Trang chủ

TÂM TRẠNG BẤT AN CỦA NGƯỜI NHẬT

Đăng ngày: 17-04-2012, 10:31 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 5

Người Nhật  thích nói chuyện “đắm chìm”. Đầu những năm 70 của thế kỷ XX chính là những năm Nhật Bản vùng dậy sau chiến tranh, lần đầu tiên vượt qua các cường quốc Tây Âu, trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng cả nước lại không hề có những loại bàn luận như “trỗi dậy” gì đó, mà ngược lại, số người bàn đến “Sự đắm chìm của Nhật Bản” đã nhiều lên. “Sự đắm chìm của Nhật Bản” là tên một tác phẩm khoa học viễn tưởng của nhà văn Nhật Omatsu Sakyô. Tập một của cuốn tiểu thuyết này bán được 2,04 triệu bản, tập hai bán được 1,82 triệu bản, tác giả do đó nhận được 120 triệu Yên. Cßn bộ phim cùng tên, được cải biên từ cuốn tiểu thuyết đã thu được 4 tỷ Yên tiền bán vé, có tới 8,8 triệu lượt người xem, chấn động cả quần đảo Nhật Bản. Một thời gian “Sự đắm chìm của Nhật Bản” đã trở thành đầu đề câu chuyện sôi nổi nhất đương thời.

Hơn 30 năm trôi qua “nhanh như chớp mắt”. Năm 2006, kinh tế Nhật Bản đã duy trì được sự tăng trưởng liên tục 5 năm liền, rất nhiều người cho đó là thành tích tốt đẹp khó có. Nhưng Nhật Bản đã cho chiếu lại bộ phim “Sự đắm chìm của Nhật Bản”, trong bản phim mới, đã dùng kỹ thuật vi tính thể hiện thêm cảnh động đất và sóng thần rất có cảm giác như tại hiện trường. Bắt đầu từ ngày 15 tháng 7 năm 2006, bộ phim này được chiếu rộng rãi tại 316 rạp chiếu phim, chỉ trong ba ngày đã thu được 9 tỷ Yên tiền bán vé, một lần nữa làm xã hội chấn động. Cùng thời đại với “Sự  đắm chìm của Nhật Bản” còn có những tác phẩm vẽ lên nguy cơ của Nhật Bản, kêu gọi ý thức lo lắng hoạn nạn của mọi người được xuất bản như “Ba mươi năm Bình Thành”, “Phong ấn Nhật Bản” v.v

Những tô vẽ và truyền bá tâm trạng bất an của Nhật Bản đã có nguyên nhân từ lâu. Chính phủ và các giới xã hội ở Nhật Bản thường đề xuất với quốc dân về sự tồn tại của Nhật với những luận điểm như quần đảo sẽ bị chìm, luận điểm tài nguyên sẽ cạn kiệt, luận điểm nguy cơ sinh tồn v.v.. nhằm khích lệ tâm trạng bất an để phấn đấu vươn lên không cam chịu lạc hậu. Trong tâm trạng bất an của Nhật Bản không tồn tại tâm tư phiền muộn và bài ngoại quá độ. Khi Nhật Bản đang “trỗi dậy” thường rất ít thấy những cuộc tuyên truyền sục sôi khí thế ngất trời và những lời tự mình ca ngợi rầm rầm rộ rộ, mà ngược lại, càng thêm tự suy ngẫm lại và lo lắng hoạn nạn một cách tỉnh táo và thận trọng hơn. Có thể đó là một trong những nguyên nhân để vẫn duy trì được ưu thế tự thân, sau khi kinh tế Nhật Bản không ngừng khắc phục hàng loạt khó khăn, trải qua “đồng Yên tăng giá trị”, “phá bong bóng”, “khắc phục tiêu điều” v. v..

Mấy năm gần đây, làn sóng bảo thủ hoá  ngày càng thịnh, sự bành trướng về chính trị của giới truyền thông Nhật Bản đã khiến người ta phải lấm lét nhìn. Nhưng về mặt đưa tin và bình luận về phát triển kinh tế của Nhật Bản, phần lớn vẫn giữ được thái độ dường  như là có trách nhiệm, trong những bài viết cần phải “cổ vũ lòng dân” như xã luận đầu năm v.v.. vẫn chỉ là luôn luôn “cảnh cáo”, không ngừng xoi mói nền kinh tế Nhật đã từng trải nhiều trận đánh. Những khiêm tốn của một số “ông chủ” doanh nghiệp lớn Nhật Bản vào loại hàng đầu thế giới, thường làm cho người ta coi thường đất nước thực ra đã có bình quân GDP tính theo đầu người là 40.000 USD. Khi giới kinh doanh thế giới đều cho rằng cuối cùng thì nền kinh tế Nhật Bản đã ra khỏi 10 năm không khởi sắc, kỳ vọng Nhật Bản phát huy tài năng tại Châu Á thì nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tôyôta đã dội một gáo nước lạnh: “Nhật Bản muốn làm minh chủ Châu Á à? Không đủ tư cách đâu mà cũng không có lực lượng!”, “nếu hiện tại mà như vậy, Nhật Bản sẽ đắm chìm!” Thực ra giả sử Nhật Bản đắm chìm thì cũng chỉ là chuyện ở đâu đâu. Đem cái “mối lo sâu xa” làm cái “lo lắng gần” như vậy, đã không ngừng tạo dựng được ý thức bất an cho dân tộc mình, tất nhiên điều này có quan hệ tới sự thành thục của bản thân giới kinh tế Nhật, nhưng với tư cách là một chỉnh thể quốc dân thì cũng không phải là không quan hệ tới phương thức nhận biết của tầng lớp tinh anh. Đặc biệt là trong tình hình quốc gia đã tương đối tốt, tâm tình quốc dân thiên về phát sốt, nói chung trong tầng lớp tinh anh Nhật Bản đều có người phát huy tác dụng cân bằng của cái “van ổn định”

Ba loại tâm trạng bất an của Nhật Bản

Về đại thể có thể chia ý tâm trạng bất an của người Nhật làm ba loại. Loại thứ nhất là ý thức lo lắng hoạn nạn về hoàn cảnh sinh tồn của mình, tức là những điều thường nói “diện tích đất nước nhỏ hẹp, môi trường xấu, tài nguyên vừa ít vừa thiếu, thiên tai hoành hành” v. v... Loại tâm trạng bất an này tại Nhật Bản chỗ nào cũng có. Ví dụ như, cả nước Nhật đều hay nói tới câu chuyện năng lượng căng thẳng, không ít người có thu nhập cao mà vẫn tính toán chi ly từng giọt nước, từng kw giờ điện. Mùa hè năm 2006 khá nóng, thế là để tiết kiệm điện đã có người kiến nghị, điều hoà không khí không được để thấp hơn 28 độ C, kết quả là đi đến đâu cũng đều là 28 độ C, có nơi còn dứt khoát dùng băng dính dán chặt núm điều chỉnh nhiệt độ, không cho ai  vặn. Thực ra ở Nhật dường như xưa nay chưa hề mất điện, cũng không hạn chế dùng điện. Loại tâm trạng bất an không chỉ là sự phản ánh “mô hình gia công” của tình hình đất nước một cách khách quan mà còn là sự thể hiện phương thức tư duy tự mình nhận thức, tự mình ràng buộc của bản thân người Nhật, là nền tảng của ý thức và quan niệm giá trị của quốc dân Nhật. Nhiều ưu điểm khiến người ta kính trọng cũng như nhiều khuyết điểm khiến người ta ghét bỏ Nhật Bản đều lấy những cái đó làm cơ sở.

Tâm trạng bất an thứ hai đến từ sức ép xã hội. Ví dụ như trong báo cáo “Dự đoán dân số tương lai của Nhật Bản”, Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số của Nhật  đã cho biết, đến năm 2055, dân số Nhật sẽ giảm xuống còn 89,93 triệu người, trong đó người già chiếm 40%, gấp hai lần hiện nay. Đối với Nhật Bản - nước dựa vào ưu thế nhân lực, sức nặng và sự sâu xa của áp lực này không nói cũng rõ.

Phải cộng thêm áp lực bên ngoài tạo ra cho Nhật Bản từ các nước xung quanh như “vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”, “tâm lí chống Nhật ở Hàn Quốc”, sự phát triển nhanh mạnh của kinh tế Trung Quốc, “bốn đảo” của nước Nga, đều làm cho Nhật Bản khó ngủ yên. Còn việc Mỹ đóng quân ở Nhật đã 60 năm, người khác dường như đã quen, cho là thường, nhưng áp lực tổng hợp phải chịu từ các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao v.v.. chỉ có người Nhật mới cảm thấy sâu sắc nhất. Cũng có thể nói, trong những áp lực bên ngoài mà Nhật phải đối mặt, việc Mỹ đóng quân đã tạo thành những tình cảm bi quan nghiêm trọng nhất, hơn nữa  rất khó thay đổi nhất, nhưng nó lại mang lại cho nước Nhật ngày nay những lợi ích nhiều nhất, hơn nữa cũng khó thay đổi nhất. Dưới sức ép đó, người Nhật Bản so với người Trung Quốc tuy không phát triển bằng, nhưng vị thế quốc tế luôn luôn đi lên ổn định, khiến người Nhật có sự khác nhau rất lớn về ý thức lo lắng hoạn nạn.

Loại thứ ba là tâm trạng bất an đến từ truyền thống văn hoá. Trong lịch sử phát triển lâu dài của Nhật, đã hấp thu một lượng lớn văn hoá Trung Quốc, đặc biệt là tư tưởng Nho giáo, kết hợp với tình hình đất nước của mình, đã hình thành truyền thống văn hoá riêng. Ví dụ như những lời dạy của Khổng Tử “người không biết nghĩ xa, tất có lo gần”, của Mạnh Tử “sống với lo lắng hoạn nạn thì chết sẽ an lành” v.v.. dường như là nhằm vào người Nhật mà nói, khiến người Nhật được hưởng lợi rất nhiều, nên vô cùng tôn sùng. Loại quan niệm văn hoá này kết hợp với những căn cứ nói trên làm cho tâm trạng bất an của người Nhật có công năng ứng phó với những tai hoạ có tính đột xuất mà còn dần trở thành tính cách đặc trưng có riêng của dân tộc Nhật Bản; nó không chỉ có phẩm chất, tính cách có tính hiện thực, mà còn có phẩm chất tính cách có tính lý luận rất mạnh, vì thế có tính độc lập và tính ổn định nhất định, tức là dù khi hoàn cảnh thay đổi cũng không dễ dàng vứt bỏ. Điều này, nhiều dân tộc dù có sức ép của hiện thực nhưng không được hun đúc bằng truyền thống văn hoá, “chỉ biết vâng theo mệnh trời”, hoặc là những dân tộc tuy có bối cảnh văn hoá nhưng ít sức ép hiện thực “miệng ăn núi lở” khó có thể so sánh được.

Ba bài học lớn trong quá trình phát triển của Nhật Bản

Muốn hiểu đầy đủ tâm trạng bất an của người Nhật không những cần phải khai thác hiện thực và nguồn gốc văn hoá của họ mà còn phải đi sâu nghiên cứu lịch trình gập ghềnh của cận đại hoá Nhật Bản, đó là nhân tố  riêng rất có sắc thái Nhật Bản.

Hơn 100 năm nay trong quá trình thực hiện cận đại hoá, dân tộc Nhật đã trải qua ba bài học lớn. Lần thứ nhất là từ năm 1840 đến trước sau Duy tân Minh Trị, từ lúc các cường quốc phương tây dựa vào thực lực mở được cửa lớn Trung Quốc đến lúc tướng hải quân Mỹ Perry tiến vào Edogawa (nay là Tokyo) gần vịnh Urawa (sự kiện thuyền đen), người Nhật nhìn thấy Trung Quốc lớn mạnh nhưng chịu không nổi một đòn công kích của các cường quốc nên đã lựa chọn thái độ tự mình cúi đầu, hết lòng học tập. Các cưòng quốc xâm lược Trung Quốc và bài học của Nhật Bản với tư cách là bài học đầu tiên của cận đại hoá Nhật Bản, đã khắc sâu vào trong tính cách dân tộc Nhật Bản bài học lịch sử trực tiếp chuyển hoá thành tâm trạng bất an mãnh liệt cũng như hành động quyết chí tự cường. Thế nhưng, cùng với sự tăng cường sức mạnh đất nước tổng hợp và sự thực hiện bành trướng ra ngoài, cuối cùng Nhật Bản đã đi lên con đường phát động toàn diện chiến tranh. Trong thời gian này trong nước Nhật chỗ nào cũng ồn ào, nhốn nháo “thánh chiến”, “đại thắng”, quản lý ngôn luận độc tài quân sự và những sào nấu quá nóng của giới truyền thông  đã làm cho tâm tư, tình cảm quốc dân Nhật năm đó từ lo lắng hoạn nạn nhanh chóng chuyển sang bành trướng, hơn nữa sau này đến khi chiến sự bất lợi thì sự tuyên truyền của chính phủ và giới truyền thông vẫn ngày càng phát sốt, sự động viên của chủ nghĩa quân phiệt ngày càng cuồng nhiệt. Đến nỗi từ sau chiến tranh đến nay, tại Nhật vẫn luôn luôn có người chọn viết bài suy ngẫm lại về thái độ thiếu tỉnh táo, khách quan và tự phản tỉnh của các giới tinh anh trong thời chiến. Có thể là do trạng thái tâm lý không biết tự lượng sức mình đó đã làm cho Nhật coi toàn nhân loại là kẻ thù, cuối cùng rơi vào kết cục chiến bại. Thua trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai là lần thứ hai dân tộc Nhật Bản tiếp nhận bài học lịch sử, và cũng chính là lần thất bại này đã làm cho Nhật Bản từ đó rời khỏi hàng ngũ nước lớn chính trị trên thế giới. Cho dù sức mạnh quốc gia tổng hợp của Nhật, đặc biệt là yếu tố cơ sở kinh tế xã hội chưa bị triệt để phá hoại, sau chiến tranh lại được Mỹ ra sức nâng đỡ, nhưng những sự trừng phạt và bài học của dân tộc Nhật Bản trong lần thất bại này đối với người Nhật là không bao giờ có thể quên được. Vì vậy, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản đã có bộ mặt tinh thần hoàn toàn mới, “bắt đầu từ số không”, chịu nhục vì sự nghiệp lớn, vùi đầu làm việc trên đổ nát hoang tàn của chiến tranh, khởi động lại việc xây dựng đất nước mình, hơn nữa vẫn duy trì được trạng thái tâm lý tâm trạng bất an  này. Mặc dù giữa thời gian đó đã bùng nổ chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, khủng hoảng dầu mỏ thế giới v.v.., nhưng tất cả những cái đó đều chỉ làm cho Nhật Bản càng tăng cường thêm trạng thái tâm lý trên.

Thế nhưng cùng với việc nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ cao, bền vững, đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh trị giá đồng Yên tăng vọt, bong bóng của nền kinh tế Nhật bắt đầu bành trướng, một số công ty lớn bắt đầu thu mua những vùng nhà đất nổi tiếng tại nước Mỹ, bao gồm cả Toà nhà Rockerfeller với khí thế dường như muốn mua cả thành phố Newyork và thành phố Chicago vào tay, người Mỹ kinh hoàng kêu lên “sự kiện Chân Châu cảng lại đến rồi”. Lần “tiến vọt” của Nhật Bản trực tiếp dẫn tới kinh tế bong bóng của Nhật bị vỡ, các công ty lớn nối tiếp nhau đóng cửa, ngân hàng phá sản, thị trường cổ phiếu, nhà đất tụt mạnh, từ đó kinh tế Nhật bước vào thời kỳ đình trệ và suy thoái lâu dài, tức cái gọi là “mất mát mười năm” hoặc “mười năm tiêu điều”. Đó chính là lần dân tộc Nhật tiếp nhận bài học lịch sử lần thứ ba, và cũng là lần trắc trở gần đây nhất. Mà đồng thời với cái đó, hai nước lớn có quan hệ chặt chẽ nhất với Nhật Bản là Trung Quốc và Mỹ, lại xuất hiện sự tăng trưởng với tốc độ nhanh ít có, khiến đầu óc người Nhật, một lần nữa phải tỉnh táo lại, tâm trạng bất an, một lần nữa được nhấn mạnh.

Trong hơn một trăm năm phát triển, Nhật Bản đã trải qua rất nhiều gập ghềnh, nhưng mỗi lần thất bại đều được chuyển hoá thành ý thức lo lắng hoạn nạn, kêu gọi dân tộc Nhật vùng lên, ngưng đọng thành cơ hội tốt cho tinh thần quốc dân. Lịch sử cận đại Nhật Bản chứng minh: mỗi khi đầu óc phát sốt, không tự lượng được sức mình, nói ba hoa, tiến liều, là cả dân tộc bị đụng đầu vào đinh, ngã bổ nhào, chịu cực khổ. Còn mỗi khi thực sự cầu thị, tỉnh táo, tự xem xét lại mình, vùi đầu làm việc thì dân tộc này sẽ khởi sắc, có đường ra, có phát triển. Bài học lịch sử rất đáng chú ý. Kinh nghiệm của người láng giềng cần phải được quan tâm.

 

CẢNH HÂN

Người dịch: Dương Quốc Anh - Theo Tạp chí Trung Quốc Duzhe (Độc Giả), Số 8, tháng 4 năm 2007

0thảo luận