Trang chủ

Quan hệ thương mại giữa Philippines với Trung Quốc thời thuộc địa Tây Ban Nha (thế kỷ XVI-XIX)

Đăng ngày: 7-04-2023, 10:24 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 1

Trần Thị Quế Châu1

 

Tóm tắt: Với mục tiêu tìm kiếm chỗ đứng vững chắc ở Viễn Đông để tiếp cận thị trường rộng lớn Trung Quốc, tiến tới thiết lập hệ thống thương mại nối châu Á - châu Mỹ - châu Âu, Tây Ban Nha đã tiến hành chinh phục Philippines từ năm 1564. Vào thời điểm này (năm 1567), triều Minh cũng bắt đầu thực hiện các bước nhằm nới lỏng chính sách “Hải cấm”, cho phép thuyền mành (junk) từ các hải cảng miền Nam Trung Quốc đi lại buôn bán trên con đường tơ lụa một cách hợp pháp. Bối cảnh này được xem là môi trường thuận lợi cho sự phát triển một cách ổn định thương mại giữa Trung Quốc với Philippines. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của Bồ Đào Nha cộng với những áp lực về an ninh chính trị và đặc biệt là tư tưởng trọng thương đã cản trở chính quyền Tây Ban Nha trong việc tiếp cận với thị trường Trung Quốc rộng lớn ​cũng như tận dụng vai trò tiên phong để xây dựng đế chế thương mại ở châu Á. Bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về quan hệ thương mại giữa Philippines với Trung Quốc trong hơn ba thế kỉ dưới sự cai trị của Tây Ban Nha.

Từ khóa: Thương mại, Philippines, Trung Quốc


1. Mở đầu[1]

Sau khi hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước vào cuối thế kỷ XV, tận dụng những ưu thế về vị trí địa lý, những tiến bộ về mặt khoa học kỹ thuật hàng hải và đặc biệt là nhằm cạnh tranh với người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã đẩy mạnh công cuộc khám phá địa lý nhằm tìm kiếm những vùng đất mới. Sau nhiều chuyến viễn chinh đến Philippines nhưng không thành công, đến năm 1564, sau khi thiết lập xong hệ thống thuộc địa ở Trung và Nam Mỹ, Tây Ban Nha mới chính thức tiến hành xâm lược Philippines thông qua cuộc viễn chinh của Lopez de Legazpi. Với lực lượng quân đội ít ỏi song Tây Ban Nha chỉ mất 7 năm để bình định phần lớn lãnh thổ của quần đảo Philippines (trừ vùng Hồi giáo phía Nam).

Khi xâm chiếm Philippines, Tây Ban Nha có ba mục tiêu là giành phần buôn bán hương liệu, liên hệ với Trung Quốc và Nhật Bản để mở đường cho việc cải đạo và làm cho nhân dân Philippines theo Công giáo. Rõ ràng là đối với các quan chức thuộc địa Tây Ban Nha, Philippines là một phần nhỏ trong giấc mơ lớn của Tây Ban Nha để kiểm soát phần lớn châu Á, trên hết là Trung Quốc.

Sau những năm đầu chinh phục Philippines, Tây Ban Nha nhận ra rằng không dễ để họ có thể hiện thực hóa tất cả những mục tiêu của mình bởi vì quyền kiểm soát việc buôn bán hương liệu giữa châu Á và châu Âu đang thuộc về Bồ Đào Nha. Bên cạnh đó, nguồn lợi kinh tế ở thuộc địa Philippines cũng chưa thật rõ ràng, bởi nông nghiệp còn lạc hậu. Hơn nữa, Philippines không thể sản xuất ra nguồn đinh hương và nhục đậu khấu để cung cấp cho thị trường châu Âu như quần đảo hương liệu Moluccas, bởi vì việc khai thác vỏ cây quế ở một số vùng của Mindanao gặp phải sự cản trở rất lớn từ các thế lực Hồi giáo. Ngoài ra, Philippines cũng không sở hữu những mỏ vàng, bạc có giá trị như Mexico hay Peru. Nhận xét về tiềm năng kinh tế của Philippines, Juan Pable Carrion[2] cho rằng: “quần đảo này chẳng có lợi ích gì đáng nói cả, trừ khi mở những tuyến mậu dịch với Trung Quốc và những quốc gia Đông Ấn Độ khác”[3].

Về phía Trung Quốc, vào năm 1567, triều Minh bắt đầu thực hiện các bước nhằm nới lỏng chính sách “Hải cấm” ban hành từ năm 1371. Các hoàng đế triều Minh đã chấp nhận những yêu cầu của các quan chức tỉnh Phúc Kiến cho phép thuyền mành (junk) hoạt động trên con đường tơ lụa một cách hợp pháp trên cơ sở nộp lãi suất theo định kỳ cho nhà nước. Bối cảnh này chính là môi trường thuận lợi cho sự phát triển thương mại ổn định giữa Trung Quốc và Đông Nam Á nói chung và Philippines nói riêng. Tuy nhiên, do chịu sự cạnh tranh của Bồ Đào Nha cộng với những áp lực về an ninh chính trị và đặc biệt là tư tưởng trọng thương, quan hệ thương mại giữa Philippines với Trung Quốc dưới thời thuộc địa Tây Ban Nha trải qua những thăng trầm tương ứng với 3 giai đoạn trong chính sách cai trị của Tây Ban Nha ở thuộc địa Philippines: từ năm 1571 đến cuối thế kỉ XVI: duy trì và mở rộng mối quan hệ giữa Philippines với các quốc gia trong khu vực; đầu thế kỉ XVII đến 1762: chính sách “đóng cửa”, cô lập Philippines và 1764-1898: “mở cửa” Philippines với khu vực và thế giới.

2. Tiến trình quan hệ thương mại Philippines - Trung Quốc

2.1. Giai đoạn duy trì và mở rộng quan hệ thương mại (1571- cuối thế kỉ XVI)

Trước khi người Tây Ban Nha đến, quần đảo Philippines đã có mối quan hệ thương mại với Trung Quốc[4]. Cùng với việc thiết lập chế độ thống trị, chính quyền Tây Ban Nha đã nhanh chóng thâu tóm mọi quan hệ đối ngoại của các đảo và khu vực trên lãnh thổ Philippines. Toàn quyền Tây Ban Nha đã tiến hành quan hệ đối ngoại của thuộc địa này với các nhà vua châu Á, tiếp nhận các đoàn sứ giả, kí các hiệp ước, tuyên chiến và hòa bình”[5]. Về cơ bản, trong khoảng hai thập niên đầu của chế độ cai trị, để cạnh tranh với người láng giềng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã chủ động xúc tiến quan hệ thương mại của Philippines với các nước trong khu vực. Đặc biệt, sau sự kiện thống nhất ngôi vua giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 1580[6], sự thù địch của người Bồ Đào Nha ngày càng trở nên mạnh mẽ đã ngăn cản các nhà buôn Tây Ban Nha hoạt động ở Đông Á, các nhà chức trách tại Manila lại theo đuổi chính sách thu hút các nhà buôn châu Á vào thành phố của mình”[7].

Biểu hiện rõ nhất của chính sách khuyến khích thương mại là quy định thuế hàng hóa. Luật thuộc địa (Law of Indies)[8] của Hoàng gia Tây Ban Nha quy định rằng các thuộc địa phải đóng thuế xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, thời gian đầu cai trị Philippines các toàn quyền đã không thực hiện quy định này. Năm 1573, trong báo cáo gửi lên Hoàng gia Tây Ban Nha, Phó vương Tân Tây Ban Nha cho rằng hoạt động thương mại không đưa lại những chuyển biến lớn cho nền kinh tế Philippines vì vậy quyết định không thu thuế thương mại. Thậm chí đến cuối thời kì toàn quyền thứ ba Francisco de Sande (1575-1580), vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, Toàn quyền báo cáo rằng: “không có việc thu thuế cho đến khi ngoại thương mang lại lợi nhuận và bất cứ nỗ lực nào để áp đặt thuế vào thời điểm này sẽ chỉ gây ra việc các thuyền buôn Trung Quốc rời xa Philippine”[9]. Năm 1582, Toàn quyền Gonzalo Roquillo de Penalosa lên cầm quyền đã bắt đầu đưa ra quy định về thu thuế thương mại. Thương nhân các nước khi đến buôn bán ở Manila phải đóng 3%. Mức thuế này cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thương mại của Philippines. Chính sách này đã biến Manila trở thành nơi đến của các nhà buôn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm (Thái Lan ngày nay), Campuchia và quần đảo Spice.

Trong hoạt động thương mại từ Trung Quốc đại lục đến Manila, các thuyền buôn đến từ các cảng của Phúc Kiến luôn chiếm đa số và là lực lượng thuyền buôn chủ yếu. Từ Quảng Đông (Canton) hoặc Hạ Môn (Amoy), Ninh Ba, hàng hóa trực tiếp được mang đến Manila bằng những chiếc thuyền mành lớn (chở từ 200 đến 400 người). Theo miêu tả của Tổng đốc Tây Ban Nha ở Manila là Antonio de Morga, “những thuyền buôn Trung Quốc thường đi theo đoàn, thường vào đầu tháng 3 khi thời tiết ổn định, hành trình đến Manila mất khoảng từ 15-20 ngày, sau khi bán xong hàng hóa của họ, họ mua hàng hóa và để không bị nguy hiểm, họ đã quay trở về trước khi gió mùa đổi chiều vào cuối tháng 6”[10].

Ngoài những thương thuyền Trung Quốc đến từ các cảng thị đại lục thì cũng có nhiều thương thuyền của họ Trịnh ở Đài Loan đến Manila buôn bán. “Các thuyền buôn Đài Loan đến Manila mua tơ sống và những hàng dệt Trung Quốc rồi sau đó chuyển đến Nagasaki của Nhật Bản để bán với giá chênh lệch và kiếm lợi nhuận, như vậy họ đã thu được những món lời lớn”[11].

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Manila trong tuyến thương mại quốc tế, thuyền của người Bồ Đào Nha từ Macau đưa thuyền sang Trung Quốc mua hàng hóa sau đó đến trao đổi ở Manila. “Từ năm 1580-1642 có khoảng 80 tàu Bồ Đào Nha đến Manila buôn bán, riêng các năm từ 1602-1621, giai đoạn được coi là thịnh vượng nhất của tuyến thương mại Macau – Manila, có 23 tàu buôn Bồ Đào Nha đến Philippines”[12].

Với vị trí không xa các thương cảng vùng duyên hải đông nam Trung Quốc, Manila đã thu hút số lượng lớn thương thuyền từ đại lục và có thể nói những chuyến thuyền mành chất đầy hàng hóa đến từ Trung Quốc là rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của Manila Galleon. Antonio de Morga, người đã chứng kiến thời kì hoàng kim của thương mại thuyền buồm vào cuối thế kỉ XVI, đã đưa ra một danh sách các loại hàng hóa được Trung Quốc mang đến Manila như sau: “những cuộn tơ sống, những tấm vải lụa tinh tế với nhiều màu sắc khác nhau, lụa nhung trơn và một số được thêu rực rỡ và thời trang, các loại lụa bóng như satin, taffeta với đủ màu sắc, vải lanh dệt từ cây cỏ, vải bông trắng. Họ còn mang cả xạ hương, cánh kiến trắng và ngà voi, đồ trang trí giường ngủ, màn treo, khăn phủ giường và thảm nhung thêu… ngọc trai và đá quý, pha lê, chậu bằng kim loại, ấm đun nước bằng đồng, thiếc, chì và thuốc súng… và những thứ quí hiếm khác” và Morga đã nhấn mạnh rằng: “tôi sẽ không bao giờ có thể kể hết hoặc không bao giờ đủ giấy để viết về những loại hàng hóa đó”[13].

Thực tế cho thấy, ngoài chính sách thu hút thuyền buôn đến Manila, Tây Ban Nha cũng chủ động thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc. Năm 1581, Tây Ban Nha đến Quảng Đông thiết lập một thương điếm để tiến hành buôn bán những hàng hóa phương Đông. Về phía Trung Quốc nhằm hạn chế sự độc quyền của Bồ Đào Nha, cũng mong muốn mở rộng quan hệ với Philippines, dưới thời Toàn quyền Francisco Tello de Guzman (1595-1602), Juan Zammudio được cử đến Quảng Đông một lần nữa để thỉnh cầu người Trung Quốc cho phép thiết lập một thương điếm. Người Trung Quốc đã cho phép người Tây Ban Nha xây dựng kho hàng ở Quảng Đông gọi là El Pinal/The Pine tree (Hồng Kông ngày nay). Khi hoạt động thương mại của người Tây Ban Nha ở Trung Quốc ngày càng phát triển, người Bồ Đào Nha ở Macau bắt đầu chiến dịch cạnh tranh nhằm loại bỏ người Tây Ban Nha khỏi El Pinal, đồng thời Bồ Đào Nha đã tìm mọi cách ngăn chặn các thương thuyền Trung Quốc đến Philippines buôn bán. Trước những khó khăn gây ra bởi người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha quyết định trở lại Manila và suy nghĩ có một thương điếm ở Trung Quốc đã hoàn toàn tan biến. Từ thời điểm này trở về sau người Tây Ban Nha phải dựa vào thương nhân Trung Quốc và các nước khác ở châu Á nhập khẩu hàng hóa vào Manila.

Những nỗ lực trên của người Tây Ban Nha vào thời kỳ đầu ở một chừng mực nhất định chứng tỏ rằng họ rất cần duy trì và mở rộng mối quan hệ với Trung Quốc, ít nhất vì ba mục tiêu. Thứ nhất, lợi nhuận từ việc trao đổi hàng hóa sẽ là nguồn kinh phí để chi trả cho những phí tổn của bộ máy chính quyền ở thuộc địa. Thứ hai, cung cấp cho Philippines một số mặt hàng lương thực cần thiết không thể sản xuất ở thuộc địa. Thứ ba, quan hệ thương mại là cầu nối để họ truyền bá Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, cũng chính từ trong giai đoạn này, chính sách của Tây Ban Nha ở Philippines bắt đầu gặp phải những thách thức từ những mối quan hệ trong khu vực. Điều này đòi hỏi họ phải có đường hướng rõ ràng hơn trong chính sách đối ngoại để tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình ở Philippines.

2.2. Giai đoạn hạn chế thương mại (đầu thế kỉ XVII-1762)

Cuối thế kỉ XVI, trước sự gia tăng những mối đe dọa an ninh chính trị[14] và sức ép cạnh tranh thương mại[15], cùng với việc áp đặt chính sách hạn chế thương mại Manila Galleon[16], Tây Ban Nha cũng thực thi chính sách hạn chế thương mại thuộc địa Philippines với Trung Quốc. Chính sách này đưa ra nhằm mục tiêu giữ số lượng bạc chảy từ châu Mỹ qua Manila đến Trung Quốc và phần còn lại của phương Đông ở tỷ lệ thấp nhất. Bên cạnh đó, duy trì việc xuất khẩu hàng hóa từ Manila đến châu Mỹ với số lượng hạn chế để ngăn chặn sự tràn ngập hàng hóa rẻ phương Đông vào thị trường châu Mỹ[17].

Do người Tây Ban Nha không được phép đến Trung Quốc mua hàng hóa một cách trực tiếp nên họ buộc phải phụ thuộc vào người Trung Quốc mang hàng hóa đến Manila. Để đảm bảo sự độc quyền trong việc mua hàng hóa, những quy tắc kĩ lưỡng khống chế việc buôn bán này ra đời:

(1) Tây Ban Nha chỉ mở một cảng duy nhất là Manila để trao đổi hàng hóa.

(2) Kiểm soát giá cả thông qua hệ thống mua sỉ hàng hóa. Khi những thương thuyền chở đầy hàng hóa từ các nước trong khu vực đến Manila, những quan chức địa phương định giá hàng hóa và thu thuế nhập khẩu (3%-6%) và thuế thả neo. Sau khi thương nhân trả xong các khoản thuế cho người Tây Ban Nha, giữa họ bắt đầu diễn ra cuộc thương lượng về giá cả của các loại hàng hóa trên thuyền. Toàn quyền Tây Ban Nha và chính quyền thành phố Manila chọn 2-3 người phù hợp để đứng ra đàm phán với đại diện những người nhập hàng Trung Quốc về giá cả phải trả cho những hàng hóa trên mỗi chiếc thuyền. Để ngăn chặn sự tham nhũng, thành viên của hội đồng này (gọi là Pancada) chỉ có thể giữ chức vụ của họ trong vòng 2 năm và chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt”[18]. Sau khi thanh toán, hàng hóa được dỡ xuống thuyền và chuyển vào kho hàng của Tây Ban Nha ở Manila. Hầu hết những hàng hóa này được dành riêng để đóng gói chất lên Galleon rồi chở sang Acapulco, trong khi phần còn lại thường được thương nhân bán cho những người mua ở địa phương. Đó là hệ thống “Pancada” thông qua năm 1589[19]. Mục đích của việc sử dụng hệ thống Pancada là nhằm hạn chế việc bán lẻ hàng hóa cũng như việc tăng giá bán một cách tùy tiện khi hàng hóa được nhập vào Manila. Đồng thời với biện pháp này, những thương nhân châu Á không thể tham gia trực tiếp vào thương mại Manila Galleon cũng như nội thương Philippines mà chỉ đóng vai trò là những người cung cấp hàng hóa. Do vậy, thương mại Philippines trở thành độc quyền khống chế bởi người Tây Ban Nha.

Bên cạnh đó, để hạn chế số lượng thuyền buôn từ Trung Quốc đến Manila, chính quyền Tây Ban Nha còn ban hành các chính sách về thuế và quy định các loại hàng hóa được phép buôn bán giữa Manila và Trung Quốc. Thứ nhất, tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Toàn quyền Gonzalo Ronquillo de Penalosa là người đầu tiên đặt ra thuế 3% đối với hàng hóa do người Trung Quốc mang đến Philippines hoặc gửi đi. Thuế đối với hàng hóa Trung Quốc tăng lên 6% vào năm 1606. Cho đến lúc này chúng đã tác động đến thương mại Philippines, thuế hàng hóa trong hầu hết thời kì hạn chế thương mại là như sau: (1) hàng hóa từ Tân Tây Ban Nha nhập vào Philippines đóng thuế 15% bao gồm 10% phí cập bến và 5% phí xuất bến (ngoại trừ mặt hàng rượu phải trả phí là 20%); (2) 3% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào quần đảo từ bất cứ nguồn nào, ngoại trừ hàng hóa do người Trung Quốc nhập vào phải trả 6%; (3) 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc và châu Á xuất khẩu đến Tân Tây Ban Nha; (4) 3% đối với tất cả hàng hóa khác xuất khẩu từ quần đảo[20]. Thứ hai, hạn chế tơ lụa từ Trung Quốc đến Manila. Đầu thế kỉ XVIII, vua Tây Ban Nha quy định “cấm buôn bán giữa Trung Quốc và Philippines tất cả chất liệu dệt, chỉ cuộn, lụa và quần áo. Những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc bị giới hạn còn lại vải lanh, gốm, sáp, tiêu, quế, đinh hương và những thứ khác không có ở Tây Ban Nha. Sau sáu tháng kể từ ngày sắc lệnh được tuyên bố, bất cứ công ty nào còn giữ lại những loại hàng hóa cấm sẽ bị đốt. Những hàng hóa đó đến Mexico sau thời hạn 6 tháng được coi là bất hợp pháp”[21].

Sau sự kiện Anh chiếm Manila (1762-1764), như một biện pháp để tự vệ, Tây Ban Nha ban hành sắc lệnh đóng cửa Manila đối với tất cả tàu buôn nước ngoài. Sắc lệnh này khiến cho thương mại với Trung Quốc ngày càng suy giảm. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua hai bảng thống kê số lượng thuyền buôn trung bình từ Trung Quốc đến Manila dưới đây:

 

 

Bảng 1: Số lượng thuyền buôn trung bình từ Trung Quốc đến Manila (XVI, XVII)

Thời gian

Số thuyền buôn trung bình từ Trung Quốc đến Manila

1574 - 1599

25

1603 - 1643

30

1684 - 1699

16

1700 - 1716

19

Nguồn: Tổng hợp từ Dương Văn Huy (2010), “Thương cảng Manila (Philippines) thế kỉ XVII”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3, tr. 24-25.

Bảng 2: Số thuyền buôn trung bình từ Trung Quốc đến Manila thế kỷ XVIII

Thời gian

Số thuyền buôn trung bình từ Trung Quốc đến Manila

1740 - 1749

16

1750 - 1760

15

1764 - 1780

9

Nguồn: Tổng hợp từ Joshua Eng Sin Kueh (2014), The Manila Chinese: Community, trade and Empire, Doctor of Philosophy in History, Washington DC, tr. 156.


2.3. Giai đoạn từ nới lỏng “đóng cửa” đến “mở cửa” (1764-1898)

Manila bị người Anh chiếm đóng trong vòng 2 năm (từ ngày 5/10/1762 đến ngày 31/5/1764)[22]. Anh trao trả Manila lại cho Tây Ban Nha do Hiệp ước Paris kết thúc cuộc chiến tranh bảy năm được kí vào ngày 10/2/1763. Mặc dù vậy, sự kiện Anh chiếm Manila đã tác động tiêu cực đến thương mại và tài chính của Tây Ban Nha ở Philippines. Việc thành phố bị cướp bóc, thuyền bạc Santisima Trinidad bị bắt giữ làm tổn thất ngân khố Manila khoảng 3 triệu peso. Để tái thiết nền tài chính thuộc địa, người Tây Ban Nha cần một phương tiện để làm cho Philippines có thể tự chủ về kinh tế. Tất cả điều đó buộc Tây Ban Nha phải có những thay đổi về chính sách để bảo đảm an ninh và khôi phục kinh tế ở thuộc địa Philippines sau chiến tranh.

Bên cạnh việc tăng cường khả năng tự phòng thủ để đảm bảo an toàn thuộc địa, đối mặt với vấn đề tái thiết thuộc địa sau chiến tranh, dưới thời của Toàn quyền Francisco de la Torre (1764-1765), phụ trách tài chính của Manila là Francisco Leandro de Viana đã đề nghị kế hoạch phát triển kinh tế ở thuộc địa Philippines. Trong đề nghị của mình, ông nhấn mạnh rằng “sự đáp trả thích hợp nhất của chính quyền Tây Ban Nha vào thời điểm này đó là phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên của quần đảo và khai thác tiềm năng thương mại, biến nơi này thành một trung tâm thương mại thịnh vượng”[23]. Tư tưởng xuyên suốt trong kế hoạch của Armenteros là “phục hồi thương mại sẽ thúc đẩy sản xuất hàng hóa ở quần đảo”. Đó là phương tiện cho sự phát triển thực sự ở Philippines, loại bỏ “thương mại thụ động” dựa trên hàng hóa Trung Quốc. Để hiện thực hóa tư tưởng của Armenteros, chính quyền Tây Ban Nha đã hướng đến kết nối thương mại trực tiếp với chính quốc và phục hồi thương mại với các nước Đông Nam Á.

Từ giữa thế kỉ XVIII trở đi hoạt động buôn bán bằng thuyền theo mùa của Trung Quốc bị suy yếu bởi sức cạnh tranh bằng thuyền lớn của Tây Ban Nha. Năm 1785, cùng với sự thành lập của Công ty Hoàng gia Philippines, Tây Ban Nha đã chuyển sang cạnh tranh trực tiếp với người Hoa ở Philippines bằng cách gửi tàu của mình đến Trung Quốc để lấy hàng, thay vì chờ đợi các thuyền mành của người Hoa đến Manila. Thêm vào đó, việc mở cửa Manila vào năm 1789 cho các tàu châu Âu không phải Tây Ban Nha chuyên chở hàng hóa châu Á đã loại bỏ thuyền mành như một hãng vận chuyển hàng hóa chính của người Hoa đến Philippines. Cuối thế kỷ XVIII, số lượng trung bình các tàu đến Manila mỗi năm giảm từ từ 23-30 chiếc vào thế kỉ XVII xuống còn khoảng 8 tàu. Về giá trị hàng hóa, các thương nhân Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 13% tổng nhập khẩu tại Manila trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XIX[24].

Từ năm 1810 đến năm 1813, Hội đồng lập pháp Tây Ban Nha (The Spanish Cortes) đã ban hành đạo luật quan trọng “hủy bỏ độc quyền thương mại Manila-Acapulco[25], cho phép tự do thương mại ở Philippines”. Sự kết thúc của thương mại truyền thống Manila Galleon đã đẩy nhanh quá trình mở cửa thương mại Philippines. Việc mở cửa thương mại đối với các nước phương Tây đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong mô hình thương mại của Philippines vào đầu thế kỷ XIX. Những thương nhân châu Âu đã nắm lấy cơ hội Manila mở cửa cho thuyền buôn nước ngoài để mở rộng thương mại của họ ở Đông Á. Những hoạt động của họ đã kết nối Manila - Quảng Đông một cách hiệu quả. Trong khi đó, sự suy tàn của thương mại Manila - Acapulco kéo theo sự suy giảm của thương mại truyền thống giữa Phúc Kiến – Manila.

Vào đầu thế kỷ XIX, căn cứ vào bản ghi chép của Hải quan Manila từ 1/6/1803 đến 31/5/1806, chỉ có khoảng 8 thuyền buôn Trung Quốc đến Manila (2 thuyền từ Limpo, 4 từ Lanquin, 1 từ Chancheo và 1 từ Emuy) mang theo hàng dệt, bình đất nung, gốm sứ, đồ gia dụng với trị giá hàng hóa là 151.436 peso và 4 real. Ngược lại, trong khoảng thời gian này có 10 thuyền buôn Trung Quốc khởi hành từ Manila chất đầy sản phẩm của Philippines (5 thuyền đến Lanquin, 4 đến Chancheo, 1 đến Emuy). Chúng mang theo 14 loại sản phẩm của Philippines, tất cả đều là những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của quần đảo, ước tính giá trị hàng hóa là 107.117 peso và 4 real. Trong đó, 3 sản phẩm quan trọng nhất là hải sâm, gỗ mun và gỗ xăng chiếm 84,4% tổng giá trị của 14 sản phẩm.

Các thuyền buôn phương Tây tiếp tục khiến thương mại thuyền mành của Trung Quốc ngày càng suy giảm. Chẳng hạn, vào những năm 1830, xuất khẩu gạo từ Philippines sang Trung Quốc hoàn toàn nằm trong tay các thương nhân phương Tây. Sau những thất bại vào năm 1820 và 1840, năm 1858 một lần nữa người Tây Ban Nha đã cố gắng đàm phán với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho người Trung Quốc nhập cư vào Philippines và cung cấp các thỏa thuận thương mại thuận lợi. Đến năm 1864, người Trung Quốc ký hiệp ước với Tây Ban Nha để cho phép nhiều ưu đãi hơn đối với các tàu Tây Ban Nha tại các cảng của Trung Quốc. Đổi lại, Tây Ban Nha mở cửa cho các thương nhân Trung Quốc đến Philippines. Tuy nhiên, bất chấp hiệp ước năm 1864, thương mại giữa Philippines và Trung Quốc trong nửa sau của thế kỷ XIX đã suy giảm so với thương mại của Philippines với Anh và Hoa Kỳ[26]. Năm 1870 thuyền mành từ Trung Quốc chính thức ngừng buôn bán ở Manila. Sau năm 1880 các tàu hơi nước của Anh cũng đã thay thế thuyền buồm của Tây Ban Nha mang lượng lớn hàng hóa của Philippines đến Hạ Môn và Hồng Kông[27]. Rõ ràng là khi các thương nhân phương Tây khác bắt đầu tham gia thương mại Manila-Trung Quốc, họ đã cắt đứt giao dịch buôn bán thuyền mành đã tồn tại nhiều thế kỉ.

3. Kết luận

Nằm ở vị trí thích hợp và thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa Đông Ấn và Tây Ấn, Philippines đã sớm bị người Tây Ban Nha chinh phục và biến thành thành thuộc địa vào năm 1571. Để khai thác tối đa tiềm năng này, từ năm 1572, Tây Ban Nha bắt đầu thiết lập tuyến thương mại mới giữa Manila và Acapulco, gọi là Manila Galleon. Trong hoạt động thương mại thuyền buồm Manila – Acapulco, hai loại hàng hóa có giá trị nhất là bạc trắng và tơ lụa. Để duy trì tuyến thương mại này, Trung Quốc luôn được đặt vào vị trí ưu tiên trong hoạt động thương mại giữa Philippines với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, khác với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã không thiết lập được bất kỳ thương điếm nào dọc bờ biển Trung Quốc, cũng như không thể đưa thuyền buôn tiếp cận trực tiếp với thị trường rộng lớn này. Vì thế, họ phải phụ thuộc vào những đợt gió mùa hằng năm đưa các thuyền buôn của người Hoa mang tơ lụa và các hàng hóa khác đến Manila. Sự phát triển thương mại dưới hình thức này đã tồn tại đến giữa thế kỉ XVIII. Điều này đã khiến cho chính quyền Tây Ban Nha trở nên thụ động trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, kể cả trong giai đoạn thịnh vượng của thương mại Manila thế kỉ XVI, XVII.

Việc hạn chế Manila Galleon, không mở rộng quan hệ thương mại với các nước và phải “nương tựa” vào nguồn cung cấp hàng hóa do các thương nhân Trung Quốc mang đến Manila đã khiến cho Tây Ban Nha không thể khai thác hết tiềm năng vốn có để trở thành một thế lực mạnh về thương mại biển ở khu vực, trong khi về danh nghĩa họ chính là một trong hai quốc gia tiên phong đến những vùng biển phía đông.

Từ nửa sau thế kỉ XVIII, khi hoạt động thương mại đổi bạc lấy tơ lụa thông qua Manila Galleon không còn mang lại lợi nhuận lớn, thương mại giữa Philippines - Trung Quốc cũng ngày càng trở nên suy tàn. Từ năm 1785, Công ty Hoàng gia Philippines thành lập theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế sản xuất ở Philippines, hạn chế sự phụ thuộc vào hàng hóa từ Trung Quốc và đặc biệt chính sách “mở cửa” Philippines từ năm 1789 đã đưa các thương nhân Âu - Mỹ thay thế người Hoa trong vai trò kết nối thương mại giữa Philippines và Trung Quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hall, D.G. E. (1997), Lịch sử Đông Nam Á, (bản dịch của Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Thái Yên Hương, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Vũ Tùng, Đoàn Thắng), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Dương Văn Huy (2010), “Thương cảng Manila (Philippines) thế kỉ XVII”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3, tr.19-31.

3. Benitez, Conrado (1954), History of Philippines, Manila Ginn and Company, Philippines.

4. Blair, E, H. and Robertson (1903-1909), The Philippine Islands (1493-1898), Vol III, VII, XIV, Clereland, Ohio.

5. Blaker, Jame Ronald (1970), The Chinese in Philippines: A Study of Power and Change (Ph.D. Thesis, Ohio State University, USA).

6. Diaz-Trechuelo, Maria Lourdres (1966) “Eighteenth century Philippine economy: Commerce”, Philippine Studies Vol. 14, No. 2, p. 253-279.

7. Foreman, John (1905), The Philippine Islands, T. Fisher Unwin, London.

8. Joshua Eng Sin Kueh (2014), The Manila Chinese: Community, trade and Empire, Doctor of Philosophy in History, Washington DC.

9. Fry, Howard (1985), “The Eastern Passage and Its Impact on Spanish Policy in The Philippines 1758-1790”, Philippine Studies Vol. 33, No. 1, p. 3-21.

10. Legarda, Benito JR (1955), “Two and a half centuries of the Galleon trade”, Philippine Studies Vol.3, No.4, tr.345-372.

11. Legarda, Benito J., Jr (2002), After the Galleons: Foreign Trade, Economic Change and Entrepreneurship in the Nineteenth-Century Philippines, Ateneo de Manila University Press.

12. Schurz, William Lytle (1959), The Manila Galleon, Dutton & Co, NewYork.

13. Stanley Hon H.E.J (1868), The Philippine Island, Moluccas, Siam, Cambodia, Japan and China at the Close of the sixteenth Century by Antonio de Morga, Hakluyt Society, London.

 

 



[1] TS., Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

[2] Đội trưởng đội thương thuyền của Miguel Lopezde Legazpi chinh phục Philippines.

[3] Schurz, William Lytle (1959), The Manila Galleon, Dutton & Co, NewYork, tr. 45.

[4] Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Philippines bắt đầu dưới triều Tống (960-1279) và tiếp tục được mở rộng, đặc biệt dưới triều Nguyên (1280-1368) và triều Minh (1368-1644). “Mỗi năm những thương nhân Trung Quốc trên những chiếc thuyền mành, rời Chương Châu, Quảng Đông và những cảng khác đến Vịnh Lingayen, Vịnh Manila, Mindoro và Sulu để buôn bán. Họ được người bản xứ chào đón và trao đổi hàng hóa một cách thân thiện, người bản xứ dùng các loại hàng hóa như sáp ong, vàng, sợi gai, vải bông, cau, tổ chim, mai rùa, ngọc trai để đổi lấy tơ lụa, vải thêu, đồ gốm, sắt, thiếc, chiêng đồng, ô và quạt” [Zaide, Soria M (1999), The Philippines – A Unique Nation, All nation publishing Co. Inc, Quezon City, tr. 55].  Họ đi theo đoàn, thường vào đầu tháng 3 khi thời tiết ổn định, hành trình đến Manila mất khoảng từ 15-20 ngày, sau khi bán xong hàng hóa, họ mua hàng hóa và để không bị nguy hiểm, họ đã quay trở về trước khi gió mùa đổi vào cuối tháng 6. Cũng như Trung Quốc, các thuyền buôn Nhật Bản hàng năm vẫn đến một số đảo lớn của Philippines để trao đổi hàng hóa. Hằng năm, vào tháng 3, những thuyền buôn Nhật Bản từ Nagasaki thả neo ở Vịnh Manila, mang theo thịt muối, đồ dùng, vũ khí, và những sản phẩm khác” [Zaide, Soria M (1999), The Philippines – A Unique Nation, All nation publishing Co. Inc, Quezon City, tr. 166].

[5] Hall, D.G. E. (1997), Lịch sử Đông Nam Á (bản dịch của Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Thái Yên Hương, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Vũ Tùng, Đoàn Thắng), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 398.

[6] Biến động lịch sử lớn đã xảy ra vào năm 1578, vị vua trẻ Sebastian I của Bồ Đào Nha, bị giết trong trận Ksar El Kerbir, không có người thừa kế. Điều này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kế vị người Bồ Đào Nha năm 1580, kết quả là vua Philip II của Tây Ban Nha kết hợp hai vương quốc dưới sự cai trị của vị vua Tây Ban Nha trong 60 năm tiếp theo. Liên minh của hai vương triều đã trao cho nhà vua của Tây Ban Nha một đế chế kéo dài từ Brasil đến Mozambique và từ Goa đến  Moluccas.

[7] Hall, D.G. E. (1997), Lịch sử Đông Nam Á, Tlđd, tr. 393.

[8] Toàn bộ nội dung của Luật thuộc địa được ban hành bởi Hoàng gia Tây Ban Nha trong suốt ba thế kỷ (XVI, XVII, XVIII) dành cho chính phủ và những thuộc địa của Tây Ban Nha ở bên ngoài châu Âu, chủ yếu là châu Mỹ, đặc biệt hơn, các sắc lệnh được lưu giữ được biên soạn và xuất bản bởi sự ủy quyền của Hoàng gia, tập hợp trong Recopilación de las leyes de los reinos de Indias (1680).

[9] Blair, E, H. and Robertson (1903-1909), The Philippine Islands (1493 - 1898), 55 vol, Clereland, Ohio, Vol. III, tr. 214; Benitez, Conrado (1954), History of Philippines, Manila Ginn and Company, Philippines, tr. 149.

[10] Schurz, William Lytle (1959), The Manila Galleon, Dutton & Co, NewYork, tr. 71.

[11] Dương Văn Huy (2010), “Thương cảng Manila (Philippines) thế kỉ XVII”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3, tr. 23.

[12] Dương Văn Huy (2010), “Thương cảng Manila (Philippines) thế kỉ XVII”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3, tr. 26.

[13] Stanley Hon H.E.J (1868), The Philippine Island, Moluccas, Siam, Cambodia, Japan and China at the Close of the sixteenth Century by Antonio de Morga, Hakluyt Society, London, tr. 338-339.

[14] Sự gia tăng số lượng người Hoa ở Philippines; vấn nạn hải tặc và kế hoạch xâm chiếm Philippines của Nhật Bản năm 1592.

[15] Sức ép cạnh tranh thương mại từ Hà Lan và Anh; truyền thống độc quyền thương mại của Tây Ban Nha và ảnh hưởng của “chủ nghĩa trọng thương”. Theo điều khoản thứ 5 trong Hiệp ước Munster kí ngày 30/1/1648 giữa vua Philip II của Tây Ban Nha với Liên hiệp các tỉnh thống nhất và được phê chuẩn trong điều khoản thứ 10 Hiệp ước Utrecht vào ngày 26/6/1714 quy định: “người Tây Ban Nha chỉ có thể duy trì thương mại của họ ở phương Đông trong điều kiện hiện tại mà không được phép mở rộng hơn nữa” [Diaz-Trechuelo, Maria Lourdres (1966), “Eighteenth century Philippine economy: Commerce”, Philippine Studies, Vol.14, No 2, p. 253-279, tr. 253].

[16] Tuyến thương mại thuyền buồm lớn giữa 2 đầu mối thuộc địa Manila (Philippines) với Acapulco (Mexico).

[17] Benitez, Conrado (1954), History of Philippines, Manila Ginn and Company, Philippines, tr. 137.

[18] Legarda, Benito JR (1955), “Two and a half centuries of the Galleon trade”, Philippine Studies, Vol. 3, No. 4, tr. 348.

[19] Blair, E, H. and Robertson (1903-1909), The Philippine Islands (1493-1898), 55 vol, Clereland, Ohio, Vol VII, tr. 137.

[20] Benitez, Conrado (1954), History of Philippines, Manila Ginn and Company, Philippines.

[21] Foreman, John (1905), The Philippine Islands, T. Fisher Unwin, London, tr. 164.

[22] Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc chiến tranh này là do ngày 25-8-1761, vua Charles III của Tây Ban Nha đã kí với Pháp văn bản “Liên minh triều đại” (Family Compact), trong đó ông đồng ý giúp đỡ người bà con của mình là vua Pháp Louis XV (cùng dòng họ Bourbon) chống lại Anh. Để trả đũa, vua Anh George III tuyên chiến với Tây Ban Nha vào ngày 2-1-1762.

[23] Fry, Howard (1985), “The Eastern Passage and Its Impact on Spanish Policy in The Philippines 1758-1790”, Philippine Studies, Vol. 33, No. 1, tr. 14.

[24] Blaker, Jame Ronald (1970), The Chinese in Philippines: A Study of Power and Change (Ph.D. Thesis, Ohio State University, USA), tr. 38-39.

[25] Manila Galleon là thuật ngữ dùng trong thương mại và hoa tiêu hàng hải giữa hai đầu mối, hai thuộc địa của Tây Ban Nha là Manila và Acapulco. Một tàu buôn xuất phát từ Manila đến Mexico được gọi là một Galleon. Chuyến tàu đầu tiên rời Manila đến Acapulco vào năm 1572 và chuyến cuối cùng là năm 1815. Trong khoảng thời gian gần 250 năm đó, hằng năm có một đến ba chuyến tàu từ Acapulco đi Manila mất khoảng 3 tháng, ngược lại, tàu từ Manila đi Acapulco phải mất từ 4 đến 6 tháng do phải đi đường vòng và gặp gió Đông Kuroshio gần Nhật Bản.

[26]Legarda, Benito J., Jr (2002), After the Galleons: Foreign Trade, Economic Change and Entrepreneurship in the Nineteenth-Century Philippines, Ateneo de Manila University Press.

[27] Wickberg, Edgar (2000), Chinese in the Philippine life, 1850-1898, Ateneo de Manila University Press, tr. 84.

 

0thảo luận