Trang chủ

ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC VÀ PHONG TRÀO NGHĨA THỤC Ở VIỆT NAM

Đăng ngày: 14-03-2012, 16:40 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 2

1. Nguồn gốc của Nghĩa thục và Khánh Ứng Nghĩa thục

Nguyên thủy của từ "nghĩa thục" (Public school) với tất cả hàm nghĩa của nó, vốn tự n­ước Anh và do Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) tạo ra. Ông là một học giả uyên bác của Nhật Bản thời Minh Trị (Meiji), ngư­ời đã sớm tiếp thu tư­ tư­ởng tự do dân chủ tư­ sản phư­ơng Tây, lần đầu tiên lập ra ở Nhật Bản một "gijuku" (nghĩa thục) vào năm 1868, lấy tên là Keio Gijuku (Khánh Ứng Nghĩa thục). "Keio" là để ghi nhớ triều đại trư­ớc chính thể Minh Trị (1865), còn "Gijuku" (nghĩa thục) là cố ý lột tả tinh thần "public school" của ngư­ời Anh. Tinh thần này, theo Fukuzawa, bao gồm bốn tính chất quan trọng, sẽ góp phần làm rạng danh cho ng­ười Nhật, đó là tính tự cư­ờng, ý chí độc lập, óc tháo vát và lòng tự nguyện đóng góp vào các việc công ích công thiện. Trường này, từ chỗ chỉ nhằm dạy các học viên lớn tuổi, rồi các học viên lớn tuổi này lại dạy cho các học viên nhỏ tuổi hơn. Cho đến năm 1874, tr­ường đã có một lớp "tiểu học" và "trung học". Năm 1890, với sự cộng tác của một số giáo sư­ đại học Harvard (Mỹ), trư­ờng mở thêm các lớp "đại học". Năm 1891, trư­ờng mở thêm một số lớp học ban đêm chuyên dạy các môn thư­ơng mại. Và từ 1905, trư­ờng lại mở thêm một phân khoa chuyên về khoa học kinh doanh ngoài bốn phân khoa đã có sẵn: kinh tế, chính trị, luật học và văn chương. Keio Gijuku trở thành một "Đại học tư­ lập" đầu tiên khá hoàn chỉnh ở trên đất Nhật. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ Fukuzawa đứng ra mở đại học tư­ lập đầu tiên này là nhằm "thiết lập một lực lượng đối lập để quân bình hoá khí thế mỗi lúc một mạnh của chính quyền Minh Trị. Tiên sinh quan niệm phải có tiếng nói đối lập, Nhật Bản mới canh tân đư­ợc một cách kiên trì, liên tục" (1). Ý kiến đó có phần xác đáng. Vì rằng, tìm hiểu lịch sử trư­ờng Keio Gijuku và tư­ tư­ởng của ng­ười sáng lập ra trường Keio này, chúng ta thấy rõ nét độc đáo. Công sức của Fukuzawa đóng góp cho sự nghiệp "duy tân" của thời Minh Trị cũng từng ghi nhận sự thật hiển nhiên đó.

2. Các chí sĩ Việt Nam yêu n­ước tìm đến Khánh Ứng Nghĩa thục

Đầu thế kỷ XX, Nhật Bản vừa thắng hai trận lẫy lừng vào những năm 1894 - 1895 và 1904 - 1905. Trận đầu, đối với Trung Quốc, ngư­ời đàn anh "tiền đạo văn minh"da vàng; trận sau, đối với Nga hoàng, một n­ước thuộc thế giới văn minh da trắng. Do vậy mà tên tuổi của xứ sở Phù Tang, ng­ười học trò trẻ tuổi của phư­ơng Tây này nổi lên nh­ư sóng cồn. Chiến thắng của Nhật Bản chứng tỏ lực lượng của một n­ước tư­ bản đế quốc trẻ đang buổi sung sức, khiến cho các liệt c­ường phương Tây phải dè chừng. Còn đối với các dân tộc ở Châu Á lâu nay bị đế quốc da trắng chà đạp và khinh rẻ, thì ngư­ời ta h­ướng về Nhật Bản, coi đó là "ngư­ời anh cả", vị cứu tinh của các dân tộc da vàng, sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của đế quốc da trắng.

Ở Việt Nam, hồi đầu thế kỷ XX, đã phổ biến nhiều bài ca yêu nước, tuyên truyền về một nước Nhật Bản văn minh tiến bộ. Nhật Bản, đất nước của Mặt Trời mọc, quả đã mở ra trong đầu óc các sĩ phu yêu nước tiến bộ một thế giới lạ, đầy sức hấp dẫn và thuyết phục. Phan Bội Châu, từ năm 1905 đã tổ chức và lãnh đạo Phong trào Đông Du cầu học khá sôi nổi. Năm 1906, Phan Chu Trinh cũng tìm đường sang Nhật để được chứng kiến tận mắt bài học Âu hoá mà đông đảo các chí sĩ khác của Châu Á cũng đến đây để chiêm ngưỡng tại chỗ bài học duy tân của Nhật Bản. Chính tại đây, các chí sĩ Việt Nam mới có dịp nhận thức Phi, Âu... cũng là xứ thuộc địa nhưng họ đã sớm tìm đến văn minh phương Tây, đã biết mở những trường học kiểu mới, kiểu phương Tây như Khánh Ứng Nghĩa thục (Keio Gijuku). Và thế là các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh rủ nhau đi "thăm các học đường và khảo sát những công việc chính trị giáo dục của Nhật Bản" (2). Các học đường mà các cụ tham quan, chắc chắn là có Keio Gijuku. Vì sau này, Phan Bội Châu còn khá nhiều lần nhắc lại việc "noi gương chí sĩ Nhật là Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa) đã mở Khánh Ứng Nghĩa Thục (Keio Gijulu)".

Như vậy là vào khoảng 1906, khi hai nhà chí sĩ Việt Nam là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh tham quan Keio Gijuku tại Tokyo, chắc chắn các cụ đều nhận thấy nó đã là một cơ sở giáo dục vững chãi, độc đáo. Về hàng dọc, ở đây bao gồm cả ba cấp tiểu, trung và đại học; và về hàng ngang, phát triển theo chiều hướng một học viện đa khoa.

Trên cơ sở những hiểu biết về một trường học đào tạo nhân tài xây dựng đất nước kiểu Keio ấy, các vị sĩ phu nho học Việt Nam yêu nước đã mô phỏng theo Keio Gijuku và quyết định sẽ thành lập ở Hà Nội "nghĩa thục" lấy tên là Đông Kinh Nghĩa Thục (Đông Kinh Free School)(3). Rồi từ cái Nghĩa Thục này, đã phát triển thành một "Phong trào" Nghĩa thục hoạt động ở nhiều địa điểm của đất nước Việt Nam, từ năm 1907 trở đi.

3. Đông Kinh Nghĩa thục

Tháng 3 năm 1907, các sĩ phu yêu nước có cùng chí hướng với Phan Bội Châu như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành v.v... bắt đầu mở trường Đông Kinh Nghĩa thục, đặt trụ sở tại số 4 và số 10 phố Hàng Đào - Hà Nội. Kế hoạch thành lập Đông Kinh Nghĩa thục đã từng được bàn bạc kỹ giữa các cụ với Phan Bội Châu và các bạn đồng chí trong hai chuyến từ Nhật Bản về nước năm 1905 và 1906.

Mục đích  của Đông Kinh Nghĩa thục được vạch rõ là: khai trí cho dân, mở những lớp dạy học không lấy tiền học phí. Qua các tài liệu tuyên truyền cổ động, và qua những hoạt động cụ thể của trường, là dùng hình thức hoạt động công khai hợp pháp của trường học, diễn thuyết, bình văn, báo chí... để: 1. Bồi dưỡng và nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ cho quần  chúng. 2.  Truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một số nếp sống văn minh tiến bộ. 3. Phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ cho phong trào Đông du của Phan Bội Châu, cũng như phong trào Duy tân đang phát triển trong cả nước.

Trường đặt dưới quyền điều khiển của Lương Văn Can (Thục trưởng) và Nguyễn Quyền (Giám học). Để tránh sự nhòm ngó của mật thám Pháp, trường mới thêm Nguyễn Văn Vĩnh, một người được Pháp tin cậy vào ban sáng lập. Trường có một trụ sở chính làm nơi thường trực và chỗ ở cho một số học sinh quá nghèo. Lớp học là các đình, chùa hoặc nhà rộng mượn của tư nhân.

Trường được tổ chức thành bốn ban công tác có quan hệ mật thiết với nhau để duy trì sự hoạt động đều đặn và đạt kết quả tốt.

1. Ban Giáo dục, lo việc giảng dạy, học tập và chiêu sinh. Tham gia ban nay có các ông Nguyễn Quyền, Vũ Trắc, Hoàng Tích Phụng, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Lương Trúc Đàm, Đào Nguyên Phó dạy chữ Hán; Trần Hữu Đức, Phan Huy Thịnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Bùi Đình Tá, Phan Đình Đối và hai nữ giáo viên dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Ngoài ra, còn một số người không trực tiếp giảng dạy ở trường, thỉnh thoảng gửi bài về công tác. Lúc đầu, giáo viên dạy giúp không lấy tiền, về sau quỹ nhà trường dồi dào hơn, mỗi giáo viên được trả mỗi tháng 4 đồng. (Lúc ấy giá 1 tạ gạo khoảng 2,50đ).

Học sinh của trường có lúc lên tới 2.000 người, chia làm 8 lớp, có lớp ban ngày, lớp ban đêm, phân làm hai cấp tiểu học và trung học(4). Học sinh được cấp giấy bút, sách vở. Những người quá nghèo được ăn ngay trong "Ký túc xá" của trường.

Các môn học chính là sử, địa, cách trí, vệ sinh, toán pháp, luân lý. Về các môn học tự nhiên, trường dùng sách giáo khoa của các Trường tiểu học Pháp, do đó học sinh chỉ biết những kiến thức rất sơ đẳng. Riêng các môn học về xã hội như sử, địa, luân lý v.v... thì nhà trường tự soạn lấy. Về Hán học, lối văn khoa sử xưa bỏ hẳn: Tứ thư, Ngũ Kinh còn được giảng nhưng theo một tinh thần mới; thân thư Trung Quốc, nhất là sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu được dùng làm tài liệu giáo khoa. Sách do nhà trường soạn có các quyển Nam quốc vĩ nhân, Nam quốc giai sự, Nam quốc lịch sử, Luân lý giáo khoa thư, Quốc dân độc bản... đều viết bằng chữ Hán. Cũng có nhiều bài học được soạn bằng chứ Nôm và chữ Quốc ngữ theo vẫn thơ lục bát để học sinh dễ nhớ, như Bài ca địa dư và lịch sử nước nhà. Nội dung  của các sách, bài rất chú trọng  đề cao truyền thống dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc, qua đó, bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho học sinh. Trong bài tựa cuốn Nam quốc địa dư có doạn viết: "Khiến cho cái xứ sở đất nước mà bốn nghìn năm nay cha ông chúng ta đã chân lấm tay bùn xây dựng ra, đến đời chúng ta, thế là máu sắc của bức địa đồ đã đổi hẳn rồi. Hỡi ơi! Thương thay! Quốc dân ta còn có ai, còn chút huyết tính nữa hay không?"(5). Đây là đoạn kết bài tựa cuốn Nam quốc vĩ nhân truyện: "... Rồi đây khí thiêng non nước hun đúc nên người giữa thời buổi gió Âu mưa Mỹ này, biết đâu sẽ có kẻ vì Tổ quốc mà quét mù vén mây, khai thác hắn cho nước nhà một bầu trời quang đãng lẫy lừng..."(6) . Ngoài ra, trường còn mở thư viện có nhiều sách "tân thư" nhập từ Trung Quốc để phục vụ học viên và độc giả ở ngoài mượn về đọc. Một hòm thư đặt tên "đầu thư hàm" thu thập những ý kiến phê bình xây dựng cho nhà trường.

2. Ban Cổ động, có nhiệm vụ tuyên truyền ảnh hưởng của trường ra ngoài quần chúng. Hình thức hoạt động chủ yếu của ban là các buổi diễn thuyết và bình văn được tổ chức nhiều lần trong tháng, thường là vào các buổi tối ngày mồng một và ngày rằm. Các buổi này rất được quần chúng ưa thích. Một bài văn lúc ấy đã tả:

Buổi diễn thuyết, người đông như hội,

Kỳ bình văn, khách đến như mưa

Thành phần đến dự có quan lại, binh lính, viên chức và một số nông dân ngoại thành Hà Nội.

Trong các buổi diễn thuyết, diễn giả hoặc đọc và bình luận các bài in trên Đăng cổ tùng báoĐại Việt tân báo, cơ quan ngôn luận của trường, hoặc nói chuyện về một số đề tài lịch sử, thời sự. Qua các đề tài lịch sử, diễn giả gợi lại quá khứ oanh liệt của dân tộc, ca ngợi các nhân vật lịch sử có công với nước, như Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v... Cũng có khi nói về lịch sử thế giới; đề tài phổ biến là Cách mạng 1789 Pháp, cuộc đấu tranh giành độc lập của Mỹ, sự nghiệp của Washington. Khi nói về Cách mạng Pháp, diễn giả thường liên hệ so sánh tình hình xã hội Việt Nam lúc bấy giờ với xã hội Pháp trước cách mạng. Trong nhiều buổi diễn thuyết, Nguyễn Quyền hay động viên thính giả bằng câu: "Người An Nam mình đang chìm  đắm trong cảnh nô lệ. Nông dân, binh lính, ký lục, cu li tất cả đều phải hợp quần, chung sức để giành lại độc lập bằng con đường tự do, bình đẳng theo gương Nhật Bản, để trở nên ngang hàng với các dân tộc mạnh giàu khác"(7) Các diễn giả cũng thường xuyên nói về đề tài xây dựng nếp sống văn minh, hô hào mọi người bài trừ hủ tục (mê tín dị đoạn, rượu chè, ma chay, khao vọng v.v...), dùng hàng nội hoá, cắt tóc ngắn, mặc quần áo ngắn.

Những diễn giả nổi tiếng thời đó là Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Lương Trúc Đàm, Trần Tán Bình... Phan Châu Trinh cũng thỉnh thoảng đến diễn thuyết ở Đông Kinh Nghĩa thục. Trong các buổi bình văn, các cổ động viên giới thiệu với nguời nghe những bài văn thơ ái quốc và hô hào duy tân do nhà trường sáng tác hoặc của Phan Bội Châu từ Nhật Bản gửi về. Nhiều bài được nhân dân ưa thích và truyền đi rộng rãi như Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu... Trong một bản Báo cáo của Toàn quyền Klobukowsky đọc trong khoá họp thường niên ngày 27-11-1909 tại Nghị viện Pháp, có đoạn viết: "Hàng loạt thơ ca truyền miệng đã đưa vào tới vùng thôn quê hẻo lánh những câu chuyện về các chiến dịch vừa xẩy ra trên lục địa, mặt biển. Có những lời bàn tán được truyền bá khắp nơi. Có những áng văn thơ đả kích từ nước ngoài bí mật gửi về được đem rải khắp trong các đô thị, một phân số quan trọng trong dân chúng An Nam do đó mà học được dần dần cái ý niệm là sức mạnh của bọn người Âu bề ngoài hùng hổ nhưng sự thực chả có gì, rồi đây sẽ vấp phải sự kháng cự của Châu Á”.

3. Ban Trước tác, chuyên lo việc biên soạn tài liệu học tập cho học sinh và tài liệu tuyên truyền. Tham gia ban ngày có các ông Lê Đại, Lương Văn Can, Nguyễn Hữu Cầu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế. Nhà trường đã soạn và in được một số sách giáo khoa và tài liệu tuyên truyền như Quốc dân độc bản, Nam quốc giai sự, Nam quốc địa dư, Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, v.v... Hình thức trình bày của các sách biên soạn đượm màu sắc dân tộc và rất gợi cảm. Các sách chữ Hán in trên giấy tốt, đóng bìa cậy. Mở đầu tập sách là một bức tranh màu son và một thanh niên Việt Nam nét mặt tươi vui, tin tưởng, bàn tay đỡ một quả địa cầu. Một số tài liệu khác, trong đó có Bài ca về địa dư và lịch sử nước nhà soạn bằng chữ Quốc ngữ, do không có máy in phải in bằng thạch.

Trong các sách do Đông Kinh Nghĩa thục soạn, cuốn Quốc dân độc bản (sách cho người trong nước đọc) được in lại nhiều lần tới hàng vạn bản mà vẫn không đủ thoả mãn nhu cầu. Sách nhằm bồi dưỡng cho nhân dân cả nước những kiến thức cơ bản "về xã hội, quốc dân, nghĩa vụ hợp quần, ái quốc..." những định nghĩa về chính thể, quan chế, trường học, quân chính, thuế khoa, pháp luật, giao thông, cảnh sát, dân chính, hộ luật, tôn giáo v.v..."(8). Còn có một tập sách có tựa đề Quốc văn tạp đọc, gồm 18 bài thơ và (văn vần) như: Khuyên học chữ quốc ngữ, Bài ca yêu nước, Khuyên người tuổi trẻ, Khuyên ngươi đi du học, Răn người nghiện rượu v.v... Đó là một tài liệu giáo khoa cơ bản, một cuốn sách "vỡ lòng" cho học viên tập đọc. Ban Trước tác, tu thư này còn thông qua Ban Giám học, nhờ các nơi mua về những tác phẩm xuất bản ở Trung Quốc và Nhật Bản như Trung Quốc hồn, Vạn quốc sử ký, Doanh hoàn chí lược, Nhật Bản tam thập niên duy tên sử, v.v... để làm tài liệu tham khảo, biên soạn, nghiên cứu,  giảng dạy.

4. Ban Tài chính, lo về các khoản thu chi của nhà trường. Lúc mới lập quỹ nhà trường hầu như không có, sau nhờ sự giúp đỡ của những người hảo tâm, có cảm tình với Đông Kinh Nghĩa thục, nhờ tài tổ chức và tuyên truyền cổ động của các sáng lập viên, khiến cho tài chính của trường này một thêm dồi dào. Chỗ dựa tài chính chủ yếu vẫn là các hội viên, và sau này là gia đình các học viên thường ủng hộ mỗi tháng 5 đồng. Ngoài ra còn có các khoản lạc trợ của những người có tinh thần yêu nước, ủng hộ tuỳ theo khả năng. Theo lời cụ Lê Đại có lúc nhà trường đứng ra thu tiền ủng hộ không xuể. Chắc đó là lúc  nhà trường ảnh hưởng lớn của Nghĩa thục lớn nhất, gây được thiện cảm đối với quần chúng nhiều nhất. Những người ủng hộ đều được ghi tên trên một tấm bảng treo ở Hội quán, chẳng bao lâu sau, tên người đã ghi kín cả một tấm bảng lớn. Số tiền thu được trích một phần trả lương cho giáo viên, số còn lại dùng để mua giấy bút - in ấn sách báo tài liệu để phát không cho học sinh và  để chi tiêu cho những công việc khác của nhà trường. Việc cấp phát chi tiêu là do Lương Văn Can phụ trách, còn sổ sách, ghi chép thu nhập thì do Nguyễn Quyền cất giữ.

Với hình thức tổ chức như vậy, Đông Kinh Nghĩa thục đã đẩy mạnh hoạt động  của mình trên khắp các lĩnh vực giáo dục, tư tưởng, văn hoá và xã hội, đã gây được ảnh hưởng to lớn, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào dân tộc chủ của của nước ta đầu thế kỷ XX.

Ngoài những hoạt động trên, Đông Kinh Nghĩa thục còn có những hoạt động nhằm chấn hưng kinh tế, phát triển công thương nghiệp, để phối hợp với phong trào Đông du và các phong trào dân tộc dân chủ khác nữa.

Bấy giờ, Phong trào cắt tóc vốn xuất phát từ miền Trung cũng đã ra tận Hà Thành. Đông Kinh Nghĩa thục cũng nhiệt tình hưởng ứng. "Người thì nhờ bạn bè, người thì tự cầm dao cứa đại cái búi tóc. Có người không muốn, nhưng bị thân hữu cưỡng bách rồi cũng chịu"(9)

Khoa cử theo lối cũ cũng bị bài xích. Dương Bá Trạc, Lương Trúc Đàm, Đỗ Chân Thiết đã bàn bạc với các sĩ phu trong Đông Kinh Nghĩa thục, rồi gửi đơn lên Phủ Thống sứ yêu cầu bài bỏ khoa cử và thi hành một chương trình thực học.

Việc chân hưng nông công thương nghiệp cũng được chú ý. Đỗ Chân Thiết, con một nhà gia thế ở Thịnh Hào có một hiệu kim hoàn ở phố Hàng Bạc. Để góp phân duy tân đất nước, phát triển kinh tế, nhất là để có tiền ủng hộ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu ông  đã cùng với Phương Sơn mua gạo từ Hải Dương, Thái Bình chở về Hà Nội bán. Nhưng vì chưa quen việc buôn bán, nên chẳng bao lâu lại phải bỏ vì thua lỗ.

Sau đó, Đỗ Chân Thiết lại hùn vốn với các đồng chí mở hiệu Đồng Lợi Tế ở phố Mã Mây chuyên buôn bán hàng nội hoá. Rồi lại mở thêm hiệu Tụỵ Phương ở gần ga Hàng Cỏ chuyên bán thuốc Bắc.

Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Quyền mở Công ty Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai vừa buôn bán hàng tạp hoá, vừa làm công nghệ như dệt xuyến hoa đại đoá, ướp trà sen chất lượng không kém gì hàng nước ngoài.

Từ năm 1907 - 1908 trở đi, do sự thúc đẩy của Đông Kinh Nghĩa thục, nên ở Hà Nội còn ra đời các Công ty: Quảng Hưng Long buôn bán nội hoá, Hồng Tân Hưng buôn bán và sản xuất đồ sơn, Nghiêm Xuân Quảng buôn bán the lụa Thái Bình, Đồng Ích dệt và xuất khẩu lụa v.v...

Mặt khác, đối với hoạt động của Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo, thì các vị sáng lập Đông Kinh Nghĩa thục như Nguyễn Quyền, Dương Bá Trực, Hoàng Tăng Bí... cũng hết sức tán trợ, tích cực vận động và lựa chọn thanh niên đi du học. Lương Văn Can, Thục trưởng Đông Kinh Nghĩa thục đã gửi 2 con là Lương Lập Nham và Lương Nghị Khanh sang Nhật. Còn Vũ Hoàng thì "cứ ba hay bốn ngày một lần, lại tập hợp tại nhà riêng của mình một số người ghét Pháp để học những tài liệu kêu gọi chống Pháp từ nước ngoài gửi về, vận động họ hưởng ứng cuộc bạo động"(10). Lê Đại dịch Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu ra quốc ngữ. Ông cũng thường tiếp binh lính người Việt đang đóng ở trong thành cũ Hà Nội để bàn bạc chuẩn bị cuộc đầu độc lính Pháp, sau nổ ra vào tháng 6-1908. Những cơ sở của Đông Kinh Nghĩa thục ở Hà Nội cũng là nơi trú chân của các hội viên Hội Huy Tân ở ngoài về công tác. Tôn Dật Tiên, lãnh tụ của Đảng Cách mạng Trung Hoa có lần sang Việt Nam cũng trú tại Đông Kinh Nghĩa thục và nhờ các người lãnh đạo nhà trường làm trung gian để xin Hoàng Hoa Thám nuôi giúp một số quân cách mạng Trung Quốc.

Đông Kinh Nghĩa thục đóng trụ sở ở Hà Nội, vị trí trung tâm chính trị - văn hoá của cả nước, nên mau chóng phát huy ảnh hưởng khắp các tỉnh xa gần, ngay cả sau khi nó không còn tồn tại trong thực tế ở phố Hàng Đào nữa.

Đông Kinh Nghĩa Thục tuy hoạt động khá sôi nổi trên địa hạt văn hoá - xã hội, nhưng nó không nhằm giải phóng dân tộc về mặt văn hoá - xã hội, mà trước hết là bao trùm là, yêu cầu giải phóng về mặt chính trị và tư tưởng dân chủ, nét đặc sắc của thời đại cách mạng tư sản dân quyền. Quá trình hoạt động của nó đã nói lên đầy đủ mặt bản chất đó. Vì vậy, thực dân Pháp đã nhanh chóng tìm cách đàn áp, dập tắt và đến tháng 11-1907 thì ra lệnh đóng cửa nhà trường, tịch thu hết sách vở, tài liệu, đồ dùng của nhà trường, sau hơn 9 tháng của cuộc đời ngắn ngủi của nó.

4. Phong trào "Nghĩa thục" ở các tỉnh

Khi mới thành lập được Đông Kinh Nghĩa thục ở Hà Nội, vị Giám học Nguyễn Quyền đã nói: "Chúng tôi lập Đông Kinh Nghĩa thục ở Hà Nội là cốt thử nghiệm. Nếu thấy thành hiệu thì trong ít lâu, ở mỗi kỳ: Trung, Nam, Bắc sẽ có một đại học đường như thế, rồi tính lần lần về sau mỗi tỉnh, mỗi phủ, huyện cũng có một Đông Kinh Nghĩa thục(*) nữa"(11).

Thực ra thì không cần phải đợi đến lúc đã "thành hiệu" rồi, thì Đông Kinh Nghĩa thục mới phát triển ra các tỉnh và các phủ huyện, mà ngay trong thời gian còn "thử nghiệm" nay,  Đông Kinh Nghĩa thục đã phát huy tác dụng khá tích cực mà khá rộng khắp trên các địa bản, trước hết là ở vùng phụ cận Hà Nội. Nhà trường đã cử nhiều hội viên của mình đi diễn thuyết tại nhiều địa điểm khác nhau ở ngoại thành Hà Nội về nhiều đề tài có tính chất thời sự, cải cách xã hội...

Ở Hà Đông, quê hương của nhiều sáng lập viên Đông Kinh Nghĩa thục có tên tuổi: Vũ Trác, Hoàng Tăng Bí đã nhiều lần về diễn thuyết bình văn ở đây. Phan Châu Trinh cũng có lần về Hà Đông diễn thuyết. Sư ông Như Tùng ở chùa Cao (Sài Sơn, Sơn Tây) là một cổ động viên rất đắc lực của Nghĩa thục, vì giọng bình văn lên bổng xuống trầm của ông rất có sức thuyết phục người nghe. Nơi diễn thuyết đầu tiên là làng Phương Canh (Hoài Đức), sau đó là các xã Tân Tựu, Hạ Hồi, Thượng Cát, Yên Lộ, Tây Mỗ (cũng thuộc Hoài Đức), Đan Hội (Đan Phượng), Phú Điền (Ứng Hoà), Nhị Khê (Thường Tín).

Trong các buổi bình văn, các cổ động viên giới thiệu với người nghe những tác phẩm thơ văn yêu nước và hô hào duy tân do nhà trường sáng tác hoặc của Phan Bội Châu gửi về, hoặc của Nguyễn Thượng Hiền nhằm hưởng ứng Đông Kinh Nghĩa thục. Nhiều bài được nhân dân ưa thích và truyền đi rộng rãi. Uy tín của Đông Kinh Nghĩa thục trước ngày bị giải tán quá là vượt xa các trường học của chính quyền thực dân Pháp. Tại Hà Nội và những vùng phụ cận, chỉ nghe tên "Thục là người ta hiểu ngay đó là Đông Kinh Nghĩa thục. Nhiều nơi đã nhộn nhịp mô phỏng để thành lập nhiều phân hiệu “Thục" quy mô nhỏ hơn. Ngay trong 1907, ở Hà Đông đã thành lập được ba phân hiệu "Nghĩa thục".

- Phân hiệu ở Thôn Canh (Hoài Đức) là Nghĩa Thục đầu tiên do các ông Đỗ Thuật, Nguyễn Xuân Vũ và Nguyễn Đình Tuyên đứng ra tổ chức, vận động nhân dân quyên góp tiền mua sách báo và đóng góp bàn ghế học tập. Hàng tháng giảng bài hai lần vào ngày mồng một và ngày rằm âm lịch. Dựa theo các tờ Đại Việt tân báo Đăng cổ từng báo. Giảng bài thường kết hợp với việc tuyên truyền bài trừ ngôi thứ, tệ xôi thịt "hương ẩm", tệ mê tín dị đoan, hô hào phát triển công nghệ v.v...

- Phân hiệu ở Tây Mỗ (Hoài Đức) do Nguyễn Hữu Toán, Tú Kình, Đỗ Đàm, Đỗ Lợi, Bá Quýnh, Nguyễn Hữu Đạm, Nguyễn Văn Khuyên đứng ra tổ chức. Bên cạnh việc giảng bài một tháng hai lần, còn tổ chức các hội hiếu và các tổ đọc báo. Các hội hiếu chủ trương cải cách ma chay như: ai có cha mẹ chết thì giúp nhau chôn cất, không dùng xôi thịt, vàng mã, khi chôn không tế lễ mà chỉ đọc điếu văn. Ở phân hiệu này đã vận động mọi người bỏ tết "mồng ba tháng ba" (tết trôi chay, tưởng niệm Giới Tử Thôi là tục lệ của người Trung Quốc) mà ăn tết ngày 10  tháng 3 là ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

- Phân viện ở Tân Hội (Đan Phượng) do Nguyễn Văn Hoán tổ chức. Những ngày giảng bài hàng tháng nhân dân vùng lân cận đến nghe rất đông. Nhiều người nhiệt tình đã góp mỗi người 5 đồng để chi phí cho việc cử người xuất dương du học theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Nhờ có tiền, trường đã cử hai người là Nguyễn Văn Phú là Hạ Hồi và Nguyễn Khắc Niệm ở Phú Diễn đi du học ở Nhật Bản.

Ở Bắc Ninh, tại Gia lâm có địa điểm mở lớp học kiểu Đông Kinh Nghĩa thục. Riêng làng Đình Xuyên, quê hương của Nguyễn Cảnh Lâm (1), trong số thầy giáo của Đông Kinh Nghĩa thục và là tác giả "tập kiều" nham đề Để cảnh tỉnh bọn nịnh thần(12) , cũng tổ chức được một "phân hiệu" Nghĩa thục, có sinh hoạt giống như các phân hiệu khác.

Ở Hưng Yên, song song với việc mở "Nghĩa thục", có cụ Tùng Sơn là anh ruột cụ Phương Sơn, hội viên của Đông Kinh Nghĩa thục đã về đây mở một hiệu buôn hàng nội hoá lấy tên là Hưng Lợi Tế.

Ở Hải Dương, do tiếp thu được tư tưởng duy tân của Đông Kinh Nghĩa thục nhiều nhà nho yêu nước đã đứng lên tuyên truyền cổ động cho chủ trương canh tân đất nước. Tại làng Tạ Xá huyện Nam Sách đã hình thành được một "hội" đọc báo, bình văn thơ yêu nước của Đông Kinh Nghĩa thục, tiến hành hoạt động khá đều đặn, đứng đầu là các cụ Trần Văn Thân, Mạc Văn Diệm, Lê Bích Đào, Trần Văn Trung và qua các cụ, những tư tưởng yêu nước thâm nhập vào quần chúng nhân dân. Cho đến nay, sau ngót 100 năm rồi mà ở đây các cụ còn nhớ được khá nhiều bài thơ Đông Kinh Nghĩa thục, đặc biệt có bài hình như chỉ được phổ biến ở nơi đây mà thôi, như:

"... Trông cố quốc lòng đau khôn xiết,

Bốn mươi năm nước Việt lầm than.

Thương ôi! nước mất nhà tan.

Dưới sông máu chảy, trên ngàn xương phơi.

Thân nô lệ làm tôi tớ Pháp...

Thương ôi ! một cõi giang san.

Người nhiều đất rộng, kho tàng sạch không.

Đồng bào hỡi! liệu thời đứng dậy!..."

Ở Thái Bình, phong trào "Nghĩa thục"  cũng phát triển khá mạnh. Một tài liệu của thực dân Pháp có ghi lại thực tế ấy như sau: "... Có một số nhà nho đầy tham vọng... đã lao vào hành động một cách tham hiểm chống lại chính phủ bảo hộ, nhiều hội kín được thành lập khắp nơi tại Bắc Kỳ. Cuộc chiến tranh Nga - Nhật đem lại chiến thắng cho người Nhật năm 1905 đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong thế giới da vàng và thúc đẩy nhiều nhà nho Thái Bình xuất dương theo gương Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, chủ yếu họ qua Tàu và Nhật để tìm (theo lời họ) sự giúp đỡ và các phương tiện để giải phóng nước An Nam khỏi ách của người Pháp. Hội Đông Kinh Nghĩa thục... cũng có rất nhiều hội viên trong tỉnh"(13). Đúng như vậy, Đông Kinh Nghĩa thục sớm được phát huy trên một địa bàn tương đối rộng. Ở các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ đều có "Nghĩa thục" hoạt động. Các nhà nho yêu nước ở Thái Bình như Nguyễn Hữu Cương, Lý Thoa, Lý Bội, Đặng Xuân Ngãi v.v... đã vận động được nhiều nhóm thân sĩ đứng ra mở các trường dạy chữ quốc ngữ cho thanh thiếu niên ở các độ tuổi khác nhau. Nội dung giảng dạy, học tập cũng giống như của trường Nghĩa thục ở Hà Nội. Đồng thời, cũng hô hào bài trừ hủ tục, tệ nạn hương ẩm v.v... Các nhà nho này cũng tổ chức ra các cơ sở kinh doanh công thương nghiệp, lấy tiền xây dựng phong trào và ủng hộ cho những người xuất dương du học.

Tại xã An Dục huyện Quỳnh Phụ, phong trào phát triển đến mức những người đứng đầu đã lập ra một bản "hương ước" mới gồm 24 điều cải lương hương tục đem khắc vào bia đá để ở đình làng, đến nay vẫn còn. Ở nhiều địa phương khác trong tỉnh còn tổ chức ra nhiều hội ái hữu, tương tế như: hội dệt vải, hội hiếu, hội hỷ v.v... Hội "Nghĩa thục" của Thái Bình cũng từng cử người đi liên hệ với phong trào chống Pháp của Hoàng Hoa Thám và cam kết ứng viện cho nghĩa quân Yên Thế...

Ở các tỉnh trung du và miền núi như Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái... ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa thục không được phát huy nhiều về mặt văn hoá giáo dục, mà có phần nặng nề khía cạnh "chấn hưng công thương nghiệp". Cụ Tùng Sơn mở hiệu buôn Phúc Lợi Tế ở Phú Yên. Cụ Nguyễn Trác mở hiệu buôn Sơn Thọ ở Việt Trì (Phú Thọ) để buôn bán các đồ nội hoá như quạt lông, hàng mây tre của làng Đại Đồng (Sơn Tây), khay trúc của Nghệ An, giày Kinh, lãnh Bưởi, lãnh Sài Gòn v.v...

Phong trào "Nghĩa thục" lan rộng vào cả các tỉnh ở Trung Kỳ và Nam Kỳ. Nhưng một khi nội dung tư tưởng dân tộc dân chủ các biện pháp nhằm "hoá dân cường quốc" (khai hoá cho dân, làm mạnh giàu cho nước) của nó đến với miền Trung, thì lập tức nó hoà nhập làm một với phong trào duy tân ở đây, vốn được phát động từ những năm 1903 - 1904 và đỉnh cao của sự phát triển của nó, cũng đứng vào những năm 1907 - 1908. Phong trào "duy tân" ở miền Trung và miền Nam do tiếp thu ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa thục mà mở rộng thêm kinh doanh công thương nghiệp như phát triển Công ty Phương Lâu ở Thanh Hoá, lập ra Triêu Dương thương quán ở Vinh, lập ra Quảng Nam Công ty, Liên Thành Công ty. Hoạt động bên cạnh các "Công ty" này là các Hội, Đoàn yêu nước: hội học, hội nông, hội ái hữu v.v... Đặc biệt về mặt xã hội, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã tổ chức được mấy trung tâm theo hình thức "Nghĩa thục" khá bề thế:

- Trường Võ Liệt ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) thu hút nhiều thanh thiếu niên ưu tú ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên... đến học tập với các ông thầy yêu nước có ít nhiều kiến thức "dân tộc" như Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, Tiến sĩ Ngô Đức Kế v.v... Tài liệu giảng dạy học tập ở đây phần lớn do Đông Kinh Nghĩa thục Hà Nội cung cấp. Một số sách giáo khoa như Quốc dân độc bản, Nam quốc địa dư... sau này sưu tầm được chính là ở cái "lò đào tạo" này.

- Trường Dục Thanh ở Phan Thiết cũng là một trung tâm giáo dục theo "mô thức" Đông Kinh Nghĩa thục. Tổ chức điều hành việc học tập giảng dạy cho thanh thiếu niên ở trường này, từ năm 1907 đã có quy củ. Các môn học và chương trình học của học sinh gần giống như của trường "tân học" của các trường Tiểu học tại xứ Nam Kỳ thuộc địa lúc đó, nhưng về giáo dục tinh thần yêu nước được truyền bá ở đây thì các trường "tân học" kia không thể có được. Trường Dục Thanh tồn tại mãi cho đến năm 1913, và khoảng năm 1910 ở đây có thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) từng tham gia giảng dạy.

Còn ở Nam Kỳ, ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa thục không lấy gì làm sâu rộng. Và phong trào "Nghĩa thục" mang tư tưởng dân tộc - dân chủ của nó cũng vậy. Miền đất này đã sớm được "bình định". Nó cũng đang có một phong trào duy tân của Nam Kỳ mà thủ lĩnh là nhà yêu nước Nguyễn An Khương. Họ hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa thục bằng một số bài báo đăng trên tờ Nông cổ mín đàm v.v... Các khách sạn, các Công ty như Chiêu Nam Lầu của Nguyễn An Khương ở Chợ Lớn, Khách sạn Minh Tân ở Long Xuyên, hiệu thuốc bắc Tư Bình Đường ở Bến Tre v.v...  đều có thể như là những cơ sở, những "hộp thư" liên lạc của các nhân sĩ trí thức yêu nước Nam Kỳ hưởng ứng phong trào Đông Du và phong trào Đông Kinh Nghĩa thục.

5. Ý nghĩa lịch sử  của phong trào Đông Kinh Nghĩa thục

Từ sau khi phong trào Cần vương thất bại cho đến những năm đầu thế kỷ XX, nhìn chung, những hoạt động vũ trang chống Pháp tạm thời có lắng xuống. Một phong trào yêu nước chống Pháp với những biểu hiện về hình thức khác nhau được phát động rầm rộ vào những năm đầu thế kỷ, phong trào duy tân ở Trung và Nam Kỳ 1903 - 1908; phong trào của Duy tên hội - Đông du của Phan Bội Châu 1904 - 1909 và phong trào Đông Kinh Nghĩa thục từ 1907 - 1913, nhưng về tính chất, về xu hướng tư tưởng gàn như thống nhất với nhau: hướng theo lệ tư tưởng tư sản, làm cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước theo hướng tư bản chủ nghĩa. Trong giai đoạn lịch sử có "tính chất quá độ" này, các phong trào yêu nước tuy mang nhiều màu, nhiều vẻ khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau trong mục đích chung "giành độc lập dân tộc" và "hạnh phúc, tiến bộ" cho nhân dân, dù là xu hướng lao động cách mạng của Phan Bội Châu hay (cải lương) ôn hoà của Phan Châu Trinh và cả của Đông Kinh Nghĩa thục nữa cũng không ra ngoài mục đích tối thượng đó.

Đông Kinh Nghĩa thục với thời gian hoạt động tuy ngắn ngủi vẫn cho ta thấy rõ tính chất phong phú, đa dạng của cuộc vận động chính trị của buổi giao thời, chuyển tiếp giữa hai phạm trù cách mạng cũ và mới. Tuy mang tính chất ấu trĩ, ngỡ ngàng trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, Đông Kinh Nghĩa thục cũng đã chứa đựng những sinh khí của thời đại mới. Những hoạt động mở đầu cho phong trào dân chủ tư sản của Đông Kinh Nghĩa thục sau này sẽ được phát triển mạnh mẽ trong các cuộc vận động chính trị của thập kỷ tiếp theo. Những tư tưởng dân chủ tư sản này về sau đã được giải cấp tiểu tư sản cách mạng và giai cấp vô sản Việt Nam kế thừa, phê phán khi nó phải làm nhiệm vụ lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền thay cho giai cấp tư sản dân tộc vốn rất yếu ớt và bất lực ở nước ta, và từng bước đưa cuộc cách mạng Việt Nam vào đúng quỹ đạo của cách mạng thế giới hiện đại.

Đông Kinh Nghĩa thục đã cho thấy tác dụng của hệ tư tưởng tư sản, những tư tưởng tiến bộ đối với việc hình thành và phát triển của phong trào cách mạng đầu thế kỷ, đối với việc hướng dẫn phong trào cách mạng đấu tranh chống lại các thế lực phản động, lạc hậu ngăn cản sự phát triển của lịch sử. Những tư tưởng mới này tuy chưa phải là một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, nó cũng đã đáp ứng được phần nào tâm tư, nguyện vọng của quần chúng bị áp bức bóc lột đang phải sống cuộc sống tối tăm dưới ách thống trị nặng nề của đế quốc và phong kiến.

Trong khi giương lên chiêu bài "khai hoá văn minh",  thực dân Pháp cố tình áp dụng chính sách ngu dân, kìm hãm dân tộc ta trong vòng lạc hậu về kinh tế, chính trị, văn hoá... Đông Kinh Nghĩa thục đã thể hiện tinh thần ý chí tự lập, tự cường, kiên quyết đứng lên chống lại mọi sự nô dịch của kẻ thù xâm lược, xây dựng một đất nước độc lập, giàu mạnh. Việc tấn công vào sự "ngu dốt", "yếu kém" do chế độ thực dân phong kiến để lại, việc đả phá chế độ khoa cử từ chương, bài trừ hủ tục mê tín,  đề cao chữ quốc ngữ và lối học mới... đã là những hành động tích cực, tiến bộ, huống nữa lại thông qua những hành động cụ thể, biến nó thành những phong trào đấu tranh của quần chúng như diễn thuyết, bình giảng thơ văn yêu nước, tổ chức ra các nhóm, các hoạt động công khai và bí mật ở nhiều địa phương... đều là những việc làm "cách mạng" hết sức mới mẻ mà ở các phong trào yêu nước đó chưa từng có. Những kinh nghiệm hoạt động phong phú và đa dạng này của Đông Kinh Nghĩa thục sẽ được các phong trào yêu nước ở giai đoạn sau kế thừa và phát huy, làm phong phú thêm trong nội dung và phương pháp đấu tranh của mình, nhất là ở giai đoạn cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo.

Tuy chỉ tồn tại trên dưới 9 tháng, Đông Kinh Nghĩa thục đã đi vào lịch sử dân tộc là một cuộc vận động chính trị, một quá trình chuẩn bị về tinh thần, về tư tưởng cho cuộc đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng dân tộc. Đông Kinh Nghĩa thục là một trong những phong trào yêu nước đầu tiên của thời đại mới, nó đã chứng minh tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam ta.

Dù trong hoàn cảnh rất khó khăn, khi thực dân Pháp cấu kết với giai cấp phong kiến, đặt nền thống trị tương đối vững chắc trên cả nước, khi  giai cấp phong kiến đã phản động và đầu hành giặc ngoại xâm, mà giai cấp tiên tiến lúc đó là giai cấp tư sản thì chưa hình thành, một bộ phận nho sĩ yêu nước đã phải đứng ra lãnh đạo Đông Kinh Nghĩa thục giương cao ngọn cở chủ nghĩa yêu nước, thức tỉnh nhân dân làm nhiệm vụ quang vinh của mình trước lịch sử. Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, các nhà lãnh đạo Đông Kinh Nghĩa thục đã tiếp cận tư tưởng tư sản và đưa phong trào hướng theo tư tưởng dân tộc -  dân chủ tư sản.

Nhìn vào lịch sử dân tộc, chúng ta càng tin ở sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước chân chính cùng với sức mạnh của chủ nghĩa Mác-Lênin, của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong mỗi thắng lợi của cách mạng đã giành được, chúng ta không bao giờ quên ghi công cho các nhà yêu nước tiến bối, cho phong trào Đông Kinh Nghĩa thục, vì Đông Kinh Nghĩa thục đã góp phần quan trọng xây dựng nên truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam ./.

CHƯƠNG THÂU

(PGS.TS, Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Đức Bằng - Đại học tư­ lập dầu tiên tại  Việt Nam hiện đại, Tạp chí Tư­ tư­ởng Sài Gòn, số 48, tháng 1- 1975.
  2. Phan Bội Châu Toàn tập, Tập 6. Nxb Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây Hà Nội – 2000.
  3. Gouvernement Général. Sureté générale: Les Agitations antifrancaise dans les pays Annmites de 1905 - 1918. Tài liệu đánh máy. TVQG, Ký hiẹu FL.22.
  4. ) Nguyễn Hiến Lê. Đông Kinh Nghĩa Thục. Nxb Lá Bối - Sài Gòn.
  5. Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục và Phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX, Nxb Hà Nội, Hà Nội – 1982.
  6. Notice sur la Province de Thái Bình, Tài liệu lưu trữ tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Thái Bình.

 



(1) Dẫn theo Vũ Đức Bằng - Đại học tư­ lập đầu tiên tại  Việt Nam hiện đại, Tạp chí Tư­ tư­ởng Sài Gòn, số 48, tháng 1- 1975, tr. 109.

(2) Phan Bội Châu Toàn tập, Tập 6. Nxb Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây Hà Nội - 2000, tr. 158.

(3) Đông Kinh là tên của Kinh thành Thăng Long thời nhà Hồ (Đông Dô). Nhưng Đông Kinh dưới thời Pháp thuộc cũng có nghĩa là Bắc Kỳ (Tonkin). Và cái từ Đông Kinh cũng chính là phiên âm chữ Hán của từ Tokyo nữa. Không rõ là khi đặt tên "Đông Kinh" Nghĩa thục, các cụ có liên tưởng đến từ Tokyo, ở đó có một "Nghĩa thục" mà các cụ mô phỏng ?

(4) Trong bài Nam thiên phong vận (tác giả khuyết danh) có mấy câu:

Trường Nghĩa Thục đứng đầu dạy dỗ,

Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành.

Gái trai nô nức học hành,

Giáo sư tám lớp, học sinh non ngàn.

 

(5)(6) Dịch từ nguyên văn chữ Hán

 

(7) Gouvernement Général. Sureté générale: Les Agitations antifrancaise dans les pays Annmites de 1905 - 1918. Tài liệu đánh máy. TVQG, Ký hiẹu FL.22, tr. 72.

(8) Dịch từ Lời Tựa cuốn Quốc dân độc bản

(9) Nguyễn Hiến Lê. Đông Kinh Nghĩa thục. Nxb Lá Bối - Sài Gòn, 1968. tr. 91.

(10) Les Agitations anti-francaise... Tài liệu đã dẫn.

(*) Cái danh xưng Đông Kinh Nghĩa thục ở trong văn cảnh này, rất dễ khién chúng ta nghĩ rằng Đông Kinh Tokyo, là mô phỏng theo "nghĩa thục" của Tokyo.

(11) Dẫn theo Đào Trinh Nhất, Đông Kinh Nghĩa thục, Nxb Lá Bối, Sài Gòn, 1968, tr. 22.

(12) Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa thục và Phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX, Nxb Hà Nội, Hà Nội – 1982, tr. 221-222.

(13) Notice sur la Province de Thái Bình, Tài liệu lưu trữ tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Thái Bình.

0thảo luận