Ngày 28/2/2023 vừa qua, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2023. Đề cương văn hóa năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được nhận định là văn kiện đầu tiên mang tầm vóc cương lĩnh về văn hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam, là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam[1], là ngọn đèn soi rọi cho nền văn hóa Việt Nam hiện đại.
Đề cương văn hóa ra đời trong bối cảnhcuộc đấu tranh giải phóng dân tộcnhiều khó khăn, thử thách, nhưng đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa, coi văn hóa là một trong ba mặt trận quan trọng, khẳng định văn hóa có mối quan hệ ngang hàng, mật thiết với mặt trận kinh tế và chính trị. Đề cương khẳng định mặt trận văn hóa sẽ tiếp tục phát huy vai trò then chốt thông qua cuộc cách mạng văn hóa với ba phương châm lớn là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ngoài ra, đề cương văn hóa còn thể hiện giá trị lý luận tiên tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm, đề cao vai trò của quần chúng nhân dân đối với nền văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là nền văn hóa mà Đảng hướng tới, là một nền văn hóa thuộc về nhân dân, do nhân dân xây dựng, phát triển vì cuộc sống lành mạnh, phong phú của nhân dân[2]. Một luận điểm khoa học vô cùng quan trọng mà Đề cương văn hóa năm 1943 cũng đề cập đến đó là cơ sở lý luận quan trọng về tính biến đổi và tính kế thừa của văn hóa, coi văn hóa như một lĩnh vực không ngừng biến đổi, có sự kế thừa, tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai[3]. Văn hóa hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc, vì vậy, các giá trị văn hóa, ngay cả các giá trị truyền thống cũng không ngừng biến đổi, được bổ sung và định hình lại cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Với ba nguyên tắc “dân tộc hóa”, “khoa học hóa”, “đại chúng hóa” như kim chỉ nam, Đề cương về Văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là việc kế thừa, xây dựng và phát triển nền văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, tự tôn văn hóa dân tộc, khắc phục tư tưởng tự ti, tự phụ; nâng cao lòng yêu nước, chí khí anh hùng, độc lập, tự do. Đó là những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là “tính đại chúng hóa”, nền văn hóa dân tộc do lớp lớp thế hệ người Việt Nam sáng tạo, xây đắp, bảo vệ, phát huy; nhận rõ và chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa xa rời hay gây hại đối với đông đảo quần chúng. Văn hóa mới, văn hóa cách mạng phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Quán triệt sâu sắc tư tưởng nhân văn của Đảng, nghệ thuật vị nhân sinh; phản đối khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật xa rời thực tiễn, thủ tiêu hay sao nhãng ý chí đấu tranh cách mạng. Bảo đảm và nâng cao tính khoa học trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa không ngừng được khoa học hóa, tiên tiến hóa, chống lại những gì làm cho văn hóa/ sản phẩm văn hóa phản khoa học, phản tiến bộ; biết kế thừa, phát huy tinh hoa văn hóa nhân loại,…[4].
Kể từ khi ra đời năm 1943 cùng với sự thay đổi của bối cảnh lịch sử của đất nước, khu vực và trên thế giới, nhưng những tư tưởng, luận điểm, giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa tiếp tục được Đảng ta vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng về văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đã xác định, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011), trong định hướng phát triển, Đảng khẳng định: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước cũng khẳng định mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Tại các kỳ Đại hội và gần đây là Đại hội XII, XIII, nhiệm vụ xây dựng văn hóa cùng với kinh tế, chính trị tiếp tục được Đảng nhấn mạnh. Đây vẫn là một trong những vấn đề cơ bản trong xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Muốn phát triển bền vững đất nước, không chỉ đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị mà phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người để tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đặt nhiệm vụ: “Tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới...”; “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”[5].
Văn hóa là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ xuyên qua những thăng trầm lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và cả nhân loại. Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất lẫn tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử. Theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì văn hóa đều đề cập đến những điều tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, nhân văn nhất. Sức mạnh, vai trò của văn hóa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 21/12/2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước ta đã cụ thể hóa, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.Thực tiễn cho thấy, 80 năm qua, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa 1943 vẫn giữ nguyên giá trị, soi đường, định hướng cho tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam.
Phan Thị Oanh
[1] Phạm Quang Nghị (2002), Đề cương văn hóa Việt Nam và công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Kỷ yếu Hội thảo 60 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2003), Viện Văn hóa - Thông tin, 2004, tr.43.
[2] Dẫn theo Nguyễn Văn Hùng (2023), “Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943- Nền tảng lý luận và động lực phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) khởi nguồn và động lực phát triển.
[3] Nguyễn Văn Hùng, Tldd.
[4] Nguyễn Thế Kỷ (2023), Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và 80 năm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, https://www.tuyengiao.vn//van-hoa-xa-hoi/tu-de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-nam-1943-va-80-nam-van-hoa-soi-duong-cho-quoc-dan-di-143562
[5] Nguyễn Thế Kỷ, tlđd.