Trang chủ

Chính sách xóa đói, giảm nghèo của Trung Quốc và hàm ý đối với Việt Nam

Đăng ngày: 1-05-2023, 10:15 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 2

Nguyễn Anh Chương1

Tóm tắt: Cùng với quá trình cải cách, mở cửa từ năm 1978 đến nay, Trung Quốc luôn coi trọng và đã có nhiều chính sách, biện pháp nhằm thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Trung Quốc đã có sự điều chỉnh về mục tiêu và áp dụng các chính sách khác nhau đối với công tác này ở từng giai đoạn cụ thể, từ cải cách thể chế kinh tế nông thôn trong giai đoạn đầu đến tăng cường xóa đói, giảm nghèo theo kế hoạch và đẩy mạnh thực hiện các chính sách thoát nghèo để hướng tới mục tiêu “xây dựng toàn diện xã hội khá giả”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác xóa đói, giảm nghèo của Trung Quốc vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở phân tích làm rõ những nội dung này, bài viết sẽ đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở Việt Nam.

Từ khóa: Giảm nghèo, xóa đói, Trung Quốc, chính sách

 


1. Quá trình thực hiện và kết quả xóa đói, giảm nghèo của Trung Quốc [1]

1.1. Cải cách thể chế kinh tế nông thôn để xóa đói, giảm nghèo (1978-1985)

Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã tập trung cải cách thể chế, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp nông thôn để từng bước giải quyết vấn đề đói nghèo. Nước này đã xóa bỏ chế độ sở hữu tập thể “công xã nhân dân”, thực hiện chế độ khoán trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp. Thông tri “Về mấy vấn đề hoàn thiện và tăng cường một bước chế độ trách nhiệm đối với sản xuất nông nghiệp” (9/1980) nêu rõ, để thuận lợi cho sản xuất, cần phải có những quy định thích hợp về chính sách đối với một số vùng miền núi, khu vực nghèo nàn lạc hậu, những đội sản xuất mà trong thời gian dài “lương ăn dựa vào chạy chợ, sản xuất dựa vào vay vốn tín dụng, đời sống dựa vào cứu tế” [2]. Đối với những vùng này thì nhà nước cho phép khoán sản phẩm hoặc khoán toàn bộ đến từng hộ gia đình theo ba hình thức chủ yếu: khoán công việc, khoán sản lượng và khoán toàn bộ.

Để điều chỉnh cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa các ngành nghề và tăng năng suất lao động trong khu vực nông thôn, Trung Quốc tập trung thực hiện một số chính sách mang tính đột phá như: kết hợp giữa sản xuất lương thực, thực phẩm với việc đẩy mạnh phát triển các ngành kinh doanh, ngành nghề phụ; khảo sát tình hình thực tế của từng địa phương, vùng miền để thiết lập mạng lưới ngành nghề sản xuất hợp lý; đảm bảo tính ổn định, nhất quán chính sách vĩ mô về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân; khuyến khích phát triển các ngành nghề hỗ trợ sản xuất nông nghiệp... Việc điều chỉnh quan hệ sản xuất trong nông nghiệp đã thực sự giải phóng lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, đồng thời cho ra đời một số “xí nghiệp hương trấn” ở các vùng nông thôn. Những xí nghiệp này đóng vai trò cầu nối sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, vận tải, lưu thông hàng hóa..., góp phần làm thay đổi diện mạo một số vùng nông thôn trong giai đoạn đầu cải cách, mở cửa.

Việc cải cách thể chế trong giai đoạn này đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 1978-1985, sản lượng lương thực bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng khoảng 14%. Nếu như năm 1978 thu nhập bình quân đầu người chỉ có 160,7 nhân dân tệ thì đến năm 1985 đã lên đến 397,6 nhân dân tệ, tăng gần 2,5 lần. Số người đói nghèo ở nông thôn từ 250 triệu người năm 1978 giảm xuống còn 125 triệu người năm 1985, trung bình mỗi năm có 17,86 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo[3].

1.2. Tăng cường xóa đói, giảm nghèo theo kế hoạch (1986-2000)

Năm 1986, Trung Quốc thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế khu vực đói nghèo. Đây là cơ quan trực thuộc chính phủ chuyên trách về xóa đói, giảm nghèo đầu tiên ở Trung Quốc. Nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan này gồm có: phối hợp nghiên cứu, tư vấn, tham mưu giúp chính phủ xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách xóa đói, giảm nghèo trên cơ sở các chủ trương chung; cung cấp thông tin, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện giảm nghèo đối với tất cả các địa phương trong cả nước. Để phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn, thống nhất triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, các bộ ngành trung ương và địa phương (tỉnh, thành phố, huyện) trong cả nước đều phải thành lập bộ phận chuyên trách tương ứng trực tiếp quản lý, triển khai nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Tiếp đó, Trung Quốc thành lập “Quỹ phục vụ xóa đói, giảm nghèo đặc biệt”; xóa bỏ hình thức giảm nghèo theo kiểu cứu trợ truyền thống; tăng thêm ngân sách cho các địa phương nghèo vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để thúc đẩy giảm nghèo. Nhằm giải quyết bài toán về phát triển mất cân bằng giữa các vùng miền, năm 1994, Trung Quốc chính thức công bố thực hiện “Kế hoạch giảm nghèo quốc gia 8/7 (1994-2000)” (国家八七扶贫攻坚计划 1994-2000). Kế hoạch này đặt ra mục tiêu thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách, tập trung nhân lực, vật lực, tài chính, huy động mọi thành phần trong xã hội để giải quyết cơ bản vấn đề “cơm ăn áo mặc” cho 80 triệu người nghèo trong thời gian từ năm 1994 đến năm 2000. Tiêu chí xác định đối tượng đói nghèo tập trung vào một số nội dung: khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm, quần áo, nơi cư trú ổn định, chế độ phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm; chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa; thu nhập bình quân hằng năm của các hộ gia đình theo chuẩn nghèo hiện hành của quốc gia…

Giai đoạn 1986-1993, tỉ lệ người nghèo ở khu vực nông thôn đã giảm từ 125 triệu người năm 1986 xuống còn 80 triệu người năm 1993, trung bình mỗi năm giảm 6,4 triệu người; tỷ lệ người nghèo trong tổng dân số của nông thôn giảm từ 14,8% xuống còn 8,7%. Giai đoạn 1994-2000, số người nghèo ở khu vực nông thôn từ 80 triệu người năm 1994 đã giảm xuống còn 32 triệu người năm 2000, trung bình mỗi năm giảm 12,3%. Đến cuối năm 2000, số thôn ở các khu vực nghèo được đảm bảo về điện thắp sáng, điện thoại, đường giao thông, dịch vụ bưu chính đạt tỉ lệ lần lượt là: 95,5%; 67,7%; 89% và 69%; cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra của “Kế hoạch giảm nghèo quốc gia 8/7 (1994-2000)”[4].

1.3. Đẩy mạnh giảm nghèo toàn diện (2001-2011)

Năm 2001, Trung Quốc ban hành thực hiện “Đề cương giảm nghèo và phát triển nông thôn Trung Quốc 2001-2010” (中国农村扶贫开发纲要 2001-2010). Mục tiêu là chuyển trọng tâm giảm nghèo từ cấp huyện sang cấp thôn đối với tất cả các địa bàn, vùng miền khác nhau; nhanh chóng giải quyết vấn đề “cơm ăn áo mặc” cho những người nghèo còn lại, tiếp tục cải thiện điều kiện sản xuất, sinh hoạt cơ bản của các vùng nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, cải thiện môi trường sinh thái, từng bước thay đổi tình trạng yếu kém về kinh tế, xã hội, văn hóa ở khu vực nghèo, tạo điều kiện để hướng tới xây dựng xã hội khá giả[5]. Trung Quốc đã tiến hành tổng điều tra, rà soát và xác định số lượng thôn nghèo trong toàn quốc. Căn cứ quy định về các tiêu chí đối với thôn nghèo áp dụng cho cả nước, nước này đã xác định được khoảng 148.000 thôn nghèo và đưa vào kế hoạch thực hiện giảm nghèo toàn thôn. Năm 2003, Trung Quốc cải cách chế độ thuế và phí đối với khu vực nông thôn theo hướng giảm hoặc bỏ một số mức thu, quyết định bãi bỏ hoàn toàn thuế nông nghiệp nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân; thực hiện mô hình chữa bệnh mới theo cơ chế hợp tác để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nông thôn, giảm tình trạng đói nghèo do bệnh tật gây nên. Đến năm 2006, Trung Quốc thực hiện chiến lược xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường sống, sinh hoạt, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hiện đại hóa nông thôn.

Năm 2011, nước này tiếp tục ban hành “Đề cương giảm nghèo và phát triển nông thôn Trung Quốc 2011-2020” (中国农村扶贫开发纲要 2011-2020). Đề cương đặt ra mục tiêu đến năm 2020, người nghèo ở nông thôn của cả nước sẽ không còn lo thiếu ăn, thiếu mặc, được đảm bảo phổ cập giáo dục bắt buộc, chăm sóc y tế cơ bản, nhà ở và các dịch vụ thiết yếu khác. Phương châm là kiên trì chính sách giảm nghèo theo kế hoạch phát triển, thực hiện kết hợp có hiệu quả giữa giảm nghèo với chế độ đảm bảo mức sống tối thiểu của nông thôn; lấy phát triển và giảm nghèo làm phương thức chủ yếu để thoát nghèo; khuyến khích, giúp đỡ người có khả năng lao động vươn lên thoát nghèo bằng nỗ lực của bản thân; sử dụng chế độ an sinh xã hội để giải quyết các vấn đề nghèo khó. Nguyên tắc thực hiện là chính phủ chỉ đạo, chủ trì và phân cấp phụ trách thực hiện. Chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về xóa đói, giảm nghèo trong phạm vi quản lý, đưa nhiệm vụ giảm nghèo vào trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trung ương tập trung hỗ trợ các vùng nghèo đặc biệt khó khăn, đầu tư cho các vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Đến năm 2011, số lượng người nghèo của Trung Quốc tiếp tục được giảm khoảng 26,88 triệu người theo chuẩn nghèo của nước này, có khoảng 400 huyện nghèo và hơn 60 nghìn thôn nghèo trong cả nước đáp ứng đủ các điều kiện để thoát nghèo[6].

1.4. Thực hiện thoát nghèo để xây dựng toàn diện xã hội khá giả (2012-2020)

Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) nhấn mạnh, nhiệm vụ khó khăn nhất của việc “xây dựng toàn diện xã hội khá giả” chính là ở những vùng nông thôn nghèo khó. Trong lần đi khảo sát công tác xóa nghèo tại tỉnh Hà Bắc (12/2012), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Khá giả hay không khá giả, chủ yếu nhìn vào nông dân”, “không có khá giả ở nông thôn, đặc biệt là khá giả ở các khu vực nghèo đói, thì không thể xây dựng toàn diện xã hội khá giả”[7]. Trung Quốc xác định mục tiêu và nhiệm vụ đến năm 2020 người dân nghèo ở nông thôn được thoát nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (10/2017) đề ra mục tiêu xóa nghèo để “xây dựng toàn diện xã hội khá giả”, bảo đảm đến năm 2020 thực hiện được mục tiêu thoát nghèo cho người nghèo ở nông thôn, xóa toàn bộ huyện nghèo[8].

Năm 2013, Trung Quốc đề ra và thực hiện chiến lược “xóa nghèo chuẩn xác” (精准扶贫), quán triệt tiếp tục đổi mới cơ chế nhằm giúp cho 98,99 triệu người nghèo trong cả nước thoát nghèo. Tiếp đó, Trung Quốc ban hành “Ý kiến ​​về đổi mới cơ chế thúc đẩy công tác giảm nghèo và phát triển nông thôn” (关于创新机制扎实推进农村扶贫开发工作的意见). Mục tiêu và nhiệm vụ chính là đẩy mạnh thực hiện “Đề cương giảm nghèo và phát triển nông thôn Trung Quốc (2011-2020)”, nâng cao tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, coi phát triển thoát nghèo là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, lấy đổi mới cải cách làm động lực, gạt bỏ những chướng ngại về cơ chế, tăng cường động lực nội sinh và sức phát triển, tập trung mọi nguồn lực giúp người dân thoát đói nghèo, thúc đẩy xây dựng xã hội khá giả ở các khu vực nghèo khó[9].

Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách: Một là, tiếp tục cải cách sâu rộng và đổi mới cơ chế đối với công tác thoát nghèo, bao gồm: cải tiến cơ chế đánh giá các huyện nghèo; thiết lập cơ chế thoát nghèo hiệu lực; xây dựng và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ cho cán bộ sống, làm việc tại các thôn nghèo; cải cách cơ chế quản lý tài chính của các quỹ thoát giảm nghèo đặc biệt; hoàn thiện cơ chế dịch vụ tài chính. Hai là, tổ chức thực hiện 10 nhiệm vụ trọng điểm trong phát triển toàn diện để thoát nghèo: xây dựng hệ thống đường giao thông cấp thôn; đảm bảo an toàn nguồn nước uống; đảm bảo điện lực nông thôn; cải tạo nhà ở tạm bợ; tăng nguồn thu nhập từ các ngành nghề đặc trưng; phát triển hoạt động dịch vụ, du lịch nông thôn góp phần thoát nghèo; giáo dục và đào tạo; sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình; xây dựng văn hóa; thông tin hóa ở các thôn nghèo. Ba là, tăng cường công tác chỉ đạo, đảm bảo các chính sách được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, bao gồm: làm rõ chức trách nhiệm vụ công tác; hoàn thiện hệ thống quản lý; kiện toàn tổ chức cơ sở; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng môi trường tốt.

Hội nghị về công tác thoát nghèo và phát triển của Trung Quốc năm 2015 đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, chủ yếu tập trung thực hiện “sáu chuẩn xác” (六个精准) trong việc xác định chính xác đối với đối tượng được hỗ trợ thoát nghèo, đầu tư các dự án, cách thức đưa các đối tượng ra khỏi diện nghèo và giám sát để tránh tái nghèo, phát triển giáo dục, phân công cán bộ phụ trách thôn nghèo, đánh giá kết quả giảm nghèo; “năm đợt” (五个一批) bao gồm: phát triển sản xuất, tái định cư, đền bù sinh thái, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội; “sáu mục hành động” (六项行动) bao gồm: thúc đẩy phát triển giáo dục; thực hiện chế độ chăm sóc y tế hiệu quả để hạn chế số lượng người đói nghèo do bệnh tật gây nên; hỗ trợ các khoản tín dụng ưu đãi đối với các hộ nghèo có nhu cầu phát triển sản xuất; thực hiện cơ chế kết nối hợp tác dịch vụ để khuyến khích các thành phố phát triển thu hút lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo; giao nhiệm vụ hỗ trợ người nghèo; cử cán bộ trực tiếp đến làm việc tại địa bàn nghèo khó.

Trung Quốc ưu tiên hỗ trợ các hộ nghèo có khả năng lao động, phát triển ngành nghề sản xuất để tăng thu nhập; tiến hành di dời khoảng 10 triệu người nghèo sống ở vùng sâu vùng xa, địa bàn gặp khó khăn đến các nơi có điều kiện tốt hơn; triển khai các công trình, dự án đầu tư nhằm góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, môi trường sinh thái để người dân từng bước thoát nghèo; chấm dứt tình trạng đói nghèo kéo dài qua nhiều thế hệ bằng cách tăng cường giáo dục - đào tạo nghề; giúp đỡ các nhóm yếu thế trong xã hội (người già không nơi nương tựa, người gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, người tàn tật, người không có khả năng lao động, người dân tộc thiểu số…) từng bước thoát nghèo thông qua hệ thống an sinh xã hội. Với chiến lược “xóa nghèo chuẩn xác”, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng gần 1.600 tỷ nhân dân tệ phục vụ chương trình thoát nghèo, trong đó ngân sách của trung ương chiếm hơn 660 tỷ nhân dân tệ. Trung ương giao nhiệm vụ cho 14 thành phố giàu có ở khu vực miền đông hỗ trợ 14 tỉnh, thành phố, khu tự trị nghèo ở khu vực miền tây; 307 cơ quan, ban ngành trung ương hỗ trợ 592 huyện nghèo; hệ thống quân đội tại địa phương hỗ trợ 4.100 thôn nghèo trong cả nước[10].

Theo thống kê, trong giai đoạn 2013-2020, thu nhập bình quân đầu người của người dân ở các vùng nông thôn nghèo Trung Quốc đã tăng từ 6.079 nhân dân tệ (khoảng 900 USD) năm 2013 lên 12.588 nhân dân tệ (hơn 1.800 USD) vào năm 2020, mức tăng trung bình hàng năm là 11,6%. Tại Hội nghị tổng kết và tuyên dương công tác thoát nghèo toàn quốc (25/2/2021), Trung Quốc công bố đã dành “thắng lợi toàn diện” trong cuộc chiến chống đói nghèo. Theo đó, toàn bộ 98,99 triệu người nghèo ở nông thôn  đã thoát nghèo theo chuẩn nghèo năm 2020 của nước này[11], có 832 huyện nghèo và 128 nghìn thôn nghèo trong cả nước đã được xóa khỏi danh sách đói nghèo; cơ bản thực hiện được mục tiêu “xây dựng toàn diện xã hội khá giả” [12].

2. Những hạn chế trong xóa đói, giảm nghèo của Trung Quốc

Thứ nhất, công cuộc xóa nghèo của Trung Quốc hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Có những vấn đề mới phát sinh khó có thể giải quyết bằng những chính sách bình thường mà nước này đã áp dụng thực hiện. Số lượng người nghèo trên thực tế vẫn còn nhiều. Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Năng lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh ở một số khu vực còn hạn chế làm cho quá trình xóa nghèo gặp không ít thách thức. Rõ nhất là sự phát triển mất cân bằng giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu vùng xa.

Thứ hai, việc thực thi một số cơ chế chính sách thoát nghèo ở trung ương và địa phương của Trung Quốc còn bất cập. Phần lớn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dịch vụ, an sinh xã hội, chế độ cho những người làm công tác xóa đói, giảm nghèo… tập trung vào những huyện nghèo, thôn nghèo. Trong khi đó, những người nghèo thực sự ở các huyện và thôn không nghèo, những người thuộc nhóm yếu thế lại không được quan tâm và hỗ trợ đúng mức.

Thứ ba, công tác điều tra, rà soát và xác định đối tượng nghèo còn hạn chế nên việc thực hiện các chính sách có khi chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả. Trung Quốc đã áp dụng thực hiện bộ tiêu chí xác định huyện nghèo, thôn nghèo, hộ nghèo đối với các vùng trong cả nước; tiến hành nhiều cuộc tổng điều tra để xác định đối tượng nghèo. Tuy nhiên, do nhận thức cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi vùng miền khác nhau nên số liệu thống kê cũng khác nhau, gây khó khăn cho công tác giảm nghèo. Chẳng hạn, trong đợt rà soát xác minh lại quá trình thống kê hộ nghèo năm 2017, số lượng sai đối tượng buộc phải đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo lên đến 15%[13].   Thứ tư, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo ở Trung Quốc còn tương đối cao. Phần lớn người dân nghèo sinh sống tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng có môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai, bệnh tật, sản xuất khó khăn… Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm cho tỉ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo ở Trung Quốc chiếm khoảng 15-20% mỗi năm.

Thứ năm, đánh đổi giữa phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo và bảo tồn môi trường sinh thái. Việc Trung Quốc ra sức khuyến khích doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư về khai thác tài nguyên thiên nhiên, tái định cư, thủy điện, đường giao thông, hệ thống nước sạch… nhằm thúc đẩy giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gây ra những hệ lụy đối với cuộc sống của người dân.

3. Một số hàm ý đối với Việt Nam

Sau hơn ba thập kỷ không ngừng nỗ lực, Việt Nam đã dành được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Nếu như năm 1993 tỉ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1% thì đến năm 2020 đã giảm xuống còn 2,75%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia điển hình trên thế giới về chống đói nghèo. Để đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, toàn diện, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2030 mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra[14], Việt Nam sẽ cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong giai đoạn tới. Những thành công và hạn chế của quá trình thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở Trung Quốc mang hàm ý cho các quốc gia đang phát triển, phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong đó có Việt Nam.

Một là, thúc đẩy chính sách giảm nghèo cần có trọng điểm, tập trung vào các khu vực có nhiều người nghèo khổ, cơ sở hạ tầng thấp kém, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng kém phát triển. Trên cơ sở xác định các nguyên nhân chính của thực trạng, mức độ đói nghèo ở những vùng khó khăn này để ưu tiên lựa chọn áp dụng thực hiện các mục tiêu, chính sách và biệp pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đối với nhóm người nghèo đặc biệt không có khả năng lao động như người già, người tàn tật, người mắc các bệnh hiểm nghèo… thì cần phải phát huy hệ thống an sinh xã hội để hỗ trợ người nghèo. Xây dựng chiến lược và thực hiện tái định cư di dời người dân ở những khu vực đặc biệt khó khăn, thường xuyên xảy ra thiên tai đến những vùng có điều kiện môi trường tốt hơn.

Hai là, duy trì sự ổn định của chính sách thoát nghèo, đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế hỗ trợ và kiểm tra giám sát nhằm ngăn ngừa tình trạng tái nghèo; tăng cường giám sát, hỗ trợ kịp thời đối với các đối tượng đã thoát nghèo nhưng không ổn định, các đối tượng cận nghèo, dễ bị nghèo do gặp phải những biến cố trong cuộc sống. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp theo hướng tập trung, thống nhất đầu mối quản lý; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo; có chính sách khuyến khích cán bộ, công chức có năng lực, nhiệt tình về làm việc tại vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.

Ba là, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia quá trình giảm nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho hoạt động giảm nghèo; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn. Tăng cường cơ hội việc làm tại chỗ, xuất khẩu lao động ra các khu vực khác cho người lao động; thúc đẩy các ngành nghề gắn với điều kiện môi trường tại địa phương, quan tâm đến trồng trọt, chăn nuôi, các ngành nghề truyền thống thủ công.

Bốn là, quá trình điều tra, đánh giá, xác định thực trạng, hiệu quả công tác giảm nghèo phải được thực hiện một cách toàn diện, khách quan, đồng bộ ở tất cả các khu vực khác nhau; cần số hóa ngân hàng dữ liệu chuẩn xác để phục vụ cho quá trình quản lý, giám sát, xây dựng các chính sách, biện pháp liên quan đến giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “vì một Việt Nam không còn đói nghèo”[15].

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Anh Chương (2016), Một số vấn đề về cải cách, mở cửa của Trung Quốc, Nxb Đại học Vinh.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, “Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”, số 05-CT/TW ngày 23/6/2021.
  4. Bích Thuận, “Xóa đói giảm nghèo - Thành tựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, https://vov.vn/the-gioi/ho-so/xoa-doi-giam-ngheo-thanh-tuu-cua-dang-cong-san-trung-quoc-870293.vov (Truy cập ngày 15/8/2021).
  5. 中华人民共和国 国务院新闻办公室 , “中国的农村扶贫开发” (Văn phòng tin tức Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Phát triển xóa đói giảm nghèo ở nông thôn của Trung Quốc”), http://www. scio.gov.cn/zfbps/ndhf/2001/Document/3079 29/307929.htm.
  6. 中华人民共和国中央人民政府, “国务院关于印发中国农村扶贫开发纲要 (2001-2010年) 的通知” (Chính phủ nhân dân trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Thông tri của Quốc vụ viện về ban hành Đề cương giảm nghèo và phát triển nông thôn Trung Quốc 2001-2010”), http://www. gov.cn/zhengce/content/2016-09/23/content_51 11138.htm.
  7. 中华人民共和国中央人民政府, “中国农村扶贫开发纲要 (2011-2020)” (Chính phủ nhân dân trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Đề cương giảm nghèo và phát triển nông thôn Trung Quốc 2011-2020”), http://www.gov.cn/jrzg/201112/01/content_2008462.htm.
  8. 习近平,“在河北省阜平县考察扶贫开发工作时的讲话” (Tập Cận Bình, “Bài phát biểu trong chuyến công tác khảo sát giảm nghèo và phát triển ở tỉnh Hà Bắc”), http://zwfw.xihe.gov.cn/webSite/showNews.html?id=4880&newsType=33_0202.
  9. 习近平, “决胜全面建成小康社会夺取新时代中国特色社会主义伟大胜利—在中国共产党第十九次全国代表大会上的报告” (Tập Cận Bình, “Quyết thắng xây dựng toàn diện xã hội khá giả để giành thắng lợi vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” - Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc), http://www.xinhuanet.com/politics/19cpcnc/ 2017-10/27/ c_1121867529.htm.
  10. 中共中央办公厅, 国务院办公厅, “关于创新机制扎实推进农村扶贫开发工作的意见” (Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn phòng Quốc vụ viện, “Ý kiến ​​về đổi mới cơ chế thúc đẩy công tác giảm nghèo và phát triển nông thôn”), http://www.gov. cn/zhengce/2014-01/25/content_2640104.htm.
  11. 习近平, “在全国脱贫攻坚总结表彰大会上的讲话” (Tập Cận Bình, “Bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết biểu dương trong cuộc chiến thoát nghèo”), http://www.xin huanet.com/politics/leaders/2021-02/25/c_ 1127140240.htm.

 



[1] TS., Trường Đại học Vinh

[2] Dẫn theo: Nguyễn Anh Chương (2016), Một số vấn đề về cải cách, mở cửa của Trung Quốc, Nxb Đại học Vinh, tr. 57.

[3] 中华人民共和国国务院新闻办公室 , “中国的农村扶贫开发” (Văn phòng tin tức Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Phát triển xóa đói giảm nghèo ở nông thôn của Trung Quốc”), http://www.scio. gov.cn/zfbps/ndhf/2001/Document/307929/307929.htm (truy cập ngày 20/5/2021).

[4] 中华人民共和国 国务院新闻办公室 , “中国的农村扶贫开发” (Văn phòng tin tức Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Phát triển xóa đói giảm nghèo ở nông thôn của Trung Quốc”), http://www.scio.gov. cn/zfbps/ndhf/2001/Document/307929/307929.htm (truy cập ngày 20/5/2021).

[5] 中华人民共和国中央人民政府, “国务院关于印发中国农村扶贫开发纲要 (2001-2010年)的通知” (Chính phủ nhân dân trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Thông tri của Quốc vụ viện về ban hành Đề cương giảm nghèo và phát triển nông thôn Trung Quốc 2001-2010”), http://www.gov.cn/zhengce/content/2016-09/23/content_ 5111138.htm (truy cập ngày 16/6/2021).

[6] 中华人民共和国中央人民政府, “中国农村扶贫开发纲要 2011-2020” (Chính phủ nhân dân trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Đề cương giảm nghèo và phát triển nông thôn Trung Quốc 2011-2020”), http://www.gov.cn/jrzg/2011-12/01/content_2008462.htm (truy cập ngày 18/5/2021).

[7]习近平,“在河北省阜平县考察扶贫开发工作时的讲话” (Tập Cận Bình, “Bài phát biểu trong chuyến công tác khảo sát giảm nghèo và phát triển ở tỉnh Hà Bắc”), http://zwfw.xihe.gov.cn/webSite/showNews.html?id=4880&newsType=33_0202 (truy cập ngày 12/7/2021).

[8]习近平,“决胜全面建成小康社会夺取新时代中国特色社会主义伟大胜利—在中国共产党第十九次全国代表大会上的报告” (Tập Cận Bình, “Quyết thắng xây dựng toàn diện xã hội khá giả để giành thắng lợi vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” - Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc), http://www.xinhuanet.com /politics/19cpcnc/2017-10/27/c_1121867529.htm (truy cập ngày 26/4/2021).

[9] 中共中央办公厅, 国务院办公厅, “关于创新机制扎实推进农村扶贫开发工作的意见” (Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn phòng Quốc vụ viện, “Ý kiến ​​về đổi mới cơ chế thúc đẩy công tác giảm nghèo và phát triển nông thôn”), http://www.gov.cn/zhengce/2014-01/25/content_2640104.htm (truy cập ngày 26/4/2021).

[10] Bích Thuận, “Xóa đói giảm nghèo - Thành tựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, https://vov.vn/the-gioi/ho-so/xoa-doi-giam-ngheo-thanh-tuu-cua-dang-cong-san-trung-quoc-870293.vov (truy cập ngày 15/8/2021).

[11] Chuẩn nghèo của Trung Quốc năm 2020 được xác định là 4.000 nhân dân tệ/năm, tăng hơn nhiều so với mức 2.536 nhân dân tệ của năm 2011. Chuẩn nghèo của Trung Quốc cao hơn mức 1,9 USD/ngày, nhưng lại thấp hơn mức 3,2 USD/ngày do Ngân hàng Thế giới đưa ra.

[12] 习近平, “在全国脱贫攻坚总结表彰大会上的讲话” (Tập Cận Bình, “Bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết biểu dương cuộc chiến thoát nghèo”), http://www.xinhuanet.com/politics/leaders/2021-02/25/c_ 1127140240.htm (truy cập ngày 15/8/2021).

[13]习近平, “在全国脱贫攻坚总结表彰大会上的讲话” (Tập Cận Bình, “Bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết biểu dương cuộc chiến thoát nghèo”), http://www.xinhuanet.com/politics/leaders/2021-02/25/c_ 1127140240.htm (truy cập ngày 15/8/2021).

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tr. 265.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”, số 05-CT/TW ngày 23/6/2021.

 

0thảo luận