Trang chủ

Chiến lược 3T ứng phó với đại dịch COVID-19 của Hàn Quốc

Đăng ngày: 17-03-2023, 11:02 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 12

Lương Hồng Hạnh1

 

Tóm tắt: Tháng 2/2020, đợt dịch COVID-19 đầu tiên đã bùng phát mạnh mẽ ở tỉnh Daegu (Hàn Quốc), liên quan đến “ca siêu lây nhiễm” – bệnh nhân số 31 – một tín đồ của giáo phái Shincheonji. Khi đó, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chỉ sau Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, sau đó, Hàn Quốc lại nổi lên như là một điểm sáng của công cuộc khống chế dịch, trong khi chưa cần áp dụng các biện pháp cứng rắn, như phong tỏa thành phố hay đóng cửa biên giới. Để có được thành quả này, cần nhắc tới chiến lược 3T (Testing – Tracing – Treatment), nghĩa là “Xét nghiệm – Truy vết – Điều trị” của Hàn Quốc. Trong đó, Hàn Quốc ưu tiên phát hiện sớm thông qua xét nghiệm sàng lọc và điều tra dịch tễ học nghiêm ngặt, tiếp theo là điều trị tích cực ở giai đoạn sớm nhất có thể để tăng cường khả năng hồi phục thành công cho bệnh nhân. Đây chính là những biện pháp được lấy làm cơ sở cho việc ứng phó với COVID-19 của nước này.

Từ khóa: Đại dịch COVID-19, chiến lược 3T, Hàn Quốc

 

 

1. Xét nghiệm (Testing)[1]

Năng lực xét nghiệm COVID-19 của Hàn Quốc có thể được đánh giá là rất tốt, với khả năng xét nghiệm số lượng lớn, tốc độ nhanh và được tổ chức chuyên nghiệp. Năng lực xét nghiệm này là kết quả của cả một quá trình từ đầu tư nghiên cứu và phát triển, thẩm định và “cấp phép nhanh chóng cho các bộ kit xét nghiệm, trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn hiệu suất cao nhất, chuyển giao nhanh chóng công nghệ cho các lĩnh vực liên quan và mạng lưới hiệu quả của các tổ chức công và tư có khả năng xét nghiệm trên quy mô lớn”[2].

Điều đầu tiên cần nói đến chính là việc phát triển bộ kit xét nghiệm thông qua nghiên cứu và phát triển đã được triển khai rất tích cực ở Hàn Quốc. Một tuần sau trường hợp đầu tiên vào ngày 20/01/2020, các quan chức chính phủ Hàn Quốc đã gặp 20 công ty y tế để yêu cầu phát triển một xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase[3] (PCR) COVID-19 mới[4]. Sau đó, Hiệp hội Y học Phòng thí nghiệm Hàn Quốc đã phát triển một phương pháp xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR), có thể nhanh chóng đưa ra kết quả xét nghiệm chính xác “trong vòng 6 giờ, không giống như phương pháp xét nghiệm trước đó phải mất từ 1 đến 2 ngày”[5].

Sau khi hoàn thành việc xác minh phương pháp thử mới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC)[6] đã công bố phương pháp này cho các công ty sản xuất thuốc thử trong nước để sản xuất bộ kit chẩn đoán. Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cũng ban hành cho phép sử dụng khẩn cấp EUA (Emergency Use Authorization) cho bộ xét nghiệm này[7]. Vào ngày 04/02/2020, Chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt nhanh cho bộ xét nghiệm COVID-19 của một công ty, công ty thứ hai đã được phê duyệt một tuần sau đó và ngay sau đó là hai công ty khác. Chính phủ Hàn Quốc cũng tiếp tục tăng số lượng cơ sở xét nghiệm và nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm, qua đó nâng thành công công suất xét nghiệm hàng ngày tối đa từ 3.000 (ngày 07/02) lên 18.000 (ngày 16/03/2020)[8] và đến ngày 20/04/2020, Hàn Quốc đã đạt công suất tối đa để thực hiện 20.000 xét nghiệm PCR mỗi ngày[9]. Như vậy, việc phát triển sớm và sản xuất hàng loạt bộ kit xét nghiệm ở Hàn Quốc là kết quả của các mối quan hệ đối tác công - tư được tổ chức và phối hợp tốt giữa chính phủ, viện nghiên cứu và các công ty công nghệ sinh học tư nhân sản xuất bộ kit xét nghiệm, cùng với nền tảng pháp lý cho phép sử dụng khẩn cấp bộ kit xét nghiệm. Sau kinh nghiệm với dịch MERS, thời gian cho quy trình pháp lý phê duyệt các sản phẩm yêu cầu thử nghiệm lâm sàng của Hàn Quốc đã giảm từ 80 ngày xuống còn 2-3 tuần, thậm chí 7 ngày[10].

Bên cạnh đó, một trong những lý do đằng sau năng lực xét nghiệm hàng loạt của Hàn Quốc là sự phong phú của các cơ sở xét nghiệm công và tư, với số lượng đáng kể các phòng khám sàng lọc trên toàn quốc. Hiện tại, có 118 cơ sở xét nghiệm COVID-19 trên toàn Hàn Quốc, bao gồm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, 4 Trạm Kiểm dịch Quốc gia, 18 Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Môi trường, 95 phòng thí nghiệm và bệnh viện y tế tư nhân[11].

Để sử dụng đầy đủ năng lực xét nghiệm, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các biện pháp giúp công chúng dễ dàng tiếp cận với các trung tâm xét nghiệm, đồng thời, duy trì sự an toàn cho các nhân viên y tế và các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Để bảo vệ các cơ sở chăm sóc sức khỏe khỏi lây nhiễm COVID-19 trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm và ngăn ngừa lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân, Hàn Quốc thành lập “Trung tâm sàng lọc” riêng biệt, biệt lập tại các trung tâm y tế công cộng và cơ sở chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc để chuyên phục vụ những người tiếp xúc với các “trường hợp đã xác nhận”[12] (F0) hoặc đang có các triệu chứng liên quan đến COVID-19, như ho hoặc sốt, để loại trừ khả năng làm ô nhiễm các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tính đến cuối tháng 03/2020, đã có 635 trung tâm sàng lọc đang hoạt động trên toàn quốc[13]. Điều này đã đa dạng hóa các mô hình hoạt động ở Hàn Quốc, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu ngày càng tăng về xét nghiệm chẩn đoán.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đưa ra những phương pháp tiếp cận đổi mới, sáng tạo nhằm thu thập mẫu dễ dàng và nhanh hơn so với phương pháp truyền thống để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm rộng rãi. Cụ thể như, để cắt giảm thời gian cần thiết cho việc lấy mẫu và hạn chế hơn nữa sự tiếp xúc của nhân viên y tế tuyến đầu, cũng như những người đang chờ xét nghiệm, cộng đồng y tế Hàn Quốc đã đi tiên phong trong lĩnh vực “Trạm xét nghiệm lái xe”, cho phép người lái xe thực hiện quy trình đăng ký và thu thập mẫu vật trong vòng chưa đến 10 phút mà không cần phải ra khỏi xe của họ. Sáng kiến này giúp thời gian tham gia vào quy trình nhanh gấp 3 lần, cho phép tối đa 6 lần lấy mẫu mỗi giờ tại “Trạm xét nghiệm lái xe” so với 2 lần lấy mẫu tại “Trung tâm sàng lọc”. Hàn Quốc cũng đã biên soạn và phân phối “Sổ tay Quy trình vận hành tiêu chuẩn cho các trạm xét nghiệm lái xe”. Tính đến cuối tháng 3, Hàn Quốc đã có 79 trạm xét nghiệm lái xe hoạt động trên toàn quốc[14].

Một số bệnh viện tư nhân còn áp dụng cơ sở xét nghiệm kiểu “bốt điện thoại”, cho phép nhanh chóng phát hiện các bệnh nhân tiềm năng, trong khi các nhân viên y tế tuyến đầu thu thập mẫu bệnh phẩm được bảo vệ sau các tấm acrylic trong suốt. Sân bay Quốc tế Incheon cũng đưa vào sử dụng các trạm xét nghiệm “đi bộ ngoài trời”, sử dụng môi trường ngoài trời có gió tự nhiên để thông gió, nhằm xử lý một lượng lớn hành khách nhanh chóng và an toàn[15]. So với phòng khám sàng lọc tổng quát, nơi chỉ có thể lấy mẫu 30 phút một lần để có thời gian khử trùng và thông gió thì ở phòng khám mở, có thể lấy mẫu cứ sau 4 đến 5 phút. Điều này không chỉ giảm thiểu áp lực cho bệnh viện và nguy cơ lây truyền bệnh bằng cách giữ bệnh nhân tiềm năng ở ngoài phòng chờ bệnh viện, mà còn giảm thời gian bằng cách loại bỏ các biện pháp khử trùng cần thiết cho việc lấy mẫu trong bệnh viện[16].

2. Truy vết (Tracing)

Điều tra dịch tễ học chính xác và kịp thời là chìa khóa để xác định và cách ly thành công các trường hợp mắc COVID-19. Do đó, việc truy tìm tiếp xúc rộng rãi và nhanh chóng đã được Hàn Quốc thực hiện ngay từ khi bắt đầu ứng phó với COVID-19[17].

Khi một bệnh nhân có kết quả dương tính với COVID-19, Hàn Quốc sẽ tiến hành điều tra dịch tễ học để truy tìm nguồn lây nhiễm bằng cách truy vết tất cả các tuyến đường để xác định vị trí và thời điểm bệnh nhân đi qua. Để hoàn thành nhanh chóng các cuộc điều tra dịch tễ, chính quyền địa phương tiến hành điều tra sơ bộ các trường hợp bệnh. Các đội phản ứng tức thời trung ương của KCDC cũng được điều động đến các khu vực trải qua các đợt bùng phát lớn và tiến hành điều tra dịch tễ cùng với từng nhóm phụ trách của chính quyền địa phương[18].

Quy trình điều tra dịch tễ học này được Hàn Quốc vi tính hóa để ứng phó hiệu quả hơn với cuộc khủng hoảng COVID-19. Ngoài dữ liệu phỏng vấn từ các trường hợp đã xác nhận (có thể phỏng vấn nhân viên chăm sóc sức khỏe và thành viên gia đình của họ nếu cần), hệ thống quản lý thông minh sẽ cung cấp cho các điều tra viên dịch tễ học những dữ liệu liên quan đến di chuyển cá nhân để lập bản đồ các chuyển động và địa chỉ tiếp xúc của các trường hợp đã xác nhận[19]. Cụ thể, từ ngày 10/04/2020, KCDC đã bắt đầu sử dụng “chương trình trung tâm dữ liệu thành phố thông minh” để nhanh chóng theo dõi các trường hợp COVID-19 tiềm năng bằng cách sử dụng các dữ liệu như: lịch sử giao dịch thẻ ngân hàng, cảnh quay CCTV, dữ liệu Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trên điện thoại di động và hồ sơ y tế. Tính đến ngày 20/04, 27 tổ chức công và tư của Hàn Quốc, bao gồm Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Hiệp hội tài chính tín dụng, ba nhà cung cấp dịch vụ di động và 22 công ty thẻ tín dụng đã hợp tác để xúc tiến chương trình. Trước đây, để có dữ liệu như vậy, các nhà điều tra phải yêu cầu cảnh sát cung cấp và mất tới bảy giờ[20].

Việc thu thập thông tin cá nhân này nằm trong phạm vi luật pháp của Hàn Quốc (Đạo luật Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm). Mặc dù Hàn Quốc quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân ở cùng mức độ với Quy định về bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu, tuy nhiên, Hàn Quốc đã cho phép các cơ quan y tế tiếp cận dữ liệu cá nhân khi quốc gia đối mặt với đại dịch và đây là cách Chính phủ Hàn Quốc kiểm soát sự bùng phát dịch ở Daegu[21]. Thông tin liên quan được tiết lộ cho công chúng là thông tin ẩn danh, được đưa ra một cách thận trọng để bảo vệ thông tin cá nhân, giúp những người có thể đã tiếp xúc với các trường hợp đã xác nhận có thể tự đi xét nghiệm. Các tiếp xúc gần gũi được xác định thông qua điều tra dịch tễ học sẽ được được yêu cầu xét nghiệm COVID-19, tự cách ly và theo dõi. Họ được giám sát bởi các nhân viên y tế công cộng được chỉ định (các nhân viên của Bộ Nội vụ và An toàn và chính quyền địa phương) thông qua ứng dụng “Bảo vệ an toàn tự cách ly”[22], cho phép các nhân viên theo dõi các triệu chứng của họ hai lần mỗi ngày và cảnh báo khi họ phá vỡ quy trình tự cách ly. Việc theo dõi vị trí GPS trên điện thoại được thực hiện với sự đồng ý của những người tiếp xúc gần gũi[23]. Những người đang tự cách ly bị cấm rời khỏi đất nước bất kể họ có xuất hiện các triệu chứng hay không. Những người vi phạm việc cách ly sẽ bị phạt tiền tối đa 10 triệu KRW, hoặc bị phạt tù tối đa một năm[24].

Ngoài ra, các bệnh viện và nhà thuốc còn được cấp quyền truy cập lịch sử du lịch của bệnh nhân đến một số quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng nặng, như Trung Quốc, Nhật Bản, Iran và Italia để hỗ trợ sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 thông qua dịch vụ Đánh giá việc sử dụng thuốc (DUR) và Hệ thống thông tin khách du lịch quốc tế (ITS)[25], giúp bệnh nhân có thể được xét nghiệm và điều trị trong thời gian sớm nhất có thể nếu xác nhận dương tính[26].

Hệ thống theo dõi tiếp xúc này của Hàn Quốc đã sử dụng cả công nghệ và quy trình thủ công, do 130 nhà điều tra dịch tễ học từ KCDC dẫn đầu. Quốc gia này có cơ sở hạ tầng công nghệ cần thiết để thực hiện theo dõi tiếp xúc kỹ thuật số trong tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như Internet nhanh nhất thế giới, một trong những nước có mật độ camera giám sát cao nhất ở các thành phố, tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao và tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt cao. Theo xu hướng minh bạch của chính phủ, dữ liệu theo dõi chi tiết về những người mắc COVID-19 thường xuyên được phổ biến trong các báo cáo ở Hàn Quốc để thông báo cho các bên quan tâm về cách chính phủ thu thập dữ liệu nhạy cảm[27].

Hiện tại, các công nghệ truy vết kỹ thuật số này còn gây lo ngại về quyền riêng tư hay quyền tự do dân sự, do vậy, nhiều quốc gia khác vẫn chưa áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên, cách tiếp cận này được Hàn Quốc rút ra từ bài học kinh nghiệm sau đợt bùng phát MERS năm 2015. Sau dịch MERS, Hàn Quốc đã sửa đổi luật bảo mật, cho phép chính phủ theo dõi thông tin cá nhân trong trường hợp y tế quốc gia gặp nguy cơ[28]. Chứng tỏ rằng Hàn Quốc ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn tự do dân sự trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, Hàn Quốc chỉ tiết lộ lịch trình di chuyển của những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và tất cả các dữ liệu thu thập được quản lý bởi các tổ chức độc lập và xóa ngay lập tức sau khi được sử dụng (thông tin thu thập được loại bỏ sau 30 ngày). Do đó, điều này khác so với việc giám sát theo thời gian thực.

3. Điều trị (Treatment)

Ở giai đoạn đầu ứng phó với COVID-19 tại Hàn Quốc, tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính đều phải nhập viện. Tuy nhiên, vào đỉnh điểm của đợt bùng phát ở tỉnh Daegu, năng lực hệ thống y tế đã cạn kiệt với tình trạng thiếu giường điều trị tích cực ICU[29] cho những bệnh nhân nguy kịch, làm tăng tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân chờ nhập viện tại nhà.

Từ bài học kinh nghiệm này, Hàn Quốc đã định hướng lại các nguồn lực hiện có để điều trị hiệu quả hơn. Nhằm đảm bảo số lượng giường bệnh cần thiết cho việc điều trị, Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định bệnh viện dành riêng cho các bệnh truyền nhiễm, gọi là “bệnh viện bệnh truyền nhiễm” để cung cấp các phòng dành riêng cho bệnh nhân COVID-19 và chuyển bệnh nhân nội trú hiện có của các bệnh viện này sang các cơ sở khác. Con số cụ thể là 43 bệnh viện bệnh truyền nhiễm vào ngày 21/02/2020 và tăng số lượng lên 67 bệnh viện vào tháng 3 và lên 2.468 bệnh viện trên toàn quốc vào ngày 17/11/2020. Như vậy, một số bệnh viện được dành riêng cho việc chăm sóc những bệnh nhân mắc COVID-19, nhờ vậy cũng giải phóng mặt bằng cho các bệnh viện khác để điều trị cho những bệnh nhân không nhiễm COVID-19[30].

Ngoài ra, để ưu tiên nguồn lực y tế cho những người cần điều trị, Hàn Quốc đã thiết lập Hệ thống quản lý bệnh nhân, bao gồm mạng lưới các chuyên gia y tế phân loại bệnh nhân COVID-19 thành 4 nhóm “nhẹ, trung bình, nặng và cực nặng” theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng[31]. Đầu tiên, các trường hợp đã xác nhận được chẩn đoán tại các trung tâm y tế công cộng bởi các chuyên gia y tế trong thành phố, sau đó được phân loại dựa trên mức độ nghiêm trọng bởi đội quản lý bệnh nhân cấp tỉnh. Bệnh nhân trung bình, nặng và cực nặng được nhập viện điều trị ngay lập tức tại các bệnh viện bệnh truyền nhiễm quốc gia và các cơ sở khác do chính phủ chỉ định[32]. Với sự bùng nổ của các ca bệnh trong Vùng thủ đô[33] vào tháng 8/2020, Hàn Quốc đã tổ chức một Phòng tình huống đồng ứng phó trung ương tại Trung tâm Y tế Quốc gia (NMC) vào ngày 16/08/2020 để giúp phân tích và điều phối bệnh nhân, cũng như phân bổ giường bệnh trên toàn khu vực[34].

Những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và ít cần được chăm sóc y tế được cách ly trong các “Trung tâm điều trị nội trú” (“Trung tâm Điều trị Sự sống”) để được hỗ trợ điều trị và sinh hoạt, nhằm giải phóng giường bệnh cho những bệnh nhân nguy kịch và những người có tình trạng nguy hiểm cao. Họ được các nhân viên y tế theo dõi ít ​​nhất hai lần một ngày để sẵn sàng chuyển đến các cơ sở y tế nếu các triệu chứng trầm trọng hơn hoặc được xuất viện dựa trên các tiêu chuẩn liên quan khi các triệu chứng được giảm nhẹ (trong khoảng ba tuần)[35]. Những trung tâm này đã cung cấp hỗ trợ cho những người có khả năng phục hồi tự nhiên hoặc sẽ phục hồi chỉ với việc điều trị các triệu chứng[36]. Tính đến cuối tháng 3/2020, Hàn Quốc đã có 139 Trung tâm Điều trị Sự sống đang hoạt động với tổng cộng 14.503 phòng[37]. Khu vực tư nhân đã tham gia vào sáng kiến ​​này. Các tòa nhà dân cư lớn, được sử dụng làm cơ sở đào tạo của các công ty nhà nước hoặc tư nhân lớn ở ngoại ô (ví dụ như Samsung và LG), đã được chuyển đổi thành các trung tâm điều trị nội trú. Tất cả các trung tâm này đều được hỗ trợ bởi các bệnh viện công hoặc tư[38]. Đây có thể là một giải pháp thay thế tiết kiệm và hiệu quả trong điều kiện đại dịch COVID-19, vừa giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lực y tế nghiêm trọng khiến những người bị bệnh nặng không thể nhập viện, đồng thời có thể tận dụng các cơ sở có sẵn trong cộng đồng[39].

Nhằm hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân và kiểm soát nhiễm khuẩn cho các vùng khác nhau, Chính phủ Hàn Quốc còn tích cực tuyển dụng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thông qua nhiều kênh, như yêu cầu nhân viên y tế đến từ các cơ sở khác và bố trí họ tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe có nhu cầu, chủ yếu ở thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk. Để đảm bảo thêm nhân viên y tế, 750 bác sĩ y tế công cộng mới đã được bổ nhiệm và bố trí, đồng thời, các y tá cũng liên tục được tuyển dụng. Các nhân viên chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc được hưởng chế độ tự cách ly có trả tiền sau hai tuần và thay thế họ bằng các nhân viên khác, cung cấp các dịch vụ kiểm soát nhiễm trùng, cũng như bồi thường tài chính[40].

Ngoài ra, để tăng cường kiểm soát nhiễm trùng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe và tập trung vào việc mở rộng hợp tác và giao tiếp với các giới chăm sóc sức khỏe. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe được yêu cầu cung cấp cho bệnh nhân hướng dẫn về vệ sinh, hạn chế sự ra vào của khách và các điều kiện thăm khám, kiểm tra nhiệt độ cơ thể của từng khách và yêu cầu đeo khẩu trang[41]. Nhân viên được yêu cầu đeo khẩu trang trong khi làm nhiệm vụ và báo cáo ngay cho trung tâm y tế công cộng hoặc 1339 nếu có bệnh nhân thuộc bất kỳ danh mục nào được xác định trước[42] và được miễn làm việc trong 14 ngày khi họ có dấu hiệu ốm, như sốt và ho. Đặc biệt, tại mỗi cơ sở chăm sóc sức khỏe đều có một nhân viên kiểm soát nhiễm trùng được chỉ định để đảm bảo việc áp dụng các biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng và giám sát tăng cường[43].

Kết quả của việc thực hiện chiến lược 3T của Hàn Quốc là tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này được giữ ở mức rất thấp (0,78% tính đến ngày 23/10/2021[44]) và hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đều là những người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền. Mặc dù hiện tại, Vùng thủ đô vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội ở mức 4 (mức cao nhất) và tất cả các vùng còn lại trong cả nước đang ở mức 3 nhưng Hàn Quốc vẫn duy trì được một nền kinh tế tương đối mở. Từ đó, có thể thấy rằng trường hợp Hàn Quốc đã minh chứng cho khả năng kiểm soát đại dịch mà không yêu cầu phải đóng cửa hoàn toàn biên giới cũng như phong tỏa thành phố.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom đã tuyên bố rằng: “Hàn Quốc đã phải đối mặt với việc gia tăng sự lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không đầu hàng. Điều này đã giáo dục, trao quyền và gắn kết cộng đồng, phát triển một chiến lược xét nghiệm sáng tạo và tăng cường năng lực phòng thí nghiệm, thực hiện xét nghiệm và truy vết tiếp xúc toàn diện ở một số khu vực được chọn... và điều chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh địa phương” (Tạp chí của WHO).

4. Gợi ý cho Việt Nam

Dịch bệnh là thách thức toàn cầu của thời hiện đại. Tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt giàu nghèo, phát triển hay đang phát triển, khi phải đối mặt với một thảm họa dịch bệnh có diễn biến phức tạp và khó lường như đại dịch COVID-19 đều dần dần bộc lộ những yếu kém và lỗ hổng trong hệ thống phòng dịch. Hàn Quốc và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Về phía Hàn Quốc, quốc gia này đã thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt và hệ thống phản ứng mang tính dân chủ, sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản hồi của các chuyên gia và công chúng nói chung, cũng như sẵn sàng học hỏi và rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ. Dịch MERS năm 2015 là một kinh nghiệm đối với chính sách công cho Hàn Quốc, nhờ vậy, Hàn Quốc đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong đợt phòng chống dịch lần này. Sau khi dịch MERS bùng phát ở Hàn Quốc năm 2015, chính phủ nước này đã tăng phân bổ ngân sách để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới, cũng như tài trợ cho nhiều dự án nghiên cứu góp phần cung cấp bằng chứng khoa học cho phản ứng của chính phủ đối với COVID-19. Chính phủ Hàn Quốc cũng nỗ lực để tăng số lượng các nhà dịch tễ học và các chuyên gia kiểm soát nhiễm trùng, thành lập các bệnh viện dành riêng cho các bệnh truyền nhiễm và đầu tư vào việc tăng số lượng các phòng cách ly áp suất âm.

Đặc biệt, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) - trung tâm trong những nỗ lực phòng chống dịch bệnh ở Hàn Quốc - được thành lập bởi các bác sĩ và chuyên gia y tế, thay vì các chính trị gia có thể gây ra tranh cãi hoặc nghi ngờ. Một hãng truyền thông nước ngoài cho biết, so với các chính phủ tập trung vào Tổng thống như Pháp và Mỹ, Hàn Quốc đã giữ cho Giám đốc KDCA Jeong Eun-Kyeong[45] đi đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch[46]. Như vậy, khác với một số quốc gia khác, Hàn Quốc đã giao phó trách nhiệm này cho một “tổng chỉ huy” có năng lực chuyên môn, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và sức khỏe cộng đồng.

Về phía Việt Nam, chính phủ đã thể hiện phản ứng nhanh nhạy bất ngờ ở giai đoạn đầu tiên khi dịch mới bùng phát. Cùng với đó, chính phủ cũng đã khai thác tốt tinh thần dân tộc trong thời điểm khủng hoảng, kêu gọi sự hợp tác của toàn dân với lời hiệu triệu “Chống dịch như chống giặc”, cùng hàng loạt các khẩu hiệu, áp phích, loa tuyên truyền chống dịch ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, trong đợt bùng dịch lần thứ 4 vừa rồi, đại dịch đã làm bộc lộ sự lúng túng và thiếu nhất quán ở cả cấp trung ương và địa phương ở Việt Nam.

Dịch MERS 2015 là một kinh nghiệm học tập về chính sách công ở Hàn Quốc, COVID-19 cũng cần là một bài học cho Việt Nam.  Chúng ta cần: (1) duy trì cách tiếp cận phối hợp toàn chính phủ và duy trì các thông điệp, hành động chung; (2) nâng cao khả năng kết nối và cộng tác giữa chính quyền trung ương và địa phương thông qua một cơ quan phòng chống dịch tập trung được thành lập bởi các bác sĩ và chuyên gia y tế để đưa ra những chỉ thị cụ thể, rõ ràng, nhất quán; (3) sẵn sàng học hỏi và rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ; sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản hồi của công chúng nói chung và các chuyên gia nói riêng để nâng cao khả năng thích ứng linh hoạt với đại dịch; (4) tăng cường nghiên cứu về dịch tễ học và nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Bên cạnh đó, còn một điều tối quan trọng mà chúng ta không thể coi nhẹ, đó là (5) xây dựng một nền tảng ổn định cho sự can thiệp của quốc gia mà vẫn tôn trọng nhân phẩm và đảm bảo phẩm giá của tất cả mọi người. Bởi vì trong những tình huống khẩn cấp như đại dịch lần này, cách chính quyền chăm lo cho những mảnh đời khốn khó nhất và cách mà toàn bộ hệ thống nhà nước đưa ra các giải pháp ứng phó, trong khi không ngừng suy xét đến việc đảm bảo nhân phẩm của từng người dân sẽ thể hiện năng lực điều hành quốc gia, đồng thời, thể hiện tầm vóc và những giá trị mà quốc gia đó đang theo đuổi.

Đại dịch COVID-19 có thể được coi như một vụ nổ lớn làm rung chuyển nền móng hiện có, khiến cho những mâu thuẫn, điểm yếu kém vẫn thường bị khuất lấp trong xã hội được hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Không phải lúc nào khác mà đây chính là thời điểm mà chúng ta phải nhìn thẳng và nhận diện những vấn đề.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Asian Development Bank (2021), Assessment of COVID-19 Response in the Republic of Korea.
  2. Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.
  3. Jiyoun Chang, “Public Health Disasters and the Evolution of Pandemic Response
    Structures: A Case Study of MERS in Korea”, The Korean Journal of Policy Studies, Vol. 32, No.1/2017, pp. 27-52.
  4. Kang Hyunjin, Kwon Soonman, Kim Eunkyoung (2020), COVID-19 Health system response monitor: Republic of Korea, New Delhi: World Health Organization Regional Office for South-East Asia.
  5. Leonard Hong with assistance from Joel Hernandez (2020), Lessons from Abroad: South Korea's Covid-19 Containment Model, The New Zealand Initiative.
  6. Republic of Korea’s Ministry of Foreign Affairs (2020), Korea’s Fight against COVID-19.

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Republic of Korea’s Ministry of Foreign Affairs (2020), Korea’s Fight against COVID-19.

[3] Polemerase Chain Reaction (PCR), hay còn gọi là xét nghiệm sinh học phân tử.

[4] Leonard Hong with assistance from Joel Hernandez (2020), Lessons from Abroad: South Korea's Covid-19 Containment Model, The New Zealand Initiative.

[5] Asian Development Bank (2021), Assessment of COVID-19 Response in the Republic of Korea.

[6] Tiền thân của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA).

[7] Asian Development Bank (2021), Assessment of COVID-19 Response in the Republic of Korea.

[8] Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.

[9] Leonard Hong with assistance from Joel Hernandez (2020), Lessons from Abroad: South Korea's Covid-19 Containment Model, The New Zealand Initiative.

[10] Kang Hyunjin, Kwon Soonman, Kim Eunkyoung (2020), COVID-19 Health system response monitor: Republic of Korea, New Delhi: World Health Organization Regional Office for South-East Asia.

[11] Republic of Korea’s Ministry of Foreign Affairs (2020), Korea’s Fight against COVID-19.

[12] Theo hướng dẫn được công bố vào ngày 10/11/2020, có ba loại xác định trường hợp cho COVID-19 là trường hợp đã xác nhận (Việt Nam gọi là F0), trường hợp nghi ngờ và trường hợp đang được điều tra (PUI).

[13] Republic of Korea’s Ministry of Foreign Affairs (2020), Korea’s Fight against COVID-19.

[14] Republic of Korea’s Ministry of Foreign Affairs (2020), Korea’s Fight against COVID-19.

[15] Republic of Korea’s Ministry of Foreign Affairs (2020), Korea’s Fight against COVID-19.

[16] Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.

[17] Kang Hyunjin, Kwon Soonman, Kim Eunkyoung (2020), COVID-19 Health system response monitor: Republic of Korea, New Delhi: World Health Organization Regional Office for South-East Asia.

[18] Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.

[19] Kang Hyunjin, Kwon Soonman, Kim Eunkyoung (2020), COVID-19 Health system response monitor: Republic of Korea, New Delhi: World Health Organization Regional Office for South-East Asia.

[20] Leonard Hong with assistance from Joel Hernandez (2020), Lessons from Abroad: South Korea's Covid-19 Containment Model, The New Zealand Initiative.

[21] Khi ổ dịch COVID-19 đầu tiên của Hàn Quốc xuất hiện tại Shincheonji, nhiều bệnh nhân đã bị bắt nạt trên Facebook.

[22] Ứng dụng này cũng bao gồm các hướng dẫn về tự cách ly và thông tin liên lạc của KCDC và các cán bộ phụ trách các trường hợp được giao.

[23] Republic of Korea’s Ministry of Foreign Affairs (2020), Korea’s Fight against COVID-19.

[24] Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.

[25] Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.

[26] Republic of Korea’s Ministry of Foreign Affairs (2020), Korea’s Fight against COVID-19.

[27] LEON Leonard Hong with assistance from Joel Hernandez (2020), Lessons from Abroad: South Korea's Covid-19 Containment Model, The New Zealand Initiative.

[28] LEON Leonard Hong with assistance from Joel Hernandez (2020), Tlđd.

[29] Intensive Care Unit (ICU) tạm dịch là đơn vị hồi sức cấp cứu, chăm sóc đặc biệt hoặc điều trị tích cực.

[30] Kang Hyunjin, Kwon Soonman, Kim Eunkyoung (2020), COVID-19 Health system response monitor: Republic of Korea, New Delhi: World Health Organization Regional Office for South-East Asia.

[31] Republic of Korea’s Ministry of Foreign Affairs (2020), Korea’s Fight against COVID-19.

[32] Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.

[33] Vùng thủ đô (수도권) bao gồm Seoul, Incheon, Gyeonggi.

[34] Kang Hyunjin, Kwon Soonman, Kim Eunkyoung (2020), COVID-19 Health system response monitor: Republic of Korea, New Delhi: World Health Organization Regional Office for South-East Asia.

[35] Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.

[36] Kang Hyunjin, Kwon Soonman, Kim Eunkyoung (2020), COVID-19 Health system response monitor: Republic of Korea, New Delhi: World Health Organization Regional Office for South-East Asia.

[37] Republic of Korea’s Ministry of Foreign Affairs (2020), Korea’s Fight against COVID-19.

[38] Kang Hyunjin, Kwon Soonman, Kim Eunkyoung (2020), COVID-19 Health system response monitor: Republic of Korea, New Delhi: World Health Organization Regional Office for South-East Asia.

[39] Asian Development Bank (2021), Assessment of COVID-19 Response in the Republic of Korea.

[40] Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.

[41] Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.

[42] Các trường hợp được xác nhận, tiếp xúc của các trường hợp được xác nhận có các triệu chứng liên quan, các trường hợp nghi ngờ dựa trên ý kiến ​​của các chuyên gia y tế,...

[43] Development Finance Bureau at Ministry of Economy and Finance (MOEF), Korea Centers for Disease Control & Prevention (KCDC), Ministry of Health and Welfare (MOHW) (2020), Tackling COVID-19: Health, Quarantine and Economic Measures of South Korea.

[45] Bà Jeong Eun-kyeong có bằng cử nhân và thạc sĩ y tế công cộng và bằng tiến sĩ y tế dự phòng. Bà là Giám đốc cuối cùng của KCDC và là ủy viên đầu tiên của KDCA.

[46]Jiyoun Chang, “Public Health Disasters and the Evolution of Pandemic Response Structures: A Case Study of MERS in Korea”, The Korean Journal of Policy Studies, Vol. 32, No.1/2017, pp. 27-52.

 

0thảo luận