Trang chủ

CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC): NỘI DUNG VÀ LỘ TRÌNH

Đăng ngày: 9-03-2012, 13:57 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Hồng Sơn chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã  hội, Hà Nội 2009, 228 trang

Sáng kiến xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thư 9 vào tháng 10 năm 2003. Tuy nhiên lại có hai quan điểm trái ngược nhau về sự hình thành AEC. Bên cạnh đó, trong đề xuất của một số tổ chức và viện nghiên cứu trên thế giới, AEC mới chỉ là những phác thảo sơ bộ. Trong khi những khó khăn và trở ngại trên con đường tiến tới AEC vẫn đang hiện hữu. Do đó, việc nghiên cứu sâu hơn về nội dung và lộ trình của AEC sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu sâu hơn về liên kết kinh tế này để đưa ra những biện pháp và sáng kiến nhằm thực hiện thành công AEC.

Là thành viên của ASEAN từ năm 1995 nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước đang phát triển và chưa tham gia một cách có hiệu quả vào các quá trình liên kết kinh tế của ASEAN. Bởi vậy, việc nghiên cứu sâu hơn về AEC là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Tương mại Thế giới (WTO).

Trong bối cảnh đó, cuốn sách “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): nội dung và lộ trình” ra đời đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả tham gia vào AEC của Việt Nam trên cơ sở phân tích mục tiêu, nội dung và lộ trình thực hiện AEC cũng như sự tham gia của Việt Nam vào các chương trình liên kết kinh tế của ASEAN. Cuốn sách gồm 3 chương với nội dung như sau:

Chương 1: Sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Chương này tập trung trình bày về quá trình hình thành AEC và những yếu tố tác động tới sự hình thành này. Bên cạnh đó cũng nêu lên hai quan điểm về sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Chương 2: Đặc trưng cơ bản của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và những vấn đề đặt ra. Trong đó, tác giả trình bày về mục tiêu, biện pháp và lộ trình thực hiện AEC, tác động của nó tới nền kinh tế ASEAN và các nền kinh tế thành viên, những vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện AEC và triển vọng của nó.

Chương 3: Sự tham gia của Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong chương này, tác giả đã đưa ra những bài học của Việt Nam khi tham gia ASEAN cũng như tham gia AEC và tác động của AEC đối với Việt Nam. Đồng thời nêu lên những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong việc thực hiện AEC và đưa ra một số khuyến nghị về vấn đề này.

Với 228 trang, lối trình bày kho học, dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, những đặc trưng cơ bản và những vấn đề đặt ra, đặc biệt là sự tham gia của Việt Nam vào AEC. Nội dung của cuốn sách cũng chính là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ “Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Nội dung và lộ trình” do PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn làm chủ nhiệm thuộc chương trình cấp bộ “Cộng đồng ASEAN: Cơ sở hình thành, triển vọng và phản ứng chính sách của các nước trong khu vực” do PGS. TS. Lê Bộ Lĩnh làm chủ nhiệm. Đây là công trình khoa học có giá trị cao và mang lại kiến thức bổ ích cho các bạn đọc khi nghiên cứu về khu vực ASEAN.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận