Trang chủ

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HỢP TÁC LAO ĐỘNG GIỮA VIỆT NAM VÀ ĐÀI LOAN TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Đăng ngày: 17-04-2012, 10:29 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 5

Trong những thập kỷ qua, Đài Loan đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong sự phát triển kinh tế và là một trong 4 con rồng lớn của Châu Á. Điều này cũng đưa đến những chuyển biến đáng kể trong đời sống kinh tế-xã hội, cụ thể là mức sống, chất lượng sống của người dân cũng như kỹ năng, tay nghề người lao động của Đài Loan cũng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, xét dưới khía cạnh nguồn lao động, sự phát triển kinh tế ở  Đài Loan cũng đang làm xuất hiện những vấn đề xã hội cấp thiết như sự già hoá dân số, sự giảm sút tỷ lệ sinh. Điều này đã làm Đài Loan lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, đặc biệt là những lao động phổ thông ngày càng tăng từ đầu những năm 1990 đến nay và việc tiếp nhận nguồn lao động phổ thông từ nước ngoài, đặc biệt từ những nước trong khu vực, ngày càng trở thành một nhu cầu tất yếu. Đây là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu, khảo sát nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa hợp tác lao động giữa các nước trong khu vực và Đài Loan. Với ý nghĩa trên, bài viết này chủ yếu trình bày các quan điểm, quy định và các chính sách của Đài Loan và Việt Nam đối với xuất khẩu lao động của Việt Nam, các khảo sát và phân tích thực trạng lao động xuất khẩu của Việt Nam tại Đài Loan gắn liền với sự so sánh, đối chiếu với các nước khác trong khu vực cũng như các vấn đề đặt ra và các biện pháp hoàn thiện và tăng cường quan hệ hợp tác trên trong thời gian tới.

1. Các quy định, chính sách chủ yếu đối với lao động nước ngoài ở Đài Loan

Việc tuyển dụng lao động nước ngoài ở Đài Loan được thực hiện không phải dựa trên cơ sở thay thế mà là bổ sung nguồn lao động bản xứ, do đó Đài  Loan không hề có ý định mở cửa hoàn toàn thị trường lao động nước này cho lao động nước ngoài và những lao động nước ngoài bất hợp pháp sẽ không được phép hợp pháp hoá việc ở lại tại Đài Loan. Tuy nhiên, từ 1/8/2000, để đáp ứng những biến đổi trong thị trường lao động tại Đài Loan, Chính phủ nước này đã bắt đầu giảm việc xét quota đối với lao động nước ngoài trong các ngành sản xuất. Chính sách này cũng áp dụng đối với những người trông nhà và lao động nước ngoài trong xây dựng công trình công lớn. Các chính sách đối với lao động nước ngoài hiện nay cũng được xem xét và cập nhật kịp thời nhằm phản ánh những biến đổi về cung và cầu lao động nhằm đảm bảo sự phát triển năng động của nền kinh tế cũng như đảm bảo quyền lợi của các lao động tại Đài Loan.

Dưới đây là những quan điểm và quy định chủ yếu có liên quan đến tuyển dụng lao động nước ngoài được quy định trong Luật Dịch vụ việc làmQuy định về Việc làm và Quản lý lao động nước ngoài của Đài Loan:

+ Giấy phép tuyển dụng lao động nước ngoài tại Đài Loan được cấp có giá trị tối đa là 2 năm. Khi giấy phép này hết hạn, người chủ sử dụng được phép gia hạn “một lần duy nhất” tối đa là 1 năm. Việc gia hạn thêm tối đa là 6 tháng nữa có thể được thực hiện đối với các lao động trong các công trình xây dựng lớn và trong một số ngành nghề khác với từng trường hợp nhất định.

+ Để tránh gây thiệt hại và làm mất các cơ hội việc làm đối với lao động bản xứ, trước hết các chủ sử dụng cần ưu tiên, tạo điều kiện cho các lao động bản xứ trước khi tiến hành tuyển dụng lao động nước ngoài; lao động nước ngoài chỉ được tiếp nhận vào các vị trí còn trống khi việc quảng cáo tuyển dụng công khai không thu hút được đủ số lao động bản xứ. Chủ sử dụng lao động trên cũng cần phải trả khoản phí ổn định việc làm nhằm khuyến khích sử dụng lao động bản xứ và tăng cường phúc lợi cho người lao động và quản lý lao động nước ngoài.

+ Chủ sử dụng lao động không được tuyển dụng lao động nước ngoài đứng tên của mình để làm công việc của người khác hoặc đưa lao động nước ngoài vào làm các công việc không được ghi trong giấy phép; bất cứ vi phạm nào của chủ sử dụng lao động sẽ bị phạt tuỳ theo mức độ vi phạm và quota thuê lao động nước ngoài sẽ bị thu hồi, nếu giấy phép tuyển dụng của lao động nước ngoài bị thu hồi thì người lao động cũng sẽ bị thôi việc và trục xuất vĩnh viễn khỏi Đài Loan.

+ Chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm thông báo với cảnh sát và cơ quan quản lý về lao động khi lao động nước ngoài thường xuyên nghỉ việc không phép và mất liên lạc với chủ sử dụng trên 3 ngày hoặc khi mối quan hệ giữa chủ sử dụng và người lao động đó đã chấm dứt.

+ Lao động nước ngoài không được phép thay đổi chủ sử dụng hoặc việc làm, trừ khi việc tuyển dụng được chấm dứt do những nguyên nhân không thuộc chủ quan người lao động đó.

Bên cạnh đó, các cơ quan hành pháp Đài Loan cũng đã thông qua văn bản Hướng dẫn Quản lý Lao động nước ngoài nhằm ngăn chặn một cách hiệu quả các ảnh hưởng xã hội tiêu cực do việc đưa lao động nước ngoài vào Đài Loan. Dưới đây là những điểm chủ yếu của bản Hướng dẫn trên:

+ Thiết lập Hệ thống Thông tin và Quản lý Lao động Nước ngoài ở Đài Loan nhằm tạo điều kiện và cho phép các cấp có thẩm quyền có thể theo dõi thông tin cập nhật về tình hình của từng người lao động nước ngoài tại Đài Loan. Hình thành các thủ tục một cách chuẩn mực liên quan tới việc quản lý lao động nước ngoài hàng ngày thông qua việc yêu cầu các chủ sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định đối với người lao động.

+ Củng cố các dịch vụ tư vấn cho lao động nước ngoài. Hướng dẫn này nhằm hỗ trợ cho lao động nước ngoài tại Đài Loan và ngăn chặn các tội phạm liên quan đến người lao động nước ngoài cũng như thiết lập một đường dây nóng miễn phí từ Cục Quản lý Lao động và Dạy nghề Đài Loan nhằm cung cấp dịch vụ trực tuyến cho các lao động nước ngoài bằng 4 thứ tiếng Anh, Thái, Inđônêxia và Việt Nam.

Ngoài ra để phù hợp hơn với hoàn cảnh thị trường lao động, một số văn bản, quy định cũng đã được bổ sung, sửa đổi. Sau đây là một số nội dung sửa đổi chủ yếu:

+ Sửa đổi đối với Luật Dịch vụ Việc làm:

Để khắc phục những điểm lỗi thời hoặc chưa cụ thể, sát thực của các đạo luật dịch vụ việc làm từ trước đến nay cũng như hướng đến việc thiết kế hệ thống thanh toán sòng phẳng, đảm bảo chất lượng của nhà cung cấp dịch vụ việc làm, quản lý một cách hiệu quả lao động nước ngoài, Uỷ ban Lao động đã dự thảo 2 bản sửa đổi Luật Dịch vụ Việc làm đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, văn bản sửa đổi mới tháng 7 năm 2006 đã quy định một cách chi tiết, rõ ràng hơn về chức năng, quyền hạn của các cơ quan quản lý các cấp đối với lao động nước ngoài, các quy định được phép và không được phép đối với chủ sử dụng lao động và đối với người lao động nước ngoài trong việc chấp hành các quy định pháp luật cũng như các hình thức xử phạt hành chính đối với việc vi phạm các quy định trên.

+ Sửa đổi Quy định về Việc làm và Quản lý Lao động Nước ngoài:

Một số sửa đổi của quy định trên hiện đang được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan chính phủ và luật pháp, chẳng hạn như Luật Di cư, Xuất nhập cảnh và Luật các Thủ tục Hành chính. Sự sửa đổi này bao gồm cả những điều khoản mới về kiểm tra sức khoẻ cho lao động nước ngoài theo yêu cầu của Cục Y tế, về việc tự động về nước trước khi giấy phép tuyển dụng hết hạn và điều khoản về nơi cư trú đối với các người nước ngoài.

2. Thực trạng lao động xuất khẩu của các nước trong khu vực và Việt Nam tại Đài Loan

2.1. Thực trạng lao động xuất khẩu của một số nước chủ yếu trong khu vực tại Đài  Loan

Để đáp ứng sự thiếu hụt nguồn lao động trong nước khá gay gắt trong những thập kỷ gần đây, Uỷ ban Lao động của Đài Loan đã quyết định mở cửa thị trường lao động cho người nước ngoài từ tháng 10 năm 1989, đồng thời tiến hành tự do hoá một cách mạnh mẽ thị trường lao động. Do vậy, số lao động hợp đồng đến Đài Loan từ các nước trong khu vực như Inđônêxia, Malayxia, Philipine và Thái Lan cũng được gia tăng một cách nhanh chóng. Việt Nam cũng đã được đưa vào danh sách những nước xuất khẩu lao động vào Đài Loan thông qua văn bản ký kết giữa 2 văn phòng đại diện hợp tác kinh tế và văn hoá của 2 nước tháng 5 năm 1999.

Trong khoảng từ cuối năm 1995 đến tháng giêng năm 2001, lượng lao động nước ngoài được tiếp nhận  tiếp tục tăng lên 71% từ 189 tới 325 ngàn người. Đến cuối tháng 10 năm 2006 số người lao động nước ngoài ở Đài Loan là 338041 người (Bảng 1). Trong đó, Thái Lan chiếm  tỷ trọng lớn nhất là 28%, Philippine chiếm 27%, Việt Nam chiếm  21% đứng thứ 4 sau Inđônexia với 24%.

 

 

Bảng 1: Số lượng lao động nước ngoài hàng năm ở Đài Loan

(Đơn vị: người, %/ tổng số)

Cuối năm

Tổng số

Inđônêxia

Malayxia

Philippine

Thái Lan

Việt Nam

Số

ngư­ời

%

Số ngư­ời

%

Số

ng­ười

%

Số

ngư­ời

%

Số

ng­ười

%

1999

294.967

41.224

14

158

-

113.928

39

139.526

47

131

0

2000

326.515

77.830

24

113

-

98.161

30

142.665

44

7.746

2

2001

304.605

91.132

30

46

-

72.779

24

127.732

42

12.916

4

2002

303.684

93.212

31

35

-

69.426

23

111.538

37

29.473

10

2003

300.150

56.437

19

27

-

81.355

27

104.728

35

57.603

19

2004

314.034

27.281

9

22

-

91.150

29

105.281

34

90.241

29

2005

327.396

49.094

15

13

-

95.703

29

98.322

30

84.185

26

2006

338.041

82.191

24

12

-

91.442

27

93.340

28

71.021

21

Nguồn: Cục quản lý lao động và dạy nghề Đài Loan

 

Xét theo thời kỳ từ năm 1999 đến cuối 2006, các nước Inđônêxia và Việt Nam đều đã gia tăng một cách nhanh chóng tỷ trọng lao động xuất khẩu đến Đài Loan, như Inđônêxia tăng xấp xỉ 2 lần, Việt Nam tăng hơn 9 lần so với năm 2000. Năm 1999 là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu lao động sang Đài Loan với tỷ trọng rất thấp so với các nước khác nhưng đã tăng đột biến về lượng vào năm 2000 và hiện nay tuy đứng ở vị trí thứ 4 nhưng không chênh lệch nhiều so với một số các nước Đông Nam Á khác. Trái lại với sự gia tăng trên, năm 2006, Malaixia đã giảm mạnh tỷ trọng trên so với các nước khác và hiện nay chỉ có 12 người đang lao động tại Đài Loan, còn Philippin và Thái Lan cũng đã giảm đáng kể ở mức hơn 20 % và 30% so với năm 1999.

 

 

 

Bảng 2: Cơ cấu ngành lao động nước ngoài tại Đài Loan tính đến 4 – 2006 (Đơn vị: số người, %)

Nước

Ngành

Thái Lan

Inđônêxia

Philippine

Việt Nam

Malayxia

Mông cổ

Tổng số

333.593

97030

(29,09%)

62098

(18,61%)

94992

(28,48%)

79395

(23,80%)

11

(0.000%)

67

(0.02%)

Cơ khí

168.060

(50,38%)

83338

(86%)

6456

(10,4%)

59081

 

(62,2%)

19146

(24,1%)

10

29

Xây dựng

13.422

(4,02%)

10905

(11,2%)

45

(0,07%)

1813

(1,9%)

658

(0,83%)

1

0

Thuyền viên

3.238

(0,97%)

7

1352

(2,2%)

844

(0,89%)

1035

(1,3%)

0

0

Chăm sóc người ốm

146.602

(43,95%)

2742

(2,8%)

53672

(86,4%)

32004

(33,7%)

58146

(73,2%)

0

38

Giúp việc gia đình

2.271

(0,68%)

38

573

(0,92%)

1250

(1,32%)

410

(0,52%)

0

0

Nguồn: Báo cáo về Bảo vệ quyền của người lao động nước ngoài ở Đài Loan, Uỷ ban Lao động Đài Loan, tháng 4 năm 2006.

 

Đối với cơ cấu các ngành nghề lao động xuất khẩu ở Đài Loan (Bảng 2), có một sự tương phản khá lớn giữa cơ cấu ngành của xuất khẩu lao động của Thái Lan và Philippine, Inđônêxia và Việt Nam.

Xuất khẩu lao động của Thái Lan được tập trung chủ yếu vào ngành cơ khí chiếm 86%, xây dựng là 11,2% và chỉ có 2,8% là trong lĩnh vực chăm sóc người ốm và giúp việc gia đình. Đối với Inđônêxia, tỷ trọng xuất khẩu lao động trong lĩnh vực cơ khí là 10,4% và 0,07% đối với ngành xây dựng trong khi tỷ trọng trong lĩnh vực dịch vụ của nước này là 87,35%. Cơ cấu ngành xuất khẩu lao động của Philippine cũng có một số điểm tương tự với Inđônêxia do lao động trong ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng khá lớn là 33,7% và chỉ một phần nhỏ là 1% trong ngành xây dựng, mặc dù lao động trong ngành cơ khí có tỷ trọng lớn là 62,2%. Đối với Việt Nam, cơ cấu lao động xuất khẩu khá tương đồng với Inđônêxia với tỷ trọng của các ngành cơ khí và xây dựng đều tương đối thấp khoảng 25% và lao động chăm sóc người ốm và giúp việc gia đình có tỷ trọng cao nhất là 73,7%, trong khi đó tỷ trọng thuyền viên và giúp việc gia đình là rất thấp. Xuất khẩu lao động của Thái Lan chủ yếu tập trung trong những ngành sản xuất như ngành dệt, may mặc, luyện kim, xây dựng, hoá chất, điện và điện tử. Đối với, lao  động của Philippine, 56% lao động sản xuất là trong ngành điện và điện tử và 11% trong ngành dệt, may mặc, ngoài ra luyện kim và hoá chất cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể. Cơ cấu lao động của Inđônêxia và Việt Nam trong những ngành sản xuất ở mức trung gian giữa xuất khẩu của Thái Lan và Philippine.

2.2. Thực trạng lao động xuất khẩu của Việt Nam tại Đài  Loan

a. Về số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam tại Đài Loan

Quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam - Đài Loan được bắt đầu từ tháng 5 năm 1999 với sự ký kết văn bản thoả thuận về việc gửi và tiếp nhận lao động Việt  Nam sang Đài Loan giữa 2 văn phòng đại diện là Văn phòng Hợp tác Kinh tế - Văn hoá Đài Bắc và Văn phòng Hợp tác Kinh tế - Văn hoá Việt Nam. Văn bản thoả thuận này chỉ giới hạn trong 3 năm, nhưng trên thực tế hợp tác lao động theo tinh thần 2 văn bản trên vẫn được tiến hành từ đó cho đến nay. Đây được xem là bước mở đầu cho hình thức hợp tác kinh tế mới giữa Việt Nam và Đài Loan, đặc biệt từ năm 2000 sau khi ký kết thoả thuận hợp tác lao động giữa hai văn phòng đại diện Việt Nam và Đài Loan, số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan mới tăng lên một cách mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2000 số lượng lao động Việt Nam ở Đài Loan là 7.746 người tức tăng gấp gần 60 lần so với năm 1999. Tính đến cuối năm 2005, lao động xuất khẩu của Việt Nam tại Đài Loan là 84.185 người thấp hơn ở Malayxia là 24.605 người nhưng cao hơn các thị trường truyền thống như Nhật Bản là 2955 người, Hàn Quốc là 12.102 người(1). Tuy nhiên, lao động Việt Nam ở Đài Loan năm 2005 và năm 2006 giảm so với năm 2004 là do một số nguyên nhân như sự bỏ trốn với tỷ lệ cao của lao động thuyền viên, sự đình chỉ hình thức lao động chăm sóc người bệnh tại gia đình, các áp lực về chi phí, đài thọ trước khi đi quá cao cũng như các đối tượng sắp hết hợp đồng bỏ ra ngoài làm việc khác để có thêm thu nhập trước khi về nước. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan trong vấn đề này là chính sách, quy định của Đài Loan trong việc thuê lao động nước ngoài còn bất cập, chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tế trong khi cầu về lao động làm thuê nước ngoài còn rất lớn, điều này cũng dễ dẫn đến các lao động làm thuê bỏ hợp đồng ra ngoài kiếm tiền.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát Đài Loan, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ hợp đồng được xem là cao nhất nhưng Việt Nam lại là nước có số lượng lao động xuất khẩu thấp nhất so với các nước xuất khẩu lao động khác trong khu vực. Đáng chú ý là tỷ lệ này có chiều hướng gia tăng một cách rõ rệt trong những năm gần đây, trong khi các nước khác có tốc độ gia tăng không đáng kể hoặc giảm sút. Như năm  2002, số lao động bỏ hợp đồng của Việt Nam là 1.390 người (4,7%) so với tổng số lao động nước ngoài bỏ hợp đồng tại Đài Loan, tỷ lệ này của Inđônêxia là 3,7%, Philippine là 2,6%, Thái Lan là 1,2%; năm 2004, tỷ lệ trên của Việt Nam là 8.647 (9,5%), Inđônêxia 3584 (1,1%), Philippine 2432 (2,6%), Thái Lan 1928 (1,8%); đến năm 2006 tỷ lệ này là 10.934 (13,3%), Inđônêxia 4.961 (6,2%), Philppine 3.053 (3,3%), Thái Lan 2.052 (2,1%). Điều này cho thấy cần phải chấn chỉnh hơn nữa về mặt tổ chức quản lý, đào tạo, các quy định thể chế và hoạt động  của các công ty môi giới giữa Việt Nam và Đài Loan.


Bảng 3: Cơ cấu ngành nghề của lao động xuất khẩu của Việt Nam tại Đài Loan

(Đơn vị: người, %)

 

Năm

Tháng 12

2003

Tháng 2

2004

Tháng 3

2005

Tháng 2

2006

Tháng 11

2006

Ngành

 

%

 

%

 

%

 

%

 

%

Tổng cộng

57603

100

61222

100

93090

100

81684

100

71021

100

Các công trình công lớn

185

0,32

188

0,3

431

0,5

526

0,6

561

0,79

6 ngành và 15 loại nghề

-

-

-

-

-

-

-

 

-

-

Hộ lý, chăm sóc ngư­ời bệnh

39932

69,32

43388

70,9

74325

79,8

61031

74,7

47741

6,72

Giúp việc gia đình

465

0,8

474

0,8

590

0,6

432

0,.53

312

0,4

Thuyền viên

2241

3,9

2242

3,7

1816

2,0

1143

1,4

727

1,0

68 loại nghề

36

0,06

36

0,06

18

0,02

7

 

8

 

73 loại nghề

1

0

1

 

1

 

1

 

-

 

Gốm, sứ

1

0

1

 

1

 

-

 

-

 

Dự án tu sửa xây mới nhà xư­ởng

10

 

10

0,02

8

 

-

 

-

 

Dự án khu công nghệ cao

-

-

-

-

-

-

-

 

-

 

Các nghề lao động nặng nhọc, nguy hiểm

-

-

-

-

-

-

-

 

563

0,82

Các ngành  chế tạo chủ yếu

4036

7,0

3942

 

3409

3,7

3493

4,2

5325

5,0

Công trình xây dựng lớn

21

 

21

 

10

0,01

44

0,05

127

0,18

Các ngành chế tạo thuê lao động định kỳ 2 năm

7926

13,8

8056

13,2

8506

9,1

9350

11,4

10164

14,3

Ngành chế tạo công nghệ phổ thông (truyền thống)

2672

4,6

2815

4,6

3919

4,2

5621

6,9

7259

10,2

Ngành  chế tạo công nghệ cao (phi truyền thống)

77

0,001

48

0,08

56

0,06

36

0,04

34

0,04

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu hàng năm về lao động xuất khẩu theo ngành nghề của Cục Quản lý Lao động và Dạy nghề Đài Loan

 

 

b. Cơ cấu lao động xuất khẩu của Việt Nam tại Đài Loan

Xét theo cơ cấu ngành nghề (Bảng 3), có thể nhận thấy, lao động xuất khẩu của Việt Nam ở Đài Loan chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực sau: ngành xây dựng cầu đường và nhà ở, các công trình công cộng,  các ngành công nghiệp cơ khí, đặc biệt là ngành dịch vụ xã hội và cá nhân, gia đình. Cụ thể trong số các ngành trên, từ năm 2003 đến cuối năm 2006, ngành chăm sóc bệnh nhân có tỷ trọng lớn nhất thường xấp xỉ 70% thậm chí năm 2005 tăng lên đến xấp xỉ 80%/tổng số lao động Việt Nam tại Đài Loan. Tỷ lệ này thường cao nhất so với các nước khác trong khu vực và có xu hướng giảm xuống thấp hơn nước đứng thứ 2 gần 50% do sự đình chỉ hình thức lao động chăm sóc người bệnh và giúp việc tại gia đình từ phía Đài Loan. Lĩnh vực tiếp theo là ngành cơ khí chế tạo thuê lao động định kỳ hai năm có vị trí đáng kể sau lao động chăm sóc người bệnh, mặc dù tỷ lệ thường chiếm từ 13-14% tức thấp hơn gấp 3 hoặc 4 lần so với hình thức chăm sóc bệnh nhân. Các ngành có tỷ lệ lao động Việt Nam  tham gia thấp là chăm sóc người bệnh tại gia đình, thuyền viên, nghề lao động nặng nhọc, nguy hiểm,... Tỷ lệ thấp của các ngành này chủ yếu là do sự đình chỉ giữa hai bên Việt Nam - Đài Loan đối với một vài loại hình lao động như chăm sóc người bệnh tại gia đình, thuyền viên, giúp việc gia đình.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thấp trên cũng thể hiện trong các công trình công lớn, các ngành nghề thuê lao động định kỳ 2 năm trong các khu công nghệ cao hoặc phi truyền thống tức những ngành có hàm lượng kỹ thuật vừa và cao. Trong khi đó, các nước xuất khẩu lao động khác trong khu vực có cơ cấu lao động xuất khẩu có hàm lượng kỹ thuật cao hơn Việt Nam, như đối với các công trình công lớn tỷ lệ lao động xuất khẩu của Thái Lan cao hơn Việt Nam gấp 10 lần, các ngành chế tạo chủ yếu cũng có tỷ trọng thấp hơn rất nhiều lần so với Thái Lan và Philippine, còn các ngành chế tạo thuê nhân công định kỳ 2 năm  và các ngành chế tạo truyền thống chỉ cao hơn Indonexia và thấp hơn khá lớn so với 2 nước trên. Đối với các ngành chế tạo phi truyền thống, mặc dù các nước khác trong khu vực có tỷ trọng lao động xuất khẩu tuy không cao so với các ngành nghề khác, nhưng Việt Nam có tỷ trọng lao động trong ngành cơ khí này còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

c. Về thu nhập và các khoản phí phải đóng của người lao động

Theo như quy định Luật Lao động của Đài Loan, mức lương cơ bản (tối thiểu) cho lao động làm thuê nước ngoài là khoang 500USD/tháng dù làm việc trong các ngành nghề khác nhau. Sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi tháng lao động nước ngoài được lĩnh  xấp xỉ 300 USD chưa kể phải đóng các khoản phí dịch vụ cho công ty môi giới Đài Loan. Tuy nhiên, từ năm 2001, Đài Loan đã không cho phép các công ty môi giới lao động nước ngoài ở Đài Loan thu phí môi giới trên vì nhằm tránh bóc lột người lao động nước ngoài trong khi họ đã phải chịu nhiều khoản phí khá cao khác cũng như nhằm tránh những khuất tất, chèo kéo về phí môi giới giữa hai bên. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này vẫn phải trả các phí dịch vụ môi giới cho các công ty môi giới của Đài Loan. Như vậy, do nhận được  mức thu nhập thấp và phải chịu các khoản chi phí môi giới cao trên và các khoản phí khác nên đã tác động đến sự gia tăng tỉ lệ bỏ trốn ra ngoài làm của lao động Việt Nam trong những năm gần đây.

3. Quan điểm và các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác lao động giữa Việt Nam - Đài Loan

Thị trường xuất khẩu lao động Đông Bắc Á, trong đó có Đài Loan được xem là thị trường trọng điểm và có nhiều tiềm năng trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, việc đưa lao động sang những nước này cũng gặp một số khó khăn nhất định như: sự cạnh tranh một cách gắt gao ở các nước khác trong khu vực như Inđônêxia, Thái Lan, Philippine có truyền thống xuất khẩu lao động và có chất lượng và cơ cấu lao động cao hơn so với Việt Nam. Đối với một số ngành nghề cụ thể, một số đại biểu quốc hội và một số bộ ngành, địa phương đã cho rằng lao động giúp việc gia đình và chăm sóc bệnh nhân không nên xem là ngành xuất khẩu lao động chủ yếu của nước ta và cơ cấu lao động xuất khẩu cần hướng đến  những ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật cao hơn. Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng các lao động trên không phải là những lao động thấp kém mà được xem như là những nghề lành mạnh, đem lại nguồn thu nhập chính đáng như các ngành nghề lao động khác.

Hệ thống luật pháp, thể chế của phía Đài Loan về hợp tác lao động được quy định một cách chặt chẽ và rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế cũng đã phát sinh những “lệch pha” nhất định như về phí môi giới được nêu ở phần trên. Để khắc phục tình trạng này, phía Việt Nam đã đề nghị Đài Loan hợp thức và công khai hoá loại phí trên, nhưng vẫn chưa đạt được những thoả thuận nhất định. Các bộ, ban, ngành của Việt Nam cũng đã quy định mức phí môi giới đối với thị trường Đài Loan là 1 tháng lương/năm, điều này đã tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến khác nhau thì mức phí trên vẫn còn cao, do vậy đã hạn chế việc thúc đẩy xuất khẩu lao động đồng thời gây gánh nặng lớn cho người lao động nước ngoài và dẫn đến tình trạng bỏ trốn hợp đồng ra ngoài làm.

Để tăng cường hơn nữa hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đài Loan đồng thời nâng cao hơn nữa về số lượng và chất lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan, công tác xuất khẩu lao động này cần được củng cố và tăng cường trên một số khía cạnh sau:

+ Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác xuất khẩu lao động, tăng cường tính kỷ cương, pháp lý đối với các doanh nghiệp cũng như với người lao động trong lĩnh vực này. Cụ thể, các văn bản pháp lý cần nhấn mạnh hơn nữa trách nhiệm và cương quyết xử lý những sai phạm của doanh nghiệp và người lao động đối với các hiện tượng bỏ trốn, lao động bất hợp pháp và tình trạng mất an ninh, trật tự cũng như các hiện tượng tiêu cực khác ở nước tiếp nhận lao động Việt Nam. Điều này cũng đặt ra vấn đề cần có sự phối hợp một cách chặt chẽ giữa hai văn phòng đại diện của hai bên nhằm quản lý sâu sát hơn nguồn nhân lực và tránh các hiện tượng tiêu cực và vi phạm pháp luật có thể xảy ra.

+ Một trong vấn đề chủ yếu khác là nâng cao chất lượng, đào tạo một cách có quy mô và bài bản đội ngũ lao động xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan. Để nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu sang Đài Loan cần chú trọng đến một số giải pháp như:

- Tăng cường công tác tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục trách nhiệm, quyền hạn khi làm việc ở nước ngoài. Chú trọng đến đào tạo lao động có kỹ thuật trung và cao đồng thời với việc giáo dục về pháp luật và các phong tục, tập quán của Đài Loan.

- Đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông, đặc bịêt là phổ thông trung học nhằm trang bị trình độ ngoại ngữ, tay nghề, có kiến thức căn bản về khoa học – công nghệ tạo cơ sở cho giáo dục dạy nghề ở cấp cao hơn và cụ thể hoá đến từng thị trường lao động cụ thể như Đài Loan.

- Tăng cường các nguồn vốn đầu tư  cho đào tạo dạy nghề từ các nguồn đầu tư khác nhau như vốn ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn từ người học nghề và từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

+ Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động tại Đài Loan

Trong số các nước xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Việt Nam là nước đứng thứ 4 về số người xuất khẩu lao động, sau Inđônêxia, Thái Lan và Philippine, nhưng lại là một trong những nước có tỷ lệ lao động bỏ trốn lớn nhất trong các nước trên. Điều này cho thấy là một mặt do công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Đài Loan còn thiếu chặt chặt chẽ, kịp thời đồng thời cũng thể hiện quyền lợi của người lao động Việt Nam tại Đài Loan vẫn chưa được quan tâm, đảm bảo đúng mức cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã thành lập Ban Quản lý Lao động thuộc cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Loan để quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Nhà nước và các doanh nghiệp đã cung cấp sách báo, thông tin cho chương trình phát thanh tiếng Việt tại Đài Bắc, tổ chức các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn, thiết lập các trang website, các địa chỉ điện thoại nhằm cải thiện đời sống văn hoá, cập nhật thông tin hoặc giải toả nỗi nhớ nhà, giải đáp những khúc mắc, trở ngại trong cuộc sống của người Việt ở nước này. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề đặt ra nhằm tăng cường đảm bảo quyền lợi của người lao động ở Đài Loan như tăng cường tính pháp lý, thể chế để tránh những tiêu cực từ các hoạt động môi giới từ phía Việt Nam, hợp thức và công khai hoá phí dịch vụ, đảm bảo bồi thường, giảm thiểu một cách tối đa những rủi ro bất khả kháng có thể xảy ra. Đồng thời, phía Đài Loan cũng cần có những biện pháp ngăn chặn, khắc phục tình trạng chủ sử dụng tiếp nhận lao động bất hợp pháp nhằm giảm thiểu chi phí thuê lao động nước ngoài. Trên cơ sở đảm bảo được quyền lợi người lao động cùng tính nghiêm minh về mặt pháp luật trên mới có thể giảm từng bước lao động Việt Nam bỏ trốn, tạo nên những bước phát triển ổn định hơn đối với thị trường lao động xuất khẩu ở Đài Loan hiện nay.

 

DƯƠNG MINH TUẤN

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ching-lung Tsay, Labour Migration and Regional Changes in East Asia: Outflows of Thai Workers to Taiwan, Paper for presentation the IUSSP Conference “Southeast Asia’s Population in a Changing Asian Context”, Siam City Hotel, Bangkok, Thailand, 10-13 Jun 2002.

2. Report on protection of the rights for foreign workers in Taiwan, Council of labor affairs, Executive Yuan, September 2001 (revised on April 2006).

3. Thông tư liên tịch số 59/2006/TTLT-BCT_BLĐTBXH ngày 26/06/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về phí môi giới trong xuất khẩu lao động.

4. Nguyễn Liên Hương, Bước đầu tìm hiểu về lĩnh vực hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đài Loan, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 6-2002.

5. Tài liệu ghi chép cuộc trao đổi thông tin với phòng Quản lý lao động, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tháng 11-2006.

6. Nguyễn Thanh Hoa, Xuất khẩu lao động 5 năm qua và định hướng giai đoạn 2006-2010, Tạp chí Lao động và Xã hội, số 273, tháng 1-2006.

7. Luật Dịch vụ Lao động Đài Loan, tháng 7-2006, Council of labour affairs executive Yuan.

(1) Số liệu của Cục Quản lý Lao động ngoài nước Việt Nam năm 2005.

0thảo luận