Trang chủ

VÀI NÉT VỀ DÒNG SỨ TRẮNG THỜI ĐẠI CHOSON TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Đăng ngày: 20-02-2012, 12:06 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 1

Trong lịch sử phát triển gốm sứ trên Bán đảo Triều Tiên, hễ nói đến gốm men ngọc, hầu hết mọi người nghĩ đến triều đại  Koryo* (1) (968 - 1392), còn nếu nói đến sứ trắng thì họ nghĩ ngay đến triều đại Choson(2) (1392 - 1910), hoặc họ tin rằng màu của Phật giáo là màu xanh ngọc, còn màu của Khổng giáo là màu trắng. Tuy nhiên, chẳng loại gốm sứ nào trong hai loại này là sản phẩm riêng có của một triều đại nào cũng như của một hệ thống triết học nào. Nhưng chắc chắn rằng thời Koryo được coi là “Kỷ nguyên Gốm men ngọc” còn thời Choson được gọi là “Kỷ nguyên Sứ trắng”.*

Sứ trắng Choson là thuật ngữ dùng để chỉ các loại sản phẩm sứ của thời đại Choson được làm từ đất sét trắng, trên nền màu trắng của sản phẩm có hoặc không trang trí hoa văn, được tráng men và nung ở nhiệt độ cao. Thực chất, đất sét trắng dùng làm xương gốm là kaolin được tạo nên bởi ALO, 2SiO, 2HO trong đó silic và nhôm là thành phần chính. Người ta dùng một loại men được chế tạo bởi kaolin với tro của thực vật không chứa sắt để tráng lên xương gốm tạo ra độ trắng trong và đem nung trong lửa hoàn nguyên ở nhiệt độ từ 1.300–1.350 độ C để tạo nên những sản phẩm mà chúng ta vẫn thường gọi là sứ trắng. Phụ thuộc vào thành phần của men, của đất và những điều kiện khi nung nên men sứ trắng được chia thành 4 loại với bốn màu đặc trưng: màu trắng trong, màu trắng ngà, màu trắng hơi phớt xanh nhạt và màu trắng xám.

1. Sứ trắng Choson qua các thời kỳ

Ở Trung Hoa, sứ trắng đã được sản xuất từ thời Lục triều (219-580) nhưng trên Bán đảo Triều Tiên, mãi tới cuối thời kỳ Shilla thống nhất (3) (thế kỷ IX), người Triều Tiên mới bắt đầu sản xuất loại sứ này. Đương thời, những lò nung phân bố rải rác ở các địa phương gần biển phía Tây Nam Bán đảo Triều Tiên chủ yếu sản xuất gốm men ngọc nhưng tại lò nung ở Yongin thuộc tỉnh Kyongky một số lượng nhỏ sứ trắng đã được sản xuất cùng. Sứ trắng thời kỳ này có thành mỏng, được tráng một lớp men mỏng và chủ yếu là men rạn. Sang tới thế kỷ thứ X, so với số lượng gốm men ngọc thì sứ trắng vô cùng ít ỏi nhưng nó vẫn được những người thợ gốm tạo ra. Sứ trắng thời kỳ này có thành dầy hơn, men rạn trông mịn hơn và có pha một chút mầu xanh. Đất sử dụng làm sứ trắng là đất cái có pha trộn một chút thạch cao, nước men mỏng, sinh động nhưng men không có độ bám vào xương gốm nên có đôi chỗ đã bị bong ra cho thấy chất lượng sản phẩm của thời kỳ này có phần đi xuống so với thời kỳ trước đó. Sang tới thế kỷ XII, sứ trắng chủ yếu được sản xuất tại quận Puan thuộc vùng Chonlapuk và ở Changchin thuộc Chonlanam. Sứ trắng của thế kỷ XII với những đường cong mềm mại về hình dáng đã đạt được vẻ đẹp giống với gốm men ngọc đương thời. Tới nửa đầu thế kỷ thứ XIV, xương gốm và men có độ dầy hơn đồng thời trên bề mặt của sản phẩm, người ta cũng tráng bằng một lớp men có màu xanh nhạt. Nửa sau thế kỷ XIV, sứ trắng được sản xuất tại Soksudong - Kuanaksanluk - Anyang - Kyongky và những vùng lân cận Kuangchu thuộc Kyongky cũng có lò nung sứ trắng.

Khi triều đại Choson được thành lập, do thiết lập mối quan hệ “thân Minh” nên vương triều này đã tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của triều đại nhà Minh (1368-1644) trong đó bao gồm cả những ảnh hưởng về gốm sứ. Sứ trắng thời kỳ này được sử dụng làm đồ dùng riêng của vương thất và để đáp ứng những yêu cầu cống nạp của nhà Minh nên những sản phẩm sứ trắng có chất lượng tốt đã được sản xuất. Vùng Kuangchu thuộc Kyongky, núi Puk-han, núi Kuan-ak là những trung tâm sản xuất sứ trắng và từ đây, những ảnh hưởng của sứ trắng được phát tán tới các địa phương khác trên bán đảo. Sau này, trung tâm sản xuất sứ trắng và cũng là lò nung của triều đình được đặt tại Kuan-yo thuộc Kuangchu Kyongky ngày nay. Trong các tài liệu có nói tới những nơi sản xuất sứ trắng có chất lượng cao nhất là Kuangchu thuộc Kyongky, làng Ponchon, Sangchu làng Pukchuhyon thuộc Kyongsangpuk, Imyoe, Koryong .

Có thể tóm tắt quá trình phát triển của sứ trắng trên Bán đảo Triều Tiên như sau: Nửa trước thế kỷ XV, sứ trắng dường như không được sản xuất, triều đình chỉ sản xuất một lượng rất ít chỉ đủ dùng trong hoàng gia. Nhưng nửa sau thế kỷ XV, do nhu cầu sử dụng gia tăng nên sứ trắng dần được sản xuất nhiều hơn và từ đó dòng sứ trắng đã dần được định hình thay cho những dòng gốm trước đó.

Thế kỷ thứ XVI, sứ trắng Choson đã trở nên phát triển hơn nhưng do nạn Nhâm Thìn(4) nên nhiều thợ gốm đã bị bắt sang Nhật khiến cho tình hình sản xuất gốm sứ trong nước bị suy thoái. Sau hai lần xâm lược của quân đội Nhật Bản sang Triều Tiên năm 1592 và 1597, ngành thủ công gốm sứ của Choson gặp không ít khó khăn.

Đầu thế kỷ XVII, hệ quả của cuộc chiến tranh Nhâm Thìn vẫn chưa được giải quyết triệt để, thêm vào đó là sự xâm lược từ phương Bắc của những người Mãn Châu (5) nên tình hình kinh tế, chính trị của Choson lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Đặc biệt là nguồn nguyên liệu cobal nhập khẩu từ Trung Hoa để sản xuất sứ trắng hoa lam không còn nữa nên hoạt động sản xuất sứ trắng càng khó khăn hơn. Do được tạo ra trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy nên sứ trắng không còn độ trắng sạch hoàn hảo nữa mà chuyển thành màu trắng xám.

Nửa sau thế kỷ XVII, tình hình xã hội ổn định hơn nên sứ trắng được sản xuất rộng rãi trên toàn quốc và đây cũng là thời kỳ xuất hiện của sứ hoa văn màu sắt với những nét vẽ rồng, mây phóng khoáng và sứ hoa văn màu sắt được coi là loại sứ trắng đặc trưng của thời kỳ này.

Thế kỷ thứ XVIII, sứ trắng được làm thiên về vẻ đẹp cổ điển với men màu trắng trong hoặc màu trắng ngà ít hoạ tiết trang trí; đồng thời, những kiểu sứ hoa lam cũng trở lên đơn giản, thanh thoát hơn.

Có thể nói rằng: sứ trắng Choson là sự kế thừa, phát triển cao hơn truyền thống làm gốm sứ trắng có từ thời Koryo và đồng thời, nó cũng chịu ảnh hưởng của gốm sứ trắng Nguyên - Minh Trung Hoa. Sứ trắng Koryo là những sản phẩm có độ cứng không cao được tráng men rạn màu trắng ngà, trên bề mặt được trang trí bằng những hoa văn nhỏ tinh tế. Còn sứ trắng Trung Hoa là loại sứ cứng được tráng men màu trắng trong và nó có ảnh hưởng nhiều tới gốm sứ trắng Choson sau này. Loại sứ trắng có độ cứng không cao chỉ được sản xuất trong thế kỷ XV nhưng loại sứ trắng cứng được sản xuất từ đầu thời đại Choson và kéo dài cho tới khi người Nhật xâm chiếm Bán đảo Triều Tiên vào năm 1910.

Nền văn hoá xung quanh sứ trắng bắt đầu tại hoàng gia và dần dần lan đến các tầng lớp trên của xã hội. Loại sứ trắng có độ cứng không cao được sản xuất vào thời kỳ Koryo với gốm men ngọc được tiếp tục sản xuất trong thời kỳ Choson tại một số lò gốm địa phương cho đến đầu thế kỷ XV. Lúc này, các kỹ thuật làm sứ trắng cứng đã được du nhập từ Trung Quốc và loại sứ trắng mới bắt đầu được sản xuất tại Kuangchu tỉnh KyongKy.

Sứ trắng được phân làm ba loại tuỳ theo chất lượng đó là những sản phẩm có chất lượng tốt nhất (thượng phẩm), những sản phẩm có chất lượng trung bình (trung phẩm) và những sản phẩm có chất lượng kém (hạ phẩm). Sản phẩm sứ trắng tốt nhất được gọi là Kap (hạp) có chất lượng, hình dáng và nước men, mầu sắc hoa văn ở mức cao nhất và chúng được gọi là Kappon. Các loại sứ này được sản xuất ở các lò nung khác nhau trên toàn quốc và những sản phẩm có chất lượng tốt nhất được cống nạp lên triều đình phục vụ nhu cầu của hoàng gia. Khi sứ chất lượng cao từ các lò gốm ở Kuangchu, Goryeong, Namwon, và các vùng khác được hoàng gia sử dụng rộng rãi cũng như được dùng làm quà tặng cho các sứ thần nước ngoài và làm quà tặng của hoàng gia thì nhu cầu đối với loại sứ này dĩ nhiên đã tăng lên. Tuy nhiên, triều đình Choson không thoả mãn với chức năng của các lò gốm địa phương chuyên sản xuất sứ trắng và cung cấp nó cho các quan lại trong triều với tư cách là vật phẩm tiến cống nên đã cho xây dựng lò sản xuất Bunwon tại tỉnh Kyongky để sản xuất sứ trắng. Bunwon trở thành nơi sản xuất sứ trắng lớn nhất và tốt nhất chuyên cung cấp tất cả các loại sứ cho triều đình và vương thất. Ở đây, thợ gốm với những kỹ thuật tiên tiến nhất được độc quyền sử dụng loại đất sét và các chất liệu tốt nhất cho việc tạo ra sứ trắng. Việc sản xuất sứ trắng với số lượng lớn được tiếp tục cho đến khi lò gốm Bunwon được tư nhân hoá vào năm 1883.

2. Quá trình sản xuất sứ trắng Choson

Để làm được sứ trắng thì khâu đầu tiên quan trọng nhất là chọn đất sét. Vẻ đẹp huyền bí, kỳ ảo của sứ trắng được tạo ra một phần là do quá trình chọn lựa đất sét một cách cẩn trọng của cơ quan chịu trách nhiệm về gốm sứ trong triều đình Choson (6). Để có được những sản phẩm sứ trắng với chất lượng tuyệt hảo thì triều đình Choson đã phải lựa chọn những loại đất tốt nhất từ các địa điểm khác nhau như Sunchon, Kuangchu, Kyongchu, Hadong, Konyang, Kapyong v.v… và xét xem ở địa phương nào có loại đất tốt hơn cả để vận chuyển về sản xuất sứ trắng. Loại đất được chọn phải là đất sét trắng trong đó có chứa 50% silic và 30% nhôm để khi nung ở nhiệt độ cao sẽ tạo thành một chất hữa cơ, chính vì vậy mà người Choson đã sử dụng loại đất này để tạo sứ trắng. Sự lựa chọn loại đất để làm sứ trắng được cho là khâu quan trọng nhất trong quá trình làm sứ trắng.

Sau khi lựa chọn được loại đất sét tốt nhất, người thợ gốm bắt đầu công đoạn nhào đất để tạo ra một hỗn hợp đất có độ dẻo cao hơn. Người thợ gốm Choson không có cách nhào đất nào khác là dùng chính sức mạnh của đôi chân để làm cho độ dẻo của đất tăng lên. Sau khi nhào đất xong là đến công đoạn tạo dáng cho sản phẩm.  Phương pháp tạo dáng cho sứ trắng của thợ gốm Choson là làm bằng tay trên bàn xoay. Đất được vò thật nhuyễn và chia thành những phần nhỏ cho phù hợp với từng loại hình dáng của sản phẩm sau đó được cho lên bàn xoay để người thợ gốm tạo hình. Quá trình dùng bàn xoay để tạo ra hình dạng của sản phẩm hoàn toàn là những kỹ thuật thủ công cho thấy sự khéo léo của đôi tay người thợ gốm. Sau khi định hình xong sản phẩm, người thợ chỉnh sửa lại lần cuối và cắt chân đưa ra phơi khô.

Tuy hình dáng của sản phẩm đã được định hình nhưng do vẫn còn ướt nên sản phẩm dễ bị biến dạng. Vì vậy, phơi sản phẩm ở nơi khô thoáng là một trong những điều kiện cần thiết trước khi thực hiện các công đoạn tiếp theo. Phương pháp mà người Choson hay dùng đó là để sản phẩm mộc trên những giá gỗ ở nơi thoáng mát khiến cho hơi nước dần dần bốc lên sẽ tạo ra độ khô cho sản phẩm mộc. Người ta thường dùng những giá gỗ có mái che để làm nơi phơi sản phẩm mộc trước khi tiến hành các công đoạn tiếp theo.

Khi đã khô, người thợ gốm lấy sản phẩm mộc ra và chỉnh sửa lần cuối. Lúc này, các phương pháp trang trí hoa văn, lắp thêm những phần phụ của sản phẩm như quai, vòi… sẽ được hoàn thiện. Vẽ hoa văn cũng là một khâu quan trọng trong quá trình tạo ra sứ trắng. Có hai phương pháp vẽ hoa văn được thợ gốm Choson sử dụng thứ nhất là vẽ hoa văn lên sản phẩm mộc, tráng men sau đó đem nung mà chúng ta thường hay gọi đó là phương pháp vẽ dưới men và phương pháp thứ hai là sau khi nung lần thứ nhất người thợ gốm mới dùng mầu để tạo các hoa văn cho sứ trắng.

Men mà người thợ gốm Choson sử dụng được làm từ nước trộn với tro của rơm rạ hay các loại lá cây như lá thông. Trong quá trình tráng men, người thợ gốm sẽ chỉnh sửa lại sản phẩm để bề mặt được nhẵn hơn và cuối cùng là mang đi nung trong kiểu lò rồng.

Công đoạn cuối cùng là các sản phẩm phải qua khâu kiểm tra nghiêm ngặt lần cuối cùng bởi những người có trình độ và có trách nhiệm. Thợ gốm Choson có một cách kiểm tra chất lượng sứ trắng rất khác lạ. Đó là những sản phẩm được thử cho dù có chất lượng hoàn hảo như thế nào đi chăng nữa thì cũng bị đập tan ra để kiểm tra. Thông qua những mảnh vỡ đó, người thợ gốm có thể biết được sản phẩm ra lò có chất lượng như thế nào và sẽ phân loại để đưa vào sử dụng. Qua một quá trình nhiều công đoạn như vậy là đã hoàn tất việc sản xuất sứ trắng của người Choson.

3. Các loại sứ trắng Choson

Căn cứ vào cách trang trí hoa văn, màu men mà sứ trắng Choson được chia thành các loại sứ trắng khác nhau như Sun paecha (sứ trắng trơn), Sanggam paecha (sứ trắng khảm dát), Chonghoa paecha (sứ trắng hoa lam), Chinsa paecha (sứ trắng hoa văn màu đồng), Cholhye paecha (sứ trắng hoa văn màu sắt). Ngoài ra, do cách tráng men khi trang trí, người thợ gốm Choson còn tạo ra thêm một số loại sứ trắng khác như Cholche (sứ trắng tráng men màu sắt), Chinsa che (sứ trắng tráng men màu đồng), Chonghoa che (sứ trắng tráng men lam), Chinsa Chonghoa (sứ trắng tráng men màu lam và màu đồng) (7)

Sun paecha sứ trắng trơn

Sứ trắng trơn là những sản phẩm mà bề mặt ngoài của xương gốm được phủ một lớp men màu trắng và người ta gọi đó là sứ trắng trơn hay Sun paecha. Sứ trắng trơn có hai loại chính: loại thứ nhất là sự phát triển kế thừa của gốm sứ thời đại Koryo có màu men trắng, men không có độ bám dính vào xương đất nhiều nên hay bị bong; loại thứ hai chịu ảnh hưởng của sứ trắng thời Nguyên (Trung Quốc) với màu men trắng trong và mỏng, thêm vào đó là một vài trang trí có màu xanh. Số lượng của loại sứ này rất đa dạng, phong phú, màu men trắng một cách mờ ảo.

Sứ trắng trơn được trang trí hoàn toàn bằng màu trắng nhưng người thợ gốm đã dùng những phương pháp khác nhau để tạo nên các hoạ tiết hoa văn như khắc, khảm, chạm, dát… và tuỳ theo cách trang trí của người thợ gốm mà sứ trắng trơn lại được phân ra thành các loại như: sứ trắng Somun (sứ trắng trơn), Yangkak (sứ trắng với hoa văn khắc nổi), Umkak (sứ trắng với hoa văn khắc chìm), Thukak (sứ trắng khắc rỗng hay chạm bong) và Sanghyong (sứ trắng tượng hình) (8).

Sứ trắng trơn Somun là loại sứ đơn màu (chỉ được phủ một lớp men mầu trắng) và không có hoa văn trang trí. Loại sứ trắng này được sản xuất trong suốt thời gian tồn tại của triều đại Choson từ khi vua Taecho (Thái tổ) lập quốc cho tới khi vương triều bị sụp đổ vào năm 1910. Ở những bình sứ trắng Somun toát lên vẻ đẹp khoẻ khoắn nhưng không kém phần thanh tao, quý phái và đây cũng là đặc trưng của loại sứ này.

Sứ trắng Yangkak (sứ trắng với hoa văn khắc nổi) là loại sứ trắng Somun nhưng được  người thợ gốm dùng phương pháp khắc nổi trên xương gốm để tạo ra những hoa văn trang trí. Hoạ tiết trang trí thường là Mai – Lan – Cúc – Trúc mà chúng ta vẫn hay gọi là “Tứ Quân tử” có kèm thêm một số hoạ tiết trang trí khác và bên cạnh đó, minh văn cũng là một trong những hình thức được người thợ gốm sử dụng để trang trí trên sứ trắng hoa văn khắc nổi.

Sứ trắng Umkak (sứ trắng với hoa văn khắc chìm) là loại sứ trắng Somun với những hoa văn trang trí theo kiểu khắc chìm trên bề mặt. Tuy nhiên, phương pháp khắc chìm này hay được người thợ gốm kết hợp với những kiểu trang trí khác tạo nên sự uyển chuyển, sinh động cho các hoạ tiết hoa văn.

Sứ trắng Thukak (sứ trắng khắc rỗng hay chạm bong) là những sản phẩm được trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn được trạm khắc rỗng hay còn gọi là được trổ hoa. Thường thì đó là những ống đựng bút hoặc là những lư hương tuyệt đẹp.

Sứ trắng Sanghyong (sứ trắng tượng hình) là loại sứ được làm theo các hình tượng như hình tượng các con vật, mái nhà, thuyền… Loại sứ trắng này cũng giống như loại gốm tượng hình men ngọc của thời đại Koryo nhưng hình thức không đa dạng, phong phú bằng.

Chonghoa paec (sứ trắng hoa lam)

Sứ trắng hoa lam là thuật ngữ chỉ các loại sản phẩm sứ được trang trí bằng hoa văn màu lam mà chất liệu phát màu chủ yếu là ôxít côban. Trong các tài liệu của Triều Tiên, người ta gọi sứ trắng hoa lam bằng nhiều tên gọi khác nhau như Chonghoa (hoa lam), Chonghoa chaki (đồ gốm hoa lam), Hoachaki (gốm hoa lam), Hoasaki (đồ sứ hoa lam)…. Người Trung Quốc gọi là Chonghoa paecha (sứ trắng hoa lam) hay gọi là YuLi Chong (Dứa Lý Thanh) còn người Nhật Bản gọi là Chonghoa paecha (sứ trắng hoa lam).

Thời kỳ đầu, do chưa tự sản xuất được màu men côban nên triều đình Choson phải thông qua Trung Quốc để nhập khẩu nguyên liệu này từ các thương nhân Ả rập và cách trang trí hoa văn trên sứ trắng hoa lam cũng là sự sao chép từ sứ trắng thời Nguyên – Minh Trung Quốc. Do được các thương nhân Ả rập mang tới nên màu men côban còn được gọi là “Hồi Thanh” hay “Hồi Hồi Thanh” và nó cũng là một nguyên liệu làm gốm sứ quý giá không chỉ ở Choson mà còn trong cả xã hội Trung Quốc thời đó. Sản phẩm sứ trắng hoa lam đầu tiên của Trung Quốc được nhà Minh gửi tới triều đình Choson vào năm Sechong (Thế tông) thứ 10 (1428). Và đến đời vua Secho (Thế tổ) năm thứ 3 (1457), Choson đã bắt đầu sản xuất sứ trắng hoa lam với màu men côban trên cơ sở cải tiến men màu côban nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ đó về sau, bên cạnh việc sử dụng những sản phẩm sứ trắng hoa lam nhập khẩu từ Trung Quốc thì triều đình Choson còn sử dụng những sản phẩm sứ trắng hoa lam do chính mình tạo ra.

Cholhye paeha (sứ trắng hoa văn màu sắt)

Sứ trắng hoa văn màu sắt là những sản phẩm sứ trắng được trang trí bằng hoa văn màu nâu sắt hoặc màu sắt đậm với chất phát màu là ôxít sắt. Trên xương gốm, người ta dùng một loại men có chứa sắt để trang trí hoa văn tạo nên những mảng màu nâu tối trên nền màu trắng rất ấn tượng và gợi cảm.

Sứ trắng hoa văn màu sắt được sản xuất trong suốt thời gian tồn tại của triều đại Choson và phần lớn được sản xuất ở hai địa điểm chính là Guan yo và Chibangmin yo. Những sản phẩm được sản xuất ở Guan yo thuộc vùng Kuangchu được làm từ loại đất và men có chất lượng khá tốt với nhiều hoa văn khác nhau như dây nho, tre, mây – rồng, hoa mai… Còn những sản phẩm của Chibangmin yo được làm từ đất cái và hoa văn trang trí chủ yếu là cỏ, trúc, rồng với cách vẽ tự do, phóng khoáng.

Chinsa paecha (sứ trắng hoa văn màu đồng)

Sứ trắng hoa văn màu đồng là những sản phẩm được trang trí bằng hoa văn màu đỏ đồng do quá trình ôxi hoá đồng diễn ra trong khi nung. Thời đại Choson thường gọi những sản phẩm này là Chuchom saki, chinhong saki và tên gọi sứ trắng men màu đồng là do các nhà nghiên cứu hiện nay đặt cho.

Người Triều Tiên không có thói quen sử dụng nhiều những sản phẩm gốm sứ có trang trí hoa văn bằng màu đỏ nên ở thời đại Koryo, gốm sứ với trang trí hoa văn màu đỏ không được sử dụng rộng rãi và cho tới thế kỷ XVII dưới thời Choson, sứ trắng hoa văn màu đồng mới bắt đầu được sản xuất và dần trở nên phổ biến. Lò nung loại sứ này được biết tới nhiều nhất là ở Guan yo và những vùng lân cận Yonghung thuộc Hamnam. Hoa văn của sứ trắng màu đồng là những nét vẽ táo bạo, không bay bướm và có phần thiên về những nét vẽ hài hước.

Sanggam paecha (sứ trắng khảm dát)

Sứ trắng khảm dát là thuật ngữ dùng để chỉ những sản phẩm được trang trí hoa văn theo phương thức khảm dát. Hoa văn được người thợ gốm khắc chìm lên xương gốm sau đó dùng đất sét trát vào những nét khắc chìm đó và dùng tay xoa cho đến khi bề mặt xương gốm nhẵn trở lại; cuối cùng để khô và mang đi nung. Kỹ thuật khảm dát này được kế thừa từ truyền thống sản xuất gốm men ngọc khảm dát thời Koryo. Loại sứ trắng này chỉ được sản xuất ở thế kỷ XV và sau đó nó biến mất hoàn toàn trong lịch sử phát triển gốm sứ của thời đại Choson.

- Cholche (sứ trắng tráng men màu sắt), Chinsa che (sứ trắng tráng men màu đồng), Chonghoa che (sứ trắng tráng men màu lam), Chinsa chong hoa (sứ trắng tráng men màu lam và màu đồng)...

Đây là những tên gọi chỉ những loại sứ khác nhau mà trên toàn bộ hay một phần của sản phẩm được tráng bởi một màu men đặc trưng. Nếu được tráng men có chứa sắt thì sẽ được sản phẩm có một màu duy nhất – màu nâu sắt và loại hình sứ đó được gọi là sứ trắng tráng men màu sắt, men có chứa đồng thì sẽ được sứ trắng tráng men màu đồng và men có chứa màu côban thì sẽ được sứ trắng tráng men màu lam. Vào thời hậu kỳ sứ trắng Choson, tại lò nung Bunwon, người thợ gốm Choson đã cố gắng thử nghiệm dùng nhiều màu men trên cùng một sản phẩm để tạo ra những sản phẩm khác nhau khiến cho màu sắc của loại sứ này thêm phần đa dạng.

*

*     *

Khi nhắc tới triều đại Choson, người ta thường nghĩ ngay tới vua Sechong - vị vua nổi tiếng đã sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Hàn, Lee Sun Shin - vị tướng quân oai hùng đã đánh tan đội quân xâm lược của Nhật Bản do lãnh tướng Hideyoshi  Toyotomi (1534-1598) chỉ huy và tất nhiên không thể thiếu được cả những sản phẩm sứ trắng mà giờ đây mọi người vẫn phải ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của nó. Chính vì thế mà Choson còn được mệnh danh là “Kỷ nguyên sứ trắng” và những sản phẩm tuyệt đẹp này đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống trên bán đảo Triều Tiên.

NGUYỄN THƯƠNG HUYỀN

(Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội)


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Chon Chung Chin, Gốm sứ và sự gặp gỡ (bản tiếng Hàn), Nxb Risu, 2001.

2. The Story of Korean Ceramic, World Ceramic Exposition Foundation, 2004.

3. Kim Yong Won, Sứ trắng Choson (bản tiếng Hàn), Nxb Tae Wuon sa, 1991.

4. Kim Yong Won, Đồ gốm thời đại Choson (bản tiếng Hàn), Nxb Đại học Seoul, 2003.

5. Jane Portal, Korea Art and Archaeology, British Museum, 2000.

6. Nguyễn Văn Kim, Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa - Nguyên nhân và hệ quả, Nxb Thế Giới, 2000

7. Nguyễn Gia Phu - Nguyễn Văn Ánh, Lịch sử thế giới trung đại, Nxb Giáo Dục, 2003.


 



 

(1) Koryo là tên gọi của triều đại tồn tại 424 năm trên Bán đảo Triều Tiên từ năm 968 đến năm 1392 và sau này bị thay thế bởi vương triều Choson.

(2) Choson có nghĩa là “Đất nước của những buổi bình minh yên ả” (theo cách dịch của tác giả). Đây là tên gọi của một triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Bán đảo Triều Tiên (hơn 500 năm) (1392-1910) và cũng có nhiều thành tựu đáng chú ý trong đó, sứ trắng là một trong nhiều thành tựu mà con người thời đại Choson đã đạt được.

(3) Từ thế kỷ I trước công nguyên đến thế kỷ II trên Bán đảo Triều Tiên hình thành ba vương quốc chính Koguryo – Shilla – Paeche ở ba vùng khác nhau và được gọi là thời Tam quốc. Thế “kiềng 3 chân” tồn tại cho tới năm 676 khi vương quốc Shilla thống nhất được toàn bán đảo lập nên một thời đại lịch sử mới đó là thời kỳ Shilla thống nhất tồn tại từ năm 676 đến năm 936.

(4) Những người cầm quyền ở Nhật Bản muốn mở rộng chiến tranh ra bên ngoài để cướp của cải nhằm khôi phục và phát triển nhanh chóng nền kinh tế đang thiệt hại trong nước do  cuộc nội chiến lâu dài gây ra. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn muốn mở rộng quan hệ buôn bán với các nước trong vùng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hàng hoá trong nước đang ngày càng phát triển. Có thể người Nhật còn có tham vọng trở thành chủ nhân sở hữa thị trường nguyên liệu vô cùng phong phú Trung Quốc để Nhật không phải bỏ một khoản tiền lớn ra nhập hàng hoá về nước mình? Bởi những lý do đó nên năm 1592, người Nhật bất ngờ xâm lược Bán đảo Triều Tiên dưới cái cớ yêu cầu mượn đường qua Bán đảo Triều Tiên để tấn công sang Trung Quốc nhưng đã bị từ chối. Sau cuộc chiến này, bán đảo Triều Tiên đã bị thiệt hại hết sức nặng nề về người và của trong đó, một số lượng lớn thợ gốm bị bắt sang Nhật là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho ngành thủ công gốm sứ ở đây bị rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Do vậy, người ta còn gọi đây là “cuộc chiến tranh gốm sứ”. Xem thêm Nguyễn Văn Kim: Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa - Nguyên nhân và hệ quả, Nxb Thế Giới, 2000.

(5) Năm 1627 và cuối năm 1636, quân đội Mãn Châu tiến đánh Choson bởi lý do vương triều này tiếp tục chính sách thân Minh chống lại Mãn Châu. Việc triều đình Choson tiếp tục theo đuổi chính sách thân Minh đã làm cho Mãn Châu coi đây là một sự sỉ nhục nghiêm trọng vì vậy nhà Mãn thấy cần phải loại bỏ mối đe dọa do vương triều này gây ra. Cho tới năm 1637, Choson trở thành một nước phiên thuộc của nhà Thanh sau khi bị thua trên chiến trường.

(6) Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và giám sát các hoạt động nung gốm sứ của triều đình Choson là Sa ong uon (Từ Ung viện). Thực chất đây là viện chuyên lo việc ẩm thực của vương thất và đồng thời quản lý luôn cả việc cung cấp và sản xuất gốm sứ phục vụ nhu cầu của triều đình. Sa ong uon là tên được đặt dưới triều đại Koryo và nó được giữ nguyên khi vương triều Choson thành lập thay thế Koryo.

(7) Tên gọi của các loại sứ trắng được gọi theo cách dịch của tác giả.

(8) Theo cách dịch của tác giả.

0thảo luận