Trang chủ

CẢI CÁCH KINH TẾ DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN KOIZUMI: MỘT SỐ BIỆN PHÁP CHỦ YẾU

Đăng ngày: 23-03-2012, 13:11 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 4

Tháng tư năm 2001, ông Junichiro Koizumi đã gây bất ngờ lớn khi đắc cử vào chức vụ Thủ tướng Nhật Bản. Trước đó, trong vòng 12 năm liên tiếp, nước Nhật đã từng trải qua tổng cộng 10 đời thủ tướng. Kinh tế Nhật Bản nằm trong tình trạng trì trệ, ngành ngân hàng hầu như đổ vỡ, nợ công chồng chất. Nhưng 5 năm sau đó, năm 2006, sự thay đổi đối với Nhật Bản có thể đánh giá bằng hai từ “kỳ tích”. Nhật Bản đã vững vàng vượt qua khỏi bãi lầy kinh tế. Năm 2005 tổng sản phẩm quốc nội tăng hơn 3%, trong 3 năm liền chỉ số Nikkei tăng hơn 66%, đầu tư đã tăng đều đặn trở lại(1). Kết quả là trong thời gian nhiệm kỳ gần 2000 ngày của mình, Thủ tướng Koizumi không những đã giành được sự ủng hộ lớn ở trong nước mà còn nâng cao đáng kể vị thế nước Nhật trên trường quốc tế, đánh thức nền kinh tế đồ sộ Nhật Bản thức dậy sau một thời gian dài trì trệ. Tìm hiểu về những cải cách kinh tế dưới thời thủ tướng Koizumi, nghiên cứu của chúng tôi lần này hy vọng sẽ góp phần nào đó trong việc nâng cao sự hiểu biết về đất nước Nhật Bản, một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay.*

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, vấn đề của nền kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn vừa qua chính là giảm phát và nợ xấu. Giảm phát tại Nhật Bản hình thành do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất phải kể tới giảm phát tài sản, do giá bất động sản giảm liên tục suốt 10 năm qua, có lúc giảm tới 80% so với thời điểm cao nhất trong thời kỳ kinh tế bong bóng. (2 ) Nguyên nhân thứ hai chính là vòng tuần hoàn ác tính giữa giảm phát và nợ khó thu hồi. Vì lo ngại trước tình hình nợ khó thu hồi, các ngân hàng Nhật Bản đã dè dặt hơn trong việc cho vay, gây ra tình trạng khan hiếm tín dụng, phương hại tới sản xuất. Điều này lại góp phần tạo ra giảm phát, rồi đến lượt nó giảm phát lại làm cho việc xử lý nợ xấu trở nên khó khăn hơn. Thực tế gần đây ở Nhật Bản cho thấy, lượng nợ xấu mới hình thành còn nhiều hơn lượng nợ được xử lý, mà thủ phạm chính chính là giảm phát. Vòng tuần hoàn này kéo dài khiến tiêu dùng càng thêm trì trệ, giảm phát càng trở nên một cái bẫy khó thoát. Trước thực trạng này, chính phủ của Thủ tướng Koizumi đã tiến hành một số biện pháp cấp bách sau:

1. Chính sách nới lỏng tiền tệ

Từ giữa năm 2001, Ngân hàng Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ về lượng với 2 mục đích vừa nhằm hạn chế giảm phát vừa ngăn ngừa việc đồng Yên tăng giá, cụ thể là điều chỉnh cán cân tài khoản vãng lai của ngân hàng thay vì điều chỉnh lãi suất mà lý do là các mức lãi suất đã ở mức thấp đến độ không thể điều chỉnh thấp hơn. Tháng 2-2003, Ngân hàng Nhật Bản đã điều chỉnh tăng cán cân vãng lai của mình từ 15-20 nghìn tỷ Yên lên 17-22 nghìn tỷ Yên, tháng 4 là 22-27 nghìn tỷ, tháng 5 điều chỉnh tiếp lên tới 27-30 nghìn tỷ và đến tháng 10 – 2003, Ngân hàng Nhật Bản đã nâng cán cân tài khoản vãng lai của mình lên khoảng 27-32 nghìn tỷ Yên(3). Mục đích chính của việc điều chỉnh trên là nhằm chống giảm phát và duy trì đà phục hồi mới hình thành. Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản tuyên bố sẽ không đảo ngược quá trình này cho đến khi giá tiêu dùng có tỷ lệ tăng trưởng dương trong nhiều tháng liên tục.

Một đặc trưng khác nữa của chính sách tiền tệ Nhật Bản trong thời gian này là khi can thiệp để ngăn đồng Yên tăng giá, Ngân hàng Nhật Bản đã hạn chế mua trái phiếu vào. Thông thường chính sách can thiệp để ngăn đồng nội tệ tăng giá thường đi kèm với mua trái phiếu vào để giảm lượng nội tệ trong lưu thông tránh gây ra lạm phát (chính sách chống hậu quả phụ của việc can thiệp giữ tỷ giá). Tuy nhiên, do Nhật Bản đang phải chịu giảm phát nên chính sách chống hậu quả phụ này không còn cần thiết. Nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, giáo sư Joseph Stiglitz đã ủng hộ chính sách của Thủ tướng Koizumi, và còn nhấn mạnh cần giảm giá đồng Yên, xem đó là một biện pháp tích cực để chống giảm phát.

2. Chính sách xử lý nợ khó đòi và cải cách khu vực dịch vụ tài chính

Trong nỗ lực cải cách khu vực tài chính ngân hàng, chính phủ của Thủ tướng  Koizumi dự tính sẽ giải quyết được vấn đề nợ xấu. Để làm được điều này, một chương trình tái sinh khu vực dịch vụ tài chính của Nhật Bản đã được xúc tiến. Riêng trong năm tài chính 2002, số nợ xấu tại các ngân hàng lớn đã giảm 24%(4). Sau đó, Chính phủ yêu cầu các ngân hàng đánh giá chính xác hơn số nợ xấu của mình. Đối với những ngân hàng đã nhận hỗ trợ của chính phủ thì được yêu cầu phải nhanh chóng cải thiện tình hình kinh doanh. Qua lần đánh giá tài chính này đã phát hiện thấy nhiều ngân hàng có tình hình tài chính tồi tệ hơn đã dự tính từ trước. Một trong 5 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, ngân hàng Resona Holdings đã bộc lộ tình trạng tài chính yếu kém của mình. Lượng vốn tự có của ngân hàng này không phải là 6% trên tổng số vốn mà chỉ vỏn vẹn có 2%, số tiền lỗ lên tới 1000 tỷ Yên và ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Để ngăn chặn “thảm hoạ” này, chính phủ đã phải dùng quỹ công để trợ giúp. Sau “cú sốc Resona”, chương trình xử lý số nợ xấu được đẩy mạnh thêm với phương châm “Năm phần mười, Tám phần mười”, nghĩa là trong vòng một năm phải xử lý được 50% số nợ xấu tồn đọng và trong vòng hai năm phải xử lý được 80%.

Công việc giám sát các ngân hàng và ban hành chế độ kế toán mới cho các tổ chức tài chính ở Nhật Bản được giao cho một cơ quan tài chính mới của Chính phủ là Cục dịch vụ tài chính tiền tệ. Từ tháng 9-2002, Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhật Bản đã quyêt định dùng quỹ công để mua bớt số cổ phiếu của các doanh nghiệp mà các ngân hàng nắm giữ. Hình thức nắm giữ cổ phiếu lẫn nhau như thế này rất phổ biến ở Nhật Bản và có tác dụng thắt chặt quan hệ liên minh kinh doanh. Nhưng sau khi bong bóng kinh tế tan vỡ và cổ phiếu giảm giá, các ngân hàng Nhật bỗng dưng nắm trong tay một đống cổ phiếu ít giá trị khiến cho tình hình tài chính của họ trở nên rất tồi tệ. Việc dùng quỹ công mua lại cổ phiếu như thế sẽ giúp các ngân hàng bớt được gánh nặng tài chính, vừa bơm thêm tiền vào trong lưu thông. Có thể nói đây là một chính sách mới chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Trong khoảng nửa năm từ tháng 11-2002 đến tháng 6-2003, Ngân hàng Nhật Bản đã bỏ ra 1400 tỷ Yên cho việc này và trở thành ngân hàng trung ương duy nhất trên thế giới sở hữu cổ phiếu tư nhân.

3. Chính sách thắt chặt tài chính

Ngược với chính sách tiền tệ nới lỏng, chính sách tài chính của Nhật Bản trong giai đoạn này là chính sách thắt chặt. Theo đánh giá của chính phủ của Thủ tướng Koizumi, số nợ chính phủ của cả chính quyền trung ương lẫn chính quyền địa phương đã tích tụ lại bằng tương đương 140% GDP của đất nước (năm 2003). Do đó, đương nhiên trong giai đoạn tiếp theo sẽ không nên và cũng không thể khuếch trương tài chính. Năm tài chính 2003, các khoản chi tiêu liên quan đến đầu tư công cộng giảm 3,7% so với năm trước. Trong kế hoạch tài chính địa phương, khoản chi cho các nhiệm vụ chi sự nghiệp độc lập của địa phương giảm 5,5% so với năm trước. Chi kiến thiết địa phương giảm 6,4%. Chi tiêu và vay nợ của chính phủ được cắt giảm mạnh nhằm giảm thiểu gánh nặng ngân sách. Các công trình lớn như xây dựng các hệ thống đường cao tốc được hạn chế để tập trung nguồn vốn cho các thành phần gặp nhiều khó khăn. Chính phủ cũng quyết định chấp nhận xóa bỏ một số khoản nợ để làm lành mạnh hệ thống ngân hàng cũng như các tập đoàn lớn (keiretsu). Chính quyền địa phương được trao quyền mạnh hơn để tăng cường sự linh hoạt. Một loạt quy định về kinh doanh được bãi bỏ để khuyến khích đầu tư. Tháng 5/2005, một đạo luật giúp cho việc thành lập các doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn và chi phí thấp hơn đã ra đời.

Trong tổng thể của kế hoạch thắt chặt tài chính, đường lối cải cách trọng cung của chính quyền của Thủ tướng Koizumi mà người khởi xướng là Bộ trưởng Kinh tế Takenaka Heizo, cánh tay phải trong công cuộc cải cách được chú trọng triệt để. Theo đường lối này, Nhật Bản ngoài những biện pháp nhằm nâng thuế suất và giảm chi tiêu công cộng nhất là chi tiêu vào cơ sở hạ tầng như đã nói ở trên, còn chú trọng nhiều vào tư nhân hóa một số công ty trong ngành giao thông và ngành bưu điện, tăng tỷ lệ đóng góp của cá nhân trong bảo hiểm xã hội. Có thể gọi những bước cải cách này là những cải cách cơ cấu trong một khu vực được coi là “thánh địa”, vì đó là những lĩnh vực từ trước đến giờ chưa bao giờ có thể tiến hành cải cách. Doanh nghiệp nhà nước Đường cao tốc Nhật Bản (Japan Highway) là công ty gặp rắc rối lớn nhất với số nợ tích luỹ là 40 nghìn tỷ Yên sau khi xây dựng các con đường thu phí tại các địa điểm có vấn đề sẽ được tư nhân hóa. Phó chủ tịch của công ty này đã bị bắt giữ gần đây vì một vụ bê bối trong gian lận thầu. Còn kế hoạch cải cách hệ thống bưu điện, mặc dù đã từng bị bác bỏ tại quốc hội nhưng vẫn được ông Koizumi quả quyết thực hiện tư nhân hoá nhằm ngăn chặn nguồn tài trợ cho các khoản chi tiêu lãng phí của các doanh nghiệp nhà nước cũng như chấm dứt tình trạng mất cân đối trong ngành tài chính.

4. Tư nhân hóa hệ thống bưu chính Nhật Bản

Tư nhân hoá ngành bưu điện là kế hoạch “con cưng” của ông Koizumi trong cải cách kinh tế. Từ khi còn là dân biểu và nhất là khi lần đầu trúng cử chức vụ thủ tướng vào năm 2001, Thủ tướng Koizumi đã nhiều lần nêu rõ quyết tâm phá vỡ hệ thống bao cấp thông qua việc cải tổ và tư nhân hóa hệ thống bưu chính Nhật Bản. Ông Koizumi nhấn mạnh khu vực tư nhân của Nhật Bản đã trải qua một cuộc cải tổ lớn lao với nhiều công ty được cơ cấu lại, tuy nhiên khu vực quốc doanh vẫn rất trì trệ trong quá trình chuyển đổi này. Thủ tướng Koizumi cũng cho rằng bưu điện Nhật Bản là doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nhất còn sót lại trong khu vực kinh tế công cộng, một hệ thống bao cấp “khổng lồ và phi lý”.

Có thể nói trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, ông Koizumi là người nắm rất rõ mọi vấn đề. Ông nội của ông, Matajiro Koizumi từng là Bộ trưởng Bưu chính viễn thông và cũng chính là người đầu tiên chủ trương tư nhân hóa ngành bưu điện Nhật Bản. Bản thân ông Koizumi cũng đã từng làm Bộ trưởng Bưu chính viễn thông trong nội các của thủ tướng Miyazawa. Hệ thống bưu điện Nhật Bản gồm 25.000 trụ sở với trên gần 400.000 nhân viên, có giá trị trên 3 nghìn tỷ USD trong đó bao gồm cả một ngân hàng lớn nhất thế giới, đồng thời Bưu chính Nhật Bản cũng là doanh nghiệp mua nhiều công trái chính phủ nhất Nhật Bản(5). Bưu chính Nhật Bản không chỉ hoạt động trong lĩnh vực bưu điện mà còn là một trung tâm tài chính với quy mô rất lớn. Trên thực tế, ngạch bảo hiểm của bưu chính Nhật Bản hiện lớn gần bằng tổng giá trị của bốn công ty bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản cộng lại

Hiện có đến 85% dân số Nhật Bản có tài khoản gửi tiết kiệm bưu điện. Các gia đình Nhật Bản thường dành một phần lớn thu nhập cho tiết kiệm và họ luôn tin tưởng để số tiền giành dụm trong hệ thống tiết kiệm của ngành bưu chính. Người dân Nhật Bản không mấy khi có ý định chuyển số tiền tiết kiệm của mình sang gửi ở một nơi nào khác. Giải thích về điều này phải kể đến hệ thống ngân hàng của Nhật Bản đã hầu như sụp đổ sau khi đối mặt với những khoản nợ xấu khổng lồ của giai đoạn chi tiêu thả cửa trong những năm 1980. Hơn nữa các ngân hàng hiện đều đưa ra mức lãi suất 0% đối với tiền gửi tiết kiệm vì Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ tỷ lệ lãi suất thấp trong đa phần thập kỷ vừa qua để kích thích nền kinh tế phát triển mong manh. Vì vậy, đa phần người dân Nhật Bản vẫn muốn đặt tiền của họ ở một nơi an toàn, trong trường hợp này là trong tay Chính phủ.

Tuy nhiên thực tế không thể phủ nhận hệ thống này đang đè nặng lên nguồn quỹ công, tạo ra ngân sách thứ hai mờ ám và khuyến khích những lãng phí trong chi tiêu công cộng. Ngành bưu chính Nhật Bản thu hút tiền gửi tiết kiệm từ công chúng và được quyền kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ mà lại được miễn đa số các loại thuế, và được nhà nước yểm trợ qua chính sách bảo hiểm ký thác, tức là bảo đảm hoàn trả lại tiền ký thác tiết kiệm. Các quy định ấy khiến Bưu chính Nhật Bản trở thành một ngân hàng được trợ cấp. Nói cách khác hệ thống bảo hiểm nhân thọ Kampo này trên thực tế kiểm soát đến 40% tài sản bảo hiểm toàn quốc và được Chính phủ bảo đảm từ đằng sau. Và hệ thống tài chính ấy lại nằm dưới sự giám hộ của bộ chủ quản là Bộ Viễn thông chứ không phải là Cơ quan giám sát tài chính. Hậu quả là doanh nghiệp nhà nước này đương nhiên có ưu thế cạnh tranh hơn hẳn bất cứ một ngân hàng hay công ty bảo hiểm tư doanh nào khác nhờ mạng lưới chi nhánh toả rộng và hệ thống luật lệ ưu đãi. Khi được ưu đãi như thế, hệ thống tài chính này hoàn toàn có thể phân phối, cụ thể là cho vay theo cách của mình vì mọi rủi ro đều đã có nhà nước cáng đáng. Về phần mình, các ngân hàng tiết kiệm bưu chính Nhật Bản cho chính phủ vay tiền bằng cách mua các trái phiếu của nhà nước. Kết quả là luôn có sẵn một số tiền khổng lồ để sẵn sàng cho các dự án xây dựng công cộng. Ngoài ra hệ thống đó cũng cản trở việc cải cách các công ty dịch vụ tài chính.  Một vấn đề nghiêm trọng hơn nữa là ngoài việc sử dụng tài sản sai lạc mục tiêu kinh tế, tạo sự cạnh tranh bất chính và bất công về chính trị. Chính những lý do này càng thúc đẩy Thủ tướng Koizumi tiến hành cải tổ Bưu chính.

Quyết định về “Phương châm cơ bản của Tư nhân hóa Bưu chính” cụ thể hoá các bước đi của quá trình cải tổ Bưu chính Nhật Bản đã được thông qua ngày 10/9/2006 tại Nội các Nhật Bản.(6) Việc cải tổ đặt ra gồm các điểm chính sau:

1. Công ty Bưu chính mới với bốn chức năng quầy dịch vụ, chuyển thư, tiết kiệm bưu điện, bảo hiểm đơn giản để ngăn sự mập mờ thiếu rõ ràng, thông qua việc mở rộng hoạt động kinh doanh tự do trên thị trường cung cấp đến người dân những dịch vụ đa dạng với chất lượng tốt, giá thành rẻ, nâng cao tối đa sự tiện lợi cho nhân dân.

2. Giảm thiểu xuống mức nhất “gánh nặng vô hình” của nhà nước đối với Công ty bưu chính đồng thời tận dụng hiệu quả nguồn lực về vốn cho phát triển kinh tế quốc dân.

3. Đưa luồng vốn luân chuyển trong khu vực công sang khu vực tư nhân, sử dụng linh hoạt tiền tiết kiệm của dân chúng trong phát triển kinh tế.

Quá trình thực hiện những mục tiêu trên luôn đi trên 5 nguyên tắc, đó là Linh hoạt hoá, Tiện lợi hóa, Sử dụng linh hoạt nguồn tài nguyên vốn và Nguyên tắc Quan tâm chú trọng. Quá trình tư nhân hóa ngành Bưu chính Nhật Bản dự tính sẽ bắt đầu tiến hành từ năm 2007, trải qua thời kỳ quá độ và cả khi việc cải tổ đến được đích cuối cùng sẽ đều tuân theo một cách nhất quán những nguyên tắc nêu trên.

Có thể nói kế hoạch của Thủ tướng Koizumi là sẽ phân chia hệ thống Bưu chính Nhật thành bốn ngành kinh doanh độc lập là Ngân hàng, Bảo hiểm, Chuyển thư và Bưu điện. Trong đó ngành bảo hiểm nhân thọ và tiết kiệm bưu điện sẽ được tư nhân hóa hoàn toàn trong vòng 10 năm tới. Ngân hàng mới sẽ tạm thời mang tên Yucho và có tài sản khoảng 1500 tỷ USD. Điều này có nghĩa Yucho sẽ thuộc vào hàng các ngân hàng lớn nhất tính theo giá trị tài sản. Việc tư nhân hóa này sẽ được bắt đầu tiến hành từ năm 2007 và sẽ hoàn tất vào năm 2017. Công ty bảo hiểm tách khỏi Công ty bưu chính Nhật Bản sẽ có tên ban đầu là Công ty bảo hiểm nhân thọ Kampo. Cổ phiếu của Yucho và Kampo sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Có thể nói rằng nền kinh tế trì trệ trong hơn 10 năm qua chính là động lực để Thủ tướng Koizumi và chính phủ của ông xây dựng các chương trình cải cách triệt để trong đó ngành Bưu chính chính là khâu then chốt, đóng vai trò đòn bẩy cho sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản.

Tóm lại, mặc dù còn những đánh giá nhiều chiều, song trên thực tế, vẫn phải công nhận rất ít thủ tướng có sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản như Thủ tướng Koizumi, và càng ít người tạo được một “kỷ nguyên” cho riêng mình như ông Koizumi đã làm. Và dù những đánh giá đó là tích cực hay không thì những tác động của Koizumi đối với chính trị, kinh tế, quan hệ đối ngoại của Nhật Bản chắc chắn sẽ vẫn còn tiếp tục trong những năm sắp tới. Đó cũng chính là lý do để Junichiro Koizumi trở thành một trong số 100 nhân vật kiệt xuất được đánh giá có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới, do tờ tạp chí danh tiếng Time bình chọn.

 

ĐỖ THỊ ÁNH

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cải cách kinh tế Nhật Bản: Một chặng đường nhìn lại – TS.Trần Quang Minh Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á số 3(51) 6-2003

2. Kinh tế Nhật Bản: Những xu hướng phát triển chủ yếu và triển vọng – TS Vũ Bá Thể, Ths. Nguyễn Bình Giang – Học viện tài chính – Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

3. Nhật Bản năm 2002 – Cuộc cải cách vẫn còn tiếp tục – Nguyễn Duy Dũng, Nguyễn Thanh Hiền (Chủ biên). Nxb Thống kê, Hà nội, 2002

4. The Yomiru Shimbun (2005)

5. Bản tin kinh tế quốc tế – Thông tấn xã Việt Nam (2003)

6. Báo Đầu tư, Đầu tư và chứng khoán (2004)

7. Phương hướng chủ yếu cải cách tài chính – tiền tệ của Nhật Bản những năm 2000 – TS Dương Minh Tuấn, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á số 3(51) 6-2003

8. Các trang web: http://www.kantei.go.jp, http://www.mof.go.jp, http://www.cao.go.jp, http://www.boj.or.jp, …



(1) Theo Lanhdao.net

(2) Theo The Japan Time 11-11-2003

(3) Theo Ngân hàng Nhật Bản - 2003

(4) Theo Toyo Keizai Tokei Geppo, tháng 9 - 2003

(5) Theo VIEW, website của Bộ Ngoại Giao Việt Nam

(6) Theo thông tin của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản

0thảo luận