Trang chủ

HIKIKOMORI – HỘI CHỨNG “LỆCH CHUẨN” CỦA THANH, THIẾU NIÊN NHẬT BẢN HIỆN NAY

Đăng ngày: 17-04-2012, 15:39 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 6

Theo công bố của trang web Phúc lợi NHK (Nihon Hikikomori Koyukai) của Nhật Bản, tính đến năm 2005, ở Nhật có 1 triệu 600 nghìn người mắc bệnh và 3 triệu người có biểu hiện tiền hội chứng Hikikomori, tất cả họ đều còn trẻ và rất trẻ. Nhìn ở góc độ rộng,  thì đây quả là một tổn thất cho lực lượng lao động ở một đất nước có tỷ lệ người già cao như Nhật Bản hiện nay. Nó đang được các nhà chức trách, các phương tiện truyền thông, như: báo chí, truyền hình,… đề cập đến như một “hiện tượng” và, theo cách nói của nhiều nhà phân tích, đang tạo ra một gánh nặng cho xã hội Nhật Bản hơn cả gánh nặng do căn bệnh ung thư mang lại.

1. Khái niệm Hikikomori

Bệnh nhân mắc hội chứng Hikikomori xuất hiện đầu tiên ở Nhật Bản vào khoảng những năm giữa của thập kỷ 1980 và cho đến nay, thì số người mắc bệnh đã chiếm khoảng1% dân số Nhật Bản.

Về mặt ngôn ngữ, chữ Hikikomori được viết bằng chữ Nhật 引?き篭もり?, được ghép bởi hai chữ 引?き(hiki) và 篭もり?(komori),  ghép hai chữ này có nghĩa là “rút lui”. Thuật ngữ này được bác sĩ Tamaki Saito, Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Sofukai Sasakai, Ngoại ô Tokyo, một chuyên gia số một về hội chứng Hikikomori,  dùng để chỉ những thanh, thiếu niên Nhật Bản ở độ tuổi từ 13~29, sống giam mình trong phòng, tách biệt với xã hội bên ngoài – những bệnh nhân mà ban đầu ông đã chẩn đoán là một dạng trầm uất, rối loạn nhân cách, hay thần kinh phân lập. Nhưng sau một thời gian, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân có những triệu chứng như trên, ông đã dùng thuật ngữ “Hikikomori” để miêu tả chúng, và dần dần nó đã trở thành thuật ngữ chung ở Nhật Bản. Đó là một hội chứng “lệch chuẩn” mà ngày càng có nhiều thanh, thiếu niên Nhật mắc phải. Những đứa trẻ không hoà nhập được với xã hội, không có bạn bè, thường tự nhốt mình trong phòng và từ chối mọi liên hệ với thế giới bên ngoài. Ngủ ban ngày, thức ban đêm để chơi game, xem tivi và đọc truyện tranh. Tình trạng giam mình kéo dài vài tháng, vài năm và có thể trầm trọng dẫn đến phạm tội.

2. Đặc trưng của hội chứng Hikikomori

Nhiều người vẫn nhầm hikikomori với căn bệnh tự kỷ. Nhưng thực chất chúng có những khác biệt. Bệnh tự kỷ là một bệnh lý (còn được gọi là bệnh tự bế, tự toả, hay bệnh thiểu năng trí tuệ) – một loại bệnh rối loạn tâm thần ở trẻ. Có thể chẩn đoán bệnh từ khi mới sinh, đặc biệt là từ khi 2,3 tuổi. Biểu hiện của bệnh là trẻ rất ngoan, đặt đâu ngồi đó, thờ ơ với xung quanh, không sợ hãi với người lạ, hoặc từ chối mọi sự tiếp xúc với bên ngoài, thích ngồi một chỗ như góc tối, nhìn mọi chỗ trống rỗng, vô hồn…Bệnh xảy ra cả ở các bé trai và gái. Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân của căn bệnh này.

Hội chứng Hikikomori có những đặc trưng sau:

- Đây là trạng thái tâm thần bất thường, mà nguyên nhân của nó do tác nhân bên ngoài tác động vào, như:  sức ép từ học hành, thi cử, sức ép từ công việc, hay từ xã hội, gia đình…dẫn đến căng thẳng thần kinh, khiến nguời bệnh rơi vào trạng thái trầm uất (một dạng streess nặng). Không ước mơ, không hoài bão, không chí hướng, chán nản và tuyệt vọng. Suy nghĩ luẩn quẩn và nhiều người trong số họ muốn tự tử.

- Bệnh thường xuất hiện ở những thanh, thiếu niên nam lứa tuổi 13 đến 29. Theo tâm sinh lý lứa tuổi, thì đối với nam giới từ 13 đến 16 tuổi là lứa tuổi dậy thì; và là thời kỳ “bất kham” của các em nam thiếu niên. Từ 17 đến 29 là lứa tuổi trưởng thành, đã ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội. Theo một số kết quả điều tra về tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ của một số tổ chức, như:  của Hiệp hội phát thanh Nhật Bản thì nam chiếm: 54%, nữ: 46%;  Theo công bố kết quả điều tra “thực trạng tình hình hỗ trợ và tư vấn liên quan đến  Hikikomori”, thì nam giới chiếm 76,4%...Ngoài ra còn một số công bố của các bác sĩ chuyên gia trị liệu tâm lý thì nam giới mắc chiếm 86%... Và tỷ lệ con trưởng chiếm số đông trong số các bệnh nhân này.

- Đây là một hội chứng rất khó nhận biết trước. Bởi trước khi mắc bệnh này thì hầu hết các em đều  là những thanh, thiếu niên hoàn toàn khoẻ mạnh, khôi ngô, thông minh, học giỏi, và đôi khi con bộc lộ những năng khiếu cá nhân từ sớm, đột ngột phát bệnh. Biểu hiện đầu tiên của bệnh nhân mắc hội chứng Hikikomori thường là tự bỏ học, bỏ làm, giam mình trong phòng. Người mắc bệnh thường từ chối mọi tiếp xúc bên ngoài, kể cả người thân trong gia đình như cha mẹ… không nói chuyện. Ở lỳ trong phòng một mình, ban ngày ngủ, ban đêm thức dậy chơi game, xem ti vi, lướt internet…Thỉnh thoảng có ra ngoài thì cũng là ban đêm để mua thức ăn, mua truyện hoặc băng video…. Cứ như vậy, khi bước chân ra khỏi phòng thì đã mất nửa năm, một năm, có trường hợp còn dài tới 15 năm và lâu hơn nữa. Học hành dở dang, không có chuyên môn, nghề nghiệp gì, nên họ khó có khả năng tìm được chỗ đứng tốt trong xã hội. Có những trường hợp đã có những biểu hiện của bệnh tâm thần, như: sợ bẩn, tự nhốt mình trong phòng, suốt ngày tắm rửa và kỳ cọ toa lét; ngược lại có những trường hợp sợ nước, sáu tháng mới tắm một lần. Nặng hơn, đã có những bệnh nhân mắc chứng Hikikomori có những hành vi phạm tội, như: bắt trẻ em giam nhiều ngày trong phòng, giết người….gây nguy hiểm cho cả cộng đồng và xã hội.

Các chuyên gia tâm lý đều cho rằng hội chứng Hikikomori có thể chữa khỏi, bệnh có thể hồi phục và người bệnh có thể tái hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, cần phát hiện bệnh càng sớm càng tốt, và cần sự góp sức của không chỉ gia đình, nhà trường, mà của cả xã hội.

3. Nguyên nhân gây nên hội chứng Hikikomori

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Tâm thần – Trung tâm Thần kinh Quốc gia và Bộ phúc lợi Lao động Nhật Bản thì có hai nguyên nhân dẫn đến hội chứng Hikikomori đó là:

- Hệ thống giáo dục quá nặng nề

- Sức ép cạnh tranh trong đời sống kinh tế, xã hội hiện đại

Nhưng theo một số bác sĩ, chuyên gia tâm thần về Hikikomori và một số nhà nghiên cứu văn hoá thì còn một nguyên nhân nữa đó là:

- Do đặc thù riêng của văn hoá, lịch sử Nhật Bản.

Do hệ thống giáo dục:

Nhật Bản là một đất nước có hệ thống giáo dục được coi là tương đối nặng và máy móc. Cũng gần giống như tâm lý “trường chuyên, lớp chọn” tại những thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay, các bậc cha mẹ thường mong muốn con mình đựoc vào học trong những trường tốt nhất ở địa phương. Không chỉ là tâm lý của các bậc cha mẹ là muốn con mình giỏi giang, trở thành các thiên tài, những người có ích trong xã hội. Mà họ còn cho rằng, những đứa trẻ được học trong một trường tốt nhất thì chúng sẽ nổi trội và xuất sắc hơn trong cuộc sống. Hơn thế nữa, đã từ lâu xã hội Nhật Bản rất quan tâm đến lý lịch học tập của mỗi một cá nhân, “Chủ nghĩa học vấn” (学歴主?義) đã cho rằng một người ngay từ khi còn ở bậc tiểu học đến hết đại học nếu được đào tạo trong một hệ thống các trường nổi tiếng, thì rất dễ xin được việc làm tốt và dễ được thăng tiến. Nếu như một học sinh không trả tốt các kỳ thi ở tiểu học, thì khó được nhận vào một trường trung học tốt, và tương tự như vậy ở các bậc giáo dục trên…. điều này còn liên quan đến tương lai của không chỉ một cá nhân, mà của cả một gia đình và đôi khi là cho cả một dòng họ.

Chính vì vậy, đã tạo nên một sự cạnh tranh gay gắt giữa các trường học và giữa các em. Ngay từ những năm bắt đầu đến trường (mẫu giáo), trẻ em Nhật Bản đã phải chịu một sức ép rất nặng nề. Để thực hiện tốt kỳ thi dự tuyển vào một trường học tốt nhất tại địa phương, nhiều em đã phải tham gia một lớp học dự bị vào lớp một. Và bắt đầu từ đó chúng sẽ phải thực hiện tốt các kỳ thi trong một trình độ giáo dục cao từ tiểu học, qua trung học, đại học và phải thi đỗ vào một trường có uy tín. Để đạt được điều này, trẻ em Nhật Bản phải học 8 tiếng một ngày, và 5,6 ngày /1tuần, học cả vào thứ  7. Bởi vậy, từ lâu ở Nhật Bản đã xuất hiện và lưu hành cụm từ “ngủ bốn tiếng thì qua, ngủ 5 tiếng thì trượt” (ngủ bốn tiếng/1đêm thì đỗ, ngủ 5 tiếng/ 1đêm thì trượt) để diễn tả sự cạnh tranh khốc liệt trong thi cử ở Nhật Bản.  Hầu hết thời gian của các em dành cho các khoá học và các kỳ kiểm tra liên miên.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản, được đánh giá cũng giống như hệ thống giáo dục của các nước Châu Á khác, thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chuẩn bị các kiến thức cho các kỳ thi, nhấn mạnh đến việc ôn luyện bài tập ở nhà, không có tính sáng tạo và gắn với thực tế giống như nền giáo dục của các nước châu Âu và Bắc Mỹ – nó mang tính “nhồi nhét”. Vì vậy, ở Nhật Bản hình thành nên hệ thống một số trường luyện thi. Trong các trường này ngoài các kiến thức liên quan đến các kỳ thi, các em còn nhận được các khoá học như bơi lội, nghệ thuật, bàn tính, viết chữ đẹp và một số khoá học liên quan đến văn hoá và truyền thống Nhật Bản. Nhưng điều quan trọng nhất ở các trường này là dạy cho các em các kỹ năng và kiến thức để trải qua các kỳ thi, hoặc trả các bài thi trong các trường đại học.

Từ sức ép cạnh tranh để đỗ vào các trường tốt, hoặc cạnh tranh trong trường đã nảy sinh ra những tiêu cực xâm phạm tâm lý, như: bắt nạt, hăm doạ, hành hung ở trường học. Có những em bị mắc bệnh trầm cảm chỉ bởi vì quá béo, quá nhát, hoặc nhiều khi do học nổi trội ở một bộ môn nào đó, mà đã bị các bạn trêu chọc và bắt nạt. Bản thân các em không tự biết giải quyết các mối quan hệ của mình ở trường ra sao. Cho nên, sức ép từ thi cử và nạn bạo hành học đường đã khiến các em sợ đến trường và mắc hội chứng Hikikomori.

Do kinh tế, xã hội:

Theo các chuyên gia tâm thần ở phương Tây thì hikikomori là hội chứng khủng hoảng tâm lý dẫn đến bệnh tâm thần, đây là một trong những hiện tượng đang bùng nổ tại các nước Châu Á. Một nguyên nhân của căn bệnh này là do sự phát triển kinh tế quá nhanh.

Điển hình như Nhật Bản, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nền kinh tế của Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng. Với mô hình “tuyển dụng suốt đời”, tức là sau khi tốt nghiệp một trường đại học nào đó, bạn sẽ được nhận vào làm việc tại một công ty cho đến tận khi nghỉ hưu. Từ khi được nhận vào công ty, bạn sẽ yên tâm, chăm chỉ làm ăn, và cống hiến thì sẽ có một sự ổn định đến hết cuộc đời. Mô hình này đã tạo nên một xã hội có tỷ lệ thất nghiệp ít, đời sống người dân bình ổn. Nhưng, từ khoảng những năm của thập kỷ 1980, khi nền kinh tế trì trệ, không tăng trưởng. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu hoá đòi hỏi sự năng động sáng tạo, sự cạnh tranh gay gắt…thì mô hình “tuyển dụng suốt đời” không còn thích hợp nữa. Không có việc làm, thêm vào đó là sản phẩm của một nền giáo dục nổi tiếng là “thụ động, máy móc”, bản thân thanh niên Nhật Bản tự cảm nhận được mình không thoả mãn yêu cầu của nền kinh tế, dẫn đến tuyệt vọng.

Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân mang tính xã hội sau:

- Mô hình gia đình hạt nhân (gia đình chỉ có hai thế hệ: cha mẹ và con cái), sống chủ yếu tại thành thị, biệt lập với họ hàng nội, ngoại, bố mẹ đi làm cả ngày, quá bận rộn, ít có thời gian quan tâm đến con cái. Mối quan hệ xã hội của các em gần như gói gọn ở nhà trường. Nên khi gặp các vấn đề rắc rối tại trường học, các em không tự giải quyết được đã rơi vào trạng thái trầm cảm. Bởi không có ai gần gũi và dạy cho các em cách giao tiếp và giải quyết các mối quan hệ xã hội như thế nào?

- Cũng giống như nguyên nhân trẻ em vị thành niên phạm tội ở tất cả các nước trên thế giới, đó là do tỷ lệ ly hôn cao, đổ vỡ trong gia đình cũng đẩy các em đến trạng thái buồn chán.

- Tỷ lệ sinh thấp cũng là những nguyên nhân gây nên hội chứng hikikomori ở thanh, thiếu niên Nhật Bản hiện nay. Khi một gia đình có quá ít con, đồng nghĩa với gánh nặng của tất cả sự kỳ vọng của bố mẹ dồn lên vai đứa trẻ. Sức ép từ phía gia đình càng nặng hơn.

Do văn hoá, và lịch sử :

Theo một số chuyên gia nghiên cứu văn hoá người nước ngoài, thì một trong những nguyên nhân hình thành nên căn bệnh Hikikomori là do những đặc thù lịch sử và văn hoá của Nhật Bản.

- Thơ và âm nhạc truyền thống của Nhật thường tán dương và ca ngợi sự tĩnh lặng, sự vắng vẻ và cuộc sống cô đơn, ẩn dật. Chúng ta đã từng được biệt đến những câu thơ như :“Vắng lặng u trầm/ Thấm sâu vào đá/ Tiếng ve ngân”((1). Vẻ đẹp của thiên nhiên đơn sơ, tĩnh mịch chủ đề cho các áng thơ văn nổi tiếng trong lịch sử văn học Nhật Bản. Và có một điều khác biệt nữa nếu ai phá vỡ hoặc can thiệp vào sự cô đơn, tĩnh lặng đó còn bị coi là trái với văn hoá truyền thống của Nhật Bản.

- Quan niệm “trọng nam, khinh nữ”; “con trưởng”: Theo con số thống kê tại bệnh viện Sofukai Sasaki (bệnh viện chuyên chữa trị các bệnh thần kinh, tại ngoại ô Tôkyo), thì đa số bệnh nhân mắc hội chứng Hikikomori là nam giới, và là con trưởng. Điều này đã minh chứng rằng yếu tố văn hoá đã có những “đóng góp” không nhỏ vào nguyên nhân gây nên hội chứng này. Với nền văn hoá Á Đông tâm lý “trọng nam, khinh nữ”; trọng “ con trưởng” vẫn hằn sâu trong suy nghĩ của người dân Nhật Bản; Đa số phụ nữ Nhật Bản sau khi kết hôn thì nghỉ ở nhà nuôi con, việc lo kinh tế cho cả gia đình do người đàn ông đảm nhiệm, thêm vào đó là sự cạnh tranh gay gắt để có thu nhập ổn định luôn đè nặng lên tâm lý nam thanh, thiếu niên Nhật Bản.

- Tính đồng nhất của nền văn hoá: Xã hội Nhật Bản là một xã hội có nền văn hoá coi trong sự đồng nhất, tên tuổi, vẻ bề ngoài, hay thanh danh được tôn vinh hết thảy. Thêm vào đó, ngưòi Nhật vốn được coi là một dân tộc có nền văn hoá “khép kín”, không giống như một số dân tộc có nền văn hoá “open” (mở). Nếu như , ở một số nước công nghiệp phát triển khác như các nước Châu Âu, và Bắc Mỹ, khi thanh, thiếu niên không thích ứng nổi với xã hội chúng sẽ có những hành động “nổi loạn”, như: gia nhập băng đảng, nghiện hút, theo các trường phái lập dị…Nhưng thanh, thiếu niên Nhật Bản phản ứng lại xã hội một cách thầm lặng, căm ghét bản thân. “Văn hoá khép kín”, “văn hoá xấu hổ” đã bóp ngẹt trái tim chúng, chúng không muốn những thất bại của bản thân chúng bị lộ ra ngoài. Với đàn ông Nhật, việc không có khả năng bao bọc gia đình là nỗi nhục không thể chấp nhận được. Không muốn để ai biết, không muốn tâm sự, chia sẻ, chán nản nhiều khi trầm uất dẫn đến muốn tự tử.

- Quan hệ cha me và con cái: Ở Nhật Bản, giữa cha mẹ và con cái vẫn còn có những qui ước bất thành văn, giống như quan niệm của một số nước có nền văn hoá đồng văn, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, và cả Việt Nam đó là quan hệ lệ thuộc. Có nghĩa là cha mẹ quan tâm đến con cái thái quá, khiến cho chúng một tư tưởng thích được lệ thuộc. Tuy nền kinh tế suy thoái, nhưng 2/3 người dân Nhật vẫn thuộc tầng lớp khá giả, khi con cái tự giam mình trong phòng cha mẹ vẫn có thể nuôi chúng đầy đủ. Khác với nền văn hoá của các nước công nghiệp phát triển khác, thanh danh, và “sự xấu hổ” không cho phép các bậc cha mẹ người Nhật Bản xông vào phá cửa và lôi con cái ra khỏi phòng. Nhiều bậc cha mẹ vẫn sợ hàng xóm biết, vẫn hy vọng con cái mình tự giải quyết được.

- Nền văn hoá không phát triển kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế: Yếu tố này mang cả những dấu ấn của lịch sử. Đi ngược lại lịch sử của Nhật Bản, chúng ta thấy nước Nhật trước thời kỳ nền kinh tế suy thoái ở cuối thế kỷ 20, là thời kỳ nền kinh tế phát triển cao, đến thời kỳ nước Nhật mở cửa, và trước thời kỳ này là thời kỳ “bế quan toả cảng” suốt một thời kỳ dài (từ thời Tokugawa cho đến tận thời kỳ Minh Trị, cuối thế kỷ 20). Thời kỳ Tokugawa là thời kỳ nền văn hoá Nhật Bản  phát triển rực rỡ, và đã đạt được những thành tựu cả về mặt văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần và các giá trị chuẩn mực trong xã hội. Từ đó cho đến ngày nay, tuy có những biến đổi, nhưng các chuẩn mực đó vẫn không thay đổi. Bởi vậy, mặc dù nền kinh tế suy thoái, xã hội cạnh tranh gay gắt trong công việc, tiền lương…, thì nền văn hoá của họ vẫn trông chờ vào những đứa bé trai trưởng thành, kết hôn, và cáng đáng cả một gia đình, tạo nên một sức ép đè nặng lên chúng. Bởi vậy, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây vẫn thường cho rằng Hikikomori là kết quả của nền văn hoá không trở nên hiện đại hoá.

- Do các phương tiện giải trí thời hiện đại như: phim hoạt hình, truyện tranh, internet và game…cũng có những tác động không nhỏ đến hội chứng Hikikomori. Sự cô đơn, ẩn dật và tĩnh lặng của người xưa được ca ngợi cùng với phong cảnh thiên nhiên, với “thiền”. Còn sự ẩn dật của thanh, thiếu niên Nhật Bản hiện nay gắn với một trào lưu văn hoá mới “văn hoá Otaku”, với một loạt các cụm từ : “manga otaku”(otaku truyện tranh); “pasokon otaku” (otaku máy tính); “anime otaku”(otaku phim hoạt hình); “gemu otaku” (otaku game)…. “Otaku” (お?宅?) để chỉ nhà của người khác, nhưng ở đây là chỉ những “fan” say mê cuồng nhiệt, chìm đắm trong thế giới truyện tranh, game, internet, video. Về một mặt nào đó “văn hoá otaku” có những biểu hiện gần với hội chứng Hikikomori. Trong cuộc sống thực họ không thích nghi nổi, vì lo sợ sẽ bị từ chối hoặc ghét bỏ, mà đã tìm đến các nhân vật hoặc thần tượng trong truyện tranh, phim hoạt hình. Vì với các nhân vật này họ được bộc bạch, được tâm sự, đựơc xoa dịu nỗi cô đơn mà không sợ bất kỳ một xung đột cá nhân nào. Sự chìm đắm thái quá trong thế giới tưởng tượng đã dẫn đến những những lệch lạc trong hành vi và lối sống của thanh, thiếu niên Nhật Bản hiện nay. Thí dụ, như: quá say mê các nhân vật nữ trong phim hoạt hình và truyện tranh mà nhiều thanh niên Nhật Bản hiện nay đã  tách mình khỏi những quan hệ lứa đôi, hàng ngày sống chung, và độc thoại cùng những cô búp bê cao gần 1m50. Nguy hiểm hơn nữa, còn có những minh chứng cho rằng có sự liên hệ giữa sự say mê các nhân vật nữ trong truyện tranh, phim hoạt hình với tội phạm trong các vụ sát hại các cô gái trẻ.

Các nhà nghiên cứu văn hoá và các bác sĩ tâm lý đều cho rằng Otaku, Hikikomori là sự phản kháng của tầng lớp thanh, thiếu niên đối với áp lực của trường học, của gia đình và xã hội. Giống như lời tuyên bố: “Tôi mặc kệ tất cả, tôi không thích áp lực và tôi không thể thích ứng”

4. Biện pháp đối ứng

Hiện nay, ở Nhật Bản đã có rất nhiều chuyên gia tâm lý nghiên cứu về Hikikomori, đã có những nhóm hỗ trợ các bậc cha mẹ, các trung tâm tư vấn chuyên về hiện tượng này, có cả các trang Web tư vấn trên mạng, và các chương trình cung cấp ký túc xá và đào tạo việc làm cho Hikikomori. Như chương trình “New Start” (khởi đầu mới), chuyên tư vấn giúp các bậc cha mẹ tìm cách tháo gỡ các vấn đề tâm lý của con cái, thuê người của chương trình đến gặp gỡ, nói chuyện giúp đỡ Hikikomori phục hồi khả năng giao tiếp xã hội, đào tạo việc làm, đưa họ tái hoà nhập cộng đồng. Mọi nỗ lực được kêu gọi từ các bậc cha mẹ, các trung tâm và tổ chức chính phủ, phi chính phủ.

Tóm lại: cho dù với bất kỳ lý do nào thì Hikikomori, hay những lối sống có biểu hiện tương tự như  vậy vẫn bị coi là lối sống “chệch hướng”, hay “lệch chuẩn” trong thanh thiếu niên không chỉ ở Nhật Bản, mà ở hầu hết các nước trên thế giới hiện nay. Ở Việt Nam, tuy chưa xuất hiện những bệnh nhân mang hội chứng như Hikikomori, nhưng đã xuất hiện những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần do sức ép học hành quá căng thẳng. Mà một điều đáng tiếc những bệnh nhân này lại thường là những học sinh xuất sắc. Bên cạnh đó, hiện nay ở Việt Nam đã không ít những thanh niên Việt Nam bị ảnh hưởng “văn hoá Otaku” của Nhật Bản. Một thanh niên Việt Nam tự nhận mình là một Otaku đã viết như sau trên blog của mình:

“…8 tuổi tôi đọc Đôrêmon, …còn năm nay khi đã 20 tuổi trên tay tôi cũng là 1 quyển truyện Rebirth ( Táisinh)…Từ năm 8 tuổi tôi là một gã vô dụng…Buông thế giới thật với đầy những khó khăn, những mộng ước vỡ tan đó, tôi thả hồn vào những giấc mơ của truyện tranh huyền ảo. Trong tôi, có thể là tự do là một chàng hoàng tử,…., thậm chí là chúa tể của thế giới - thế giới của riêng tôi. Đã 20 tuổi rồi thế nhưng tôi luôn mơ rằng, rồi một ngày nào đó thế giới ảo tưởng của tôi sẽ hoà quyện vào thế giới thật…”

Cũng thật may, thanh niên đó đã kịp nhận ra được rằng “…đời không là mơ các bạn ạ…Tôi quyết định trở thành một người bình thường….Tuy nhiên, hành trình để một Otaku trở thành một người bình thường thật ra cũng không hề dễ như là tôi tưởng..”

Đã có bao nhiêu thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay có cuộc sống chìm đắm của một Otaku? Và có trong số họ có bao nhiêu người kịp nhận ra như thanh niên trên? Thật khó biết con số chính xác. Nhưng “văn hoá Otaku”, hội chứng Hikikomori cũng mang lại cho các nhà kinh tế, các nhà xã hội học, các nhà quản lý văn hoá một cái nhìn về mặt trái của xã hội hiện đại; đem lại cho các bậc cha mẹ Việt Nam một kinh nghiệm trong việc giáo dục, định hướng, và nuôi dạy con em mình trong thời kỳ hiện nay.

 

HẠ THỊ LAN PHI

(Th.S, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung Hà, Từ vụ nữ giáo viên Anh bị sát hại tại Nhật: Lời cảnh báo của thế hệ Hikikomori. Báo Thanh niên, Số 92(4118).

2. http://www.nhk.or.jp

  1. http://www.hiki.info/modules


(1)Thơ Masuo Basho, Sách Ngữ văn lớp 10 Nhật Bản, do Đoàn Lê Giang dịch.

0thảo luận