Trang chủ

LIỆU CÓ LÀN SÓNG ĐẦU TƯ LẦN THỨ HAI CỦA NHẬT BẢN VÀO VIỆT NAM HAY KHÔNG?

Đăng ngày: 14-03-2012, 16:51 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 2

Năm 2006 với Việt Nam là cái mốc đáng ghi nhớ bởi nhiều sự kiện gây được sự chú ý mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và hội nhập. Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài đã đạt được những kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi và trở thành điểm sáng nhất trong năm. Tính đến năm 2006 cả nước có 6813 dự án còn hiệu lực với số vốn 60 tỷ USD, vốn thực hiện 28,6 tỷ USD. Chỉ tính riêng năm 2006 đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục 10,6 tỷ USD vượt trội so với năm 2005 ( 6,5 tỷ USD). Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH& ĐT),  tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong tháng 1 năm 2007, cả nước đã thu hút 350 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là những tín hiệu tốt đẹp và người ta đã không ngần ngại khẳng định rằng: đang có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Điều này hoàn toàn hiện thực bởi : Thứ nhất,  bối cảnh quốc tế và khu vực khá thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác kinh tế giữa các nước. Thứ hai là, Việt Nam đã tạo được thế và lực khá ấn tượng: tăng trưởng kinh tế liên tục đạt  trên 8% trong nhiều năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 80 tỷ USD, tổ chức thành công  hội nghị cấp cao APEC…. Đặc biệt sau nhiều năm đàm phán khó khăn chúng ta đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO (ngày 11 tháng 1 năm 2007). Cùng với việc ngày 22 tháng 12 năm 2006, Tổng thống Mỹ ký duyệt Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với nước ta đã cho thấy vị thế mới của Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế. Thứ ba là tạo lập được môi trường đầu tư hấp dẫn và triển vọng phát triển sáng sủa của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Việc nhiều quốc gia với các công ty hàng đầu tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam đã là minh chứng về điều đó. Ngày 26 tháng 1 năm 2007 bên lề Hội nghị thường niên diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sỹ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại với 50 tổng giám đốc các tập đoàn hàng đầu thế giới (BIG). Không chỉ đánh giá cao những thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà họ còn bày tỏ mong muốn sớm có mặt để đầu tư vào nước ta- một nền kinh tế đang hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai. Vậy là, làn sóng mới đầu tư vào Việt Nam đã trở thành hiện thực và đã được khởi đầu không chỉ bằng những lời cam kết của các tập đoàn kinh tế nổi tiếng thế giới mà chính bằng số dự án và vốn FDI đang tăng lên khá nhanh chóng trong năm 2006 và đầu năm 2007. Vậy, trong trào lưu đó người Nhật có đứng ngoài cuộc hay đây sẽ là cơ hội thuận lợi cho các nhà kinh doanh Nhật Bản. Liệu có làn sóng đầu tư lần thứ hai của Nhật Bản vào Việt Nam hay không? Câu trả lời chắc chắn là có, bởi các lý do sau:

1. Dù người Nhật không phải là những doanh nhân đầu tiên đến làm ăn tại Việt Nam, song cho đến nay họ đã trở thành nhà đầu tư đứng thứ 3 (với số vốn trên 7,845 tỷ USD) sau Đài Loan và Singapo, song nếu xét về vốn thực hiện họ lại ở vị trí số 1. Thực tế đó đã cho thấy cách làm ăn của các nhà kinh doanh xứ Phù Tang đúng với triết lý: “Người Nhật đi sau nhưng bao giờ cũng đến trước”. Thực ra, không chỉ có các nhà đầu tư mà Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã rất tích cực thực hiện  các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư: ngày 14 tháng 11 năm 2003 Hiệp định về tự do xúc tiến và bảo hộ đầu tư đã được ký kết tại Tokyo. Tháng 12/2005, Thủ tướng hai nước đã ký thoả thuận xây dựng sáng kiến chung giai đoạn 2 nhằm tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Nếu như trong giai đoạn 1 hai phía đã giải quyết được 85% trong số các vấn đề đưa ra thì việc thực hiện giai đoạn 2 trong bối cảnh mới là hết sức thuận lợi nhằm tiếp tục tạo môi trường pháp lý, công khai, minh bạch đề cao các nhà đầu tư. Điều này càng được khẳng định khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là vị khách mời chính thức của nội các mới Nhật Bản đến thăm đất nước Hoa Anh Đào vào tháng 10 năm 2006 và Thủ tướng Abe cùng với trên 130 doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn Việt Nam là một trong ba quốc gia ông đi thăm chính thức tháng 11 năm 2006.  Hiện tại hai bên đang thảo luận về Hiệp định đối tác kinh tế song phương nhằm nâng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới, hướng tới xây dựng “ Đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn thịnh ở Châu Á”. Đây sẽ là cơ sở đảm bảo chắc chắn và là cơ hội thuận lợi cho các nhà kinh doanh Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

2. Ngày nay các công ty Nhật Bản không có sự lựa chọn nào khác là phải tham gia cạnh tranh toàn cầu. Vì thế, việc tránh rủi ro là điều được họ cân nhắc khá kỹ càng. Điều này thể hiện rất rõ trong sự thay đổi chiến lược đầu tư của người Nhật trong thời gian gần đây. Các công ty hàng đầu của Nhật Bản tuân thủ chiến lược phân bố đầu tư theo mô hình “Trung Quốc + 1”, tận dụng những nơi khác ở Châu Á nhằm tránh rủi ro, tổn thất. Trong điều kiện đó Việt Nam được các nhà kinh doanh Nhật Bản đánh giá cao và sẽ trở thành điểm đến của họ trong chiến lược dài hạn nhằm tránh tập trung quá cao vào Trung Quốc. Cách nhìn nhận này của người Nhật cũng là cách đánh giá của nhiều tổ chức và quốc gia khác. Hãng Stratlor là Tổ chức nghiên cứu kinh tế tư vấn hàng đầu của Mỹ cho rằng: Việt Nam xứng đáng được xem là quốc gia với những cơ hội đầu tư “ không giới hạn” tương tự như Trung Quốc nhưng có nhiều lợi thế hơn như: khu vực ngân hàng không có nhiêù khoản nợ xấu ( 3-15%) so với Trung Quốc ( 30-50%), Việt Nam không quá lệ thuộc vào sự trồi trụt của kinh tế tài chính khi xuất khẩu chiếm 56% GDP cao hơn so với 37% của Trung Quốc. Hơn thế nữa, môi trường chính trị ổn định đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các  nhà đầu tư . Thực tế các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản như Honda, Toyota, Suzuki, Yamaha, Nikke…đã chọn Việt Nam làm điểm đến trong chiến lược điều chỉnh đầu tư với việc tăng thêm vốn và dự án mới vào Việt Nam.

3. Các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 7 tháng 12 năm 2006 ông Shichi Saito nguyên Phó chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản ( JETRO) đã tái khẳng định điều đó. Những năm gần đây phía Nhật Bản đã đánh giá cao cố gắng cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản ( JBIC) các doanh nghiệp Nhật Bản xếp Việt Nam vào hàng thứ 3 trong số các nước hấp dẫn các nhà đầu tư sau Trung Quốc và Ấn Độ. Rõ ràng, dù vẫn còn không ít lời phàn nàn, song Việt Nam đã tạo được sự tin cậy và đáp ứng được lợi ích của các nhà đầu tư nói chung và Nhật Bản nói riêng. Đây chính là cơ sở quan trọng để tạo nên làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam.

4. Cuối cùng, có lẽ chưa có thời điểm nào quan hệ hai nước Việt Nam-Nhật Bản phát triển tốt đẹp như hiện nay. Việc các nhà lãnh đạo hai nước quyết tâm nâng cao mối quan hệ nhằm trở thành đối tác chiến lược là cơ hội để tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư…Nhật Bản hiện đang xem xét hỗ trợ Việt Nam thực hiện 3 dự án lớn: Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam và dự án Khu công nghệ cao Hoà Lạc…Chính phủ Nhật Bản sẽ nghiên cứu hỗ trợ dự án Hệ thống tàu điện ngầm nội đô thành phố Hồ Chí Minh sử dụng công nghệ kỹ thuật Nhật Bản… Việc thực hiện các dự án khổng lồ trên sẽ tạo nên đòn bẩy cho hoạt động đầu tư của Nhật Bản. Sự khởi động mới là hết sức khả quan khi Nhật Bản là nước có vốn đầu tư lớn nhất trong tháng 1/2007, chiếm 32,8% tổng vốn và dự báo trong năm nay sẽ vào khoảng 700 triệu USD…

Rõ ràng đây là thời điểm hội đủ các điều kiện cho bùng nổ đầu tư nói chung, làn sóng đầu tư lần thứ hai của Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng và chúng ta hy vọng nhận định trên sẽ được thực tế kiểm định trong tương lai gần.

PGS.TS. NGUYỄN DUY DŨNG

0thảo luận