Trang chủ

MANGA VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI THIẾU NHI NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM

Đăng ngày: 20-02-2012, 12:09 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 1

Manga được biết đến như một trong những giá trị văn hóa đặc trưng của Nhật Bản hiện đại. Trong dòng chảy của giao lưu văn hoá hiện nay, Manga Nhật Bản đã đến được rất nhiều nước trên thế giới và đã góp phần tạo nên “hiện tượng Nhật Bản”. Tại Việt Nam cũng đã bùng phát “hiện tượng Manga Nhật Bản” và Manga Nhật Bản thực tế đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá tinh thần của thiếu nhi Việt Nam. Hơn nữa, ngay chính tại Nhật Bản - mảnh đất quê hương của nó, Manga cũng có ảnh hưởng lớn tới tầng lớp thiếu nhi. Bài viết này muốn góp phần làm rõ thêm về Manga và ảnh hưởng của nó đối với thiếu nhi tại Việt Nam và Nhật Bản.*

I. Một vài nét về Manga

1. Manga Nhật Bản

Có thể nói, Manga rất phổ biến tại chính quê hương của nó - đất nước Nhật Bản. Với nguời dân Nhật Bản, Manga đã trở nên quen thuộc như món sup Miso trong bữa cơm hàng ngày, và đặc biệt đối với một số người thì Manga còn là cái không thể thiếu trong cuộc sống. Do đó, khắp mọi nơi trên đất nước mặt trời mọc, ở đâu bạn cũng có thể mua được Manga. Hơn nữa, ngay trên xe buýt hay trên các toa tàu điện ngầm, đâu đâu bạn cũng gặp cảnh mọi người cắm cúi đọc Manga để giải trí.

Theo thống kê của báo Asahi, sự phân loại Manga tại thị trường Nhật Bản có mức độ và phạm vi tương đối rộng. Đối tượng độc giả được phân chia cụ thể từ trẻ em cho đến người lớn. Hiện tại Manga Nhật Bản được chia ra làm 281 loại, trong đó có có bốn nhóm chủ yếu sau: Jido Manga, Shonen Manga, Seinen Manga, Otona Manga. Nhưng theo cuốn “Manga học cơ bản được xuất bản năm 1997’’ thì về cơ bản, Manga được chia ra làm các loại chủ yếu sau đây: Shonen Manga, Shikoma Manga, Gyagu Manga, Hora Manga, Supokon Manga hay còn có cách gọi khác là Manga Thể thao, Redei Comic, Seinen Manga.

Shonen Manga có đối tượng chủ yếu là học sinh tiểu học với nội dung vô cùng phong phú, từ những câu chuyện bạn bè, những nhân vật anh hùng lịch sử, những câu chuyện khoa học viễn tưởng cho đến những câu chuyện ngụ ngôn.

Shikoma Manga là loại Manga cổ xưa nhất, là những câu chuyện mang tính chất truyền thuyết được minh hoạ bằng tranh.

Gyagu Manga là những câu chuyện tranh châm biếm hài hước gây cười và nội dung thì vô cùng phong phú bao gồm tất cả mọi mặt của đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Hora Manga là những câu chuyện tranh mang tính chất giải trí.

Sopokon Manga hay còn gọi là Manga thể thao mà ở đó cốt truyện và độ dài của truyện luôn gắn liền với sự phát triển và trưởng thành về mặt thể xác cũng như trong lĩnh vực thể thao của các nhân vật chính trong truyện.

Redei comic là những câu chuyện tình yêu, thuần ái tính mà ở đó chưa có sự nhuốm màu của tình dục. Đối tượng chủ yếu của loại truyện này là phụ nữ.

Seinen Manga có đối tượng độc giả là thanh niên, còn nội dung của nó thì vô cùng phong phú nhưng tựu chung lại vẫn là những câu truyện về trường học, tình bạn,tình yêu.

Mỗi một loại Manga từ ngay bản thân cái tên của nó cũng đã bao hàm nội dung cơ bản mà nó đề cập đến cũng như nhóm đối tượng độc giả mà loại hình Manga đó nhằm tới. Nhìn chung cách phân chia này là tương đối đầy đủ và mang tính chất khoa học nhất từ trước đến nay và được rất nhiều nhà chuyên môn thừa nhận.

2. Manga tại Việt Nam

Trong thời đại giao lưu mang tính chất toàn cầu như hiện nay thì sự giao thoa văn hoá giữa các nước đặc biệt trở nên dễ dàng. Chính vì thế Manga Nhật Bản đến với thiếu nhi Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thiếu nhi Việt Nam bắt đầu biết đến Manga Nhật Bản từ năm 1986 thông qua một hợp đồng chuyển nhượng giữa hai nhà xuất bản Kim Đồng của Việt Nam và Shogakukan của Nhật Bản để cho ra mắt bạn đọc hàng loạt các truyện tranh nổi tiếng như Đôrêmon, Subasa, Thuỷ thủ Mặt trăng, Bảy viên ngọc rồng, Conan, Bác sỹ quái dị… Theo thống kê của tác giả Thanh Thuỷ, báo Lao động số ra cuối tháng 12 năm 2005 thì hiện nay trên thị trường tranh truyện chính thống của Việt Nam, Manga Nhật Bản chiếm tới 80% thị phần, 10% là của Việt Nam và 10% còn lại là của các nước khác. Qua các con số nói trên, có thể thấy trên thị trường truyện tranh Việt Nam, Manga Nhật Bản là “ông vua đang làm mưa làm gió” và có khuynh hướng áp đảo các đối thủ khác.

Tại Việt Nam, Manga Nhật Bản được chia làm ba loại chủ yếu sau: Manga thiếu nhi, Manga thiếu niên và Manga thanh thiếu niên.

Manga thiếu nhi có đối tượng độc giả chủ yếu là lứa tuổi học sinh tiểu học từ 6 đến 10 tuổi. Nội dung chủ yếu của loại truyện này là những câu chuyện nhẹ nhàng về tình bạn, những nhân vật lịch sử dân tộc, truyện khoa học viễn tưởng… Nhưng trên thị trường tranh truyện của Việt Nam thì nhóm độc giả này chiếm đại đa số, đem lại doanh thu nhiều nhất cho các nhà xuất bản.

Manga thiếu niên là loại dành cho nhóm độc giả từ 10 đến 16 tuổi và loại hình này được chia ra làm hai nhóm chủ yếu sau: Manga dành cho con trai và Manga dành cho con gái. Tuy sự phân chia này không có một ranh giới rõ ràng cụ thể, nhưng lại được rất nhiều người trong đó có các nhà chuyên môn thừa nhận. Manga dành cho con trai có nội dung là những câu chuyện thể thao, truyện khoa học viễn tưởng. Manga dành cho con gái thì nội dung là những câu chuyện học đường, những tình cảm rung động đầu đời, những mối quan hệ bạn học đồng trang lứa và những câu chuyện thầm kín tuổi mới lớn.

Manga thanh thiếu niên là loại dành cho độ tuổi từ 16 đến lứa tuổi trưởng thành. Nội dung có chủ đề giống như trong Manga dành cho thiếu niên, ngoài ra còn phát triển thêm vào đó là những câu chuyện mang tính chất giới tính. Loại truyện này khi Manga Nhật Bản mới du nhập vào thị trường Việt Nam còn chưa được chú ý, thì ngày nay do lợi ích kinh tế của nó, bắt đầu được chú ý và bùng phát từ năm 2000 trở lại đây.

II. Ảnh hưởng của Manga tới thiếu nhi

Nhật Bản và Việt Nam

1. Ảnh hưởng của Manga đối với đời sống sinh hoạt của trẻ em Nhật Bản

Những thập niên gần đây là thời đại của công nghệ thông tin. Nhiều loại hình giải trí truyền thống đã bị thay thế bởi các loại hình phong phú mới lạ hơn. Nhật Bản cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, Manga Nhật Bản vẫn có một chỗ đứng nhất định vững chắc trong lòng người dân Nhật Bản.

Trong thời gian nghiên cứu ở Nhật Bản, tôi đã thực hiện nghiên cứu - điều tra về tình hình đọc truyện tranh của lứa tuổi thiếu nhi Nhật Bản hiện nay. Đối tượng điều tra là 54 học sinh lớp 5, lớp 6 của trường tiểu học Shogawaka ở ngoại vi thành phố Osaka. Kết quả điều tra đã cho những con số thực tế như sau:

 

Bảng 1: Bạn có thích đọc truyện tranh không?

 

 

Số học sinh (người)

Tỷ lệ phần trăm %

50

93,1

Không

4

6,89

Không có câu trả lời

0

0,00

 

Bảng 2: Bạn đọc truyện tranh lần đầu tiên khi bao nhiêu tuổi?

 

Độ tuổi đọc manga (tuổi)

Số học sinh (người)

Tỷ lệ phần trăm %

3

1

1,72

4

2

3,44

5

8

13,7

6

11

18,96

7

10

17,24

8

9

15,51

9

9

15,51

10

5

8,62

11

2

3,44

12

1

1,72

 

Bảng 3: Một tuần bạn đọc truyện tranh mấy lần trong tuần?

Số ngày đọc/1 tuần

Số học sinh

Tỷ lệ phần trăm %

1

10

17,24

2

12

20,68

3

8

13,7

4

5

8,62

5

3

5,17

6

0

0

Hàng ngày

12

20,68

Hoàn toàn không đọc

4

6,89

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bảng 4: Thời gian đọc trong ngày

 

Thời gian đọc

Số học sinh (người)

Tỷ lệ phần trăm %

Từ 0 phút đến 5 phút

12

20,68

Từ 10 đến 40 phút

26

44,82

Từ 1 giờ đến 1giờ 30 phút

13

22,41

Từ 1giờ 30 phút trở lên - 5 giờ

4

6,89

Trên 5 giờ

2

3,44

Hoàn toàn không đọc

1

1,72

 

Bảng 5: Đọc nhiều Manga có ảnh hưởng bất lợi hay không?

 

Lý do

Số học sinh (người)

Tỷ lệ phần trăm %

Không có thời gian học

17

29,31

Không có thời gian chơi

8

13,7

Không có thời gian ngủ

6

10,34

Các lý do khác

29

50

 

 

Vậy thì cụ thể, ảnh hưởng của truyện tranh Nhật bản đối với trẻ em Nhật Bản là gì?

Trẻ em Nhật Bản cũng như trẻ emViệt Nam đều yêu thích truyện tranh. Manga đối

với trẻ em không đơn thuần là một trò giải trí mà nó còn là một thứ vật dụng cần thiết không thể thiếu được, giống như cơm ăn

nước uống hàng ngày. Mặc dù rất yêu thích truyện tranh, nhưng trẻ em Nhật Bản tự mình cân bằng được thời gian đọc, không làm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động khác. Điều đó được chứng minh một cách cụ thể khi nhìn vào bảng 4, có thể thấy số lượng trẻ dành thời gian đọc Manga quá nhiều và tự mình biến thành “những con nghiện sách” cũng có, nhưng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Đấy có phải là ảnh hưởng của Manga đối với trẻ em hay không? Và nếu có, thì những ảnh hưởng đó có phải là những ảnh hưởng mang tính chất tiêu cực không?

So với Manga các nước khác, Manga Nhật Bản có một đặc trưng được gọi là “Seirifu” (một loại hình biểu thị trong cách vẽ truyện tranh, làm cho truyện tranh lời thoại ít nhưng biểu đạt được rất nhiều ý): dùng hình vẽ để miêu tả hành động và diễn biến của nội dung cốt truyện, cho nên đối với trẻ em, Manga Nhật bản rất dễ đọc, dễ hiểu. Cũng cần phải hiểu một điều là tiếng Nhật là loại ngôn ngữ tượng hình cho nên việc đọc thông viết thạo là rất khó, nhưng đôi khi trẻ em Nhật Bản mới chỉ có 5 tuổi đã có thể đọc được truyện tranh vì loại đó được viết bằng chữ Hiragana (không phải chữ Hán). Nếu làm một phép so sánh, thì có lẽ truyện tranh Việt Nam chỉ là một bản sao chép hết sức mờ nhạt, chưa tạo được sức hút đối với độc giả nhỏ tuổi, và do đó khó có thể kỳ vọng xâm nhập vào thị trường sách các nước như Manga của Nhật Bản.

Một điều khác nữa là, ở Nhật Bản quyễn xuất bản được quy định một cách rõ ràng cụ thể. Việc mua truyện tranh ở Nhật Bản cũng rất dễ chỉ cần có tiền là ở bất cứ đâu bạn cũng có thể mua được truyện tranh và đôi khi ở nhà ga bạn còn được người ta biếu không. Trẻ em Nhật Bản chỉ cần có tiền là tự mình có thể mua được bất cứ cuốn truyện tranh nào mà chúng thích, mà không gặp bất cứ sự cản trở nào cho dù đó là loại truyện tranh dành cho người lớn mang đầy màu sắc bạo lực và tình dục. Do đó, chúng có thể tự do tiếp xúc với những loại truyện bạo lực, tình dục rất sớm và rất dễ, cho nên điều này phần nào cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Trẻ em Nhật Bản hiện nay có thói quen quan hệ tình dục từ tương đối sớm, và có cái nhìn khá thoải mái với vấn đề này. Điều này hầu như không có ở trẻ em Việt Nam. Một khía cạnh khác nữa là vấn đề bạo lực học đường trong các trường học ở Nhật Bản cũng đang có khuynh hướng gia tăng, đôi khi được hỏi nguyên nhân nào dẫn đến các em có hành động bạo lực với bạn, đã có em đã trả lời rằng: “do muốn hành động như nhân vật mình yêu thích trong truyện tranh”.

Tại Nhật Bản, bên cạnh việc tiếp xúc với sách mang tính chất truyền thống thì cũng có rất nhiều kênh thông tin, nhiều nguồn phương tiện mà thông qua đó trẻ em có thể tiếp xúc một cách dễ dàng với Manga như thông qua Internet và điện thoại di động, báo chí…. Mỗi loại hình lại có một cách thức tiếp cận và cung cấp thông tin tới độc giả một cách rất khác nhau. Ví dụ theo như tờ báo Asahi shinbun số ra ngày 6/4/2006, thì chỉ với 40 yên bạn có thể tải xuống dễ dàng cho mình một câu chuyện tranh bất kỳ. Còn trên mạng Internet thì đầy rầy những chuyện tranh miễn phí, nếu bạn muốn đọc chỉ việc tải về. Và cùng theo bài báo này thì tỷ lệ dùng điện thoại di động trong học sinh cấp hai, cấp ba ở Nhật Bản là 95% và trong học sinh tiểu học cũng chiếm trên 50%. Hơn nữa cách thức đọc truyện tranh truyền thống bây giờ bị người Nhật coi là lỗi thời, đọc Manga là qua điện thoại di động mới được coi là sành điều và hiện tượng này đã trở thành một làn sóng trong giới học đường ở Nhật Bản.

Một điểm khác, có sự giống nhau giữa trẻ em hai nước, đó là việc lựa chọn thần tượng từ những nhân vật chính trong các cuốn Manga. Trẻ em Nhật Bản rất nhiều em cũng lựa chọn thần tượng cho mình là các nhân vật trung tâm trong truyện và điều này cũng ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách trẻ em. Quả thực trẻ em hoàn toàn giống như một tờ giấy trắng ta có thể vẽ gì tuỳ thích. Cho nên có những em lựa chọn những nhân vật mang tính phản diện làm thần tượng và học tập những thói quen xấu của nhân vật đó nên đã có những ảnh hưởng không tốt trong tính cách. Nhưng ngược lại, có những em chọn những nhân vật chính diện làm thần tượng và học tập những đức tính tốt như lòng vị tha, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau nên đã tạo được những tiền đề cơ bản tương đối tốt trong việc hình thành nhân cách sau này.

2. Ảnh hưởng của truyện tranh Nhật Bản đối với thiếu nhi Việt Nam

Truyện tranh Nhật Bản có ảnh hưởng rất lớn đối với thiếu nhi Việt Nam. Nói một cách khác, truyện tranh Nhật Bản có một sự quyến rũ đặc biệt đối với thiếu nhi Việt Nam. Ngược lại, truyện tranh Việt Nam thì hầu như không có chỗ đứng trong thị trường nội địa. Quả thật, thực tế đã chứng minh, khi tại các thành phố và thị xã, trên mỗi giá sách của các em đều có ít nhất cho mình một bộ truyện tranh yêu thích có nguồn gốc từ Nhật Bản. Nhiều truyện tranh Việt Nam chịu ảnh hưởng của mô- tip Manga Nhật Bản, dẫn đến sự sáo mòn trong nội dung và cách viết, cho nên nhiều cuốn truyện tranh Việt Nam không thoát khỏi cái bóng của truyện tranh Nhật Bản. Vậy thì, ảnh hưởng của Manga Nhật Bản đối với thiếu nhi Việt Nam cụ thể là những gì?

Trước hết là, những nhân vật trung tâm của truyện có ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách và sự lựa chọn thần tượng của nhiều trẻ em. Trước đây, khi chưa có phong trào đọc truyện tranh thì thần tượng của trẻ em hầu hết là những ngôi sao thể thao, diễn viên, các ca sỹ nổi tiếng. Nhưng, sự lựa chọn thần tượng ấy ngày nay đang dần dần bị thay thế bằng việc bọn trẻ chọn các nhân vật ưa thích trong các cuốn truyện tranh làm thần tượng của mình. Và ngay cả trong các hình mẫu được lựa chọn trong các cuốn truyện tranh thì sự hoàn hảo và những nhân vật hoàn hảo không được nhiều trẻ em yêu thích,  lựa chọn làm thần tượng, mà thay vào đó là những nhân vật đôi khi có một chút khiếm khuyết nhưng lại thể hiện được cái tôi của mình, định hình được tính cách riêng như nhân vật Nôbita, Chaien, Seko…Tại sao nói thần tượng lại có ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách của trẻ? Có lẽ bởi vì, thông qua hình ảnh, tính cách của thần tượng mà từ đó trẻ chiêm ngưỡng học tập, phấn đấu theo thần tượng của mình.

Gần đây, trẻ em Việt Nam đã tự mình lập website tạo một diễn đàn để ở đó chúng tự do trao đổi các vấn đề về truyện tranh. Đồng thời, diễn đàn cũng là nơi gặp gỡ của các fan hâm mộ. Những hoạt động như thế mang trong nó cả hai ảnh hưởng tốt và xấu. Thứ nhất, thông qua các diễn đàn trao đổi, trẻ em có thể học tập được những điều mang tính chất tích cực. Nhưng ngược lại, nếu chúng dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động đó, thì các hoạt động khác cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Cụ thể như thời gian dành cho việc học tập, vui chơi giải trí. Đã có những trường hợp trẻ dành quá nhiều thời gian cho việc đọc truyện tranh mà dẫn đến kết quả học tập giảm sút, thiếu thời gian ngủ và thời gian dành cho các hoạt động vui chơi giải trí khác. Và điều này quả thực ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ. Tất nhiên, đó chỉ là một bộ phận nhỏ, còn đa số trẻ cùng với sự giúp đỡ quản lý của bố mẹ, có thể tự mình cân bằng được thời gian biểu để đảm bảo sinh hoạt.

Như vậy, truyện tranh Nhật Bản đối với thiếu nhi Việt Nam có tác động tích cực lẫn tiêu cực. Dù là xấu hay tốt, thì tất cả đã được chứng minh qua thực tế thời gian cùng với sự trưởng thành và tồn tại phát triển hai mươi năm qua của Manga Nhật Bản tại Việt Nam. Trong những năm qua, đã có rất nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có được một kết luận cụ thể chính xác. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì bên cạnh những ảnh hưởng mang tính tích cực như qua đọc truyện tranh các em được giao lưu tiếp xúc làm quen với văn hoá của Nhật Bản, thông qua các nhân vật mà học tập đuợc lòng nhân ái vị tha, tính trung thực, tinh thần cầu tiến, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống… thì còn không ít những ảnh hưởng mang tính chất tiêu cực. Cụ thể là,  trong Manga Nhật Bản yếu tố bạo lực và sex quá nhiều. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, bởi vì trẻ em ít nhiều chịu ảnh hưởng từ những nhân vật mà chúng lựa chọn làm thần tượng. Nếu như thần tượng của chúng là những nhân vật hoàn hảo thì điều đó là may mắn. Nhưng nếu ngược lại thì điều gì sẽ xảy ra? Trẻ em Nhật Bản hiện nay có cái nhìn rất cởi mở đối với vấn đề tình dục, và vấn đề bạo lực học đường gia tăng, những chuẩn tắc đạo đức truyền thống thay đổi… Do đó, những tác phẩm Manga mang quá nhiều nội dung giới tính và bạo lực hoàn toàn không phù hợp với trẻ em Việt Nam, hoàn toàn không có tính giáo dục và văn hoá, hoàn toàn không phù hợp với những quy chuẩn đạo đức truyền thống của Việt Nam. Chính vì vậy, đối với loại hình Manga này cần phải có một sự quản lý một cách nghiêm ngặt và tốt nhất là nên nghiêm cấm không được xuất bản và lưu hành trên thị trường sách Việt Nam.

Như vậy, dù ở Việt Nam hay Nhật Bản thì Manga đều có những ảnh hưởng nhất định đối với trẻ em, và truyện tranh có một vị trí quan trọng trong lòng thiếu nhi hai nước.

LƯU THỊ THU THUỶ


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo Thanh niên các số ngày 21 đến ngày 29 tháng 12 năm 2005.

2. 朝日?新聞ã2006年4月?6日?.

3. 夏目房之介?、2Q0O0O5T、日?本のマン?ガは今?ど?うな?ってお?る?か、メデイアセル?クト.

4. 馬n居政?幸、1P9X9X5T、な?ぜ子供?は少?年ジャ?ン?プが好きな?のか?、明?治?図書?出版.

5. 明?石?要v一?、2Q0O0O4S、子供?のマン?ガ読ầ‰力をど?う見âる?か、明?治?図書?出版

6. 圏?沢?俊一?、1P9X9X7V、マン?ガ用語ờŽ典―コミック学の見â方?、p1P5T1P-p1P6U2Q、朝日?新聞ã社.

7. Website http://www.manga.co.jp

8. Bài phỏng vấn: Ishizawakei - Tác giả truyện tranh, đang công tác tại Nhà xuất bản Shogakukan.

- Tiến sỹ Văn học Teruyama, Khoa văn trường đại học Takushoku, Tokyo,  Nhật Bản.



 

 



 

0thảo luận