Trang chủ

Ảnh hưởng của văn hóa đại chúng đến trào lưu Rekijo của phụ nữ trẻ ở Nhật Bản hiện nay

Đăng ngày: 1-03-2023, 14:46 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 11

Hạ Thị Lan Phi1

Tóm tắt:Vào những năm của thập niên 2000, do ảnh hưởng của trò chơi hành động (game), truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime) và các bộ phim dài tập về đề tài lịch sử trình chiếu trên kênh của Đài Truyền hình quốc gia NHK, nhiều phụ nữ trẻ ở độ tuổi 20 ~30 ở Nhật Bản đã đến thăm các di tích lịch sử liên quan đến các sự kiện và nhân vật lịch sử ở thời kỳ Sengoku (từ cuối thế kỷ XVđến cuối thế kỷ XVI) và thời kỳ Bakumatsu (1853-1868). Mặc dù còn có nhiều tranh luận xung quanh trào lưu này, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ như hiện nay thì không thể phủ nhận những tác động tích cực, góp phần “hồi sinh” hoạt động du lịch di sản văn hóa của các cộng đồng địa phương ở Nhật Bản.

Từ khóa:Văn hóa,văn hóa đại chúng,Rekijo,du lịch di sản văn hóa,Nhật Bản

 


1. Trào lưu Rekijo của phụ nữ trẻ ở Nhật Bản hiện nay[1]

+ Thuật ngữ Rekijo

Rekijolà cụm từ được phiên âm từchữ Hán歴女, được ghépbởichữ “lịch/rei” trongtừ “lịch sử” (rekishi/歴史) và “nữ/jo” trong từ “nữ giới” (josei/女性). Có nguồn gốc từ thuật ngữ rekidoru/歴ド, chỉ những nữ thần tượng và người mẫu trẻ yêu thích lịch sử, từ này xuất hiện vào năm 2008 khi bộ phim Đại chiến Xích Bích của Trung Quốcđược công chiếu tại Nhật Bản. Vì vậy, thuật ngữ reikijo/歴女 dùng để chỉ những người phụ nữ trẻ yêu thích, đam mê những nhân vật lịch sử, đặc biệt là những nhân vậtlãnh chúa thời Chiến quốccủa Nhật Bản trong các bộ tiểu thuyết, truyện tranh (manga), phim điện ảnh, phim hoạt hình(anime) và trò chơi (game). Niềm đam mê đó đã ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của một số lượng khá đông phụ nữ trẻ, như mua những ấn phẩm, vật phẩm, hành hương về những vùng đất mang dấu ấn của những nhân vật mà mình yêu thích.

Hiện tượng một số lượng phụ nữ trẻ đã đến thăm các di tích lịch sử liên quan đến thời kỳ Sengoku (thời Chiến quốc, khoảng từ cuối thế kỷ XVđến cuối thế kỷXVI) và thời kỳ Bakumatsu (1853-1868) đã có từ năm 2004, khi các trò chơi điện tử hành động về các chiến binh Samurai, thời kỳ Sengoku trở nên phổ biến và được giới trẻ yêu thích. Nhưng phải đến 3/2009,thuật ngữ này mới chính thức xuất hiện trên báo Asahi Shimbunvà sau đó nó xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng;trong các diễn đàn, các cuộc thảo luận của các nhà nghiên cứu và quản lý xã hội,... Chính vì vậy, vào năm 2009, cụm từ Rekijo/歴女đã được chọn là một trong những cụm từ tiêu biểu của năm.

+ Trào lưu Rekijo

Như đã đề cập ở trên, vào năm 2009, có nhiều phụ nữ trẻ Nhật Bản ở độ tuổi 20, 30 đã hành hương về các địa điểm tâm linh, đền thờ, địa danh, những nơi có liên quan tới các sự kiện hoặc truyền thuyết về các nhân vật lãnh chúa, tướng quân trong các bộ phim truyền hình, hoạt hình,truyện tranh, trò chơi hành động mang tính lịch sử. Không chỉ để vãn cảnh, để hiểu hơn về nhân vật lịch sử, mà họ còn đến những nơi đó với một tâm nguyện có được sức mạnh tâm linh. Vì vậy, hiện tượng này còn được các nhà nghiên cứu gọi là sự “bùng nổ quyền lực tâm linh” ở giới nữ trẻ Nhật Bản. Vào năm 2010, tạp chí CREA, tạp chí tháng dành cho đối tượng độc giả nữ, mà chủ yếu là những phụ nữ trẻ đang làm việc, đã đưa ra một danh sách về “Những địa điểm quyền lực trên khắp Nhật Bản”(Power spots all over Japan), đó là những đền thờ; nơi đặt phần mộ; đặt bia tưởng niệm của các lãnh chúa, các vị tướng; nơi diễn ra các trận chiến thời Chiến quốc,… nhữngnơi được cho là chứa đựng những năng lượng tâm linh, có sức thu hút với nữ du khách[2].

Đặc biệt nhóm phụ nữ trẻ này còn tham gia các hoạt động vốn bị cho là nhàm chán như đến các ngôi chùa, các buổi triển lãm để chiêm ngưỡng các bức tượng phật và nghe các nhà sư giảng[3]. Điển hình như sự kiện triển lãm “Bảo vật quốc gia Ashura và những kiệt tác từ Kofukuji”(The National Treasure Ashura and Masterpieces from Kofukuji)diễn ra tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo năm 2009, là một phần trong chương trình của đại lễ kỷ niệm 1300 năm cố đô Nara. Đây là buổi triển lãm có lượng khách trung bình trong ngày lớn nhất trong số tất cả các triển lãm nghệ thuật trên thế giới ở thời điểm đó, với số lượng khoảng 15.000 khách tham quan mỗi ngày. Theo ban tổ chức thì sự thành công của cuộc triển lãm lần này là nhờ số lượng nữ du khách trẻ đã tăng lên đáng kể. Số du khách này cho biết họ cảm nhận được rằng những bức tượng phật ở triễn lãm không phải là những bức tượng bất động, tẻ nhạt, buồn bã, vô tri, vô giác như mọi người vẫn nói, mà chúng thực sự sinh động, đáng yêu và họ đã cảm nhận được sự an ủi, sự khích lệ, nó tựanhư một liều thuốc có thểchữa lành mọi vết thương. Cũng vào năm 2009, hơn 8,6 triệu du khách đã đến thăm đền Ise Jingu, ngôi đền Shinto thờ Nữ thần Mặt trời Amaterasu-omikami, ở tỉnh Mie và đây cũng là con số kỷ lục về số lượng khách đến thăm đền thờ kể từ năm 1945[4]. Trong số đó, đa số là du khách nữ, họ đến viếng ngôi đền với mong muốn tìm kiếm sự kết nối với sức mạnh tâm linh của các vị thần tại ngôi đền này.

Hiện tượng số lượng Rekijo ngày càng tăng đã thu hút sự quan tâm và bàn luận của không chỉ ngành du lịch, mà cả các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu,… Theo nghiên cứu của nhiều học giả thì trong những giai đoạn trước đó, đối tượng quan tâm đến lịch sử, tôn giáo, tượng Phật,… thường là nam giới ở độ tuổi trung niên trở lên hoặc là nhóm đối tượng không còn trẻ. Nhưng đến những năm đầu thế kỷ XXI thì nhóm đối tượng này chủ yếu lại là nữ giới trẻ. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, khó có thể gọi các Rekijo là những cô gái yêu thích lịch sử, bởi hình tượng các nhân vật lãnh chúa, tướng quân trong các ấn phẩm văn hóa đại chúng khác xa với các nhân vật có thật trong lịch sử. Nhưng dù như thế nào thì Rekijo cũng đã trở thành một hiện tượng đại diện cho một xu hướng mới, xu hướng giải trí phổ biến và “thời thượng” của nhóm nữ giới trẻ ở Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay.

2. Sự hình thành của trào lưu Rekijo

Theo các nhà nghiên cứu thì những trào lưu du lịch về các địa danh, văn hóa, lịch sử, tương tự như trào lưu Rekijo đã xuất hiện ở Nhật Bản từ những năm 1970.Trước những năm 1970, ở Nhật Bản hầu như không có trường hợp phụnữ đi du lịch một mình. Quan niệm xã hội thời bấy giờ cho rằng phụ nữ nếu không đi du lịch cùng nam giới hoặc gia đình thường là những đối tượng khách du lịch bất bình thường, rất phiền phức, có tâm lí không ổn định và có thể đang tìm kiếm một nơi để tự tử,...nên họ sẽ không được chào đón tại các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn.

Tuy nhiên, sang những năm 1970, vị trí của khách du lịch nữ đã có sự thay đổi đáng kể, từ chỗ thường bị “chối từ” họ đã được coi là đối tượng khách hàng tiềm năng. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này được cho là do ở thời điểm này phong trào giải phóng phụ nữ trên toàn thế giới đang lên, ít nhiều đã có tác động đến quan niệm bình đẳng giới, đến vai trò, vị trí của phụ nữ Nhật Bản trong gia đình và xã hội. Tỷ lệ phụ nữhọc lên cao ngày càng tăng, số năm ra ngoài làm việc của họ cũng dài hơn 3 lần so với giai đoạn trước và cũng chính vì vậy mà tuổi kết hôn cũng muộn hơn[5], ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ đi làm có đủ khả năng tự trả tiền thuê nhà ở các khu vực thành thị.

Thời kì này cũng bắt đầu xuất hiện thể loại tạp chí thời trang dành cho phụ nữ, như An-an (1970), Non-no (1971)…nhưng chủ đề trong các tạp chí này không chỉ là thời trang, mà còn đề cập đến thiết kế nội thất dành riêng cho những cô gái trẻ độc thân. Đã có những ý kiến cho những tạp chí như thế này đã cổ súy, khuyến khích phụ nữ tự tạo lập cho mình một ngôi nhà riêng, một cuộc sống riêng, độc lâp, thách thức với quan niệm cho rằng “phụ nữ là vô hình về mặt xã hội” (không có vị trí và vai trò ngoài xã hội) vốn đã “cắm rễ” sâu trong xã hội Nhật Bản. Cùng với đó, các tạp chí này cũng đã đăng tải những bài viết giới thiệu về những cô gái trẻ đi du lịch vòng quanh Nhật Bản[6], góp phần tạo nên làn sóng “khám phá Nhật Bản” một mình của phụ nữ trên toàn quốc. Địa điểm được yêu thích thường là những nơi yên tĩnh, đền thờ Thần đạo, chùa chiền, các khu vườn với những món ăn truyền thống của Nhật Bản. Vào năm 1978, Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Nhật Bản (nay là Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản) bắt đầu chiến dịch quảng cáo kêu gọi người dân sử dụng phương tiện tàu điện, có tên gọi là chiến dịch “Khám phá Nhật Bản”. Biểu tượng quảng bá cho chiến dịch là hình ảnh thiếu nữ trẻ mặc trang phục thời trang và khẩu hiệu “Khám phá Nhật Bản - khám phá lại con người thật của bạn” đã được chọn để tuyên truyền cho chiến dịch này. Thêm vào đó còn có sự góp mặt của nữ ca sĩ nhạc pop đang nổi tiếng lúc bấy giờ là Yamaguchi Momoe, với ca khúc Iihi tabidachi (いい日旅立ち) nổi tiếng, có nội dung miêu tả về chuyến du lịch vòng quanh đất nước của một nữ du khách trẻ. Chiến dịch này được đánh giá là đã rất thành công, lượng khách hàng sử dụng tàu điện tăng lên đáng kể, đặc biệt là thu hút được một số lượng lớn hành khách nữ đi du lịch trong nước bằng tàu điện.

Sang những năm 1980, khi đạo diễn chọn các nam diễn viên đang được ưa thích đóng vai chính trong các bộ phim truyền hìnhdài tập, mang tính lịch sử thì số lượng nữ giới trẻ yêu thích lịch sử cũng tăng lên rõ rệt. Điển hình như bộ phimTaiga Toge no Gunzo (峠の群像, 1982) của Đài Truyền hình quốc gia NHK. Đạo diễn Tanaka Kenji đã chọn ca sĩ thần tượng hàng đầu Nhật Bản thời điểm bấy giờ là Go Hiromi vào vai Kataoka Gengoemon, một trong 47lãng nhân trong sự kiện “Biến cố ở Ako thời Genroku”. Hình ảnh những samurai sau khi trả thù cho lãnh chúa của mình đã tự sát trở nên nổi tiếng và trở thành nhữnghuyền thoại,biểu trưng cho lòng trung thành, sự hy sinh, ý chí kiên định và danh dựcủa một nam nhân mà tất cả người dân đều ca tụng,đã làm lay động trái tim hàng triệu khán giả. Những cô gái trẻ đã thể hiện lòng yêu mến của mình bằng cách hành hương về địa danh, nơi đặt lăng mộ của Kataoka và tham dự lễ cầu nguyện tại lễ hội Trung thành ở đền Sengakuji ở Tokyo.

Có thể kể đến một số nhân vật chính trong các bộ phim về chủ đề lịch sử được nữ giới trẻ những năm 1980 yêu thích, như nhân vật Okita Soji, một trong những chiến binh mạnh nhất trong lực lượng Shinsengumi[7] ở thời kỳ Edo. Từ những năm 1960 đã có nhiều nam diễn viên điển trai, nổitiếng vào vai nhân vật này, như diễn viên Shimada Junshi đã được chọn đóng trong Shinsengumi keppu roku[8] năm 1965; Moeyo Ken được chọn đóng năm 1970; nhân vật chính của bộ phim Okita Soshi (1974) do nam diễn viên mang hai dòng máu Nhật – Mỹ đóng...

Songtheo các nhà nghiên cứu thì phải sau khi bộ phim hoạt hình nhiều tập Ngọn lửa ảo ảnh (炎の蜃気楼/Hono no mirage) được đạo diễn Susumu Kudo chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên, dài 49 tập của nhà văn Mizuna Kuwabara được trình chiếu vào năm 2002 và phát hành bản OVA[9] vào năm 2004thì mới xuất hiện hình thức du lịch hành hương về những địa danh có liên quan đến những nhân vậtmang lịch sửtrong các bộ manga, phim hoạt hình, trò chơi... Nội dung chính của bộ phim Ngọn lửa o nhđề cập đến những cuộc đấu tranh giữa các dòng tộc, các samurai và các thầy trừ tà…kéo dài từ thời Sengoku[10]đến thời kỳShōwa[11]. Hình tượng nhân vật chính được xây dựng dựa trên hình tượng lãnh chúa Uesugi Kenshin (上杉謙信, 1530-1578). Ông là một trong những lãnh chúa hùng mạnh nhất ở thời kỳ Sengoku, ông nổi tiếng về sự dũng cảm, tinh thông binh pháp và niềm tin vào Tỳ Sa Môn Thiên – vịthần Chiến tranh. Ông được thuộc hạ và nhiều người dânđương thời kính trọng và coilà biểu tượng của vị thần này.Nội dung của bộ phim về một giai đoạn lịch sử với các nhân vật lịch sử có thật nhưngcác nhân vật có thật trong lịch sử đã được siêu nhiên hóa, phim cótính bi kịch, có lãng mạn, có tín ngưỡng dân gian, có thuyết tâm linh của Phật giáo. Nhân vật chính có vẻ bề ngoài đẹp trai, trang phục bắt mắt, hội tụ đầy đủ những yếu tố về ngoại hình, tính cách, để tạo nên một hình tượng trong lòng nhóm khán giả nữ trẻ tuổi.

Thêm vào đó, hình thức kinh doanh kết hợp giữa các nhà xuất bản manga với các nhà làm phim hoạt hình, chế tác game, cùng với chiến lược tiếp thị của truyền thông đã làm cho bộ phim đã trở nên nổi tiếng và thu hút được một lượng khán giả đông đảo. Các cô gái tuổi “teen” và phụ nữ trẻ bắt đầu “tour du lịch ảo ảnh”, họ đến thăm các địa điểm liên quan đến các nhân vật trong phim, như thămđền Uesugi, nơi thờ vị lãnh chúa Uesugi Kenshin ở thành phố Yonezawa, tỉnh Yamagata; tham gia lễ hội Đèn tổ chức tại đền Uesugi; thăm lại dấu tích của Lâu đài Samegao ở Niigata (nơi người ta cho rằng Uesugi Kenshin đã tự sát vào năm 1578, khi ông 26 tuổi) và đi thăm các địa danh khác xuất hiện trong bộ phim ở trên khắp đất nước. Vào năm 2008, khoảng 50 phụ nữ (được gọi là Mirajennu) đã tham gia lễ tưởng niệm lần thứ 429 dành cho Uesugi Kenshintại đền Shofukuji, thuộc tỉnh Fukuoka, điều này được cho là bất thường đối với lễ tưởng niệm một nhân vật lịch sử ở một thời đại cách xa hiện tại.

Tuy chúng ta có thể thấy văn hóa đại chúng, đặc biệt là truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime) và trò chơi (game) đã ảnh hưởngđến hành vi lựa chọn các tour du lịch của phụ nữ trẻ Nhật Bản từ những năm đầu những năm 1990, nhưng phải sau khi sê-ri trò chơi hành động Sengoku Basara được phát hành vào năm 2005 và bộ phim hoạt hình cùng tên được phát sóng vào năm 2009 thì trào lưu Rekijo mới thực sự “bùng nổ”. Mặc dù nội dung các bộ phim đều được xây dựngdựa trên bối cảnh ở thời Sengoku (Chiến quốc), với những sự kiện lịch sử và nhân vậtcó thật, nhưng thời trang của các nhân vật chính rất độc đáo, hình tượng nhân vật gần với thời hiện đại, tạo nên sức hút mãnh liệt với Rekijo. Ví dụ, nhân vật Date Masamune có thể nói được tiếng Anh; nhân vật Sanada Yukimura là một chàng trai trẻ năng động, có trái tim ấm áp;… Tương tự, Hakuoki là một game phiêu lưu, lãng mạn do công ty Idea Factory sản xuất, đây là trò chơi  hướng tới nhóm đối tượng là phụ nữ, nên nhân vật trong đó hầu hết là nam thanh niên đẹp trai, dựa trên hình tượng các thành viên chủ chốt của lực lượng Shinsengumi[12]như Hijikata Toshizo, Okita Soji, Todo Heisuke,... Trò chơi này cũng được chuyển thể thành phim hoạt hình phát hành năm 2010, đã làm dấy lên làn sóng hành hương đến Kyoto, Tokyo và Hokkaido của nữ giới trẻ Nhật Bản.

3. Tác động của trào lưu Rekijo đối với hoạt động kinh doanh du lịch của cộng đồng các địa phương

Làn sóng Rekijo cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt và hoạt động kinh doanh du lịch di sản văn hóa của nhiều cộng đồng địa phương ở Nhật Bản. Điển hình như, thị trấn Ishida, thành phố Nagahama, tỉnh Shiga, quê hương của vị tướng quân Ishida Mitsunari. Ông sinh ra vào khoảng năm 1560, nổi tiếng là một vị tướng tài ba và là người quản lý tài chính của lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi. Trong trận Sekigahara năm 1600, do thua trận nên ông đã bị xử tử. Trong các tài liệu lịch sử và trong sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản được xuất bản bởi Yamakawa Shuppansha (một trong những cuốn sách giáo khoa phổ biến nhất dành cho cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Nhật Bản) thì ông là một trong những người cầm đầu đội quân phiến loạn, chống lại chính quyền Tokugawa Ieyasu. Do danh tiếng không tốt nên cư dân của thị trấn Ishida đã từng cảm thấy xấu hổ vì thị trấn của họ là nơi sinh ra Ishida Mitsunari. Tuy nhiên, vào năm 1966, cư dân địa phương đã thành lập Hiệp hội Tôn vinh Ishida Mitsunari, tại ngôi nhà của ông người ta đã xây dựng Ishida Hall để bảo tồn những tài liệu và đồ vật  liên quan đến vị tướng này. Tuy nhiên, những vật phẩm về ông không nhiều, chỉ đủ để trưng bày trong các tủ trưng bày nhỏ, để trong một căn phòng chỉ rộng khoảng 13m2phía bên trong của ngôi nhà, còn hội trường thường được sử dụng như một nơi sinh hoạt chung của cư dân cộng đồng địa phương.Mặc dù đã thành lập hiệp hội và xây dựng tòa nhà Ishida Hall, nhưng thị trấn Ishida lại là vùng đất nghèo nàn về tài nguyên du lịch, không có tòa thành (lâu đài), không có phong cảnh đặc biệt hấp dẫn khách du lịch, vì vậy cũng có ít cửa hàng lưu niệm. Hơn thế nữa, thị trấn lại nằm ở một vị trí không thuận tiện giao thông, cách nhà ga gần nhất (JR Nagahama) khoảng 3 km và có ít dịch vụ xe buýt. Không có sổ ghi chép của người hâm mộ (sổ khách) liên quan đến Ishida. Hàng tháng chỉ có một vài khách nam trung niên đến thăm thị trấn.

Tuy nhiên, nhờ chương trình phim truyền hình Taiga của đài NHK phát sóng bộ phim Tenchijin và Sengoku Basara (năm 2009) mà du lịch ở thị trấn Ishida đã thay đổi rõ rệt. Vào tháng 11 năm 2009, có hơn 160 người đã tham dự buổi lễ tưởng niệm Ishida Mitsunari (buổi lễ này  trước đó rất ít người tham dự), trong số đó 80% là phụ nữ. Cũng vào năm này, số lượng du khách đến thị trấn Ishida để thăm lại các địa danh liên quan đến Ishida Mitsunari đã tăng lên hơn 1.000 người và khoảng 90% trong số họ là phụ nữ[13].

Khi lượng khách gia tăng, thị trấn Ishida đã nhận được sự giúp đỡ của Cục Du lịch tỉnh Shiga và chương trình phim truyền hình Taiga Go từ năm 2010 trong việc thiết lập chuyến xe buýt đặc biệt chạy từ ga Nagahama đến thị trấn Ishida. Bình thường tuyến đường này phải 30 phút hoặc 1 tiếng mới có một chuyến xe buýt, nên việc có thêm chuyến xe buýt đặc biệt đã tạo điều kiện thuận lợi và thu hút được nhiều du khách đến thăm thị trấn Ishida hơn. Vào năm 2012, để quảng bá cho bộ phim truyền hình Taiga, Văn phòng Du lịch của thành phố Nagahama đã tổ chức “Lễ hội quê hương của bộ phim truyền hình Taiga về thời Chiến quốc”, thu hút khách du lịch trẻ tuổi với các linh vật dễ thương như Mitsunarikun. Vị tướng quan phiên loạn, bại trận Ishida được lý tưởng hóa như một chiến binh trẻ đẹp, mạnh mẽ, đầy tham vọng trong các sản phẩm văn hóa đại chúng và được chính quyền địa phương thể hiện như một nhân vật hấp dẫn, gần gũi để thu hút khách du lịch trẻ tuổi.

Sự xuất hiện này càng nhiều người hâm mộ nữ trẻ tuổi đã có những tác động đáng kể đến thị trấn Ishida và cộng đồng cư dân ở đây. Sự thay đổi rõ ràng nhất là việc tái thiết cộng đồng địa phương thông qua sự tương tác giữa lòng hiếu khách của người dân địa phương và các hoạt động của Rekijo. Sự kiện lớn hàng năm do Hiệp hội tôn vinh Ishida Mitsunari tổ chức là lễ Ireisai (lễ tưởng niệm để an ủi tinh thần của Ishida) vào tháng 11 hàng năm. Hội có số lượng thành viên hạn chế nên công việc chuẩn bị cho lễ truy điệu không chỉ do các thành viên sinh sống tại địa phương thực hiện, mà đã có rất nhiều Rekijo tham gia vào nghi lễ này. Vào năm 2009, 160 người đã đến tham dự một buổi nói chuyện sau buổi lễ, trong số đó phụ nữ chiếm 80%; năm 2011 có khoảng 300 người đã đến dự buổi lễ[14].

Không chỉ có thị trấn Ishida, trào lưu Rekijo còn tác động đến du lịch di sản văn hóa ở nhiều địa phương khác, như trong chuyến hành hương có chủ đề“Chuyến tham quan Bí mật Utsunomiya”, đưa khách du lịch lầntheo lộ trình của nhân vật Hijikata Toshizo (một thành viên của Shinsengumi, đơn vị bảo vệ Mạc phủ ở Kyoto từ năm 1863 đến năm 1867) ở Utsunomiya, Tochigi. Lộ trình tham quan được lên kế hoạch chủ yếu dành cho nhóm khách hànglà Rekijo[15].

Trong một ví dụ khác, chính quyền tỉnh Shiga đã hợp tác với JTB, cơ quan du lịch lớn nhất ở Nhật Bản, và tuyển dụng các blogger là Rekijo để quảng bá du lịch cho Shiga trong các chiến dịch quảng bá du lịch trùng với bộ phim truyền hình NHK Taiga năm 2011, Go. Tương tự như vậy, sau sự nổi tiếng của trò chơi điện tử và anime Sengoku Basara, JTB đã cung cấp các chuyến tham quan lịch sử mang tên “Tham quan các địa điểm lịch sử liên quan đến chiến binh samurai Sengoku” ở Tohoku, Shinshu, Joetsu, Sekigahara, Chugoku và Shikoku từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 3 năm 2011, 90% những người tham gia chuyến đi này là nữ[16]. Trung bình mỗi năm các các công ty du lịch sẽ tổ chức khoảng 4 lần những lễ hội du lịch theo chủ đề dành cho nhóm đối tượng khách hàng là Rekijo, kèm theo đó là những chuyến tham quan gắn với chủ đề đó.

Hoạt động của các cửa hàng cũng có nhiều dịch vụ kèm theo như một mô hình kinh doanh “khép kín”. Các nhà sách đã tổ chức các buổi nói chuyện, gặp mặt dành cho những người yêu thích sách và các ấn phẩm liên quan đến lịch sử. Ngoài mục đích tăng phát hành ấn phẩm sách, đĩa CD trò chơi, sản phẩm liên quan đến nội dung ấn phẩm, còn có cả dịch vụ ăn uống. Nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của nhóm đối tượng này đã được mở ra. Điển hình như cửa hàng bách hóa Odakyuđã khai trương gian hàng có tên gọi  “Sengoku Dama”, chuyên kinh doanh về hàng hóa có liên quan đến các lãnh chúa Sengoku, tại tầng hầm đầu tiên của cửa hàng Shinjuku Halc (Shinjuku-ku, Tokyo) vào tháng 5/2009. Các mặt hàng của “Sengoku Dama” chỉ được bán tại cửa hàng chính và cửa hàng trực tuyến ở Nakagyo-ku, Kyoto, đây là lần đầu tiên một gian hàng được mở trong một cửa hàng bách hóa.Một cửa hàng kinh doanh các ấn phẩm có liên quan đến các lãnh chúa thời Chiến quốc đã cho biết  khoảng 40% khách hàng của cửa hàng này là nữ giới ở độ tuổi 20 và 30. Số lượng độc giả nữ của tạp chí nổi tiếng “Rekishi Kaido” (Những đường phố lịch sử) cũng đã tăng từ 15% lên 40% và 14% trong số đó là nữ giới có độ tuổi 20 và 30.Người ta ước tính có khoảng1triệu người hâm mộ lịch sử, trong số đó có khoảng 140.000 người là nữ giới ở độ tuổi 20 và 30 và trung bình họ sẽ dành khoảng 500.000 yên/năm cho sở thích này của họ. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Daiichi Seimei, doanh thu của thị trường liên quan đến Rekijo năm 2009 đã đạt tới khoảng 70 tỷ yên, tương đương với doanh thu phân phối âm nhạc có trả phí ở thị trường nội địa năm 2007[17]. Nó cũng được đánh giá là trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, hàng hóa không lưu thông thì đây là một trong số ít thị trường đầy hứa hẹn.

Tóm lại, còn rất nhiều tranh luận về cách gọi những người phụ nữ trẻ hành hương về các địa danh liên quan đến các nhân vật lãnh chúa, tướng quân trong các sản phẩm văn hóa đại chúng. Có ý kiến cho rằng, không thể gọi họ là Rekijo là những cô gái yêu thích lịch sử, vì nhân vật họ yêu thích khác xa với nhân vật lịch sử có thật. Chỉ có thể nói, trào lưu Rekijo là kết quả của sự trỗi dậy phong trào bình đẳng giới, phụ nữ trẻ Nhật Bản độc lập về kinh tế,không còn ngần ngại tham gia các lĩnh vực giải trí do nam giới thống trị. Cũng có ý kiến cho rằng do sự xuất hiện ngày càng nhiều nhóm đàn ông có tính cách nhu mì, yếu đuối, khiến phụ nữ “hoài cổ” nuối tiếc và tìm kiếm một hình mẫu đàn ông mạnh mẽ, nam tính, ấm áp như một chiến binh Samurai. Nhưng dù thế nào đi nữa không thể phủ nhận trào lưu Rekijo đã có những tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa di sản của các nhiều cộng đồng địa phương ở Nhật Bản hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Sakamoto, K.(1999),“Reading Japanese women’s magazines: the construction of new identities inthe 1970s and 1980s”,  Media, Culture and Society, 21 (2), page 173, 193.

2. Shimada Sugawa Akiko (2015),“Rekijo, pilgrimage and ‘pop-spiritualism’: Pop-culture-induced heritage tourism of/foryoung women”,Japan Forum,Volume 27, 2015, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/09555803.2014.962566.

3. 赤木洋一(2007).アンアン. 平凡社,東京(Akagi Yoichi (2007),An-an,Nxb Heibonsha, Tokyo).

4. 朝日新聞(2010)。860万人が伊勢参り過去最高、パワースポット効果?(Asahi Shimbun (2010),“8,6 triệu người ghé thăm Ise, hiệu ứng quyền lực cao nhất từ ​​trước đến nay?”), http://www.asahi.com/airtravel/NGY201012200009.html.

5. 産経新聞 2009年8月21日.“歴女”ブーム 消費意欲旺盛 市場規模700億円.東京朝刊 総合・内政面 (Báo Sankei  ngày 21/8/2009, “Sự bùng nổ hiện trượng Rekijo: Động lực tiêu dùng mạnh mẽ, qui mô thị trường đạt 70 tỷ yên.  Mục các vấn đề chung và đối nội”, Ấn phẩm phát hành buổi sáng Tokyo).




[1]TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2]CREA(2010),神社仏閣から巨木・温泉・霊山まで47都道府県のパワースポット.2010年3月号 / 文藝春秋(CREA(2010),Từ các đền thờ đến những cây đại thụ, suối nước nóng và những ngọn núi linh thiêng: Các điểm tâm linh quyền lực ở 47 tỉnh, thành phố,Số tháng 3/2010. NxbBungeishunju).

[3]Akiko Sugawa-Shimada (2015),“Rekijo, pilgrimage and ‘pop-spiritualism’:pop-culture-induced heritage ourism of/foryoung women”,Japan Forum, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/09555803.2014.962566.

[4]朝日新聞(2010)。860万人が伊勢参り過去最高、パワースポット効果?(Asahi Shimbun (2010), “8,6 triệu người ghé thăm Ise, hiệu ứng quyền lực cao nhất từ ​​trước đến nay?”, http://www.asahi.com/airtravel/NGY201012200009.html.

[5] Sakamoto, K. (1999),“Reading Japanese women’s magazines: the construction of new identities inthe 1970s and 1980s”,Media, Culture and Society, 21 (2), tr.173, 193.

[6]赤木洋一(2007),アンアン,平凡社,東京(Akagi Yoichi (2007),An-an,Nxb Heibonsha, Tokyo).

[7] Shinsengumi (新選組) là lực lượng có chức năng, nhiệm vụ giống như cảnh sát được thành lập để trấn áp các thế lực chống đối chính quyền Mạc phủ Tokugawa và giữ gìn trị an cho kinh đô Kyoto vào cuối thời kỳ Edo.

[8]Têntiếng Nhật là新選組血風.

[9]OVA: Viết tắt của cụm từ “original video animation”, là phim hoạt hình dạng video, DVD, đĩa laser,…

[10]Thời đại Sengoku (戰國時代), là thời kỳ xã hội có nhiều chuyển biến, mưu mô chính trị và những cuộc xung đột quân sự liên tục diễn ra. Thời kỳ này bắt đầu từ năm 1467 cho đến năm 1615.

[11]Thời đại Shōwa (昭和時代) là một giai đoạn trong lịch sử Nhật Bản tương ứng với thời gian tại vị của Thiên hoàng Chiêu Hòa, từ ngày 25 tháng 12 năm 1926 đến 7 tháng 1 năm 1989.

[12]Lực lượng này thành lập năm 1863, có chức năng như cảnh sát thời hiện đại. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là truy đuổi và lùng bắt các võ sĩ phiêu bạt đang hoạt động ngầm tại Kyoto, đồng thời chịu trách nhiệm tuần tra, phòng vệ kinh thành, hộ tống các quan chức cao cấp của Mạc Phủ và trấn áp phản loạn.

[13] Shimada Sugawa Akiko (2015),“Rekijo, pilgrimage and ‘pop-spiritualism’: Pop-culture-induced heritage tourism of/foryoung women”,Japan Forum,Volume 27, 2015,https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/09555803.2014.962566.

[14] Shimada Sugawa Akiko (2015),“Rekijo, pilgrimage and ‘pop-spiritualism’: Pop-culture-induced heritage tourism of/foryoung women”, Tlđd.

[15] Shimada Sugawa Akiko (2015), “Rekijo, pilgrimage and ‘pop-spiritualism’: Pop-culture-induced heritage tourism of/foryoung women”, Tlđd.

[16] Shimada Sugawa Akiko (2015), “Rekijo, pilgrimage and ‘pop-spiritualism’: Pop-culture-induced heritage tourism of/foryoung women”, Tlđd.

[17]産経新聞 2009年8月21日.“歴女”ブーム 消費意欲旺盛 市場規模700億円.東京朝刊 総合・内政面(Báo Sankei  ngày 21/8/2009,“Sự bùng nổ hiện trượng Rekijo: Động lực tiêu dùng mạnh mẽ, qui mô thị trường đạt 70 tỷ yên.  Mục các vấn đề chung và đối nội”, Ấn phẩm phát hành buổi sáng Tokyo).

0thảo luận