Trang chủ

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VIỆT NAM SANG ĐÀI LOAN

Đăng ngày: 17-04-2012, 15:36 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 6

Như đã biết, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt đến những nước và vùng lãnh thổ có kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,... là một biện pháp để thu hút ngoại tệ, giảm tỷ lệ thất nghiệp của các nước đang phát triển và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Bài viết này sẽ đề cập đến thực trạng và một số vấn đề còn tồn tại về lao động Việt Nam sang Đài Loan.

1. Xuất khẩu lao động sang Đài Loan là một xu hướng vận động phát triển

Không có việc làm, thất nghiệp là vấn đề bức xúc đối với phát triển kinh tế trên phạm vi toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam hiện nay, nhiều người đều tự tìm cho mình công việc song thường mang tính chất tạm thời với thu nhập thấp và không ổn định. Phần lớn tại khu vực bán thành thị và nông thôn là vấn đề thiếu việc làm và sử dụng thời gian lao động chưa cao, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động trong năm khoảng trên 70%(1). Có ý kiến cho rằng, hiện nay nguồn lao động Việt Nam sử dụng chưa có hiệu quả cao, còn nhiều lao động chưa có việc làm, hoặc có việc làm nhưng năng suất lao động và thu nhập còn thấp. Trước thực trạng này, Đảng và Nhà nước ta tích cực đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Một mặt, góp phần sử dụng hết nguồn lao động còn dư thừa, nhất là ở nông thôn, mặt khác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, góp phần làm tăng cơ cấu sản lượng và lao động trong các ngành phi nông nghiệp, nhất là công nghiệp xây dựng, thương mại – dịch vụ. Thực tế, việc xuất khẩu lao động đã được thực hiện từ những năm 80, song phải đến cuối những năm 90 quan điểm trên mới thể hiện rõ trong Chỉ thị 41-CT/TƯ ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị về xuất khẩu lao động và chuyên gia: “Xuất khẩu lao động và chuyên gia là hoạt động kinh tế – xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta và các nước”. Trong khi đó, ở nhiều  nơi khác trên thế giới trong đó có Đài Loan lại có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Dân số ở Đài Loan đang trong quá trình già hoá, theo thống kê từ  năm 1993, tỷ lệ người cao tuổi ở Đài Loan đã vượt quá 7% tổng số dân. Như vậy theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, Đài Loan  đã đạt tới ngưỡng xã hội có dân số già hóa. Năm 1994, tỷ lệ này ở Đài Loan đạt 9,4%, tương đương 2,14 triệu người. Năm 2002, số người trên 60 tuổi ở Đài Loan đạt 2,83 triệu người, chiếm 12,6% tổng số dân, xếp hạng 59/187. Dự đoán đến năm 2050, con số này là 13 triệu, chiếm khoảng 36%. Bên cạnh đó tỷ lệ sinh cũng liên tục giảm (năm 2003 là 1,24%), được xếp vào hàng những nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới. Chính vì vậy, so với các nước phương Tây phát triển khác, tốc độ già hoá dân số ở Đài Loan là tương đối cao. Theo ước tính của Hội đồng Kế hoạch và Phát triển Kinh tế (Coulcil for Economic Planing and Development – CEPD) của cơ quan hành pháp Yuan ở Đài Loan, tỷ lệ phụ thuộc của Đài Loan sẽ ngày càng tồi tệ hơn, từ 7,6 lao động nuôi 1 người già hiện nay xuống 2,7 vào thời điểm 20 năm sau đó, và con số này sẽ là 1,6 sau 50 năm nữa(2). Mặt khác, cùng với sự thay đổi cơ cấu dân số, quá trình giáo dục dài hơn khiến ít lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là các ngành liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ cho người già, các công việc 3D (bẩn, nguy hiểm và khó khăn)(3). Bối cảnh đó đã tạo ra loại hình công nhân xuất khẩu làm việc tạm thời để đảm bảo cung cấp lực lượng lao động và các công nhân dạng này không lưu trú tại Đài Loan trong khoảng thời gian dài. Thực tế cho thấy, những công nhân lao động xuất khẩu Việt Nam đã trở thành một bộ phận trong thị trường lao động của Đài Loan. Có thể nói, xuất khẩu lao động sang Đài Loan là xu hướng vận động phát triển của xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế hiện nay.

2. Tình hình lao động Việt Nam ở Đài Loan

Từ năm 1997, số lượng lao động xuất khẩu (LĐXK) của Việt Nam vào Đài Loan có xu hướng tăng lên, mặc dù sự gia tăng này không đồng đều thậm chí có năm giảm. Bắt đầu từ năm 2000, sau khi Việt Nam ký được thỏa thuận chính thức đưa người lao động sang Đài Loan làm việc năm 1999, số lượng người Việt Nam lao động tại Đài Loan tăng đáng kể. Đài Loan trở thành thị trường XKLĐ chủ lực của Việt Nam, số lượng LĐXK của Việt Nam vào thị trường này luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số LĐXK của cả nước (Bảng 1).


Bảng 1: Số lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang  Đài Loan.

(Đơn vị: người)

Năm

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

2004

Số lượng

191

1697

558

8099

7782

13191

29069

37144

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Cục quản lý lao động nước ngoài – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam.

 

Bảng 2: Lao động xuất khẩu của Việt Nam trong một số lĩnh vực ở Đài Loan so sánh với ở Nhật Bản và Hàn Quốc

( Đơn vị: người)

Ngành nghề

Nhật Bản

Hàn Quốc

Đài Loan

Sản xuất chế tạo

14.674

38.283

21.758

Xây dựng

1.108

2.015

-

Vận tải

5.113

3.542

-

Đánh bắt cá

-

9.626

-

Dịch vụ (*)

-

-

75.648

Chế biến thủy sản

532

-

-

Ghi chú:(2) (*) Bao gồm giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh

Nguồn: (3)Tập hợp từ số liệu thống kê đến hết năm 2004 của Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.


Năm 2000, tổng số XKLĐ vào Đài Loan chiếm 25,71% tổng số LĐXK của cả nước, con số tương ứng năm 2002 là 28,60% và năm 2004 là 55,07%. Trong đó lao động nữ

chiếm một số lượng đáng kể, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực dệt may, điện tử và làm người giúp việc. Theo thống kê, số lượng lao động nữ xuất khẩu sang Đài Loan chiếm 66% trên tổng số LĐXK sang nước này.

Những con số cho thấy việc làm của người lao động ở Đài Loan chủ yếu ở các hình thức lao động phổ thông, trình độ thấp. Lao động người Việt Nam, chủ yếu tham gia vào các lĩnh vực như cơ khí, điện tử, may mặc, thuyền viên, giúp việc,… Tính đến tháng 4 năm 2004, đã có 65.896 lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc, trong đó công nhân nhà máy, công xưởng: 15.316 người (23,24%), công nhân xây dựng: 249 người (0,38%), chăm sóc người bệnh và giúp việc gia đình: 47.978 người (72,81%)(4). Số lượng người Việt Nam làm việc trong các ngành kỹ thuật cao như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, sinh học, vật liệu mới,… còn hạn chế.


Bảng 3: Cơ cấu lao động nước ngoài vào Đài Loan theo ngành nghề

(Đơn vị: người, %)

 

1997

1999

2001

2003

Ngành nghề

Tổng số

Tỷ lệ (%)

Tổng số

Tỷ lệ (%)

Tổng số

Tỷ lệ (%)

Tổng số

Tỷ lệ (%)

Sản xuất

160.401

65,28

164.256

58,90

157.055

51,56

161.266

53,89

Xây dựng

48.786

19,86

51.894

18,61

33.367

10,95

14.977

5,0

Giúp việc *

35.245

14,34

61.723

22,13

112.934

37,08

119.601

39,97

Thuyền viên

1.265

0,51

999

0,36

1.249

0,41

3.419

1,14

Ghi chú: (*) bao gồm cả giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh.

Nguồn: Điều tra về việc sử dụng và quản lý LĐNN tại Đài Loan - Uỷ ban lao động Đài Loan

 


(4)Chất lượng lao động thấp khiến nhiều người lao động phải đi làm các công việc thuộc lĩnh vực nặng nhọc, độc hại. Điều này chưa đáp ứng được mục tiêu tăng giá trị XKLĐ, cũng như đảm bảo mục tiêu lâu dài là tiếp thu khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng lao động, hình thành đội ngũ lao động có chất lượng, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Có thể khẳng định, việc XKLĐ sang Đài Loan đã giải quyết việc làm và làm tăng thu nhập cho một bộ phận người lao động, giảm gánh nặng cho nhà nước. Mức lương bình quân một tháng của lao động Việt Nam tại Đài Loan khoảng 400 USD/tháng, nếu chịu khó tiết kiệm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, mỗi người lao động sẽ có một khoản tiền kha khá sau 2 đến 3 năm lao động. So với thu nhập trong nước đó là khoản thu nhập khá lớn, có ý nghĩa với người lao động. Điều này giúp cải thiện đời sống của người lao động ở những khu vực có thu nhập thấp, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội ở những khu vực này. Đặc biệt, khi bản thân những người lao động này trở về nếu nguồn vốn được sử dụng một cách hợp lý cho đầu tư và phát triển kinh doanh, hiệu quả đối với nền kinh tế còn cao hơn nữa. Ở một khía cạnh nào đó, hoạt động XKLĐ sang Đài Loan nói riêng, ra nước ngoài nói chung còn góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đầu năm 2005, Đài Loan đã đóng cửa nhận lao động Việt Nam bởi lao động Việt Nam đã bỏ trốn quá nhiều. So với các nước khác, Việt Nam đứng thứ 3 trong số những nước XKLĐ sang Đài Loan, song lại là một trong những quốc gia có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất. Đơn cử, đến tháng 9 năm 2004, có 7.935 người bỏ trốn trong số 80.890 lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan (không tính số đã đưa về nước)(5). Mặc dù tham gia thị trường lao động sau nhưng tỷ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam cao hơn so với các nước XKLĐ truyền thống ở Đài Loan. Lao động Việt Nam bỏ trốn chủ yếu vẫn do bị lôi kéo ra bên ngoài làm với mức lương cao hơn, không phải đóng quá nhiều chi phí.


 

Bảng 4: Tỷ  lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan so với một số nước XKLĐ khác

(Đơn vị: %)

Tháng/ năm

Thái Lan

Indonesia

Philippine

Việt Nam

3/2002

1,05

2,93

2,91

2,39

12/2002

1,23

3,65

2,56

4,5

12/2003

1,39

6,16

2,35

6,46

3/2004

1,39

6,75

2,42

7,32

Nguồn: Một số nội dung thảo luận tại Hội nghị về Lao động Việt Nam tại Đài Loan tháng 6/2004 - Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 


Bảng 5: Trình độ văn hóa người lao động

(Đơn vị:%)

Các chỉ tiêu

Năm 1989

Năm 1999

Năm 2005

1. Không biết chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học

20,32

18,56

18,31

2. Tốt nghiệp tiểu học

33,98

28,33

29,09

3. Tốt nghiệp trung học cơ sở

31,94

35,82

32,58

4. Tốt nghiệp trung học phổ thông

13,76

15,28

21,21

Tổng

100

100

100

Nguồn: Tổng cục thống kê. Số liệu thống kê Việt Nam thế kỷ 20. T3. Hà Nội – 2004; Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Số liệu thống kê lao động việc làm ở Việt Nam năm 2004. Hà Nội -  2005.(5)


Tính cả năm 2004, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất trong số các nước cung ứng lao động vào thị trường Đài Loan, khoảng trên 9%(6). Chính vì lý do này, trước đó Đài Loan nhiều lần cảnh báo sẽ dừng tiếp nhận lao động người Việt nếu Việt Nam không đưa được khoảng 1/3 số lao động bỏ trốn về nước và có chính sách để số lao động mới không tiếp tục bỏ trốn ra ngoài sinh sống bất hợp pháp. Điều cảnh báo này đã trở thành sự thật từ đầu năm 2005 và vì vậy mà cho đến nay, thị trường lao động sang Đài Loan còn bị hạn chế.

3. Nguyên nhân người lao động Việt Nam bỏ trốn

Trước hết phải thừa nhận rằng, trình độ và nhận thức lao động Việt Nam còn hạn chế. Lao động người Việt Nam phần lớn xuất thân từ nông thôn, trình độ văn hóa thấp, nhận thức về XKLĐ còn nông cạn. Có thể thấy được vấn đề này qua cơ cấu lao động theo trình độ văn hóa và chuyên môn kỹ thuật.

Trong khoảng thời gian 16 năm (1989-2005), trình độ văn hóa của lực lượng lao động cũng có những thay đổi nhất định. Nhìn chung, về trình độ văn hóa của người lao động năm 2005 đã có những thay đổi tích cực so với thời kỳ trước đây, tuy nhiên số lượng trình độ văn hóa thấp vẫn còn cao. Điều này đặt ra những yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài để nâng cao trình độ học vấn cho nguồn nhân lực.

Một trong những yếu tố quan trọng cấu thành chất lượng lao động là trình độ chuyên môn kỹ thuật. Cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật được thể hiện qua bảng sau:



Bảng 6: Trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) của lao động

(Đơn vị :%)

Các chỉ tiêu

Năm 1989

Năm 1999

Năm 2005

1. Không có trình độ CMKT

92,7

91,9

75,21

2. Công nhân KT và nghiệp vụ chuyên môn có bằng

2,2

2,4

15,22

3. Trung học chuyên nghiệp

3,2

3,0

4,3

4. Cao đẳng trở lên

1,9

2,7

5,27

Tổng

100

100

100

Nguồn: Tổng điều tra dân số nhà ở Việt Nam 1999. Kết quả điều tra mẫu Hà Nội – 2000. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Số liệu thống kê lao động việc làm ở Việt Nam 2005.

 


Có thể nói rằng, tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật vẫn còn cao, chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng nguồn nhân của đất nước. Thực tế này đặt ra những nhiệm vụ nặng nề cần mở rộng và hoàn thiện hệ thống dạy nghề trong nền kinh tế quốc dân. (6)

Với nền tảng văn hóa và chuyên môn kỹ thuật còn thấp như vậy, người lao động chưa nhận thức rõ về bản chất của hoạt động XKLĐ, về quan hệ giữa người tiếp nhận lao động và người LĐXK, quan hệ giữa người chủ sử dụng lao động và người lao động làm thuê trong cơ chế thị trường nhất là ở những nước tư bản phát triển,… do đó chưa định hướng được rõ ràng khi tham gia XKLĐ. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, phải về nước sớm,… Họ tìm cách đi XKLĐ nhằm mục đích kiếm được nhiều tiền, chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân, các khoản tiền mà người chủ sử dụng lao động trả, bất kể đó lao động bất hợp pháp, không cân nhắc tới lợi ích của cộng đồng, đất nước. Mặt khác, sự tác động tâm lý sợ về nước không có việc làm, thu nhập và do ảnh hưởng của tác phong lao động tự do của nền sản xuất nông nghiệp, không nắm vững pháp luật của nước sở tại cũng là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng lao động Việt Nam tự phá bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, cần phải đề cập nguyên nhân từ phía Đài Loan. Có một thực tế là mặc dù biết rõ người lao động Việt Nam bỏ trốn là bất hợp pháp nhưng vẫn có chủ sử dụng tiếp nhận vào làm việc, thậm chí có hành vi bao che cho người lao động khi có sự kiểm tra của cơ quan hữu quan. Trong khi các cơ quan chức năng của Đài Loan không quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động Việt Nam bỏ trốn nhưng lại yêu cầu Việt Nam phải giải quyết dứt điểm và đóng cửa thị trường lao động. Điều này có thể lý giải bởi lợi ích kinh tế từ việc sử dụng lao động bất hợp pháp. Tuyển dụng lao động bất hợp pháp trước hết đáp ứng được ngay cho sự thiếu hụt lao động, đảm bảo duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của chủ sử dụng và quan trọng hơn là giảm được chi phí đầu vào do chi phí nhân công thấp. Ngoài khoản tiền công không cao hơn nhiều lắm so với lương của lao động nước ngoài theo các hợp đồng chính thức, chủ sử dụng lao động bất hợp pháp không phải chi thêm bất cứ khoản nào khác như bảo hiểm hay cải thiện điều kiện sinh hoạt. Người chủ sử dụng không chịu một sự ràng buộc nào về mặt pháp lý đối với người lao động hay cơ quan chức năng địa phương, có thể khai thác tối đa người lao động, thậm chí ở mức bóc lột và dễ dàng sa thải nếu thấy không còn thu được nhiều lợi nhuận. Chính vì vậy luôn tồn tại nhu cầu về lao động bất hợp pháp, thậm chí còn có sự lôi kéo khuyến khích lao động bỏ hợp đồng ra làm việc ở ngoài. Theo điều tra, đội ngũ lôi kéo người lao động bỏ công ty ra làm ngoài thường là người gốc Việt, một mặt lôi kéo để hưởng hoa hồng môi giới từ chủ sử dụng lao động bất hợp pháp một mặt lợi dụng chính những người lao động để mưu đồ các mục đích khác.

Như vậy, hiện tượng người lao động Việt Nam bỏ trốn còn có nguyên nhân khách quan từ chính phía Đài Loan. Trong nền kinh tế thị trường, hiện tượng này cũng do tác động của qui luật kinh tế, trong đó thể hiện rõ nhất là qui luật cung cầu về lao động. Đây là vấn đề không đơn giản, mà để giải quyết nó cần phải có những biện pháp đồng bộ trong chiến lược tổng thể về xuất khẩu lao động, cũng như sự hợp tác từ phía Đài Loan trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi.

4. Một số điểm đáng chú ý để phục hồi thị trường lao động Đài Loan

Từ những nguyên nhân khiến thị trường lao động Đài Loan bị đóng cửa, có thể nêu một số lưu ý, và nếu xét về lâu dài cần có cái giải pháp đồng bộ nhằm đáp ứng đòi hỏi không chỉ riêng thị trường lao động Đài Loan mà còn của nhiều quốc gia phát triển khác.

- Tích cực nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động.

Bằng các biện pháp đẩy mạnh học bổ túc cho những đối tượng bắt buộc ở mọi miền đất nước, nhất là vùng đồng bằng, trung du miền núi, hải đảo. Chuyển lao động làm nông nghiệp ở nông thôn, sắp xếp các loại lao động thất nghiệp và những người mới bước vào độ tuổi lao động hiện chưa có việc làm ở thành thị để phát triển các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ là một thay đổi, một công việc quan trọng đối với người lao động. Để những người này làm việc có hiệu quả trong ngành công nghiệp, dịch vụ cần phải đào tạo, bồi dưỡng họ các kiến thức cần thiết đối với mức độ yêu cầu khác nhau.

- Tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng của Đài Loan.

Các hoạt động hợp tác và tương trợ tư pháp với Đài Loan sẽ tạo cơ sở giải quyết vấn đề lao động Việt Nam tự ý phá bỏ hợp đồng, bỏ trốn cư trú bất hợp pháp. Phối hợp các cơ quan chức năng Đài Loan thực hiện các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng hoạt động xuất khẩu lao động của một số cá nhân, tổ chức có hành vi dụ dỗ lôi kéo người lao động Việt Nam bỏ trốn vi phạm pháp luật Đài Loan.

Tóm lại, việc người lao động xuất khẩu sang Đài Loan là một xu hướng vận động phát triển của xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế hiện nay. Hiện tượng này đã tạo ra những mối quan hệ kinh tế xã hội mạnh mẽ giữa Việt Nam Đài Loan. Lao động Việt Nam làm giảm sự thiếu hụt nguồn nhân lực ở Đài Loan, ngược lại nhờ thị trường lao động Đài Loan mà tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam giảm, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Nhưng do những nhân tố chủ quan và khách quan, hợp tác lao động xuất khẩu giữa Việt Nam và Đài Loan gặp nhiều vấn đề khó khăn chưa giải quyết được và hệ quả là Đài Loan đã đóng cửa thị trường lao động đối với Việt Nam. Điều này gây nên sự thiệt hại cả hai phía mà trong tương lai gần cả hai bên cần nỗ lực khắc phục khó khăn không chỉ để  phục hồi mà nâng hợp tác lao động Việt Nam Đài Loan lên tầm cao mới.

 

PHAN CAO NHẬT ANH

(Th.S, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Quản lý lao động nước ngoài – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2005), Thông báo về tình hình hoạt động xuất khẩu lao động 2004 và phương hướng nhiệm vụ năm 2005, Hà Nội.

2. Chia – Yenyang – Wencheng, Ảnh hưởng của già hóa dân số đối với nền kinh tế Đài Loan, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 8 năm 2006.

3.  Đảng Cộng Sản Việt Nam (1998), Chỉ thị số 41-CT/TƯ ngày 22-9 của Bộ Chính Trị về xuất khẩu lao động và chuyên gia, Hà Nội.

4. Trần Văn Hằng (1995), Các giải pháp đổi mới quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động ở Việt Nam giai đoạn 1995 – 2010, Luận án Tiến sỹ Kinh tế, Viện Kinh tế học – Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

5. TS. Hong – Zen Wang, Đại học Chi Nan, Các mối quan hệ xã hội về lao động xuyên quốc gia giữa Đài Loan, Việt Nam và Trung Quốc.

6. PGS.TS. Phạm Quý Thọ, Chuyển dịch cơ cấu lao động trong xu hướng hội nhập quốc tế, 2006, Nxb. Lao động  Xã hội.



(1) PGS.TS Phạm Quí Thọ, Chuyển dịch cơ cấu lao động trong xu hướng hội nhập quốc tế,  Nhà xuất bản lao động-xã hội 2006, tr 85.

(2) Chia – Yenyang – Wencheng, Ảnh hưởng của già hóa dân số đối với nền kinh tế Đài Loan, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 8-2006, tr 47.

(3) TS. Hong – Zen Wang, Các mối quan hệ xã hội về lao động xuyên quốc gia giữa Đài Loan, Việt Nam và Trung Quốc, http://www.ieas.berkeley.edu/event/

 

(4) Lưu Văn Hưng, Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc Á - Thực trạng và giải pháp, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Hà Nội năm 2005, tr 54.

 

 

(5) Lưu Văn Hưng, Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc Á - Thực trạng và giải pháp, Luận văn Thạc sỹ Kinh tế, Hà Nội, năm 2005, tr 52.

 

 

(6) Báo Tuổi trẻ, ngày 12/4/2006.

 

0thảo luận