Trang chủ

TRAO ĐỔI LÝ LUẬN LẦN THỨ HAI GIỮA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ ĐẢNG CỘNG SẢN NHẬT BẢN

Đăng ngày: 8-03-2012, 14:58 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Tô Huy Rứa chủ biên

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, 262 trang

Quan hệ giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Nhật Bản đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết lập từ những năm 20 của thế kỷ XX. Từ đó đến nay, hai Đảng luôn sát cánh ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chung vì lý tưởng cộng sản, giải phóng giai cấp công nhân, phấn đấu cho một xã hội công bằng và dân chủ. Tuy nhiên, giữa hai Đảng cũng có nhiều khác biệt do lịch sử hoạt động cũng như môi trường thực tiễn ở mỗi nước khác nhau. Vì vậy, việc gặp gỡ trao đổi nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, bổ sung cho nhau, nhất là trên lĩnh vực lý luận, là một yêu cầu thực tế rất quan trọng.

Trên tinh thần đó, tháng 11 năm 2007, tại Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra cuộc trao đổi lý luận giữa hai Đảng lần thứ nhất và đến tháng 9 năm 2008, tại Hà Nội, Hội nghị trao đổi lý luận lần thứ hai cũng đã được tổ chức thành công.

Để giúp các nhà nghiên cứu lý luận, các cán bộ lãnh đạo có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản cuốn sách “Trao đổi lý luận lần thứ hai giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Nhật Bản” do PGS. TS. Tô Huy Rứa làm chủ biên. Cuốn sách gồm hai phần chính và một phần phụ lục với nội dung như sau:

Phần I: Trao đổi lý luận nội dung và phương thức quan trọng trong hợp tác giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Nhật Bản. Trong chương này, tác giả giới thiệu bài phát biểu khai mạc và các bài tham luận của những đại biểu tham dự hội nghị trao đổi lý luận giừa hai Đảng.

Phần II: Những nội dung lớn về lý luận hai Đảng cùng quan tâm, trao đổi. Ở đây, tác giả tập trung trình bày những nội dung trao đổi lý luận của Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Nhật Bản, ý kiến trao đổi của Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam và bình luận từ phía Nhật Bản về những tham luận của các nhà khoa học Việt Nam. Cuối cùng là bài phát biểu bế mạc Hội nghị trao đổi lý luận giữa hai Đảng.

Phần III: Phụ lục. Trong đó tác giả đưa ra những phụ lục một số thông tin về Đảng cộng sản Nhật Bản, thông tin cơ bản về Nhật Bản và quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, danh sách đoàn đại biểu Đảng cộng sản Nhật Bản và Đảng cộng sản Việt Nam.

Thông qua 262 trang giấy, cuốn sách đã tập trung vào những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đặc biệt, cuốn sách còn đề cập đến những tình hình quốc tế mới nhất đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận cần xem xét. Điều này giúp cho việc bổ sung, phát triển quan trọng đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, củng cố niềm tin của Việt Nam trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, mà trước mắt là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cuốn sách là một tư liệu quý, là tiền đề cho việc tiếp tục hợp tác nghiên cứu, trao đổi lý luận giữa hai Đảng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận