Trang chủ

Quá trình phát triển của xã hội dân sự Hàn Quốc từ cuối những năm 1990 đến nay

Đăng ngày: 22-03-2023, 11:19 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 12

Phạm Thị Nhung1

 

Tóm tắt: Sự phát triển của xã hội dân sự liên quan mật thiết đến quá trình dân chủ hóa của Hàn Quốc. Những năm 1970-1980, sự phát triển của các tổ chức dân sự Hàn Quốc gặp rào cản nhất định do đặc trưng văn hóa của một quốc gia đơn dân tộc, chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo. Việc thành lập một chính quyền dân chủ thông qua cuộc bầu cử tự do năm 1987 là mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời và phát triển của xã hội dân sự ở Hàn Quốc. Bước sang thế kỷ XXI, bối cảnh xã hội và những vấn đề đặt ra của thời đại đã khiến khu vực dân sự của Hàn Quốc có những bước tiến cả về số lượng và chất lượng. Bài viết phân tích làm rõ tiến trình phát triển của xã hội dân sự Hàn Quốc từ cuối những năm 1990 đến nay.

Từ khóa: Xã hội dân sự Hàn Quốc, dân chủ, tổ chức phi chính phủ

 

 

X

ã hội dân sự là xã hội hiện hữu ở hầu hết các quốc gia có chế độ dân chủ. Nội dung cốt lõi nhất của khu vực này chính là hệ thống các tổ chức xã hội của công dân được gắn kết bởi những nhu[1]cầu, lợi ích chung. Xã hội dân sự là một khu vực “phi nhà nước”, bao gồm các liên hiệp, hiệp hội, hội, tổ chức cộng đồng, nhóm tình nguyện, tổ chức phi chính phủ… thực hiện các chức năng, vai trò xã hội hoặc mục đích nghề nghiệp, từ thiện, nhân đạo… nhất định; hoạt động chủ yếu dựa trên tính tự chủ về tài chính, tự quản trong tổ chức quản lý và sự tự nguyện của các thành viên, hội viên với mục tiêu phi lợi nhuận, đa dạng về hình thức tổ chức, phong phú về mục tiêu cụ thể.

Các tổ chức dân sự Hàn Quốc tồn tại trước những năm 1980 phát triển một cách rời rạc, chưa có định hướng cộng đồng một cách rõ ràng, chủ yếu là các tổ chức do một nhóm xã hội nhất định như sinh viên, dân nghèo thành thị, trí thức phản đối chính sách của nhà cầm quyền, tất cả cùng tạo thành một xã hội dân sự nhưng chỉ ở dạng phôi thai. Chế độ độc tài và tình cảnh đất nước bị chia cắt khiến khu vực xã hội dân sự rất ít có điều kiện phát triển. Hàn Quốc được giải phóng khỏi chế độ thực dân Nhật Bản vào năm 1945 nhưng sau đó đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc với hai chính thể riêng. Chính quyền quân sự thành lập năm 1961 đã hiện hữu là một chính quyền độc tài nắm quyền lực nhà nước, hạn chế tự do của các tổ chức trong khi đó lại hậu thuẫn mạnh mẽ cho những công ty lớn phát triển, do đó những vấn đề về phương thức tích lũy vốn và mối quan hệ đối với người lao động trở thành một vấn đề lớn của xã hội. Các quyền dân chủ cơ bản, chẳng hạn như quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến đều bị đàn áp. Điều kiện sống của công nhân, nông dân và những người thị dân nghèo, những người di cư từ khu vực nông nghiệp trong những năm 1970 hết sức cực khổ - thời gian lao động kéo dài, điều kiện lao động tồi tệ, lương rất thấp. Khi đó, đã xuất hiện một vài phong trào tự phát của công nhân, nông dân hoặc của dân nghèo thành thị đòi hỏi cải thiện điều kiện sống. Cho đến những năm 1970 và 1980, những phong trào ủng hộ dân chủ đã làm cho xã hội dân sự ở Hàn Quốc phát triển thành một nhóm vận động chính sách, xác định các vấn đề mới và đề xuất các giải pháp thiết thực, tập trung nỗ lực vào việc làm cho nền dân chủ của Hàn Quốc ngày càng sâu sắc hơn.

Đến năm 1987, chính quyền dân chủ của Hàn Quốc chính thức được thiết lập. Đây chính là mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời và phát triển cả về chất và lượng của các tổ chức xã hội dân sự ở Hàn Quốc, từ đó hình thành nên “xã hội dân sự” thực sự của quốc gia này.

1. Giai đoạn hình thành xã hội dân sự: từ năm 1987 đến nửa đầu những năm 1990

Quá trình dân chủ hóa ở Hàn Quốc đã làm thay đổi mối quan hệ giữa chính phủ và xã hội dân sự. Điều này có nghĩa là quá trình dân chủ hóa là cơ sở cho xã hội dân sự phát triển. Từ nửa sau những năm 1980, có thể nói xã hội Hàn Quốc đã cơ bản bước vào thời kỳ dân chủ hóa. Sự kiện quan trọng nhất trong quá trình dân chủ hóa của Hàn Quốc là phong trào Gwangju năm 1980. Đây là phong trào đấu tranh dân chủ sau khi Tổng thống Park Chung-hee qua đời, phong trào yêu cầu dân chủ hóa chính trị như sửa đổi hiến pháp về quyền bầu cử tổng thống của công dân. Tuy nhiên phong trào này đã bị đàn áp thông qua vũ lực. Sau sự đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Gwangju vào tháng 5 năm 1980, chế độ độc tài đã thực hiện một loạt các chiến dịch cưỡng chế. Hội đồng Lập pháp vì An ninh Quốc gia đã thông qua nhiều luật chống dân chủ, hạn chế hoạt động chính trị cạnh tranh, hạn chế các quyền tự do dân chủ cơ bản, thiết lập một hệ thống kiểm duyệt báo chí và đàn áp phong trào lao động. Đến tháng 6 năm 1987, phong trào dân chủ diễn ra trên toàn quốc, trung tâm là Thủ đô Seoul với những yêu cầu chính quyền độc tài quân sự từ chức và phục hồi chế độ bầu cử tổng thống trực tiếp. Phong trào này một mặt tiếp nối phong trào dân chủ Gwangju, một mặt mở ra sự khởi đầu thật sự cho nền chính trị Hàn Quốc chuyển biến theo hướng dân chủ. Đối với người Hàn Quốc, phong trào đấu tranh tháng 6/1987 không chỉ là công cụ chính trị mang tới sự thay đổi chế độ bầu cử dân chủ đại nghị và sự rút lui của chế độ quân sự độc tài mà nó còn tác động như một công cụ xã hội tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự phát triển. Tại Hàn Quốc, người ta gọi cấu trúc chính trị - xã hội được tạo bởi thành quả của phong trào dân chủ năm 1987 là “thể chế năm 87”. Đây chính là mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời và phát triển của các tổ chức xã hội dân sự ở Hàn Quốc.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chỉ đến mốc 1987, xã hội dân sự mới thật sự được công nhận bởi nó ra đời từ nhu cầu thực tiễn của đất nước, đáp ứng xu thế phát triển của thế giới và nhu cầu này là nhu cầu được xã hội và chính phủ công nhận. Kể từ khi chuyển sang nền dân chủ năm 1987, xã hội dân sự ở Hàn Quốc đã trải qua những thay đổi quan trọng. Số lượng các tổ chức dân sự mới thành lập theo đuổi lợi ích công cộng tăng lên đáng kể. Phạm vi hoạt động và mục đích của các tổ chức xã hội dân sự cũng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thay vì mục tiêu dân chủ đóng vai trò là yếu tố then chốt, xã hội dân sự đã lựa chọn sự tập trung vào bình đẳng kinh tế, cải cách chính trị và nhà nước để kiềm chế tham nhũng, cải thiện các vấn đề xã hội và môi trường. Sau phong trào dân chủ, xã hội Hàn Quốc vận hành theo phương thức khác hoàn toàn so với trước đây thể hiện qua những điểm sau:

Thứ nhất, về thể chế chính trị, nền dân chủ với hình thức bầu cử tổng thống bằng tuyển cử trực tiếp được thông qua, một chính quyền dân chủ đã được thành lập qua một cuộc bầu cử tự do. Kết quả của phong trào là chính quyền độc tài quân sự đã bị khuất phục trước những yêu cầu của công dân, Hiến pháp đã có thay đổi về việc bầu cử tổng thống, trong đó quyền được trực tiếp tham gia bầu cử của người dân được đã được thực hiện.

Thứ hai, về mặt xã hội, tính chất của các phong trào xã hội thay đổi từ việc chống lại chính quyền độc tài có tính chất định hướng giai cấp và vận dụng hình thức đấu tranh bạo động đã chuyển biến theo hướng thực hiện “cái chung mang tính xã hội” bằng phương pháp ôn hòa với trọng tâm là lý tưởng dân chủ chủ nghĩa. Phong trào công dân về cơ bản được hình thành trong xã hội Hàn Quốc từ khi Liên minh Công dân vì sự công bằng trong hoạt động kinh tế (CCEJ) được thành lập vào năm 1989 với tư cách là một sự kiện đánh dấu sự phát triển của phong trào xã hội theo hình thức mới. Năm 1994, xuất hiện tổ chức đoàn kết Chamyeo, là trung tâm của phong trào công dân với những yêu cầu cải cách dân chủ cấp tiến hơn, gây được uy tín trong xã hội Hàn Quốc thông qua các hoạt động như tổ chức các phong trào đòi quyền lợi nhỏ, phong trào cải cách tư pháp, phong trào đòi yêu cầu công khai, minh bạch thông tin… Đồng thời, tổ chức này cũng tích cực triển khai, theo đuổi các hoạt động xã hội và can thiệp vào việc hoạch định chính sách đối với việc sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, với tư cách như một phần của phong trào xã hội mới, ý thức đấu tranh chống lại bạo lực đối với phụ nữ, đòi sự bình đẳng nam nữ, nền giáo dục có tính chất dân chủ và tiến bộ cũng manh nha xuất hiện.

Thứ ba, về kinh tế, sự độc tài khai thác tài nguyên theo hình thức chính phủ là chủ đạo đã bị bãi bỏ, cùng với đó là việc thực thi chế độ tự trị địa phương và thể chế hóa quyền cơ bản mang tính công dân. Ngoài ra, việc cải cách chế độ thuế có liên quan đến bất động sản nhằm thu hồi những khoản không minh bạch nhờ việc thực thi chế độ tài chính thực danh, sửa đổi Luật trao đổi chính thức, sửa đổi Luật trao đổi chứng khoán là những vấn đề trọng tâm nhất. Liên minh Công dân vì sự công bằng trong hoạt động kinh tế thành lập năm 1989 đã tạo ra một chương trình mới cho phong trào công dân, theo đó những cải cách trong chế độ tư bản chủ nghĩa hay vấn đề phân phối lợi nhuận được đưa ra. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn kết Chamyeo lại hướng tới những vấn đề cụ thể như việc điều chỉnh cơ cấu quản lý của công ty thông qua phong trào cổ đông, ngăn chặn sự lũng đoạn của những tập đoàn kinh tế lớn vốn trước đây được chính phủ bảo trợ, tạo ra môi trường kinh tế thị trường công bằng cho các thành phần kinh tế.

Thứ tư, về vấn đề môi trường, những cuộc vận động để giải quyết các vấn đề về môi trường cũng được hình thành trên phạm vi cả nước với sự xuất hiện của các tổ chức hoạt động vì môi trường. Liên minh Phong trào vì môi trường được thành lập năm 1993. Phong trào hoạt động vì môi trường của Hàn Quốc được bắt đầu từ phong trào hạn chế ô nhiễm nhằm giải quyết những vấn đề môi trường từ hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa kéo dài trong suốt mấy chục năm. Thông qua hoạt động của tổ chức này, khái niệm phát triển thân thiện với môi trường trở nên thân quen và đã có sức ảnh hưởng, lan tỏa trong xã hội.

Thứ năm, về hoạt động của báo chí, tự do của các cơ quan ngôn luận cũng được mở rộng. Nếu báo chí thời kỳ trước có tính bảo thủ và đóng kín thì thời kỳ này đã có sự chuẩn bị cho một môi trường công luận mới. Trên cơ sở sự đóng góp của nhân dân, những toà báo mới chống lại hình thức ngôn luận bảo thủ đã được sáng lập.

Chúng ta có thể thấy mốc lịch sử năm 1987 với một chính quyền dân chủ đã được thành lập qua một cuộc bầu cử tự do là mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời và phát triển của các tổ chức xã hội dân sự ở Hàn Quốc. Từ mốc lịch sử này, các tổ chức dân sự Hàn Quốc thật sự đã hình thành và phát triển nhanh chóng thành một khu vực xã hội dân sự. Sự lớn mạnh của phong trào công dân Hàn Quốc trong nửa đầu những năm 1990 là một bước ngoặt lớn, một sự kiện dân chủ có tầm ảnh hưởng trong xã hội Hàn Quốc. Công cụ điều hành quốc gia là luật pháp được can thiệp để thiết lập mới và sửa đổi theo hướng tích cực (Luật về quỹ quyên góp cho chính trị, Luật bầu cử, Luật phòng chống tiêu cực, Luật trao đổi chính thức, Luật trao đổi chứng khoán, Luật bảo hộ sinh hoạt tối thiểu và Luật trợ cấp quốc dân). Xem xét phong trào công nhân của nửa đầu những năm 1990, có thể thấy đây là những phong trào dựa trên tính công bằng, minh bạch và chính đáng với trọng tâm là chú trọng vào các chính sách cải tạo nền chính trị trung ương.

2. Giai đoạn xã hội dân sự tăng cường liên minh và bắt đầu vận động theo định hướng chính sách tổ chức phi chính phủ: từ nửa sau những năm 1990 đến năm 2000

Kể từ cuối những năm 1990, một số tổ chức dân sự lớn đã bắt đầu có ảnh hưởng đáng kể đối với các vấn đề quốc gia, khu vực và thậm chí cả quốc tế. Năm 1997, đảng đối lập đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và đạt được sự chuyển giao quyền lực bằng con đường hòa bình. Đỉnh cao của phong trào công dân đó là cuộc tổng tuyển cử năm 2000 đấu tranh loại bỏ những bất công và tiêu cực còn lại trong văn hóa chính trị Hàn Quốc, phong trào công dân diễn ra mạnh mẽ đã đưa ra khỏi danh sách những ứng viên có biểu hiện tiêu cực hoặc bị tình nghi phạm tội. Kết quả của phong trào này là 2/3 ứng viên đã bị loại trên thực tế và phong trào đã làm thay đổi xu thế quyền lực chính trị của Hàn Quốc lúc bấy giờ. Như vậy, phong trào công dân đã chứng minh được khả năng làm thay đổi giới chính trị gia, điều mà trước đây chưa có tiền lệ.

Từ cuối những năm 1990 thuật ngữ tổ chức phi chính phủ (NGO) bắt đầu được sử dụng ở quốc gia này. Nhờ sự phát triển kinh tế năm 1988, Hàn Quốc đã bắt đầu công việc viện trợ cho nước ngoài. Đến năm 1991, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) được thành lập và bắt đầu quản lý một cách thống nhất việc viện trợ kỹ thuật và trao đổi nhân lực. Năm 1999 Luật về tổ chức phi lợi nhuận đã được ban hành. Bắt đầu từ thời kỳ này, bản chất của các tổ chức dân sự đã được thay đổi thành các tổ chức phi chính phủ theo định hướng vận động chính sách huy động sự tham gia của công dân đối với quá trình hoạch định chính sách của Hàn Quốc. Trong lĩnh vực môi trường còn có tổ chức Liên đoàn Môi trường Hàn Quốc (KFEM), hiện được công nhận là tổ chức phi chính phủ đại diện ở Hàn Quốc. Trong lĩnh vực giáo dục, năm 1997, 13 tổ chức phi chính phủ đã tham gia để thành lập Diễn đàn về Giáo dục công dân tại Hàn Quốc. Một số hội thảo đã được tổ chức và một đạo luật hỗ trợ giáo dục dân chủ của công dân đã được soạn thảo.

Một trong những thay đổi của xã hội dân sự Hàn Quốc là tính chất mạng lưới có tính liên kết cao. Trong suốt nửa sau những năm 1990 và 2000, một số tổ chức dân sự mạnh như CCEJ và Liên minh Đoàn kết nhân dân có sự tham gia vì mục tiêu dân chủ (PSPD) đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố dân chủ và thúc đẩy cải cách chính trị, kinh tế và xã hội ở Hàn Quốc. Năm 1999, 40 tổ chức phi chính phủ đã cùng thành lập một hiệp hội để giám sát quốc hội. Họ giám sát 20 nghị sĩ tại nơi làm việc và tổ chức lấy ý kiến về mức độ quan tâm về lợi ích của công dân. Các hiệp hội toàn quốc kết nối các nhóm với các mục tiêu tương tự, ví dụ như KFEM, thu thập hơn 40 nhóm hoạt động vì mục tiêu môi trường vào năm 1993, hoặc KCCM (Liên minh Công dân Hàn Quốc), một mạng lưới gồm 36 tổ chức từ nhiều lĩnh vực khác nhau[2].

Trước những năm 1990, mọi chính sách của Hàn Quốc đều mang tính chất tập trung ở chính quyền trung ương. Chính quyền cũng như người dân địa phương dành sự chú ý cho các vấn đề quốc gia hơn là các vấn đề của chính cộng đồng. Báo chí địa phương có tỷ lệ đăng ký dưới 20%. Điều đó cho thấy những gì xảy ra tại địa phương không được xem trọng so với những gì xảy ra trong chính trị quốc gia. Tuy nhiên, người dân nhận ra rằng các văn phòng trung ương quá xa để lắng nghe tiếng nói của họ. Ảnh hưởng của chính trị dân chủ đã đánh thức người dân địa phương. Nhu cầu phân quyền của chính quyền địa phương chủ yếu được thể hiện thông qua các hoạt động của bốn hiệp hội chính quyền địa phương (LGAs) được thành lập vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 - Hiệp hội Thống đốc Quốc gia, Hiệp hội các thị trưởng quốc gia, Hiệp hội các hội đồng thành phố và các hội đồng cấp tỉnh và Hội các hội đồng quốc gia. Sự hợp tác giữa các hiệp hội chính quyền địa phương là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường sự tham gia của người dân, những người trực tiếp hưởng lợi từ chính sách đến việc ra quyết định của chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ có thể giám sát, kiểm soát các đại diện được bầu để đại diện thực thi quyền lực. Điều này đã làm tăng quyền phản biện xã hội, gia tăng "kiểm soát từ bên dưới", tạo nên sự minh bạch của chính trị và gây áp lực lên các chính trị gia để quan tâm đến lợi ích của công dân.

3. Giai đoạn hậu hiện đại: sự phát triển mạnh của các tổ chức online và định hướng giá trị mới từ những năm 2000 đến nay

Giai đoạn này được đánh dấu bằng sự phát triển mạnh mẽ của hình thức mới: tổ chức xã hội online. Phương thức vận hành của tổ chức thông qua mạng internet tạo nên hình thức giao lưu mới, làm gia tăng tính chất tự nguyện trong sự tham gia và tính dân chủ trong hoạt động. Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của các tổ chức này cũng được mở rộng. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, xã hội Hàn Quốc thế kỷ XXI có sự thay đổi lớn, đó là sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin. Hàn Quốc thuộc nhóm các nước đứng đầu thế giới về thực trạng phổ cập internet. Vì vậy những doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Google đã xem xã hội Hàn Quốc như một không gian thử nghiệm, xây dựng viện nghiên cứu, phát triển những sản phẩm mới ở Hàn Quốc. Theo “Tuyển tập Tin học hóa quốc gia” do Bộ Bưu chính Viễn thông Hàn Quốc ban hành năm 2006 thì Hàn Quốc xếp thứ ba thế giới trong lĩnh vực tin học hóa quốc gia thông qua việc đo lường các chỉ báo: số người gia nhập mạng internet tốc độ cao, số người sử dụng internet, số người sử dụng truyền hình cáp[3].

Sự phát triển của internet đã dẫn đến những biến đổi lớn của các tổ chức xã hội dân sự. Thứ nhất, sự gia tăng về số lượng người sử dụng internet đã dẫn đến những biến đổi lớn trong cách thức trao đổi và hình thành dư luận. Một bộ phận mới có khả năng làm thay đổi ngôn luận mới được hình thành, đó là cộng đồng mạng, khả năng ảnh hưởng của nhóm này bắt đầu vượt các phương tiện truyền thông hay báo điện tử. Sự hình thành dư luận xã hội thông qua internet đã trở thành vấn đề có tác động rất lớn đối với giới chính trị. Đây chính là những tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức dân sự online mới, đồng thời cũng là phương thức mà nhiều tổ chức dân sự tồn tại trước đó lựa chọn làm phương tiện để duy trì hoạt động của tổ chức. Thứ hai, sự phát triển của internet cũng làm thay đổi mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. Các cá nhân trong cộng đồng dễ dàng thiết lập những quan hệ mới mà không cần dựa vào những quan hệ sẵn có như đồng hương, đồng môn, quan hệ huyết thống, dòng họ… vốn là những quan hệ đồng nhất rất có ảnh hưởng đối với người Hàn. Internet đã loại trừ được những rào cản về không gian và thời gian. Chính vì vậy, các tổ chức dân sự trên internet có khả năng quy tụ được số lượng thành viên lớn, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn vươn ra ngoài khu vực và thế giới khi các cá nhân cùng có mối quan tâm chung đối với một vấn đề nào đó.

Theo thống kê trong “Tổng kết về tổ chức dân sự Hàn Quốc” năm 2005, Hàn Quốc có 5.556 tổ chức dân sự, trong đó có đến 40,45% số tổ chức được thành lập sau năm 2000. Trong số các tổ chức online thì có tới 97,12% được thành lập sau năm 2000, đặc biệt chỉ trong hai năm 2004 và 2005 thì con số là 35,91%[4].

Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ tại Hàn Quốc. Hiện nay, các tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc hoạt động năng động trong khu vực xã hội dân sự, ngày càng thể hiện vai trò trong kết nối với các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc gia, các dự án can thiệp có sự tham gia cộng đồng tại các địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong đó các tổ chức phi chính phủ chính là nguồn cung cấp thông tin, tham vấn ý kiến công dân và cộng đồng địa phương, cung cấp những bằng chứng thực tiễn và kinh nghiệm cụ thể, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ liên quan trong việc xây dựng chiến lược quốc gia và vai trò kết nối thông tin. Với những vai trò đó, ảnh hưởng của các tổ chức dân sự ở Hàn Quốc ngày càng gia tăng so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Bước vào thế kỷ XXI, các tổ chức dân sự ở Hàn Quốc có sự chuyển biến lớn trong định hướng giá trị mới mà tổ chức theo đuổi. Xã hội dân sự trở nên tích cực trong việc đại diện cho những nhóm xã hội chưa từng được quan tâm trước đây, chẳng hạn như người nghèo đô thị, người khuyết tật, người cao tuổi, vô gia cư, thất nghiệp, buôn bán đường phố, phụ nữ bị lạm dụng, trẻ mồ côi… Các tổ chức bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc đại diện cho các quyền và phúc lợi của các nhóm này. Đồng thời những vấn đề về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, bất bình đẳng trong giáo dục, trong tiếp cận các dịch vụ xã hội… đã được đề cập trước đây cũng được quan tâm nhiều hơn. Đây có thể nói là những định hướng có tính chất lâu dài của các tổ chức dân sự. Bối cảnh mới cho thấy những vấn đề xã hội Hàn Quốc quan tâm không chỉ là vấn đề của riêng một quốc gia nào mà là vấn đề mang tính toàn cầu. Muốn thực hiện được mục tiêu hành động mang tính toàn cầu đỏi hỏi gia tăng năng lực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.

Các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc thực hiện các tài trợ và viện trợ chính thức cho các nước chậm phát triển bằng nguồn vốn tài chính tự nguyện đóng góp của tổ chức và tiền hỗ trợ từ chính phủ. Những hoạt động viện trợ nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực: hỗ trợ kỹ thuật, hoạt động dự án và hoạt động cứu trợ khẩn cấp. Năm 1999, với sự thành lập của Hiệp hội các tổ chức viện trợ quốc tế nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin đã mở ra sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ từ sau những năm 2000. Hiện nay, viện trợ nước ngoài của Hàn Quốc chiếm hơn một nửa số viện trợ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương (viện trợ của Chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc). Năm 2021, Hàn Quốc công bố cam kết trước Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI, the Global Alliance for Vaccines and Immunisation) viện trợ 200 triệu USD, trong đó 100 triệu USD sẽ được giải ngân năm 2021 và 100 triệu USD sẽ cung cấp vào năm 2022 dưới hình thức kết hợp đóng góp tài chính và hiện vật. Cam kết này đi kèm với sự hỗ trợ của Hàn Quốc đối với COVAX (cơ chế tiếp cận công bằng toàn cầu đối với nguồn vắc-xin COVID-19), đến nay đã phân phối 49 triệu liều cho 85 nền kinh tế[5]. Ở khía cạnh này có thể thấy chính phủ đã thông qua phương tiện là các tổ chức dân sự thực hiện hoạt động chính trị của mình. Trong vòng hơn 20 năm qua, các tổ chức phi chính phủ có xu hướng chuyển phương thức trọng tâm là phúc lợi, cứu trợ và từ thiện sang phương thức lấy sự tham gia của cộng đồng làm trọng tâm. Mặt khác, trách nhiệm xã hội được xem như cương lĩnh hành động của các tổ chức phi chính phủ. Chính phủ Hàn Quốc cùng với những bước tiến đối với việc công nhận xã hội dân sự như một đối tác thực sự đã đưa ra những cam kết trong việc tăng cường năng lực cho khu vực này thông qua việc mở rộng nguồn lực tài chính cho hoạt động của các tổ chức dân sự (mặc dù không đạt được mức cam kết nhưng đến năm 2016 viện trợ của chính phủ cho các tổ chức phi chính phủ đạt 23 tỷ won[6]).

4. Kết luận

Xã hội dân sự ở Hàn Quốc hình thành và phát triển với những đặc điểm có tính chất rào cản xuất phát từ truyền thống Nho giáo và tính chất của một nền văn hóa khép kín, song cùng với bối cảnh xã hội trong thời kỳ mới và các vấn đề xã hội nảy sinh, xã hội dân sự đã từng bước tăng cường năng lực hoạt động, gia tăng đối thoại đối với chính phủ trong việc xây dựng chính sách, triển khai chiến lược, từ đó tăng khả năng có mặt của tổ chức trong việc xây dựng và thực thi các dự án phát triển một cách chính thức. Những ảnh hưởng của khu vực xã hội dân sự đến đời sống chính trị, văn hóa và xã hội Hàn Quốc chủ yếu là:

Thứ nhất, về mặt chính trị, xã hội dân sự Hàn Quốc được mở rộng mạnh mẽ cùng với quá trình dân chủ hóa. Bản thân các tổ chức dân sự Hàn Quốc đầu tiên ra đời chủ yếu thực hiện vai trò phản biện quyền lực của chính phủ, đòi hỏi các quyền được tham gia vào các hoạt động chính trị như tổng tuyển cử, bầu cử, lựa chọn ứng viên…, tức là quyền tham chính. Bên cạnh đó, không chỉ có vai trò giám sát và phản biện xã hội, các tổ chức dân sự tham gia trực tiếp vào các sự kiện chính trị của Hàn Quốc hiện nay. Sự lớn mạnh không ngừng của các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ cùng với những mục tiêu xã hội cấp tiến mà các tổ chức này hướng đến đã khiến cho khu vực xã hội dân sự có một vị trí, vai trò quan trọng. Cùng với những bước tiến đối với việc công nhận xã hội dân sự như một đối tác thực sự, Chính phủ Hàn Quốc đã có những cam kết hỗ trợ nguồn lực tài chính cho hoạt động của các tổ chức này.

Thứ hai, về mặt xã hội, xu hướng chung của các tổ chức xã hội dân sự Hàn Quốc là ngày càng đặt mối quan tâm nhiều hơn tới các hoạt động có định hướng giá trị xã hội như vấn đề về sự bình đẳng nam nữ, vấn đề về bạo lực gia đình, khoảng cách giàu - nghèo, giáo dục, y tế cộng đồng, phúc lợi xã hội, vấn đề đối với các nhóm yếu thế trong xã hội như bảo trợ bà mẹ và trẻ em, người tàn tật, người vô gia cư, người nhập cư... Đây được xem là những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện đại hướng tới những mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội.

Thứ ba, về mặt văn hóa, xã hội dân sự thật sự đã làm thay đổi quan niệm, định kiến mang tính căn nguyên vốn có tồn tại trong xã hội Hàn Quốc như quan niệm về vị trí, vai trò của người phụ nữ, việc thừa kế tài sản, thái độ đối với những nhóm yếu thế có đặc điểm thiếu hụt chức năng xã hội… Xã hội dân sự phát triển cùng với những giá trị cộng đồng mà các tổ chức xã hội dân sự tạo dựng đã tác động tới yếu tố về lòng tin xã hội của người Hàn Quốc. Thực tế hiện nay người Hàn Quốc cũng gia tăng mức độ tin tưởng đối với người cùng đoàn thể xã hội, nơi mà cá nhân chia sẻ với nhau những mục đích xã hội vì mục tiêu chung của cộng đồng. Ngoài ra, tổ chức dân sự cũng mang lại những lợi ích khác như việc hỗ trợ nhau về pháp luật, tìm kiếm cơ hội việc làm, thảo luận chính trị, về tìm kiếm sản phẩm, thậm chí là những chia sẻ về tâm sự cá nhân... trong khi nhóm xã hội dựa trên quan hệ sẵn có như gia đình, dòng họ hay đồng hương thường chỉ tập trung chủ yếu ở sự giúp đỡ về mặt kinh tế, về tư vấn nghề nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại học Quốc gia Seoul – Đại học Quốc gia Hà Nội (2008), Xã hội Hàn Quốc hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Korea Civil Society Network on SDGs (KCSN) (2017), Korean Civil Society Report for 2017 HLPF on Sustainable Development, Korea Civil Society Network on SDGs Workshop in April 6, 2017.
  3. Kyunghwan Kang (2005), Preservation and Protection of Intangible Cultural Properties: Institutionaland Policy Measures in Korea, Intangible Cultural Heritage: Safeguarding and Inventory-Making Methodologies, The Conference Portfolio in Bangkok, Thailand.
  4. Sunhyuk Kim and Jong Ho Jeong (2017), “Historical Development of Civil Society in Korea since 1987”, Journal of International and Area Studies, Volume 24, Number 2, Published by: Institute of International Affairs, Graduate School of International Studies, Seoul National University.
  5. Sunhyuk Kim (2000), The Politics of Democratization in Korea: The Role of Civil Society, University of Pittsburgh Press.
  6. Yooil BAE, Sunhyuk KIM (2012), “Civil society and local activism in South Korea's local democratization”, Democratization, 2012 March, Volume 20, Issue.


[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Yooil BAE, Sunhyuk KIM (2012), “Civil society and local activism in South Korea's local democratization”, Democratization, Volume 20, Issue 2.

[3] Park Myoung-kyu, “Xã hội Hàn Quốc thế kỷ XXI”, trong Xã hội Hàn Quốc hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 304.

[4] Jung Keun –Sik, “Xã hội dân sự Hàn Quốc và NGO”, trong Xã hội Hàn Quốc hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 153.

[5] “Republic of Korea pledges US$ 200 million to support lower-income economies through Gavi COVAX Advance Market Commitment”, https://www.gavi.org/news/media-room/republic-korea-pledges-us-200-million-support-lower-income-economies-through-gavi.

[6] Korea Civil Society Network on SDGs (KCSN) (2017), Korean Civil Society Report for 2017 HLPF on Sustainable Development, Korea Civil Society Network on SDGs Workshop in April 6, 2017.

 

0thảo luận