Trang chủ

Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok

Đăng ngày: 10-04-2023, 10:26 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 1

Nguyễn Thị Trang1

 

Tóm tắt: Hội họa là một trong những hướng tiếp cận đa chiều khi nghiên cứu về đời sống kinh tế- xã hội của một thời đại từng tồn tại trong lịch sử. Trong dòng chảy lịch sử hội họa của Joseon, tranh phong tục thời hậu kỳ đóng một vai trò quan trọng vào việc góp phần truyền tải những nét đẹp truyền thống dân tộc, phác họa đời sống con người ở nhiều phương diện khác nhau. Bài viết chọn lọc và phân tích một số bức tranh của Shin Yun Bok - một người vẽ tranh phong tục đại tài - để khái quát hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon ở các tầng lớp khác nhau, giúp độc giả hiểu thêm đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ dưới sự chi phối của tư tưởng Nho giáo.

Từ khóa: Hậu kỳ Joseon, tranh phong tục, Shin Yun Bok, yangban, kỹ nữ

1. Đặt vấn đề[1]

Joseon (1392-1910) là vương triều phát triển thịnh vượng, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong lịch sử bán đảo Triều Tiên. Trải qua gần 500 năm lịch sử, triều đại này đã để lại kho tàng tư liệu giá trị cho nhân loại đời sau học tập và nghiên cứu. Các học giả khi nghiên cứu về thời Joseon đã và đang tiếp cận tư liệu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lịch sử, kiến trúc, văn học, tôn giáo… Hội họa cũng là một trong những hướng tiếp cận có hiệu quả khi nghiên cứu về đời sống kinh tế - xã hội thời kỳ này. Một số học giả đi sâu nghiên cứu về tranh sơn thủy, tranh sinh hoạt, tranh phong tục của thời kỳ Joseon với nhiều cách hướng khác nhau để làm rõ về cảm thức, về đời sống sinh hoạt hay hoạt động kinh tế. Bài viết này tập trung vào tranh phong tục của Shin Yun Bok thời hậu kỳ Joseon để phác họa hình ảnh người phụ nữ các tầng lớp khác nhau ở các mặt như trang phục, đi lại, hoạt động giải trí, hoạt động sản xuất.

Tranh phong tục là một thể loại rất phát triển thời hậu kỳ Joseon. Tranh phong tục (풍속화) như Nguyễn Thị Thu Hà dẫn trong bài viết của mình, theo nghĩa rộng là “tranh về các sự kiện của con người, cách ăn mặc như quan tục, lễ phục trong cung, quan lễ hay y phục trong cung và hoàng thất”, “tranh miêu tả các cảnh sinh hoạt đa dạng hay phong tục theo mùa, quan hôn tang tế, tín ngưỡng dân gian, trò chơi truyền thống của thường dân”; theo nghĩa hẹp là “tranh vẽ những thứ thô tục, tầm thường… cảnh sinh hoạt hay các tập tục lưu truyền từ trước”[2].

Ba cây đại thụ về tranh phong tục thời Joseon là Kim Hong Do (김홍도), Kim Deuk Sin (김득신) và Shin Yun Bok (신윤복). Tìm hiểu tranh của ba họa sĩ đại tài này, có thể thấy đặc điểm của tranh phong tục thời kỳ này là: (1) mang phong cách riêng của bán đảo Hàn, từ chất liệu cho tới chủ đề; (2) phá bỏ những rào cản mang tính quy phạm Nho giáo thể hiện một cảnh rõ nét và chân thực cảnh sinh hoạt của người dân từ tầng lớp quý tộc tới tầng lớp tiện dân. Dưới đây là kết quả nghiên cứu về đời sống phụ nữ thời hậu kỳ Joseon thông qua tranh phong tục của Shin Yun Bok.

2. Shin Yun Bok và bộ tranh phong tục

2.1. Giới thiệu tác giả

Shin Yun Bok (1758-?) sinh tại Goryeong (고령) thuộc tỉnh Gyeongbuk, tự là Lạp Phủ (입보), hiệu là Huệ Viên (혜원). Shin Yun Bok là con trai của Shin Han Pyeong (신한평), một thành viên của Đồ họa thự (도화서), người từng ba lần vẽ ngự chân (chân dung vua) đương thời. Ông có tài năng trong lĩnh vực vẽ tranh phong tục, sau này là tranh sơn thủy (산수화) và tranh linh mao (영모화/thú và chim).

Tranh phong tục của Shin Yun Bok tập trung vào đề tài quan hệ tình ái nam - nữ và sinh hoạt phóng túng của tầng lớp yangban (양반/quý tộc văn võ). Đặc biệt, tranh ông thường xuất hiện hình ảnh kỹ nữ trong các kỹ bang/kỹ viện (기방/교방) cùng với những thói ăn chơi trụy lạc của các quan lại - một bước đột phá chưa từng có lúc bấy giờ. Điều đó đã góp phần phản ánh hiện thực xã hội mục ruỗng thời hậu kỳ Joseon. Để làm nổi bật các chủ đề đó, ông dùng các nét vẽ thanh mảnh, nhỏ kết hợp với màu sắc tinh tế trong trang phục của nhân vật. Ông cũng dùng kỹ thuật lấy khung bối cảnh (tường gạch, khung nhà…) được giới nghiên cứu cho là với tỷ lệ rất sát thực tế, những biểu cảm tỉ mỉ trên khuôn mặt của nhân vật để nhấn mạnh ý đồ của bức tranh. Vì thế, khác với tranh của Kim Hong Do trông gần gũi và thân thuộc, tranh của Shin Yun Bok tinh tế và thanh thoát hơn. Những thế mạnh riêng đó đã góp phần nuôi sống và phát triển tài năng vẽ tranh phong tục của các họa sĩ thời kỳ này.

2.2. Giới thiệu bộ tranh

Tranh của Shin Yun Bok để lại không còn nhiều, gồm bức “Mỹ nhân đồ” (미인도), 6 bức trong Tuyển tập tranh nữ tục (여속도첩) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Trung ương quốc gia (국립중앙박물관) và 30 bức trong Tuyển tập tranh phong tục (풍속화첩) còn lưu giữ tại bảo tàng Mỹ thuật Kansong (간송미술박물관), quốc bảo số 135 của Hàn Quốc. Nhiều bức trong số những tranh nói trên này rất phổ biến và trở nên quen thuộc trong tâm thức người Hàn và những người nước ngoài quan tâm tới văn hóa Hàn Quốc như “Mỹ nhân đồ”, “Nguyệt dạ mật hội” (월야밀회), “Đoan Ngọ phong tình” (단오풍정), “Song kiếm đối vũ” (쌍검대무)… Bài viết này sẽ sử dụng một số bức tranh trong bộ sưu tập nói trên, kết hợp với những tư liệu lịch sử khác để phác họa hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon.

3. Hình ảnh phụ nữ hậu kỳ Joseon qua tranh Shin Yun Bok

3.1. Phụ nữ yangban và thường dân

Yangban là tầng lớp cao nhất cả về địa vị lẫn quyền lợi trong bốn tầng lớp xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên, họ phải chịu những ràng buộc khắt khe về quan niệm và tư tưởng của Nho giáo, đặc biệt là người phụ nữ. Tiểu học (소학), một tài liệu giáo huấn về lề thói và lễ nghi theo quan niệm Nho giáo ghi rõ những điều phụ nữ phải tuân theo như Tam tòng chi đạo[3] (삼종지도), Tứ hành[4] (사행), Thất cử chi ác[5] (칠거지악)… Tài liệu này cũng chỉ ra ranh giới cần tuân thủ nghiêm ngặt giữa đàn ông và phụ nữ, quy định về không gian sống, đi lại và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí bên ngoài của phụ nữ[6]. Một số tài liệu cũng viết: “phụ nữ yangban văn võ ngoài bố mẹ, anh em ruột, chị em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột, không được đi ra ngoài tự do cùng với những người khác”, “mỗi khi ra đường, họ phải mặc áo choàng dài che kín mặt và cơ thể, nếu có điều kiện thì nên ngồi kiệu che bốn hướng và luôn có nô tỳ đi cùng”[7]. Một số bức tranh của Shin Yun Bok cho thấy rất rõ điều đó[8].

Tranh 1 là bức “Nữ nhân mặc áo dài” thuộc bộ sưu tập Nữ tục đồ của Shin Yun Bok. Nổi bật trong bức tranh là một người phụ nữ mặc áo choàng màu xanh lá dài tới lưng gối, che gần hết cả khuôn mặt đang bước đi trên đường. Mặc dù không nhìn thấy rõ dây áo bên trong nhưng từ màu sắc của chiếc váy cùng đôi giày sang trọng, có thể phán đoán người phụ nữ thuộc tầng lớp yangban. Áo dài choàng bên ngoài là một trang phục cao cấp của thời Joseon, thông thường chỉ phụ nữ có điều kiện kinh tế mới có thể mặc.


Tranh 1: Nữ nhân mặc áo dài

 

Tranh 2 là bức “Nữ nhân mặc váy dài” vẽ phía sau một phụ nữ đi trên đường. Trang phục người phụ nữ này đang mặc là một loại váy choàng, hình dạng giống váy nhưng được may dài, thường được phụ nữ bình dân mặc lúc ra ngoài vào ban đêm. Phụ nữ mặc áo dài hay váy dài cũng xuất hiện trong một số bức tranh khác của Shin Yun Bok như “Nguyệt hạ tình nhân” (월하정인), “Nguyệt dạ mật hội (월야밀회), “Vấn chuông tầm tự” (문종심사).

 

Sau khi thành lập, nhà nước Joseon tôn Nho giáo làm quốc giáo và dùng tư tưởng Nho giáo làm ý niệm chính trị để cai trị đất nước. Vì thế, đạo Phật trước đây là quốc giáo đã bị đẩy lùi cùng những tín ngưỡng dân gian bản địa khác. Tuy nhiên, vì là một tôn giáo đã ăn sâu trong tiềm thức nên những tín đồ Phật giáo không dễ dàng từ bỏ, nhất là với phụ nữ khi họ phải đối mặt với những quan niệm và lễ nghi khắt khe của Nho giáo, họ càng tìm về với Phật giáo để mong được giải thoát tâm hồn. Trước tình trạng đó, triều đình đã đưa ra quy định “Nho sinh, phụ nữ lên chùa, cúng bái ngoài đồng, chơi trên núi hay bờ sông, cúng tế ở từ miếu,... sẽ bị phạt 100 trượng”[9]. Quy định này càng khống chế nghiêm ngặt việc lên chùa cúng bái hay thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng khác.


Tranh 2: Nữ nhân mặc váy dài
Tranh 3 là bức “Vấn chuông tầm tự” (문종심사) nổi bật hình ảnh một phụ nữ yangban ngồi trên lưng ngựa với trang phục sang trọng, phía trước có người dắt ngựa, phía sau có thêm một cô gái hầu hạ đi theo. Họ đang đi tới một lối mòn, mặc dù không nhìn thấy chùa nhưng qua câu chữ để lại trên bức tranh: “Rừng thông rậm rạp không trông thấy chùa, chỉ nghe tiếng chuông vang trong thiên hạ” (소나무가 많아 절은 보이지 않고, 인간 세상에는 다만 종소리만 들린다), thêm hình ảnh một sư thầy ra tận lối vào đang cúi người chào, cũng có thể đoán được địa điểm người phụ nữ đang hướng tới.

Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok

 

Tranh 3: Vấn chuông tầm tự

Tranh 4 có tên “Vu nữ thần vũ” (무녀신무) miêu tả cảnh một vu nữ (무녀/thầy cúng) đang làm lễ hầu đồng[10] (굿) trên một mảnh sân nhỏ cạnh tường rào. Tham gia trong buổi lễ có hai người đàn ông đang sử dụng nhạc cụ phụ họa thêm cho vu nữ, những người phụ nữ khác ngồi xung quanh với những biểu cảm riêng của mình. Đặc biệt, bức tranh được nhấn bằng hình ảnh một phụ nữ trẻ mang khăn choàng màu đỏ đậm đang đưa mắt nhìn một người đàn ông phía sau hàng rào. Những bức tranh như thế này đã chứng tỏ dù bị cấm đoán, phụ nữ vẫn cố tìm tới những nơi họ trao gửi niềm tin.

Thời Joseon, chính tiết của phụ nữ rất được coi trọng. Mặc dù đó là một trong những mỹ đức của người phụ nữ từ lâu đời nhưng thời Joseon lại pháp luật hóa quan niệm đó và cho ra đời luật cấm cải giá và chính sách khuyến khích phụ nữ thủ tiết. Vua Sejong (세종) năm thứ 16 (1434) đã lệnh cho điều tra những người phụ nữ tiết liệt, phong danh hiệu Liệt nữ và đưa vào Tam cương hành thực đồ (삼강행실도)[11] để ngợi khen và giáo hóa đức trinh tiết của người phụ nữ cho bách tính. Vua Seongjong (성종) năm thứ 8 (1465) ban hành quy định cấm cải giá, đến năm 1485 chính thức đưa chính tiết của phụ nữ vào Kinh quốc đại điển (경국대전)[12]. Nếu phụ nữ yangban cải giá trên 3 lần sẽ bị đưa vào Tư nữ án[13] và con cháu họ sẽ bị hạn chế con đường quan lộ. Vì quy định này, hậu kỳ Joseon có rất nhiều phụ nữ trẻ thủ tiết thờ chồng cho đến chết hoặc chết theo chồng khiến cho số lượng liệt nữ thời kỳ này tăng cao[14].

 

Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok

 

Tranh 4: Vu nữ thần vũ

Tranh 5 là bức “Ly phụ tham xuân” (이부탐춘) thể hiện khát vọng thanh xuân của một góa phụ trẻ. Đó là người phụ nữ ngồi bên trái, đầu đội gache (가채/tóc đội đầu của phụ nữ đã có chồng), mặc trang phục của phụ nữ để tang chồng (áo khoác bên ngoài jogori, dây thắt nơ goreum và váy đều màu trắng). Ngồi bên phải là một cô gái trẻ tóc dài, trang phục giống hầu gái. Hai nhân vật đang nhìn cảnh hai chú chó trước mặt giao phối với nhau bằng vẻ mặt hoàn toàn trái ngược. Người phụ nữ góa chồng quan sát bằng đôi mắt chăm chú, còn cô hầu gái tỏ vẻ bối rối và hốt hoảng. Bên cạnh gốc cây già cỗi và trơ trụi lá chỗ họ ngồi (tượng trưng cho thân phận góa phụ lúc này) còn có một cặp chim cũng đang đùa giỡn tình tứ với nhau; phía đối diện, cây đào mùa xuân đầy sức sống đang nở hoa khoe sắc. Bằng hình ảnh rất chân thật và những điểm nhấn tương phản tài tình, bức tranh đang phản ánh nỗi khổ của góa phụ thời Joseon khi họ buộc phải chọn con đường thủ tiết thờ chồng khi mất chồng ở tuổi còn xuân xanh mơn mởn.

Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok

Tranh 5: Ly phụ tham xuân

 

Tranh 6: Đường đi chợ
Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok
Tranh 7: Tửu tứ cử bôi

Phụ nữ Joseon còn gắn với hình ảnh nấu nướng dệt vải, chợ búa để chăm lo đời sống gia đình. Tranh 6 “Đường đi chợ” (장잣길) phác họa hai người phụ nữ bình dân: người phụ nữ trẻ bên trái đang đi theo hướng chính diện, đầu đội gache, trang phục dân dã của phụ nữ đã có gia đình, tay phải là một giỏ rau, trên đầu đội một thau cá, có vẻ trên đường đi chợ về; người phụ nữ bên trái quay lưng nên không nhìn rõ mặt, chỉ biết là một người lớn tuổi, đầu quấn tóc lên cao, tay phải cũng mang một giỏ đồ, trang phục bình thường. Hai người gặp nhau trên đường và đang chia sẻ cuộc trò chuyện. Tranh 7 có tên “Tửu tứ cử bôi” (주사거배/nâng chén trong quán rượu) phác họa cảnh nhộn nhịp của một quán rượu mùa xuân có nữ chủ quán đang ngồi múc rượu, cậu con trai hoặc người hầu đứng bên trái chờ bưng phụ. Năm người còn lại với trang phục khác nhau được phỏng đoán là những yangban cấp bậc khác nhau đang vừa trò chuyện vừa chờ mua hoặc uống rượu. Việc phụ nữ bình dân tham gia buôn bán ở thời kỳ này không còn xa lạ, chính họ là những người góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hóa thị trường phát triển vào cuối thời hậu kỳ.

3.2. Kỹ nữ và nô tỳ

Điều làm nên nét độc đáo và khác biệt trong tranh của Shin Yun Bok là hình ảnh kỹ nữ. Lý do ông đưa nhân vật này vào một cách thường xuyên được cho là: (i) thời còn trẻ, ông sống khá phóng túng, giao thiệp với rất nhiều kỹ nữ khác nhau, (ii) ông sử dụng hình ảnh kỹ nữ một cách có ý đồ để phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ[15]. Mặc dù phụ nữ bị cấm cải giá và được khuyến khích thủ tiết, đảm bảo chế độ hôn nhân một vợ - một chồng theo quy định nhưng thế lực cầm quyền, tức đàn ông lại tìm cách để bảo hộ cho những quy định liên quan tới kỹ nữ và và súc thiếp. Kỹ nữ (기녀/기생) thời Joseon là những người phụ nữ có tài năng và nhan sắc, được đào tạo bài bản để phục vụ giới quan lại ở triều đình hoặc địa phương, có khi còn đón tiếp sứ đoàn từ các nước khác. Kỹ nữ vừa có thân phận thấp kém vì bị coi là đối tượng mua vui và phục vụ tình dục cho đàn ông, lại vừa là những người được tự do thể hiện tài năng và tình cảm trong xã hội, khác với phụ nữ quý tộc dù thân phận cao quý nhưng lại bị ràng buộc trong các lễ nghi lề thói Nho giáo. Kỹ viện, nơi kỹ nữ sinh hoạt, là thế giới “phong lưu” có đủ thơ, rượu, ca, vũ và mỹ nhân khiến cho đàn ông khát khao tìm đến.

 

Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok

Tranh 8: Mỹ nhân đồ

Bức tranh nổi tiếng về kỹ nữ của Shin Yun Bok là “Mỹ nhân đồ” (tranh 8), quốc bảo số 1973 của Hàn Quốc. Đó là một kỹ nữ trẻ được ông vẽ rất tỉ mỉ từ đầu tóc tới trang phục, từ ánh mắt tới cử chỉ đôi tay. Qua bức tranh này, nhiều người cho rằng người phụ nữ có làn da trắng, mũi và miệng nhỏ, vai tròn được coi là vẻ đẹp lý tưởng của phụ nữ Joseon thời hậu kỳ.

Tranh 9 và tranh 10 phác họa hình ảnh kỹ phòng của kỹ nữ và đàn ông yangban. Tranh 9 mang tựa đề “Kỹ phòng vô sự” (기방무사/ không có chuyện gì xảy ra trong kỹ phòng) nhưng lại vẽ cảnh một người đàn ông yangban đang ngồi trên giường cùng một kỹ nữ với chiếc chăn đắp trên người vào ngày hè một cách đáng ngờ. Tranh 10 có tên “Thanh lâu tiêu nhật” (청루소일/tiêu khiển cả ngày ở thanh lâu) là hình ảnh một đàn ông yangban khuôn mặt đỏ gay trong kỹ phòng cùng với một kỹ nữ, mắt anh ta đang liếc nhìn một kỹ nữ đi ngang qua bên ngoài, người đang cố tình lấy nón che mặt nhưng vẫn mỉm cười với người đàn ông.

Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok
Tranh 9: Kỹ phòng vô sự

 

Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok
Tranh 10: Thanh lâu tiêu nhật

 

Tranh 11 và tranh 12 là những ví dụ cho các cuộc hội ngộ sắc tửu hay chu du tham quan ngắm cảnh của đàn ông yangban cùng với các kỹ nữ. Những nét vẽ cho thấy những hành vi rất khiếm nhã như ôm eo (tranh 11) hay nhìn mê mẩn vào khuôn mặt kỹ nữ (tranh 12) thể hiện tình cảm thân mật vượt quá mức một mối quan hệ nam nữ thông thường. Tuy nhiên, điều này lại được xem hành vi phong lưu mã thượng, thể hiện cá tính của đàn ông thời kỳ này.

Nô tỳ - hầu gái cũng xuất hiện trong tranh của Shin Yun Bok với hình ảnh rất bé nhỏ. Thời kỳ này vẫn còn giữ chế độ nô lệ hầu hạ cho các yangban quyền thế và họ là tầng lớp đáy bần cùng của xã hội. Nét vẽ của ông thường khiêm tốn khi phác họa những nhân vật này bên cạnh đàn ông hay phụ nữ yangban, kỹ nữ. Đó là hình ảnh cô hầu gái trong Vấn chuông tầm tự, Ly phụ tham xuân, Thanh lâu tiêu nhật, hay bức Dạ cấm mạo hành (야금모행/hành động mạo hiểm đêm cấm) và Tứ thì trường xuân (사시장춘) tranh 13 và 14.

Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok

 

Tranh 11: Thính cầm thưởng liên

 

Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok

 

Tranh 12: Chu du thanh giang

Hình ảnh người phụ nữ thời hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Shin Yun Bok

 

Tranh 13: Dạ cấm mạo hành

Tranh 14: Tứ thì trường xuân

 

Kết luận

Tranh phong tục của Shin Yun Bok khá phong phú, từ con người cho đến khung cảnh. Nhiều tầng lớp phụ nữ xuất hiện trong tranh ông với những sắc thái, cảm xúc khác nhau, kết hợp với trang phục và đầu tóc cho thấy những diện mạo phong phú và đa dạng của phụ nữ thời kỳ này. Thông qua những bức tranh của ông, người đời sau có thể biết về phong cách ăn mặc, đi lại, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí đến các hoạt động sản xuất của con người thời hậu kỳ Joseon, đặc biệt là người phụ nữ. Từ đó, người xem có thể khám phá thêm về những bí ẩn còn chưa được soi sáng của hậu kỳ Joseon.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. 고연희 외 (2013), 한국학 – 그림을 그리다, 태학사 (Go Yeon Hee (2013), Hàn quốc học qua tranh vẽ, Nxb Teahaksa).

2. 이숙인 책임기획 (2013), 조선여성의 일생, 글항아리 (Lee Suk In (chủ nhiệm) (2013), Đời sống của phụ nữ Joseon, Nxb Gulhangari).

3. 이순구 (2009), 조선 양반의 일생, 글항아리 (Lee Sun Gu (2009), Đời sống yangban thời Joseon, Nxb Gulhangari).

4. 강명관 (2010), 조선 사람들 혜원의 그림 밖으로 걸어나오다, 푸른 역사 (Kang Myeong Kwan (2001), Con người thời Joseon bước ra từ tranh của Huệ Viên, Nxb Pureun Yeoksa).

5. 강명관 (2009), 연녀의 탄생, 돌베개 (Kang Myeong Kwan (2009), Sự ra đời của Liệt nữ, Nxb Tolbegae).

6. 손경희 (2008), 조선이 버린 여인들, 글항아리 (Son Kyeong Hee (2008), Những người phụ nữ bị Joseon bỏ rơi, Nxb Geulhangari).

7. Nguyễn Thị Thu Hà (2020), “Đời sống lao động của người Hàn Quốc hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Kim Hong Do (1745-1806?)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2/2020.

 

 


[1] ThS., Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu

[2] Nguyễn Thị Thu Hà (2020), “Đời sống lao động của người Hàn Quốc hậu kỳ Joseon qua tranh phong tục của Kim Hong Do (1745-1806?)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2/2020, tr. 62.

[3] Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.

[4] Bốn đức mà người phụ nữ phải luôn phấn đấu để đạt được, đó là phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công.

[5] Bảy điều phụ nữ vi phạm sẽ bị coi là có tội và có thể bị đuổi ra khỏi nhà như: bất kính với bố mẹ chồng, không có con cái, có những hành vi phóng đãng, đố kỵ hay ghen ghét, mang bệnh nan y, nói nhiều, ăn trộm.

[6] Tham khảo Kang Myeong Kwan (2009), Sự ra đời của Liệt nữ, Nxb Tolbegae, chương 3.

[7] Son Kyeong Hee (2008), Những người phụ nữ bị Joseon bỏ rơi, Nxb Geulhangari, tr. 146.

[8] Tất cả hình ảnh trong bài viết lấy từ https://terms.naver.com/imageDetail.naver?docId=1563816&cid =46721&categoryId=46879.

[9] Son Kyeong Hee (2008), Những người phụ nữ bị Joseon bỏ rơi, Nxb Geulhangari, tr. 146.

[10] Gut là một tín ngưỡng dân gian bản địa lâu đời của Hàn Quốc, giống lễ hẫu đồng của Việt Nam.

[11] Tài liệu ghi chép hành thất của trung thần, hiếu tử, liệt nữ làm hình mẫu tam cương của quân-thần, phụ-tử, phu-phụ trong thư tịch sử sách của Joseon.

[12] Bộ sách luật cơ bản đầu tiên được soạn vào thời Joseon, gồm các thánh chỉ (교지), điều lệ (조례) và luật tục (관례) đã được ban hành trong vòng khoảng 100 năm đầu của vương triều nhà Lý.

[13] Một văn bản ghi chép những hành vi xấu của người phụ nữ như gian dâm, tái hôn nhiều lần… để lên án và giáo dục bách tính.

[14] Tham khảo Kang Myeong Kwan (2009), Sự ra đời của Liệt nữ, Nxb Tolbegae, phần 2 chương 2.

[15] Tham khảo Kang Myeong Kwan (2001), Con người thời Joseon bước ra từ tranh của Hyewon, Nxb Pureun Yeoksa, tr. 21-25.

0thảo luận