Trang chủ

ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN CỦA YASUNARI KAWABATA - NHÌN TỪ GÓC ĐỘ THI PHÁP

Đăng ngày: 17-04-2012, 10:26 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 5

Trong văn học Nhật Bản hiện đại, Yasunari Kawabata (1899 - 1972) là một nhà văn lớn, giữ một vai trò quan trọng trong lĩnh vực văn xuôi. Ông là “người lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp” (Y.Mishima) là người tôn sùng vẻ đẹp mong manh và ngôn ngữ đầy hình ảnh u ẩn về cuộc sống của thiên nhiên và số phận của con người, đồng thời là chiếc cầu nối giữa hai nền văn hoá Đông - Tây. Nhà văn Y. Kawabata chào đời (1899) khi cuộc Duy tân Minh Trị đã trải qua hơn một phần tư thế kỷ (1868) và đúng một trăm năm sau cuộc cải cách vĩ đại đó,* ông đã mang lại vinh quang cho văn học Nhật Bản và dân tộc Nhật giải Nobel văn học (1968). Đánh giá những đóng góp to lớn của Y. Kawabata đối với văn học Nhật Bản và văn học thế giới, đại diện Hội đồng Giải thưởng Nobel văn học của Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển nhấn mạnh, việc ông được giải là “vì nghệ thuật viết văn tuyệt vời và tình cảm lớn lao thể hiện được bản chất của cách tư duy Nhật Bản”. Là nhà văn đầu tiên của Nhật Bản và nhà văn thứ hai ở Châu Á sau R.Tago, Y. Kawabata đã bước vào giới các nhà văn đoạt giải Nobel. Với một chiều sâu nhận thức văn hoá mang tính đạo đức thẩm mỹ cao, và với một phẩm chất nghệ thuật độc đáo, bằng cách riêng của mình, nhà văn Y. Kawabata đã không biết mệt mỏi trên con đường hành trình đi tìm cái đẹp trong thiên nhiên và trong con người, thắp sáng ngọn lửa từ thời Murasaki, “đóng góp vào việc bắc một nhịp cầu tinh thần giữa phương Đông và phương Tây”.(1)

Hơn một nửa thế kỷ sáng tác (từ tác phẩm đầu tiên Nhật ký tuổi mười sáu (1914) đến cuốn tiểu thuyết cuối cùng Người đẹp say ngủ (1969), Y. Kawabata đã để lại một khối lượng tác phẩm rất đồ sộ (14 tiểu thuyết, 11 truyện ngắn, khoảng 175 “truyện ngắn trong lòng bàn tay”, 3 tiểu luận phê bình và 1 nhật ký). Mỗi tác phẩm của Y. Kawabata đã có những đóng góp lớn về mặt nội dung và nghệ thuật đối với nền văn xuôi Nhật Bản hiện đại, đưa văn học của xứ Phù Tang hoà vào dòng chảy của văn học thế giới. Trong số những di sản văn học của Y. Kawabata để lại, số lượng truyện ngắn và “truyện ngắn trong lòng bàn tay” chiếm một tỷ lệ lớn hơn cả và có những đặc trưng nghệ thuật đặc sắc tạo nên nét riêng mang phong cách độc đáo của ông.

Viết truyện ngắn là một đam mê mà Y. Kawabata đã từng bộc bạch: “Tuổi trẻ trong đời nhiều nhà văn thường dành cho thơ ca, còn tôi, thay vì thơ ca tôi viết những tác phẩm nhỏ gọi là “truyện ngắn trong lòng bàn tay”... Hồn thơ những ngày trẻ tuổi của tôi sống trong những câu chuyện ấy"(2). Truyện ngắn và “truyện ngắn trong lòng bàn tay” của Y. Kawabata thường ngắn gọn về số lượng trang, ít cốt truyện nhưng lại giàu chất thơ, trữ tình, sâu lắng được thể hiện với một thi pháp nghệ thuật đặc sắc.

Truyện ngắn của Y. Kawabata đặc biệt là loại “truyện ngắn trong lòng bàn tay” được chia thành hai loại: tác phẩm có cốt truyện và tác phẩm không có cốt truyện, trong đó truyện  ngắn có cốt truyện chiếm số lượng rất ít, còn lại phần lớn là các truyện ngắn không có cốt truyện. Truyện của Y. Kawabata mang nội dung trong trẻo, ngọt ngào, dẫu có phảng phất u buồn, bàng bạc niềm luyến tiếc dĩ vãng, cái đẹp đang bị tàn phai. Nhưng chúng vẫn có sức lay động mạnh mẽ đối với người đọc nhằm hướng đến những vấn đề mang tính luân lý, đạo đức và ý nghĩa triết học nhân sinh, sự vĩnh cửu của cái đẹp và sự sống.

Ở loại truyện ngắn có cốt truyện rất phong phú về đề tài và vấn đề được phản ánh. Mỗi tác phẩm như là “những lát cắt của cuộc sống” chứa đựng nhiều ý nghĩa thâm thuý, mang tính chất nhân văn và ý nghĩa triết học. Có truyện ngọt ngào, đằm thắm, có truyện mang màu sắc thần bí, kỳ ảo, hoang đường nhưng đều được thể hiện với một bút pháp điêu luyện. Những loại truyện có cốt truyện thường có lối kết cấu hàm súc, ngắn gọn. Nhà văn chỉ đưa vào những chi tiết, tình tiết mang ý nghĩa nghệ thuật cao và tác giả xâu chuỗi các chi tiết đó tạo thành một sườn cốt truyện nhằm chuyển tải một thông điệp nghệ thuật mà nhà văn muốn đề cập đến. Điều này, chúng ta bắt gặp ở những truyện ngắn như Tiếng gieo xúc xắc ban khuya, Vịnh cánh cung, Giấc mộng đàn bà, Thuỷ nguyệt, Sự sống dưới tấm mặt nạ... Ở loại truyện này, các chi tiết của cốt truyện được sắp xếp và phát triển theo chiều tâm lý nhân vật thông qua sự hồi tưởng độc thoại, qua lời kể của người khác hoặc phát triển theo chiều thời gian của các sự kiện. Vì thế, những truyện có cốt truyện thường dễ đọc và dễ nhớ, có thể nắm bắt được vấn đề mà tác giả thể hiện trong đó.

Tiếng gieo xúc xắc ban khuya là một trong số những truyện ngắn hay về cốt truyện và đặc sắc về kết cấu. Truyện kể về một gánh hát rong lưu động mà chủ là chàng Mizuta và một nhóm các vũ nữ. Gánh hát lưu động của họ đặt chân lên nhiều vùng đất khác nhau của đất nước và nhận được động viên, khích lệ của mọi người. Bởi họ là những người trẻ tuổi đầy sức sống của tuổi đôi mươi. Cốt truyện xoay quanh hai nhân vật: chàng trai Mizuta và cô vũ nữ trẻ đẹp Mitikô. Chính tiếng gieo xúc xắc ban khuya của Mitikô - một thói quen và niềm thích thú của nàng - từ phòng bên, hằng đêm vọng lại đã đánh thức con tim yêu thương của chàng Mizuta. Thông qua trò chơi này, bộc lộ vẻ đẹp của một tâm hồn ngây thơ, trong trắng chưa vẫn đục bụi đời của nàng Mitikô. Chính sự trinh bạch đó đã làm xao xuyến tâm hồn chàng trai trẻ Mizuta và làm nảy nở một mối tình đẹp đẽ. Tiếng gieo xúc xắc ban khuya không chỉ là một thông điệp về tình yêu đôi lứa giữa Mizuta và Mitikô mà qua đó, nhà văn muốn gửi gắm một điều sâu xa rằng, liệu tình yêu của họ có vượt qua được những thử thách và phong ba bão táp của cuộc sống? Liệu mối tình của họ có bị sự sống tầm thường với biết bao cạm bẫy làm cho vẩn đục đi không và cuối cùng liệu hai người có thành đôi và hạnh phúc được không? Tác phẩm là một khúc ca lãng mạn, đẹp đẽ về tình yêu, cuộc sống và cả những nghĩ suy, lo âu của tác giả về thế thái nhân tình.

Vịnh cánh cung là một truyện ngắn được kể thông qua nhân vật Muranô - một người phụ nữ đáng yêu nhưng bất hạnh trong hạnh phúc gia đình. Toàn bộ câu chuyện là sự hoà quyện, đan xen giữa những điều trong quá khứ, trong tưởng tượng và những cái hiện hữu trong hiện tại. Hồi ức quá khứ và hiện tại cứ đan cài lần lượt hiện ra thay lời kể của bà Muranô. Không hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, bà Marunô đã để tâm gắn bó với một hình bóng lý tưởng là nhà văn Kasumi - người mà bà cho là người tình năm xưa của mình. Bà đã đến gặp nhà văn Kasumi để bộc bạch tâm sự và mong muốn được thương yêu và chia sẻ. Nhưng người mà bà gặp chưa bao giờ biết đến bà, mà chính do bà tưởng tượng ra mà thôi. Những lời bộc bạch của bà cũng khiến nhà văn Kasumi phải day dứt, suy nghĩ về vấn đề tình yêu và cuộc sống hạnh phúc. Ông chính là cứu cánh cho tâm hồn bị tổn thương của bà và mỗi khi nghĩ về Kasumi khiến lòng bà ấm lại và nhem nhóm hy vọng về hạnh phúc và tình yêu. Truyện Vịnh cánh cung về một khía cạnh nào đó đã thể hiện được “nét tinh tế, sự nhạy cảm cao độ, khắc  hoạ được nét tinh tế trong tâm hồn người Nhật”.

Giấc mộng đàn bà, cốt truyện không mới nhưng với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn đã tạo nên giá trị của tác phẩm nói lên triết lý của Y. Kawabata về tình yêu và hạnh phúc. Chuyện xoay quanh việc lấy vợ của chàng Kukhara - trợ tá một trường Đại học và nàng Kharucô tuyệt vời về sắc đẹp và phẩm hạnh. Việc một người đã 36 tuổi lấy một cô vợ trẻ đẹp là một hiện tượng không có gì lạ. Nhưng cái chính là ở chỗ, trước khi lấy Kukhara, Kharucô đã kể với chàng về mối tình của mình trong quá khứ và anh ta đã chấp nhận. Sự thiếu đồng cảm và chia sẻ thực sự, cùng với những day dứt cề quá khứ của Kharucô là nguyên nhân làm cho tình cảm của họ ngày càng rạn nứt và có nguy cơ đổ vỡ. Kharucô yếu đuối ngày càng héo hon tàn lụi về nhan sắc và sức khoẻ. Cuộc sống của nàng được nuôi dưỡng bằng những giấc mộng ảo để bù đắp vào chỗ trống vắng của cuộc sống hiện tại. Truyện nói đến sự ảo ảnh, phù du của hạnh phúc và thấm đậm nỗi cô đơn, buồn man mác, in đậm dấu ấn Thiền tông về triết lý ngắn ngủi và vô thường của cuộc đời - cuộc đời chẳng qua cũng chỉ là một giấc mộng.

Nếu ở Sự sống dưới tấm mặt nạ, có cốt truyện đơn giản dễ hiểu nhưng gây xúc động mạnh mẽ đối với người đọc về những trải nghiệm cuộc đời, những ước mơ của con người khi đã về già như ông Shingô, thì trong Thuỷ nguyệt, nhà văn Y. Kawabata lại có một cốt truyện phức tạp, đan xen nhiều yếu tố của quá khứ và hiện tại thông qua lời kể của nhiều giọng điệu nhân vật. Truyện Thuỷ nguyệt đề cập đến sự trong trắng thuỷ chung, tâm linh tận hiến trong tình yêu thông qua nhân vật nữ Kyoko. Đây là một câu chuyện tình, chuyện đời đầy lãng mạn, trữ tình nhưng cảm động và mang tính bi kịch. Chính tâm hồn trong sáng, tình yêu chân thực, mãnh liệt và thuỷ chung của Kyoko đã mang lại hạnh phúc cho họ khi đang yêu, trở thành vợ chồng và đặc biệt khi người chồng bị bại liệt. Với tấm lòng thương yêu chồng hết mực và nhờ sự trợ giúp của chiếc gương soi, Kyoko đã mang lại niềm vui hạnh phúc cho chồng với một thế giới thiên nhiên đủ mọi sắc màu, đẹp đẽ, lung linh hiện hữu qua chiếc gương soi. Vì vậy, Thuỷ nguyệt không chỉ là truyện ngắn ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, phẩm hạnh người phụ nữ Nhật Bản như Kyoko mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa triết lý sâu xa về con người và vũ trụ.

Bên cạnh những truyện ngắn có cốt truyện như đã nêu ở trên, phần lớn truyện ngắn của Y. Kawabata (đặc biệt loại truyện trong lòng bàn tay) thuộc loại không có cốt truyện. Mỗi truyện là một tâm trạng, một dòng suy nghĩ, một khoảnh khắc, một sự xúc cảm... gây ấn tượng đối với người đọc. Đó là  những đối thoại, độc thoại, những nhân vật không có tên tuổi cụ thể; thời gian, không gian bị xáo trộn chứa đựng những yếu tố huyền ảo. Những truyện như: Hoa trắng, Cánh tay, Quả lựu, Mặt nạ cho người chết, Bất tử, Chiếc nhẫn, Nốt ruồi, Cách nhìn trẻ thơ, Thói quen khi ngủ... là những truyện tiêu biểu cho loại truyện này.

Mặt nạ cho người chết là một truyện ngắn bao gồm những dòng hồi ức của chàng trai về người tình đã mất. Ở đây những dòng hồi ức được tái tạo lại thông qua lời kể của nhân vật bao gồm những lời đối thoại của họ trong quá khứ xen kẻ những lời nói trong hiện tại của chàng trai. Qua truyện này, nhà văn Y. Kawabata muốn nói rằng, mọi thứ trên đời này chỉ là ảo ảnh, phù du, sắc đẹp của người phụ nữ cũng chỉ là ảo ảnh và tất cả sẽ trở về cát bụi theo dòng thời gian và cái chết đặt dấu chấm hết cho mọi phân biệt về giới tính.

Trong Cánh tay, câu chuyện ly kỳ, huyền ảo mang màu sắc siêu thực được kể lại thông qua nhân vật “tôi”. Một cánh tay rời khỏi thân thể vẫn sống như một cơ thể sống. Người đàn ông đã mượn cánh tay người tình để qua đêm nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Đây là câu chuyện khá độc đáo tiêu biểu cho loại truyện mang tính kỳ ảo của Y. Kawabata có sự kết hợp giữa những yếu tố phương Đông truyền thống với phương Tây hiện đại.

Truyện của Y. Kawabata là những dòng cảm xúc đan cài giữa quá khứ và hiện tại, giữa độc thoại và đối thoại, giữa thực và ảo và diễn biến theo chiều phát triển của tâm lý nhân vật. Truyện Kẻ thù được kết cấu dựa vào sự phát triển của tâm trạng nhân vật nữ ngôi sao màn bạc. Nỗi ám ảnh đàn ông đã trở thành mối thù hận mà cô vẫn âm thầm chịu đựng qua biết bao năm tháng. Khi gặp kẻ thù thực sự, thì những nỗi kinh hoàng về quá khứ của cô hiện về một cách tàn nhẫn, đó là khi cô bị một người đàn ông cướp đi sự trinh tiết của người con gái. Thông điệp của tác giả gửi cho người đọc qua tác phẩm này là để cho quá khứ và những ký ức đau buồn chôn chặt trong lòng, đồng thời phải cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau mà con người gánh chịu.

Kết cấu của truyện ngắn có cốt truyện và không có cốt truyện trong truyện ngắn của Y. Kawabata rất phong phú và đa dạng nhằm chuyển tải những thông điệp nghệ thuật khác nhau đến với độc giả. Nó thể hiện một cái nhìn nhân văn, một thái độ đồng cảm của tác giả đối với những con người, cảnh đời trớ trêu, trái ngang trong xã hội, hướng đến sự thanh lọc về đạo đức tâm hồn con người.

Những sáng tác của Y. Kawabata mang dấu ấn Thiên tông, phảng phất thơ Haiku và có những nét chấm phá như tranh thuỷ mặc. Chính điểm này tạo nên phong cách độc đáo trong cách khám phá và chiếm lĩnh hiện thực của nhà văn. Trong thi pháp thể hiện, chúng ta thấy nổi bật nghệ thuật chân không và nghệ thuật chiếc gương soi. Đây là một đặc điểm nghệ thuật độc đáo mà nhà văn Yasunari Kawabata  sử dụng thành công trong những sáng tác của mình.

Là nguời am hiểu văn hoá phương Đông, từ trong sâu thẳm tâm hồn, Kawabata đã chịu ảnh hưởng rất lớn của cách tư duy và phương thức biểu hiện của nghệ thuật phương Đông. Mặc dù tiếp nhận văn học phương Tây hiện đại nhưng Kawabata đã cho rằng: “Tôi đã tiếp nhận lễ rửa tội với văn học phương Tây hiện đại và tôi cũng đã bắt chước nó, nhưng trong sâu thẳm cội rễ tôi là người phương Đông và suốt mười lăm năm qua tôi chưa từng đánh mất phong cách ấy của mình” (3)

Yasunari Kawabata tìm thấy trong tranh thuỷ mặc, thơ Haiku, sân khấu kịch Noh và mỹ học Thiền những nét chấm phá, để ngỏ, những khoảng trống, im lặng. Chính nhà văn đã tiếp thu nghệ thuật miêu tả cuộc sống của các loại hình nghệ thuật trên để khám phá hiện thực trong thể loại truyện ngắn. Nhà văn Mỹ Seidensticker nhận xét rằng: “Tôi cho rằng nên xếp Kawabata vào dòng văn chương mà ta có thể dò đến tận những bậc thầy Haiku của thế kỷ XVII. Haiku là những bài thơ nhỏ cố gắng gợi cho ta những bất ngờ nhận biết cái đẹp bằng cách phối hợp nhưng điểm tương phản hoặc khác xa nhau. Thơ Haiku cổ điển đã hoà lẫn cái động và sự bất động với nhau một cách độc đáo. Cũng theo lối ấy, Kawabata cho các giác quan pha lẫn với nhau không chút ngại ngùng”(4) . Nhà văn Y. Kawabata cho rằng, tác phẩm của ông được miêu tả như những tác phẩm của chân không, có cái hư vô, “nhưng cái hư vô này hoàn toàn không phải cái mà người ta thường hiểu ở chữ “chủ nghĩa hư vô” (nihilism) của phương Tây. Tôi nghĩ đó là do những cội rễ tinh thần của chúng ta khác nhau”(5).

Nghệ thuật chân không là tạo ra sự trống vắng, để trống, sự trong suốt xung quanh sự vật và con người. Vì thế để lĩnh hội “thi pháp chân không” đòi hỏi người tiếp nhận phải vận dụng mọi giác quan để nhận thức: nhìn bằng mắt, nghe bằng tai và trải lòng để chiêm nghiệm... Trong các truyện ngắn của Y. Kawabata, nhà văn thường chỉ mô tả vài nét chấm phá bỏ lửng và để người đọc suy luận, viết tiếp phần còn lại theo suy nghĩ của chính họ. Đây là một quan niệm nghệ thuật độc đáo bắt nguồn từ trong truyền thống văn học cổ điển Nhật Bản được Y. Kawabata sử dụng rất có hiệu quả trong các truyện ngắn của mình. Những “truyện ngắn trong lòng bàn tay” chỉ gói trọn trong vài trang với trên dưới một trăm chữ, chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua liên quan đến con người và sự vật nhưng lại chứa đựng một năng lượng thẩm mỹ cao. Đó là những truyện Cốt, Bến tàu, Bình dễ vỡ, Chiếc nhẫn, Đôi dày mùa hạ, Bất tử, Biển, Quả lựu, Trái tim, Hoa trắng, Tính nữ, Thuyền lá tre...

Truyện Bất tử đưa người đọc bước vào một thế giới mông  lung, kỳ ảo thực hư lẫn lộn mà ở đó xuất hiện đôi tình nhân (ông già và cô gái). Họ đi xuyên qua những tấm lưới chăng trên bờ biển, xuyên qua không gian, thời gian, xuyên qua cây và “họ biến mất vào trong cây”. Và cuối cùng để lại với người đọc là một khoảng không mênh mông, trống vắng. “Màu chiều bắt đầu trôi xuống những cây non đằng sau đám cây lớn. Bầu trời xa kia chuyển sang màu đỏ nhạt nơi trùng dương đang hát” (Bất tử). Bao trùm toàn bộ truyện Hoa trắng là vẻ đẹp lan toả trong không gian. Đó là “cái đẹp của tính cách không có tính cách và trong suốt. Cái đẹp phảng phất mùi thơm hoa lá của em, con mắt không thể nhìn thấy, nó đang lan toả trong cuộc đời như hoa phấn thơm ngát ngoài cánh đồng mùa xuân” (Hoa trắng). Và kết thúc tác phẩm là một màu hồng và màu trắng ngần của da thịt người con gái. Hương thơm của cỏ cây hoa lá, của da thịt trắng trong cứ lan toả mãi trong không gian tạo nên một sự nhẹ nhàng, trong suốt và người ta chỉ nhìn và cảm nhận được bằng thị giác và tri giác.

Trong truyện Chiếc nhẫn, nhà văn mô tả khung cảnh đi tìm suối của một chàng trai và cô gái. Cả hai đều trẻ, đẹp và trong trắng cũng như dòng nước suối ban mai giữa rừng. Thân hình trắng trong với nước da trắng hồng, mịn màng của cô gái càng nổi rõ hơn khi trên tay cô đeo chiếc nhẫn vàng. Hành động cô gái “cười với anh, phô mình ra như thể lôi cuốn anh về phía tấm thân trắng hồng như hoa của cô” (Chiếc nhẫn) nói lên sự quyến rũ hay chỉ là muốn khoe chiếc nhẫn của cô thôi. Điều đó tác giả để ngỏ. Trong khung cảnh nên thơ trữ tình của ban mai giữa rừng vắng, mọi cái tưởng như ngưng lại, trong suốt, chỉ có đôi trai gái trẻ đang hạnh phúc.

Cùng với nghệ thuật chân không, để hiện đại hoá lối viết của mình nhằm khai thác một cách độc đáo, khách quan thế giới nội tâm con người và phản ánh hiện thực, nhà văn Y. Kawabata đã sáng tạo ra nghệ thuật chiếc gương soi. Trong sáng tác của Y. Kawabata, thẩm mỹ chiếc gương soi là công cụ đắc lực, hữu hiệu để khám phá thế giới thiên nhiên, con người, mở ra chân trời mới, dự cảm về cái bí ẩn vô cùng của sáng tạo, đồng thời có sức mạnh làm trong sạch tâm hồn con người.

Nghệ thuật chiếc gương soi là một thủ pháp mà Y. Kawabata sử dụng trong hầu hết những sáng tác của ông, đặc biệt trong một số tác phẩm như Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi (tiểu thuyết), Con châu chấu và con dế đeo chuông, Thuỷ nguyệt (truyện ngắn). Chiếc gương trong sáng tác của Y. Kawabata không chỉ đơn thuần là tấm gương soi mà còn là tấm kính của toa tàu, một chén trà, một bình hoa, một tấm ảnh, một giọt sương, mặt nước. Theo tác giả, mọi cái được phản ánh qua hình ảnh “chiếc gương” càng trở nên lung linh, kỳ ảo và đẹp hơn. Chính nhà văn Y. Kawabata đã thừa nhận: “Tôi khám phá nhờ ánh nắng ban mai, vẻ đẹp của li cốc dùng uống rượu phơi ngoài hiên lữ. Tôi nhìn thấy vẻ đẹp này tận tường. Tôi bắt gặp vẻ đẹp này lần đầu tiên. Tôi cho rằng mình chưa nhìn thấy nó nơi đâu. Không phải loại gặp gỡ này chính là yếu tính của thơ văn cũng như đời sống con người hay sao?”(6). Như vậy, chiếc gương soi góp phần thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của tác giả về con người và thế giới vũ trụ. Trong truyện ngắn của Y. Kawabata, hình ảnh chiếc gương xuất hiện ở một số tác phẩm mà tập trung nhất là ở truyện ngắn Thuỷ nguyệt. Con người và thiên nhiên soi rọi và phản chiếu lẫn nhau. Thiên nhiên như chiếc gương soi vào mọi ngõ ngách tâm hồn con người, ngược lại, từ đôi mắt - tấm gương đầy bí ẩn của con người - hình ảnh thiên nhiên được khúc chiếu một cách sinh động.

Trong Con châu chấu và con dế đeo chuông, những bóng đèn lồng ngời sáng, lung linh trong đêm tối là tấm gương soi chiếu tâm hồn trẻ thơ trong một trò chơi tìm kiếm vĩnh cửu. “Những chiếc đèn lồng lộng lẫy nhiều màu sắc đang nhấp nhô bồng bềnh... có khoảng hai mươi chiếc đèn lồng, chúng không chỉ mang một màu sắc đỏ thắm, hồng, chàm, xanh lá cây, đỏ tía hay vàng mà có cái sáng lên năm màu một lúc... Đêm vắng vẻ, những chiếc đèn bồng bềnh cùng tụi trẻ con đi trên triền đê, cảnh này là thực hay đang mơ giữa một câu chuyện thần tiên?” (Con châu chấu và con dế đeo chuông). Những chiếc đèn lồng lung linh đủ màu sắc tựa như sự trong trắng, hồn nhiên của lũ trẻ. Trong không gian mờ ảo của đêm tối rước đèn, sự nhầm lẫn của chú bé khi đưa cho một cô bé con châu chấu nhưng lại nói là con dế đeo chuông là một điều dễ thương. Bằng trực giác và sự quan sát tinh tế, Y. Kawabata đã nắm bắt những khoảnh khắc đi qua khiến cho con người phải nhìn lại nuối tiếc: “Thật đáng tiếc biết bao khi cậu không có cách nào để nhớ được trò đùa giỡn ánh sáng đêm nay, từ cái lồng đèn đẹp lộng lẫy của cậu được viết bằng ánh sáng xanh lên ngực người bạn gái” (Con châu chấu và con dế đeo chuông).

Ở truyện ngắn Thuỷ nguyệt, chiếc gương soi là hình ảnh chủ yếu xuyên suốt tác phẩm và có một đời sống riêng. Từ một chiếc gương cụ thể, là vật dùng trang điểm của Kyoko mang nhiều kỷ niệm đối với nàng, chiếc gương trở thành công cụ gắn kết vợ chồng Kyoko với nhau. Và nhờ nó, mở ra trước mắt người chồng bị bại liệt là một thế giới thiên nhiên bao la, huyền ảo được phản chiếc vào gương. “Nhờ hai cái gương con ấy, chồng nàng đã không chỉ nhìn thấy mảnh vườn rau bé bỏng trước nhà. Trong gương anh còn được ngắm bầu trời cùng những áng mây, cả cảnh tuyết rơi, cả những rặng núi xa xa cùng dải rừng thưa gần đó. Được nhìn thấy cả vầng trăng, những đoá hoa hồng và những đàn chim đi trú bay ngang trời. Trong gương còn phản chiếu cả khách bộ hành đi lại trên đường cùng bầy trẻ nô đùa trước sân. Chính Kyoko cũng đâm ra sửng sốt với cái thế giới bao la và trù phú trong chiếc gương con ấy mở ra... Đối với nàng, cả hai đều trở thành những thế giới tồn tại độc lập, hơn nữa cái thế giới mới, thế giới nhìn thấy trong gương, thậm chí nàng cảm thấy thực hơn là thế giới thực” (Thuỷ nguyệt). Trong Thuỷ nguyệt, mặc dù là một sự vật vô tri vô giác nhưng chiếc gương lại đóng vai trò phản chiếu, dẫn đường tạo ra một thế giới đẹp, huyền ảo trước mắt người chồng giúp chàng thêm yêu sự sống. Chiếc gương trở thành một biểu tượng cho sự trong sáng, khách quan trong phản ánh của Y. Kawabata. Nó đồng thời là một vật thể sống có linh hồn như con người và cũng được hoá kiếp chôn theo người chồng sang thế giới bên kia. Như vậy, hình ảnh chiếc gương soi trong Thuỷ nguyệt là một biểu tượng cao nhất của nghệ thuật truyện ngắn của Y. Kawabata, mở ra nhiều ý nghĩa mang tính triết lý về cuộc đời và sự sống.

Trong truyện ngắn của Y. Kawabata, nhân vật người dẫn truyện thường được đặt ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, trong đó ở ngôi thứ ba chiếm số lượng nhiều hơn cả. Ở những truyện Người đàn ông không cười, Con châu chấu và con dế đeo chuông, Cánh tay, Tấm ảnh, Miền ánh sáng..., người dẫn truyện là nhân vật “tôi”. Với nhân vật “tôi” kể chuyện, các sự kiện và nhân vật trong truyện dường như là có thật, nhân vật là người trong cuộc, chứng kiến. Vì thế, tác giả có điều kiện để cho nhân vật “tôi” được bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình làm tăng thêm giá trị hiện thực của tác phẩm. Trong Miền ánh sáng, nhà văn viết “Vào mùa thu năm hai mươi tuổi, nơi nhà nghỉ bên bờ biển, tôi đã gặp nàng. Đó là mối tình đầu của tôi... Tôi hay nhìn mặt ông tôi... Ông tôi thì mù... Tôi muốn mang theo những ký ức về nàng và ông tôi đi đến miền ánh sáng nơi bờ biển phía xa xa”. Ở đây, nhân vật “tôi” giữ vai trò chủ đạo của câu chuyện, kể lại những gì liên quan đến mình trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Từ điểm nhìn là nhân vật “tôi”, thế giới tinh thần của nhân vật được bộc lộ một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất.

Phần lớn truyện ngắn của Y. Kawabata được kể ở ngôi thứ ba. Đó là cách kể chuyện mang tính khách quan và đó là những nhân vật chàngg trai, cô gái, ông già, nhà văn, chúng tôi, người thiếu nữ... Những truyện như Bất tử, Sấm mùa thu, Mưa phùn, Chiếc nhẫn... thể hiện rõ cách dẫn truyện của tác giả. Mở đầu truyện Bất tử tác giả viết: “Một ông già và một thiếu nữ sóng bước bên nhau... Họ nép mình vào nhau như thể là tình nhân”. Ở Sấm mùa thu, Y. Kawabata để cho nhân vật kể ở vai “chúng tôi” về một đám cưới kỳ lạ của họ.

Như vậy, dù ở hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nào, người dẫn truyện trong truyện của Y. Kawabata vẫn hướng người đọc đi theo mạch cảm xúc, tâm lý nhân vật và làm cho độc giả bị cuốn hút vào thế giới thiên nhiên và con người đầy bí ẩn, thú vị. Giọng kể mượt mà, sâu lắng trữ tình, đan xen các chiều thời gian và không gian của người dẫn truyện đưa người đọc lắng sâu vào từng chi tiết, sự kiện và có những suy ngẫm về con người và cuộc sống.

Ngoài những đặc trưng nghệ thuật trên, trong truyện ngắn của mình Y. Kawabata còn sử dụng một số biện pháp nghệ thuật khác như: kết hợp giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại, yếu tố kỳ ảo, siêu thực... để phản ánh hiện thực và khai thác tâm lý nhân vật.

3. Mỗi tác phẩm của Y. Kawabata là những viên ngọc quý long lanh với nhiều màu sắc. Truyện ngắn của ông là những mảng màu thạch bích mà mỗi lần đọc ta phát hiện thêm những vẻ đẹp của nó. Đánh giá những sáng tác của Y. Kawabata nhà nghiên cứu phê bình Aono Suekiti nhận xét: “Mỗi lần đọc các tác phẩm của nhà văn Kawabata, tôi lại cảm thấy các âm thanh xung quanh tựa hồ như lắng đi, không khí bỗng trở nên trong trẻo còn tôi thì hoà tan vào trong đó. Tôi không biết có tác phẩm nào khác có sức tác động mạnh mẽ đến như thế không? Và sở dĩ có hiện tượng như vậy có lẽ bởi vì trong sáng tác của Kawabata không có gì là vẩn đục hay dung tục”.

HÀ VĂN LƯỠNG
(Đại học Khoa học Huế)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhật Chiêu (2000),

Yasunari Kawabata và thẩm mỹ của chiếc gương soi, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 4.

2. Nhật Chiêu (2000), Thế giới Yasunari Kawabata (hay cái đẹp Hình và Bóng), Tạp chí Văn học, số 3.

3. Hà Văn Lưỡng (2000), Yếu tố kỳ ảo trong một số sấng tác của Y. Kawabata - Nhìn từ phương thức biểu hiện, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9 (69).

4. Lưu Đức Trung (1997), Yasunari Kawabata - Cuộc đời và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

5. Y. Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, Nxb. Lao động và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

6. N.Phêđôrencô (1999), Số phận bi kịch của các thiên tài, Tạp chí Tác phẩm mới, số 7.

7. Tạp chí Văn (Miền Nam) (1969), số 140 ra ngày 15/10/1969.

(1) Y. Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 960.

(2) Nhật Chiêu (2000), Thế giới Yasunari Kawabata (hay cái đẹp Hình và Bóng), Tạp chí Văn học, số 3, tr. 30.

 

(3) T¹p chÝ V¨n häc, sè 3/2000, tr. 92 .

(4) Y. Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, Nxb. Lao động và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội,

tr. 1062.

(5) Y. Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, Nxb. Lao động và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 975.

 

(6) Nhật Chiêu (2000), Thế giới Yasunari Kawabata (hay cái đẹp Hình và Bóng), Tạp chí Văn học, số 3, tr. 85.

 

0thảo luận