Trang chủ

Cống phẩm của triều đình nhà Nguyễn, Việt Nam dành cho triều đình nhà Thanh, Trung Quốc trước năm 1885

Đăng ngày: 7-04-2023, 10:22 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 1

Nguyễn Hoàng Yến1

 

Tóm tắt: Trước thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thực hiện qua cơ chế triều cống – sắc phong. Qua đó, nhà Nguyễn sẽ cử sứ giả sang nhà Thanh để thực hiện những nhiệm vụ ngoại giao khác nhau. Một trong những hoạt động quan trọng của đoàn sứ là mang phương vật của Việt Nam tiến cống cho Trung Quốc để duy trì và củng cố mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu quan tâm đến những vật phẩm này cũng như hành trình của chúng đến Trung Quốc còn rất ít. Bài viết này căn cứ vào tư liệu của hai nước để tiến hành khảo sát danh sách cống vật của nhà Nguyễn, gồm những cống vật theo quy định, và những cống phẩm đặc biệt khác, đồng thời đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn cũng như quá trình chuẩn bị, vận chuyển các vật phẩm này sang Trung Quốc. Qua đó, bài viết muốn chỉ ra ý nghĩa lịch sử, văn hóa của các cống vật và khẳng định vai trò của chúng trong quan hệ ngoại giao và giao lưu văn hóa vật chất giữa hai nước Việt - Trung trước thế kỷ XX.

Từ khóa: Cống phẩm, phương vật, Việt Nam, Trung Quốc

 


T

rước năm 1885,[1]quan hệ Việt Nam – Trung Quốc được thực hiện thông qua thể chế triều cống – sắc phong[2]. Thông qua hình thức này, Việt Nam sẽ định kỳ cử sứ giả mang theo quốc thư và cống phẩm đi sứ Trung Quốc để thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao khác nhau. Qua đó có thể thấy việc trao tặng cống phẩm cho Trung Quốc là một đặc trưng quan trọng để duy trì mối quan hệ chính trị, ngoại giao hòa hiếu giữa hai nước trước thế kỷ XX. Bản thân các cống phẩm cũng chính là những hóa thân của lịch sử, là một loại “ngôn ngữ” giao lưu đặc biệt giữa hai quốc gia. Vì vậy thông qua việc tìm hiểu những đặc trưng cơ bản của những cống phẩm, chúng ta có thể hiểu hơn về đời sống xã hội, cũng như lịch sử, văn hóa của mỗi nước. Mặc dù cống phẩm có ý nghĩa quan trọng như vậy, đến thời điểm này các nghiên cứu liên quan đến các cống phẩm  chưa nhiều, nghiên cứu tập trung vào cống phẩm của nhà Nguyễn lại càng ít, chỉ dừng lại ở việc nhắc đến việc trao các cống vật này là một nghi thức bắt buộc khi Việt Nam đi sứ Trung Quốc[3], hoặc giới thiệu một số cống phẩm mà sứ bộ mang theo, chủ yếu tập trung vào thời Gia Long[4]. Có thể thấy, chế độ và danh sách các cống phẩm của triều Nguyễn mới chỉ được điểm tên, chứ chưa được vẽ ra một cách toàn diện, hệ thống. Bài viết căn cứ vào các tư liệu lịch sử chính thống của Việt Nam và Trung Quốc, các tác phẩm thơ văn đi sứ Trung Quốc của sứ thần nhà Nguyễn để vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về danh mục, tiêu chí lựa chọn và công tác chuẩn bị, vận chuyển cống phẩm của các đoàn sứ triều Nguyễn. Qua đó, bài viết góp phần giúp người đọc hiểu hơn về chính sách ngoại giao của triều Nguyễn, ý nghĩa, vai trò của các cống vật trong mối quan hệ giữa hai nước, cũng như làm tiền đề để có những nghiên cứu sâu hơn về các lễ vật ngoại giao này trong tương lai.

1.   Các cống phẩm nhà Nguyễn trao cho nhà Thanh

Khái niệm “cống phẩm” đề cập trong bài viết này chỉ các vật phẩm, hay lễ vật ngoại giao do triều Nguyễn tặng cho triều Thanh trong các chuyến đi sứ. Về tên gọi của các vật phẩm này, nhà Nguyễn trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam thực lục thường dùng các từ như cống vật, cống phẩm, nghi vật, phẩm vật, phương vật. Còn nhà Thanh gọi các lễ vật này là cống vật hay phương vật.

Nhà Nguyễn lấy đạo lý Nho gia trị nước[5] nên khi giao thiệp với Trung Quốc họ vô cùng cẩn trọng, xem chúng có phù hợp với lễ nghi Nho giáo hay không. Sau khi thành lập, nhà Nguyễn chủ động cử sứ giả tới nhà Thanh, tự xưng là hạ quốc[6], chấp nhận trở thành một một mắt xích trong thể chế triều cống Trung Hoa. Chế độ triều cống này do Chu lễ - một kinh điển Nho gia đưa ra, nêu rõ yêu cầu về tần suất triều cống các loại vật phẩm tiến cống. Chế độ này kết hợp với tiêu chí có đi có lại – lễ thượng vãng lai trong Lễ ký ­đã được các triều đại Trung Quốc phát triển và hoàn thiện[7]. Nhà Nguyễn coi đây là điểm tựa, là lời lý giải hợp lý cho hành động mang lễ vật đi cống tiến của mình. Vì thế, hành động hợp với lễ nghi Nho giáo này, không làm Việt Nam trở nên lép vế, mà ngược lại chính là bằng chứng cho thấy Việt Nam cũng là một văn hiến chi bang, một lễ nhạc chi bang không hề thua kém thiên triều.

Nhà Nguyễn rất coi trọng quan hệ với Trung Hoa, do đó những việc liên quan đến đi sứ như lựa chọn sứ giả, văn kiện trao đổi về công tác đi sứ và việc chuẩn bị cống vật đương nhiên cũng có những quy định hết sức cụ thể, bao gồm số lượng, trọng lượng, công tác chuẩn bị và vận chuyển cống vật sang Trung Quốc[8].

Theo thống kê, nhà Nguyễn đã cử 39 đoàn đi sứ nhà Thanh với các mục đích khác nhau, như tuế cống, cầu phong, tạ ơn… Tần suất đi sứ cũng có thay đổi. Từ năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839) trở về trước, hai nước thỏa thuận là “hai năm cống một lần, bốn năm gộp hai lần cùng tiến cống”. Từ năm 1839 trở đi, theo quy ước “Đạo Quang thay thành bốn năm tiến cống một lần, vì thế các cống vật cần tiến cống đương nhiên được giảm đi một nửa”[9]. Vì vậy, danh sách cống vật của các đoàn đi sứ sau năm 1839 ít hơn một nửa so với các sứ bộ trước.

1.1. Danh sách cống vật theo quy định

Về danh sách các cống phẩm, hai nước Việt - Trung đã thống nhất trước khi xuất phát. Dưới đây là cống vật cho các mục đích đi sứ khác nhau sau năm 1839 được ghi chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ:

Cống vật theo lệ thường: theo lễ cống bốn năm một lần, bao gồm một cặp ngà voi, hai bộ sừng tê giác, ba trăm lạng trầm hương, sáu trăm lạng tốc hương, trầu cau, sa nhân mỗi loại bốn lăm cân, vóc, lụa nõn, lụa mộc, vải mỗi loại một trăm xấp.

Cống vật chúc mừng: hai cặp ngà voi, bốn bộ sừng tê giác, vóc, lụa nõn, lụa mộc, vải mỗi loại một trăm xấp.

Cống vật thỉnh phong: hai cặp ngà voi, bốn bộ sừng tê giác, năm mươi cân trầm hương, một trăm cân tốc hương, vóc, lụa nõn, lụa mộc, vải mỗi loại một trăm xấp.

Cống vật tạ ơn, chuẩn bị hai lễ, mỗi lễ gồm vàng mười hai mươi nén, mỗi nén mười lạng; vàng trắng một trăm nén, mỗi nén mười lạng; ngà voi một trăm cân, hai bộ sừng tê giác hoa, quế một trăm cân, lụa nõn, lụa mộc mỗi loại một trăm xấp. (chú ý chiếu theo các loại cống vật, những loại nào cần cân đo đều cần đo cho đúng theo quy định)[10].

Cụ thể hơn, sứ giả Nguyễn Tư Giản đi sứ năm 1868 còn ghi lại cân nặng của các cống vật: “ngà voi (mỗi loại nặng trên ba mươi sáu cân); sừng tê giác (mỗi loại nặng trên hai cân); trầm hương 300 lạng (loại nặng trên hai cân); tốc hương 500 lạng (mỗi miếng nặng 120 lạng); sa nhân 45 lạng (loại nặng 10 lạng); trầu cau 45 lạng (loại nặng 10 lạng)”[11]. Điều này thể hiện yêu cầu cao và sự cẩn thận của nhà Nguyễn khi chuẩn bị lễ vật.

Về các cống vật trước năm 1839, chúng ta có thể nhân đôi danh sách ở trên để nắm được số lượng. Ví dụ như danh sách vật phẩm tuế cống của đoàn sứ năm 1837 như sau:

Năm Minh Mạng thứ 18, Đạo Quang thứ 17, đi sứ, mang theo cống phẩm của hai đợt, bao gồm: hai cặp ngà voi, bốn bộ sừng tê giác, vóc địa phương hai trăm xấp, lụa nõn hai trăm xấp, lụa mộc hai trăm xấp, vải hai trăm xấp, trầm hương sáu trăm lạng, tốc hương một ngàn hai trăm lạng, sa nhân chín mươi cân, trầu cau chín mươi cân[12].

1.2. Các cống vật khác ngoài quy định

Ngoài các cống vật theo quy ước như trên, triều đình nhà Nguyễn còn chuẩn bị một số cống vật ngoài quy định. Điều thú vị là sử sách hai nước có những ghi chép không giống nhau về những vật phẩm này. Vì vậy chúng tôi xin trình bày như dưới đây:

1.2.1. Các lễ vật thỉnh phong vào năm Gia Long nguyên niên (1802)

Buổi đầu thành lập, Nguyễn Phúc Ánh đã cử hai đoàn sứ đến nhà Thanh để cầu phong và xin đổi quốc hiệu[13]. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, đoàn sứ bộ cầu phong đã chuẩn bị các lễ vật sau:

Các phẩm vật cầu phong: chiếu theo các phẩm vật cầu phong vào năm nguyên niên Gia Long: kỳ nam hai cân, hai cặp ngà voi, bốn bộ sừng tê giác, một trăm cân trầm hương, hai trăm cân tốc hương, vóc, lụa nõn, lụa mộc, vải mỗi loại một trăm xấp[14].

Tuy nhiên, ghi chép của Trung Quốc lại cho thấy số lượng cống vật nhiều hơn thế, bao gồm:

Vào năm Gia Khánh thứ 8, vua nước Việt Nam Nguyễn Phúc Ánh vào cống bày tỏ quy thuận, cống vật có kỳ nam, trầm hương, tốc hương, lụa non Quảng Nam, ngà voi, lông chim xanh, đậu khấu, sa nhân, trầu cau, sừng tê giác, đồi mồi, lông cánh chim biển, ốc liễn xa (?), voi, lông chim xanh, đậu khấu, sa nhân, trầu cau, sừng tê giác, đồi mồi, lông cánh chim biển, ốc liễn xa (?), hoa đằng hãn (?), tổng cộng mười bốn loại. Lại thêm các cống vật thỉnh phong, gồm kỳ nam, ngà voi, tê giác, trầm hương, tốc hương, vóc, lụa nõn, lụa mộc, vải, tổng chín loại[15].

Đặc biệt, theo một ghi chép khác của Trung Quốc, đoàn sứ còn áp giải những tên hải tặc đang hoành hành ở vùng biển hai nước mà nhà Nguyễn bắt được đem trao trả cho nhà Thanh:

Nguyễn Phúc Ánh thu đất An Nam và cử đoàn đi sứ nộp cống vật cầu phong, xin đổi quốc hiệu, đồng thời còn bắt trói và giao nộp nhiều tên hải tặc, hành động quả thật lễ phép (nên) phụng chỉ cho đổi tên nước thành Việt Nam[16].

Những ghi chép này đã cung cấp thêm tư liệu quý giá bổ khuyết cho sử liệu Việt Nam. Trong bối cảnh nhà Nguyễn non trẻ đang cần sự công nhận của Trung Hoa, hai đoàn sứ không chỉ chuẩn bị số lượng cống vật nhiều hơn quy định, mà còn bàn giao hải tặc, điều này chắc chắn đã góp phần “cộng điểm” cho vua Gia Long trong mắt nhà Thanh, thể hiện được lòng thành kính, cũng như mong mỏi được trở thành một thành viên trong hệ thống các nước đồng văn với Trung Quốc. Và kết quả phần nào đúng như họ mong đợi, nhà Thanh đã chấp nhận chính quyền nhà Nguyễn mới thành lập và cho đổi tên nước ta thành Việt Nam.

1.2.2. Lễ vật tạ ơn đặc biệt vào năm Tự Đức thứ 23 (1870)

Ngoài ra, nhà Nguyễn còn chuẩn bị một số cống vật tạ ơn đặc biệt. Như đoàn sứ năm Tự Đức thứ 23 (1870) có nhiệm vụ cám ơn nhà Thanh đã giúp Việt Nam dẹp yên giặc Ngô Á Chung[17], theo Đại Nam thực lục đoàn còn đem theo cống vật khác với quy định:

Nguyễn Hữu Lập sung chánh sứ, mang theo các sản vật và hai thớt voi thuần để cảm tạ[18].

Đáng mừng là tư liệu của Trung Quốc đã ghi lại cụ thể danh sách cống phẩm của Việt Nam, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chuyến đi sứ năm đó. Sách Trung Quốc viết:

Năm Đồng Trị thứ 10, vua nước An Nam bị bọn nghịch phỉ quấy nhiễu, sau đại binh dẹp yên. Nước đó bèn cử đoàn sứ đến cám ơn, cung tiến hai thớt voi thuần, hai chậu cây vàng bàn đào vạn tuế, hai cặp ngà voi, bốn bộ sừng tê giác, một trăm cân quế, một trăm xấp đoạn nhiễu hoa, một trăm xấp lụa mỏng, một trăm xấp lụa hoa, một trăm xấp lụa hoa thô, một trăm xấp lụa mộc, một trăm xấp lụa nõn, sáu chiếc quạt gắn lông đuôi voi[19].

Trong các cống vật mang thêm đó, voi thuần là loại động vật không thể thiếu trong các nghi lễ lớn của nhà Thanh[20]. Đây có thể nói là trường hợp cống voi duy nhất của triều Nguyễn cho nhà Thanh được ghi nhận. Có thể thấy, số lượng cống phẩm năm đó gia tăng, cộng với việc chủ động đứng từ góc độ nhà Thanh để chuẩn bị món quà khác trước cho thấy triều Nguyễn rất coi trọng lễ nghi, muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình, mặt khác dường như còn muốn gửi tới Thanh triều một thông điệp khác: họ coi trọng và muốn củng cố hơn nữa mối quan hệ với nhà Thanh. Đặt trong bối cảnh lịch sử khi đó, Pháp đã chiếm lục tỉnh Nam Kỳ và đang lăm le tiến lên phía Bắc, tình hình trong nước cũng cực kỳ rối ren, nên không không khó để dự đoán rằng hành động tặng thêm cống vật là bước đệm để nhà Nguyễn tiếp cận sâu hơn và tăng cường mối liên kết với nhà Thanh nhằm phục vụ cho các tính toán chính trị lâu dài hơn của mình.

1.2.3. Các lễ vật chúc thọ đặc biệt

Ngoài các cống vật đặc biệt trên, vua quan nhà Nguyễn còn dụng tâm chuẩn bị các bài thơ, bài từ để chúc thọ hoàng đế nhà Thanh[21]. Chuyến đi sứ năm 1809 với mục đích tuế cống, lại trùng với sinh nhật ngũ tuần của vua Gia Khánh, vì thế sứ giả Ngô Thì Vị theo lời dặn của vua Gia Long đã sáng tác trước ba bài từ[22] như dưới đây để dâng tặng:

Điệu Thiên thu tuế

Khi hoàng đế mới lên, vạn vật vẫn nghỉ ngơi, đến ngày vạn thọ, trăm cõi bốn phương, cát tường ninh tụ, chiếu rọi cực nam, áo cổn rồng bay sáng góc trời.

Chốn vương triều, khúc nhạc thiều vang lên, (thế cuộc) vững như ngàn ngọn núi.

Mệnh trời tụ lại nơi người thiên tử, thánh nhân khởi tạo phúc hòa.

Muôn sự yên ổn, hơi thở hài hoà. Mong thiên tử lánh xa thuốc thang, vạn thọ vô cương, để muôn nơi ca lại bài thái bình thịnh trị (Tác giả dịch nghĩa).

Điệu Hạ thánh triều

Sứ trình muôn dặm tới thềm ngọc. Áo mũ ngời tầm mắt. Một nhà xuân sắc. Trên nhà đai bạc, dưới nhà đàn nhạc. Cảnh tinh với mây lành, chúc dài thêm tuổi hạc. Sánh với nhật nguyệt, vận hành chẳng nghỉ, sông Ngân bàng bạc[23].

Điệu Thanh bình lạc

Phúc, uy, ngọc thực. Mãi dựng trung hòa cực. Vị, lộc, thọ, danh nhờ đại đức. Bốn bể, chín châu chuẩn mực. Cữ xe, lối chữ tương đồng, Thái Sơn, bàn thạch càng bền. Rạng rỡ muôn năm đế nghiệp, gió xuân nay mãi dài thêm[24].

Nhìn vào tiêu đề có thể thấy, tác giả chủ ý lấy ý nghĩa biểu trưng của các điệu từ để gửi gắm lòng mình. Thiên thu tuế là chúc hoàng đế trường thọ ngàn đời; Hạ thánh triều là chúc mừng bậc minh vương; Thanh bình nhạc chúc cho thế cuộc, đất nước thái bình. Đây đều là những từ ngữ có ý nghĩa may mắn, kết hợp với nội dung bài để ca ngợi công đức, và gửi lời chúc đến hoàng đế Trung Hoa. Tuy nhiên, sau đó, phía bạn lại yêu cầu dâng thơ chứ không phải từ nên sứ giả Việt Nam đã viết lại hai bài thơ là Thánh tiết nhật cung tiến nhị thủ[25]. Sự việc này cũng đã được sử sách Trung Quốc ghi lại: (Năm Gia Khánh thứ 10) ngày mồng 9, sứ thần tặng thơ[26].

Đáng chú ý là, trong dòng chảy văn học trung đại Việt Nam, từ là một thể loại khá kén tác giả. Thể loại này ngoài phần ca từ còn có phần nhạc, do phần nhạc và thanh điệu ngôn ngữ hai nước khác nhau nên dù du nhập vào Việt Nam từ lâu nhưng số lượng tác giả, tác phẩm không thật sự nhiều[27]. Vì vậy, việc sáng tác theo các điệu từ của Trung Quốc, ngoài việc thể hiện lòng thành, lời chúc mừng của vua quan triều Nguyễn, còn thể hiện được nỗ lực và mong muốn của các sứ giả trong việc tăng cường và củng cố mối quan hệ bang giao hữu hảo giữa hai nước. Quan trọng hơn, qua các tác phẩm này, nhà Nguyễn còn muốn thể hiện ý thức tự tôn dân tộc và văn hóa của mình. Họ muốn chứng minh và khẳng định Việt Nam là một nước đồng văn, có cùng lễ nhạc và truyền thống thi thư như Trung Quốc, là một văn hiến chi bang và vì thế cũng là đại diện của nền văn minh Hoa Hạ giống như Trung Quốc.

2.   Tiêu chí và việc chuẩn bị, vận chuyển các cống vật

2.1. Tiêu chí lựa chọn cống vật

Căn cứ vào danh sách cống vật và ý nghĩa chính trị, ngoại giao của chúng, có thể thấy tiêu chuẩn chung để lựa chọn các cống vật là: (i) thể hiện được tài nguyên, sản phẩm đặc biệt của Việt Nam (ngà voi); (ii) thể hiện một loại kỹ năng, tay nghề đặc biệt nào đó của Việt Nam (như nghề dệt vải); (iii) thể hiện được phong tục tập quán của Việt Nam (tặng trầu cau); (iv) thể hiện được truyền thống văn hóa, lịch sử của Việt Nam (tặng bài thơ, từ); (v) các cống vật phải phản ánh được địa vị, thân phận của người tặng và người được tặng (hoàng đế hai nước), vì thế đây đều là các sản vật địa phương quý giá, những vật mà không phải đối tượng nào cũng có cơ hội tiếp xúc và sử dụng; cũng như phục vụ được nhu cầu nào đó của người được tặng (như voi thuần…), và đương nhiên phải thể hiện, truyền đạt được những thông điệp của người tặng (như Việt Nam muốn bày tỏ lòng cảm ơn, hoặc thể hiện được bề dày lịch sử của mình).

Như vậy, chúng ta có thể thấy, các cống vật nhà Nguyễn gửi tặng nhà Thanh, xét từ nguyên vật liệu, công năng, giá trị của chúng thì tính địa phương độc đáo lớn hơn tính ứng dụng, tính ứng dụng lớn hơn tính năng trang trí. Còn nếu xét từ ý nghĩa tượng trưng đằng sau đó thì mục tiêu chính trị, ngoại giao và ý nghĩa văn hóa là chủ yếu, còn giá trị vật chất chỉ là thứ yếu.

2.2. Công tác chuẩn bị, vận chuyển cống vật

Nhà Nguyễn có những quy định cụ thể về cơ quan, địa phương chuẩn bị, và công tác vận chuyển các cống vật quan trọng kể trên. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi chép rõ ràng như sau:

Việc đi sứ nhà Thanh theo lệ cứ bốn năm một lần… Mỗi lần như vậy đều thông báo cho bộ Hộ, Nội vụ phủ chiếu lệ mà làm, đồng thời thông báo cho tỉnh Hà Nội chuẩn bị các vật phẩm cần thiết[28].

Như thế, mỗi khi đến dịp đi sứ, việc chuẩn bị, mua sắm các cống vật sẽ được giao cho tỉnh Hà Nội phụ trách, rồi bàn giao lại cho đoàn sứ để mang sang Trung Quốc[29]. Sau khi chuẩn bị hoàn tất, các cống vật, hành trang của đoàn sứ sẽ được đóng gói để vận chuyển. Theo Phạm Thế Trung, việc phân chia, đóng gói sẽ được tiến hành như sau:

Hai cặp ngà voi, đóng thành hai hòm; bốn bộ sừng tê giác, đóng thành hai hòm; vải hai trăm xấp, đóng bốn hòm; lụa mộc hai trăm xấp, đóng hai hòm; lụa nõn hai trăm xấp, đóng một hòm; vóc hai trăm xấp, đóng hai hòm. Trầm hương hai trăm lạng, đóng hai hòm; tốc hương một ngàn hai trăm lạng, đóng hai hòm. Sa nhân chín mươi cân, đóng hai hòm. Trầu cau chín mươi cân, đóng hai hòm. Tổng cộng mười chín hòm. Hành nhân tám người, tùy tùng chín người, tổng cộng các hòm đồ dùng chung và cá nhân là ba mươi lăm hòm. Tổng cộng các hòm đựng đồ cống vật và đồ dùng chung, cá nhân là năm mươi tư hòm[30].

Trong điều kiện khi đó, các hòm trên sẽ được đưa đi bằng đường bộ (phu khuân vác, voi kéo) hoặc đường thủy (dùng thuyền) theo nguyên tắc cứ đến tỉnh nào thì tỉnh đó hỗ trợ vận chuyển. Theo ghi chép của các sứ giả, khi di chuyển trong nước, đoàn sẽ được đưa đón khá long trọng. Mỗi địa phương đều có đội tướng, binh, voi và dân phu hỗ trợ. Nguyễn Tư Giản từng miêu tả: “Sáng ngày 22, giờ Thìn, quan tỉnh Hà Nội cử lãnh binh Nguyễn Giản, thủy kỳ hiệp quản Nguyễn Tựu đem tướng, binh, voi và dân phu đưa quốc thư, các rương hòm đồ công, tư xuất phát. Đến giờ ngọ đoàn qua sông Nhĩ Hà. Lãnh binh Bắc Ninh Võ Văn Phùng đã lãnh đội binh, voi chờ sẵn ở bờ bắc”[31].

Khi đến Hà Nội, đoàn sứ sẽ dừng lại để kiểm tra cẩn thận các hòm hai lần nữa trước khi tiếp tục hành trình, “ngày 15 tháng này, các tùy tùng, hành nhân đoàn sứ bộ đến tỉnh Hà Nội, (đoàn) sẽ tiến hành kiểm tra từng phẩm vật được chuẩn bị. Sau khi các sứ giả đến thì kiểm tra kỹ lại một lần nữa, sau đó toàn bộ số cống vật sẽ được giữ lại (để chính thức xuất phát)[32].

Khi đoàn qua địa phận Trung Quốc thì việc vận chuyển cống phẩm và đồ đạc sẽ do phía bạn phụ trách, chủ yếu bằng đường thuỷ và đường bộ. Theo quy định của nhà Thanh, vật dụng của sứ bộ sẽ được ưu tiên, không bị kiểm tra kỹ ở các dịch trạm như hàng hóa thông thường[33]. Khi đoàn đến Bắc Kinh, số rương hòm này sẽ được giao cho người thuộc bộ Lễ nhà Thanh phụ trách vận chuyển, nhờ đó sẽ tránh được các thủ tục kiểm tra[34]. Lúc này, các cống vật coi như đã hoàn thành hành trình vạn dặm của mình và sẽ được bộ Lễ bàn giao cho vua Thanh.

Tuy vậy việc vận chuyển trên đất bạn không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Quá trình này có thể gặp gián đoạn do thời tiết, do phía bạn sắp xếp tàu bè không đủ, hoặc các điều kiện lịch sử khác… Như trường hợp Nguyễn Tư Giản kể lại, khi đoàn đến Ngô Châu: “Các thuyền đều phải đóng thuế cho Cục li kim[35], cả ngày không xong nên không đi được… Theo lệ cũ thì thuyền của sứ bộ qua đây không phải kiểm tra. Nhưng lần này một số nhà thuyền còn mang theo gạo, thuốc nên tuần phủ lo họ vận chuyển cả muối để buôn lậu, lỡ mất việc thu thuế, nên căn dặn các quan địa phương hộ tống đoàn sứ và quan lại ở Cục li kim phải kiểm tra thật kỹ lưỡng. Vì thế khi đoàn đi qua Cục, người phụ trách kiểm tra từng thuyền, vô cùng rắc rối phiền phức”[36]. Đặc biệt, trường hợp sứ bộ năm 1870 còn mang theo hai con voi khá lớn nên trên suốt chặng đường đã thu hút nhiều ánh mắt hiếu kỳ của người dân địa phương, họ đã tập hợp thành nhóm nhìn ngó khiến hành trình của đoàn sứ bị chậm lại đôi chút[37].

3.   Kết luận

Trong bài viết này, thông qua sử liệu của Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi đã tiến hành tổng kết và giới thiệu danh sách cống vật của triều Nguyễn cho hoàng đế nhà Thanh theo từng mục đích đi sứ khác nhau, cũng như tiêu chí lựa chọn, công tác chuẩn bị và vận chuyển các cống phẩm này từ Việt Nam sang Trung Quốc, qua đó giúp chúng ta hiểu hơn về các nghi thức ngoại giao của nhà Nguyễn, lịch sử triều Nguyễn nói chung, cũng như những hoạt động trao đổi, giao lưu vật phẩm thực tế của hai nước Việt – Trung khi tiến hành công tác ngoại giao trong thế kỷ XIX.

Thông qua việc xem xét các vấn đề cơ bản liên quan đến các cống phẩm, có thể thấy danh sách các cống phẩm của nhà Nguyễn cho nhà Thanh là sự kế thừa theo quy ước giữa hai nước từ các đời trước, và chúng được lựa chọn dựa trên các quy định cụ thể theo điển chế triều cống của Nho gia trên nguyên tắc lễ thượng vãng lai – có đi có lại. Đương nhiên, do hoàn cảnh lịch sử khác nhau, vì thế ngoài chuẩn bị các cống vật theo quy định, nhiều đoàn sứ còn chuẩn bị thêm những vật phẩm khác để tặng nhà Thanh nhằm phục vụ cho những mục đích chính trị, ngoại giao cụ thể và thể hiện ý thức tự tôn văn hoá, dân tộc của mình. Vì vậy, ý nghĩa hoặc lý giải về những cống phẩm này đã có phần thay đổi so với thời kỳ đầu, người tặng và người được tặng đều có những giải thích khác nhau tuỳ vào hoàn cảnh, góc nhìn của mình, tuy nhiên điểm chung là hai bên đều coi trọng giá trị tượng trưng đằng sau những cống vật đó chứ không phải giá trị vật chất của từng lễ vật.

Qua việc nhà Nguyễn lựa chọn, chuẩn bị các cống phẩm cho nhà Thanh, có thể khẳng định nhà Nguyễn rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc và các cống vật đóng vai trò lớn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ chính trị, ngoại giao hòa hiếu giữa hai nước, chúng cũng chính là công cụ, vật trung gian để vua quan nhà Nguyễn chủ động gửi gắm những thông điệp ngoại giao của mình, cũng như khẳng định bề dày văn hóa, lịch sử và thể diện của đất nước. Việc tìm hiểu về các lễ vật ngoại giao này đã góp phần soi sáng vào quá trình trao đổi văn hóa vật chất giữa hai nước, về mối quan hệ giữa thế giới vật chất và thế giới chính trị, cũng như hé lộ về những cuộc đối thoại ngoại giao “ngầm” giữa những nhà lãnh đạo của các nước đồng văn với hoàng đế nhà Thanh, từ đó hi vọng có thể nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu hơn trong tương lai./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Phạm Văn Ánh (2018), Thể loại Từ Việt Nam thời trung đại: văn bản, tác giả, tác phẩm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2.  Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2009), “Hoạt động triều cống trong quan hệ bang giao giữa triều Nguyễn (Việt Nam) với triều Thanh (Trung Quốc)”, Nghiên cứu Trung Quốc, số 7 (95).

3. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2014), Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1802 đến năm 1885, Luận văn tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản, Hà Nội.

5. Tạ Văn Lâm (2009), Sự độc tôn Nho giáo dưới triều Nguyễn: Nguyên nhân và ảnh hưởng đương thời của nó, Luận văn tiến sĩ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

6. Hoàng Phương Mai (2014), Nghiên cứu văn kiện ngoại giao của triều đình nhà Nguyễn (Việt Nam) gửi triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) giai đoạn 1802-1885, Luận văn tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Ngô Thì Vị, Mai dịch trâu dư, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, A.117/16.

8. Nguyễn Hoàng Yến (2021), “Tìm hiểu về thái độ, quan điểm đối với Trung Quốc của nho sĩ - sứ giả Nguyễn Tư Giản qua cuộc đi sứ năm 1868”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7.

9. Yu Insun (2008), Lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thế kỷ XIX thể chế triều cống, thực và hư, Hội thảo Việt Nam học lần thứ 3, https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/72512/1/401%282009-9%29_p21-30.

10. 大南實錄 (Đại Nam thực lục) bản scan chữ Hán.

11. 大清會典事例(光緒朝) (Đại Thanh hội điển sự lệ - triều Quang Tự), https://ctext.org/library.pl?if=gb&res=2299.

12. 范世忠 (2010), 使清文錄, 越南漢文燕行文獻集成(越南所藏編), 第14冊, 復旦大學出版社、漢喃研究院,上海 (Phạm Thế Trung (2010), Sứ Thanh văn lục, Việt Nam Hán văn Yên hành lục văn hiến tập thành, tập 14, Nxb Đại học Phục Đán, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thượng Hải).

13. 范熙亮 (2010), 北溟雛羽偶錄, 越南漢文燕行文獻集成(越南所藏編), 第21冊, 復旦大學出版社、漢喃研究院,上海 (Phạm Hy Lượng (2010), Bắc minh sồ vũ ngẫu lục, Việt Nam Hán văn Yên hành lục văn hiến tập thành, tập 21, Nxb Đại học Phục Đán, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thượng Hải).

14. 何新華 (2012), 清代貢物制度研究, 社會科學文獻出版社, 北京 (He Xinhua (2012), Nghiên cứu về chế độ cống vật nhà Thanh, Nxb Văn hiến khoa học xã hội, Bắc Kinh).

15. 許文堂 (2001), 十九世紀清越外交關係之演變, 載入許文堂主編: 越南, 中國與台灣關係的轉變, 中央研究院-東南亞區域研究計畫, 臺北 (Xu Wentang (2001), “Diễn biến quan hệ nhà Thanh – nhà Nguyễn trong thế kỷ XIX”, trích trong sách Sự biến chuyển trong quan hệ Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan, Viện nghiên cứu Trung ương, Đài Bắc), tr. 77-90.

16. 李梦馨 (2008), 清代宮廷珍禽異獸豢養制度研究, 山西大學碩士論文 (Li Mengxin (2008), Nghiên cứu về chế độ nuôi dưỡng các loài vật quý giá trong cung đình nhà Thanh, Luận văn thạc sĩ Đại học Sơn Tây).

17. 清實錄(道光朝)(Thanh thực lục – triều Đạo Quang), https://ctext.org/ wiki.pl?if=gb&res=713098.

18. 阮思僩 (2010), 燕軺筆錄, 越南漢文燕行文獻集成(越南所藏編), 第19冊, 復旦大學出版社、漢喃研究院,上海 (Nguyễn Tư Giản (2010), Yên thiều bút lục, Việt Nam Hán văn Yên hành lục văn hiến tập thành, tập 19, NXB Đại học Phục Đán, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thượng Hải).

19. 武氏青簪 (2020), 越南使節吳時位未及獻上的祝壽詞, 國文天地 (Vũ Thị Thanh Trâm (2020), Những bài từ sứ giả Ngô Thì Vị chưa kịp dâng tặng vua Thanh, Quốc văn thiên địa), số 36 (4), tr. 16-21.

20. 欽定大南會典事例 (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ) bản chữ Hán.

21. 欽定大清會典 (嘉慶朝) (Khâm định Đại Thanh hội điển - triều Gia Khánh), https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&res=973765.

22. 周禮 (Chu lễ), https://ctext.org/rites-of-zhou/zh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] TS., Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

[2] Yu Insun (2008), Lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thế kỷ XIX thể chế triều cống, thực và hư, Hội thảo Việt Nam học lần thứ 3, https://repository.vnu.edu.vn/ bitstream/VNU_123/72512/1/401%282009-9%29_p21-30, truy cập ngày 20/05/2021, tr. 21.

[3] Tham khảo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2009), “Hoạt động triều cống trong quan hệ bang giao giữa triều Nguyễn (Việt Nam) với triều Thanh (Trung Quốc)”, Nghiên cứu Trung Quốc, số 7 (95), tr. 65, và Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản, Hà Nội.

[4] Theo Trần Trọng Kim (1971), Tlđd, tr. 179; Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2009), Tlđd, tr. 68-69; Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2014), Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 1802 đến năm 1885, Luận văn tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội; Hoàng Phương Mai (2014), Nghiên cứu văn kiện ngoại giao của triều đình nhà Nguyễn (Việt Nam) gửi triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) giai đoạn 1802-1885, Luận văn tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội; 許文堂 (2001), 十九世紀清越外交關係之演變, 載入許文堂主編: 越南, 中國與台灣關係的轉變, 中央研究院-東南亞區域研究計畫, 臺北 (Xu Wentang (2001), “Diễn biến quan hệ nhà Thanh – nhà Nguyễn trong thế kỷ XIX”, trích trong Sự biến chuyển trong quan hệ Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan, Viện Nghiên cứu Trung ương, Đài Bắc), tr. 80.

[5] Tham khảo Tạ Văn Lâm (2009), Sự độc tôn Nho giáo dưới triều Nguyễn: Nguyên nhân và ảnh hưởng đương thời của nó, Luận văn tiến sĩ, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

[6] Tham khảo Nguyễn Hoàng Yến (2021), “Tìm hiểu về thái độ, quan điểm đối với Trung Quốc của nho sĩ - sứ giả Nguyễn Tư Giản qua cuộc đi sứ năm 1868”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7, tr. 36.

[7] Tham khảo Đại hành nhân, Thu quan trong sách Chu lễ, https://ctext.org/rites-of-zhou/zh, truy cập 25/05/2021.

[8] Trước thế kỷ XX, quan hệ với Trung Quốc có thể nói là quan hệ ngoại giao duy nhất mà Việt Nam thừa nhận. Điều này thể hiện rõ trong ghi chép của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, phần Bang giao chỉ nêu duy nhất những lễ nghi đi sứ đối với nhà Thanh, còn quan hệ với các nước khác đều không được xếp vào mục này. Tham khảo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (欽定大南會典事例) bản chữ Hán, quyển 128.

[9] Tham khảo Đại Nam thực lục, Thanh thực lục (Đạo Quang thực lục) quyển 328, tr. 1 (清實錄(道光朝)https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&res=713098, truy cập ngày 22/05/2021.

[10] Tham khảo phần Phẩm nghi, Bang giao, Lễ bộ thuộc Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 128, tr. 7b, 8a.

[11] Tham khảo 阮思僩(2010), 燕軺筆錄, 越南漢文燕行文獻集成(越南所藏編), 第19冊, 復旦大學出版社、漢喃研究院,上海 (Nguyễn Tư Giản (2010), Yên thiều bút lục, Việt Nam Hán văn Yên hành lục văn hiến tập thành, tập 19, Nxb Đại học Phục Đán, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thượng Hải), tr. 23-4.

[12] Tham khảo 范世忠 (2010), 使清文錄, 越南漢文燕行文獻集成(越南所藏編), 第14冊, 復旦大學出版社、漢喃研究院,上海 (Phạm Thế Trung (2010), Sứ Thanh văn lục, Việt Nam Hán văn Yên hành lục văn hiến tập thành, tập 14, Nxb Đại học Phục Đán, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thượng Hải), tr. 76-7. Danh sách này giống với danh sách cống vật tuế cống năm Gia Long thứ 3 (1804) được ghi chép ở trang số 4, quyển 23 trong Đại Nam thực lục - chính biên đệ nhất kỷ.

[13] Tham khảo 許文堂 (Xu Wentang), Tlđd, tr. 81; Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2014), Tlđd.

[14] Tham khảo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 128, tr. 7b.

[15]Tham khảo Khâm định Đại Thanh hội điển, triều Gia Khánh 欽定大清會典 (嘉慶朝), https://ctext.org/ wiki.pl?if=gb&res=973765, truy cập ngày 22/05/2021, quyển 394, tr. 493.

[16] Theo Đại Thanh hội điển sự lệ (đời Quang Tự), 大清會典事例(光緒朝), https://ctext.org/ library.pl?if=gb&res=2299, truy cập ngày 22/05/2021, quyển 520, phần Lễ bộ, Triều cống, Sắc phong, tr. 23-24.

[17] Tham khảo 范熙亮 (2010), 北溟雛羽偶錄, 越南漢文燕行文獻集成(越南所藏編), 第21冊, 復旦大學出版社、漢喃研究院, 上海 (Phạm Hy Lượng (2010), Bắc minh sồ vũ ngẫu lục, Việt Nam Hán văn Yên hành lục văn hiến tập thành, tập 21, Nxb Đại học Phục Đán, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thượng Hải), tr. 5.

[18] Tham khảo Đại Nam thực lục (大南實錄) bản scan chữ Hán đệ tứ kỷ, quyển 43, tr. 18.

[19] Tham khảo Đại Thanh hội điển sự lệ (đời Quang Tự), tư liệu đã dẫn, quyển 540, tr. 46.

[20] Tham khảo李梦馨 (2008), 清代宮廷珍禽異獸豢養制度研究, 山西大學碩士論文 (Li Mengxin (2008), Nghiên cứu về chế độ nuôi dưỡng các loài vật quý giá trong cung đình nhà Thanh, Luận văn thạc sĩ Đại học Sơn Tây).

[21] Trong lịch sử bang giao hai nước Việt – Trung, sứ thần Việt Nam tặng thơ chúc thọ hoàng đế Trung Hoa không phải chưa có tiền lệ, như trường hợp sứ giả Phùng Khắc Khoan tặng thơ cho vua Minh và sứ giả Phan Huy Ích tặng thơ cho vua Càn Long trong chuyến đi sứ năm 1790.

[22] Tham khảo nguyên văn chữ Hán trong Ngô Thì Vị, Mai dịch trâu dư, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, A.117/16, tr. 57a, b.

[23] Theo Phạm Văn Ánh (2018), Thể loại Từ Việt Nam thời trung đại: văn bản, tác giả, tác phẩm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr. 394.

[24] Tham khảo Phạm Văn Ánh, Tlđd, tr. 395.

[25] Tham khảo 武氏青簪 (2020), 越南使節吳時位未及獻上的祝壽詞, 國文天地 (Vũ Thị Thanh Trâm (2020), Những bài từ sứ giả Ngô Thì Vị chưa kịp dâng tặng vua Thanh, Quốc văn thiên địa), số 36 (4), tr. 16.

[26] Tham khảo Khâm định Đại Thanh hội điển, triều Gia Khánh, Tlđd, quyển 397, tr. 597.

[27] Tham khảo Phạm Văn Ánh, Tlđd, tr. 20.

[28] Tham khảo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 128, phần Lễ bộ, Bang giao, Khiển sứ sự nghi, tr. 1b.

[29] Chỉ có chuyến đi sứ năm 1868 tình hình có phần đặc biệt. Các cống vật cần mang đi năm đó là gộp của bốn lần cộng lại, do đó số lượng cần chuẩn bị rất nhiều. Để không ảnh hưởng đến thời gian đi sứ, triều đình nhà Nguyễn cũng đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể: (Các vật phẩm được bộ Hộ, Nội vụ phủ xem xét chuẩn bị) Thông báo cho tỉnh Hà Nội đúc và chuẩn bị các việc, rồi lưu đồ lại đó để sau bổ sung. Các đồ vật khác người bộ Hộ kiểm tra Nội vụ phủ xem rõ tình hình đồ lưu trong kho để lo liệu. Những đồ chưa có thì căn cứ theo thời gian đoàn sứ bộ xuất phát, người bộ Hộ và Nội vụ phủ phối hợp, kiểm tra đủ thiếu rõ ràng, còn thiếu gì thì người phụ trách liên lạc với các địa phương làm ra các sản vật nhanh chóng xử lý, đảm bảo đủ số lượng và thời gian để đoàn đi sứ. Tham khảo 阮思僩 (Nguyễn Tư Giản), Tlđd, tr. 27.

[30] Tham khảo 范世忠 (Phạm Thế Trung), Tlđd, tr. 79-80.

[31] Tham khảo 阮思僩 (Nguyễn Tư Giản), Tlđd, tr. 60.

0thảo luận