Trang chủ

Kỹ phòng, kỹ nữ Joseon trong tranh phong tục của Shin Yun Bok (1758 ~?)

Đăng ngày: 12-04-2023, 12:10 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 1

Nguyễn Thị Thu Hà1

Tóm tắt: Hội họa là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng và phổ biến nhất. Nó không chỉ là đối tượng để cảm thụ đơn thuần mà còn là tư liệu thể hiện nền văn hóa của địa phương, một đất nước, một châu lục… Do đó, khi nghiên cứu Hàn Quốc, tranh vẽ Hàn Quốc được xem là tư liệu nghiên cứu cụ thể và đảm bảo độ tin cậy cao. Tranh phong tục là tranh vẽ cảnh sinh hoạt của con người đúng với thời đại đó. Bài viết` khảo sát một số bức tranh phong tục của họa sĩ Shin Yun Bok (1758~?) nhằm tìm hiểu đời sống của giới quý tộc và kỹ nữ và từ đó nhận biết về văn hóa giải trí của Hàn Quốc giai đoạn hậu kỳ Joseon (1700~1850).

Từ khóa: Shin Yun Bok, tranh phong tục, kỹ nữ, kỳ phòng, hậu kỳ Joseon


1. Đặt vấn đề

Tranh phong tục là thuật ngữ dùng để chỉ tranh vẽ về những cảnh sinh hoạt đời thường hoặc có tính chất kể chuyện. Nhân vật của tranh phong tục là những người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội hoạt động trong môi trường riêng của họ, của một địa phương, một đất nước[2]

Tranh phong tục là tranh vẽ cảnh sinh hoạt của con người đúng với thời đại đó. Tranh phong tục được phân loại khác nhau tùy thuộc vào tiêu chí phân loại. An Hwu Jun (1998) đã phân loại theo tiêu chí chia phong tục thành nghĩa rộng và nghĩa hẹp, kết quả là tranh phong phục ở nghĩa rộng bao gồm tranh về các sự kiện của con người, cách ăn mặc như quan phục, lễ phục trong cung, quan lễ hay y phục trong cung và hoàng thất, ngoài ra còn có tranh miêu tả các cảnh sinh hoạt đa dạng hay phong tục theo mùa, quan hôn tang tế, tín ngưỡng dân gian, trò chơi truyền thống của thường dân như là chất liệu biểu hiện các hiện tượng diễn ra trong cuộc sống[3]. Tranh phong tục ở nghĩa hẹp được hiểu với khái niệm tục họa. Trước nửa cuối thời đại Joseon, khái niệm tục họa - tranh phong tục, mang nghĩ là tranh miêu tả “những thứ thô tục, tầm thường”[4]. Như vậy, có thể xem tranh phong tục là tranh vẽ cảnh sinh hoạt hay các tập tục lưu truyền từ trước của thời đại đó.

Bên cạnh đó, từ điển bách khoa văn hóa dân tộc Hàn Quốc chia tranh phong tục hậu kỳ Joseon (1700~1850) thành tranh phong tục phản ánh ý niệm của quốc gia theo từng chủ đề, tranh phong tục đời sống phong lưu và sở thích tao nhã của văn hóa quý tộc, tranh phong tục khắc họa đời sống thường nhật, giải trí, lao động của thường dân và tranh phong tục khắc họa tín ngưỡng và cầu phúc của con người[5].

Ở phân khúc tranh phong tục đời sống phong lưu và sở thích tao nhã của văn hóa quý tộc, có thể nói tranh của Shin Yun Bok (1758~?) nổi bật và đặc sắc nhất khi vừa khắc họa chân thật hiện thực đời sống sinh hoạt hưởng lạc của giới tứ đại phu, vừa cho thấy nét hai mặt trái ngược của tứ đại phu chẳng thể nhìn thấy ở tranh của các họa sĩ khác. Là một trong ba họa sĩ nổi tiếng nhất giai đoạn hậu kỳ Joseon, thế nên tranh của Shin Yun Bok được rất nhiều học giả Hàn Quốc quan tâm và nghiên cứu. Theo Cổng thông tin nghiên cứu học thuật Hàn Quốc, hiện có 792 công trình nghiên cứu về tranh của Shin Yun Bok với 117 bài báo tạp chí khoa học Hàn Quốc; 255 luận văn, luận án; 399 sách, 17 báo cáo nghiên cứu và 4 bản ghi âm buổi thuyết giảng. Tuy nhiên, trong tổng số rất nhiều công trình nghiên cứu này, nghiên cứu về văn hóa giải trí, cụ thể là văn hóa giải trí của giới quý tộc Joseon qua tranh của Shin Yun Bok hiện chỉ dừng ở nghiên cứu của Jeong Hye Yun (2014). Jeong Hye Yun (2014) phân loại các tác phẩm này thành 6 chủ đề: (1) quan hệ hẹn hò, (2) phong tục kỹ phòng, kỹ nữ, (3) văn hóa trò chơi giải trí phong lưu, (4) ám thị tính dục, (5) đời sống thường nhật và (6) chùa chiền, tăng lữ… để phân tích đặc trưng của văn hóa giải trí trong xã hội Joseon hậu kỳ trước khi nêu bật ý nghĩa mỹ thuật của tác phẩm. Bên cạnh điểm mạnh khi phân tích tổng thể cả 30 bức tranh của Tuyển tập tranh phong tục Hyewon để có thể đưa ra cái nhìn toàn diện và đa chiều, nghiên cứu của Jeong Hye Yun tồn tại điểm hạn chế khi từng chủ đề mới chỉ được khái quát mà chưa được phân tích sâu. Trên cơ sở tham khảo các nghiên cứu đi trước, bài viết này giới hạn phạm vi đối tượng nghiên cứu cụ thể để có thể thực hiện những quan sát tỉ mỉ và phân tích sâu sắc hơn về một chủ đề thống nhất: tranh phong tục kỹ phòng, kỹ nữ. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả lựa chọn những bức tranh miêu tả cảnh kỹ phòng, kỹ nữ trong Tuyển tập tranh phong tục Hyewon là 05 bức tranh, gồm Hồng lâu đãi tửu, Thanh lâu tiêu nhật, Kỹ phòng vô sự, Dạ cấm mạo hànhDu khoác tranh hùng để tìm hiểu về đời sống của kỹ nữ cũng như văn hóa giải trí của giai cấp quý tộc lưỡng ban[6] thời Joseon hậu kỳ.

Hơn nữa, nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam đến nay được tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau, nhưng cách tiếp cận thông qua hội họa còn rất hiếm. Vì thế, nghiên cứu thông qua hội họa để nhìn văn hóa Hàn Quốc này sẽ góp phần tiếp cận văn hóa Hàn Quốc một cách đa chiều hơn khi nghiên cứu Hàn Quốc học ở Việt Nam.

2. Shin Yun Bok và tuyển tập tranh phong tục Hyewon

Shin Yun Bok (Thân Nhuận Phúc), hiệu Hyewon sinh năm 1758 (năm Yeong-jo 34). Cha đẻ Shin Han Pyeong và ông nội của ông đều là họa viên (họa sĩ) của Đồ họa thự[7], đặc biệt Shin Han Pyeong còn tham gia vẽ chân dung của vua Yeong-jo, vua Jeong-jo và thể hiện tài năng thiên bẩm trong không chỉ tranh chân dung mà còn tranh hoa cỏ. Có lẽ Shin Yun Bok được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hội họa như vậy nên ông được tiếp xúc với tranh vẽ từ rất sớm và cuối cùng cũng trở thành họa viên.

Cùng với Kim Hong Do và Kim Deul Shin, Shin Yun Bok là một trong 03 họa sĩ tiêu biểu nhất thời đại Joseon. Ngoài tranh phong tục, ông còn thể hiện tài năng trong tranh sơn thủy và linh mao theo phong cách hội họa Nam tông. Ông cũng chịu ảnh hưởng lớn với Kim Hong Do – người vừa là tiền bối, vừa là họa sĩ được công nhận là thiên tài thời đó. Thế nhưng Shin vẫn có phong cách hội họa của riêng mình và có những bức tranh phong tục độc đáo ngang tài ngang sức với Kim Hong Do.

Thông qua tranh phong tục, Shin Yun Bok đã khắc họa đời sống hiện thực và nhấn mạnh nét phong lưu đào hoa, sự hài hước hơn là tố cáo hay phê phán thời đại. Ông đã dũng cảm thể hiện lối sống tình dục nam nữ trong bầu không khí xã hội phong kiến giai đoạn đó, nhờ đó mà ngày nay chúng ta mới có thể hiểu một phần mặt trái đã bị che giấu của phong tục xã hội thời Joseon. Shin để lại cho làng hội họa Hàn Quốc rất nhiều tác phẩm kinh điển, trong đó tiêu biểu có Tuyển tập tranh phong tục Hyewon – di sản văn hóa số 135 của Hàn Quốc.

Tuyển tập tranh phong tục Hyewon của Shin Yun Bok gồm 30 bức là Nguyệt dạ mật hội, Song kiếm đối vũ, Ly phụ đam xuân, Thưởng xuân dã hứng, Thiếu niên tiễn hồng, Sảnh cầm thưởng liên, Dạ cấm mạo hành, Chu du thành giang, Kỹ phòng vô sự, Tửu dị cử bôi, Nạp lương mạn hứng, Đoạn ngọ phong tình, Song lục tam mạt, Du khoác tranh hùng, Lâm hạ đậu hồ, Nguyệt hạ tình nhân, Thanh lâu tiêu nhật, Phiêu mẫu phùng tầm, Hồng lâu đãi tửu, Khê biên giai thoại, Tỉnh biên dạ thoại, Tam thu giai duyên, Lộ thượng thác bát, Vu nữ thần vũ, Niên tiểu đạp thanh, Huê kỹ đạp phong, Xuân sắc mãn viên, Văn chung tầm tự, Ni tăng nghinh kỹ, Lộ trọng tương phùng. Được công nhận là Quốc bảo số 135 của Hàn Quốc vào ngày 20 tháng 4 năm 1992, tập tranh đều là tranh màu nhạt trên giấy, có kích thước 28,3x35,2 cm và hiện tất cả được trưng bày tại Viện bảo tàng Gansong, Seoul, Hàn Quốc.

3. Kỹ phòng, kỹ nữ Joseon trong tranh của Shin Yun Bok[8]

Phong cảnh kỹ phòng là đề tài vẽ không thể bỏ sót trong tác phẩm của Shin Yun Bok. Trong các bức vẽ cảnh kỹ phòng của Shin, chúng ta có thể nhìn thấy không chỉ kỹ nữ - một hình tượng chưa từng được xuất hiện trong hội họa Hàn Quốc trước đây, mà còn thấy cả các khách hàng đủ mọi giai tầng. Tác phẩm của ông gián tiếp cho chúng ta thấy hình ảnh đời sống thường nhật của hầu hết các đại diện giai cấp trong xã hội Joseon từ giới quý tộc lưỡng ban, giai cấp trung lưu, võ quan hạ cấp như biệt giám, nô lệ giúp việc đến kỹ nữ già nua.

Trong Tuyển tập tranh phong tục Hyewon của Shin Yun Bok, tác phẩm khắc họa đời sống văn hóa giải trí của lưỡng ban và phong tục kỹ phòng, kỹ nữ có Hồng lâu đãi tửu, Thanh lâu tiêu nhật, Kỹ phòng vô sự, Dạ cấm mạo hànhDu khoác tranh hùng. Năm tác phẩm này là những ví dụ phù hợp giải thích cho phong tục của Hanyang nói chung và phong tục kỹ phòng nói riêng vào giai đoạn trật tự thân phận trong xã hội Joseon hậu kỳ trở nên lỏng lẻo, buông thả.

3.1. Cảnh tiếp khách ở quán rượu

Thanh lâu (lầu xanh) là kỹ phòng bán thân, còn hồng lâu là kỹ phòng chỉ phục vụ rượu. Hồng lâu đãi tửu của Shin Yun Bok khắc họa khoảnh khắc những lưỡng ban chưa có rượu uống đang ngồi đợi rượu trong trạng thái “ngượng ngùng” ở kỹ phòng tồi tàn. Quan sát tranh 1, hình ảnh một mái nhà tranh hơi xiêu vẹo cho thấy đây là một kỹ phòng bình dân. Bên cánh cửa hông cạnh nhà có một người phụ nữ cầm bình rượu đi vào, vậy ta có thể đoán được người phụ nữ này là gái bán rượu và cô mới đi mua rượu bên ngoài về. Có thể nói kỹ phòng này là “kỹ phòng không được cấp phép” dành cho những đối tượng là lưỡng ban có tài chính hơi kém cỏi. Trên bậc thềm đá vào phòng có hai đôi giày nam và một đôi giày nữ, dường như cô gái trẻ này được gọi từ bên ngoài vào làm thêm. Hai lưỡng ban đội mũ gat là khách hàng, còn người đàn ông không đội mũ gat nhiều khả năng là chồng của cô gái bán rượu đang đi vào theo lối cửa hông.

 

 

Tranh 1: Hồng lâu đãi tửu

 

Tranh 2: Thanh lâu tiêu nhật

 

Bức tranh Hồng lâu đãi tửu của Shin Yun Bok tái hiện cảnh một quán rượu bình dân giữa thời đại nhiễu nhương sắp suy tàn của triều đại Joseon – thời kỳ có thể dễ dàng nhìn thấy rất nhiều quán rượu trên đường phố Hanyang. Bức tranh này cho chúng ta biết ở thời kỳ này, việc vui đùa, giải trí với các kỹ nữ không chỉ dành cho mình giới quý tộc lưỡng ban cấp cao nữa, mà ngay cả những lưỡng ban hạ cấp cũng có thể thỏa sức vui chơi. Trang phục của phụ nữ Joseon cũng được Shin khắc họa rõ nét trong bức tranh này. Trang phục của người phụ nữ bán rượu là hanbok với áo jeogori và váy ngang ống đồng, bên trong váy cô còn mặc một chiếc quần rộng. Nhìn trang phục, chúng ta có thể nhận biết người phụ nữ bán rượu thuộc tầng lớp bình dân. Cũng mặc hanbok giống cô gái bán rượu nhưng hanbok của cô gái kỹ nữ trông lộng lẫy và thướt tha hơn với chiếc váy vừa dài vừa bồng che kín gót chân. Cả hai người phụ nữ trong bức tranh đều đội tóc giả gache. Trào lưu đội tóc giả này xuất hiện ở bán đảo Hàn từ thời Tam Quốc, bắt nguồn từ đất Tân La (Silla). Để có được kiểu tóc vấn sang trọng đi kèm trang sức châu ngọc nhiều màu rực rỡ, phụ nữ từ thời đó đã bắt đầu dùng tóc giả. Trào lưu đội tóc giả này thật sự nở rộ và đạt đến đỉnh cao vào thời Joseon khi bất kỳ cô gái nào cũng nhất định phải có cho mình một gache. Mỗi một kiểu tóc sẽ có cách tết gache và trang sức đi kèm khác nhau. Kiểu tóc càng sang trọng sẽ có gache tết cầu kì kèm trang sức quý giá, chỉ có giới quý tộc mới đủ điều kiện để mang, vì vậy mà mái tóc ở thời Joseon cũng là một “phương tiện” để đoán biết xuất thân, tầng lớp của một người [9]. Ở đây, trên gache của cô gái bán rượu và cô gái kỹ nữ đều không thấy một chút trang sức trang trí nào, điều này cho chúng ta biết hai người phụ nữ này đều thuộc giai cấp tiện dân – giai cấp thấp nhất ở thời Joseon.

3.2. Cảnh giết thời gian ở lầu xanh

Thanh lâu tiêu nhật (tranh 2), tức tiêu khiển thời gian thanh thiên bạch nhật ở thanh lâu. Khắc họa một khoảnh khắc nơi kỹ phòng, trong tranh 2 xuất hiện bốn nhân vật là một người đàn ông lưỡng ban đội mũ đãng cân [10], một người phụ nữ đội tóc giả gache đang cầm sinh hoàng [11] trên tay, một người phụ nữ đầu đội nón có vóc người mảnh mai liễu yếu đào tơ mới đi công chuyện bên ngoài về và một cậu thanh niên tóc tết đuôi sam đi theo sau người phụ nữ đội nón. Nhìn cách ăn vận và kiểu tóc của hai người phụ nữ, ta có thể nhận biết cả hai cô đều là kỹ nữ. Kỹ nữ vấn gache và lưỡng ban đều mở to mắt nhìn thẳng vào cô kỹ nữ đội nón. Cô kỹ nữ đội nón nâng chiếc nón một cách thư thái và cười nhẹ bằng mắt thay cho lời chào.

Người đàn ông quý tộc lưỡng ban thì ngồi bên trong phòng, trong khi cô kỹ nữ đội gache không vào bên trong phòng mà ngồi ngay ngoài hiên nhà. Điều này cho chúng ta biết rằng người đàn ông không phải là khách của cô kỹ nữ này, hoặc cô kỹ nữ này không được người khách lựa chọn. Trên bậc thềm đá, chúng ta chỉ thấy duy nhất một đôi giày nữ. Chi tiết này giúp ta có thể suy luận rằng, người đàn ông lưỡng ban vừa bước vào lầu xanh là liền đến phòng ở của các kỹ nữ ở vườn sau để kiểm tra liệu kỹ nữ quen phục vụ mình có trống lịch hay không, rồi mới đi vào căn phòng này thông qua cửa sau. Chính vì lẽ đó nên chúng ta không thấy đôi giày nam nào ở trên thềm đá. Gương mặt của lưỡng ban đỏ ửng chứng tỏ ông đã ở đây kha khá lâu rồi.

Phía sau cô kỹ nữ mới về thanh lâu là một cậu thanh niên tết tóc đuôi sam đang nhìn toàn cảnh của tình huống này. Hình ảnh này mơ hồ tạo cho bức tranh một vẻ gì đó căng thẳng. Tình huống trong tranh 2 đã tái hiện một cảnh thường nhật nơi kỹ phòng Joseon, nơi giai cấp lưỡng ban được giải trí vui đùa tự do cùng kỹ nữ, kể cả ban ngày.

3.3. Cảnh đôi nam nữ giả như không có chuyện gì ở kỹ phòng

Nếu phân tích tiêu đề của Kỹ phòng vô sự (tranh 3) theo nghĩa đen thì nó có nghĩa là không có bất cứ việc gì xảy ra ở kỹ phòng. Tiêu đề trái lại lại ám chỉ có chuyện gì đó đã xảy ra ở kỹ phòng. Liệu là chuyện gì nhỉ? Tưởng tượng tình huống xảy ra trước đó là một cách cảm thụ thú vị của bức tranh này. Tình huống bức tranh miêu tả lại chứng tỏ chắc chắn đã có việc gì đó xảy ra ở đây. Shin Yun Bok đã khắc họa một tình huống thú vị khi cho hai nhân vật ở trong phòng giả vờ như không có bất cứ chuyện gì xảy ra khi thực tế đã có chuyện xảy ra. Qua việc rèm được buông thì đây là ngày hè nóng, lớp mái nhà là nhà tranh nên có vẻ không phải là kỹ viện quy mô lớn. Trong tranh có hai kỹ nữ, một mới đi việc bên ngoài về và một vẫn chưa kịp vấn tóc mà đang xoa bóp bên trên tấm chăn đắp lên thân dưới của người khách ngay giữa ngày hè oi ả. Tình huống mà Shin miêu tả này khiến người thưởng tranh vô cùng tò mò: tại sao lại đắp chăn giữa mùa hè? Quan sát bức tranh, ta có thể liên tưởng rằng đôi nam nữ đang làm việc gì đó trong phòng thì bỗng hoảng hốt vì nghe thấy tiếng người bước vào. Người phụ nữ trong phòng là kỹ nữ bán thân còn người đàn ông là khách hàng tìm tới kỹ nữ để mua vui. Đột nhiên, bên ngoài có một kỹ nữ khác bước vào, có lẽ vì có người đi vào nên người đàn ông đã vội lấy chăn che thân dưới ở trần của mình. Còn cô kỹ nữ váy đỏ thì bị hút hồn vào thân dưới vị khách như thể bị thôi miên mà không có thời gian để xếp gọn đàn gayageum bởi cử chỉ tay của vị khách. Nhưng lúc đó, họ nghe thấy tiếng động của kỹ nữ khách quen đi công việc bên ngoài về. Lật đật lấy chăn che thân dưới rồi giả vờ xoa bóp, nhưng chiếc đàn gayageum bị đổ và sự ngượng ngùng của việc đắp chăn vào ngày nóng nực trong một căn phòng cho thấy thật khó nói rằng đã không xảy ra bất cứ việc gì.

 

Tranh 3: Kỹ phòng vô sự
Tranh 4: Dạ cấm mạo hành
Cô kỹ nữ mới bước vào nhà trong tranh 3 có cách ăn vận tương tự như cô kỹ nữ mới bước vào nhà trong tranh 2. Cả hai đều mặc hanbok cùng một chiếc quần dài bên trong, đầu đều đội khăn vấn garima trước khi đội thêm nón lên trên để đi ra ngoài. Nón có khung được làm từ tre và dán giấy dầu lên trên dùng để che mưa và che nắng. Ở đây, chúng ta có thể nhìn thấy điểm tương đồng trong văn hóa ứng phó với môi trường tự nhiên của người Hàn Quốc và người Việt Nam. Người dân của hai nước đã tận dụng cây tre để làm nên chiếc nón che mưa, che nắng, quạt mát vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông. Ngoài điểm tương đồng về chất liệu tre cũng như công dụng thì vẫn có sự khác nhau ở kiểu dáng. Nếu nón của người Việt Nam là hình chóp nhọn, thì nón của người Hàn Quốc lại có đỉnh dẹt như chiếc mũ hiện đại; và nếu nón của người Việt Nam làm bằng các loại lá khác nhau như lá cọ, lá buông, rơm, tre… thì nón của người Hàn Quốc được làm bằng giấy dầu.

 

 

3.4. Cảnh giao dịch gọi kỹ nữ mua vui trong đêm

Dạ cấm mạo hành (tranh 4) vẽ cảnh giao dịch ngã giá để gọi kỹ nữ mua vui trong đêm. Thời Joseon, ở trong đô thành Hanyang thực hiện chế độ cấm đi lại vào ban đêm. Trong thời gian cấm thông hành, tuần la quân đi vòng quanh bên trong đô thành để bắt những người vi phạm về tạm giam tới tận khi có 33 tiếng chuông báo hiệu kết thúc giờ giới nghiêm. Sau đó, doanh môn tướng thần dẫn những người bị bắt về nhà đánh mỗi người 10 trượng. Trong tranh 4, người bị tuần la quân thẩm vấn dường như là lưỡng ban có phẩm vị tương đối cao nhưng kỹ nữ thì không như vậy nên có vẻ ông đang ở tình thế không dễ được “nhắm mắt cho qua”, mà ông còn cúi đầu xin lỗi tuần la quân một cách không phù hợp với thể diện lưỡng ban. Là người thuộc Võ nghệ sảnh – quan nha hộ uý vua thời Joseon, có lẽ vì thế nên trông tuần la quân mặc trang phục màu đỏ rực thật đằng đằng khí thế.

Biết rõ mình đang gặp vấn đề, nhưng không có gì bám víu nên cô kỹ nữ đặt tay lên eo và chỉ mải hút thuốc, ánh mắt cô như thể chỉ liếc trộm mọi chuyện xung quanh. Đồng tử cầm đèn lồng đi trước có nét mặt tiu nghỉu nên chắc hẳn có điều gì mờ ám ở đây. Nhìn vầng trăng khuyết ở bầu trời phía đông thì có vẻ lúc đó là đêm cuối tháng âm lịch sắp qua và rạng sáng sắp tới, nhìn trang phục của bốn nhân vật thì có vẻ lúc đó là mùa đông lạnh. Người kỹ nữ mặc quần bông trần với áo jeogori bông, còn người đàn ông lưỡng ban thì mặc quần bông với áo jeogori bông trần. Cả hai đều đeo găng tay lông được may nhồi da thú. Từ trang phục của họ, ta có thể thấy được sự thông thái trong việc đối phó với cái lạnh của người Hàn Quốc từ thời Joseon. Dưới mũ gat của tuần la quân và lưỡng ban còn có một lớp khăn làm mũ chống rét. Khăn chống rét của tuần la quân trộn màu xanh lam và màu nâu tạo thành màu phối tốt cho phần nối màu vàng và sợi dây lủng lẳng màu đỏ. Quần áo của tuần la quân rực rỡ với nhiều lớp quần áo nhiều màu khác nhau. Khăn chống rét của lưỡng ban mà đồng tử đang cầm có màu sắc trang nhã, bọc lông thú trên màu đen. Cùng với miếng lưới búi tóc được dùng đỡ chiếc mũ gat, những phụ kiện này thể hiện rõ địa vị xã hội của lưỡng ban.

3.5. Cảnh đàn ông đánh nhau vì kỹ nữ ở lầu xanh

Du khoác tranh hùng (tranh 5) là bức tranh vẽ cảnh hỗn chiến giữa các lưỡng ban vì một kỹ nữ xảy ra ngay trước cổng kỹ phòng. Quan sát bức tranh ta thấy có tất cả sáu nhân vật, từ trái qua phải gồm lưỡng ban đội mũ gat, lưỡng ban trẻ tham gia cuộc ẩu đả, biệt giám Võ đại sảnh mặc trang phục màu đỏ, lưỡng ban trung niên, kỹ nữ và bạn đồng nghiệp của lưỡng ban trung niên.

Ở nơi có nhiều đàn ông thanh niên thì thường xuyên xảy ra những chuyện kỳ lạ ồn ào nhưng đặc biệt ở thanh lâu hay quán rượu, những cuộc ẩu đả là chuyện như cơm bữa mà ai cũng biết. Có lẽ tình huống được khắc họa trong tranh 5 cũng là một cuộc ẩu đả. Nhìn cách phục trang của người phụ nữ chạy đuổi theo ra tới tận ngoài cổng chính để theo dõi cuộc ẩu đả của những người đàn ông thì có vẻ đây là quán lầu xanh. Ở góc phải bức tranh là một người đàn ông có vẻ như là bạn đồng nghiệp của người đàn ông tham gia cuộc ẩu đả. Anh ta ngồi chồm hỗm, tay cầm mũ gat của bạn. Nhìn chiếc mũ gat với chóp mũ rơi khỏi vành mũ thì có thể đoán được họ đã đánh nhau khá nghiêm trọng. Người đàn ông vứt bỏ cả mũ gat, phanh áo ra và đang nạt nộ để lộ cả lớp thịt chảy sệ, ông ta ngửa mặt vênh váo như thách thức. Bên góc trái bức tranh là một nhà Nho có tài khẩu biện và biệt giám Võ nghệ sảnh đang tách người đàn ông trẻ ra can gián và xoa dịu, nhưng người đàn ông trẻ có vẻ như chẳng thể nguôi giận.

Tại sao hai người đàn ông này lại đánh nhau? Tình huống bức tranh miêu tả giúp chúng ta suy luận rằng, có lẽ hai người đang cùng tranh giành một kỹ nữ lầu xanh mà cả hai đều ưng mắt. Shin đã khắc họa một tình huống thường xảy ra ở chốn ăn chơi hưởng lạc. Bức tranh này của Shin cho chúng ta biết mặt trái của xã hội Joseon đề cao tư tưởng Nho giáo khiêm nhường nhưng đằng sau các học giả Nho giáo vẫn có thú vui nhục dục.

Tranh 5: Du khoác tranh hùng

 

Qua năm bức tranh thuộc chủ đề kỹ phòng, kỹ nữ của Shin Yun Bok, chúng ta nhận thấy nhân vật chính xuất hiện trong các bức tranh này là kỹ nữ và đàn ông lưỡng ban. Kỹ nữ thuộc giai cấp tiện dân – cấp thấp nhất trong các thứ bậc xã hội thời Joseon. Giai cấp này trước đó chưa từng được khắc họa trong hội họa Hàn Quốc, nhưng đến thời đại mà Shin sống là giai đoạn cuối của triều đại Joseon, hình tượng kỹ nữ lần đầu tiên đã được đưa vào hội họa. Điều này ngầm cho chúng ta biết, ở giai đoạn hậu kỳ Joseon, có thể nói kỹ phòng phát triển cực thịnh và kỹ nữ là một nghề phổ biến trong xã hội. Lưỡng ban, tức quan lại các cấp thuộc ban văn và ban võ là giai cấp thống trị ở thời đại Joseon. Lưỡng ban trước kia được nhớ đến với hình ảnh học thức và khiêm tốn, nhưng hình ảnh lưỡng ban trong tranh của Shin đã cho chúng ta thấy hình ảnh khác của giai cấp này.

4. Kết luận:

Tranh theo chủ đề kỹ phòng, kỹ nữ trong Tuyển tập tranh phong tục Hyewon gồm Hồng lâu đãi tửu, Thanh lâu tiêu nhật, Kỹ phòng vô sự, Dạ cấm mạo hànhDu khoác tranh hùng. Hồng lâu đãi tửu vẽ tình huống xảy ra ở một quán rượu tồi tàn, một kỹ nữ đang tiếp hai người khách và một cô gái có vẻ như là kỹ nữ có tuổi mới vừa đi mua rượu về. Thanh lâu tiêu nhật khắc họa cảnh một lưỡng ban tiêu khiển thời gian thanh thiên bạch nhật ở thanh lâu. Kỹ phòng vô sự vẽ một tình huống đáng xảy ra ở nơi lầu xanh nhưng đột ngột bị bắt gặp nên đương sự vờ như không có chuyện gì xảy ra. Dạ cấm mạo hành vẽ cảnh giao dịch ngã giá để gọi kỹ nữ mua vui trong đêm. Du khoác tranh hùng là bức tranh vẽ cảnh hỗn chiến giữa các lưỡng ban vì một kỹ nữ xảy ra ngay trước cổng kỹ phòng. Năm bức tranh tái hiện năm tình huống khác nhau thường xảy ra nơi hồng lâu, thanh lâu thời hậu kỳ Joseon. Các kỹ nữ xuất hiện trong năm bức tranh cũng đa dạng từ kỹ nữ tiếp rượu đến kỹ nữ bán thân, kỹ nữ chơi đàn… Các lưỡng ban cũng có người địa vị cao, người địa vị thấp; kẻ có tiền kẻ không. Qua đây, chúng ta phần nào nhìn thấy được đời sống văn hóa giải trí của giới quý tộc lưỡng ban Joseon hậu kỳ đa dạng và có phần trụy lạc. Thực tế, ở giai đoạn cuối của triều đại Joseon, trên đường phố các quán rượu và kỹ phòng mọc lên san sát – đây có lẽ là bối cảnh khiến Shin khắc họa tình hình xã hội lúc đó vào tranh của mình. Chính nhờ những bức tranh tả thực sắc sảo của ông mà học giả và người xem hiện nay mới biết được rằng, trong xã hội Joseon phong kiến hà khắc bởi các phép tắc Nho giáo nghiêm ngặt, vẫn có những nhu cầu giải trí và tình cảm nhục dục nam nữ mãnh liệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Thu Hà (2020), “Đời sống lao động của người Hàn Quốc hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Kim Hong Do (1745-1806?)”, Tạp chí Đông Bắc Á, 2(228), 62-2. Nguyễn Thị Thu Hà (2021), “Đời sống sinh hoạt và phong tục thời Joseon trong tranh của Shin Yun Bok (1758~?)”, Tạp chí Hàn Quốc, 3(37), 38-43.

3. 안휘준 (1998), 한국회화의 전통, 문예출판사 (An Hwu Jun (1998), Truyền thống hội họa Hàn Quốc, Nxb Văn nghệ, Hàn Quốc).

4. 이영주 (2001), 신윤복의 속화에 나타난 에로티시즘적 특징 연구, 석사논문, 단국대학교 (Lee Yeong Ju (2001), Nghiên cứu đặc trưng mang tính chủ nghĩa dâm dục xuất hiện trong tục họa của Shin Yun Bok, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Danguk).

5. 정혜윤 (2014), 신윤복 풍속화에 내재된 풍류적 여가문화의 특징 연구 – “혜원전신첩 작품을 중심으로, 석사논문, 경희대학교 (Jeong Hye Yun (2014), Nghiên cứu đặc trưng của văn hóa giải trí phong lưu trong tranh phong tục Shin Yun Bok – giới hạn các tác phẩm của Tuyển tập tranh phong cảnh Hyewon, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kyunghee).

 



1. Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu

2. Theo https://vtudien.com/viet-trung/dictionary/nghia-cua-tu-tranh%20phong%20tục.

3. An Hwi Jun (1998), Truyền thống hội họa Hàn Quốc, Nxb Văn nghệ, tr. 139.

4. Lee Yeong Ju (2001), Nghiên cứu đặc trưng mang tính chủ nghĩa dâm dục xuất hiện trong tục họa của Shin Yun Bok, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Danguk, tr.14.

5.  Nguồn: Từ điển bách khoa văn hóa dân tộc Hàn Quốc, cuốn 23, pp643-646, Viện nghiên cứu văn hóa tinh thần Hàn Quốc, 1992, Seoul.

6. Giai cấp có địa vị thống trị thời Goryeo và Joseon.

7. Quan nha phụ trách hội họa thời Joseon.

8. Tất hình ảnh tranh phong tục của Shin Yun Bok trong bài viết này đều lấy nguồn từ www.naver.co.kr

10. Một trong những mũ quan mà quan lại cấp thấp được nhận đội, thuộc cấp thấp hơn mũ gat.

11. Một trong những nhạc cụ dùng trong nhã nhạc.

Kỹ phòng, kỹ nữ Joseon trong tranh phong tục

của Shin Yun Bok (1758 ~?)

Nguyễn Thị Thu Hà1

Tóm tắt: Hội họa là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng và phổ biến nhất. Nó không chỉ là đối tượng để cảm thụ đơn thuần mà còn là tư liệu thể hiện nền văn hóa của địa phương, một đất nước, một châu lục… Do đó, khi nghiên cứu Hàn Quốc, tranh vẽ Hàn Quốc được xem là tư liệu nghiên cứu cụ thể và đảm bảo độ tin cậy cao. Tranh phong tục là tranh vẽ cảnh sinh hoạt của con người đúng với thời đại đó. Bài viết` khảo sát một số bức tranh phong tục của họa sĩ Shin Yun Bok (1758~?) nhằm tìm hiểu đời sống của giới quý tộc và kỹ nữ và từ đó nhận biết về văn hóa giải trí của Hàn Quốc giai đoạn hậu kỳ Joseon (1700~1850).

Từ khóa: Shin Yun Bok, tranh phong tục, kỹ nữ, kỳ phòng, hậu kỳ Joseon


1. Đặt vấn đề

0thảo luận