Hàn - Mỹ  đang trên đà phát triển nhưng đã có sự thay đổi. Những năm gần đây, khi nền kinh tế Hàn Quốc đã phát triển tương đối toàn diện, Washington bắt đầu coi Hàn Quốc như một quốc gia phát triển và xung đột thương mại giữa hai nước đã xuất hiện. Tuy nhiên, cả hai đều có nhiều nổ lực để giải quyết xung đột nhằm gạt bỏ những trở ngại trên con đường phát triển quan hệ Hàn - Mỹ trong tương lai.

Nhìn lại chặng đường mà Hàn Quốc đã đi qua, chúng ta không thể không nhận thấy sự phát triển kinh tế thần kỳ của họ. Câu hỏi mà rất nhiều người đang đặt ra là liệu Hàn Quốc có còn đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh không? Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, việc hoạch định một chính sách đối ngoại sao cho phù hợp với tình hình mới để có thể phát triển đất nước trong một cơ chế mới với những trật tự mới là một việc làm hết sức cần thiết. Quan trọng nhất là Hàn Quốc phải tìm cách xác định cho mình một thế đứng độc lập để có thể mở rộng giao tiếp, hợp tác trong cơ chế đa phương bình đẳng có lợi cho mình, song vẫn tôn trọng lợi ích của người khác, đặc biệt là tránh sự chi phối của bất kỳ đối tác quan hệ nào, kể cả Mỹ.

 

BÙI THỊ KIM HUỆ

(Đại học Khoa học Huế)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Ngô Xuân Bình, Phạm Quý Long (2002), Hàn Quốc trên đường phát triển, Nxb Thống Kê, Hà Nội.

2. Byung Nak Song (2002), Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy, NxbThống Kê, Hà Nội.

3. Học Viện Quan Hệ Quốc Tế(2003), Quan hệ của Mỹ với các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Võ Hải Thanh(2000) , “Các biện pháp kinh tế chủ yếu của Chính phủ Hàn Quốc cho quá trình thống nhất bán đảo Triều Tiên”, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, 5 (29),  tr. 48 - 54.

5. Thông tấn xã Việt Nam (2003), “Quan điểm của Roh Moo Hyun là giải quyết hoà bình vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên”, Tài liệu tham khảo đặc biệt,(158), tr. 1 - 4.

6. Lê Bá Thuyên(1997), Hoa Kỳ cam kết và mở rộng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington(1998), Đánh  giá chiến lược các điểm nóng và cơ cấu lực lượng  thế giới, Nxb Công An, Hà Nội.

8. Ahn Byung – joon(1996), “Korea - U. S Alliance Toward Unification”, Korea Focus, Vol. 4, No.2,PP. 5 - 19.

9. C. Fred Bergsten, Il Sakong editors(1996), Korea - United states Cooperation in the New World Order, Institute for Global Economics, Seoul, Korea.

10. Honggue Lee(1996), Challenges and Responses in New Trading Environment: A Korea Perspective, Korea Development institute, Seoul, Korea.



 

* Triều Tiên là tên triều đại phong kiến cuối cùng trên Bán đảo Hàn (Choson: 1392-1910) (Biên tập chú thích).

(1) Edited by Youngnok Koo and Dae - sook Suh(1988), Korea and the United States - A Century of Cooperation, University of Hawaii Press, Honolulu, Tr.22.

(2) Như trích dẫn (1), Tr.224.

(3) Sung - Joo Han Editor (1982), After one Hundred years: Continuity and Change in Korean - American Relations, Asiatic Research Center Korea University, Seoul, Korea, Tr.21

 

(4) Như trích dẫn (1), Tr.229.

(5) Ahn Byung – joon(1996), “Korea - U. S Alliance Toward Unification”, Korea Focus, Vol. 4, No.2, PP. 5 – 19, Tr.6.

(6) Byung Nak Song(2002), Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy, Nxb Thống Kê, Hà Nội, Tr.154.

(7) Ungsuh K. Park(1988), Korea and Her Neighboring Economies, Seoul Nation University Press, Seoul, Korea,Tr.207.

(8) Như trích dẫn (3), Tr. 251.

(9) Như trích dẫn (3), Tr.254

(10) Park Bong - Shik, Changing Korea - U.S Relations, Korea Focus, Vol.3, No.5, 1995, pp. 13 – 23.

(11) Như trích dẫn (7), tr.313, 319.

(12) Học Viện Quan Hệ Quốc Tế(2003), Quan hệ của Mỹ với các nước lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr.105;106.

(13) Ngô Xuân Bình, Phạm Quý Long (2002), Hàn Quốc trên đường phát triển, Nxb Thống Kê, Hà Nội, Tr115.

(14) C. Fred Bergsten, Il Sakong editors(1996), Korea - United states Cooperation in the New World Order, Institute for Global Economics, Seoul, Korea, Tr.72.

(15) Honggue Lee(1996), Challenges and Responses in New Trading Environment: A Korea Perspective, Korea Development institute, Seoul, Korea, Tr. 211.

(16) Như trích dẫn (7), Tr.116.

0thảo luận