Trang chủ

Bất bình đẳng giới trong gia đình Nhật Bản

Đăng ngày: 20-02-2023, 10:20 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 10

Vũ Thị Phương Hoa1

 

Tóm tắt: Nhật Bản là một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới, là quốc gia trong tốp đầu thế giới về thu nhập bình quân đầu người, các chỉ số phát triển con người (HDI)… nhưng tồn tại một nghịch lý là tại Nhật Bản và một số nước Đông Á phụ nữ luôn bị coi là tầng lớp thứ hai, điều này phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội Nhật Bản hiện tại còn rất sâu sắc. Đặc biệt trong gia đình Nhật Bản, việc tuyệt đối hóa quyền uy của người chồng và sự phục tùng một cách vô điều kiện của người vợ là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh và gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, coi thường, hạ thấp vị trí vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình. Bài viết phân tích thực trạng bất bình đẳng giới trong gia đình Nhật Bản, từ đó đưa ra một vài nhận xét, lý giải nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên.

Từ khóa: Nhật Bản, bất bình đẳng giới, bạo hành trong gia đình

 


T

heo luật cơ bản về xã hội bình đẳng giới của Nhật Bản, thì có thể hiểu bất bình đẳng giới (ジェンダー不平等/jiendaa fubyoudou) là phân biệt đối xử, không tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ như nhau giữa nam và nữ trong xã hội; không bảo đảm quyền tận hưởng các lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa như nhau giữa nam và nữ. Chương III Hiến[1]pháp Nhật Bản, quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, cũng nêu rõ “hôn nhân được dựa trên sự đồng ý của cả hai giới và phải được duy trì dựa trên sự hợp tác qua lại mang tính bình đẳng về quyền lợi của vợ và chồng. Pháp luật liên quan đến sự lựa chọn vợ chồng, quyền tư hữu, thừa kế, lựa chọn nơi cư trú, ly hôn và mọi vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình phải được xây dựng dựa trên sự bình đẳng giữa hai giới và tôn trọng phẩm giá cá nhân” (Điều 24)[2]. Tuy nhiên thực tế trong gia đình Nhật Bản, sự phân biệt, kỳ thị giới diễn ra khá rõ nét thông qua một số đặc điểm tiêu biểu về bất bình đẳng trong tỷ lệ chủ hộ gia đình giữa nam và nữ, bất bình đẳng trong quan hệ giữa vợ và chồng trong gia đình và bất bình đẳng trong phân công công việc giữa vợ và chồng trong gia đình.

1. Số gia đình do nữ làm chủ hộ chiếm tỷ lệ thấp

Vấn đề chủ hộ gia đình phản ánh một phần nào đó mức độ “bình đẳng” giữa vợ và chồng trong gia đình. Chủ hộ có thể hiểu như một vị trí trong hệ thống thứ bậc về quyền lực trong hộ gia đình, là người quan trọng nhất không chỉ về phương diện quyền đại diện cho hộ mà còn trên phương diện các quyết định lớn trong gia đình, là người thay mặt gia đình trong các quan hệ xã hội.

Cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống gia đình Nhật Bản vẫn bị chi phối mạnh bởi quan niệm gia đình truyền thống kiểu Nhật, được thừa nhận về mặt pháp lý ngay trong hệ thống luật dân sự của chính quyền Minh Trị. Theo luật này, gia đình được hiểu một cách đơn giản là một biểu hiện cụ thể của Ie/家(nhà), một khái niệm, một thực thể hữu hình được trao quyền trực hệ từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Ie” là một nhóm phức hợp gồm những người có quan hệ bà con họ hàng với nhau, do người con trưởng (長男/choonan) thừa kế, vừa thừa kế địa vị chủ “Ie”, vừa thừa kế tài sản gia đình. Theo quan niệm trên, vị thế của người nam giới, con trưởng đặc biệt được coi trọng, vị thế của người phụ nữ rất mờ nhạt, ít được luật pháp bảo đảm quyền lợi. Do đó, phụ nữ sau khi kết hôn phải chịu sự phụ thuộc và tuân theo quyết định của người chồng cũng là chủ hộ.

So với các quốc gia công nghiệp phát triển khác, Nhật Bản là nước có số hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ thấp nhất. Đáng nói là trong số hộ gia đình do nữ là chủ hộ đa số hộ do nữ sống độc thân suốt đời, hộ gia đình đã ly hôn và con cái sống với người mẹ là chủ hộ gia đình. Chính do xu hướng phụ nữ không muốn kết hôn, ràng buộc về con cái, nghĩa vụ ngày một tăng ở Nhật Bản dẫn đến số hộ gia đình do nữ sống độc thân làm chủ hộ tăng lên.


Bảng 1: Tỷ lệ gia đình do nữ làm chủ hộ (%)

Na Uy

38

Canada

25

Italia

20

Mỹ

31

Anh

25

Tây Ban Nha

16

Thụy Điển

27

Pháp

22

Nhật Bản

15

Nguồn:Trần Mạnh Cát (2004), Gia đình Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.126


2. Bất bình đẳng trong quan hệ giữa vợ và chồng trong gia đình

Những năm trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai tại Nhật Bản, hôn nhân truyền thống theo sự mai mối, sắp đặt của cha mẹ hai phía thông qua sự dàn xếp của người mối lái –“nakoudo” (仲人)là chuyện gần như tuyệt đối. Sau đám cưới, người vợ phải đổi họ theo chồng và chuyển về nhà chồng sống cùng với cha mẹ, anh chị em chồng, trở thành một thành viên trong đại gia đình lớn có thể do người chồng hoặc cha của chồng làm người đứng đầu. Chính hôn nhân truyền thống theo sự sắp đặt, tách biệt hoàn toàn giữa hai khái niệm hôn nhân và tình yêu trong xã hội cũ đã đẩy rất nhiều phụ nữ Nhật Bản vào những tình trạng tiêu cực trong đời sống gia đình như chồng không yêu thương, không quan tâm, đối xử tệ bạc thậm chí là ngoại tình.

Những năm 60 – 70 của thế kỷ XX là thời kỳ phát triển nhanh của nền kinh tế Nhật Bản, sự phát triển của ngoại thương cùng với sự thâm nhập của các hệ tư tưởng, văn hóa Mỹ, phương Tây đã có những ảnh hưởng nhất định đến các tầng lớp dân cư, nhất là đối với tầng lớp thanh niên và giới trí thức. Hôn nhân sắp đặt, đặc biệt là ở các thành phố, khu công nghiệp lớn tập trung đông dân, chỉ còn mang tính hình thức. Song ngày nay vẫn còn khá nhiều cuộc hôn nhân sắp đặt do nhiều ý kiến cho rằng hôn nhân theo sự mai mối, sắp đặt của cha mẹ mới đáp ứng được những đặc thù mang tính dân tộc của Nhật Bản. Hiện nay vẫn có đến 95% phụ nữ đã kết hôn theo họ chồng trong khi luật pháp quy định phụ nữ có quyền giữ nguyên họ.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, trong gia đình Nhật Bản, người chồng có toàn quyền quyết định đối với tài sản gia đình, vợ con cũng như các hoạt động kinh tế, nghỉ ngơi, giải trí của gia đình họ. Người vợ phải chịu nhiều bất bình đẳng, họ chỉ có thể tuân theo, chỉ có quyền thực hiện chứ không có quyền đề xuất kế hoạch. Có chăng chỉ những công việc, kế hoạch nhỏ người vợ mới có thể tự quyết định.Quyền hành của người chồng và sự phụ thuộc của người vợ trong gia đình được luật pháp bảo vệ trong lịch sử đã ảnh hưởng mạnh đến nhận thức xã hội, tâm lý, đạo đức của người Nhật.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những cải cách được tiến hành do áp lực của các lực lượng tiến bộ, các phong trào đòi cải cách dân chủ đã dẫn đến thay đổi những điểm căn bản trong hiến pháp điều chỉnh các mối quan hệ qua lại giữa các cặp vợ chồng, do đó chế độ gia trưởng bị xóa bỏ, quan hệ giữa vợ chồng cũng trở nên bình đẳng hơn. Đối với quan hệ vợ - chồng, các quyền lợi, nghĩa vụ của vợ chồng, chủ quyền sở hữu tài sản trước, trong hôn nhân đều được ghi trong Bộ luật Dân sự (năm 1946)[3].

Trên thực tế sự bình đẳng vợ - chồng tuy được thừa nhận về mặt pháp lý song không có nghĩa là vị trí của người vợ trong gia đình được xem trọng như người chồng. Ở một số vùng nông thôn tại Nhật Bản, nhiều phong tục và quy tắc cổ hủ vẫn còn tồn tại, nam giới vẫn giữ quyền lực tối cao trong mọi lĩnh vực của đời sống, như việc người chồng và con trai được ưu tiên phục vụ trước trong bữa ăn; khi người chồng tiếp khách trong nhà, người vợ dành thời gian phục vụ và phải ăn uống ở trong bếp; phụ nữ lùi lại để chồng đi trước, thậm chí là nhường ghế cho chồng trên tàu điện ngầm…Trong sinh hoạt hàng ngày, thường là những người vợ giúp đỡ chồng mặc áo khoác, đi giày, đội mũ.Trong giao tiếp giữa hai vợ chồng, người vợ trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải dùng những từ rất kính trọng với chồng mình, còn người chồng thì dùng những đại từ nhân xưng và thán từ ít kính trọng hơn để nói với vợ. Người vợ khi nói chuyện, trao đổi trực tiếp với người thứ ba thường đề cao quá mức về chồng mình như “ngài” hoặc “chủ nhân” (shujin/主人). Trong khi đó, những người chồng khi nói về vợ mình thường sử dụng những từ ít kính trọng hơn “kanai” (家内)hoặc “tsuma” (妻). Trong cách nói sử dụng thể mệnh lệnh và cấm chỉ trong tiếng Nhật để buộc hoặc cấm ai đó thực hiện một hành vi nào đó, là các cách nói mang sắc thái mạnh, áp đặt và đe dọa thì chỉ có nam giới mới được dùng khi nói chuyện với nhau hoặc khi nói với vợ con, người có địa vị, tuổi tác thấp hơn. Ví dụ: Hayaku nero (早く寝ろ: Đi ngủ sớm!), Okureruna (遅れるな: Cấm đi muộn!). Quan hệ về mặt tinh thần của phần lớn các cặp vợ chồng Nhật Bản cũng khá tẻ nhạt, họ ít khi tâm sự với nhau về vấn đề công việc hay những hoạt động của họ ngoài xã hội và thường chỉ nói với nhau về vấn đề con cái. Do nhịp độ lao động căng thẳng và áp lực công việc hàng ngày, người chồng thường rời nhà rất sớm và trở về rất muộn trong tình trạng mệt mỏi nên họ thường chỉ muốn đi nghỉ thay vì dành thời gian cho con cái hay hỏi han, tâm sự với vợ.

Bên cạnh những mối quan hệ bất bình đẳng trong gia đình, việc phụ nữ và trẻ em bị đặt dưới sự kiểm soát của người chồng, người cha không chỉ là nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ và trẻ em gái bị đối xử tệ bạc mà còn nghiêm trọng hơn là bị lạm dụng, ngược đãi, đánh đập. Theo thống kê từ Cục Cảnh sát Nhật Bản (National Police Agency - NPA), số vụ bạo hành gia đình được trình báo năm 2015 là 63.141 vụ trên cả nước, tăng 18 lần so với số liệu năm 2001 khi luật chống bạo hành gia đình đầu tiên ở Nhật được ban hành. Năm 2018, số vụ bạo hành gia đình đạt kỷ lục lên tới 77.482 vụ, trong đó nạn nhân là phụ nữ chiếm tới 79,4%[4]. Mặc dù Nhật Bản đã cải thiện hệ thống nhận trình báo và điều tra bạo hành gia đình từ năm 2011 song bạo hành gia đình vẫn là loại tội phạm ít được trình báo nhất mặc dù nó chiếm tới 1/5 trong số các loại tội phạm.Hơn nữa, chỉ có dưới 10% tội phạm bạo hành gia đình bị bắt giữ trong khi số phụ nữ tử vong do bạo lực gia đình ngày càng tăng.

Kết quả từ bảng 2 cho thấy số nạn nhân là nữ chiếm tới hơn 90% trong các vụ bạo hành gia đình Nhật Bản, trong khi đó số trường hợp bị bắt giữ trong các vụ bạo hành chiếm chưa tới 10%. Theo kết quả điều tra do Văn phòng Nội các Nhật Bản tiến hành năm 2008 với nội dung “Khảo sát tình trạng bạo hành giữa nam và nữ” ngẫu nhiên với 5.000 nam nữ độ tuổi trên 20, số phụ nữ trả lời đã từng “nhiều lần” bị chồng bạo hành (tinh thần, thể chất, hành vi giới) là 10,8% (so với 2,9% của nam giới). Số nữ trả lời “vài lần” từng bị chồng bạo hành là 22,4% (so với 14,9% của nam giới), và số nữ trả lời “ít nhất một lần” là 33,2% (so với 17,7% của nam giới). Theo một thống kê khác thì có đến 92,4% nữ giới là nạn nhân của các vụ án hình sự như giết người, gây thương tích, tấn công… do bạn đời gây ra. Ngoài ra hàng năm, số lượng phụ nữ Nhật Bản đến các Trung tâm phòng chống bạo lực gia đình yêu cầu tư vấn đều tăng (tính từ 4/2009 đến 3/2010 đã có tới 72.792 lượt người tới 193 cơ sở tư vấn hỗ trợ khắp cả nước để xin tư vấn)[5].

 

Bảng 2: Số liệu về bạo lực gia đình ở Nhật Bản

(Đơn vị: người)

2009

2010

2011

2012

2013

Tổng số

28.158

33.852

34.329

43.950

49.533

Nạn nhân nữ

27.638

33.056

33.183

41.578

46.252

Trường hợp bị bắt giữ

1.658

2.346

2.424

4.103

4.300

Nguồn: Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (2016), Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2016 tập 2, Nxb Đại học Quốc Gia, tr.436.


3. Bất bình đẳng trong phân công công việc giữa vợ và chồng trong gia đình

Quan niệm cần thiết phải phân chia nghĩa vụ giữa vợ và chồng trong gia đình từ thời xa xưa đã bám rễ trong ý thức người dân, là cơ sở của tư tưởng bất bình đẳng giữa vợ - chồng ở Nhật Bản. Quan niệm của người Nhật nói chung đều cho rằng công việc của người chồng là kiếm tiền ngoài gia đình, còn người vợ là người ở nhà chăm sóc, dạy dỗ con cái, chăm sóc cha mẹ già và làm các công việc nội trợ cũng như quản lý ngân sách gia đình. Chính sự phân công lao động quá rõ ràng như vậy dẫn đến hậu quả là người chồng chỉ biết đến công việc cơ quan, ngược lại người vợ chỉ biết đến công việc trong ngôi nhà của mình. Hết giờ làm việc, người chồng lại đi chơi bời, nhậu nhẹt với bạn bè thay vì về nhà giúp vợ làm việc nhà và chăm sóc con cái. Người vợ phải quen với điều đó và không được ngăn cản chồng. Số không nhỏ các cặp vợ chồng lấy nhau do mai mối lại bị tác động bởi cuộc sống như vậy rất dễ dẫn đến những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống gia đình mà người chịu thiệt thòi đa phần là phụ nữ.

Ngày nay, cùng với sự thay đổi của xã hội, khoảng hơn 60% số phụ nữ có chồng đã đi làm để tăng thêm thu nhập trong gia đình và người chồng dù ít hay nhiều cũng tham gia vào các công việc gia đình. Song tính truyền thống vẫn được bảo lưu khá mạnh và ảnh hưởng tới việc phân công trách nhiệm vợ chồng trong gia đình. Phụ nữ ngoài việc đi làm thêm thì trách nhiệm chính là phải đảm nhận hầu hết mọi công việc không được trả lương tại nhà, đó là việc nhà và nuôi dạy con cái, thời gian làm việc cả ở ngoài xã hội và gia đình nhiều hơn, song thu nhập trung bình của phụ nữ chỉ bằng một nửa so với nam giới. Trên thực tế, mức độ tham gia làm việc nhà của nam giới còn rất hạn chế cả về thời gian và số lượng công việc.Sự tham gia các công việc nhà của đàn ông Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia G7 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo thống kê của OECD năm 2014, phụ nữ Nhật Bản dành 225 phút và đàn ông Nhật Bản dành 31 phút mỗi ngày cho việc nhà và chăm sóc con cái (mức trung bình của OECD là 208 phút đối với phụ nữ và 90 phút đối với đàn ông)[6]. Thông thường người chồng chỉ có thể giúp vợ những việc đơn giản như đổ rác, lau bàn, mua đồ tạp hóa, chơi với con… song tỷ lệ người tham gia không nhiều và tập trung ở những người trẻ tuổi, tần suất của những công việc này cũng chỉ giới hạn từ một đến hai lần trong một tuần và thường vào ngày nghỉ cuối tuần. Nếu so sánh với khối lượng công việc và thời gian tiêu tốn vào việc nhà cũng như chăm sóc con cái của người vợ thì rõ ràng là có sự chênh lệch rất lớn.

Mặt khác, mặc dù tỉ lệ phụ nữ đi làm ngày càng tăng trong những năm gần đây nhưng phần lớn những người vợ thường làm bán thời gian hoặc theo giờ vì còn gánh nặng công việc gia đình nên số tiền họ kiếm được chỉ chiếm một phần nhỏ ngân quỹ trong gia đình so với người chồng. Theo điều tra về thu nhập hộ gia đình, các gia đình mà cả hai vợ chồng cùng đi làm, tính trung bình thu nhập của người chồng chiếm tới hơn 80% tổng thu nhập của hộ gia đình, thu nhập của người vợ thường chỉ đủ chi trả chi phí học tập của con cái. Tỉ lệ hộ gia đình có thu nhập người vợ đóng góp ít hơn 20% chiếm tới 51,1%[7]. Những gia đình có cả hai vợ chồng đi làm lại thường tập trung ở những phụ nữ trên 35 tuổi, khi con cái đã đủ lớn. Nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu do người chồng đảm trách. Từ đó có thể thấy một thực tế là cho dù luật pháp đã thay đổi theo chiều hướng công nhận sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng thì vẫn chưa thực sự có sự đột biến căn bản nào về mặt nhận thức trong xã hội về vấn đề phụ nữ đi làm sau khi có gia đình. Những người phụ nữ có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập thì sự phụ thuộc kinh tế vào người chồng là chủ yếu, đồng nghĩa với việc tiếng nói của họ trong gia đình cũng yếu hơn rất nhiều.

*

*      *

Cũng giống như một số nước phương Đông trong đó có Việt Nam, Nho giáo được du nhập vào Nhật Bản từ rất sớm, ngay từ những thế kỷ sau công nguyên và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống đạo đức, tinh thần của người Nhật Bản. Những quan điểm Nho giáo biểu hiện sự hạ thấp vị trí của người phụ nữ như “công việc nội trợ là thiên chức của phụ nữ”, “đàn bà phải tam tòng” (nghĩa là từ nhỏ cho đến khi qua đời, người phụ nữ, người vợ bao giờ cũng phải phụ thuộc vào một người khác giới cha, chồng hoặc con trai), “phu xướng phụ tòng” (nghĩa là trong gia đình, người chồng đề xướng người vợ làm theo, người vợ chỉ có quyền thực hiện chứ không có quyền đề xuất kế hoạch)…  đã ăn sâu vào suy nghĩ, tư tưởng của nhiều người Nhật cho đến tận ngày nay, là nguyên nhân sâu xa khiến cho tình trạng bạo lực gia đình, mà nạn nhân chủ yếu là người phụ nữ, vẫn còn xuất hiện khá phổ biến trong xã hội Nhật Bản. Trong suy nghĩ của đại bộ phận người dân Nhật Bản thì mối quan hệ gia đình của họ được phản ánh là người chồng là trụ cột trong gia đình, là người duy nhất phải kiếm tiền nuôi gia đình, còn người vợ là người nội trợ. Chính quan điểm xã hội về phân chia vai trò theo giới đã đặt lên vai người phụ nữ trách nhiệm đối với công việc gia đình và chăm sóc con cái, khiến họ bị cản trở tham gia các hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội, ngay cả với những người có nền tảng giáo dục cao.

Không những thế, xã hội còn đánh giá thấp ý nghĩa của các công việc gia đình, làm cho nam giới thiếu động lực trong việc chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ. Trong tiếng Nhật, từ “kanai” (かない) có nghĩa là “vợ” được phiên âm từ chữ Hán là “家内” (gia nội) nghĩa là “trong nhà”. Chính quan niệm phân chia nghĩa vụ trong gia đình như “không gian của đàn ông là ở bên ngoài xã hội; không gian của phụ nữ là ở trong ngôi nhà của mình” hay “đàn ông thì công việc, phụ nữ thì gia đình”… đã ăn sâu bám rễ trong ý thức của người dân Nhật Bản khiến họ có cái nhìn định kiến về năng lực và vai trò của phụ nữ trong xã hội; đồng thời khiến chính những người phụ nữ tự mặc định vai trò của mình trong gia đình, cam chịu và an phận theo sự sắp xếp của xã hội và người chồng. Người phụ nữ Nhật Bản trong xã hội hiện đại dù là người ở nhà làm nội trợ toàn thời gian hay tham gia thị trường lao động đều phải đảm bảo vai trò chăm sóc và giáo dục con cái từ việc nấu ăn, đưa đón con đi học, nói chuyện với các con... Môi trường công việc với thời gian làm việc dài, thời gian bắt buộc không theo qui tắc, cơ chế tạo điều kiện vừa chăm sóc con cái vừa làm việc còn thiếu, thiếu nơi gửi trẻ…khiến phụ nữ rất khó có thể tiếp tục công việc sau khi kết hôn và sinh con.

Nguyên nhân căn bản dẫn tới nhận thức xã hội về vấn đề bất bình đẳng giới chưa thấu đáo một phần do công tác tuyên truyền và vấn đề pháp lý về bất bình đẳng giới còn nhiều hạn chế, chưa thiết thực, chưa phù hợp, nên hiệu quả nâng cao nhận thức của người dân còn hạn chế. Trong Luật Cơ bản xã hội về bình đẳng giới, ban hành năm 1999 và nhiều lần sửa đổi, bổ sung sau đó cũng không có khái niệm nào về bất bình đẳng giới. Các quy định của luật này liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm còn chung chung, không bắt buộc bất kỳ trách nhiệm nào đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và thiếu các điều khoản cho một hệ thống giám sát việc thực thi luật trong thực tế. Báo chí, truyền thông Nhật Bản cũng hạn chế đề cập hay tuyên truyền về vấn đề bất bình đẳng giới, do đó rất khó để tìm kiếm khái niệm và các số liệu liên quan đến “bất bình đẳng giới”, “bạo lực gia đình” hay “lạm dụng tình dục” trên các trang báo mạng Nhật Bản. Báo chí Nhật Bản cũng thường tránh gọi những người phụ nữ đã có chồng theo họ và tên của họ mà chỉ đề cập đến họ như là vợ, là phu nhân của một nhân vật nào đó. Tại Nhật Bản, vấn đề bạo lực và lạm dụng tình dục đối với phụ nữ vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn dẫn đến nhiều lỗ hổng trong công tác tuyên truyền, giáo dục vấn đề này. Trước đây đã có rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình bao gồm bạo lực tinh thần và bạo lực thể chất, song rất ít trong số họ dám nhắc đến và nhận được trợ giúp từ phía chính quyền bởi đây là “điều cấm kỵ” trong xã hội. Khi xảy ra bạo lực trong gia đình quan điểm của xã hội mà cụ thể là cơ quan cảnh sát, nơi phụ trách vấn đề an ninh, cũng không đứng về phía người vợ bởi bạo lực được coi là cuộc tranh cãi trong quan hệ vợ - chồng mà cảnh sát không nên can thiệp và nếu người vợ tố cáo người chồng thì có nghĩa là người cha của các con sẽ là tội phạm. Do vậy, rất ít người vợ dám lên tiếng về bạo lực từ chồng vì con cái và thanh danh gia đình.

Ngoài ra, tác động của văn hóa lao động tại các công ty, doanh nghiệp ở Nhật Bản với thời gian làm việc kéo dài nhiều giờ trong ngày là mấu chốt đưa đến sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Nhật Bản vào thập niên 60, 70 thế kỷ XX, song cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong đời sống tinh thần của các gia đình Nhật Bản. Chính nhịp độ lao động căng thẳng và áp lực công việc chồng chất mỗi ngày, người chồng thường buộc phải làm việc đến khuya, sau giờ làm việc họ đi uống rượu và giải trí với bạn bè hoặc đồng nghiệp cùng cơ quan để thư giãn và để công việc tiến triển tốt đẹp hơn thông qua việc củng cố các mối quan hệ. Họ thường trở về nhà rất muộn, thường là sau 9, 10 giờ tối, vào lúc đó họ cũng chẳng còn thời gian vui chơi với con cái hay dạy con học vì con cái họ đã đi ngủ. Khi đi làm về, với thể trạng mệt mỏi, họ chỉ còn đủ thời gian tắm rửa, ăn tối rồi đi ngủ để tiếp tục ngày làm việc vào hôm sau thay vì hỏi han, trò chuyện với vợ. Nam giới Nhật Bản thường rất coi trọng sự nghiệp và nơi làm việc, ưu tiên hàng đầu đối với họ là công việc chứ không phải gia đình. Điều này xuất phát từ bối cảnh khủng hoảng kinh tế Nhật Bản những năm 1990, sức ép cạnh tranh nơi làm việc càng lớn hơn nhiều, đòi hỏi nam giới nếu muốn thăng tiến trong sự nghiệp thì phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian cho công việc, do đó họ gần như không tham gia giúp đỡ, hỗ trợ vợ của mình trong các công việc gia đình cũng như nuôi dạy con cái.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Mạnh Cát (2004), Gia đình Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Trần Thị Nhung (2013), Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về những biến đổi xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu Khoa học (2009), Tuyển tập hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb Thống kê, Hà Nội.

4. Nguyễn Hồng Vân (2014), “Thực trạng gia đình Nhật Bản từ năm 1990 đến nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12(166) 12 – 2014.

5. Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (2016), Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2016 tập 2: Văn hóa – Xã hội – Môi trường, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

6. Sawako Shirahase, Wife economic contribution to the household in Japan, Đại học Tsukuba, Tokyo, 5/2003.

7.シャジニナ・ハンナ (2016),『日本女性の社会地位に関する歴史的研究位』、広島大学 (Shazinina Hannah (2016), Nghiên cứu lịch sử về địa vị xã hội của phụ nữ Nhật Bản, Đại học Hiroshima).

 



[1]ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học (2009), Tuyển tập hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb Thống kê, Hà Nội.

[3] Nguyễn Hồng Vân (2014), “Thực trạng gia đình Nhật Bản từ năm 1990 đến nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12 (166) 12 – 2014.

[4] “Cases of domestic violence reached record high, male victims increased”, http://www.asahi.com/ajw/articles/.

[5] Trần Thị Nhung (2013), Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về những biến đổi xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 54.

[6]シャジニナ・ハンナ (2016), “日本女性の社会地位に関する歴史的研究位”, 広島大学 (Shazinina Hannah (2016), Nghiên cứu lịch sử về địa vị xã hội của phụ nữ Nhật Bản, Đại học Hiroshima).

[7]Sawako Shirahase, Wife economic contribution to the household in Japan, Đại học Tsukuba, Tokyo, 5/2003.

 

0thảo luận