Trang chủ

TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ HÀNG HÓA CỦA SEOUL

Đăng ngày: 23-03-2012, 13:29 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 4

Phát triển kinh tế hàng hoá được xem là một quá trình tất yếu trong quá trình  phát triển của một nước. Kinh nghiệm thế giới qua lịch sử phát triển cho thấy thành thị, đặc biệt là các thành phố thủ đô thường đi tiên phong trong quá trình phát triển thị trường, trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Sự phát triển thị trường và các quá trình trao đổi hàng hoá và dịch vụ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển sản xuất hàng hoá và dịch vụ trước hết trong bản thân các thành phố thủ đô và sau đó tại các vùng phụ cận. Quá trình phát triển nền kinh tế hàng hoá ở các thủ đô diễn ra rất khác nhau phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ phát triển, thời kỳ bùng nổ phát triển, vị trí địa lý. Nguyên nhân chính khiến cho các thành phố thủ đô thường đi trước quá trình phát triển hàng hoá và giao dịch thương mại trong cả nước chủ yếu là nhờ các lợi thế thường có của các thủ đô về vị thế đặc biệt trong phát triển, hệ thống chính sách cởi mở, hệ thống hạ tầng cơ sở bao gồm giao thông, đường sá và điều kiện hạ tầng liên lạc khác phát triển hơn, nguồn nhân lực có trình độ cao hơn và nhiều kinh nghiệm giao dịch thương mại được tích luỹ hơn.

Bài viết này đưa ra những phõn tớch về tiến trỡnh phỏt triển kinh tế hàng hoỏ của Seoul, thủ đô của Hàn Quốc. Bài viết gồm năm phần chớnh: phần thứ nhất đề cập đến những lợi thế tự nhiên và xã hội của Seoul, phần thứ hai đề cập đến quỏ trỡnh phỏt triển nền kinh tế hàng hoỏ của Seoul, phần ba phân tích các quan hệ kinh tế của Seoul với các vùng khác của cả nước cũng như với nước ngoài, phần bốn chỉ ra những tồn tại chủ yếu trong quá trình phát triển kinh tế hàng hoá của Seoul và phần cuối, phần năm, thử phác ra những nét cơ bản về tương lai của nền kinh tế Seoul và vị trí của nó ở khu vực Đông Bắc Á nói chung và ở Hàn Quốc nói riêng.

1. Lợi thế tự nhiên xã hội

Seoul được nói tới như một thành phố đặc biệt. Đây là thành phố có mật độ dân số đông đúc nhất, sạch sẽ với vẻ đẹp của một thành phố lớn trên thế giới, trung tâm kinh doanh quốc tế với lượng du khách đông đảo mỗi năm, cùng với vẻ quyến rũ của nền văn hóa 7.000 năm của một thành phố cổ.

Seoul là một thủ đô trung tâm, với dân số lớn gấp ba lần Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc. Từ 1 triệu dân trong năm 1942, dân số Seoul đã tăng tới 5 triệu người trong năm 1970. Mật độ dân số của Seoul, 16.000 người/km2, cũng cao hơn Tokyo, Paris, New York, và Luân Đôn.

Vị trí địa lý đặc biệt đã khiến cho Seoul có lợi thế hơn so với các thành phố khác trong khu vực Đông Bắc Á. Chỉ cách Bắc Kinh và Tokyo chưa tới 2 giờ máy bay, thành phố này trở thành điểm giao thông chính và là trung tâm kinh tế tại Đông Bắc Á. Những tập đoàn thương mại đặt trụ sở tại Seoul như Samsung và SK Telecom đã làm cho thành phố thêm quyến rũ với các tòa nhà cao chọc trời.

Ngoài ra, Seoul có thể tận dụng được vị trí trung tâm của hành lang đô thị lớn nhất trên thế giới, dài 1.500 km nối Bắc Kinh, Seoul, và Tokyo (khu BESETO lớn) với hơn 1 tỷ người. Tại đây, Seoul có lợi thế cạnh tranh cả về trình độ thể chế và trung gian văn hóa. Seoul đứng giữa Tokyo và Bắc Kinh cả về trình độ phát triển và văn hóa. Cho dù cả 3 thành phố đều cùng chung nguồn gốc văn hóa Khổng giáo nhưng chênh lệch giữa Tokyo và Bắc Kinh lớn hơn nhiều giữa Seoul với các thành phố này.

2. Tăng trưởng và phát triển kinh tế hàng hoỏ

Có thể chia quá trình phát triển của Seoul thành 3 giai đọan: thứ nhất, thời kỳ phát triển từ cổ đại cho tới năm 1394; thứ hai, từ năm 1394 khi Seoul trở thành thủ đô của Hàn Quốc, một quốc gia độc lập cho tới năm 1910, khi Nhật thôn tính Hàn Quốc; và thứ ba, từ năm 1910 đến nay.

2.1. Thời kỳ phát triển từ cổ đại tới năm 1394

Có giả thiết cho rằng con người đã sống tại Seoul từ thời đồ đá cũ. Dấu tích khảo cổ học thực tế còn lại cho thấy rằng, con người đã định cư tại đây trong thời đồ  đá mới. Chỉ tới triều đại của 3 vị vua lớn, khu vực Seoul mới được định cư lâu dài và phát triển trong các công xã. Triều vua Baekje được hình thành vào năm 18 trước công nguyên, với thủ đô được đặt tại lâu đài Wirye nằm tại phía Bắc của Hangang, vùng Habuk. Cái tên “Hanseong” của thủ đô triều đại Baekje lần đầu tiên được ghi lại trong thời gian cầm quyền của vua Biryu. Trong thời gian này, vua Gwanggaeto dưới triều đại Goguryeo đã xâm lược Baekje vào năm 391 sau công nguyên. Seoul trở thành mảnh đất bị tranh giành giữa 3 triều đại Goguryeo, Baekje, và Silla. Cuối cùng Hanseong, thủ đô của vương quốc Beekje trong 5 thập kỷ, đã rơi vào tay của Goguryeo. Silla lại bắt tay với vua Song của Baekje vào năm 551 và đã đánh bại Goguryeo chiếm lại được Hangang. Lưu vực Hangang được đổi tên thành "Hansan-ju" sau khi Silla thống nhất Bán đảo Triều tiên vào thế kỷ 16 dưới triều vua Munmu (676). Sau này, vua Geyeongdeok (757) xây dựng "Hanyanggun" tại vùng này. "Hanyang" một tên khác của Seoul được cho là xuất hiện trong thời kỳ này và sau này triều đại Joseon đã sử dụng tên này làm thủ đô. Chỉ vào năm 1394 khi Seoul trở thành thủ đô của nước Triều Tiên thống nhất nhờ đế chế của vua Yi, Seoul mới trở thành một trung tâm lớn. Vào thời kỳ này, Seoul được bao quanh bởi 4 quả đồi được hình thành như vành đai bảo vệ thành phố. Ngày nay, khu vực đô thị hoá đã vượt ra khỏi vành đai này. Dòng sông Hàn chảy qua vùng phía nam của thành phố và chảy vào Biển Vàng.

2.2. Thời kỳ phát triển từ năm 1394 tới giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng năm 1910

Sau khi xây dựng Seoul, và đặt tên là Hanyang như là thủ đô, đế chế Yi đã củng cố thành phố này và chính thức lập kế hoạch xây dựng khu vực Seoul là một vùng đồng bằng nằm giữa sông Hàn ở phía nam và 3 ngọn núi ở phía bắc. Người Triều Tiên đã từng nói thủ đô của mình là một vị trí hoàn hảo: dẫy núi phía bắc bảo vệ cho thủ đô, là xương sống phía bắc, đông và nam chống lại kẻ thù, trong khi dòng sông duy trì sự sống, là dòng máu chảy qua sườn phía đông, tây, và nam.

Vào thế kỷ 18, dưới thời vua Yeonjo (1724-1776), nhờ vị trí gần sông Hàn, Seoul bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại đối với các thương gia từ Gyeonggi-do và Gangwon-do xung quanh Hangang. Seoul không chỉ trở thành trung tâm kinh tế của Bán đảo Triều Tiên, mà bắt đầu trở thành một thành phố thương mại hiện đại. Vua Joseon đã thực hiện chính sách mở cửa sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Ganghwa-do với Nhật Bản vào tháng 2 năm 1876. Đại sứ quán của Nhật Bản và các nước phương Tây bắt đầu được xây dựng tại Seoul. Seoul bắt đầu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và ngọai giao. Các hệ thống liên lạc bắt đầu được xây dựng giữa Seoul và Incheon, Uiju và Busan trong năm 1888. Đường xe lửa cũng bắt đầu được xây dựng trong năm 1899, và đường xe điện đầu tiên được xây dựng vào 8/4/1899 nối liền giữa Seodaemun và Hongneung.

2.3. Giai đọan từ năm 1910 tới nay

2.3.1. Giai đọan từ năm 1910 tới kết thúc chiến tranh Triều Tiên năm 1953

Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910 và đổi tên thủ đô thành Gyeongseong, qui mô của Seoul đã mở rộng sang vùng phía nam sông Hàn. Thời kỳ này đánh dấu những thay đổi quan trọng không chỉ vì Hàn Quốc đã bị chiếm đóng mà còn vì những kỹ thuật mới đã được đem tới Seoul. Người Nhật đã mang tới những công nghệ phương Tây và những ý tưởng mới vào thành phố này và hiện đại hóa nó. Vào năm 1945, sau khi giành lại được tự do từ người Nhật, thành phố này đã chính thức được đặt tên là Seoul, có nghĩa là "thủ đô" vào năm 1948, sau khi Thủ tướng Rhee Syngman nhậm chức. Sau Chiến tranh Thế giới lần 2, Triều Tiên bị chia cắt, Seoul trở thành nơi tạm trú của lực lượng quân đội Mỹ, chính thức trở thành thủ đô của Hàn Quốc vào năm 1948. Quân đội Bắc Triều Tiên đã vào tới Seoul vào ngày 28/6/1950, chỉ 3 ngày sau chiến tranh Triều Tiên. Quân đội Liên hợp quốc đã giành lại Seoul vào tháng 3/1951. Seoul trở thành đại bản doanh của lực lượng Liên hợp quốc tại Hàn Quốc. Quá trình đô thị hóa Seoul đã bị ngưng lại trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950-53). Cuộc chiến này đã phá hủy nghiêm trọng Seoul. Khoảng 30% nhà cửa, 70% nhà máy và nhiều trung tâm tài chính, thương mại cùng văn phòng đã bị phá hủy.

2.3.2. Thời kỳ phát triển hiện đại từ năm 1953 tới nay

a) Thời kỳ tăng trưởng nhanh những năm 1960 và 1970

Từ thập kỷ 1960 trở về sau này, Seoul đã được tập trung phát triển thành trung tâm chế tạo quốc gia. Quá trình phát triển Seoul gắn liền với các kế hoạch phát triển 5 năm, Seoul được đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của Thủ tướng theo điều luật "Điều luật đặc biệt Điều hành thành phố đặc biệt Seoul" năm 1962.

Năm 1963, dân số của Seoul đã tăng tới 3 triệu người, qui mô của Seoul cũng tăng tới trên 600 km2, gấp 2,3 lần so với trước. Tổng sản phẩm quốc dõn (GNP) của Hàn Quốc đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 5,5% một năm trong thập kỷ 1960. Sang thập kỷ 1970, Hàn Quốc đã có những bước nhảy vọt trong tốc độ tăng trưởng, khi tổng sản phẩm quốc dõn (GNP) trên đầu người lên tới 1.000 USD vào năm 1977, so với mức 250 USD trong năm 1970, và Seoul là đầu tàu trong quá trình tăng trưởng này. Dòng lao động tiếp tục đổ về Seoul để tìm kiếm việc làm. Dân số Seoul đã lên tới 5,5 trịêu người vào năm 1970, so với 2,4 triệu người năm 1960, và đã vượt ngưỡng 6 triệu vào năm 1972.

Vào thỏng 7 năm 1971, việc xây dựng những khu giới hạn phát triển (vành đai xanh) với tổng số 1.566 km2 vành đai xanh xung quanh Seoul đã giảm bớt qui mô của thành phố này và bảo vệ môi trường tự nhiên. Vào năm 1973, qui mô hành chính của Seoul đã lên tới 605 km2. Sự mở rộng qui mô thành phố cũng đi kèm với sự phát triển của các phương tiện vận tải công cộng. Đường xe điện ngầm đầu tiên được hoàn thành vào năm 1974.

b) Thời kỳ đô thị toàn cầu từ những năm 1980 tới nay

Seoul trở thành đô thị với 8,5 triệu dân vào năm 1980, chiếm 22,3% tổng dân số toàn quốc, và đô thị lớn với 10,8 triệu dân vào năm 1989. Từ thập kỷ 1980, Seoul đã phát triển mạnh và trở thành thành phố quốc tế với việc đăng cai Đại hội thể thao Châu Á 1986, và Thế vận hội mùa Hè 1988. Trong thời gian này, nhiều sân vận động, các làng thể thao, và trung tâm luyện tập đã được xây dựng. Chính phủ cũng đã có những dự án làm sạch nước bị ô nhiễm tại sông Hàn. Một đường cao tốc dọc theo bờ sông đã được hình thành nối sân bay Kimpo với trung tâm thành phố và các sân vận động. Đường xe điện ngầm số 5,6,7 và 8 đã được xây dựng trong thập kỷ 1990.

Trong năm 1989, chính phủ đã xây dựng năm thành phố vệ tinh của Seoul như Ilsan, Pundang, Sanbon, Pyongchon, và Chungdong. Seoul không còn là một thành phố độc lập, mà là trung tâm của một tập hợp các thành phố đô thị với hơn 20 triệu người. Mức độ tập trung dân số tại Seoul cũng tăng thêm sức ép đô thị khi nhu cầu nhà ở, giao thông và giáo dục ngày càng tăng. Trong thập kỷ 1990, Seoul được định hướng phát triển trở thành trung tâm Đông Bắc Á.

Seoul tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thập kỷ 1990. Cơ cấu công nghiệp của Seoul đã thay đổi từ những ngành có hàm lượng lao động cao sang những ngành có hàm lượng công nghệ và vốn cao. Các ngành công nghiệp công nghệ cao đã lan rộng trong thập kỷ 1990 đóng một vai trò trụ cột để chuẩn bị cho Seoul trở thành một thành phố thông tin.

Thành phố Seoul có 43 trong số 199 trường cao đẳng 4 năm và đại học, và 24,1% số lượng sinh viên đại học. Seoul cũng chiếm 36,1% tổng số các viện Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trên toàn quốc, với 2.729 viện nghiên cứu, và 60,3% số lượng lao động R&D (114.461 trong số 189.888 người).

3. Quan hệ kinh tế của Seoul

Tốc độ phát triển nhanh của các ngành thông tin, viễn thông tại Seoul đã là nền tảng cho tốc độ tăng trưởng gần đây của thành phố này và thu hút mạnh đầu tư công nghệ nước ngoài. Việc xây dựng sân bay quốc tế Incheon đã tạo nên một mạng lưới cơ sở hạ tầng nâng cao vị thế của Seoul như là một đầu mối giao thông chính. Với nền tảng kinh tế vững mạnh và đa dạng, Seoul hiện nay đang hướng tới việc củng cố vai trò toàn cầu thông qua việc phát triển Seoul và các khu vực phụ cận như là đầu mối tài chính, thương mại Đông Bắc Á.

Để làm tăng vai trò của một thành phố quốc tế, Seoul đang phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, thông tin và củng cố các ngành công nghiệp công nghệ cao để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và các công ty đa quốc gia vào thành phố này. Vừa mang những nét truyền thống của một thành phố cổ, nhưng lại rất hiện đại về công nghệ và qui hoạch đô thị. Seoul đã duy trì được gốc rễ văn hóa và phát triển kết hợp giữa Đông và Tây. Seoul được nối liền bằng xe lửa, đường cao tốc, tầu điện ngầm với Incheon, cảng Seoul, và có những sân bay ở đây và Gimpo. Mạng lưới giao thông tại Seoul được đa dạng hóa và là một trong những trung tâm giao thông lớn tại Châu Á. Hiện nay, Seoul có 9 đường xe điện ngầm, gần 200 tuyến xe búyt, và 6 đường cao tốc chính nối tất cả các khu trong thành phố và với các khu đô thị lân cận. Đây là thành phố lớn thứ hai trên thế giới, sau khu Tokyo mở rộng của Nhật Bản. Phương tiện giao thông thông dụng tại Seoul là hệ thống công cộng nhờ tính rộng khắp và thuận tiện. Seoul được nối với một vài thành phố lớn tại Hàn Quốc bằng hệ thống xe lửa cao tốc, một trong những hệ thống xe lửa có tốc độ cao nhất tại Châu Á. Sân bay quốc tế Incheon cùng với Hồng Kông và Singapore trở thành trung tâm hàng không tại Đông Á. Thậm chí, gần đây, Incheon còn được bình bầu là sân bay tốt nhất thế giới. Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới.

Trước năm 1945, các nguồn nguyên liệu công nghiệp của Seoul được cung cấp từ Bắc Triều Tiên, đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp cơ bản như sắt, thép; sau năm 1945, Hàn Quốc đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp dệt, chế biến nông sản, ôtô, điện tử, hóa dầu, in ấn, xuất bản và các ngành công nghiệp dịch vụ, tiêu dùng khác.

Hiện nay, Seoul là trung tâm kinh tế chính của Hàn Quốc, tạo ra 47% GDP  năm 2002, tập trung 45,6% các doanh nghiệp và 49,6% tổng số lao động cả nước. Seoul cũng là đại bản doanh của những tập đòan quốc tế lớn nhất và cạnh tranh nhất Hàn Quốc như Samsung và LG và là cửa ngõ quốc tế chính của đất nước với sân bay quốc tế Incheon và các trung tâm viễn thông. Năng suất lao động cao tại Seoul và các khu vực đô thị liền kề có thể giải thích bằng sự tập trung của các khu công nghiệp có giá trị gia tăng cao và sự chuyển dịch sang nền kinh tế tri thức tại Seoul. Từ giai đoạn 1996-2002, cả khu vực chế tạo và dịch vụ của Seoul đã bắt đầu chuyển sang nền kinh tế tri thức. Sự chuyển dịch này được đẩy mạnh trong khu vực kinh doanh dịch vụ viễn thông. Thực tế, các hoạt động xử lý thông tin và máy tính đã tăng trưởng với tốc độ 311,2% trong thời kỳ 1995-2002.

Sau khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997, Seoul đã có chiến lược kinh tế vùng theo định hướng quốc gia với mục tiêu trở thành "thành phố toàn cầu" và "đầu mối của Đông Bắc Á". Những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như điện tử và thiết bị điện đang là động lực xuất khẩu của Seoul trong những năm gần đây. Cho tới nay, Seoul vẫn là khu vực thu hút FDI thành công nhất tại Hàn Quốc (60% trong 2003), trong đó khu vực tài chính và bảo hiểm thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất (1.643 triệu USD).

4. Các vấn đề tồn tại và giải pháp

Seoul cần giải quyết một số vấn đề đang tồn tại để tiếp tục quá trình tăng trưởng như giao thông ách tắc, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, tăng cường khả năng sáng tạo và cải thiện khả năng hợp tác giữa các thành phố lớn của Hàn Quốc.

4.1. Ách tc giao thông

Seoul cũng là thành phố có mật độ dân số khá cao do vị trí địa lý nằm giữa đồi núi cùng với quá trình đô thị hóa. Bất chấp một hệ thống xe lửa nội đô với 254 km và nỗ lực mở đường với 20% diện tích đô thị được sử dụng cho xây dựng đường xá từ năm 1990, Seoul vẫn phải đối mặt với nạn tắc giao thông. Gần nửa số dân Hàn Quốc sống tại thủ đô và 6,5 triệu người đi lại hàng ngày đã tạo ra một tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí không thể chấp nhận được. Với Dự án khôi phục Cheonggyecheon, chính quyền Seoul đã tập trung mở rộng mạng lưới xe buýt với việc tăng thêm 74 xe buýt tốc hành và đồng bộ hóa lịch chạy của xe buýt và mạng lưới tàu điện ngầm. Xe buýt được trang bị máy định vị toàn cầu để các trạm điều khiển có thể giám sát và điều chỉnh tuyến đường với hiệu quả tối ưu. Hàng ngàn xe buýt chạy khí thiên nhiên được đưa vào đoàn xe công cộng. Chính quyền Seoul đã vừa cải cách hệ thống giao thông công cộng và hợp lý hoá việc sử dụng ôtô tư. Hệ thống giao thông công cộng đã mang lại hiệu quả. Năm 2005, tổ chức giao thông và môi trường Environmental Defense and Transport Research Board đã trao cho thị trưởng Seoul, ông Lee Myung Bak, giải hệ thống vận chuyển bền vững. Ngoài ra, Dự án khôi phục Cheonggyecheon đã được thực hiện thành công vào tháng 10/2005 là một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Seoul đang phát triển trở thành một thành phố thân thiện với môi trừơng. Dự án này xóa bỏ đường cao tốc Cheonggye dài 5,86 km, rộng 16m, bơm nước vào kênh Cheonggyecheon tạo cảnh quan thiên nhiên cho Seoul với tổng chi phí lên tới 360 triệu USD. Ngoài ra, Seoul còn trồng thêm 3,3 triệu cây xanh và trồng rừng tại Seoul với tổng chi phí 224 triệu USD. Nhờ vậy, Cheonggyecheon trở thành chiếc máy điều hòa không khí khổng lồ đem lại hơi thở tươi mát cho Seoul. Cheonggyecheon đã giúp Seoul giảm 3,6°C trong cuộc kiểm tra vào tháng 7/2005. Khi nước được bơm vào kênh, gió trong khu vực đã thổi nhanh gấp hai, và do đó nồng độ bụi lẫn C02 đã giảm đáng kể.

4.2. Mở cửa cho đầu tư nước ngoài

Khu vực này cũng cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Seoul đã giảm 20% hay trên 1 tỷ USD từ năm 2000. Từ năm 2001 đến năm 2003, tổng số đầu tư nước ngoài tại Seoul tới từ các nước Châu Á khác đã giảm từ 32% xuống còn 13%, của Mỹ giảm từ 30,1% xuống còn 19,2%, trong khi EU đã tăng gấp đôi tỷ trọng của mình lên tới 51,8%. Nguyên nhân là do những qui định khắt khe đối với các nhà đầu tư nước ngoài và những khó khăn trong việc xin giấy phép, sự độc quyền của Nhà nước và quá trình giám sát doanh nghiệp. Mặc dù Hàn Quốc rất cần tới các doanh nghiệp và lao động nước ngoài trong quá trình phát triển đất nước, song các nguyên tắc di cư khắt khe đã khiến cho số lượng công dân nước ngoài định cư tại Hàn Quốc rất thấp (mới chỉ chiếm 0,5% trong tổng dân số).

4.3. Hợp tác với các thành phố lớn khác

Seoul cũng cần hợp tác tốt hơn với những thành phố lớn khác của Hàn Quốc để những lợi thế của Seoul có thể có tác dụng lan truyền và làm tăng tính cạnh tranh của cả nước. Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy "phát triển cân bằng tòan quốc" như là một mục tiêu ưu tiên trong chính sách quốc gia. Một trong những biện pháp điều tiết sự tập trung đô thị hóa tại Seoul là lập ra kế hoạch thành lập một thủ đô hành chính mới. Khu thủ đô hành chính mới có diện tích khoảng 7.130 ha tại vùng Yeongi - Gongju, cách Seoul 150 km về phía đông nam. Theo kế hoạch, khu mới  sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2007 và hoàn tất vào năm 2012. Tuy vậy, vào ngày 21 tháng 10 năm 2004, Tòa án tối cao đã ra phán quyết, bộ luật đặc biệt đổi địa điểm thành phố là không hợp hiến. Sau đó, Chính Phủ đã thông báo kế hoạch chuyển các bộ phận chức năng của Chính phủ, trừ các chi nhánh Hành pháp tới Gongju, nhưng chưa có thông báo chi tiết.

Seoul cùng với những khu phụ cận đã chiếm tới 50% GDP toàn quốc. Tăng trưởng kinh tế tại Seoul sẽ góp phần làm tăng quá trình phát triển của nền kinh tế quốc gia và tăng tính cạnh tranh chung trên cả nước. Khái niệm phát triển đa trung tâm đưa ra một hướng khả thi giải quyết vấn đề vừa phát triển Seoul trở thành một thành phố toàn cầu và phát triển kinh tế cân bằng trên toàn quốc. Nhìn chung, quá trình phát triển đa trung tâm xảy ra khi xuất hịên quá trình phân tán hoạt động kinh tế từ những khu đô thị chật chội sang những khu đô thị khác kém phát triển hơn và cả hai khu vực đều có lợi từ quá trình này. Nói cách khác, Seoul sẽ vẫn đóng vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế quốc gia, mặt khác sự hợp tác xuyên vùng giữa Seoul với các khu vực khác cũng cần được củng cố để làm tăng lợi ích đa phương và xây dựng một hệ thống hội nhập kinh tế quốc gia.

5. Triển vọng phát triển kinh tế hàng hóa của Seoul đến năm 2010

Seoul là thủ đô hành chính và kinh tế của Hàn Quốc và đã phát triển vượt quá qui mô của một thành phố và trở thành các khu đô thị đông đúc nhất trên thế giới. Các khu hành chính như thành phố Incheon và khu Gyeonggi chiếm khoảng 48% dân số toàn quốc với 22,5 triệu người. Hầu hết các hoạt động của Hàn Quốc đều tập trung tại Seoul và khu thủ đô, đây chính là động lực phát triển của Hàn Quốc. Chính quyền đô thị Seoul đã định hướng 5 cụm công nghiệp phát triển trọng điểm cho thành phố này: 2 cụm công nghiệp chế tạo (thời trang và may mặc, in ấn và xuất bản), 3 cụm dịch vụ (công nghiệp tài chính, dịch vụ kinh doanh và IT) và 1 cụm công nghiệp mới nổi (công nghiệp số).

Cụm công nghiệp thời trang và may mặc: Lợi thế chính của cụm công nghiệp này là các doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao tập trung tại khu vực đông nam Seoul và môi trường cạnh tranh. Đe dọa chính của cụm công nghiệp này là sự nổi lên của Trung Quốc với chi phí lao động rẻ, khả năng công nghệ, và sự hội nhập của khu vực Đông Á.

Cụm công nghiệp in ấn và xuất bản: Các hoạt động in ấn và xuất bản tại Seoul chiếm 45,0% và 75,7% tổng số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này trên toàn quốc. Những doanh nghiệp này tăng trưởng cao với tốc độ 33,98% trong thời kỳ 1999-2002 so với tốc độ trung bình 29% của khu vực chế tạo.

Cụm công nghiệp tài chính: Chiếm 1/4 và 1/3 số doanh nghiệp và lao động trên toàn quốc. Dù vậy, qui mô vốn vẫn còn nhỏ so với các khu vực tài chính của Tokyo, Hồng Kông và Thượng Hải. Chiến lược của Seoul là chỉ tập trung phát triển lợi thế cạnh tranh trong dịch vụ quản lý tài sản.

Cụm dịch vụ kinh doanh: Vào năm 2002, cụm dịch vụ kinh doanh chỉ chiếm 3,47% và 8,3% số hãng và lao động của Seoul. Lợi thế của cụm dịch vụ này là nguồn vốn nhân lực trình độ cao và khả năng R&D của Seoul. Chính quyền Seoul đã nỗ lực liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp cũng như thúc đẩy sáng tạo công nghệ.

Cụm viễn thông và thông tin: Cụm công nghệ thông tin đang dần trở thành động lực tiềm năng cho sự phát triển của Seoul. Quá trình chuyên môn hóa đã xuất hiện và hỗ trợ giữa Seoul (dịch vụ IT) và Gyeonggi (sản phẩm IT chế tạo).

Cụm công nghiệp số: Cụm công nghiệp này liên quan tới các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu dùng những sản phẩm số như xuất bản, ca nhạc, phim ảnh dưới hình thức số liệu, ảnh, phim, âm thanh, trò chơi, cơ sở dữ liệu.

Những thách thức chính cho các cụm công nghiệp này là Seoul đã mất tính cạnh tranh trong chi phí sản xuất so với các nước có chi phí sản xuất thấp (thời trang và may mặc), qui mô sản xuất nhỏ (in ấn và xuất bản), và nhu cầu phát triển cao hơn công nghệ và phát minh sáng chế. Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh chưa từng có từ Trung Quốc và Nhật Bản. Một mặt, Trung Quốc đang trở thành công xưởng của thế giới với hàng chế tạo do lực lượng lao động dư thừa và tiềm năng thị trường lớn. Mặt khác, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế mạnh nhất Đông Bắc Á với lợi thế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như ôtô và điện tử. Với sự hội nhập ngày càng tăng trong khu vực, thách thức từ Trung Quốc và Nhật Bản trong các ngành công nghệ thấp và cao ngày càng lớn. Seoul cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc cải thiện môi trường thu hút FDI và tăng tính cạnh tranh trong quá trình sản xuất. Những thách thức này bao gồm các qui định cứng nhắc của Hàn Quốc và thiếu cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, Seoul có lợi thế địa lý, nằm tại trung tâm Đông Bắc Á, cách các thành phố khác chỉ khoảng 3,5 giờ bay. Hàn Quốc nối với các khu Âu, Á và Thái Bình Dương qua đường xe lửa xuyên Siberi và xuyên Trung Quốc. Ngoài ra, Seoul có khả năng trung chuyển dựa vào các cảng biển và sân bay. Cảng biển Busan là cảng lớn thứ 3 trên thế giới. Sân bay Incheon cũng có nhiều tiềm năng phát triển. Có 2 nền tảng giúp cho Seoul có thể củng cố vị trí trung tâm của mình: thứ nhất là mạng lưới khu vực, thứ hai là khả năng chuyên môn hóa. Về mạng lưới khu vực, Seoul có lợi thế so với các thành phố khác trong Đông Bắc Á. Trong vòng 3 tiếng bay từ Seoul có thể tới hơn 30 thành phố. Vấn đề đối với Seoul là làm thế nào để hình thành được các mạng lưới và tận dụng được quá trình hội nhập và hình thành mạng lưới khu vực. Cụ thể hơn, Seoul có thể tận dụng được vị trí trung tâm trong hành lang đô thị lớn nhất trên thế giới: hành lang BESETO nối Bắc Kinh, Seoul, và Tokyo.

Về tương lai, Seoul rất có khả năng sẽ trở thành một thành phố trung tâm của khu vực Đông Bắc Á. Về qui mô kinh tế và giá trị trao đổi thương mại, Đông Bắc Á có thể so sánh với EU và NAFTA. Nền kinh tế Đông Bắc Á hiện nay chiếm 20% kinh tế toàn cầu và 40% giá trị thương mại đường biển. Trong 20 năm tới, con số này có thể tăng tới 30%. Với tên gọi "huyền thọai sông Hàn", người ta hoàn toàn có thể tin rằng, Seoul có đầy đủ điều kiện văn hóa, xã hội của một thành phố "năng động, sáng tạo, công nghệ cao và xã hội đa dạng" để trở thành một trung tâm kinh doanh thế giới.

 

LƯU NGỌC TRỊNH - LÊ ÁI LÂM

(PGS.TS, TS, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

2. Lưu Ngọc Trịnh, Lê Ái Lâm, Nguyễn Bình Giang và Nguyễn Hồng Bắc, "Kinh nghiệm phát triển kinh tế hàng hoá ở một số thủ đô Châu Á". Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới, số 8 (124), tháng 8 năm 2006, trang 9-23.

2. Imura Hidefumi (2003), Comparative Study of Beijing, Shanghai, Soeul and Tokyo, IGES/APN Workshop, February 4-5, East West Center, Honolulu.

3. Seoul Metropolitan Government: http://english.seoul.go.kr/

4. The Seoul Times: http://theseoultimes.com/

5.The Korean Statistical Society: http://www.kss.or.kr/

6. The Bank of Korea: http://www.bok.or.kr/

7. American Association of Port Authorities: http://www.aapa-ports.org

8.Airports Council International: http://www.airports.org



 

 

0thảo luận