Trang chủ

VỀ MỘT SỐ BỘ MÔN NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày: 20-03-2012, 17:04 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 3

Nếu như Trung Quốc hay Nhật Bản là các quốc gia nổi tiếng về nghệ thuật tạo hình như kiến trúc, thư pháp, hội họa và các nghề thủ công truyền thống... thì Hàn Quốc lại là quốc gia Đông Á nổi tiếng với các bộ môn nghệ thuật biểu diễn. Có thể nói, hiếm có đất nước nào mà kho tàng âm nhạc và các điệu múa dân gian lại giàu có và phong phú như ở Hàn Quốc. Trong làn sóng phát triển của xã hội hiện đại, những tài sản văn hóa quý báu này không bị mất đi mà ngược lại, nó được các nghệ sĩ Hàn Quốc cố gắng kết hợp với các yếu tố văn hóa mới để phù hợp với nhịp tiến của xã hội. Ngoài âm nhạc và múa, nghệ thuật kịch, và gần đây là điện ảnh cũng rất phát triển. Có thể nói, điện ảnh Hàn Quốc trong thập niên 90 đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường phim Châu Á và đã trở thành một hiện tượng đặc biệt tại khu vực này. Bài viết này sẽ giới thiệu vài nét về một số bộ môn nghệ thuật biểu diễn của Hàn Quốc như: âm nhạc, múa, kịch và điện ảnh.

1. Âm nhạc và múa

- Âm nhạc:

Âm nhạc tồn tại ở Bán đảo Triều Tiên từ thời Tam quốc (ba vương quốc Koguryo, Paekche và Shilla)  và được coi là một trong những hình thức nghệ thuật phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo. Các tài liệu lịch sử cho biết đã có hơn 30 nhạc cụ được sử dụng vào thời kỳ này, trong đó đáng chú ý nhất là hyeonhakkeum (đàn Tam thập lục sếu đen) của thời Koguryo đã được chế tạo lại từ đàn tam thập lục 7 dây của Trung Quốc. Tuy nhiên, âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc

 

phải đến thời Koryo mới thực sự phát triển. Thời kỳ này có ba thể loại nhạc chính đó là dangak - nhạc của triều Đường Trung Quốc, hyangak - nhạc đồng quê và aak - nhạc cung đình. Sự coi trọng đối với âm nhạc của triều đại Choson sau đó tiếp tục đưa loại hình nghệ thuật này sang một bước ngoặt mới. Triều đình cử người biên soạn lại các bản nhạc, nhờ đó, một quy tắc âm nhạc (gọi là Akhakgwebeom) đã được thiết lập vào năm 1493. Nhìn chung, âm nhạc trong những thời kỳ này đã thể hiện sự phân chia cơ bản giữa tầng lớp trên và tầng lớp dưới trong xã hội. Nhạc Chongak của tầng lớp quý tộc thì trang nghiêm, long trọng, mang tính nghi thức bao gồm nhạc nghi lễ và nhạc cung đình Nho giáo. Trong khi đó, nhạc bình dân Sogak lại sôi nổi, mạnh mẽ, đầy sức sống, gồm có: nhạc Saman giáo và Phật giáo, dân ca và nhạc của những người nông dân, nhạc kịch kể chuyện và độc tấu nhạc cụ. Có thể khái quát âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc trong mấy đặc điểm sau đây: Thứ nhất là tốc độ chậm rãi, khoan thai; Thứ hai là âm sắc ấm áp và mượt mà; Thứ ba là âm nhạc mang tính tự nhiên; Và thứ tư là các bản nhạc thường được kết nối với nhau khi trình diễn.

Nhạc phương Tây lần đầu tiên du nhập vào bán đảo khoảng cuối thế kỷ 19 thông qua những người truyền đạo dạy các bài thánh ca Thiên chúa giáo. Ngay sau đó, thể loại nhạc này đã phát triển mạnh mẽ trên khắp đất nước. Bài hát theo kiểu nhạc phương Tây đầu tiên là Pongseonhwa, được nghệ sĩ violon kiêm nhạc sĩ Han Nan-pa sáng tác vào năm 1919. Từ sau năm 1945,  âm nhạc kiểu Tây ở Hàn Quốc ngày càng nở rộ. Dàn giao hưởng đầu tiên theo kiểu phương Tây đã được thành lập vào thời gian này. Hình thức nhạc cổ điển phương Tây thu hút sự chú ý nhiều nhất ở Hàn Quốc là nhạc kịch (opera). Hiện nay, ở Seoul có ba đến bốn buổi hoà nhạc mỗi tối do các dàn nhạc giao hưởng, dàn đồng diễn nhạc thính phòng và đội hợp xướng opera nổi tiếng của Hàn Quốc trình diễn. Và, ngày càng có nhiều nhạc công trẻ Hàn Quốc lừng danh trên sân khấu nhạc cổ điển quốc tế, trong đó có nữ nghệ sĩ violon nổi tiếng nhất thế giới Chung Kyung-Wha và em trai là nghệ sĩ piano giành giải thưởng thế giới Chung Myung-Whun.

- Múa:

Cũng giống như âm nhạc, trong thời cổ đại, múa được coi là một loại hình nghệ thuật phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo. Thông thường có ba loại hình múa chính, đó là múa cung đình, múa tôn giáo và múa dân gian. Về múa cung đình, lại có hai loại khác nhau, một có nguồn gốc Trung Quốc còn một loại có nguồn gốc Triều Tiên. Nhìn chung cả hai loại này đều có các bước đi tương đối đơn giản và quần áo trau chuốt. Múa tôn giáo gồm ba loại là múa Saman giáo, múa Phật giáo và múa Nho giáo, trong đó múa Shaman giáo được dùng để gọi hồn, múa Phật giáo được dùng để đưa tiễn linh hồn người chết lên thiên đàng, còn múa Nho giáo được dùng để thể hiện sự tôn kính đối với Khổng Tử. Ba loại hình múa này được phân biệt bởi sự khác nhau về động tác quy định, việc cúi mình thể hiện sự tôn kính và chủ yếu là số lượng những người biểu diễn. Múa dân gian được coi là phần tinh hoa nhất trong kho tàng nghệ thuật múa truyền thống của người Hàn Quốc. Bắt nguồn từ các nghi lễ Shaman giáo với bề dày hơn 3000 năm, múa dân gian dùng những cử chỉ bên ngoài để diễn tả cảm xúc bên trong. Điệu múa dân gian lâu đời và nổi tiếng nhất là “Điệu múa của nông dân”. Ngoài các thể loại múa trên, còn có một thể loại múa nữa cũng được người dân hết sức ưa chuộng đó là kịch múa mặt nạ. Có nguồn gốc từ Trung Á, kịch múa mặt nạ là loại hình múa kết hợp với hát và kể chuyện mà nội dung chính thường là chế nhạo tầng lớp quý tộc. Pongsan, hay “Điệu múa sư tử” là điệu múa mặt nạ tiêu biểu đến nay vẫn còn được biểu diễn.

Đặc điểm nổi bật của múa truyền thống Hàn Quốc có thể thấy đó là: Thứ nhất, khác với các nghệ sĩ múa phương Tây, các nghệ sĩ múa Hàn Quốc tập trung năng lượng vào thân mình và chuyển động vai và cánh tay. Thứ hai, trong kỹ thuật múa, các chuyển động tự nhiên được nhấn mạnh do các điệu múa truyền thống Hàn Quốc luôn muốn tác động và diễn tả hiện tượng tự nhiên. Thứ ba, các chuyển động phần trên cơ thể theo nhịp thở rất được chú trọng. Thứ tư, mọi chuyển động đều có sự kết nối với nhau, không có phần riêng biệt. Thứ năm là người diễn viên múa Hàn Quốc không theo một loại hình đặc biệt nào.

Trong thời kỳ chịu sự cai trị của Nhật Bản cũng như vào giai đoạn công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh chóng ở Hàn Quốc những năm 1960 và 1970, rất nhiều điệu múa truyền thống bị mất đi. Sang thập niên 80, người ta bắt đầu nghĩ đến việc làm sống lại những điệu múa đã bị lãng quên từ lâu này. Tuy nhiên, trong số 56 điệu múa cung đình gốc, chỉ có một số còn tồn tại đến ngày nay gồm Cheoyongmu (Múa mặt nạ) của Shilla, Hakchum (Múa sếu) và Chunaengjeon (Múa chim sơn ca hót trong mùa xuân) của thời Choson. Tất cả các điệu múa này đều đã được chính phủ Hàn Quốc coi là “Những tài sản văn hoá vô hình” vì sự bất diệt của nó.

Bên cạnh nghệ thuật múa truyền thống Hàn Quốc, không thể không nhắc đến nghệ thuật múa hiện đại du nhập vào bán đảo trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Tuy nhiên để loại hình này có thể phát triển như ngày nay phải kể đến công đầu của những người tiên phong là Jo Taek-won và Choe Seung-hui. Họ đã tích cực giới thiệu các điệu múa phương Tây với khán giả trong nước đồng thời cố gắng hoà nhập phong cách múa phương Tây với các hình thức múa truyền thống. Loại hình múa hiện đại được sáng tạo trong thời kỳ này có một số đặc trưng riêng. Trong đó, tiêu biểu là kỹ thuật bước ba đoạn từ gót đến mũi rồi đến các đầu ngón chân.

Trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên, mặc dù tạm thời bị chững lại, song nghệ thuật múa hiện đại Hàn Quốc sau đó vẫn không ngừng phát triển. Các nghệ sĩ múa trẻ tuổi luôn cố gắng hoà hợp kỹ thuật múa phương Tây cổ điển với các chủ đề và tình cảm trong múa Hàn Quốc, mặc dù đây là một việc làm không hề đơn giản. Những năm gần đây, Chính phủ đang khuyến khích các đoàn múa giàu kinh nghiệm cố gắng tạo ra một loại hình múa lôi cuốn cả công chúng trong nước lẫn nước ngoài.

2. Kịch và Điện ảnh

- Kịch:

Kịch Hàn Quốc có nguồn gốc từ các nghi lễ tôn giáo thời tiền sử. Trong thời Shilla (thế kỷ VII đến thế kỷ XX), các động tác múa và nhạc đệm được phát triển thành một loại kịch gọi là Cheoyong. Ngoài ra, còn có một số thể loại kịch biểu diễn tương tự cho hoàng gia và công chúng. Mặc dù cả kịch Cheoyong và các thể loại này đều chỉ ưu tiên chú trọng vào các động tác múa và nhạc đệm chứ chưa phải là kịch thực sự, nhưng dù sao đây cũng là nền tảng đầu tiên cho sự phát triển của loại hình sân khấu truyền thống khá tiêu biểu này của Hàn Quốc trong các giai đoạn sau. Bước sang thời Koryo, kịch sandae bắt đầu có nhiều yếu tố “kịch” hơn. Nó được các diễn viên đeo mặt nạ trình diễn trên sân khấu với kịch bản cụ thể và thỉnh thoảng có những đoạn đối thoại. Loại hình kịch này đã được phát triển hơn nữa vào thời đại Choson (năm 1392 đến cuối thế kỷ XIX), sau khi nó trở thành một trong những thể loại được trình diễn trong các nghi lễ chính thức của cung đình. Khi không còn được triều đình bảo trợ nữa, kịch trở thành một hình thức giải trí được đông đảo công chúng mến mộ. Có thể nói đây là đại diện tiêu biểu nhất cho kịch cổ điển của Hàn Quốc. Ngoài loại hình kịch trên, trong thời kỳ này còn có các loại kịch khác mang tính giải trí phổ biến như: kịch múa rối, hề nhào lộn và múa mặt nạ. Tuy nhiên, tất cả đều suy giảm khi văn hoá phương Tây du nhập vào bán đảo thế kỷ 20. Lúc này xuất hiện loại “kịch mới” đối lập với “kịch cũ” truyền thống, không nhấn mạnh âm nhạc và múa như trước mà hầu như chỉ nhấn mạnh vào lời thoại. Những năm 30 là giai đoạn thịnh hành nhất của loại kịch này. Trong những năm 40 và 50, sự rối loạn về chính trị xã hội đã khiến loại hình sân khấu này chững lại và trở nên ngày càng mờ nhạt hơn trong những thập niên sau đó do sự bùng nổ của điện ảnh và sự ra đời của vô tuyến truyền hình. Mặc dù có nhiều nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng vực dậy loại hình nghệ thuật sân khấu này với các phong trào tích cực, nhưng kịch ngày nay chỉ còn là loại hình biểu diễn trên sân khấu nhỏ hay trong các nhà hàng phục vụ chủ yếu cho khán giả trẻ.

- Điện ảnh:

Đầu thế kỷ XX, điện ảnh được du nhập vào Hàn Quốc cùng với sự du nhập của văn hoá phương Tây. Buổi đầu, phim được coi là một phương tiện truyền đạt tiến bộ và khai sáng đối với nhiều trí thức Hàn Quốc, những người vốn chống lại làn sóng hiện đại hóa và có tác động lớn đến đời sống văn hóa chính trị ở Đông Á lúc bấy giờ. Năm 1919, xuất hiện thể loại phim đầu tiên ở Bán đảo Triều Tiên gọi là kinodrama (phim kịch nhựa). Đây là loại hình kết hợp giữa phong cách trình diễn sân khấu truyền thống với các chất liệu của điện ảnh. Với bộ phim đầu tiên là “Uirijeok boksu” (Sự trả thù chính đáng), kinodrama thực sự đã đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn quá độ của loại hình kịch sân khấu truyền thống sang hình thức điện ảnh hiện đại. Trong những năm sau đó hình thức kinodrama dần được thay thế bởi phim “hiện đại” khiến cho văn hoá điện ảnh Hàn Quốc có những bước tiến mạnh mẽ. Năm 1923, bộ phim hiện đại đầu tiên là “Gukkyeong” (Biên giới) đã được công chiếu.

Sau Chiến tranh Triều Tiên, ngành làm phim trong nước dần dần phát triển và kinh doanh phát đạt trong khoảng một thập kỷ. Tuy nhiên trong hai thập kỷ sau đó lại rơi vào suy thoái do sự phát triển nhanh chóng của vô tuyến truyền hình. Kể từ đầu những năm 80, nhờ những đạo diễn trẻ tuổi tài năng dám liều lĩnh bỏ kiểu làm phim dập khuôn trước đây, ngành làm phim trong nước đã lấy lại được sức sống. Xu hướng tích cực này cũng đã tăng lên trong thập niên 90 sau đó, với ngày càng nhiều các nhà đạo diễn sản xuất được những bộ phim làm lay động hàng triệu trái tim của nhân dân trên toàn thế giới, dựa trên những kinh nghiệm và cách nhìn độc đáo của người Hàn Quốc.

Giữa thập niên 90, điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu nổi tiếng với những nhà làm phim trẻ nhất thế giới. Hầu hết các nhà sản xuất, các kỹ thuật viên và diễn viên chỉ ở độ tuổi 20 đến 30. Khán giả của phim Hàn Quốc lại còn trẻ hơn nữa, đại đa số là thanh, thiếu niên. Trong số 50 phim truyện sản xuất ở Hàn Quốc cuối thập kỷ 90, có tới 25 bộ phim là của các nhà đạo diễn trẻ lần đầu tiên làm phim. Điều này chứng tỏ sức sống và năng lực trẻ, một đặc trưng của ngành điện ảnh Hàn Quốc. Lớp các nhà đạo diễn mới này đều là những người có chuyên môn sâu, họ phần lớn học tại các trường đại học, hoặc nghiên cứu về sản xuất phim ở nước ngoài (chủ yếu ở Mỹ), hoặc tốt nghiệp các Viện Điện ảnh Quốc gia. Hiện nay, có tới 40 khoa Điện ảnh trong các trường đại học ở Hàn Quốc.

Năm 2000 và 2001 là những năm đáng ghi nhận của điện ảnh Hàn Quốc. Bộ phim Chunhyangjeon (Câu chuyện về Chunhyang) của đạo diễn Im Kwon-taek đã là bộ phim đầu tiên được đề cử dự thi Liên hoan phim Cannes tại Pháp. Sau đó năm 2001, bộ phim “Khu vực an ninh chung” của Kim Ki-duk đã được chọn dự thi Liên hoan phim quốc tế Berlin và bộ phim “Địa chỉ không biết” cũng của đạo diễn này đã vào được vòng đề cử của Liên hoan phim quốc tế Venice.

Năm 2001 còn đánh dấu sự thành công to lớn của ngành điện ảnh Hàn Quốc trong việc bán vé. Thị phần phim trong nước chiếm hơn 46% nhờ vào một số phim ăn khách như “Những người bạn” đã đạt kỷ lục bán vé, “Cô gái ăn diện của tôi” và  “Đá mặt trăng”. Cũng trong năm này, Hàn Quốc đã cho ra 237 bộ phim với giá trị sản xuất tổng cộng là 11,2 triệu USD.

Tại sao ngành điện ảnh Hàn Quốc lại đạt được những thành công lớn như vậy? Có một số nguyên nhân được nhắc đến, đó là:

Sự gia tăng của nguồn vốn sản xuất đã tạo môi trường thuận lợi cho ngành làm phim phát triển. Trước những năm 80, chi phí sản xuất phim chủ yếu lấy từ nguồn tài trợ hạn hẹp của Chính phủ (Trung tâm sản xuất phim Hàn Quốc), mà nguồn tài trợ này có được là nhờ việc bán các bản quyền phim và băng hình. Tình trạng thiếu vốn là nguyên nhân chính dẫn đến ngành làm phim kém phát triển. Vào thập kỷ 90, có một thay đổi lớn, đó là việc các khối tập đoàn (gọi là chaebol) như Samsung, Dewoo, SK, Huyndai… được cho phép thâm nhập vào thị trường sản xuất phim. Họ khuyến khích làm ra các bộ phim ý tưởng có khả năng trở thành phim ăn khách. Chính họ đã tạo môi trường thuận lợi để các nhà làm phim chuyên nguyệp cho ra đời những bộ phim mới về chủ đề. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, các khối tập đoàn này rút ra khỏi ngành sản xuất phim và thay vào đó là sự ra đời của các công ty đầu tư. Các công ty này cũng mạnh dạn hỗ trợ cho việc phát triển ý tưởng nhằm sản xuất ra những bộ phim ăn khách.

Vấn đề tuổi đời còn rất trẻ của các công ty sản xuất phim, các nhà làm phim và các diễn viên cũng là một thế mạnh của điện ảnh Hàn Quốc. Chính họ đã tạo ra nguồn sinh khí năng động, nhiệt huyết cho ngành làm phim nước này. Kết quả của sự thay đổi trong môi trường đầu tư vào cuối thập kỷ 90 đã tạo ra các nhà sản xuất và các công ty làm phim có tuổi nghề chưa đầy 10 năm. Chính họ đã thổi luồng sinh khí mới vào ngành điện ảnh Hàn Quốc: tạo ra các ý tưởng mới, khám phá ra các chủ đề đa dạng, qua phim thể hiện nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ là nhằm mục đích thúc đẩy nền dân chủ như phim ảnh ở những thập niên 70 và 80. Chính họ đã thu hút người xem đến với phim Hàn Quốc.

Một yếu tố nữa là, sự thành lập mạng lưới phát hành riêng cho phim Hàn Quốc đã giúp cho phim nước này có chỗ đứng trong lòng khán giả. Nếu như trước kia, phim Hàn Quốc bị phim nước ngoài lấn át thì sự phát triển một mạng lưới riêng từ khâu sản xuất đến khâu trình chiếu của phim Hàn  đã giúp cho ngành điện ảnh nước này phát triển. Hệ thống kiểm định điện ảnh đòi hỏi các rạp chiếu bóng quốc gia phải chiếu phim trong nước ít nhất là 146 lần/một năm. Mạng lưới phát hành riêng này đã cho phép các phim trong nước có cơ hội trở thành những bộ phim ăn khách.

Nhưng, liệu điện ảnh Hàn Quốc có khả năng duy trì được những thành công như hiện nay không? Đây là nỗi lo của ngành điện ảnh Hàn Quốc. Xu hướng quốc tế hóa trong thị trường phim ảnh là mối đe dọa đối với việc sản xuất và phân phối phim của Hàn Quốc. Một vấn đề nữa là nguy cơ thiếu tính duy trì bền vững trong ngành sản xuất phim. Do lực lượng sản xuất phim còn quá trẻ, ít kinh nghiệm, lại ham làm thật nhiều phim mới hơn là chú trọng vào nội dung và tính nghệ thuật của phim nên hầu như các đạo diễn hiện nay không thể tiếp tục thành công sau tác phẩm đầu tay của mình. Mặt khác, sự thiếu liên kết giữa thế hệ các đạo diễn trẻ và các đạo diễn phim có kinh nghiệm cũng là một lỗ hổng trong ngành làm phim nước này. Vấn đề cuối cùng nằm ở nội dung phim. Phần lớn phim Hàn Quốc hiện nay đều giới hạn nội dung ở những câu chuyện tình yêu của thanh niên, mà trong đó cốt truyện thiếu tính logic. Phim chưa phản ánh được cuộc sống muôn màu muôn vẻ, chưa hướng đến các đối tượng đa dạng như trẻ em, tầng lớp trung niên hoặc người già. Vậy thì sau một thập kỷ nữa, liệu tầng lớp thanh niên hiện nay có còn xem những bộ phim kiểu này không, đây là một câu hỏi lớn đối với ngành điện ảnh Hàn Quốc.

 

NGÔ HƯƠNG LAN

(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Văn Lung (chủ biên), Tiếp cận văn hóa Hàn Quốc, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002 (sách dịch).

2. Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Lê Đình Chỉnh, Hàn Quốc lịch sử và văn hóa, Nxb.Văn Hóa, 1996.

3. Cục Thông tin Hàn Quốc xuất bản, Hàn Quốc xin chào bạn, Seoul, 1999.

4. Tạp chí “Pictorial KOREA”, The Korean Overseas Information Service, các số tháng 11, 12 năm 2004.

5. Korean Education Development Institute, Korea, the land of morning calm, Seoul, Korea, 2002.

6. Ngô Hương Lan - Hoàng Minh Hằng, Văn hóa - nghệ thuật Hàn Quốc, Hội thảo “Tìm hiểu đất nước và con người Hàn Quốc dành cho giáo viên THCS năm 2004” tại Hà Nội.

 



 

0thảo luận