Trang chủ

Đào tạo bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế

Đăng ngày: 25-05-2023, 14:30 | Danh mục: Các tổ chức đoàn thể, Chi bộ

Ngày 19 tháng 5 năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ra Nghị quyết số 26 – NQ/TW Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết này của Đảng đã đề ra những mục tiêu về khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đến năm 2030 đối với từng nhóm cán bộ. Nghị quyết này ra đời đáp ứng nhu cầu đòi hỏi cấp thiết của thời đại toàn cầu hóa, quốc tế hóa bắt buộc cán bộ cần phải nỗ lực tu dưỡng, trau dồi để có đủ khả năng làm việc phù hợp.

Môi trường quốc tế chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh nhưng thường là tổng thể các yếu tố như môi trường pháp luật, chính trị, kinh tế, văn hóa, tài chính… trên thế giới tồn tại ở mỗi quốc gia có tác động và chi phối mạnh mẽ đối với hoạt động của cá nhân và tổ chức, buộc cá nhân và tổ chức phải điều chỉnh các tiêu chuẩn, mục đích, hình thức và chức năng hoạt động của mình cho phù hợp. Trong đó, cán bộ là những người đứng đầu một đơn vị, tổ chức nên hơn ai hết cần nắm bắt và thích ứng nhanh, trước và hiệu quả trong môi trường quốc tế ngày càng sâu rộng. Xu thế và mức độ ngày càng cao của toàn cầu hóa đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức phải tăng khả năng hội nhập, thích ứng của mình với những điều kiện mới. Toàn cầu hóa là khái niệm dùng để miêu tả các thay đổi trong xã hội, kinh tế và các lĩnh vực khác trên thế giới, tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở trên nhiều góc độ văn hóa, kinh tế... trên quy mô toàn cầu. Xét về bản chất, toàn cầu hoá là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Do đó, toàn cầu hóa và môi trường quốc tế có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, có thể sử dụng thay thế cho nhau trong một số trường hợp nhất định.

Chỉ số toàn cầu hoá của mỗi quốc gia thường được dựa trên đánh giá các nhóm thành tố, thuộc bốn nhóm chỉ tiêu gồm: hội nhập kinh tế (ngoại thương & đầu tư trực tiếp từ nước ngoài), kết nối cá nhân (chuyển giao thu nhập từ hoạt động viễn thông quốc tế, du lịch, kiều hối), kết nối công nghệ (lượng người dùng dịch vụ mạng internet, số máy chủ phục vụ mạng, các giải pháp bảo đảm an ninh máy chủ mạng), cam kết chính trị (tham gia các tổ chức quốc tế, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tham gia các thỏa ước quốc tế, chuyển giao tín dụng giữa các nhà nước). Dựa trên các chỉ số toàn cầu hóa, có thể biết được môi trường quốc tế mà các các tổ chức, cá nhân ở mỗi quốc gia cần phải nỗ lực thích ứng và cũng góp phần tác động ngược lại làm tăng hay giảm chỉ số này.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Thụy Sĩ, Chỉ số toàn cầu hóa của Việt Nam đã tăng nhanh chóng nhất là từ thập niên 1990 trở đi. Suốt thập niên 1970-1990, chỉ số toàn cầu hóa của Việt Nam chỉ đạt trên dưới 20 điểm. Nhưng từ cuối thập niên 1990 đã bắt đầu tăng nhanh chóng, tăng gấp đôi và vượt 40 điểm. Chỉ số toàn cầu hóa của Việt Nam năm 2005 đạt 48.29 điểm, năm 2018  đạt 62.53 điểm. Năm 2020, Việt Nam đạt chỉ số toàn cầu là 65.55 điểm đứng thứ 76 trên thế giới[1]. Như vậy, có thể thấy, đây là giai đoạn quan trọng mà môi trường quốc tế trở nên rộng mở đối với Việt Nam. Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào quan  hệ hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, gia nhập hoặc tham gia tích cực nhiều tổ chức quốc tế như WTO, UN, ASEAN, EVFTA, APEC, CPTPP…Trong môi trường quốc tế rộng mở đó, đòi hỏi mọi người dân, đặc biệt là cán bộ cần phải trau dồi, bồi dưỡng đủ khả năng làm việc trong môi trường mới.

Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đánh giá: “ Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế”[2]. Nhận định của Nghị quyết 26 cho thấy sự nhận thức sâu sắc về đòi hỏi của thực tiễn và tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực làm việc trong môi trường quốc tế đối với cán bộ của Việt Nam.

Nghị quyết số 26 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng đã chỉ rõ yêu cầu đối với từng nhóm cán bộ cần đạt mục tiêu về khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đến năm 2030 cụ thể là: từ 40-50% cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược; từ 50-60% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ phòng và tương đương ở Trung ương; từ 20-30% cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an; từ 25-35% cán bộ lãnh đạo quản lý ở địa phương đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đây là những mục tiêu đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn môi trường làm việc mới và phù hợp với tình hình công tác cán bộ từ trung ương tới địa phương. Để đạt được mục tiêu đó, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và đối với bản thân của mỗi một đảng viên.

Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nỗ lực tham gia các khóa học đào tạo bồi dưỡng và tự trao dồi năng lực làm việc trong môi trường quốc tế ngày càng sâu rộng. Ngoài những phẩm chất của một đảng viên, một cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải trau dồi thêm các tiêu chí về năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, cụ thể là:

Thứ nhất, có kiến thức, kỹ năng chuyên môn tiếp cận chuẩn mực tri thức tiên tiến trên thế giới, có năng lực cập nhật các kiến thức mới và kỹ năng chuyên môn theo đúng xu hướng của thế giới

Thứ hai, nắm vững và vận dụng phù hợp pháp luật, quy định và thông lệ quốc tế khi làm việc trong môi trường quốc tế, làm việc với đối tác song phương và đa phương

Thứ ba, cần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng như tôn trọng giá trị văn hóa của đối tác; có đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm, liêm chính và chuyên nghiệp

Thứ tư, có tư duy mở và tư duy phản biện tạo cơ hội tương tác, tranh luận, phản biện và đàm phán, thương lượng quốc tế bảo đảm quyền lợi của Đảng, dân tộc, quốc gia cũng như tôn trọng lợi ích của đối tác

Thứ năm, thông thạo ngoại ngữ, tin học để phục vụ tốt cho công việc vì đây là hai công cụ trợ giúp tích cực trong kết nối và làm việc quốc tế, đảm bảo công việc với đối tác nước ngoài diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.

 

TS. Nguyễn Thị Thắm

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

 

 



[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII

0thảo luận