Trang chủ

Xây dựng khung sinh kế bền vững cho cư dân ven biển nhằm thích ứng biến đổi khí hậu của Đài Loan

Đăng ngày: 17-03-2023, 11:10 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 12

 

Lê Thị Thu1, Hà Thị Hồng Vân2

 

Tóm tắt: Đài Loan được bao bọc bởi biển, đường bờ biển dài tới 1.600 km với cảnh quan đa dạng, kinh tế ven biển có vai trò quan trọng đối với tổng thể nền kinh tế của hòn đảo này. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, sự khai thác quá mức của con người và sự thiếu quan tâm của chính quyền Đài Loan trong một thời gian dài đã khiến môi trường ven biển bị ảnh hưởng nặng nề, tác động trực tiếp đến sinh kế của cư dân ven biển... Trong những năm gần đây, chính quyền Đài Loan đã lập kế hoạch để thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận quản lý toàn diện vùng ven biển thông qua tích hợp, bổ sung, cải thiện quản lý và quy hoạch nhằm xây dựng khung sinh kế bền vững cho cư dân ven biển… Bài viết đề cập đến tác động của biến đổi khí hậu tới vùng ven biển Đài Loan và thực tiễn xây dựng khung sinh kế ven biển của vùng lãnh thổ này nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ khóa: Đài Loan, biến đổi khí hậu, môi trường


1. Biến đổi khí hậu và tác động đến tình hình ven biển Đài Loan

1.1. Thực trạng biến đổi khí hậu ở Đài Loan[1][2]

Biến đổi khí hậu có tác động mạnh mẽ đối với Đài Loan, thể hiện qua nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi, nước biển dâng, thời tiết khắc nghiệt.

Về nhiệt độ, các số liệu thống kê theo quan sát từ Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam, Hoành Điếm, Đài Đông và Hualien cho thấy biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ ở Đài Loan tăng 1,4°C (2,5 độ F) trong vòng 100 năm qua, gấp đôi tốc độ gia tăng trên toàn thế giới[3]. Nhiệt độ bề mặt biển của các lưu vực của Đài Loan cũng tăng trung bình 0,9 đến 1,1°C trong thế kỷ qua, dự kiến vào năm 2039 ​​sẽ tăng 0,66 - 0,73°C, trong khi độ pH của nước ven biển sẽ giảm 0,05 - 0,07[4]. Nhiệt độ trung bình cao hơn có khả năng làm thay đổi các hình thái thời tiết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp.

Về lượng mưa, tổng số ngày mưa trung bình hàng năm ở Đài Loan đã giảm đáng kể, những ngày mưa có xu hướng giảm 4 ngày mỗi thập kỷ trong 100 năm qua và xu hướng giảm ngày mưa đã giảm rõ ràng hơn: tỷ lệ giảm đã lên tới 6 ngày trong 3 thập kỷ gần đây, hơn nữa những ngày mưa xối xả (lượng mưa hàng ngày cao hơn 200 mm) tăng trong 50 năm qua[5]. Hiện tượng này dẫn đến tình trạng hạn hán, lũ lụt khắc nghiệt hơn ở Đài Loan, dẫn đến thiệt hại cả về tài sản và tính mạng con người.

Về nước biển dâng, mực nước biển xung quanh Đài Loan dâng cao với tốc độ gấp đôi mực nước biển toàn cầu: từ năm 1993 đến 2003, mực nước biển ở các lưu vực lân cận của Đài Loan tăng với tốc độ 5,7 mm so với cùng kỳ năm trước, gấp đôi tỷ lệ tăng trong 50 năm qua[6]. Mực nước biển ở phía trung tây Đài Loan sẽ tăng 5,8 cm (tức là trung bình 2,8 mm mỗi năm) từ năm 2020 đến năm 2039[7]. Mực nước biển dâng có thể gây ra nhiều tác động đối với vùng ven biển như gia tăng xói mòn bờ biển, ngập lụt ven biển trên diện rộng hơn, thay đổi chất lượng nước mặt và đặc tính nước ngầm, hơn 80% bờ biển cát của hòn đảo đã bị xói mòn trong 3 thập kỷ qua[8]. Tổ chức Greenpeace Đài Loan cho biết, nếu vùng lãnh thổ này không kiểm soát được lượng khí thải carbon dioxide trong 30 năm tới, mực nước biển dâng cao sẽ là mối đe dọa với hàng triệu cư dân tại sáu thành phố tự trị đặc biệt. Theo nghiên cứu mực nước biển do tổ chức phi lợi nhuận Climate Central có trụ sở tại Mỹ thực hiện, khoảng 1.398 km2 diện tích đất liền của Đài Loan sẽ bị ngập trong nước biển nếu không thực hiện các giải pháp nghiêm túc để hạn chế lượng khí thải carbon trước năm 2050, điều này có thể ảnh hưởng đến 1,2 triệu người, trong khi triều cường có thể mở rộng nguy cơ cho hơn 2,9 triệu cư dân ở các thành phố tự trị đặc biệt và 2.120 km2 đất liền[9]. Những nơi như Tòa nhà văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, sân bay Tùng Sơn, các khu vực của Cao Hùng sẽ bị ngập lụt và Đài Nam sẽ bị thiệt hại lớn nhất do lũ lụt[10].

Bên cạnh khả năng tăng nhiệt độ và lượng mưa, nước biển dâng, biến đổi khí hậu còn làm trầm trọng thêm tần suất và độ lớn của thiên tai ở Đài Loan: bão và bão có cường độ lớn hơn, sự cố lũ lụt và các thảm họa liên quan đến lũ lụt ăn mòn cơ sở hạ tầng công cộng, cầu cảng, làm tăng tính dễ bị tổn thương của đất đai, rủi ro trong cung cấp năng lượng và quản lý công nghiệp, làm mất ổn định an ninh lương thực, mất đa dạng sinh học, tăng nguy cơ dịch bệnh, do đó làm tăng gánh nặng duy trì sức khỏe cộng đồng và hệ thống chăm sóc y tế.

1.2. Tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của cư dân ven biển Đài Loan

Biến đổi khí hậu tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống, sinh kế của cộng đồng cư dân ven biển Đài Loan, vì các hoạt động sinh kế của họ thường phụ thuộc quá nhiều vào các ngành kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên (như thủy sản, nông nghiệp ven biển, du lịch ven biển). Theo một cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 4 năm 2020, 85% người Đài Loan nói rằng họ đã trải qua những tác động của biến đổi khí hậu ở một mức độ nào đó. Theo ước tính của Deloitte, trong vòng 50 năm tới biến đổi khí hậu có thể làm thiệt hại khoảng 1,4 nghìn tỷ USD tính theo giá trị hiện tại, tương đương khoảng 9,5% GDP của Đài Loan trong năm 2070[11]. Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lên sinh kế ven biển trên hai phương diện là hệ sinh thái ven biển và hoạt động kinh tế-xã hội.

Về tác động đến hệ sinh thái, với tác động từ biến đổi khí hậu, hệ sinh thái ven biển Đài Loan bao gồm rừng ngập mặn, rạn san hô, cửa sông, thảm cỏ biển, và cồn cát… đang phải đối mặt với tình trạng bị phá hủy nghiêm trọng. Nhiều hệ sinh thái ven biển có thể bị mất hoặc bị thay đổi không thể phục hồi, nhiều giống loài cuối cùng có thể biến mất khi mực nước biển dâng quá nhiều hoặc quá nhanh. Nhiệt độ nước biển cao hơn và mô hình thủy văn bị thay đổi do biến đổi khí hậu đã dẫn đến sự suy giảm một số quần thể cá. Lượng mưa lớn tập trung có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của các dòng hải lưu và thay đổi môi trường sống của các loài sinh vật biển, trong khi hạn hán làm cho nước biển xâm thực vào cửa sông, làm giảm sự phong phú của các loài cư trú ở cửa sông. Trên thực tế, các rạn san hô ở Đài Loan trải qua quá trình tẩy trắng nghiêm trọng, trong đó năm 2020 đã trải qua đợt tẩy trắng tồi tệ nhất trong 22 năm[12], 31% rạn san hô xung quanh Đài Loan đang chết do nhiệt độ cao trong nước biển, 52% san hô đang trải qua các mức độ căng thẳng nhiệt khác nhau[13]… Biến đổi khí hậu và thay đổi đối với các hệ sinh thái thủy sinh có tác động đáng kể đến sinh kế thủy sản ở Đài Loan.

Về tác động đến các hoạt động kinh tế- xã hội, biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế xã hội của người dân ven biển Đài Loan, làm gia tăng thiệt hại về tài sản và môi trường sống ven biển, tác động đến sản xuất lương thực ở các vùng ven biển và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản do suy giảm chất lượng đất và nước, các ngành kinh tế ở vùng ven biển như du lịch và công nghiệp, thiệt hại về nhà cửa và cơ sở hạ tầng, thu hẹp mùa đánh bắt, gây thiếu lương thực của nhiều hộ gia đình, tăng sự lây lan các bệnh truyền nhiễm… Những tác động này gây tổn thất nghiêm trọng cho cuộc sống và tài sản của cư dân ven biển, buộc cư dân ven biển phải tái định cư, gây xáo trộn về trật tự xã hội và ảnh hưởng đến kế sinh nhai. Phần lớn môi trường đô thị của Đài Loan và các hoạt động kinh tế nằm dọc theo phía tây vùng đồng bằng ven biển, vì thế mực nước biển dâng cao có ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự nóng lên của đại dương sẽ tác động đến ngành công nghiệp đánh bắt cá theo nhiều cách: các loài cá và lượng cá sẽ thay đổi, gây ra rủi ro đáng kể đối với năng suất và số lượng ngành nuôi trồng thủy sản, chẳng hạn như nước ấm hơn sẽ thay đổi chất lượng nước và ủ bệnh qua đường nước nhiều hơn. Cùng với đó, sự thay đổi đột ngột nhiệt độ nước biển dẫn đến tỷ lệ cá chết cao ở vùng biển ven biển, bao gồm cả cá rạn san hô và các loài cá có khả năng bơi thấp.

Các tác động thực tế của biến đổi khí hậu đến vùng ven biển Đài Loan đã làm trầm trọng thêm những thách thức, áp lực về phát triển và quản lý bền vững vùng ven biển. Biến đổi khí hậu đã làm tăng khả năng bị tổn thương của sinh kế dựa vào nguồn tài nguyên và nuôi trồng ven biển, trong đó cư dân ven biển là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Một mặt do họ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, thường làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm với biến đổi khí hậu như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặt khác do năng lực thích ứng hạn chế và hầu như không có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.

2. Chính sách sinh kế của Đài Loan cho cư dân ven biển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

Đài Loan đã xây dựng chính sách sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho cư dân ven biển theo khung cơ bản sau:

2.1. Giải quyết các vấn đề tác động đến môi trường ven biển

Trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng nhanh và khai thác quá mức đã dẫn đến sự cạn kiệt, suy thoái đáng kể của môi trường ven biển. Vì thế, chính quyền Đài Loan đang tích cực thiết lập các chương trình quản lý ven biển nhằm duy trì môi trường cho nguồn lợi thủy sản.

Để bảo tồn sinh thái môi trường biển, tạo điều kiện phục hồi nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển ven bờ, ngoài việc tích cực tham gia đánh giá môi trường đối với các trường hợp phát triển liên quan đến biển, các cơ quan quản lý thủy sản có thẩm quyền ở các cấp khác nhau ở Đài Loan đã hỗ trợ chính quyền quận và thành phố đối phó với các trường hợp ô nhiễm biển không mong muốn. Trong trường hợp ô nhiễm có khả năng ảnh hưởng đến nghề cá, họ đã kết hợp các cán bộ chính quyền địa phương và các nhà nghiên cứu tuyến đầu để thiết lập các kênh liên lạc với cơ quan bảo vệ môi trường hoặc các cơ quan liên quan khác. Đài Loan cũng xác định cần giảm lượng CO2 để tránh thời tiết khắc nghiệt, nếu không đến năm 2060 thậm chí Đài Loan có thể không còn mùa đông do biến đổi khí hậu[14]. Chính quyền Đài Loan đã cam kết giảm khí thải 20% vào năm 2030 và 50% vào năm 2050 so với mức năm 2005, cam kết có 20% năng lượng tái tạo vào năm 2025[15], phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và đầu tư vào ngành công nghiệp tua bin gió, Đài Loan có thị trường gió ngoài khơi lớn thứ 8 trên thế giới[16].

Đài Loan đã xác định vai trò của việc bảo vệ và phục hồi các con sông đối với môi trường ven biển vì các con sông lớn của vùng lãnh thổ này bị ô nhiễm nặng. Một biện pháp mà Đài Loan đã làm là lát xi măng trên các đoạn lòng sông cấp phối. Mặt khác, Đài Loan cũng đóng cửa một số con sông vì mục đích phục hồi và thành lập các khu bảo tồn sông… Những hành động này đã bắt đầu mang lại kết quả tích cực, đưa nhiều con sông trở lại hệ sinh thái cân bằng hơn, mức độ ô nhiễm của các con sông đã giảm[17]. Đài Loan cũng đã khuyến khích chính sách đại dương không có nhựa, bằng cách hạn chế việc sử dụng và ngăn chặn rác thải nhựa tại đại dương. Vào tháng 7/2017, 19 thành phố ven biển và các quận ở Đài Loan đã cùng nhau tổ chức một hoạt động dọn dẹp đáy biển, kết quả là chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017, Đài Loan loại bỏ 192 tấn rác từ biển và đáy biển[18].

2.2. Thành lập các khu bảo tồn biển

Một trong những giải pháp của Đài Loan nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho cư dân ven biển là thành lập các khu bảo tồn để làm tăng tính bền vững của sinh kế, bởi các khu bảo tồn biển được coi là một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện đa dạng sinh học, duy trì hệ sinh thái bền vững và phục hồi nguồn cá. Sinh kế cho cư dân ven biển phụ thuộc vào việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, vì thế, khu bảo tồn biển có vai trò quan trọng trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và có thể góp phần hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách bảo vệ khả năng phục hồi của hệ sinh thái, giảm thiểu rủi ro, tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Để đảm bảo đa dạng sinh học biển và bảo vệ sinh thái vùng ven biển, từ năm 1978, chính quyền Đài Loan đã tiến hành phân định các khu vực bảo tồn nguồn lợi thủy sản nhằm bảo tồn các khu vực sinh thái và các loài quan trọng. Đến nay, 27 địa phương có khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản đã được thành lập, với tổng diện tích mặt biển hơn 5.000 ha[19]. Đài Loan hiện có 29 mạng lưới khu bảo tồn biển với tổng diện tích 30.035 km2, bao phủ 46,15% lãnh hải Đài Loan với diện tích 65.076 km2 [20]. Hàng năm, Đài Loan lập kế hoạch thực thi khu bảo tồn biển để quản lý và thực thi cụ thể, kịp thời rà soát chiến lược phân định và quản lý các khu bảo tồn biển thuộc thẩm quyền; từng bước mở rộng phạm vi “vùng cấm” trong khu bảo tồn biển; thực hiện quy hoạch không gian biển; xây dựng hệ thống phân loại cấp độ bảo vệ của các khu bảo tồn biển; thiết lập cơ chế quản lý chung đối với các khu bảo tồn biển; giám sát môi trường sinh thái của khu bảo tồn biển bằng nghiên cứu khoa học hoặc khảo sát[21]

Đài Loan cũng có hệ thống phân loại theo mức độ bảo tồn cụ thể: (i) các khu bảo tồn biển “không bị xâm nhập hoặc tác động”; (ii) "vùng cấm", cụ thể là các khu vực bị cấm khai thác tự nhiên hoặc tài nguyên văn hóa; (iii) "Đa chức năng", cụ thể là các khu bảo tồn biển dành cho sử dụng bền vững như câu cá và lặn biển.

2.3. Tăng cường các hoạt động tạo thu nhập và cải thiện sinh kế hiện tại

Một trong những biện pháp tạo sinh kế bền vững cho cư dân ven biển Đài Loan là tạo thu nhập và cải thiện sinh kế thông qua phát triển các hoạt động sinh kế thay thế hoặc bổ trợ. Từ đó làm giảm sự phụ thuộc của người dân vào đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản, phát triển các ngành dịch vụ ở địa phương, đầu tư công nghệ đánh bắt, nuôi trồng, tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ hiện có, ví dụ như chế biến sản phẩm từ cá, nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ du lịch, sử dụng công nghệ tiên tiến để thu lợi nhuận cao hơn và bền vững hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm, cụ thể là:

- Tái cơ cấu ngành thủy sản truyền thống, phát triển dịch vụ, tăng hàm lượng chế biến: Đài Loan đã xác định cần phải hướng dẫn ngành thủy sản truyền thống thực hiện tái cơ cấu, kết hợp và mở rộng các hình thức du lịch sinh thái. Cụ thể là: (1) định hướng thể thao: bao gồm câu cá trên biển, câu cá trên bãi biển, lặn biển…; (2) trải nghiệm cuộc sống ở làng chài, tham quan lưới đánh cá, nuôi cá lồng...; (3) du lịch sinh thái: ngắm cá voi, tham quan biển, tham quan cầu cảng, rừng ngập mặn, đầm phá, địa hình bãi triều, vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản…; (4) tăng hàm lượng chế biến thông qua chương trình món ngon địa phương: tham quan chợ cá, cửa hàng bán sản phẩm thủy sản trực tiếp, nhà hàng đặc sản biển…; (5) tham quan bảo tàng nghề cá, thủy cung, tranh làng chài…

- Thúc đẩy tái tạo các nguồn lợi thủy sản: Bằng phương pháp nhân giống nhân tạo, những con cá con khỏe mạnh, chất lượng tốt được thả về biển, từ đó có thể tái tạo nguồn thủy sản. Hàng năm khoảng 10 triệu cá bột ở Đài Loan được thả, với các loài chủ yếu bao gồm cá vây chỉ, cá hồng cát, cá anh vũ, cá chẽm, cá hồng, cá mú... Đài Loan cũng triển khai các rạn san hô nhằm thay đổi môi trường sinh cảnh biển, cải thiện môi trường ngư trường. Đài Loan đã thành lập khoảng 88 địa phương có rạn cá nhân tạo, trên tổng diện tích mặt biển khoảng 237 km2.

- Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững: cùng với tái tạo, công tác nuôi trồng thủy sản bền vững đã được thực hiện tốt ở các vùng ven biển ở Đài Loan. Năm 2006, sản lượng nuôi trồng ven biển ở Đài Loan đạt 155.776 tấn, trị giá 11.817 triệu Đài tệ[22]. Do suy thoái của môi trường bờ biển và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã làm trầm trọng thêm khó khăn của nuôi trồng thủy sản, do đó Đài Loan đã thúc đẩy quản lý tổng hợp vùng ven biển cho nuôi trường thủy sản bền vững; giảm sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh; tăng cường nghiên cứu quy hoạch lại đất nuôi trồng thủy sản, tạo ra các trang trại nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Cải thiện công tác quản lý và phương pháp đánh bắt: để tăng cường quản lý nghề đánh bắt thủy hải sản, các biện pháp quản lý được áp dụng bao gồm hạn chế, đóng cửa các khu vực đánh bắt, hạn chế ngư cụ và phương pháp đánh bắt... Đài Loan cũng thực thi hệ thống quyền đánh bắt cá: các vùng biển xung quanh Đài Loan đã được phân định thành các khu vực phù hợp để thực hiện phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, với việc cấp giấy phép quyền đánh bắt đối với nghề đánh bắt trực tiếp, lưới đánh bắt hoặc nghề cá, và việc đánh bắt cá phải được thực hiện một cách có trách nhiệm bởi những người có quyền đánh bắt, do đó thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả và bảo tồn các khu vực biển, đồng thời đạt được mục tiêu về hoạt động bền vững và sử dụng tài nguyên thủy sản. Hơn nữa, Đài Loan đã cải tiến các phương pháp đánh bắt nhằm làm giảm đánh bắt ngẫu nhiên các nguồn sinh vật biển, do đó ngăn ngừa sự lãng phí tài nguyên.

2.4. Tạo môi trường về thể chế, chính sách

Các chính sách, quy định và thể chế của chính quyền Đài Loan ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định của cư dân ven biển về hoạt động sinh kế và chuyển đổi sinh kế. Việc phát triển và sử dụng bờ biển của Đài Loan trong quá khứ tập trung vào kinh tế hơn là môi trường, bỏ qua sự cân bằng tổng thể và tính bền vững của các bờ biển, quy hoạch tổng thể vùng ven biển, luật pháp và các cơ quan quản lý chuyên trách còn thiếu... Điều này dẫn đến tồn tại nhiều mô hình sử dụng đất và quản lý vùng ven biển không thích hợp, điển hình là sự biến mất của bãi biển Toucheng ở huyện Yilan, Đông Bắc Đài Loan. Vì thế, hiện nay Đài Loan lưu ý hơn đến vấn đề phát triển bền vững, đồng thời có nhiều nỗ lực xây dựng các chính sách thích ứng với đe dọa từ biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu hiểm họa ven biển và làm cho môi trường ven biển bền vững, cụ thể là: tăng cường nhiệm vụ phòng chống xói mòn ven biển; bảo vệ và phục hồi môi trường sống của động vật hoang dã biển và đất ngập nước có thể ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; thực hiện các chương trình chuyển đổi trong các khu vực sụt lún đất, thiết lập hệ thống kiểm soát sử dụng đất và áp dụng các chính sách trợ cấp hạn chế các hoạt động nuôi trồng thủy sản, đưa ra các phương thức sinh kế mới; thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến bờ biển bằng cách quan sát, khảo sát có hệ thống, đánh giá và cập nhập cơ sở dữ liệu định kỳ, thiết lập tiêu chuẩn và quy định trước khi phê duyệt các dự án phát triển ven biển…

Chính quyền Đài Loan đã cải thiện và hợp lý hóa hiệu quả hành chính trong những năm gần đây. Trong đó, Đài Loan đã đạt được một số đột phá quan trọng trong các vấn đề đại dương và quản trị nhằm tích hợp và điều phối tất cả các vấn đề liên quan đến đại dương thông qua việc thành lập Hội đồng Các vấn đề Đại dương (OAC) (28/4/2018). OAC bao gồm ba cơ quan: Cơ quan Cảnh sát biển (CGA), Cơ quan Quản lý Bảo tồn Đại dương (OCA) và Học viện Nghiên cứu Biển Quốc gia (NAMR). OAC tập trung vào nghiên cứu chính sách, lập kế hoạch và thực thi để các đại dương của Đài Loan trở nên bền vững, tiến hành tuần tra ven biển và lập kế hoạch tổng thể, phối hợp và thực hiện các biện pháp đảm bảo vùng ven biển.

Để tạo khung sinh kế cho cư dân ven biển, Đài Loan đã thiết lập quản lý, quy hoạch tổng hợp và hiệu quả vùng ven biển. Chính quyền Đài Loan cũng nỗ lực thúc đẩy chính sách phát triển tích hợp kinh tế biển, chẳng hạn như vào tháng 9/2015, Đài Loan đã vạch ra các kế hoạch để thúc đẩy sự tích hợp phát triển kinh tế biển bền vững. Các kế hoạch này bao gồm: nghề cá bền vững và chế biến thủy sản, năng lượng biển, đóng tàu, giải trí biển và du lịch, dịch vụ vận tải và văn hóa biển. Đài Loan cũng đã lồng ghép chiến lược biển trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Chính quyền Đài Loan đưa ra và thực hiện Đạo luật quản lý vùng ven biển từ năm 2015, Quy tắc thực thi có hiệu lực vào năm 2016, lập Kế hoạch quản lý tổng hợp vùng ven biển vào tháng 2/2017 với mục tiêu phát triển bền vững và tích hợp quản lý vùng ven biển… Do công tác quản lý cũng như hỗ trợ sinh kế vùng ven biển rất đa dạng, phức tạp nên Đài Loan đã phối hợp giữa chính quyền trung ương, quận và thành phố để thực hiện và phát huy hết tác dụng của các chức năng lồng ghép và điều phối, từng bước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng ven biển.

2.5. Tăng cường tuyên truyền giáo dục và đào tạo ngư dân

Bên cạnh các giải pháp nhằm xây dựng khung sinh kế ven biển, Đài Loan đã tiến hành hỗ trợ phúc lợi xã hội, thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách cho vay vốn, tăng cường tuyên truyền giáo dục lâu dài nhằm tăng nhận thức của người dân về tài nguyên biển và sinh kế bền vững ven biển. Khi người dân ven biển hiểu được tầm quan trọng của việc hỗ trợ và tạo thu nhập thay thế, họ sẽ sẵn lòng thay đổi từ các hoạt động đánh bắt hoặc phụ thuộc vào tài nguyên biển sang các sinh kế bền vững hơn. Đối với ngư dân và những người trực tiếp sử dụng nguồn lợi thủy sản, họ cần có kiến ​​thức đầy đủ về các biện pháp kiểm soát bảo tồn nghề cá tại chỗ và nhận thức được lý do của việc thực hiện các biện pháp đó. Vì tầm quan trọng của công tác giáo dục, các cơ quan quản lý ngành thủy sản đã in nhiều tờ rơi và tài liệu quảng cáo về bảo tồn nguồn lợi thủy sản để phân phát ở những nơi thích hợp, đồng thời tổ chức các trại huấn luyện giáo viên hạt giống bảo tồn thủy sản vào tháng 7 và 8 hàng năm nhằm tạo điều kiện cho giáo viên trung học cơ sở và tiểu học có khái niệm về bảo tồn thủy sản để giáo dục các thế hệ sau.

Đài Loan cũng đã tiến hành đào tạo ngư dân, để nâng cao chất lượng cho ngư dân địa phương, trước đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nghề cá biển sâu chịu trách nhiệm cung cấp các khóa học cho ngư dân, Trung tâm đã ủy quyền cho Đại học Khoa học và Công nghệ Biển Cao Hùng và 7 đơn vị khác tổ chức đào tạo ngư dân tại địa phương. Đồng thời, cung cấp thông tin dự báo thời tiết kịp thời, tăng cường hiệu quả của cảnh báo và thông báo sớm cho ngư dân ven biển cũng được Đài Loan chú trọng, xây dựng các kênh để người dân tiếp cận thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu.

3. Kết luận

Đối với Đài Loan, kinh tế biển đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bởi những đóng góp to lớn vào nền kinh tế và sinh kế của người dân trên các khía cạnh: thương mại, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, giải trí và tạo việc làm. Tuy nhiên, do vị trí địa lý và biến đổi khí hậu nên thiên tai diễn ra thường xuyên tác động mạnh đến sinh kế của cư dân ven biển Đài Loan, chiến lược phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, trong đó có vùng ven biển có tính cấp thiết cao. Vì thế, Đài Loan đã xác định vừa khai thác tối đa tiềm năng vừa đảm bảo bền vững môi trường, phát triển bền vững, các hoạt động thích ứng về sinh kế cho cư dân ven biển vừa mang tính đối phó vừa mang tính phòng ngừa, cải thiện.

Nhìn chung, sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho cư dân ven biển Đài Loan được xây dựng cơ bản dựa trên khung chính sách sau: thứ nhất, cải thiện môi trường ven biển để gia tăng nguồn lực sinh kế; thứ hai, tạo dựng môi trường thuận lợi về thể chế và chính sách để thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo lập sinh kế bền vững; thứ ba, Đài Loan cũng chú trọng đến việc quy hoạch và quản lý vùng ven biển; thứ tư, chú trọng, chủ động bảo tồn và thành lập các khu bảo tồn biển, đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo tương lai biển bền vững và quản trị vùng ven biển; thứ năm, tăng cường các hoạt động tạo thu nhập và cải thiện sinh kế hiện tại; thứ sáu, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý tài nguyên biển… Mặc dù tốc độ thúc đẩy của chính quyền trong việc thành lập tổ chức các vấn đề biển còn chậm, nhưng đến nay Đài Loan đã có một hệ thống khung sinh kế bền vững, phần nào giúp cư dân ven biển tăng cường năng lực thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu để đảm bảo an ninh lương thực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Adaption Strategy to Climate change in Taiwan (2012), Council for Economic Planning and Development, ISBN: 978-986-03-3755-6, September 2012, Taiwan.
  2. “Delivering Sustainable Coastal Zone Management”, Construction and Planning Agency, Ministry of the Interior (CPAMI), July 16, 2019, https://english.cw.com.tw/article/ article.action?id=2485.
  3. Hungyen Chen, Ching-Yi Chen, Kwang-Tsao Shao, “Recovery and variation of the coastal fish community following a cold intrusion event in the Penghu Islands, Taiwan”, September 25, 2020, https://doi.org/10.1371/ journal. pone.0238550.
  4. Mao-Sen Su and Wei-Cheng Su, “The Status and prospects of Coastal Aquaculture in Taiwain”, Fisheries Research Institute, Council of Aquaculture, 18/7/2011.
  5. Ming-Chih Chiu, Ching-Wen Pan, Hsing-Juh Lin, “A framework for assessing risk to coastal ecosystems in Taiwan due to climate change”, Terrestrial Atmospheric and Oceanic Sciences, Vol. 28, No. 1, 57-66, February 2017.
  6. Tai-Wen Hsu, Dong-Sin Shih, Chi-Yu Li, Yuan-Jyh Lan, Yu-Chen Lin, “A Study on Coastal Flooding and Risk Assessment under Climate Change in the Mid-Western Coast of Taiwan”, 1 June 2017, https://doi.org/10.3390/ w9060390
  7. Tai-Wen Hsu, Tsung-Ti Lin, I-Fan Tseng, “Human Impact on Coastal Erosion in Taiwan”, Journal of Coastal Research, 23(4): 961-973, July 2007.
  8. “Taiwan’s turning point: How climate action can drive our economic future”, August 2021, https://www2.deloitte.com/content/dam/ Deloitte/tw/Documents/634980835-taiwan-turning-point-06.pdf.
  9. Yang Mien-chieh (2020), “Taiwan faces watery future: Greenpeace”, Taipei Times, https://www.taipeitimes.com/News/front/archives/2020/08/25/2003742240, Accessed Aug 25, 2021.
  10. Yi-che Shih (2016), “Coastal Management and Implementation in Taiwan”,  https://www.researchgate.net/publication/312665917_Coastal_Management_and_Implementation_in_Taiwan.


[1] TS., Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] TS., Trung tâm Phân tích dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[3] Adaption Strategy to Climate change in Taiwan (2012), Council for Economic Planning and Development, ISBN: 978-986-03-3755-6, September 2012, Taiwan, p. 12.

[4] Ming-Chih Chiu, Ching-Wen Pan, Hsing-Juh Lin, “A framework for assessing risk to coastal ecosystems in Taiwan due to climate change”, Terrestrial Atmospheric and Oceanic Sciences, Vol. 28, No. 1, 57-66, February 2017, p. 60.

[5] Adaption Strategy to Climate change in Taiwan (2012), Tlđd, p. 13.

[6] Adaption Strategy to Climate change in Taiwan (2012), Tlđd, p.13.

[7] Tai-Wen Hsu, Dong-Sin Shih, Chi-Yu Li, Yuan-Jyh Lan, Yu-Chen Lin, “A Study on Coastal Flooding and Risk Assessment under Climate Change in the Mid-Western Coast of Taiwan”, https://doi.org/10.3390/ w9060390, 1 June 2017, p. 1.

[8] Tai-Wen Hsu, Tsung-Ti Lin, I-Fan Tseng, “Human Impact on Coastal Erosion in Taiwan”, Journal of Coastal Research, 23(4):961-973, July 2007, p. 982.

[9] Yang Mien-chieh, “Taiwan faces watery future: Greenpeace”, Taipei Times, https://www.taipeitimes.com/ News/front/archives/2020/08/25/2003742240.

[10] Yang Mien-chieh, “Taiwan faces watery future: Greenpeace”, Tlđd.

[11] “Taiwan’s turning point: How climate action can drive our economic future”, August 2021, https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/tw/Documents/634980835-taiwan-turning-point-06.pdf, p. 10.

[14] Stephanie Chiang, “Taiwan's winter may disappear by 2060 due to climate change”, Taiwan News, August 10, 2021, https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4267605.

[15] “New Survey Show strong support fo energy transition in Taiwain”, December 5, 2020, https://rsprc.ntu.edu.tw/ en/m01-2/energy-transition/1415-2020-survey.html.

[16] Yi Ling Roy Ngerng, “Is Taiwan doing enough to address climate change in the hottest summer ever?” Common Weath Magazine, August 8, 2020.

[17] “The Coastal Ecology of Taiwan”, https://www. marine. gov.tw/ecology-and-conservation/ latest-discovery/media-information/97-2008/195-The%20Coastal% 20Ecology% 20of%20Taiwan

[18] “Taiwan’s voluntary national review”, Executive Yuan, Republic of China (Taiwan), p. 19, Sep 9, https://www. roc-taiwan.org/uploads/sites/104/2017/09/Taiwan-VNR.Pdf.

[19] “Coastal Fisheries”, https://www.fa.gov.tw/en/Coastal Fisheries/content.aspx?id=1&chk=10824b1b-9adf-4a08-ae15-8d34a8ef2572&param=pn%3D1.

[20] “Taiwan’s Marine Protected Area”, December 18, 2015, https://www.fa.gov.tw/en/WorldOceansDay/content.aspx?id=4&chk=a2fed357-be6d-40e4-a3e5-b41349f9979b &param=pn%3D1.

[21] “Taiwan’s Marine Protected Area”, https://www. fa.gov.tw/en/WorldOceansDay/content.aspx?id=4&chk=a2fed357-be6d-40e4-a3e5-b41349f9979b&param=pn% 3D1.

[22] Mao-Sen Su and Wei-Cheng Su, “The Status and prospects of Coastal Aquaculture in Taiwain”, Fisheries Research Institute, Council of Aquaculture, p. 1, https://www.fftc.org.tw/htmlarea_file/library/20110718090339/eb606.pdf.

0thảo luận