Trang chủ

VIỆC KẾ THỪA DI SẢN TRUYỀN THỐNG TRONG KIẾN TRÚC NHẬT BẢN HIỆN ĐẠI

Đăng ngày: 17-04-2012, 15:33 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 6

Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, hoạt động của các kiến trúc sư Nhật Bản ngày càng cuốn hút sự chú ý của thế giới. Sự điều hòa giữa các hình thức kiến trúc hiện đại và truyền thống là nét nổi bật của kiến trúc Nhật Bản hiện đại những năm sau chiến tranh.

Khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển kinh tế nhảy vọt, khi đó kỹ thuật kiến trúc sử dụng thép và bê tông đạt tới trình độ cao nhất thế giới. Nhiều công trình xây dựng đã đóng góp quan trọng cho nền kiến trúc quốc tế. Gần đây có xu hướng sử dụng công nghệ và vật liệu hiện đại để thể hiện các hình thức Nhật Bản truyền thống.

Các kiến trúc sư lớn của Nhật Bản như Kunio Mayekawa, Jundo Sarakura (1901-1969), Tange Kenzo (1913), Kikutake… đã đưa đến cho kiến trúc Nhật Bản một nội dung mới.  Họ khai thác kiến trúc truyền thống nhưng từ chối sự mô phỏng một cách nguyên xi, đồng thời không coi việc phục hưng di sản cũ là mục đích của kiến trúc mới. Họ không cho truyền thống là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của kiến trúc, mà cho rằng, ngoài cảm hứng bắt nguồn từ đó, kiến trúc còn phải chú trọng đến nhu cầu của cuộc sống mới.

Trong số các kiến trúc sư kể trên, Tange Kenzo là người nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất. Ông đã phát triển một phương pháp luận nhằm liên kết các yếu tố truyền thống Nhật với các thành tựu khoa học kỹ thuật trong nghệ thuật kiến trúc và trở nên nổi tiếng qua các tác phẩm kiến trúc. Nhà bảo tàng Công viên Hòa bình Hiroshima được hoàn thành vào năm 1949. Tác phẩm này đã sử dụng các vật liệu cốt bằng khung thép, ngoài toà nhà ốp kính, đặc trưng theo mô típ kiến trúc quốc tế hiện đại nhưng nó vẫn giữ lại được một sự hợp lý với hình thức Nhật Bản truyền thống trong khoảng không gian đạt được của các phòng trong ngôi nhà và không gian ba chiều được rút gọn khoẻ khoắn. Đối với Sân vận động Quốc gia Yoyogi cực kỳ hiện đại (1963) được xây dựng cho Thế vận hội Tokyo năm 1964, Tange đã thiết kế các ngôi nhà thi đấu điền kinh Olymyic với những chất liệu phù điêu khoẻ mạnh, theo trường phái kiến trúc Le Corbusier trong nhà thờ Ronchamp ở Pháp. Việc sử dụng những tấm bê tông mái được đúc sẵn và các dây cáp thép kéo căng được mắc vào hai trụ lớn như trong việc xử lý xây dựng chiếc cầu treo mà ông đã thành công trong việc tái tạo lại đường cong của mái ngôi nhà thờ. Với việc hoàn thành Tòa văn phòng Trung tâm Dentsu (1967) và khu liên hợp Trụ sở chính quyền thành phố Tokyo cao 62 tầng ở Shinjuku vào tháng 3 năm 1991, sự nghiệp kiến trúc của Tange đã đạt đến trình độ bậc thầy. Những toà nhà hình tháp giống như các tháp chuông nhà thờ của khu liên hiệp Trụ sở này chiếm vị trí nổi bật, là một vẻ đẹp đặc biệt của trung tâm Tokyo.

Về việc kế thừa di sản truyền thống, Tange Kenzo nói: “Sự từ chối một cách đơn giản những phương pháp học được ở truyền thống là không thực tiễn, nhưng những phương pháp mới phải được tìm tòi, kiến trúc phải được va chạm mặt đối mặt với thực tiễn hiện tại”, “truyền thống dân tộc là một vòng đá đeo cổ quý giá, nhưng chúng ta phải phá vỡ nó thành những mảnh nhỏ và ghép chúng lại dưới những dạng mới”, “truyền thống chỉ đóng vai trò của chất xúc tác trong quá trình sáng tác, không hơn không kém”.

Tinh thần đó của các kiến trúc sư Nhật Bản đã giành được sự tán thưởng của mọi người sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi những cảm hứng của Tange Kenzo và nhiều người khác bắt nguồn từ kiến trúc gỗ dân gian Nhật Bản được thể hiện vào những công trình kiến trúc giàu sáng tạo, làm xôn xao dư luận Nhật Bản và các nước phương Tây.

Kiến trúc Nhật Bản hiện đại đã đồng thời đáp ứng được những nhu cầu mới của con người về mặt xã hội và sinh hoạt, lại phải phù hợp với khí hậu và tập quán truyền thống của dân tộc… Việc sử dụng cân nhắc đúng mức các thành tựu kỹ thuật và tinh hoa kiến trúc cổ truyền dưới dạng mới, khiến cho nền kiến trúc Nhật Bản có được những công trình nổi tiếng, như Nhà bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Tokyo (1951) của Junzo Sakakura, Cung hội nghị của Hội đồng thành phố Tokyo (1961) của Kunio Mayekawa, Toà thị chính Karayushi (1956).

Vị trí các tác phẩm của những kiến trúc sư Nhật Bản lớp trước như Sakakura và Mayekawa (cả hai đều là học trò của Le Corbusier) được đánh giá cao, do họ đã tổng hợp được khả năng của kỹ thuật mới và những điểm trội của kiến trúc dân gian Nhật Bản.

Trong khi đó, các kiến trúc sư như Ando Tadao và Maki Fumihiko đã kế thừa phương pháp thủ công trong việc xây dựng và ứng dụng kiểu thiết kế hiện đại và kỹ thuật cao trong xử lý các biệt thự và các công trình xây dựng quy mô lớn.

Gần đây có một sự phục hồi các hộ gia đình gồm 3 thế hệ với gần 50% các ngôi nhà mới xây 3 tầng, thiết kế cho 3 thế hệ theo truyền thống, nhưng cho phép có một sự cách biệt riêng giữa các thế hệ trong gia đình. Ở Tokyo, thị trường xây dựng nhà ở lớn nhất, con số xây dựng đã giảm xuống còn 27,8% vào năm 1987, sự tăng giá đất khiến ước mơ về việc có riêng một ngôi nhà thậm chí ngày lại thêm xa vời. Ngoài ra, vấn đề phát triển thành phố không có quy luật đã gây ra những tai họa lớn mà các biện pháp khắc phục đề ra đều thu được rất ít kết quả. Trước tình hình trên, các kiến trúc sư Nhật Bản đã tập trung vào giải quyết vấn đề quy hoạch đô thị.

Ngày nay, Nhật Bản là trung tâm lớn nhất về lý thuyết đại đô thị trong các nước phát triển. Điều này có nguyên nhân: sự gia tăng dân số nhanh chóng và chật chội về lãnh thổ đã  buộc các kiến trúc sư Nhật phải tìm kiếm những giải pháp toàn cục mới, trong đó Tokyo – thủ đô được ưu tiên hàng đầu. Hầu như tất cả các đồ án quy hoạch cho Tokyo đều lấy cơ sở việc tận dụng không gian dưới mặt nước không sâu lắm ở vịnh Tokyo. Đồ án quy hoạch của tập thể kiến trúc sư Nhật dưới sự chỉ đạo của Tange Kenzo thiết kế năm 1961 đã gây một tiếng vang rất lớn. Các tác giả đã đưa Tokyo mới ra ngoài biển, trên mặt nước vịnh Tokyo. Một “trục đô thị” làm nhiệm vụ nối liền khu vực Tokyo cũ với Tokyo mới, từ trung tâm Tokyo hiện có với những cơ quan nhà nước, các công trình công cộng phục vụ dân cư. Dọc theo trung tâm thành phố là tuyến giao thông huyết mạch gồm các đường xe hơi cao tốc, đường ray nhiều tuyến, nhiều tầng nằm trên các cầu cạn cách mặt nước biển 50m. Các khối nhà ở cặp đôi với những trung tâm thương mại, vườn cây nghỉ ngơi, các công trình phục vụ trẻ em, bến xe, bến tàu tạo thành hạt nhân cho khu vực ở. Các khối ở như vậy liên hệ với mạng giao thông chính bởi các cầu cạn. Tất cả các tòa nhà và công trình kiến trúc đều nằm trên các trụ chống khổng lồ.

Việc xây dựng thành phố theo đồ án của nhóm Tange Kenzo dự tính hoàn thành trong vòng 20 năm với dân số 5 triệu người vào thời điểm kết thúc xây dựng. Đó không phải là đồ án duy nhất. Điểm đáng chú ý trong tất cả các đồ án là các kiến trúc sư Nhật đều sử dụng không gian trên mặt biển vịnh Tokyo và đều cố đạt được tính chọn lựa cao cho đô thị, xây dựng các công trình với nhịp điệu thay đổi đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển xã hội. Đặc sắc nhất là phương án “Thành phố Đại dương” (1959) do kiến trúc sư Kienori Kikutake đưa ra. Đó là một thành phố không hề có một nhà chọc trời hay cọc chống nào cả. Thành phố của Kikutake là một thành phố “trôi” trên mặt biển. Các trung tâm công cộng được trù tính xây dựng trên các đảo trôi nhân tạo đường kính 800m. Toàn bộ các khu nhà ở được đưa xuống các hộp hình trụ tròn có khí hậu điều hòa ở sâu dưới mặt nước trong lòng biển 30m. Tác giả công trình này xem đó là một điểm ưu việt, vì các cư dân có thể quan sát được cuộc sống giữa đại dương trực tiếp qua các cửa kính trông ra đáy biển.

Một số các đồ án thiết kế nhà ở quy mô lớn như đồ án thành phố mới Senri vùng Osaka ra đời nhằm thỏa mãn những đòi hỏi lớn về nhà ở do sự tăng dân số, và ở các thành phố lớn, nơi đất chật, người đông, kỹ thuật xây những nhà siêu cao có tiến bộ đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu lớn về diện tích công sở.

Một khuynh hướng nổi bật gần đây là tái phát triển đô thị vùng trung tâm Tokyo, tập trung vào xây dựng những nhà cao tầng lịch sự như tổ hợp Ark Hill, để thỏa mãn nhu cầu của một thành phốn đã được quốc tế hóa và đầy đủ phương tiện thông tin. Những ngôi nhà lịch sự được nối với mạng lưới thông tin hiện đại nhất của thế giới và được điều hành tự động.

Có lẽ điều đáng lo nhất trong xã hội Nhật Bản là khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực liên quan đến vấn đề nhà ở. Ước mơ của những người làm công ăn lương Nhật Bản là làm chủ một gia đình nhỏ, có một mái nhà trên một mảnh đất nhỏ không quá xa nơi làm việc, ở cách thành phố lớn nước Nhật. Ngày nay, ngày càng ít người có đủ tiền để mua một căn hộ tập thể chứ chưa nói gì đến nhà riêng. Một ngôi nhà bình thường ở Tokyo giá 100 triệu Yên (750.000 USD) trở lên. Một nhà cao cấp mới xây ở Demenchofu, vùng dân cư giầu nhất thành phố giá 3 tỷ Yên hoặc là hơn 20 triệu đô la Mỹ. Giá đất ở trung tâm Tokyo ngày càng tăng. Với một dân tộc mà thu nhập quốc dân đứng hàng thứ hai trên thế giới lại không đủ nhà ở cung cấp cho cư dân là một vấn đề dai dẳng và đau đầu cho chính phủ Nhật, ngoài những nỗi đau đầu chính trị khác.

Tokyo đất chật người đông, giá đất đắt khủng khiếp đến như vậy, nhưng khi được làm chủ một mái nhà trên một mảnh đất nhỏ là người chủ của nó nghĩ ngay đến mảnh vườn, đến thiên nhiên thu nhỏ. Ngay từ xưa người Nhật đã có tham vọng đưa cả thiên nhiên hùng vĩ vào trong nhà của mình.

Ta lên đỉnh Tago đẹp xinh,

lấy thừng ta kéo nó về nhà chơi…[1]

Câu hát ấy trong điệu hát dân ca Azumauta ghi trong tập Manyoshu là một dẫn chứng. Có thể nói, việc thực hiện sự tưởng tượng thơ mộng đó vào cuộc sống thực tế chính là nền văn hóa sân vườn độc đáo của Nhật Bản. Muốn bê cả cái thiên nhiên bao la đó vào trong các khoảnh vườn bị giới hạn, do đó không có cách nào khác là phải thu nhỏ chúng lại, nói cách khác, nền văn hóa vườn của Nhật Bản gắn bó với “nền văn hóa thu nhỏ” này.

Cái vi mô trong vườn gợi lên vũ trụ vĩ mô. Một hòn đá, một gốc cây cũng đủ gợi cảm. Nó không đáp ứng nhu cầu lý tính như vườn kiểu Pháp mà nó muốn gây cảm xúc sâu lắng. Nó bao gồm đủ cả đất, đá, cát, nước, cây cỏ, loài vật… để con người cảm thông với vũ trụ. Vườn Nhật theo mẫu vườn Trung Quốc nhưng đi sâu hơn nữa vào tính tượng trưng, tính trầm tư (thiền). Đó là một loại hình điều khắc trên mặt đất, tôn trọng mặt đất nguyên thủy. Ở đó một khối đá hay vài hòn đá gợi lên một hình dáng núi, một vũng nước, một cái thác nhỏ... có khi tất cả các yếu tố ấy chứa trong một cái chậu con. Vườn thiền không có màu sắc rực rỡ, những mảng hoa lộng lẫy. Thảo đường để uống trà bị lá cây che khuất đến một nửa. Các phiến đá đặt chân trên lối đi không xếp thành hàng, bao quanh là rêu hay cỏ. Tại khu đền Ryoangi ở Tokyo, “vườn đá” có lớp sỏi trắng tượng trưng cho các hòn đảo trên biển, những cụm đá hình tròn hay cánh cung là nơi linh thiêng của thánh ngự. Ở vùng Kanto thì những núi Phú Sỹ, Tsukura; ở Kansai thì vùng bồn địa Nara, sông Yodokawa, hồ Biwa; và đặc biệt là ở Tokyo, thì những núi Hieizan, núi Atagoyama, núi Otokoyama đã trở thành “vườn” của nhiều gia đình. Kết cục, các khu vườn mượn phong cảnh trở thành nơi chứa thiên nhiên, giống như con cua của Takubo chứa cả biển Thái Bình Dương vậy.

Vườn và nhà Nhật Bản nằm trong một quan niệm tổng thể. Không gian kiến trúc nhà ở Nhật Bản đặc trưng bởi tính liên tục và tính uyển chuyển các hình khối của nội thất; nội thất và bên ngoài xen nhau, nhà và vườn xâm nhập nhau. Về mặt kỹ thuật, nhà cổ truyền lại có nhiều thành phần phù hợp với tư duy kiến trúc hiện đại thế giới; ngăn vách bằng các phiến giấy bồi; tiêu chuẩn hóa những thành phần xây dựng (vách, sàn nhà, những bộ phận chiều dài quy định của khung nhà để khi thay lắp cho khít và đặt nhiều thợ khác nhau đều được). Đơn vị hình chữ nhật Tatami (chiếu) là cơ sở đo sàn nhà và cả các phiến tường vách có thể làm sẵn theo đúng khuôn thước ở mọi nơi. Rất nhiều nhà kiến trúc Âu – Mỹ đã nghiên cứu kiến trúc Nhật Bản để áp dụng vào kiến trúc hiện đại (cố gắng hợp lý hóa, sơ đồ hóa, cấu kiện đúc sẵn làm nhà ghép).

Để thờ cúng, nhà nông thôn cổ truyền có ba phần. Phần bằng đất nện là nơi gia đình  làm việc và thờ các thần vật linh (thần lửa, thần bếp, thần nước). Phần sàn lát gỗ có bàn thờ Thần đạo. Phần giải chiếu (Tatami) có bàn thờ Phật.

Bên trong gia đình Nhật Bản ngày nay có những thay đổi rất tinh tế giữa các mối quan hệ, đôi khi được phản ánh qua kiến trúc ngôi nhà. Ngày nay kết cấu nhà ở thể hiện sự tách biệt nhiều hơn so với trước đây, thể hiện bằng những bức tường vững chắc ngăn cách ngôi nhà thành nhiều phòng thay cho những cánh cửa trượt trước đây. Người ta cũng còn xây thêm những căn phòng riêng cho các thành viên trong gia đình mà trước đây họ thường cùng nhau sử dụng khoảng không gian chung, ngay cả phòng ngủ. Cặp vợ chồng mới cưới, sống chung với mẹ, thường chuyển tới phần nhà cơi nới được xây thêm để dành riêng cho họ. Ở đây, họ cùng con cái chung sống những năm đầu, mặc dầu thế hệ già có thể đổi chỗ ở cho gia đình trẻ khi họ về hưu.

Từ những năm 60, đa số gia đình sống theo kiểu phương Tây; khi quan hệ xã hội thì ở phòng khách, bên trong bố trí theo nội thất Nhật; cũng có khi bếp là nơi ăn lại thiết kế kiểu Tây có đầy đủ tiện nghi. Nhà cổ thì có một buồng dùng cho gia đình ăn uống và ở. Nội thất Nhật tìm cái đẹp trong sự thuần khiết của các chất liệu, sự giản đơn của đường nét, ánh sáng rất dịu để cho bóng tối có giá trị đậm nhạt. Phần nhiều còn giữ lại một góc đầu giường, khoang xây thụt vào tường (tokonoma) treo một bức tranh cuốn và để lọ hoa, có thể là chỗ để máy thu hình hay đài thu thanh.

Hầu hết các thành phố lớn Nhật Bản phải xây dựng lại từ đống tro tàn của chiến tranh. Chính từ “cơn bĩ cực” đó, các kiến trúc sư đã tìm ra cho kiến trúc Nhật Bản một nội dung mới. Họ biết kế thừa kiến trúc truyền thống nhưng không coi việc phục hưng di sản cũ là mục đích của kiến trúc mới, mà cho rằng kiến trúc phải chú trọng đến nhu cầu của cuộc sống con người hiện đại. Mặc dù còn mắc nhiều sai lầm về quy hoạch trong phát triển đô thị ở thời kỳ tăng trưởng nhanh, nạn ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông đường bộ... nhưng sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị mới đã làm cho diện mạo của xã hội Nhật Bản thay đổi sâu sắc. Nền kiến trúc hiện đại đã góp phần to lớn mang lại diện mạo đó cho nước Nhật ngày nay.

 

NGUYỄN TUẤN KHANH

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoài Đức, Vườn Nhật, Nxb Trẻ, 1996.
  2. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên), Những chặng đường phát triển của văn hoá Nhật Bản. Nxb. Khoa học xã hội, 2001.
  3. Japan Architecture, các số từ năm 1997, 1998, 2001, 2002, 2003.


([1]) Lee O Young, Người Nhật Bản với chí hướng thu nhỏ. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr, 121.

0thảo luận