Trang chủ

Nhìn lại chính sách đối ngoại với Đông Nam Á của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Suga Yoshihide

Đăng ngày: 3-03-2023, 14:52 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 11

Nguyễn Trường Sơn1, Hà Việt Anh2

 

Tóm tắt: Chính sách Đông Nam Á hiện đại của Nhật Bản được đặt nền tảng bởi Học thuyết Fukuda năm 1977 và được các Thủ tướng Nhật Bản sau đó tiếp tục phát triển. Tăng cường quan hệ với Đông Nam Á phù hợp với lợi ích chiến lược của Nhật Bản trong bối cảnh nước này đang triển khai ngoại giao “tầm nhìn toàn cầu”, tăng cường vai trò, vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế. Bằng phương pháp phân tích tài liệu, so sánh và tổng hợp, bài viết tập trung phân tích và đánh giá một năm cầm quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide với những dấu ấn riêng trong quan hệ với Đông Nam Á, khi sớm đi thăm Việt Nam và Indonesia, có bài phát biểu chính sách về khu vực, cũng như thúc đẩy những thành quả cụ thể trong hợp tác trên các lĩnh vực. Thủ tướng mới Kishida Fumio, từng là ngoại trưởng tại vị lâu nhất Nhật Bản, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Đông Nam Á trong thời gian tới.

Từ khóa: Chính sách đối ngoại, Đông Nam Á, Việt Nam, Thủ tướng Suga Yoshihide

 

 

K

hi ông Suga Yoshihide được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và Thủ tướng Nhật Bản tháng 9/2020,[1]một trong những câu hỏi giới học giả đặt ra là ông sẽ dành thời gian đến đâu cho triển khai chính sách đối ngoại,[2]bởi cho đến thời điểm đó ông Suga chưa xuất hiện nhiều trong các hoạt động đối ngoại sôi động của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo và Nhật Bản cũng đang đứng trước những thách thức trong nước, trong đó có đối phó với đại dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, bất chấp những trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra, trong thời gian cầm quyền, Chính quyền của Thủ tướng Suga đã tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao, trong đó có tăng cường, củng cố quan hệ với khu vực Đông Nam Á. Nhiều người Việt Nam vẫn còn nhớ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga tháng 10/2020, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi nhậm chức, một chuyến thăm mang tính biểu tượng cao của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản cũng như những hình ảnh thân thiện khi ông Suga đi dạo tại Hồ Gươm hay trao đổi tại Trường Đại học Việt - Nhật. Ông Suga là Thủ tướng Nhật Bản thứ hai liên tiếp sau khi nhậm chức đều chọn Việt Nam là nước thăm đầu tiên và hai trong tổng số ba nước ngoài thăm đầu tiên đều nằm ở Đông Nam Á, thể hiện sự ngày càng coi trọng khu vực này nói chung và Việt Nam nói riêng trong chính sách đối ngoại với khu vực gần đây của Nhật Bản. Trong phạm vi giới hạn, bài viết sẽ tập trung đánh giá chính sách Đông Nam Á trong một năm cầm quyền của Thủ tướng Suga trên cơ sở nhìn lại tổng thể chiều hướng phát triển của chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và dự đoán về chiều hướng thời gian tới.

1. Chính sách của Nhật Bản với Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Theo nguyên Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, trong giai đoạn từ năm 1945 đến đầu những năm 1970, chính sách ngoại giao thời hậu chiến của Nhật Bản đối với Đông Nam Á cũng tương tự đối với các khu vực khác, được gọi là ngoại giao vì kinh tế một cách đơn thuần[3]. Quan hệ với Đông Nam Á của Nhật Bản giai đoạn này được phát triển trong khuôn khổ được xác định bởi Học thuyết Yoshida, giới hạn bởi sự phụ thuộc vào liên minh với Mỹ để bảo đảm an ninh cho Nhật Bản, tập trung vào quan hệ kinh tế và giữ vị thế khiêm tốn trong chính trị quốc tế[4].

Việc thúc đẩy ngoại giao vì kinh tế với các nước Đông Nam Á đã sớm đem lại kết quả tích cực cho Nhật Bản. Cho đến cuối những năm 1960, thông qua việc thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản đã đạt được nhiều mục tiêu như bảo đảm nguồn nguyên liệu chiến lược, thị trường xuất khẩu và sản xuất tích hợp mà không phải trả giá bằng cuộc chinh phục đế quốc[5].

Thành công về thúc đẩy kinh tế đối ngoại, tuy nhiên quan hệ Nhật Bản với các nước Đông Nam Á ở giai đoạn những năm 1970 chưa thực sự gắn kết với các ý kiến cho rằng, Nhật Bản chỉ đơn thuần quan tâm đến kinh tế mà chưa cân nhắc đến tình hình và chưa nhận được sự chào đón của người dân các nước Đông Nam Á[6]. Điều đó thể hiện trong chuyến thăm một số nước Đông Nam Á của Thủ tướng Nhật Bản Tanaka Kakuei năm 1974, phái đoàn Nhật Bản đã bị sốc khi chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản xảy ra ở Indonesia và Thái Lan.

Đó chính là bối cảnh để ba năm sau (1977) Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Takeo công bố Học thuyết Fukuda về quan hệ Nhật Bản với Đông Nam Á, với nội dung chính:

Thứ nhất, Nhật Bản cam kết đối với hòa bình, quyết tâm không trở thành cường quốc quân sự, đóng góp vào hoà bình và thịnh vượng của Đông Nam Á và thế giới.

Thứ hai, Nhật Bản, với tư cách là người bạn thật sự của các nước Đông Nam Á, sẽ xây dựng quan hệ tin cậy lẫn nhau, từ trái tim đến trái tim, trên các lĩnh vực không chỉ chính trị, kinh tế mà cả văn hóa và xã hội.

Thứ ba, Nhật Bản là đối tác bình đẳng của ASEAN và các nước thành viên, hợp tác tích cực với những nước này để tăng cường tình đoàn kết và sức phát triển của họ cùng với các quốc gia khác có cùng suy nghĩ ở ngoài khu vực; thúc đẩy mối quan hệ dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau với các quốc gia Đông Dương, qua đó đóng góp vào việc xây dựng hoà bình và thịnh vượng trên toàn khu vực Đông Nam Á.

Với Học thuyết Fukuda, Nhật Bản đã chuyển sang một giai đoạn mới trong chính sách với Đông Nam Á nhằm xây dựng một mối quan hệ giữa các đối tác bình đẳng và toàn diện hơn, không chỉ còn tập trung vào lĩnh vực kinh tế và qua đó giúp gia tăng vai trò, ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực. Tiếp theo Học thuyết Fukuda, nhiều thế hệ thủ tướng Nhật Bản sau này đã tiếp tục phát triển những học thuyết của riêng mình liên quan đến Đông Nam Á, như Học thuyết Miyazawa (1993), Học thuyết Hashimoto (1997), Học thuyết Koizumi (2002),…

Bước sang thế kỷ XXI, trên cơ sở “đối tác bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau”, Thủ tướng Koizumi đưa ra khái niệm “Nhật Bản và ASEAN cùng tiến”. Học thuyết Koizumi được cụ thể hóa qua bốn nội dung chính: (i) Nhật Bản ủng hộ ASEAN cải cách trên các lĩnh vực chính trị, luật pháp, cơ cấu kinh tế và tài chính; tăng cường hợp tác khai thác khu vực sông Mê Công, công nghệ thông tin và các ngành nghề liên quan; (ii) Nhật Bản tích cực hợp tác với các nước ASEAN trong mục tiêu xóa bỏ đói nghèo, phòng ngừa phát sinh xung đột, thúc đẩy xây dựng cơ chế an ninh khu vực, tăng cường tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc chạy đua vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; (iii) Nhật Bản đưa ra năm ý tưởng cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - ASEAN trong tương lai, bao gồm: hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; lấy năm 2003 là năm giao lưu Nhật Bản - ASEAN; tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện; triệu tập Hội nghị Phát triển quốc tế Đông Á (IDEA) và tăng cường hợp tác an ninh; (iv) đề ra ý tưởng xây dựng “Một cộng đồng Đông Á cùng nhau hành động và cùng nhau phát triển”[7].

Các học thuyết trên ra đời trong những bối cảnh quốc tế và trong nước khác nhau, nhưng xuyên suốt vẫn là dựa trên nền tảng của Học thuyết Fukuda năm 1977. Nguyên Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan từng đánh giá Học thuyết Fukuda là nền tảng vững chắc cho cả Nhật Bản và ASEAN[8].

Người tiền nhiệm của ông Suga, Thủ tướng Abe cũng là người rất nỗ lực trong việc thúc đẩy quan hệ với Đông Nam Á trong hơn bảy năm cầm quyền (12/2012-09/2020). Ông cũng đã chọn đi thăm Đông Nam Á đầu tiên sau khi nhậm chức. Năm 2013, trong chuyến thăm các nước Đông Nam Á, Thủ tướng Abe đưa ra năm nguyên tắc trong hợp tác với các nước ASEAN[9] là: (i) cùng với các nước ASEAN bảo vệ và thúc đẩy các giá trị tự do, dân chủ và các quyền cơ bản của con người; (ii) bảo đảm hợp tác với các nước ASEAN rằng các vùng biển mở và tự do là tài sản chung quan trọng nhất, được kiểm soát bởi luật pháp và các quy tắc, không phải bằng vũ lực, hoan nghênh Mỹ tái cân bằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương; (iii) thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư; (iv) bảo vệ và bảo tồn các di sản và truyền thống văn hóa đa dạng của châu Á và (v) thúc đẩy trao đổi giữa các thế hệ trẻ để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

Tiếp đó, cũng trong chuyến thăm Đông Nam Á đầu tháng 1 năm 2020, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã nêu ba hướng mới trong hợp tác Nhật Bản - ASEAN gồm: (i) đào tạo con người; (ii) xây dựng thể chế, luật lệ và (iii) tập trung trí tuệ của Nhật Bản và ASEAN tìm ra cách thức mới và mô hình tốt nhất để giải quyết các vấn đề quốc tế, thực hiện các mục tiêu chung, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng, phòng chống thiên tai, ứng phó thảm họa, xử lý rác thải nhựa đại dương[10].

2.  Chính sách của Nhật Bản với Đông Nam Á sau một năm cầm quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide

Thủ tướng Suga nhậm chức tháng 9 năm 2020 sau khi Thủ tướng Abe từ chức vì lý do sức khỏe. Trước đó, ông là Chánh văn phòng Nội các có thời gian tại nhiệm lâu nhất lịch sử Nhật Bản. Ông đảm nhiệm vị trí này dưới thời Thủ tướng Abe từ năm 2012 đến năm 2020. Thủ tướng Suga đã công khai tuyên bố sẽ tiếp tục kế thừa chính sách của Chính quyền Thủ tướng Abe[11]. Thực tế cho thấy, chính sách đối ngoại của Thủ tướng Suga có nhiều điểm mang tính kế thừa người tiền nhiệm. Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2021 được công bố dưới thời Thủ tướng Suga đã đưa ra bảy trọng tâm của ngoại giao Nhật Bản, theo đó: (i) tiếp tục coi trọng đồng minh Nhật - Mỹ; (ii) thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP); (iii) quan hệ với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga; (iv) Đối phó với các vấn đề Triều Tiên; (v) ứng phó với tình hình ở Trung Đông; (vi) chủ động thực hiện các nỗ lực quốc tế nhằm xây dựng luật lệ mới và (vii) giải quyết các vấn đề toàn cầu[12]. So với thời Thủ tướng Abe, các trọng tâm đối ngoại cơ bản được kế thừa, nhưng cũng có sự điều chỉnh khi đưa nội dung thúc đẩy FOIP lên vị trí thứ hai.

Trong một năm Thủ tướng Suga cầm quyền, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến thế giới, trong đó có Đông Nam Á và Nhật Bản. Hoạt động ngoại giao cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, có thể thấy, Thủ tướng Suga đã để lại những dấu ấn riêng của mình trong quan hệ với Đông Nam Á.

Về chính trị, Thủ tướng Suga đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết đối với tăng cường quan hệ với khu vực khi chọn Việt Nam và Indonesia thăm đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức. Điều đáng chú ý là, trong một năm cầm quyền do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngoài hai nước Đông Nam Á Thủ tướng Suga chỉ thăm Mỹ.

Trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Suga đã có bài phát biểu quan trọng, thể hiện nội dung chính trong chính sách của Nhật Bản với khu vực: Thứ nhất, Nhật Bản và ASEAN là đối tác bình đẳng, mối quan hệ gắn kết “từ trái tim đến trái tim”. Thứ hai, kiên định ủng hộ ASEAN, ủng hộ tính trung tâm và tính thống nhất của ASEAN, ủng hộ mạnh mẽ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Cùng hợp tác với ASEAN để xác lập “thượng tôn pháp luật” trên biển. Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN tăng cường sự liên kết, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, trong đó số hóa và tính bền vững của chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong kết nối. Thứ tư, Nhật Bản và ASEAN cùng nỗ lực xây dựng các quy tắc nhằm tăng cường hệ thống kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực[13]. Thủ tướng Suga cũng khẳng định đối với Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những đối tác quan trọng trong triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ngoài chuyến thăm trên, chính quyền Thủ tướng Suga coi trọng và duy trì thường xuyên trao đổi ở các cấp, nhất là cấp cao với các nước Đông Nam Á. Thủ tướng Suga đã điện đàm 12 lần với Lãnh đạo các nước Đông Nam Á[14]. Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã điện đàm 15 lần với những người đồng cấp Đông Nam Á[15].

Về hợp tác khu vực, Thủ tướng Suga tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 vào tháng 11 năm 2020, Nhật Bản và ASEAN ra Tuyên bố chung về hợp tác đối với Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản, khẳng định vai trò trung tâm và chiến lược của ASEAN trong việc phát triển và định hình cấu trúc khu vực, hợp tác thiết thực trong bốn lĩnh vực chính được xác định trong AOIP, cho rằng cả AOIP và FOIP đều chia sẻ các nguyên tắc cơ bản liên quan thúc đẩy hòa bình và hợp tác[16]. Tại các diễn đàn khu vực, Nhật Bản khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng một bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982[17].

Bên cạnh đó, Nhật Bản rất tích cực trong việc hỗ trợ các nước Đông Nam Á đối phó với đại dịch Covid-19, cung cấp khoảng 9,6 triệu liều vắc-xin được sản xuất tại Nhật Bản cho ASEAN và khoảng 2,5 tỷ yên (gần 22 triệu USD) hỗ trợ ASEAN nhằm cung cấp thiết bị dây chuyền lạnh để bảo quản vắc-xin đến tận các điểm tiêm chủng (tính đến ngày 3/8/2021)[18]. Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ 50 triệu USD thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, đóng góp 01 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19[19].

Về an ninh, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực thực thi pháp luật trên biển cho các nước trong khu vực thông qua cung cấp trang thiết bị như tàu tuần tra, cử các chuyên gia đào tạo nhân lực; hỗ trợ nâng cao năng lực liên quan đến luật biển như tổ chức các cuộc hội thảo cho các nước Đông Nam Á và các quốc gia đảo Thái Bình Dương[20]. Đối với Việt Nam, chương trình hợp tác kỹ thuật của JICA dành cho Cảnh sát biển Việt Nam được khởi động từ tháng 09/2020; Đội hợp tác cơ động Cảnh sát biển Nhật Bản đã tổ chức khóa tập huấn về thực thi pháp luật trên biển cho 10 cán bộ của Cảnh sát biển Việt Nam theo hình thức trực tuyến[21]. Nhật Bản cũng đã ký Hiệp định chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng với Indonesia vào tháng 03/2021 và Thỏa thuận chuyển giao trang bị, công nghệ quốc phòng với Việt Nam vào tháng 09/2021[22].

Về kinh tế, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng của Đông Nam Á, nhà đầu tư lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN[23]. Thủ tướng Suga tại Hội nghị Cấp cao ASEAN Nhật Bản lần thứ 23 đã cam kết tiếp tục hỗ trợ khu vực thông qua loạt dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ yên (19 tỷ USD) như xây dựng cảng và đường sắt[24]. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan (tháng 11 năm 2020), Nhật Bản đã cùng ASEAN và các nước đối tác chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế - thương mại, hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước tới nay, chiếm khoảng 32% GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD với 47,5% dân số thế giới. Trong cuộc họp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản ngày 15/9/2021, các Bộ trưởng cũng nhất trí bảo đảm thúc đẩy để Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Trong Tuyên bố chung sau Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản khẳng định hai bên sẽ mở rộng kế hoạch hành động, được thông qua vào năm 2020, bao gồm các mục tiêu về tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, bảo đảm các thủ tục thương mại thông suốt và thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số[25].

Thủ tướng Suga cũng chú trọng thúc đẩy hợp tác với tiểu vùng Mê Công. Ông đã tham dự Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 12 vào tháng 11 năm 2020, bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ Nhật Bản - Mê Công, đưa ra các điểm hợp tác tập trung tăng cường kết nối trong Hành lang kinh tế Đông Tây và Hành lang kinh tế phía Nam, triển khai các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các nước Mê Công với tổng trị giá khoảng 9 tỷ USD. Các Lãnh đạo Mê Công hoan nghênh khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 125 triệu USD của Nhật Bản trong việc cung cấp vật tư, thiết bị y tế và mở rộng hợp tác kỹ thuật phục vụ nhu cầu của mỗi nước Mê Công[26].

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ khi Thủ tướng Suga nhậm chức. Trong hơn 20 năm đầu thế kỷ XXI, khuôn khổ quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã không ngừng được nâng cấp từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” năm 2002 lên “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2009, và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” năm 2014. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp ODA song phương lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai và bạn hàng thương mại lớn thứ tư. Không chỉ giới hạn ở quan hệ song phương, hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong các khuôn khổ đa phương và liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có thể kể đến sự hợp tác trong thúc đẩy đi tới ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong một năm cầm quyền của mình, Thủ tướng Suga đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Không chỉ chọn Việt Nam là nước đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức, Thủ tướng Suga là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên trong hơn hai mươi năm qua chọn Việt Nam để phát biểu về chính sách khu vực[27], có thể coi là sự phản ánh đánh giá của Nhật Bản về vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế. Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Suga đã năm lần điện đàm với Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam, nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong đó cuộc điện đàm thứ năm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra hai tuần trước khi ông Suga rời ghế Thủ tướng. Trong các phát biểu của mình, Thủ tướng Suga nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2021 nêu đậm quan hệ với Việt Nam, nhắc đến Việt Nam 64 lần so với 45 lần của năm trước đó.

Việt Nam và Nhật Bản cũng tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong đối phó với đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ cho Nhật Bản hơn 01 triệu khẩu trang và Nhật Bản hiện là một trong những nước hỗ trợ vắc-xin lớn nhất cho Việt Nam với khoảng 3,6 triệu liều tính đến cuối tháng 9/2021.        

Lời kết

Trong nhiều năm qua, chính sách Đông Nam Á đã là một phần quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Nhật Bản, dù lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm hợp tác có thể thay đổi theo từng thời kỳ. Kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, trong bối cảnh tình hình quốc tế mới, Nhật Bản nỗ lực nâng cao vị thế của mình trong khu vực Đông Nam Á khi nơi đây ngày càng trở nên thiết yếu đối với lợi ích chiến lược về an ninh truyền thống và phi truyền thống của Nhật Bản[28]. Nói cách khác, tăng cường quan hệ với Đông Nam Á phù hợp với lợi ích chiến lược của Nhật Bản.

Có thể nói, chính sách đối ngoại của Thủ tướng Suga với Đông Nam Á nói chung và với Việt Nam nói riêng có nhiều điểm kế thừa của đường lối đối ngoại của Thủ tướng Abe, cũng như của đảng LDP. Mặt khác, trong một năm cầm quyền Thủ tướng Suga đã để lại những dấu ấn riêng trong quan hệ với khu vực. Thủ tướng Suga đã chọn khu vực Đông Nam Á để đi thăm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, thường xuyên duy trì trao đổi ở các cấp, nhất là cấp cao với các đối tác Đông Nam Á. Như có thể thấy qua Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2021, chính phủ của Thủ tướng Suga triển khai chính sách ngoại giao nhằm nâng cao vai trò, vị thế và tiếng nói của Nhật Bản trên trường quốc tế, phát huy vai trò và trách nhiệm một cách chủ động trong xây dựng luật lệ, trật tự công bằng, tự do trong lĩnh vực an ninh, kinh tế, phát huy vai trò điều phối trong quan hệ quốc tế. Thủ tướng Suga coi Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là trọng tâm, ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, trong đó Đông Nam Á được xác định là đối tác quan trọng. Thủ tướng Suga cũng đã để lại những kết quả cụ thể trong thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực với  khu vực, từ hợp tác kinh tế, phòng chống dịch Covid-19 đến an ninh.

Ngày 4/10/2021 vừa qua, ông Kishida Fumio, Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản đã chính thức nhậm chức. Ông Kishida được coi là người dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, là ngoại trưởng tại vị lâu nhất của Nhật Bản với 4 năm 7 tháng từ cuối năm 2012 đến năm 2017 và là người đã tích cực triển khai chính sách ngoại giao toàn cầu trên cơ sở “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” của Thủ tướng Abe Shinzo. Ông Kishida cũng là người có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam, nhiều năm là Tổng Thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt ngay cả khi ông đã trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Ông Kishida cũng đã được trao tặng Huân chương Hữu nghị năm 2018 vì những đóng góp cho quan hệ Việt - Nhật. Trong diễn văn chính sách đầu tiên của Thủ tướng Kishida trước Quốc hội Nhật Bản ngày 8/10/2021, ASEAN được nhắc đến ngay trong mục đầu tiên của phần ngoại giao, an ninh. Đông Nam Á được đánh giá sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Nhiều dự đoán cho rằng Thủ tướng Kishida sẽ nỗ lực tiếp tục một chính sách ngoại giao “tầm nhìn toàn cầu” để nâng cao vị thế, tiếng nói của Nhật Bản trên các vấn đề quốc tế và khu vực, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn đang ngày càng quyết liệt./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kakinuma Shunji (2020), “Nỗ lực của Nhật Bản trong thực hiện sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP)/Hỗ trợ nâng cao năng lực đảm bảo an toàn, an ninh trên biển cho Việt Nam”, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, https://www.vn. emb-japan.go.jp/itpr_ja/20201225ODAmail_ vn.html.
  2. Tanaka Akihiko (2019), Nhật Bản trong châu Á, Nxb Tri thức, Hà Nội.
  3. Abe Shinzo (2013), “The Bounty of the Open Seas: Five New Principles for Japanese Diplomacy”, Ministry of Foreign Affairs of Japan, https://www.mofa.go.jp/announce/pm/ abe/abe_0118e.html.
  4. Chaiwat Khamchoo (1991), “Japan's Role in Southeast Asian Security: “Plus ça Change …””, Pacific Affairs, No. 1/1991, pp. 7–22, https://doi.org/10.2307/2760360.
  5. Joint Statement of the 12th Mekong-Japan Summit, 12th Mekong-Japan Summit, https://www.mofa.go.jp/files/ 100115097.pdf.
  6. Joint Statement of the 23rd ASEAN-Japan Summit on Cooperation on ASEAN Outlook on the Indo-Pacific, 23rd ASEAN-Japan Summit, Hanoi, https://www.mofa.go.jp/mofaj/files/ 100114942.pdf
  7. Ministry of Defense of Japan (2021), Defense of Japan 2021, Ministry of Defense of Japan, Tokyo, https://www.mod.go.jp/en/publ/ w_paper/wp2021/DOJ2021_EN_Full.pdf.
  8. Ministry of Foreign Affairs of Japan (2019), Diplomatic Bluebook 2019, https:// www.mofa.go.jp/files/000527162.pdf.
  9. Ministry of Foreign Affairs of Japan (2020), “Japan-ASEAN Ministerial Meeting”, https://www.mofa.go.jp/a_o/rp/page3e_001061.html.
  10. Ministry of Foreign Affairs of Japan (2021), “Japan-ASEAN Ministerial Meeting”, https://www.mofa.go.jp/press/release/press4e_003030.html.
  11. Motegi Toshimitsu (2020), “ASEAN Policy Speech by Foreign Minister MOTEGI Toshimitsu: “Towards a new stage of cooperation in the spirit of Gotong-Royong”, https://www.mofa.go.jp/s_sa/sea2/page3e_001148.html.
  12. Reinhard Drifte (2016), Japan’s Policy towards the South China Sea – Applying “Proactive Peace Diplomacy”?, Peace Research Institute Frankfurt Report, No. 140/2016, pp. 1–31, https://www.hsfk.de/fileadmin/HSFK/hsfk_ publikationen/prif140.pdf.
  13. 外務省 (2021), 令和3年版外交書(外交2021), 外務省 (Bộ Ngoại giao Nhật Bản (2021), Sách xanh ngoại giao năm thứ 3 thời kỳ Lệnh Hòa (Sách xanh ngoại giao 2021), Bộ Ngoại giao Nhật Bản), https:// www.mofa.go.jp/mofaj/files/100181433.pdf.
  14. Surin Pitsuwan (2007), “福田ドクトリンの今日的意味を考える”, 際問題, No. 567/2007, 46–54頁 (Surin Pitsuwan (2007), “Suy nghĩ về ý nghĩa của Học thuyết Fukuda ngày nay”, Các vấn đề quốc tế, No. 567/2007, tr. 46-54), http://www2.jiia.or.jp/kokusaimondai_ archive/2000/2007-12_006.pdf?noprint.

 



[1] ThS., Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Nhật

[2] NCS., Học viện Ngoại giao

[3] Nguyên Ngoại trưởng Thái Lan Surin Pitsuwan. Đọc thêm tại: Surin Pitsuwan (2007), “福田ドクトリンの今日的意味を考える”, 際問題, No. 567/2007, 46–54頁 (Surin Pitsuwan (2007), “Suy nghĩ về ý nghĩa của Học thuyết Fukuda ngày nay”, Các vấn đề quốc tế, No. 567/2007, tr. 46-54), http://www2.jiia.or.jp/kokusaimon dai_archive/2000/2007-12_006.pdf?noprint, truy cập ngày 17/10/2021.

[4] Emilio de Miguel (2013), “Japan and Southeast Asia: From the Fukuda Doctrine to Abe’s Five Principles”, https://www.redalyc.org/pdf/767/76727454005.pdf, truy cập ngày 17/10/2021.

[5] TS. Chaiwat Khamchoo, Đại học Chulalongkorn Thái Lan. Đọc thêm tại: Chaiwat Khamchoo (1991), “Japan's Role in Southeast Asian Security: “Plus ça Change …””, Pacific Affairs, No. 1/1991, pp. 7–22, https://doi. org/10.2307/2760360, truy cập ngày 17/10/2021.

[6] Tanaka Akihiko (2019), Nhật Bản trong châu Á, tr. 27 - 28, Nxb Tri thức, Hà Nội.

[7] ThS. Ngô Phương Anh (2013), “Quan điểm và chính sách của Nhật Bản đối với tiến trình liên kết ở Đông Á”, Tạp chí Lý luận chính trị, http://lyluanchinhtri.vn/ home/index.php/quoc-te/item/352-quan-diem-va-chinh-sach-cua-nhat-ban-doi-voi-tien-trinh-lien-ket-o-dong-a.html, truy cập ngày 17/10/2021.

[8] Nguyên Ngoại trưởng Thái Lan Surin Pitsuwan. Đọc thêm tại: Surin Pitsuwan (2007), “福田ドクトリンの今日的意味を考える”, 際問題, No. 567/2007, 46–54頁, Tlđd.

[9] Abe Shinzo (2013), “The Bounty of the Open Seas: Five New Principles for Japanese Diplomacy”, Ministry of Foreign Affairs of Japan, https://www.mofa.go.jp/ announce/pm/abe/abe_0118e.html, truy cập ngày 17/10/2021.

[10] Motegi Toshimitsu (2020), “ASEAN Policy Speech by Foreign Minister MOTEGI Toshimitsu: “Towards a new stage of cooperation in the spirit of Gotong-Royong””, Ministry of Foreign Affairs of Japan, https://www. mofa.go.jp/s_sa/sea2/page3e_001148.html, truy cập ngày 17/10/2021.

[11] Đào Thanh Tùng (2021), “Tân Chủ tịch LDP cam kết kế thừa các chính sách của Thủ tướng Abe”, TTXVN/Vietnamplus, https://www.vietnamplus.vn/tan-chu-tich-ldp-cam-ket-ke-thua-cac-chinh-sach-cua-thu-tuong-abe/663976.vnp, truy cập ngày 17/10/2021.

[12] 外 務 省 (2021), 令和3年版外交青書(外交青書2021)巻頭言, 20-23 (Sách xanh ngoại giao Nhật Bản năm 2021, tr. 20-23), https://www.mofa.go.jp/mofaj/files/ 100181433.pdf, truy cập ngày 17/10/2021.

[13] Suga Yoshihide (2020), “Bài phát biểu của Thủ tướng Suga Yoshihide tại Trường Đại học Việt - Nhật”, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, https://www.vn.emb-japan.go.jp/itpr_ja/20201019PM_vju.html, truy cập ngày 17/10/2021.

[14] Trong đó điện đàm với lãnh đạo Việt Nam nhiều nhất với 05 lần, Philippines và Singapore mỗi nước 02 lần, Indonesia, Thái Lan và Lào mỗi nước 01 lần. Thông tin thống kê tổng hợp từ trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

[15] Brunei nhiều nhất với 05 lần, Indonesia 03 lần, Thái Lan 02 lần, Philippines, Singapore, Việt Nam, Campuchia và Lào mỗi nước 01 lần. Thông tin thống kê tổng hợp từ trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

[16] Joint Statement of the 23rd ASEAN-Japan Summit on Cooperation on ASEAN Outlook on the Indo-Pacific, 23rd ASEAN-Japan Summit, Hanoi, https://www.mofa.go.jp/ mofaj/files/100114942.pdf, truy cập ngày 17/10/2021.

[17] Đài Tiếng nói Việt Nam (2021), “Nhật Bản khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông”, https://vovworld.vn/vi-VN/asean-gan-ket-va-thich-ung/nhat-ban-khang-dinh-ung-ho-lap-truong-cua-asean-ve-bien-dong-1011339.vov, truy cập ngày 17/10/2021.

[18] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2021), “Japan-ASEAN Ministerial Meeting”, Ministry of Foreign Affairs of Japan, https://www.mofa.go.jp/press/release/press4e_ 003030.html, truy cập ngày 17/10/2021.

[19] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2020), “Japan-ASEAN Ministerial Meeting”, Ministry of Foreign Affairs of Japan, https://www.mofa.go.jp/a_o/rp/page3e_ 001061. html, truy cập ngày 17/10/2021.

[20] 外務省 (2021), 令和3年版外交書(外交2021), 28頁, 外務省 (Bộ Ngoại giao Nhật Bản (2021), Sách xanh ngoại giao năm thứ 3 thời kỳ Lệnh Hòa (Sách xanh ngoại giao 2021), tr. 28, Bộ Ngoại giao Nhật Bản), https://www.mofa.go.jp/mofaj/files/100181433.pdf, truy cập ngày 17/10/2021.

[21] Kakinuma Shunji (2020), “Nỗ lực của Nhật Bản trong thực hiện sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP)/Hỗ trợ nâng cao năng lực đảm bảo an toàn, an ninh trên biển cho Việt Nam”, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, https://www.vn.emb-japan.go.jp/itpr_ja/2020 1225ODAmail_vn.html, truy cập ngày 17/10/2021.

[22] Hiền Hạnh (2021), “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam”, VietnamPlus (TTXVN), https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-bo-quoc-phong-nhat-ban-tham-chinh-thuc-viet-nam/740202.vnp, truy cập ngày 17/10/2021.

[23] “Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hợp tác với ASEAN trên nhiều lĩnh vực”, VietnamPlus (TTXVN), https://www. vietnamplus.vn/nhat-ban-thuc-day-quan-he-hop-tac-voi-asean-tren-nhieu-linh-vuc/676628.vnp, truy cập ngày 17/10/2021.

[24] Kakinuma Shunji (2020), Tlđd.

[25] “ASEAN và Nhật Bản tăng nỗ lực hướng tới phục hồi hậu COVID-19”, Vietnamplus (TTXVN), https://www. vietnamplus.vn/asean-va-nhat-ban-tang-no-luc-huong-toi-phuc-hoi-hau-covid19/741057.vnp, truy cập ngày 17/10/2021.

[26] Joint Statement of the 12th Mekong-Japan Summit, 12th Mekong-Japan Summit, https://www.mofa.go.jp/files/ 100115097.pdf, truy cập ngày 17/10/2021.

[27] Năm 1998, Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi đã phát biểu tại Học viện Quan hệ Quốc tế, Hà Nội, Việt Nam.

[28] Reinhard Drifte (2016), Japan’s Policy towards the South China Sea – Applying “Proactive Peace Diplomacy”?, Peace Research Institute Frankfurt Report, No. 140/2016, pp. 4–5, https://www.hsfk.de/ fileadmin/ HSFK/hsfk_publikationen/prif140.pdf, truy cập ngày 17/10/2021.

 

0thảo luận