Trang chủ

TÌM HIỂU MẠNG SẢN Ở XUẤT ĐÔNG BẮC Á

Đăng ngày: 20-02-2012, 11:52 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 1

1. Mạng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Đông Bắc Á

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bắt đầu tăng nhanh ở nhiều khu vực trên thế giới vào giữa thập niên 1980. Những nhà đầu tư lớn và nơi nhận đầu tư là các nước phát triển mặc dù FDI vào các nước đang phát triển gia tăng muộn hơn. Trong số những nước đang phát triển, Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trong việc thu hút FDI. Quả thật, vào cuối thập kỷ 1990 và đầu những năm 2000 Trung Quốc trở thành nước nhận FDI lớn nhất trong só các nước đang phát triển. Chẳng hạn, năm 1999, FDI vào Trung Quốc đạt 306 tỷ USD, chiếm 20% tổng FDI vào các nước đang phát triển và chiếm 6% FDI toàn cầu. Ngược lại, FDI vào Nhật Bản và Hàn Quốc nhỏ hơn nhiều, tương ứng là 39 tỷ USD và 28 tỷ USD.*

Tại sao FDI vào Trung Quốc gia tăng mạnh như vậy? Lý giải hiện trạng này, người ta cho rằng, thứ nhất, nguồn cung lao động dồi dào, và chi phí nhân công thấp. Thứ hai, chính sách xúc tiến FDI của Trung Quốc có ảnh hưởng tích cực. Thứ ba, thị trường khổng lồ với hơn 1,1 tỷ người tạo cơ hội kinh doanh lớn cho các hãng nước ngoài. Cuối cùng, sự ổn định chính trị và kinh tế đóng vai trò quan trọng trong thu hút FDI. Điều này trở thành những gợi ý quan trọng cho những nước đang phát triển, nơi rủi ro chính trị và kinh tế nhìn chung là cao. Nói cách khác, kinh nghiệm của Trung Quốc trong lĩnh vực FDI sẽ là bài học kinh nghiệm cho những quốc gia nào muốn thu hút FDI nhiều hơn nữa.

Từ giữa những năm 1980, Nhật Bản tích cực di chuyển FDI ra nước ngoài. Năm 1999, FDI ra nước ngoài của Nhật đạt 292 tỷ USD. Trung Quốc và Hàn Quốc gia tăng FDI ra nước ngoài trong những năm 1990, đạt đến 26 và 22 tỷ USD năm 1999. Sự mở rộng nhanh chóng FDI ra nước ngoài của Nhật và Hàn Quốc từ giữa thập niên 1980 đến những năm đầu 2000 là do một số nhân tố tác động sau đây; Thứ nhất, sự lên giá của các đồng tiền bản địa vào nửa cuối thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990 so với đô la Mỹ đã làm giảm sức cạnh tranh quốc tế của sản phẩm được sản xuất ở những nước này. Sự gia tăng tiền lương ở Hàn Quốc góp phần vào làm giảm sức cạnh tranh về giá của sản phẩm Hàn Quốc ở nước ngoài. Để giải quyết vấn đề giảm khả năng cạnh tranh quốc tế, các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc đã chuyển địa điểm sản xuất đến các nước có chi phí sản xuất thấp: Thứ hai, sự nổi lên của nền kinh tế bong bóng ở cả hai nước đã khuyến khích các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc di chuyển đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; Và thứ ba, kinh nghiệm tích luỹ trong kinh doanh quốc tế chủ yếu thông qua ngoại thương và đã giúp các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành FDI.

Chúng ta chuyển sang phân tích sự phụ thuộc lẫn nhau về FDI giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thực tế cho thấy các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng FDI ở Trung Quốc từ đầu những năm 1990. Sau đó họ giảm FDI vào nửa cuối thập kỷ 90 và nửa đầu thập niên này, họ lại tiếp tục duy trì mức tăng FDI thấp. Không giống như tình hình ở Trung Quốc, các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc không tích cực tiến hành đầu tư lẫn nhau. Có thể họ không tìm thấy lợi thế cạnh tranh sản phẩm từ đối tác do điều kiện kinh doanh ở Hàn Quốc và Nhật Bản tương tự nhau.

Một vài số liệu sau minh hoạ điều đó. Ví dụ, năm 1990, tổng FDI của Nhật Bản vào Hàn Quốc lớn hơn vào Trung Quốc, nhưng năm đến 1998 tình hình tiến triển ngược lại. Sự phát triển tương tự được xác định cho FDI ra nước ngoài của Hàn Quốc. Năm 1990, FDI của Hàn Quốc vào Nhật Bản lớn hơn vào Trung Quốc, nhưng tình hình đã đảo lộn từ năm 1997.

Rõ ràng, Trung Quốc trở thành nước nhận đầu tư rất hấp dẫn đối với các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh yếu tố lao động lương thấp và điều kiện kinh tế chính trị ổn định đã đề cập trước đó, thì sự gần gũi địa lý cũng là một yếu tố góp phần làm tăng sự thu hút của Trung Quốc đối với các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc.


Bảng 2: Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật ở Trung Quốc và Hàn Quốc

(Giá trị tích luỹ từ năm 1951 đến năm 1999)

Đơn vị tín: Tỷ Yên

 

Trung Quốc

Hàn Quốc

Thế giới

Trường hợp

Giá trị

Trường hợp

Giá trị

Trường hợp

Giá trị

Ngành sản xuất vật chất

3.502

1.472

1.661

655

28.911

14.337

Thức ăn

270

97

93

24

2.465

882

Dệt

1.348

197

147

79

3.860

269

Gỗ và bột giấy

76

24

32

5

1.171

587

Hoá chÊt

203

99

167

134

2.988

1.552

Kim loại đen, kim loại màu

250

125

166

74

3.086

1.082

Máythông thường

249

184

228

64

3.360

1.156

Máy điện

410

378

350

133

4.498

5.177

Máy vận chuyển

155

145

80

72

1.946

1.630

Máy móc khác

541

223

398

70

5.087

2.002

Ngành sản xuất phi vật chất

959

767

453

504

21.764

27.495

Nông nghiệp, lâm nghiệp

37

5

16

4

1.487

117

Nghề cá

60

12

13

0,4

990

41

Khai khoáng

20

6

14

1

1.923

604

Xây dựng

53

44

10

19

1.416

373

Thương nghiệp

222

10

146

30

17.759

5.192

Ngành tài chính và bảo hiểm

7

11

33

30

4.245

5.472

Ngành phục vụ

381

299

188

408

8.783

6.883

Ngành giao thông

76

25

10

2

6.398

264

Bất động sản

99

111

6

8

9.427

8.024

Các ngành không sản xuất khác

4

154

8

1

3.151

525

Các chi nhánh

50

65

61

81

449

247

Sở hữu bất động sản

1

2

29

0,3

2.005

130

Tổng

4.512

2.307

2.204

1.241

31.173

42.208

Nguồn: Báo cáo Bộ Tài chính Nhật Bản.

 

Sự phân bố FDI của Nhật Bản ở Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy các lĩnh vực điện máy, thương mại và dịch vụ có số trường hợp và giá trị FDI lớn. Đối với FDI của Nhật Bản ở Trung Quốc, lĩnh vực dệt may cũng có số lượng và giá trị dự án FDI lớn. Trước đó chúng ta thấy mậu dịch hàng dệt may và điện máy giữa Trung Quốc và Nhật Bản diễn biến theo chiều hướng tích cực, các số liệu thống kê chỉ ra rằng FDI Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong xúc tiến mậu dịch song phương giữa những nước này đã tạo ra mạng lưới sản xuất trong khu vực Đông Bắc Á.


Bảng 3: Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc ở Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Trung Quốc

Nhật Bản

Thế giới

Tổng quá trình

3.896

383

20.313

Khai khoáng

10

0

1.180

Lâm nghiệp

0,4

0

99

Nghề cá

8

0

99

Ngành sản xuất vật chất

3.165

88

10.600

Thức ăn và đồ uống

154

1

414

Dệt và quần áo

402

0,1

1.158

Hàng da và giày dép

195

0

356

Sản xuất gỗ và đồ gỗ

46

0

183

Giấy và công nghệ in

53

01

177

Hoá chất

340

0,3

887

Luyện kim loại màu

188

0,5

343

Luyện kim loại cơ bản

196

0,8

968

Sản xuất kim loại

967

81

4.838

Bộ phận máy

298

0,5

458

Các máy móc khác

326

4

816

Xây dựng

144

0,3

449

Ngành giao thông

32

7

178

Ngành thương nghiệp

22

161

4719

Ngành khác

514

126

2.990

Nguồn: Bộ Thương mại,Công nghiệp, Năng lượng;  sách thống kê hàng năm đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Hàn Quốc.

 

FDI của Hàn Quốc ở Trung Quốc được phân bố trong các ngành sản xuất kim loại, dệt may, hoá chất và máy móc. Những quan sát trước đó cũng chỉ ra rằng mậu dịch của Hàn Quốc với Trung Quốc được thực hiện tích cực trong lĩnh vực máy văn phòng, thiết bị viễn thông, điện máy, cũng như dệt may và quần áo. FDI từ Hàn Quốc được phân bố vào lĩnh vực kim khí và dệt may gợi ý một mối liên hệ chặt chẽ giữa FDI của Hàn Quốc và mậu dịch với Trung Quốc góp phần tạo ra mạng lưới sản xuất ở các nước này.

Xét ở phương diện quan hệ giữa mậu dịch và FDI ở Đông Bắc Á, chúng ta thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc đã tăng lên, trong khi sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã giảm tương đối. Những đánh giá này về các mô hình mậu dịch quốc tế và FDI cho thấy sự nổi lên của một mạng lưới sản xuất quốc tế gắn với ba nước, đặc biệt là hệ thống sản xuất đặt trung tâm ở Trung Quốc. Có một phương pháp tiếp cận để thấy rõ sự xuất hiện của một mạng lưới sản xuất quốc tế ở Đông Bắc Á là sử dụng thông tin từ số liệu điều tra đầu vào, đầu ra quốc tế của Viện các nền kinh tế phát triển ở Nhật Bản.

Số liệu này cung cấp thông tin về mối quan hệ đầu vào, đầu ra cho 24 lĩnh vực giữa mười nước: Indonêxia, Malaixia, Philippin, Singapo, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Phân tích dưới đây sử dụng số liệu điều tra năm 1985 và 1995. Số liệu này được trích dẫn dựa theo Shujiro Urata, một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Nhật Bản về hội nhập quốc tế(*).

Các số liệu điều tra của Urata cho thấy mối quan hệ đầu vào, đầu ra ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đối với tổng số ngành cũng như lĩnh vực dệt may và máy móc. Các số liệu điều tra biểu thị tỷ lệ phần trăm đầu vào mua từ ba nước trong tổng đầu vào sử dụng cho sản xuất là rất khác nhau. Ví dụ 92,31% đầu vào cho tổng giá trị sản xuất của Trung Quốc được mua từ các nhà sản xuất Trung Quốc năm 1985, trong khi con số mua từ các nhà sản xuất Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 0 % và 1,75 %.

Phần đầu vào của tổng số ngành mua từ Hàn Quốc tăng lên đối với cả Trung Quốc và Nhật Bản từ năm 1985 đến 1995, trong khi phần đầu vào mua từ Nhật Bản giảm đối với cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Phần đầu vào mua từ Trung Quốc tăng lên đối với Hàn Quốc, trong khi phần tương ứng giảm xuống đối với Nhật Bản. Điều này thể hiện sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trong sản xuất và sự phụ thuộc đang giảm dần từ Nhật Bản đối với Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn giữ vị trí tương đối quan trọng trong sản xuất ở Trung Quốc và đặc biệt ở Hàn Quốc.

Chính sự phụ thuộc lẫn nhau trong sản xuất ở tất cả các cấp độ lý giải những biến động trong các lĩnh vực khác nhau. Các con số ở ngành dệt may và máy móc cho thấy, không như trong trường hợp tổng gộp lĩnh vực, sự phụ thuộc vào Nhật Bản đối với sản xuất ở Trung Quốc đã tăng lên. Cũng thật thú vị khi thấy, trái ngược với mô hình tổng thể, sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Trung Quốc đã gia tăng trong sản xuất máy móc. Đối với Hàn Quốc, tương tự đối với tổng gộp ngành, sự phụ thuộc Nhật Bản đã giảm, trong khi sự phụ thuộc Trung Quốc tăng lên đối với cả ngành dệt may và máy móc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức độ phụ thuộc của Hàn Quốc vào Nhật Bản là rất cao đối với sản xuất máy móc, biểu thị sự hiện diện của một mạng lưới sản xuất gắn với Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực này.

Từ phân tích số liệu đầu vào, đầu ra quốc tế người ta thấy nổi lên quá trình phụ thuộc lẫn nhau đang gia tăng trong sản xuất giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Mặc dù mức độ phụ thuộc vào Nhật Bản đã giảm đối với cả Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực máy móc. Việc thiếu thông tin ngăn cản chúng ta tiến hành một phân tích tương tự ở mức chi tiết hơn trong các lĩnh vực, nhưng những phân tích trong phần trước cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau đang tăng lên trong sản xuất sản phẩm điện tử ở Đông Bắc Á.


Bảng 4: Hệ thống sản xuất quốc tế ở Đông Bắc Á

(Phần trăm đầu vào trung gian trong tổng số đầu vào trung gian)

 

Trung Quốc

Hàn Quốc

Nhật Bản

1985

1995

1985

1995

1985

1995

Toàn bộ ngành công nghiệp

 

 

 

 

 

 

Trung Quốc

92,31

90,05

0,00

0,98

0,36

0,32

Hàn Quốc

0,00

0,65

77,48

79,33

0,19

0,23

Nhật Bản

1,75

1,54

4,21

3,63

90,78

93,51

Toàn bộ ngành dệt nhuộm

100,00

100,00

100,00

100,00

100,00

100,00

Trung Quốc

94,13

84,28

0,00

5,08

1,80

1,01

Hàn Quốc

0,00

2,24

78,65

72,56

0,84

0,76

Nhật Bản

0,59

1,97

4,80

2,99

88,56

89,69

Toàn bộ ngành chế tạo máy

100,00

100,00

100,00

100,00

100,00

100,00

Trung Quốc

87,19

83,05

0,00

0,71

0,05

0,44

Hàn Quốc

0,00

1,01

66,53

68,43

0,20

0,74

Nhật Bản

4,73

5,31

14,55

11,30

96,18

93,36

Tổng

100,00

100,00

100,00

100,00

100,00

100,00

Nguồn: Viện phát triển kinh tế, Bảng đầu vào - đầu ra năm 1985 và 1995


2. Công ty đa quốc gia MNCS đối với mạng sản xuất Đông Bắc Á

Sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chứng tỏ xu hướng hình thành mạng lưới sản xuất  trong khu vực đang tiến triển tốt. Ở đó các công ty đa quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển mạng lưới sản xuất quốc tế. Các công ty Nhật Bản được coi là nhà tiên phong trong việc tạo ra mạng lưới sản xuất khu vực Đông Bắc Á. Những thí dụ sau đây sẽ chứng minh điều đó, theo kết quả của một cuộc điều tra về các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài do Ngân hàng quốc tế Nhật Bản đưa ra, 46,3% công ty trả lời lao động lương thấp là một nhân tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định đầu tư ở Trung Quốc. Việc sử dụng lao động tiền lương thấp cũng là một động lực quan trọng khuyến  khích FDI vào ASEAN, khi tỷ lệ trả lời đồng ý là 39,1%. Ngược lại, lao động lương thấp không phải là một động lực quan trọng cho FDI vào các nền kinh tế mới công nghiệp hoá NIE, 15,9% công ty được hỏi trả lời như vậy.

Nhiều MNCS Nhật Bản sử dụng các cơ sở sản xuất của họ ở Trung Quốc như là một cách để tiến hành phân công lao động liên quá trình. Ví dụ, khoảng 48% MNCs Nhật Bản trả lời cuộc điều tra của METI 1999, xác nhận họ giao một công đoạn sản xuất cụ thể trong hệ thống sản xuất cho các công ty con tại Trung Quốc, trong khi 52% còn lại nói họ thiết lập đơn vị sản xuất tổ hợp độc lập. Những mô hình này ít nhiều giống các mô hình ở khu vực sản xuất nhỏ, mặc dù tỷ lệ các công ty tham gia phân công lao động liên quá trình ít nhiều cao hơn ở lĩnh vực sản xuất thiết bị và điện máy.

Một hệ thống sản xuất phân công lao động mang tính liên quá trình quốc tế được tiến hành để tối đa hoá lợi nhuận thường diễn ra theo hình thức sau đây. Hệ thống này bao gồm một số quy trình sản xuất, và mỗi quy trình đặt ở một quốc gia hoặc một khu vực nơi quy trình cụ thể được tiến hành hiệu quả nhất. Ví dụ, trong trường hợp sản xuất ti vi, phân công lao động liên quá trình được tiến hành như sau: Một công ty có thể giao công việc sản xuất catốt cho một cơ sở ở Nhật Bản, nơi có công nghệ và lao động chất lượng cao, và giao công việc sản xuất IC cho công ty con ở Hàn Quốc, nơi dồi dào các nguồn lực theo yêu cầu. Một công ty con ở Trung Quốc lắp ráp ti vi với lao động tiền lương thấp sử dụng catốt, IC và những linh kiện khác từ mạng lưới sản xuất trong khu vực. Quản lý và chỉ đạo chiến lược bao gồm văn phòng công ty mẹ ở Nhật Bản và các công ty thành viên ở Hàn Quốc và những nước khác. Thực tế cho thấy, các công ty Nhật Bản đặt địa điểm các cơ sở sản xuất đòi hỏi trình độ công nghệ tương tự hoặc thấp hơn ở các công ty con tại Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. Phân công lao động liên quá trình phản ánh cách ứng xử cấp tiến của các MNCs trong mạng lưới kinh doanh khi họ tận dụng những lợi thế khác biệt nhằm khai thác nguồn lực của các nước Châu Á.

Một chiến lược kinh doanh khác được nhiều công ty đa quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc vận dụng thông qua FDI là chiến lược tạo ra sản phẩm khác biệt. Theo chiến lược này, các MNCS giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm chất lượng cao cho các công ty của họ ở những nước phát triển và sản phẩm tiêu chuẩn cho các công ty con tại các quốc gia đang phát triển. Chiến lược này được thực thi dựa vào những điều kiện cung cấp thuận lợi dồi dào các nguồn lực cần thiết và nhu cầu của khách hàng. Người tiêu dùng ở các nước phát triển có xu hướng đòi hỏi những sản phẩm chất lượng cao và chiến lược này đáp ứng được nhu cầu đó. Trong khi đó, người tiêu dùng ở các nước ®ang phát triển chỉ cần các sản phẩm tiêu chuẩn.

Có thể nói chiến lược này thể hiện sự phản ứng nhanh chóng trước “khẩu vị” thay đổi của người tiêu dùng, điều này được chứng minh trong lĩnh vực sản xuất ti vi, chất lượng cao ở những nước phát triển và tivi tiêu chuẩn ở các nước đang phát triển.

Dường như việc thiết lập mạng sản xuất của các MNCS ở Đông Bắc Á đã làm cho nền kinh tế của công ty mẹ bị thiếu hụt hay như người ta thường gọi đó là sự “tụt hẫng” của nền kinh tế do các MNCS di chuyển đầu tư ra nước ngoài. Sự “tụt hẫng” của nền kinh tế hoặc một ngành trở thành một vấn đề gây tranh cãi và đó là kết quả của sự di chuyển toàn bộ quy trình sản xuất hoặc một phần quy trình sản xuất ra nước ngoài bởi các MNCS. Theo điều tra của METI có khoảng

5% các công ty trả lời đã đầu tư vào Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và đồng thời đóng cửa các cơ sở sản xuất của họ ở Nhật Bản. Tỷ lệ đó khác nhau đáng kể giữa các ngành khác nhau. Đối với ngành dệt may, khoảng 11% trả lời đã đóng của hoặc đang có kế hoạch đóng của hoạt động của họ ở Nhật Bản. Tình hình của các MNCS Hàn Quốc cũng diễn ra tương tự. Vấn đề này có thể giảm đi khi Trung Quốc bắt kịp sự thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực sản xuất.

Sự gia tăng mậu dịch trong nội bộ hãng cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy mạng sản xuất Đông Bắc Á phát triển. Việc thực hiện chiến lược phân công lao động liên quá trình và chiến lược tạo ra sản phẩm khác biệt của các MNCS Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm gia tăng mậu dịch trong ngành trong các MNCS ở Đông Bắc Á. Chẳng hạn, các MNCS Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp linh kiện và thành phần và là nơi đến cho sản phẩm từ các công ty con Trung Quốc của các MNCS Nhật Bản. Trên phạm vi ngành sản xuất, 35% linh kiện và thành phần do các công ty con Trung Quốc sử dụng được trao đổi với các MNCS mẹ Nhật Bản, trong khi 31% sản phẩm của họ bán sang Nhật Bản.

Bộ METI Nhật Bản cho rằng, sự phụ thuộc của Nhật Bản về nguồn cung đầu vào trung gian là cao trong ngành dệt may, máy vận tải, và doanh số bán lớn trong ngành vận tải ở Trung Quốc. Cần lưu ý rằng doanh số bán lớn trong lĩnh vực máy vận tải diễn ra ở Trung Quốc, thể hiện việc sản xuất máy vận tải không mang tính cạnh tranh cao ở đây. Hơn nữa, chính sách bảo hộ cho ngành ô tô ở Trung Quốc tạo động lực khuyến khích bán ra thị trường nội địa và do đó không khuyến khích xuất khẩu. Người ta thấy phần còn lại của Châu Á tức là Châu Á trừ Trung Quốc có vị trí quan trọng trong hoạt động của các công ty con của Nhật Bản và Hàn Quốc tại Trung Quốc nhất là trong lĩnh vực điện máy; khoảng từ 20% - 25% phụ kiện thành phần cũng như doanh số được các công ty con này tiến hành với các nước Châu Á khác. Điều đó phán ánh sự hiện diện của mạng lưới sản xuất do các MNCS con Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành ở khu vực này…

Có thể nói mậu dịch trong hãng có một số lợi thế. Trong môi trường cạnh tranh cao hiện nay, việc chấp nhận các phương pháp sản xuất chi phí thấp và phát triển sản phẩm có sức cạnh tranh là rất quan trọng để kinh doanh thành công. Sản xuất chi phí thấp đòi hỏi giao nhận đầu vào và đầu ra nhanh chóng và đúng thời gian trong khi sự phát triển thành công những sản phẩm mới này gắn liền với phát triển linh kiện và bán thành phẩm mới. Để đạt được những mục tiêu này, việc phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa sản xuất linh kiện và lắp ráp sản phẩm là yêu cầu cần thiết. Đây là lý do quan trọng làm cho tỷ lệ mậu dịch trong các hãng tăng cao trong hoạt động của các MNCS Nhật Bản và Hàn Quốc. Để phát huy lợi thế của mậu dịch trong hãng, các MNCS đã tìm cách thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và công nghệ nhằm tiếp cận những công nghệ tốt nhất và bí quyết quản lý hay nhất để nâng cao sức cạnh tranh.

Thực tế còng cho thấy, có những hình thức thoả thuận sản xuất khác kết nối giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc thông qua các MNCS. Một trong những thoả thuận sản xuất phát triển tốt và được sử dụng rộng rãi là hệ thống hợp đồng phụ quốc tế. Trong hệ thống này, một MNCS Nhật Bản hoặc Hàn Quốc chuyển giao một quy trình sản xuất cho các hãng ở Trung Quốc. Nhìn chung khi ký hợp động phụ để chuyển giao quy trình sản xuất, các MNCS không chỉ cung cấp thiết kế và bí quyết công nghệ mà còn hỗ trợ nguồn nhân lực có trình độ cao.

Hệ thống hợp đồng phụ quốc tế được các MNCS Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng trong một số lĩnh vực sản xuất, bao gồm dệt may và chế biến thực phẩm. Ví dụ, nhiều siêu thị bán lẻ lớn của Nhật Bản có một thoả thuận như vậy với các đối tác Trung Quốc để sản xuất sản phẩm quần áo. Một trường hợp điển hình khác, các MNCS Nhật Bản và Hàn Quốc mua thành phẩm áo sơ mi của các hãng Trung Quốc sau khi họ giao công đoạn may, cung cấp thiết kế và nguyên liệu cho phía  Trung Quốc. Điều thú vị là một tranh chấp mậu dịch gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến sự gia tăng đáng kể hàng nhập khẩu của Nhật Bản, đó là các mặt hàng nấm và sản phẩm nông nghiệp từ Trung Quốc, mà đây lại là do kết quả của hệ thống hợp đồng phụ quốc tế giữa các MNCS Nhật Bản với Trung Quốc tạo ra.

Một số lý do giải thích sự lựa chọn hệ thống hợp đồng phụ quốc tế qua FDI. Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là sự khác biệt chi phí liên quan đến chiến lược kinh doanh giảm thiểu chi phí và giảm thiểu rủi ro. FDI chịu chi phí dưới hình thức nguồn lực tài chính và nhân lực, nó cũng phụ thuộc vào nhiều loại rủi ro như rủi ro kinh doanh, chính trị và kinh tế, đặc biệt trong trường hợp FDI ở các nước đang phát triển. So với FDI, hợp động phụ quốc tế đòi hỏi ít nguồn lực hơn, và nhất là không cần đầu tư vốn. Tuy nhiên, một MNCS thích FDI hơn hợp đồng phụ quốc tế khi họ có công nghệ và bí quyết quản lý tinh vi. Bởi MNCS này có thể bảo vệ công nghệ và bí quyết quản lý bằng cách sử dụng chúng trong phạm vi hãng. Bởi vậy, dễ hiểu là các MNCS thường ký các hợp đồng phụ quốc tế khi các sản phẩm sản xuất không đòi hỏi công nghệ tinh vi, phức tạp, chứ họ không thực hiện các hợp đồng tương tự với sản phẩm công nghệ cao.

Như vậy, chúng ta thấy các MNCS là người đi tiên phong việc xây dựng mạng sản xuất Đông Bắc Á. Chính sự gia tăng của mậu dịch nội hãng, gia tăng đầu tư và mở rộng hợp đồng phụ quốc tế đã tạo dựng "tính chất mạng lưới" của hệ thống sản xuất do các MNCS tiến hành ở Đông Bắc Á.

3. Tương lai nào cho mạng sản xuất Đông Bắc Á

Thực tế cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước đang phát triển trong những năm gần đây và trong việc thiết lập mạng lưới sản xuất khu vực. Đặc biệt là Trung Quốc, nơi các MNCS nước ngoài đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thông qua xây dựng hệ thống sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và bí quyết quản lý. Những mô hình phát triển kinh tế tương tự có thể nhận thấy ở nhiều quốc gia Đông Á. Thừa nhận đóng góp quan trọng của các MNCS nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế của nước chủ nhà, nhiều quốc gia đang phát triển quan tâm thu hút FDI. Để thu hút FDI, điều quan trọng là nhận ra những vấn đề các MNCS phải đối mặt trong khi tiến hành kinh doanh ở những nước nhận đầu tư.

Những vấn đề mà các MNCS có thể gặp phải khi hoạt động ở nước ngoài nói chung và ở Đông Bắc Á nói riêng (cụ thể ở đây là Trung Quốc) bao gồm hai loại: Thứ nhất là những vấn đề gắn với các chính sách FDI của nước tiếp nhận đầu tư; và thứ hai là những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế và chính trị ở các nước nhận đầu tư. Tựu trung lại, đó là môi trường đầu tư tại nước nhận FDI.

Có thể nói chính sách thuế , hạn chế cho vay nước ngoài, kiểm soát phân chia lợi nhuận và yêu cầu nội địa hoá là những vấn đề mà các MNCS Nhật Bản và Hàn Quốc tại Trung Quốc phải đối mặt. Chẳng hạn, các MNCS gặp khó khăn liên quan đến phân chia lợi nhuận bao gồm hạn chế quyền sở hữu ngoại tệ và những thủ tục cồng kềnh để có được giấy phép chấp thuận.

Ở Trung Quốc, cạnh tranh doanh số bán ra quyết liệt, sự phát triển yếu kém của hệ thống phân phối, cơ sở hạ tầng còn thiếu, khó khăn trong tuyển dụng lao động có năng lực, sự kém phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ được xác định là những vấn đề nghiêm trọng của nhiều MNCS Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi so sánh với những khu vực khác của Châu Á, người ta thấy hệ thống phân phối kém phát triển là một vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc. Xử lí ngay những vấn đề này quả không phải là việc dễ dàng đối với Trung Quốc, cho dù tình hình đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.

Có thể nhấn mạnh rằng, với vai trò tiên phong các MNCS Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang tạo ra một mạng lưới sản xuất khu vực kết gắn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Á khác. Mạng lưới sản xuất khu vực cho đến giờ đã được phát triển tích cực ở các lĩnh vực sản xuất đòi hỏi nhiều lao động và quy trình phức tạp như chế tạo máy, thiết bị và dệt may. Trong mạng lưới sản xuất khu vực, vai trò của Trung Quốc chủ yếu là lắp ráp thành phẩm bằng cách nhập linh kiện và thành phần từ Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò phát triển những sản phẩm và công nghệ mới. Mặc dù kiểu phân công lao động này có thể không kéo dài và nó sẽ chấm dứt khi Trung Quốc bắt kịp thành công của Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, lợi thế so sánh của các MNCS Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục kéo dài trong 10 hoặc 20 năm tới tại thị trường Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất chính nhiều sản phẩm không chỉ với sự giúp đỡ của các MNCS nước ngoài thông qua FDI hoặc những kiểu liên doanh khác mà còn do nỗ lực của phía Trung Quốc. Quả thật, một số sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đạt trình độ thế giới trong đó phải kể đến là tivi màu, máy giặt, máy điều hoà, xe máy, tủ lạnh. Một số nhà nghiên cứu về liên kết sản xuất ở Đông Bắc Á lạc quan rằng, chính xu hướng tăng trưởng nhanh và trình độ công nghệ cao của Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho người Trung Quốc tiếp tục sáng tạo và phát triển sản phẩm mới và trong tương lai không xa, Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ cao. Người ta trông đợi cạnh tranh tăng cường  sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của ba nước Đông Bắc Á. Thậm chí khi Trung Quốc có đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ cao, một tỷ lệ lớn người lao động của nước này có thể tham gia hoạt động lắp ráp hoặc sản xuất tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Điều lưu ý là để đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định trong khu vực, cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cần xúc tiến điều chỉnh cơ cấu bằng cách mở rộng các lĩnh vực có lợi thế so sánh và gia tăng hợp tác. Từ đó mới tạo ra cơ hội để sử dụng các nguồn lực cã hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy ở khía cạnh luân chuyển vốn, việc tạo ra mạng lưới sản xuất khu vực gắn với các công ty nước ngoài là một trong những phương thức tốt nhất để đẩy nhanh điều chỉnh cơ cấu và tăng trưởng kinh tế. Từ việc phân tích những động thái trên đây về xu hướng hình thành mạng lưới sản xuất khu vực Đông Bắc Á có thể nhấn mạnh rằng, đó là một xu hướng có tính thực tế. Tuy nhiên để nuôi dưỡng và thúc đẩy xu hướng này, các nước trong khu vực cần nỗ lực hơn nữa. Không ít các nhà nghiên cứu cho rằng, sự nỗ lực này cần được tập trung vào các hướng sau đây:

Thứ nhất, phải theo đuổi việc xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện. Vấn đề này đã được cải thiện đáng kể thông qua xoá bỏ các quy định ngăn cản mậu dịch, tự do hoá FDI, phát triển cơ sở hạ tầng cứng (như hệ thống viễn thông) và cơ sở hạ tầng mềm (như hệ thống pháp lý) song vẫn chưa đủ. Trong trường hợp Nhật Bản và Hàn Quốc, một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là sử dụng thiếu hiệu quả nguồn lực trong nông nghiệp và bảo hộ mạnh lĩnh vực này dưới sức ép chính trị. Điều quan trọng đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc, là sử dụng nguồn lực của họ hiệu quả hơn. Họ phải tự do hoá lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực trọng yếu khác để nâng cao sức cạnh tranh và tránh rơi vào sử dụng nguồn lực không hiệu quả. Trung Quốc cũng gặp phải vấn đề này, nhưng ít nghiêm trọng hơn so với Nhật  Bản và Hàn Quốc.

Thứ hai, là thiết lập một khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa ba nước, theo đó xoá bỏ những rào cản đối với mậu dịch và FDI trong các thành viên FTA. Chúng ta thấy, số lượng FTA và những thoả thuận mậu dịch khu vực ở các vùng khác đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây mà một trong những lý do bùng nổ FTA là những khó khăn trong mậu dịch đa phương và tự do hoá FDI trong WTO. Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký các FTA với một số nước và đang tiếp tục xúc tiến quá trình này. Trung Quốc đang thương lượng hướng đến một FTA với các nước ASEAN.

Có thể nói việc thiết lập một FTA giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ thúc đẩy phát triển hơn nữa một mạng lưới sản xuất khu vực song người ta thấy vẫn còn nhiều trở ngại. Một trong những trở ngại lớn nhất là tự do hoá khu vực nông nghiệp được bảo hộ mạnh ở Nhật Bản và Hàn Quốc như đã nêu trên. Nhiều học giả ở Nhật Bản và Hàn Quốc nhận thấy nếu không tự do hoá lĩnh vực nông nghiệp, hai nước này không thể mong đợi đạt đến một nền kinh tế có được sức mạnh vượt trội và khó đạt tới mục tiêu tăng  trưởng kinh tế bền vững.

Và thứ ba, là phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao. Đây là một vấn đề cần thiết không chỉ đối với Trung Quốc, một nước đang phát triển, mà còn đối với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước phát triển hơn. Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu đội ngũ các nhà quản lý và kỹ sư có năng lực do tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh. Trông đợi tăng trưởng kinh tế nhanh tiếp tục trong tương lai gần, Trung Quốc cần phát triển nguồn nhân lực đủ khả năng. Nhật Bản và Hàn Quốc đối mặt với những vấn đề tương tự, đó là sự thiếu hụt các nhà nghiên cứu và quản lý giỏi. Khi trình độ công nghệ ở những nước này tiếp cận giới hạn công nghệ họ sẽ gặp khó khăn hơn nữa trong cuộc đua công nghệ đỉnh cao trên thế giới. Để giải quyết vấn đề, các nước này cần đầu tư nhiều hơn cho việc nuôi dưỡng các kỹ sư và nhà khoa học sáng tạo. Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt thiếu những nhà quản lý có kinh nghiệm quốc tế. Điều này một phần do họ “thực thi có lựa chọn chính sách hạn chế” ảnh hưởng nước ngoài trên nhiều mặt. Ví dụ, mức FDI đổ vào những nước này rất thấp, thể hiện ảnh hưởng hạn chế của các MNC nước ngoài.

Điều lưu ý là khi thảo luận về việc xây dựng một FTA Đông Bắc Á để từ đó thiết lập một mạng lưới sản xuất khu vực hiệu quả cho cả Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc, nhiều người cho rằng những nước này phải gia tăng hiểu biết lẫn nhau. Bởi dường như các nước này chưa chia sẻ những hiểu biết chung về một số sự kiện lịch sử. Để cải thiện tình hình các nước này phải tìm cách vượt qua trở ngại đó. Mặc dù có thể mất nhiều thời gian để tin cậy lẫn nhau, nhưng nếu không có sự tin tưởng đó, các chương trình hợp tác như việc xây dựng mạng lưới sản xuất khu vực không thể tiến triển xa hơn.

NGÔ MINH THANH

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)


 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Xuân Bình, “Liên kết kinh tế Đông Bắc Á- Liệu có một FTA Trung Quốc-Nhật Bản- Hàn Quốc”. Tạp chí NCNB và ĐBA, Số 1(61)2, 2006.

2. Các bản tin TLTKĐB, Tin Kinh tế năm 2005 và 2006 của TTXVN

3. Yu Yongding, The Interations between China and the World Economy,Institute of World Economics and Politics, Chinese Academy of Social Sciences, April 5, 2005.

4. Douglas Zhihua Zeng, China and the Knowledge Economy: Challenges and Opportunities, Knowledge for Development Program, The World Bank, 2005.

5. DaanBoom: “Capacity Building for Knowledge Economies”, Asian Development Bank, Knowledge Management Center Seoul, 9 September, 2005

6. Derek H. C. Chen and Carl J. Dahlman: “ The Knowledge Economy, the KAM Methodology and World Bank Operations”, The World Bank Washington DC 20433 October 19, 2005

7. Asia Roundtable 2005, The World Economic Forum’s Center for Strategic Insight (CSI), Singapore.

8. Wayne M. Morrison, China’s Economic Conditions Updated July 1, 2005, Foreign Affairs, Defense, and Trade Division, Congressional Research Service & The Library of Congress.

9. Bert Hofman Issues for China’s Eleventh Five-Year Plan, Stanford Center for International Development Conference on: China’s Policy Reforms: Progress and Challenges, Lead Economist, World Bank Office Beijing, September 29 – October 1, 2005.

10. Staff Report for the 2005 Article IV Consultation, prepared by the Staff Representatives for the 2005 Consultation with the People’s Republic of China, International Monetary Fund, People’s Republic of China, approved by David Burton and Carlos Muñiz, July 8, 2005.

11. How China is Reorganizing the World Economy, Barry Eichengreen and Hui Tong Revised, December 2005.

12. Chinas Growth and Integration into the World Economy Prospects and Challenges, Edited by Eswar Prasad With contributions from Steven Barnett, Nicolas Blancher, Ray Brooks, Annalisa Fedelino, Tarhan Feyziog˘ lu,Thomas Rumbaugh, Raju Jan Singh, and Tao Wang, International Monetary Fund, Washington DC 2004.

13. Robert Sutter, Why Does China Matter? The Washington Quarterly, Winter 2003-04.

14. Yongzheng Yang, Chinas Integration into the World Economy: Implicatons for Developing Countries, IMF Working Paper, December 2003.


 


 



 

(*) Xem thêm Báo cáo Hội thảo Khoa học của tác giả này tại viện KIEP, năm 2000

 

0thảo luận