Trang chủ

NGHIÊN CỨU TIỂU THUYẾT HÁN VĂN TRUNG – VIỆT

Đăng ngày: 12-03-2012, 14:08 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Trần Ích Nguyên

Dịch giả: Phạm Tú Châu, Phạm Ngọc Lan

Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, 346tr.

Kí hiệu: Vv1821

Nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Trung – Việt là cuốn sách thứ tư của giáo sư Trần Ích Nguyên được xuất bản tại Việt Nam. “Mối tình” của ông với văn học cổ Việt Nam bắt nguồn từ khi ông được giao việ khảo cứu văn bản Truyền kỳ mạn lục, một trong số tác phẩm của công trình đồ sộ Tùng san tiểu thuyết Hán văn Việt Nam lúc đầu do giáo sự Trần Khánh Hạo (trường Viễn đông bác cổ Paris) và giáo sư Vương Tam Khánh (trường Đại học Văn hóa Đài Bắc) chủ biên. Từ khảo cứu năm dị bản Truyền kỳ mạn lục, ông đã chọn ra một bản nền để trên bản nền đó ông tiếp tục thực hiện nghiên cứu so sánh giữa Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ Việt Nam với Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu Trung Quốc. Tiếp theo sau là công trình nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều cùng quá trình lưu truyền của truyện, trong đó có so sánh với Truyện Kiều của Việt Nam. Từ hai điểm tập trung trên đây, ông dành tiếp tình yêu học thuật cho việc khảo sát sự lưu truyền và ảnh hưởng của tiểu thuyết Minh Thanh nói chung ở Việt Nam, trong đó ở cuốn sách này có hai điểm nhấn là tìm hiểu mối quan hệ giữa Truyện ký trích lục của Việt Nam với Hậu Liêu trai chí dị của Trung Quốc và Dị văn tạp lục ở Việt Nam với Chí dị tục biên, Diệc phục như thị của Trung Quốc. Đây cũng chính là những nội dung chính của cuốn sách “Nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Trung – Việt” mà tác giả muốn cung cấp bản tiếng Việt cho bạn đọc. Cuốn sách gồm 7 chương với những nội dung như sau:

Chương I: Sự lưu truyền và ảnh hưởng của tiểu thuyết Minh Thanh ở Việt Nam

Chương II: Tiểu thuyết in lại, chép lại của Trung Quốc có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam

Chương III: Liêu trai chí dị, Hậu Liêu trai chí dị và truyện ký Trích lục của Việt Nam

Chương IV: Diệc phục như thị, Chí dị tục biên và Dị văn tạp lục của Việt Nam

Chương V: Tìm hiểu những tác phẩm Hán Nôm về bà chúa Liễu Hạnh của Việt Nam

Chương VI: Sự lưu truyền và diễn biến chuyện Nhị Độ Mai ở hai nước Trung, Việt

Chương VII: Xuất bản và nghiên cứu tiểu thuyết chữ Hán của Việt Nam ở Đài Loan

Nếu như bạn đọc để tâm đọc kỹ chương III và IV thì ắt hẳn đã thấy được tinh thần cầu thị trong nghiên cứu của tác giả là rất cao. Ông không chịu bỏ qua một sai xót nhỏ nào của người đi trước, điều gì ngờ là cất công tìm cho kỳ được đến ngọn nguồn mới thôi. Cách hành văn tưởng như khô khan nhưng kỳ thực khá hấp dẫn, mỗi khi tưởng chừng như “sơn cùng thủy tận” hết đường tìm rồi thì ông lại mày mò tìm ra được “một thôn dưới bóng liễu hoa”. Điều này thì chẳng những tác giả Việt Nam không cách gì theo kịp ông về mặt tư liệu mà cả một số tác giả Trung Quốc cũng vậy.

Nghiên cứu so sánh là nghiên cứu hai chiều, vất vả hơn rất nhiều công việc nghiên cứu một chiều, đòi hỏi tác giả chẳng những phải nắm vững đối tượng so sánh mà còn phải hiểu biết rộng về bối cảnh văn hóa, lịch sử làm nền cho đối tượng có trong sách vở cũng như ngoài đời. Phạm vi nghiên cứu của tác giả không ngừng được mở rộng, từ tiểu thuyết cổ lan sang văn hóa, văn học dân gian, trong đó có tín ngưỡng dân gian mà Chương V của cuốn sách đã đề cập tới. Ở đây có thể thấy, mở rộng nghiên cứu văn học sang văn hóa và sinh thái văn hóa là một phương pháp nghiên cứu hiện đại trên thế giới, nay đã được Trần Ích Nguyên sử dụng một cách hiệu quả.

Chỉ với 346 trang sách, tác giả đã mang lại cho bạn đọc sự hiểu biết sâu rộng về một số tiểu thuyết Hán văn tiêu biểu của Trung Quốc và Việt Nam. Những tác phẩm vốn có lúc tưởng chừng như hư hư ảo ảo thì giờ đây sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn đọc đã cảm nhận được sự gần gũi, hiện hữu như sống trong thời điểm lịch sử của nhân vật mà tác phẩm để cập. Cuốn sách là tài liệu vô cùng bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết Hán văn Trung – Việt nói riêng.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận