Trang chủ

Chính sách bảo vệ và ủng hộ Đài Loan của Mỹ giai đoạn 1953-1965 và tác động của nó tới tình hình chính trị, quân sự, ngoại giao của Đài Loan thời kỳ này

Đăng ngày: 20-02-2023, 10:12 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 10

Trần Thị Hạnh Lợi1

 

 

Tóm tắt: Đài Loan là nơi trú chân của lực lượng Quốc dân Đảng sau thất bại trong nội chiến Trung Quốc (1949). Với vị trí chiến lược quan trọng, sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Đài Loan đã được Mỹ tăng cường hỗ trợ nhằm biến nơi đây thành tiền đồn chống lại ảnh hưởng của cộng sản từ Trung Quốc đại lục. Để xây dựng Đài Loan trở thành điểm then chốt trong phòng tuyến ngăn chặn cộng sản ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đã đẩy mạnh các chương trình viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền này. Nhờ vậy, chính quyền Đài Loan đã trang bị được cho mình sức mạnh quân sự vượt bậc, đồng thời giúp Trung Hoa Dân quốc giữ vững vị trí của mình trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong suốt thời gian này.

Từ khóa: Đài Loan, chính sách của Mỹ, Trung Quốc, Trung Hoa Dân quốc

 

 

Đ

ài Loan là một vùng lãnh thổ có lịch sử lâu đời, gắn liền với sự có mặt của nhiều quốc gia khác nhau như Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vùng đất này được đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Trung Hoa Dân quốc. Năm 1949, khi mất quyền kiểm soát Trung[1]Quốc đại lục, Quốc dân Đảng đã rút đến Đài Loan và xây dựng chính quyền tại đó.Trong thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, cùng với sự hỗ trợ của Mỹ, kinh tế Đài Loan đã từng bước phục hồi và phát triển.

Có thể thấy rằng, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan là chính sách của một quốc gia lớn cả về diện tích, tiềm lực và vị thế với một vùng lãnh thổ có diện tích nhỏ nhưng sở hữu vị trí chiến lược. Xét về mặt vị trí và sức mạnh kinh tế, Đài Loan và Mỹ không có sự tương đồng.Tuy nhiên, do Đài Loan có vị trí đặc biệt trong chiến lược của Mỹ tại châu Á- Thái Bình Dương kể từ Chiến tranh Triều Tiên nên Đài Loan đã trở thành đối tượng được quan tâm trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Mỹ.

Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan được thực thi ngay sau khi chính quyền Trung Hoa Dân quốc dời đến Đài Loan. Trong thời gian đầu Chính phủ Mỹ đã thi hành chính sách không can thiệp. Tuy nhiên, khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, với những tính toán mới, Mỹ chuyển sang trung lập hóa eo biển Đài Loan. Chính sách này được duy trì cho đến hết Chiến tranh Triều Tiên thì được đẩy mạnh bằng việc tăng cường các biện pháp để bảo vệ và hỗ trợ cho Đài Loan, nhằm xây dựng Đài Loan thành một vị trí vững chắc, đủ sức mạnh để kiềm chế Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa).

1. Vị trí của Đài Loan trong chính sách của Mỹ

Trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đài Loan có vị trí cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, Đài Loan là hòn đảo có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, là giao điểm của hai vùng chiến lược quan trọng Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Theo các nhà chiến lược quân sự, quốc gia nào nắm chắc được Đài Loan sẽ có sức ảnh hưởng lớn ở khu vực Viễn Đông, có thể tự do đi lại trên vùng phía Tây Thái Bình Dương. Đặc biệt là quốc gia đó có thể tiến hành các cuộc tấn công cơ động trên quy mô lớn nếu chiến sự xảy ra trong khu vực. Tướng Douglas MacArthur đã từng nói: “Đài Loan là phòng tuyến của Mỹ ở Thái Bình Dương… có thể trở thành một hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm”[2]. Tướng George C. Marshall cũng cho rằng “nếu để Đài Loan rơi vào tay Cộng sản Trung Quốc thì sẽ là điều đặc biệt nguy hiểm với Mỹ”[3]. Biên bản ghi nhớ của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về vấn đề Viễn Đông, Dean Rusk gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Dean Gooderham Acheson ngày 30/5/1950 cũng đã nêu rõ: “Đài Loan có ưu thế vượt trội so với một số vị trí khác. Hòn đảo nàykhông bị ảnh hưởng trực tiếp của Liên Xô và được Mỹ bảo vệ nhưng hiện đang do những người đồng minh phi cộng sản của chúng ta nắm giữ. Tình trạng pháp lý của Đài Loan chưa được xác định và hòn đảo này đang chịu sự đe dọa cả từ phía CHND Trung Hoa và Liên Xô”[4].

Mặt khác, hòn đảo này được Mỹ coi là cái “then cửa” để hải quân Trung Hoa tiến ra Thái Bình Dương. Vì vậy, nắm được Đài Loan, Mỹ có thể ngăn chặn được sự lan tràn của cộng sản từ Trung Quốc đại lục đến châu Á - Thái Bình Dương. Có thể nói rằng, giá trị lớn nhất của Đài Loan chính là vị trí chiến lược mà hòn đảo này có được. Vì vậy, hòn đảo này đã rơi vào tầm ngắm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ từ cuối những năm 40 của thế kỷ XX. Tại thời điểm chính quyền Quốc dân Đảng chạy ra Đài Loan, Trung Hoa Dân quốc vẫn chiếm một trong 5 ghế ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là đại diện duy nhất của Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế. Do đó, ngay cả khi Mỹ quyết định không can thiệp vào vấn đề Trung Quốc hay trung lập hóa eo biển Đài Loan thì chính phủ nước này vẫn coi Đài Loan như một tài sản chiến lược quan trọng không được phép rơi vào quyền kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh. Tổng thống H. Truman đã nhấn mạnh: “Việc CHND Trung Hoa chiếm giữ Đài Loan sẽ trực tiếp uy hiếp đến sự an toàn của khu vực Thái Bình Dương, đồng thời uy hiếp hoạtđộng của hải quân Mỹ nên tôi đã điều động Hạm đội 7 của Mỹ bảo vệ Đài Loan trước mọi sự tấn công từ bên ngoài”[5].Lời tuyên bố này một lần nữa đã khẳng định thái độ của Mỹ quyết tâm nắm lấy Đài Loan với tư cách là một tài sản chiến lược có giá trị của Mỹ tại châu Á.

Như vậy, Đài Loan là quân cờ chiến lược được Mỹ sử dụng để ngăn chặn Trung Quốc. Hòn đảo này trở thành mắt xích quan trọng trong “con đê” chống “làn sóng” cộng sản ở châu Á của Mỹ.

2. Chính sách bảo vệ và ủng hộ Đài Loan của Mỹ giai đoạn 1953-1965

Lý do cơ bản dẫn đến việc Mỹ thay đổi chính sách trung lập hóa biển Đài Loan bằng chính sách hỗ trợ tích cực cho Đài Loan chính vì mục tiêu chống cộng sản. Sự lớn mạnh của CHND Trung Hoa và hệ thống chủ nghĩa xã hội trên thế giới trở thành mối đe dọa lớn đến chiến lược toàn cầu của Mỹ. Hơn lúc nào hết, Chính phủ Mỹ thấy cần phải đẩy mạnh cuộc chiến chống sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản nói chung, CHND Trung Hoa nói riêng. Hơn nữa việc Mỹ “hủy bỏ địa vị trung lập của Đài Loan… là cách để Mỹ tăng cường sức ép với cộng sản Trung Quốc, buộc họ phải sớm kết thúc chiến tranh ở Triều Tiên”[6]. Hay nói cách khác, từ bỏ trung lập hóa để chuyển sang chính sách bảo vệ và ủng hộ Đài Loan chủ yếu để đảm bảo cho phòng tuyến chống cộng ở châu Á - Thái Bình Dương chứ không có nghĩa là tạo điều kiện cho Đài Loan tấn công chiếm lại đại lục. Vì vậy, việc bảo vệ Đài Loan được Chính phủ Mỹ đẩy mạnh.

Điểm mấu chốt trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan giai đoạn này tập trung vào ba vấn đề chính: (i) tăng cường ảnh hưởng chính trị của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc trên trường quốc tế; (ii) củng cố lực lượng quân đội sẵn sàng chiến đấu và đảm bảo các biện pháp an ninh cho Đài Loan; (iii) củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc[7] và Mỹ[8].

Với chính sách bảo vệ và ủng hộ Đài Loan, Chính phủ Mỹ đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động viện trợ kinh tế, quân sự nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh cho hòn đảo này.

Về kinh tế, ngày 15/1/1955, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) đã chính thức thông qua bản báo cáo Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc. Theo báo cáo, việc Mỹ hỗ trợ kinh tế cho Đài Loan giai đoạn này nhằm những mục tiêu cơ bản sau:(1) hỗ trợ tài chính để tăng cường sức mạnh quân sự cho Chính phủ Trung Hoa Dân quốc thông qua tổ chức Phái bộ cố vấn quân sự (MAAG);(2)tăng cường năng lực kinh tế cho Đài Loan thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp và công nghiệp; (3)duy trì sự ổn định kinh tế[9].

Căn cứ vào mục tiêu nêu trên, Chính phủ Mỹ đã đề ra kế hoạch viện trợ kinh tế cho Đài Loan. Trong giai đoạn 1953-1965, Mỹ đã cung cấp cho chính Quyền Đài Loan 1,228 triệu USD[10]. Mỹ hy vọng sự hỗ trợ này sẽ tạo cho Đài Loan một sự ổn định và phát triển kinh tế, qua đó phục vụ cho những mục tiêu của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với việc cung cấp nguồn tài chính, năm 1959, Chính phủ Mỹ cũng đã đề xuất một kế hoạch phát triển kinh tế gồm 19 điểm với mục đích giúp nền kinh tế Đài Loan phát triển độc lập, giảm bớt sự phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ. Tháng 1/1960, chính quyền Quốc dân Đảng đã chấp thuận kế hoạch này.

Năm 1961, Phó Tổng thống Mỹ L. Johnson đến thăm Đài Loan.Ông hết sức bất ngờ với sự phát triển của Đài Loan, nhất là về kinh tế. Chính điều này đã ảnh hưởng đến quyết định về chương trình viện trợ kinh tế của Mỹ dành cho Đài Loan sau khi L. Johnson lên cầm quyền. Ngày 28/5/1964, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nền kinh tế Đài Loan đã đủ sức phát triển một cách độc lập, do đó, Mỹ sẽ ngừng các hoạt động viện trợ kinh tế vào ngày 30/6/1965. Đến ngày 14/1/1965, Tổng thống L. Johnson tiếp tục khẳng định quan điểm này trong Thông điệp liên bang[11]. Như vậy, đến hết tháng 6/1965, hoạt động viện trợ kinh tế của Mỹ dành cho Đài Loan chấm dứt. Mỹ chỉ còn duy trì việc hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp dư thừa theo Luật công 480.

Về quân sự, song song với việc đẩy mạnh hỗ trợ kinh tế để phát triển Đài Loan, Mỹ tích cực cung cấp viện trợ quân sự nhằm xây dựng Đài Loan thành vị trí tiền đồn vững chắc trong hệ thống phòng tuyến chống cộng ở châu Á. Nguồn viện trợ quân sự chủ yếu là tài chính và vũ khí, phương tiện chiến tranh.

So với viện trợ kinh tế, nguồn viện trợ quân sự chiếm tỷ lệ tương đối lớn với số lượng ngày càng tăng nhanh. Nếu như những năm 1950-1952, nguồn ngân sách hỗ trợ cho quân sự Đài Loan của Mỹ là 52,6 triệu USD, thì đến năm 1953 là 209,8 triệu USD[12].

Ngày 2/12/1954, Hiệp ước quốc phòng Mỹ - Đài đã được ký kết là cột mốc đánh dấu việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Đài Loan. Cùng với đó, Chính phủ Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động viện trợ cho Chính quyền Tưởng Giới Thạch. Ngày 6/7/1956, Ủy ban liên ngành đã có bản báo cáo về chương trình viện trợ của Mỹ cho Đài Loan. Theo đó, Ủy ban này tỏ ra lo ngại về tính hiệu quả của các nguồn viện trợ. Do vậy, Chính phủ Mỹ nên cân nhắc việc có nên tiếp tục viện trợ quân sự cho Đài Loan hay hướng tới sự cải tổ chính lực lượng quân đội của họ. Tuy nhiên, Hiệp ước tương trợ quốc phòng đã ngấm ngầm tạo nên sự ràng buộc của Chính phủ Mỹ đối với việc bảo vệ Đài Loan. Vì vậy, trước sự đe dọa của CHND Trung Hoa, Chính phủ Mỹ vẫn phải tiếp tục xem xét một chương trình hỗ trợ quốc phòng cho Đài Loan. Ngày 3/1/1957, Mỹ và Đài Loan đã đạt được thỏa thuận về việc xây dựng sân bay cho loại máy bay ném bom chiến lược B52[13]. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn cung cấp cho Đài Loan tên lửa Matador nhằm đảm bảo tối đa khả năng chống lại CHND Trung Hoa.Đây là loại vũ khí rất hiện đại vì nó vừa mang đầu đạn thông thường vừa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Một cuộc tập trận chung giữa Mỹ - Đài Loan và Hàn Quốc cũng đã được triển khai nhằm kiểm tra khả năng của tên lửa Matador[14].

Vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển lần thứ hai, người Mỹ còn trang bị thêm cho quân đội Đài Loan các loại máy bay hiện đại như F86, F100 và tên lửa không đối không Sidewinder[15]. Có thể thấy rằng, mặc dù người Mỹ không ủng hộ việc Trung Hoa Dân quốc tìm cách phản công đại lục, song họ vẫn giữ cam kết bảo vệ Đài Loan khi bị CHND Trung Hoa đe dọa. Năm 1958, Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố sẽ đào tạo cho Quốc dân Đảng một lực lượng sẵn sàng chiến đấu gồm 3000 người để kịp thời đối phó với mọi tình huống khẩn cấp có thể xảy ra[16]. Ngoài ra, tháng 3/1958, Chính phủ Mỹ tiếp tục triển khai việc cung cấp tên lửa và đào tạo lực lượng sử dụng loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân cho quân đội Đài Loan.

Về nguồn tài chính, từ cuối thập niên 1950, NSC đã bắt đầu có xu hướng giảm nguồn viện trợ cho Đài Loan. Bởi trên thực tế, những chi phí quân sự cho Đài Loan trở thành gánh nặng lớn cho ngân sách hàng năm của Mỹ. Tuy nhiên, toàn bộ chi phí quân sự cho Đài Loan giai đoạn 1956-1960 là khoản viện trợ không hoàn lại với số tiền 1064,3 triệu USD[17].

Ngày 24/7/1959, trong biên bản ghi nhớ gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng McElroy, Arleigh Burke - người đứng đầu lực lượng Hải quân Mỹ đã đề xuất: để đối phó với sự tấn công của CHND Trung Hoa, Chính phủ Mỹ hoặc là sẽ hỗ trợ cho Chính phủ Trung Hoa Dân quốc bằng cách cung cấp tài liệu, tin tức tình báo, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo lực lượng mà không đưa lực lượng trực tiếp chiến đấu tham gia, hoặc là sẽ sử dụng lực lượng chiến đấu Mỹ để chống lại các cuộc tấn công của nước này[18]. Tiếp đó, ngày 11/5/1960, Mỹ tiếp tục cung cấp cho Đài Loan máy bay chiến đấu F.104 và tiến hành các cuộc tập trận chung giữa quân đội hai bên. Đến tháng 2/1964, những chiếc máy bay hiện đại đời mới của F.104 là F.104C cũng đã được đưa đến Đài Loan[19]. Như vậy, với một hệ thống vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại do Mỹ cung cấp cùng với một lực lượng quân đội được trang bị và đào tạo bài bản, Mỹ càng tin tưởng hơn vào “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm” này.

Trong những năm cuối những năm1960, Mỹ giảm dần viện trợ quân sự cho Đài Loan.Hành động giảm viện trợ của Mỹ bắt nguồn từ những tính toán mới của Mỹ trong việc cải thiện quan hệ Mỹ - Trung.Có thể coi đây là những động thái tích cực cho hướng đi mới của Chính phủ Mỹ tại châu Á.Điều này đã đặt Đài Loan trước những thử thách mới trong việc duy trì được sức mạnh để chống lại CHND Trung Hoa.

Về chính trị, ngoại giao, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan trong những năm 1954-1955 và 1958 đã khiến Đài Loan càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ nước Mỹ. Hơn lúc nào hết Chính phủ Mỹ nhận thức được sự nguy hiểm vô cùng lớn cho phòng tuyến chống cộng sản của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương nếu Đài Loan bị rơi vào tay Trung Quốc.

Trước cuộc khủng hoảng eo biển lần 2, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ J. Dulles đã tiếp tục trình bày quan điểm về thái độ của nước Mỹ đối với CHND Trung Hoa. Theo đó, ông khẳng định rằng “chúng tôi không mở rộng việc công nhận ngoại giao tới chế độ Cộng sản Trung Quốc. Chúng tôi phản đối CHND Trung Hoa ngồi vào ghế tại Liên Hợp Quốc…”[20].Quan điểm này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ vẫn nhất quán với chính sách bảo vệ vị trí của Trung Hoa Dân quốc tại Liên Hợp Quốc.Chính phủ Mỹ đã nhận thức rõ việc công nhận CHND Trung Hoa và để chính quyền Bắc Kinh gia nhập Liên Hợp Quốc sẽ “khiến cho một chính quyền cộng sản có được vị trí tại Liên Hợp Quốc.Điều đó sẽ không có lợi cho Mỹ hoặc Liên Hợp Quốc”[21]. Vì vậy, trong bức điện gửi Bộ Ngoại giao vào ngày 17/5/1956, Ngoại trưởng Mỹ J. Dulles đã viết: “Mỹ hy vọng các quốc gia “tự do” trên thế giới sẽ hợp tác trong việc giữ gìn địa vị quốc tế của Chính phủ Trung Hoa Dân quốc và sẽ không có hành động gì làm gia tăng thêm uy tín và ảnh hưởng của CHND Trung Hoa. Chính phủ Trung Hoa Dân quốc được 44 quốc gia công nhận, trong đó nước Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Trung Hoa Dân quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”[22].

Tại một cuộc họp báo vào tháng 4/1961 sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Harold Macmillan, Tổng thống J. Kennedy đã phát biểu: “Tôi đã bày tỏ quan điểm rõ ràng tới Thủ tướng H. Macmillan: Mỹ sẽ tiếp tục đáp ứng các cam kết với người dân và Chính phủ ở Đài Loan… Tôi muốn nhân cơ hội này để nhấn mạnh rằng nước Mỹ ủng hộ duy nhất Chính phủ Trung Hoa Dân quốc với tư cách là hội viên tại Liên Hợp Quốc, nước Mỹ vẫn tiếp tục phản đối việc CHND Trung Hoa gia nhập vào Liên Hợp Quốc” [23].

Với quan điểm này, tháng 8/1961, trong cuộc gặp gỡ với Phó Tổng thống Đài Loan Trần Thành tại Mỹ, Tổng thống J. Kennedy đã khẳng định lập trường cứng rắn của Mỹ đối với vấn đề đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc: “Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ việc Trung Hoa Dân quốc là đại diện hợp pháp của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, với tư cách là một thành viên sáng lập. Mỹ cũng sẽ quyết tâm phản đối đến cùng việc kết nạp CHND Trung Hoa vào Liên Hợp Quốc”[24].

Cùng với việc bảo vệ vị trí của Trung Hoa Dân quốc, Chính phủ Mỹ cũng tỏ rõ thái độ phản đối việc CHND Trung Hoa gia nhập Liên Hợp Quốc bất chấp mọi nỗ lực của chính phủ này và với sự ủng hộ của Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống L. Johnson lên nắm quyền thái độ phản đối của Mỹ đối với việc CHND Trung Hoa gia nhập Liên Hợp Quốc đã có sự thay đổi. Nếu trước đây Mỹ kiên quyết bảo vệ vị trí duy nhất tại Liên Hợp Quốc cho Trung Hoa Dân quốc, thì nay chính quyền L. Johnson tỏ ý rằng Mỹ không phản đối việc CHND Trung Hoa tham gia vào Liên Hợp Quốc. Điều kiện cho quyết định này là Trung Hoa Dân quốc sẽ không bị trục xuất khỏi vị trí hiện tại[25].

Như vậy, trong suốt hai thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, Chính phủ Mỹ luôn chống lại việc CHND Trung Hoa gia nhập Liên Hợp Quốc. Điều này thể hiện rõ chính sách bảo vệ Đài Loan của Mỹ, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung. Chính sách này của Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, chính trị, quân sự Đài Loan trong giai đoạn này.

3. Tác động từ chính sách của Mỹ tới tình hình Đài Loan những năm 1950, 1960

Sau khi Cách mạng Tân Hợi kết thúc, Trung Hoa Dân quốc được thành lập theo thể chế cộng hòa, trong đó tổng thống là nguyên thủ quốc gia. Khi dời đến Đài Loan, chính quyền Quốc dân Đảng vẫn tiếp tục duy trì thể chế cộng hòa và hiến pháp Trung Hoa Dân quốc. Để có đủ sức mạnh chuẩn bị cho việc quay trở lại Đại lục, chính quyền Quốc dân Đảng một mặt ổn định tình hình chính trị, địa lý hành chính, tiến hành các biện pháp khôi phục kinh tế và chương trình cải cách ruộng đất, mặt khác tích cực tiến hành các hoạt động đối ngoại nhằm khẳng định vị thế của mình.

Trong thời gian đầu, để đủ sức mạnh chống lại CHND Trung Hoa và có thể trở lại Đại lục, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã tìm cách dựa vào Mỹ. Điều này hết sức quan trọng đối với Đài Loan, bởi trong quan điểm của Tưởng Giới Thạch, việc chính quyền Trung Hoa Dân quốc chuyển đến Đài Loan “không phải để tạo ra một chính phủ lưu vong hay là một vị trí chiến lược của Mỹ. Đài Loan chỉ là nơi tập hợp lực lượng và là chỗ trú chân tạm thời của Quốc dân Đảng để họ chuẩn bị mọi mặt cho cuộc phản công Đại lục”[26].Đồng thời, Tưởng Giới Thạch còn có ý định xây dựng một liên minh chống cộng sản với các quốc gia ở châu Á thân Mỹ như Hàn Quốc, Philippines. Tưởng Giới Thạch hy vọng có được sự ủng hộ của Mỹ và liên minh chống cộng sẽ ngăn chặn được làn sóng cộng sản từ đại lục có thể tràn sang Đài Loan bất cứ lúc nào, đồng thời ngăn cản việc chính quyền Bắc Kinh sẽ thay thế họ làm đại diện hợp pháp của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Do vậy dựa vào Mỹ, Tưởng Giới Thạch hy vọng sẽ nhanh chóng lấy lại được đại lục từ tay cộng sản.

Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan đã nỗ lực vượt bậc để xây dựng và phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường mở rộng ảnh hưởng ra các khu vực khác bằng các chương trình hợp tác kinh tế, kỹ thuật. Các chương trình này bắt đầu ở châu Phi sau đó mở rộng sang khu vực khác của thế giới. Những hoạt động này được tiến hành mà không bị chi phối bởi áp lực chính trị hay những điều kiện ràng buộc nào. Chính nhờ những hoạt động kinh tế đối ngoại mang tính tích cực đó mà Đài Loan đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Đài Loan đã thu được những thành tựu quan trọng trong hoạt động đối ngoại. Số lượng quốc gia công nhận Đài Loan trong những năm 1960 cao hơn so với Trung Quốc đại lục. Đến cuối năm 1970, vẫn có 71 quốc gia công nhận Trung Hoa Dân quốc và chỉ 48 nước đứng về phía CHND Trung Hoa[27]. Điều này đã giúp Đài Loan giữ vững vị trí của mình tại Liên Hợp Quốc cho đến năm 1971.

Đối với việc xây dựng lực lượng quân đội, cho đến khi cuộc Nội chiến Trung Quốc kết thúc, Quốc dân Đảng rút ra đảo Đài Loan, tình hình quân đội Quốc dân Đảng rất xấu. Trong tình trạng lực lượng mỏng, thiết bị phần lớn hỏng hoặc kém chất lượng…, sức chiến đấu của quân Tưởng xuống đến mức thấp nhất. Chính quyền Đài Loan như nằm trên chảo lửa khi quân đội Trung Quốc đại lục đã sẵn sàng cho cuộc tấn công. Nhưng ngay sau khi Mỹ tuyên bố viện trợ trở lại cho Đài Loan, Hạm đội 7 và MAAG đến Đài Loan thì lực lượng phòng thủ của chính quyền này như được tái sinh. Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, chính quyền Tưởng đã tái cơ cấu lại quân đội với đầy đủ các lực lượng hải, lục, không quân, cùng một khối lượng lớn vũ khí và trang thiết bị chiến tranh do Mỹ cung cấp. Quân đội được tổ chức chính quy, chặt chẽ. Luật binh dịch được thực thi nhằm tăng cường lực lượng binh sĩ người Đài Loan. Một loạt căn cứ huấn luyện được xây dựng để đào tạo các sĩ quan cấp dưới. Đội ngũ sĩ quan quân đội của Tưởng Giới Thạch tăng nhanh về chất lượng nhờ một loạt các sĩ quan và nhân viên kỹ thuật các binh chủng hải quân, không quân, thiết giáp và tên lửa được đưa sang Mỹ đào tạo. Bên cạnh những viện trợ kỹ thuật từ Mỹ, chính quyền Tưởng Giới Thạch cũng đã cho xây dựng các công binh xưởng sản xuất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vũ khí cho quân đội.

Có thể thấy, nguồn viện trợ của Mỹ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của quân đội Quốc dân Đảng. Trong những năm 1951-1953, Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ tới 382,9 triệu USD để xây dựng quân đội Đài Loan. Nhờ có số tiền này mà quân đội Đài Loan được tái cơ cấu với 21 sư đoàn (mỗi sư đoàn khoảng 10.000 lính), ước tính hiệu suất chiến đấu đạt khoảng 40% (theo tiêu chuẩn Mỹ), một lực lượng hải quân với hiệu suất chiến đấu đạt khoảng 40% và một lực lượng không quân đạt hiệu suất chiến đấu khoảng 35%[28]. Như vậy, việc Mỹ tăng cường viện trợ và thay đổi chính sách đối với Đài Loan đã không chỉ góp phần tăng cường lực lượng quốc phòng cho hòn đảo này mà “thông qua chỉnh quân lần này, cơ bản chấm dứt được các nạn ăn chặn, ăn bớt, “hút máu lính”, cải thiện rất nhiều về mặt tuổi quân, trình độ văn hóa, phẩm chất của sĩ quan…”[29]. Từ đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao khả năng phòng thủ cho hòn đảo này.

Song song với các chương trình viện trợ, Mỹ còn ra sức bảo vệ vị trí của Trung Hoa Dân quốc tại Liên Hợp Quốc. Do đó, từ năm 1949 đến năm 1971, vị trí của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc do Trung Hoa Dân quốc nắm giữ. Tuy nhiên, khi Mỹ chuyển hướng xích lại gần CHND Trung Hoa, vị trí đó bị lung lay.Ngày 25/10/1971, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa XXVI đã biểu quyết về quyền đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.Kết quả Trung Hoa Dân quốc bị trục xuất khỏi Liên Hợp Quốc và thay vào đó là CHND Trung Hoa[30].

4. Kết luận

Với mục tiêu ngăn chặn làn sóng cộng sản lan tràn ở châu Á, từ sau Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã thi hành chính sách bảo vệ và hỗ trợ cho Đài Loan. Để thực hiện điều này, Chính phủ Mỹ đã tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền của Tưởng Giới Thạch. Nhờ vậy, nền kinh tế, quân sự của Đài Loan không ngừng lớn mạnh, là trở ngại lớn cho CHND Trung Hoa trên con đường mở rộng ảnh hưởng ra châu Á - Thái Bình Dương.  Đặc biệt trong bối cảnh đối đầu Mỹ- Trung, Đài Loan đã trở thành pháo đài vững chắc trong phòng tuyến chống cộng của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước.

Ngoài ra, với sự hậu thuẫn của Mỹ, cũng trong giai đoạn này chính quyền Đài Loan đã được giữ vai trò là đại diện cho Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tạo cho mình được một vị trí vững chắc với tư cách là một trong 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.  Mặc dù Mỹ thay đổi chính sách đối với Đài Loan nhưng chính quyền này vẫn tiếp tục đứng vững và phát triển mọi mặt trong các thập kỷ tiếp theo. Có thể nói, sự phát triển của Đài Loan trong những năm1950,1960cũng như sau đó đã để lại cho các nước những bài học kinh nghiệm về việc phát huy nội lực trong nước, vận dụng tốt những yếu tố bên ngoài để phát triển kinh tế cũng như củng cố quốc phòng, an ninh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Diệp Vĩnh Liệt (2001), Những nhân vật lịch sử Trung Quốc hiện đại, Tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin.

2. Hoàng Gia Thụ (2014), Đài Loan - Tiến trình hóa rồng, Nxb Thế giới.

3. Minh Xuân (2008), “Tìm hiểu chính sách đối ngoại của Đài Loan giai đoạn (1949-1970)”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4-2008.

4.  John C. Kuan(1992), A Review of U.S.-R.O.C. Relations 1949-1978, Publisher Democracy Foundation, Taipei, Taiwan.

5. Neil H. Jacoby(1966), U.S. Aid to Taiwan a Study of Foreign Aid, Self-Help, and Development, Publisher: Frederick A. Praeger.

6. Public Papers of the Presidents of the United States: John F.J. Kennedy (1961), Washington: U.S. Government Printing Office, 1962.

7.  Steven M. Goldstein (2000), The United States and the Republic of China, 1949-1978: Suspicious Allies, Asia/Pacific Research Center, Institute for International Studies, Stanford University.

8. United States, Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1950: East Asia and the Pacific, Volume VI, U.S. Government Printing Office.

9.  United States, Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1952 - 1954, Volume XIV: China and Japan, part 1, U.S. Government Printing Office.

10. United States, Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), US policy toward Fomosa and the government of the Republic of China (FRUS - 1955-1957, China, Vol II), U.S. Government Printing Office.

11. United States, Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1955-1957, China, Volume III, U.S. Government Printing Office.

12.  United States, Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1958-1960, China, Volume XIX, U.S. Government Printing Office.

13. 戴超武 (2003), 敌对与危机的年代1954-1958年的中美关系,社会科学文献出版社 (Dai Chaowu (2003), Thời đại thù địch và khủng hoảng: Mối quan hệ Trung-Mỹ từ năm 1954 đến năm 1958, Nxb Văn học Khoa học xã hội).

14. 刘绪贻 (主编) (2002), 战后美国史,1945-2000,人民出版社 (Liu Xuyi (chủ biên, 2002), Lịch sử nước Mỹ thời hậu chiến, Nxb Nhân dân).

15. 梅孜 (主编) (1997), 美台关系重要资料选编, 时事出版社 (Mei zi (chủ biên, 1997), Tài liệu chọn lọc về quan hệ Mỹ - Đài Loan, Nxb Thời sự).

16. “1949年以来美国给了台湾多少援助?” (Mỹ đã viện trợ cho Đài Loan bao nhiêu kể từ năm 1949), http://view.news.qq.com/zt2013/ yztw/ index.htm.

17. "American Economic Aid (1948)”, http://chineseposters.net/themes/american-economic-aid.php.

 

 

 



[1]TS., Khoa Sư phạm Khoa học xã hội, Trường Đại học Sài Gòn

[2] Diệp Vĩnh Liệt (2001), Những nhân vật lịch sử Trung Quốc hiện đại, Tập 2, Nxb Văn hóaThông tin, tr. 410-411.

[3]“American Economic Aid (1948)”,http://chineseposters.net/themes/american-economic-aid.php, truy cập ngày 20/7/2015), tr. 15.

[4] United States, Dept. of State, editor in chiefJohn P. Glennon (1985), Extract from a Draft Memorandum by the Assistant Secretary of State for Far Eastern Affairs (Ruskto the Secretary of State (FRUS, 1950: East Asia and the Pacific, Volume VI), U.S. Government Printing Office, tr. 350.

[5] United States. Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1950: East Asia and the Pacific, Volume VI, U.S. Government Printing Office, tr. 202-203.

[6] Hoàng Gia Thụ (2014), Đài Loan - Tiến trình hóa rồng, Nxb Thế giới, tr. 282.

[7]Chính phủ Mỹ cho rằng cộng sản Trung Quốc không thể tồn tại lâu trên đại lục nên trong tương lai Trung Hoa Dân quốc sẽ bao gồm toàn bộ Trung Quốc đại lục.

[8] John C. Kuan(1992), A Review of U.S.-R.O.C. Relations 1949 - 1978, publisher Democracy Foundation, Taipei, Taiwan, tr. 14.

[9] United States. Dept. of State, editor in chiefJohn P. Glennon (1985), US policy toward Fomosa and the government of the Republic os China, U.S. Government Printing Office, tr. 31 – 33.

[10] Neil H. Jacoby(1966), U.S. Aid to Taiwan - Astudy of Foreign Aid, Self - Help, and Devolopment, Publisher: Frederick A. Praeger, tr. 44.

[11]1949年以来美国给了台湾多少援助?(Mỹ đã viện trợ cho Đài Loan bao nhiêu kể từ năm 1949),http://view.news.qq.com/zt2013/yztw/index.htm (truy cập ngày 1/3/2014).

[12] United States, Dept. of State, editor in chiefJohn P. Glennon (1985), FRUS, 1952-1954, Volume XIV: China and Japan, part 1, U.S. Government Printing Office, tr. 1056.

[13]戴超武,敌对与危机的年代1954-1958年的中美关系》,社会科学文献出版社2003年版(Dai Chaowu (2003), Thời đại thù địch và khủng hoảng: Mối quan hệ Trung-Mỹ từ năm 1954 đến năm 1958, Nxb Văn học Khoa học xã hội), tr. 303.

[14]刘绪贻主编 (2002),《战后美国史,1945—2000》,人民出版社(Liu Xuyi (chủ biên, 2002), Lịch sử nước Mỹ thời hậu chiến, Nxb Nhân dân), tr. 189.

[15]戴超武 (2003),敌对与危机的年代1954-1958年的中美关系》,社会科学文献出版社(Dai Chaowu (2003), Thời đại thù địch và khủng hoảng: Mối quan hệ Trung-Mỹ từ năm 1954 đến năm 1958, Nxb Văn học Khoa học xã hội), tr. 311.

[16] United States. Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1958 - 1960, China, Volume XIX, U.S. Government Printing Office, tr. 4 -5.

[17]“1949年以来美国给了台湾多少援助?”(Mỹ đã viện trợ cho Đài Loan bao nhiêu kể từ năm 1949), http:// view.news.qq.com/zt2013/yztw/index.htm (truy cập ngày 1/3/2014).

[18] United States. Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1958 - 1960, China, Volume XIX, U.S. Government Printing Office, tr. 575.

[19]梅孜 (主编) (1997),《美台关系重要资料选编》, 时事出版社(Mei zi (chủ biên, 1997), Tài liệu chọn lọc về quan hệ Mỹ - Đài Loan, Nxb Thời sự), tr. 343.

[20] United States, Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1955- 1957, China, Volume III, U.S. Government Printing Office, tr. 559.

[21] United States. Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1955-1957, China, Volume III, U.S. Government Printing Office, tr. 560 – 561.

[22] United States. Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1955-1957, China, Volume III, U.S. Government Printing Office, tr. 363.

[23]Public Papers of the Presidents of the United States: John F.J. Kennedy (1961), Washington: U.S. Government Printing Office, 1962, tr. 259 – 260.

[24]Public Papers of the Presidents of the United States: John F.J. Kennedy (1961), Washington: U.S. Government Printing Office, 1962, tr. 546.

[25] John C. Kuan(1992), A Review of U.S.-R.O.C. Relations 1949 - 1978, publisher Democracy Foundation, Taipei, Taiwan, tr. 29.

[26] Steven M. Goldstein (2000), The United States and the Republic of China, 1949-1978: Suspicious Allies, Asia/Pacific Research Center, Institute for International Studies, Stanford University, tr. 6.

[27] Minh Xuân (2008), “Tìm hiểu chính sách đối ngoại của Đài Loan giai đoạn (1949 - 1970)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4-2008, tr. 19.

[28] United States,Dept. of State, editor in chief John P. Glennon (1985), FRUS, 1952 - 1954, Volume XIV: China and Japan, part 1, U.S. Government Printing Office, tr. 320.

[29] Hoàng Gia Thụ (2014), Đài Loan - Tiến trình hóa rồng, Nxb Thế giới, tr. 201.

[30] Đề án trục xuất Trung Hoa Dân quốc và xác lập vị trí của CHND Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc do Albania cùng 22 nước đưa ra đã được Đại hội đồng thông qua với 70 phiếu tán thành, 35 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 3 phiếu vắng mặt.

0thảo luận