Trang chủ

Trung Quốc và Đài Loan xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Đăng ngày: 10-03-2023, 10:48 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 11

Võ Minh Hùng1, Trần Thị Hải Yến2

Tóm tắt: Ngày 16/9/2021, Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây được xem là một trong những bước đi quan trọng của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Chưa đầy một tuần sau đó, Đài Loan cũng chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Đài Loan thực chất đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia hiệp định này ngay từ khi nó còn là TPP với sự dẫn dắt của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định, Đài Loan gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gia nhập vì thiếu đi nhân tố ủng hộ có ảnh hưởng nhất. Hiện nay, với tên gọi CPTPP, Đài Loan đã thể hiện quyết tâm gia nhập tổ chức thương mại này một lần nữa. Bài viết phân tích nguyên nhân xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc và Đài Loan, phản ứng của các nước, khả năng tham gia thành công của hai nhân tố và bước đầu đưa ra những khuyến nghị trong ứng xử của Việt Nam.

Từ khóa: Trung Quốc, Đài Loan, CPTPP

 

C

PTPP được đánh giá là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất trên thế giới. Chính vì vậy, ảnh hưởng và sức hút của nó là không nhỏ. Nếu Trung Quốc được phép gia nhập CPTPP, hiệp định này sẽ có[1]qui mô chiếm khoảng 30%[2]GDP toàn cầu[3]. Tương lai này khiến việc Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập CPTPP trở thành một sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới. Đối với Đài Loan, hòn đảo này đã từng chính thức thông báo tới CPTPP về ý định tham gia và đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức từ tháng 12/2020. Đài Loan cũng đã tiến hành cải cách kinh tế, điều chỉnh chính sách và cơ cấu công nghiệp. Sự chuẩn bị này dường như khá tương thích với những điều kiện của CPTPP.

1. Nguyên nhân Trung Quốc và Đài Loan xin gia nhập CPTPP

1.1. Đối với Trung Quốc

Thứ nhất, Trung Quốc muốn khẳng định vị trí dẫn đầu trong thương mại toàn cầu. Tháng 5/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Trung Quốc xác nhận sự quan tâm đối với CPTPP, rằng “Trung Quốc có thái độ tích cực và cởi mở đối với việc tham gia CPTPP”[4]. Ngày 19/11/2020, sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định với việc Mỹ sắp chuyển sang chính quyền mới thì đây là thời điểm chiến lược đúng đắn để Trung Quốc xem xét việc tham gia CPTPP[5]. Trong chuyến thăm Singapore của Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 13/9, Trung Quốc một lần nữa thể hiện  thiện chí quan tâm tới việc gia nhập CPTPP, một bước đi khôn khéo của Trung Quốc trong việc gửi tín hiệu tới Singapore khi nước này trở thành Chủ tịch luân phiên của CPTPP vào năm 2022. Tất cả những động thái của Trung Quốc cho thấy những tính toán của quốc gia này trong việc gia tăng thế lực về chính trị và kinh tế. Tham gia vào CPTPP thực sự là cơ hội tốt để Trung Quốc lấp chỗ trống mà Mỹ để lại, tăng cường hơn nữa ảnh hưởng kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó mở rộng ra ảnh hưởng chính trị.

Thứ hai, CPTPP mang đến nhiều lợi ích kinh tế lớn cho Trung Quốc. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng sự quyết liệt trong chính sách đối ngoại đã khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu. Nếu có thể gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ đứng trước cơ hội được mở rộng quy mô xuất khẩu, đặc biệt là đối với khu vực Bắc Mỹ, do Canada là một thành viên của CPTPP. Lợi thế về xuất xứ hàng hóa cũng sẽ được đảm bảo cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thời gian qua đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Tham gia CPTPP sẽ có thể giúp Trung Quốc định dạng lại chuỗi cung ứng khu vực theo hướng có lợi cho mình.

Thứ ba, tham gia CPTPP là một phản ứng của Trung Quốc đối với Mỹ. Trước tiên, việc tham gia CPTPP của Trung Quốc là một trong những cách thức mà nước này lựa chọn nhằm giảm căng thẳng với Mỹ. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, lựa chọn này lại thể hiện mục đích khác. Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận hợp tác an ninh xuyên lục địa giữa ba nước lấy tên là AUKUS. AUKUS được cho là nhằm đối phó với các động thái bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã phản ứng khi kêu gọi các quốc gia tham gia thỏa thuận này rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến ý thức hệ, đồng thời không nên thiết lập các khối nhằm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba. Ngoài ra, một sự kiện khác là việc bộ tứ Quad có cuộc họp thượng đỉnh tại Mỹ để đưa ra những chiến lược nhắm đến Trung Quốc. Tất cả những động thái này trở thành nguyên nhân trực tiếp nhất để Trung Quốc đưa ra lời đề nghị trở thành thành viên của CPTPP. Đó là phản ứng của Trung Quốc thể hiện các thông điệp chính trị trước các động thái thắt chặt quan hệ an ninh giữa Mỹ và các đồng minh, nhằm chống lại Trung Quốc.

Thứ tư, đây là thời điểm thuận lợi cho Trung Quốc trong việc gia nhập CPTPP. Mặc dù ưu tiên chú trọng tới các vấn đề về thể chế, sở hữu trí tuệ, tính minh bạch của khu vực công, mua sắm chính phủ, lao động và môi trường song hiệp định này đến nay vẫn đang hoãn thực thi 20 nhóm nghĩa vụ, bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến mua sắm của chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới quản lý hải quan, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng[6]. Khi hoãn 20 nghĩa vụ này thì thời cơ để Trung Quốc gia nhập thuận lợi là vô cùng lớn mà không cần phải điều chỉnh quá nhiều các chính sách kinh tế cũng như đặc thù thị trường của nước này. Ngoài ra, Mỹ vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng sẽ quay trở lại hiệp định này. Đây cũng là thuận lợi cho Trung Quốc để tránh được sự phản đối của Mỹ nếu nước này xin gia nhập sau khi Mỹ đã trở thành thành viên. Cuối cùng, Đài Loan cũng đang tích cực gửi tín hiệu để trở thành thành viên của CPTPP, và nhận được sự ủng hộ lớn từ Mỹ và Nhật Bản. Hơn nữa, hình ảnh của Đài Loan đang được cải thiện rất nhiều trong quốc tế. Nếu Đài Loan được chọn thay vì Trung Quốc, đây không chỉ là thất bại của Đại lục trước vị thế ngày càng tăng của Đài Loan mà điều này còn cho phép Đài Loan có quyền phủ quyết đối với sự gia nhập của Trung Quốc giai đoạn sau này.

1.2. Đối với Đài Loan

Về ý nghĩa kinh tế, việc tham gia CPTPP sẽ tạo động lực mới cho các nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực của Đài Loan. Năm 2019, thương mại song phương của Đài Loan với các nền kinh tế CPTPP lên tới hơn 1/4 tổng thương mại thế giới, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với gần 11% tổng thương mại của Đài Loan[7]. Thương mại cấp cao này là một minh chứng cho mối quan hệ kinh tế bền chặt của Đài Bắc với các thành viên. Nếu Hàn Quốc, Thái Lan và các nước khác tham gia CPTPP, trong khi Đài Loan không thể, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế của hòn đảo này. Các ngành như nhựa, cao su, thép, hóa chất, kim loại và vật liệu xây dựng sẽ phải đối mặt với hàng rào thuế quan, dẫn tới sản lượng và xuất khẩu của các ngành này sẽ bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, ngành dịch vụ của Đài Loan cũng sẽ nhận nhiều tác động tiêu cực. Nếu Đài Loan có thể tham gia CPTPP, các lợi ích kinh tế ban đầu đạt được dự tính vượt quá 2%, bao gồm cải thiện việc làm và tăng thu nhập quốc dân[8].

Về ý nghĩa chiến lược, tham gia CPTPP sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình khẳng định vị thế của Đài Bắc. Việc được công nhận là một nền kinh tế tham gia trong một hiệp định thương mại khổng lồ sẽ mở rộng sự kết nối kinh tế của hòn đảo này khi bị Trung Quốc thực hiện chính sách cô lập không gian quốc tế. Đài Loan lựa chọn thời điểm một tuần sau khi Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập là một động thái được đánh giá mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, Đài Loan gặp khá nhiều khó khăn khi gia nhập CPTPP hay bất kì tổ chức đa phương nào bởi sự nhạy cảm trong vị thế của mình. Chính vì vậy, điểm khôn khéo của Đài Loan là việc lựa chọn thời điểm để nắm bắt được quan điểm, lập trường chính trị của các đối tác trong việc phản ứng với động thái của Trung Quốc và Đài Loan. Thứ hai, thời điểm được lựa chọn mang lại nhiều thuận lợi cho Đài Loan trong việc gia tăng sự hiện diện và vị thế của mình. EU ngày 16/9 đã đề ra một chiến lược chính thức nhằm tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, chống lại sức mạnh gia tăng của Trung Quốc, đồng thời cam kết tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Đài Loan[9]. Australia gần đây cũng đã tổ chức một loạt phiên điều trần tại Quốc hội để thảo luận về việc tham gia CPTPP của Đài Loan. Bối cảnh như vậy được cho là thuận lợi đối với Đài Loan, khi những nền kinh tế phát triển của CPTPP đều đang có cái nhìn thiện cảm và quan tâm tới việc gia tăng quan hệ với Đài Loan.

2. Phản ứng của các nước

2.1. Phản ứng của các nước thành viên CPTPP

Xét về mục đích chung, nhằm tăng thêm sức mạnh của CPTPP, việc kết nạp các nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cũng như vị trí trong nền kinh tế toàn cầu là điều cần thiết. Tuy nhiên đối với việc cả Trung Quốc và Đài Loan đệ đơn xin gia nhập CPTPP, các nước thành viên đang có xu hướng khác biệt trong việc đưa ra các phản ứng.

Thứ nhất là nhóm ủng hộ Đài Loan gia nhập, trong số các quốc gia thành viên CPTPP, Nhật Bản có lập trường thận trọng về việc gia nhập của Trung Quốc. Bộ trưởng Kinh tế Nishimura Yasutoshi đã thể hiện quan điểm rằng cần phải xác định xem liệu Trung Quốc đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ cao của CPTPP hay chưa[10]. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trước đó đã nói rằng Trung Quốc cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn của khối để gia nhập[11]. Nhật Bản cũng thể hiện mong muốn Mỹ tái gia nhập quan hệ đối tác để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, quốc gia này lại lập tức hoan nghênh sự tham gia của Đài Loan. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã mô tả Đài Loan là một đối tác cực kỳ quan trọng của Nhật Bản, chia sẻ các giá trị cơ bản như pháp quyền và Nhật Bản sẽ hành động dựa trên một quan điểm chiến lược và với sự hiểu biết của công chúng trong việc xem xét Đài Loan gia nhập CPTPP[12]. Bên cạnh đó, Australia, Nhật Bản và Canada cũng đang thảo luận để giúp Đài Loan gia nhập CPTPP. Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan đã khẳng định Australia sẽ làm việc với các thành viên CPTPP để xem xét đơn của Đài Loan trên cơ sở đồng thuận, phù hợp với Hướng dẫn gia nhập CPTPP[13]. Trong khi đó, quốc gia này đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt chiến dịch cưỡng ép thương mại và mở lại các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng như một điều kiện tiên quyết để bắt đầu đàm phán về việc Trung Quốc có thể tham gia CPTPP hay không[14].

Thứ hai là nhóm ủng hộ Trung Quốc gia nhập, các thành viên như Singapore và Malaysia đã thể hiện sự ủng hộ đối với Trung Quốc khi hoan nghênh quốc gia này đệ đơn gia nhập CPTPP. Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia đặc biệt khuyến khích Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP và cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tham gia thỏa thuận sớm nhất vào năm sau[15]. Đối với Singapore, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Singapore, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết ông hoan nghênh việc Trung Quốc xem xét gia nhập CPTPP[16]. Một nhân tố khác cũng có thể sẽ ủng hộ Trung Quốc một cách rõ ràng hơn là Peru. Tổng thống Peru Pedro Castillo đang tìm cách mở rộng quan hệ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Peru. Điều này cũng có nghĩa, Peru sẽ buộc phải có những phản ứng rõ ràng trong việc ủng hộ Trung Quốc để có thể đạt được mục tiêu của quốc gia mình. Đối với các quốc gia còn lại, phản ứng chủ yếu sẽ là thái độ hoan nghênh một cách thận trọng với cả Trung Quốc và Đài Loan, và không đưa ra cam kết cụ thể nào. Điều này được cho là dễ hiểu khi các thành viên còn lại cần dựa vào các tiêu chí chuẩn mực, mức độ đáp ứng của các ứng viên và sự thống nhất giữa các thành viên nhằm tạo ra lợi ích lớn nhất cho hiệp định.

2.2. Phản ứng của Mỹ

Nhà Trắng cho biết việc xác định lợi ích của Trung Quốc trong việc gia nhập là tùy thuộc vào các nước thành viên, nhưng không loại trừ hoàn toàn việc Mỹ tái gia nhập hiệp định này[17]. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể gây sức ép đối với Canada và Mexico theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới (USMCA) được ký lại năm 2018. Theo đó, các nước thành viên của USMCA không được ký kết thương mại với các nền kinh tế “phi thị trường” và Trung Quốc vẫn chưa được thừa nhận tư cách là nền kinh tế thị trường từ Mỹ và châu Âu. Mặc dù, phản ứng của Mỹ chưa rõ ràng, nhưng điều nhìn thấy là Mỹ có thể chưa quay trở lại CPTPP, cũng sẽ không để Trung Quốc có thể tham gia một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đối với việc Đài Loan xin gia nhập CPTPP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố rằng Đài Loan là một thành viên có trách nhiệm của WTO và ủng hộ giá trị của nền dân chủ. Do vậy, vấn đề phải được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với mong muốn và lợi ích của người dân Đài Loan, Mỹ kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế với Đài Loan[18]. Phản ứng của Mỹ là nguồn ủng hộ rất lớn đối với quyết tâm của Đài Loan.

2.3. Phản ứng của Trung Quốc

Trong cuộc họp báo thường kì của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Triệu Lập Kiên đã khẳng định: “Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc... Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi tương tác chính thức với Đài Loan, kiên quyết bác bỏ việc Đài Loan gia nhập bất kỳ hiệp định hoặc tổ chức nào có tính chất chính thức”[19]. Đây được coi là sự phản đối chính thức quyết liệt đối với động thái xin gia nhập CPTPP của Đài Loan. Về áp lực chính trị, ngày 23/9, ngay sau khi Đài Loan tuyên bố xin gia nhập CPTPP, Trung Quốc đã điều 24 máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan[20]. Ngày 29/9 đánh dấu vụ xâm nhập lần thứ 26 của Trung Quốc vào ADIZ của Đài Loan trong tháng 9 năm 2021[21]. Truyền thông và học giả Trung Quốc cũng có các bài phân tích nhằm chỉ trích động thái này của Đài Loan. Trung Quốc cho rằng, CPTPP là một khối thương mại tự do hơn là một tổ chức chính trị và cần phải tiếp cận vấn đề theo cách tốt nhất có thể để thúc đẩy thương mại và tăng trưởng trong khu vực. Với sự chênh lệch lớn về khối lượng kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Đài Loan, Trung Quốc cho rằng, các thành viên CPTPP cần hoan nghênh Trung Quốc gia nhập thay vì Đài Loan.

Trung Quốc đã viện dẫn những số liệu nhằm minh chứng cho tầm quan trọng của Trung Quốc trong thương mại với Nhật Bản. Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu và nguồn nhập khẩu lớn nhất của Nhật Bản, với thương mại song phương đạt 317,5 tỷ USD vào năm 2020[22]. Trong khi đó con số trong thương mại Đài Loan - Nhật Bản chưa bằng 10% thương mại Trung Quốc - Nhật Bản. Đồng thời, phía Trung Quốc cũng đưa ra các cảnh báo rằng Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia thành viên nào thực hiện các tính toán chính trị, bí mật cản trở sự gia nhập của Trung Quốc và thúc đẩy sự gia nhập của Đài Loan nhằm thực hiện chính trị hóa các vấn đề kinh tế thì chỉ đem lại sự thất bại cho quá trình phát triển của CPTPP[23]. Đây có thể coi là những phản ứng tự tin của Trung Quốc trong việc ngăn cản Đài Loan gia nhập, khẳng định giá trị của Trung Quốc khi có thể tham gia CPTPP.

3. Khả năng tham gia thành công CPTPP của Trung Quốc và Đài Loan

Đối với Trung Quốc, CPTPP là hiệp định không còn quá chú trọng tới ưu đãi thuế mà đặt ưu tiên các vấn đề về thể chế, sở hữu trí tuệ, tính minh bạch của khu vực công, mua sắm chính phủ, lao động và môi trường. Trong khi đó, Trung Quốc khó có thể từ bỏ sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với nền kinh tế. Các quy định nghiêm ngặt của CPTPP về trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, và mở ra các thỏa thuận mua sắm chính phủ cho sự cạnh tranh nước ngoài cũng sẽ là những thách thức lớn đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, một điều kiện quan trọng là việc tham gia của Trung Quốc phải nhận được sự đồng ý của tất cả thành viên hiện tại. Để đạt được điều này, Trung Quốc phải thuyết phục tất cả các thành viên rằng nước này có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của hiệp định. Với hai khó khăn chính này, có thể mất nhiều năm để đơn xin gia nhập của Trung Quốc được quyết định và thậm chí khả năng không thành công là không nhỏ.

Đối với Đài Loan, về thuận lợi, Đài Loan là nền kinh tế đạt được các tiêu chuẩn cao về các vấn đề như bảo hộ lao động, môi trường. Bên cạnh đó, hòn đảo này được xếp hạng thứ 6 thế giới về chỉ số tự do kinh tế năm 2021 do Tổ chức Di sản bình chọn[24]. Trong khi Trung Quốc chỉ đứng thứ 107 theo bình chọn này[25]. Điều này khiến Đài Loan trở thành đối tượng phù hợp một cách tự nhiên với CPTPP. Người đứng đầu cơ quan kinh tế của Đài Loan, Vương Mỹ Hoa đã thể hiện rõ quan điểm cũng như sự tự tin của hòn đảo này về khả năng đáp ứng yêu cầu của CPTPP. Đài Loan cũng đặt câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của CPTPP hay không khi Trung Quốc đã nhiều lần can thiệp vào nền kinh tế, giảm tính minh bạch và thực hiện lệnh cấm nhập khẩu với một số thành viên của CPTPP mà không có lý do chính đáng[26]. Từ góc độ thương mại thuần túy, có thể thấy việc đưa Đài Loan vào CPTPP là điều hoàn toàn thích hợp.

Về khó khăn, vị thế quốc tế như mọi khi vẫn là hạn chế lớn nhất của Đài Loan, cùng với đó, sự phản đối gay gắt của Trung Quốc sẽ trở thành rào cản chính cho quá trình gia nhập CPTPP. Những khó khăn này thậm chí có thể vượt qua mọi qui định của kinh tế. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sử dụng các biện pháp kinh tế nhằm gây áp lực chính trị cho các thành viên của CPTPP trong việc bỏ phiếu cho Đài Loan gia nhập CPTPP. Mặc dù vậy, đăng kí tham gia CPTPP thực sự là một chính sách kinh tế và thương mại quan trọng mà chính quyền Đài Loan đã nỗ lực thúc đẩy trong một thời gian dài. Để thích ứng với các yêu cầu cao của CPTPP, Đài Loan đã liên tiếp hoàn thành sửa đổi 9 nội dung pháp lý và sẽ tiếp tục có những sửa đổi nhỏ để hoàn thiện tư cách tham gia của mình[27]. Đồng thời, hòn đảo này cũng tổ chức các cuộc tham vấn với các quốc gia thành viên để bày tỏ sự sẵn sàng tham gia hiệp định. Đài Loan đã xin gia nhập CPTPP dưới tên gọi “Vùng lãnh thổ có thuế quan riêng biệt tại Đài Loan - Bành Hồ - Kim Môn - Mã Tổ”. Đây cũng là cách mà Đài Loan đã sử dụng để xin gia nhập WTO. Chính vì vậy, có thể đánh giá bước đầu những nỗ lực và mô hình mà Đài Loan lựa chọn là khả thi để hòn đảo này có thể gia nhập CPTPP. Mặt khác, với sự tích cực của Đài Loan và giá trị thực mà Đài Loan có thể đem tới cho CPTPP, các nước thành viên có thể lấy yêu cầu cho phép Đài Loan tham gia trở thành 1 trong những điều kiện thiết yếu để Trung Quốc có thể trở thành thành viên của CPTPP. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nghi ngại rất lớn về khả năng thành công của Đài Loan khi gia nhập CPTPP: (1) vị thế hiện tại của Trung Quốc hoàn toàn khác so với giai đoạn Trung Quốc và Đài Loan tham gia WTO; (2) căng thẳng hiện tại giữa hai bờ eo biển; (3) mục đích thực sự của Trung Quốc khi đệ đơn xin gia nhập CPTPP.

4. Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Đài Loan thực sự là một nhà sáng tạo đẳng cấp thế giới về công nghệ và dẫn đầu toàn cầu về phát triển sản xuất vi mạch. Mặc dù bị loại khỏi hầu hết các tổ chức quốc tế, Đài Loan vẫn là một ví dụ kiểu mẫu trong nhiều vấn đề toàn cầu. Đáng chú ý là kỹ năng mà chính quyền Thái Anh Văn đối phó với đại dịch COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới. Nhìn nhận trong tổng thể vì lợi ích của CPTPP, Đài Loan nếu có thể gia nhập CPTPP sẽ đóng góp tích cực vào các mục tiêu của cơ chế này. Tuy nhiên, với vị trí nhạy cảm của Đài Loan, Việt Nam cần xét đến ba lớp vấn đề để đánh giá rủi ro chính trị - chiến lược trong việc lựa chọn Đài Loan hay Trung Quốc gia nhập CPTPP, bao gồm: bản chất của CPTPP, lợi ích của các hiệp định đa phương và cách tiếp cận chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc.

CPTPP cho phép thành viên gia nhập là những lãnh thổ hải quan riêng biệt. Do Đài Loan là thành viên đầy đủ của WTO nên tư cách tham gia của Đài Loan ở CPTPP là chính đáng. Bản chất đa phương của cơ chế CPTPP cũng mang lại sự an toàn cho việc cùng chịu trách nhiệm về bất kỳ quyết định nào. Đây là một yếu tố quan trọng đối với Việt Nam và các thành viên khác khi xem xét việc ủng hộ Đài Loan tham gia CPTPP. Cuối cùng là cách tiếp cận quyết đoán của Bắc Kinh trong giai đoạn hiện nay đối với các vấn đề như thương chiến Trung – Mỹ, Biển Đông, Hồng kông… đã cho thấy một hình ảnh Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ cái mà họ coi là “lợi ích cốt lõi” bằng mọi giá. Tuy nhiên, quan hệ Việt – Trung vẫn là một trong những cặp quan hệ quan trọng nhất của đối ngoại Việt Nam. Đối tác Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực phát triển của Việt Nam. Do vậy, việc tránh nhạy cảm chính trị là điều cần thiết. Bản thân Đài Loan cũng đã nhận thức rõ điều này khi tham gia với tên gọi “Vùng lãnh thổ có thuế quan riêng biệt tại Đài Loan - Bành Hồ - Kim Môn - Mã Tổ” nhằm xóa đi tính nhạy cảm chính trị cho quá trình gia nhập.

Theo quan điểm của nhóm tác giả, thứ nhất, việc Đài Loan gia nhập nhìn nhận một cách công bằng, rõ ràng nên được chấp nhận nhằm tăng thêm sức mạnh của tổ chức bằng sự cộng hưởng của một nền kinh tế như Đài Loan, một trong những nhân tố chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và sẵn sàng chấp nhận các kỷ luật của CPTPP. Một điều không thể phủ nhận là nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, hàng hóa của Việt Nam sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam bán tại Trung Quốc. Song điều này cũng đồng nghĩa hàng nội địa sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang nhập siêu với Trung Quốc và có thể trong tương lai cán cân thương mại lợi thế sẽ nghiêng về phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự có mặt của Trung Quốc trong hiệp định sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh nội khối, mà Trung Quốc lại là quốc gia có lợi thế. Lợi ích kinh tế cho Việt Nam vì thế là không rõ rệt.

Thứ hai, đại dịch COVID-19 đã thể hiện rất rõ sự lệ thuộc về nguồn cung nguyên liệu vào Trung Quốc. Việt Nam cần tích cực đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nhằm giảm thiểu rủi ro trong thương mại. Việc CPTPP không có Trung Quốc sẽ là một cơ hội tốt để Việt Nam thực hiện việc đa dạng hóa này.

Thứ ba, Việt Nam và Trung Quốc đều đã là thành viên của các hiệp định FTA như ACFTA, RCEP. Sự chồng chéo này nếu tiếp tục xảy ra ở CPTPP, như đã phân tích ở trên, lợi ích gia tăng đối với Việt Nam không nhiều. Do đó, trong việc lựa chọn nền kinh tế phù hợp gia nhập CPTPP cần có sự cẩn trọng cân nhắc về những lợi ích thực tế mà Việt Nam có thể đạt được, cũng như nắm bắt cơ hội để có thể giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Nếu Mỹ có thể quay trở lại hiệp định trong thời gian tới, khả năng sàng lọc các thành viên mới cùng các quy tắc thương mại bổ sung sẽ giúp cho CPTPP có được sự đồng thuận về định hướng phát triển.

Việt Nam là thành viên của CPTPP và là quốc gia có quyền phủ quyết hoặc đồng ý đối với đơn xin gia nhập của Trung Quốc, Đài Loan hay bất kì một nền kinh tế nào. Tuy nhiên, CPTPP là hiệp định mở, các thành viên Hiệp định cũng đã thống nhất các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và thủ tục gia nhập. Đối với việc Trung Quốc, Đài Loan đề nghị tham gia Hiệp định, Việt Nam chắc chắn sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên khác của CPTPP vì lợi ích của Hiệp định này cũng như khả năng mở rộng cấp bậc của nó trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “China’s CPTPP application faces hurdles, but vast market ‘irresistible’”, Global Times,  https://www.globaltimes.cn/page/2021 09/1234589.shtml.
  2. “Japan welcomes Taiwan's application to join CPTPP, says foreign minister”, Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/2021/ 09/23/national/japan-welcomes-taiwans-application-join-cptpp-says-foreign-minister/
  3. Keoni Everedton (2021), “Australia, Japan, and Canada working on getting Taiwan into CPTPP”, Taiwan News, https://www. taiwannews.com.tw/en/news/4295875
  4. Takashi Nakano (2021), “Malaysia welcomes China's bid to join CPTPP”, Asia Nikkei, https://asia.nikkei.com/Economy/Trade/ Malaysia-welcomes-China-s-bid-to-join-CPTPP
  5. "China faces major hurdles in getting CPTPP membership”, The Asahi Shimbun, https://www.asahi.com/ajw/articles/14443192.
  6. “Australia sets conditions for China to join trade pact”, The Hindu,  https://www. thehindu.com/news/international/australia-sets-conditions-for-china-to-join-trade-pact/article 36619503.ece.
  7. “Press Briefing by Press Secretary Jen Psaki, September 16, 2021”, https://www.White house.gov/briefing-room/press-briefings/2021/ 09/16/press-briefing-by-press-secretary-jen-psaki-september-16-2021/.
  8. 陸提加入CPTPP 王美花也說「突然」 曝台灣申請進度 (Đại lục xin gia nhập CPTPP, Vương Mỹ Hoa cũng cho biết tiến độ xin gia nhập của Đài Loan), China Time,  https://www. chinatimes.com/realtimenews/20210917004746-260410?chdtv.
  9. 习近平称中国将积极考虑加入CPTPP 支持以WTO为核心的多边贸易体制 (Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ tích cực xem xét việc tham gia CPTPP để hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương lấy WTO làm trung tâm), Reuters,  https://www.reuters.com/article/xi-jinping-china-cptpp-wto-1121-idCNKBS28104H.
  10. 李克强:中国对参加CPTPP持积极开放态度 (Lý Khắc Cường: Trung Quốc tích cực và cởi mở tham gia CPTPP), Sina,  https:// finance.sina.com.cn/china/gncj/2020-05-28/doc-iirczymk4044940.shtml.
  11. 台灣中央通訊社 (2021), 加入CPTPP將是台灣20年最重大經貿發展 有助就業、提升國民所得 (Thông tấn xã Đài Loan, Tham gia CPTPP sẽ là sự phát triển kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Đài Loan trong 20 năm, giúp tạo việc làm và tăng thu nhập quốc dân), https://www.cna.com.tw/news/firstnews/202109230117.aspx
  12. 中华人民共和国外交部 (2021), 中国同日本的关系(最近更新时间:2021年3月)(Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản), https://www.fmprc.gov.cn/ web/gjhdq_676201/gj_676203/yz_676205/1206_676836/sbgx_676840/
  13. 中华人民共和国外交部 (2021), 2021年9月23日外交部发言人赵立坚主持例行记者会 (Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên họp báo thường kỳ vào ngày 23 tháng 9 năm 2021), https://www.fmprc.gov.cn/web/fyrbt_673021/jzhsl_673025/t1909160.shtml.

 



[1] TS., Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu

[2] TS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[3] “China formally applies for CPTPP accession”, Vietnam Investment Review,  https://vir.com.vn/china-formally-applies-for-cptpp-accession-87749.html.

[4] 李克强:中国对参加CPTPP持积极开放态度 (Lý Khắc Cường: Trung Quốc tích cực và cởi mở tham gia CPTPP), Sina,  https://finance.sina.com.cn/china/gncj/ 2020-05-28/doc-iirczymk4044940.shtml.

[5] 习近平称中国将积极考虑加入CPTPP 支持以WTO为核心的多边贸易体制 (Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ tích cực xem xét việc tham gia CPTPP để hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương lấy WTO làm trung tâm), Reuters, https://www.reuters.com/article/xi-jinping-china-cptpp-wto-1121-idCNKBS28104H.

[6] “The CPTPP is not just TPP version 2.0”, Vietnam Investment Review, https://vir.com.vn/the-cptpp-is-not-just-tpp-version-20-57064.html.

[7] “The Tokyo -Taipei calculus: will Taiwan soon join the CPTPP?”, Bilateral, https://www.bilaterals.org/?the-tokyo-taipei-calculus-will&lang=en.

[8] 台灣中央通訊社 (2021), 加入CPTPP將是台灣20年最重大經貿發展 有助就業、提升國民所得 (Thông tấn xã Đài Loan, Tham gia CPTPP sẽ là sự phát triển kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Đài Loan trong 20 năm, giúp tạo việc làm và tăng thu nhập quốc dân), https://www.cna.com.tw/news/firstnews/202109230117.aspx.

[9] “Taiwan + Indo-Pacific + EU China policy”, Merics, https://merics.org/en/merics-briefs/taiwan-indo-pacific-eu-china-policy.

[10] “China applies to join Pacific trade pact to boost economic clout”, Reuters, https://www.reuters.com/ world/china/china-officially-applies-join-cptpp-trade-pact-2021-09-16/.

[11] “China’s CPTPP application faces hurdles, but vast market ‘irresistible’”, Global Times, https://www. globaltimes.cn/page/202109/1234589.shtml.

[12] “Japan welcomes Taiwan’s application to join CPTPP, says foreign minister”, Japan Times,  https://www. japantimes.co.jp/news/2021/09/23/national/japan-welcomes-taiwans-application-join-cptpp-says-foreign-minister/.

[13] Keoni Everedton (2021), “Australia, Japan, and Canada working on getting Taiwan into CPTPP”, Taiwan News, https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4295875

[15] Takashi Nakano (2021), “Malaysia welcomes China's bid to join CPTPP”, Asia Nikkei, https://asia.nikkei. com/Economy/Trade/Malaysia-welcomes-China-s-bid-to-join-CPTPP.

[16] “China faces major hurdles in getting CPTPP membership”, Asahi Shimbun,  https://www.asahi.com/ ajw/articles/14443192.

[17] "Press Briefing by Press Secretary Jen Psaki, September 16, 2021", The White House,  https://www.whitehouse. gov/briefing-room/press-briefings/2021/09/16/press-briefing-by-press-secretary-jen-psaki-september-16-2021/.

[18] Kelvin Chen (2021), “US hopeful Taiwan can join CPTPP”, Taiwan News, https://www.taiwannews.com. tw/en/news/4296896.

[19] 中华人民共和国外交部 (2021), 2021923日外交部言人主持例行者会 (Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên họp báo thường kỳ vào ngày 23 tháng 9 năm 2021), https://www.fmprc.gov.cn/web/fyrbt_673021/jzhsl_673025/t1909160.shtml.

[20] Keoni Everedton (2021), “24 Chinese military aircraft enter Taiwan's ADIZ after CPTPP bid”, Taiwan News, https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4295423.

[21] Eric Chang (2021), “Five Chinese military planes enter Taiwan’s ADIZ”, Taiwan News, https://www.taiwannews. com.tw/en/news/4301446.

[22]中华人民共和国外交部 (2021), 中国同日本的关系 (最近更新时间20213) (Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản, thời gian cập nhật tới tháng 3/2021), https://www.fmprc.gov.cn/web/ gjhdq_676201/gj_676203/yz_676205/1206_676836/sbgx_676840/.

[23] Huo Jianguo (2021), “Japan’s doublespeak on Taiwan question, CPTPP will backfire”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202109/1234977.shtml.

[24] The Heritage Foundation (2021), Taiwan Economy, https://www.heritage.org/index/country/taiwan.

[25] The Heritage Foundation (2021), China Economy, https://www.heritage.org/index/country/china.

[26]陸提加入CPTPP 王美花也說「突然」 曝台灣申請進度 (Đại lục xin gia nhập CPTPP, Vương Mỹ Hoa cũng cho biết tiến độ xin gia nhập của Đài Loan), China Times, https://www.chinatimes.com/realtimenews/202109170047 46-260410?chdtv.

[27]申請加入CPTPP中國扯一中 鄧振中:台灣入會 與他國無關, 自由時報 (“Đăng ký tham gia CPTPP: Tư cách thành viên của Đài Loan không liên quan đến các nước khác”, Thời báo tự do), https://ec.ltn.com.tw/ article/paper/1474612.

 

0thảo luận