Trang chủ

Bảo đảm nghĩa vụ bằng chuyển nhượng quyền sở hữu tại Nhật Bản và những gợi mở cho pháp luật Việt Nam

Đăng ngày: 17-02-2023, 09:34 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 10

Liên Đăng Phước Hải1, Trần Thị Thanh Thương2

 

Tóm tắt: Tại Nhật Bản, bảo đảm bằng chuyển nhượng quyền sở hữu mặc dù không được ghi nhận một cách chính thức trong Bộ luật Dân sự Nhật Bản, nhưng đây là biện pháp được công nhận trong thực tiễn xét xử bởi tòa án. Trong bối cảnh Nghị định21/2021/NĐ-CPhướng dẫn về biện pháp bảo đảm trong Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam đã có những gợi mở về khả năng công nhận các biện pháp bảo đảm mới theo thỏa thuận của các bên, bài viết phân tích biện pháp bảo đảm bằng chuyển nhượng quyền sở hữu tại Nhật Bản, cũng như khả năng để công nhận và áp dụng theo pháp luật Việt Nam.

Từ khóa:Nhật Bản, Bộ luật Dân sự, chuyển nhượng tài sản, biện pháp bảo đảm

 

1. Đảm bảo bằng chuyển nhượng tại Nhật Bản [1][2]

1.1. Tổng quan về các biện pháp bảo đảmtại Nhật Bản

Tại Nhật Bản, khung pháp lý điều chỉnh các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật Dân sự được ban hành năm 1896 có hiệu lực đến ngày nay dù đã qua nhiều lần sửa đổi. Một cách tổng quan, pháp luật Nhật Bản chia biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thành hai loại, bao gồm các biện pháp bảo đảm đối vật và bảo đảm đối nhân.Bảo đảm đối nhân dựa trên mối quan hệ của ba bên, bên có nghĩa vụ, bên có quyền và bên thứ ba. Nếu bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm, bên có quyền có thể xử lý tài sản của bên thứ ba (bên bảo lãnh) để bảo đảm cho nghĩa vụ. Do đó, có thể nói biện pháp bảo đảm đối nhân phần lớn sẽ dựa vào tình trạng tài chính và sự thiện chí trả nợ của bên thứ ba trong việc dàn xếp (tại thời điểm vi phạm)[3].Ngược lại, biện pháp bảo đảm đối vậtsẽ dựa trên một tài sản nhất định của bên có nghĩa vụ hoặc người thứ ba[4].Về tổng quan, có 4 loại biện pháp bảo đảm đối vật phổ biến, bao gồm cầm giữ tài sản, quyền ưu tiên thanh toán trước các chủ thể khác,cầm cốvàthế chấp tài sản[5].Ngoài các biện pháp bảo đảm theo luật định, thực tiễn xét xử tại Nhật Bản, tòa áncòn công nhận các biện pháp bảo đảm khác theo thỏa thuận giữa các bên, trong đó có chuyển nhượng quyền sở hữu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (bảo đảm bằng chuyển nhượng), bảo đảm bằng việc đăng ký quyền sở hữu tạm thời, bảo lưu quyền sở hữu nhằm để giải quyết các vấn đề phát sinh trên thực tiễn.

Bảo đảm bằng chuyển nhượng là một trong những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ xuất hiện từ sớm trong luật cổ La Mã.Theo chế định này (fiducia cum creditore), người mắc nợ sẽ chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ nợ; khi chủ nợ được trả đủ, thì quyền sở hữu sẽ được chuyển lại cho người mắc nợ[6]. Tại Nhật Bản, biện pháp bảo đảm bằng chuyển nhượng (joto tampo) đã xuất hiện trước khi Bộ luật Dân sự Nhật Bản được ban hành, biện pháp này phát sinh trên thực tế phát triển bởi án lệ và các học giả luật học.Đây là biện pháp cho phép người mắc nợ được sử dụng tài sản bảo đảm cho đến khi khoản nợ được trả xong[7].Theo kỹ thuật bảo đảm này, người mắc nợ sẽ chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản bảo đảm cho chủ nợ còn quyền chiếm hữu tài sản thuộc về người thiết lập quyền bảo đảm.Đối với chuyển nhượng quyền sở hữu để bảo đảm, quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản vẫn thuộc về người mắc nợ và sau khi quyền sở hữu được chuyển, người mắc nợ vẫn nắm quyền sử dụng tài sản bảo đảm mà không phải tốn phí cho đến khi người mắc nợ trả lại hết nợ cho chủ nợ[8].Do đó, người mắc nợ có thể vay được vốn kinh doanh, vẫn có thể sử dụng tài sản để kinh doanh và bên vay dễ dàng quản lý tài sản bảo đảm[9].Sau khi tài sản được chuyển nhượng, người mắc nợ trong trường hợp này có thể được xem là người thuê tài sản và các bên sẽ thỏa thuận, sau khi người mắc nợ đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, họ có thể nhận lại quyền sở hữu của tài sản đã chuyển nhượng.

Biện pháp bảo đảm này giúp các bên giảm được chi phí trong việc thực hiện quá trình xử lý tài sản bảo đảm theo cách truyền thống và bảo đảm khoản thanh toán bằng việc bán hoặc mua lại tài sản từ bên vay. Bên nhận bảo đảm trở thành chủ sở hữu, do đó, thứ tự ưu tiên thanh toán đối với các bên thứ ba khác được ưu tiên (do việc sở hữu tài sản dùng để bảo đảm của bên có quyền, làm cho quyền ưu tiên thanh toán dường như cao hơn các bên khác)[10].Tuy nhiên,theo kỹ thuật này, một tài sản chỉ có thể dùng để bảo đảm một món nợ vì về nguyên tắc, quyền sở hữu tài sản đã được chuyển nhượng cho bên nhận bảo đảm. Do đó, bên có nghĩa vụ không thể tiếp tục sử dụng tài sản để bảo đảm cho bên khác.

1.2. Tài sản chuyển nhượng để bảo đảm

Tài sản có thể dùng để chuyển nhượng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tương đối rộng, bao gồm cả bất động sản và động sản.Trên thực tế, các động sản như chứng khoán, máy móc, thiết bị cũng như quyền đòi nợ thường được các bên sử dụng trong bảo đảm bằng chuyển nhượng.Thậm chí, các bên còn có thể sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để bảo đảm. Lấy một ví dụ, trong phán quyết của Tòa ántối cao Nhật Bản ngày 21 tháng 4 năm 2000[11],tòa án đã khẳng định hiệu lực của việc chuyển nhượng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong phán quyết này, Tòa án tối cao cho phép bên có nghĩa vụ được sử dụng những khoản phải thu hình thành ở hiện tại và tương lai để chuyển nhượng cho bên chủ nợ nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[12].Trường hợp đối với tài sản hiện có, chủ nợ sẽ trở thành chủ sở hữu của tài sản và có quyền xử lý tài sản bảo đảm.Nếu tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai (như quyền yêu cầu), chủ nợ chỉ có thể thành chủ sở hữu sau khi tài sản quyền yêu cầu đã hình thành.Trường hợp tài sản trong tương lai không hình thành, bên nhận chuyển nhượng sẽ có quyền khởi kiện yêu cầu ngườimắc nợ dựa trên cơ sở trách nhiệm phát sinh từ hợp đồng[13].

1.3. Về hợp đồng bảo đảm bằng chuyển nhượng

Về cơ bản, hợp đồng chuyển nhượng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được giao kết giữa bên có quyền và bên chuyển nhượng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ.Bênchuyển nhượngtrong trường hợp này có thể là bất kỳ ai chứ không nhất thiết là bên có nghĩa vụ[14].Trong trường hợp bên thứ ba dùng tài sản để bảo đảm khác bên có nghĩa vụ, bên này được xem là người bảo lãnh thực tế.Về nguyên tắc, nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ ở hiện tại hoặc nghĩa vụ hình thành trong tương lai và không được xác định một cách cụ thể, do đó, việc chuyển nhượng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể được dùng để bảo đảm cho các nghĩa vụ đã được phát sinh hoặc ở tương lai[15].Chuyển nhượng để bảo đảm là biện pháp bảo đảm phát sinh do thỏa thuận, nên quyền và nghĩa vụ của các bên chủ yếu do các bên quy định trong hợp đồng bảo đảm, cũng như là được điều chỉnh bởi các án lệ. Về cơ bản, chủ nợ phải có nghĩa vụ bảo quản tài sản bảo đảm và không được chuyển nhượng cho bên thứ ba khác trong thời gian bảo đảm, chủ nợ chỉ được xử lý tài sản khi người mắc nợ không trả được khi đến hạn.

1.4. Hiệu lực đối kháng

Trong trường hợp tài sản bảo đảm là động sản, giao vật là điều kiện làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba (Điều 178 Bộ luật Dân sự Nhật Bản)[16]. Ngoài ra, Tòa ántối cao Nhật Bản cũng công nhận việc giao tài sản trên danh nghĩa là điều kiện phát sinh hiệu lực đối kháng[17]. Đối với tài sản là bất động sản, điều kiện phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là việc đăng ký theo quy định của pháp luật (Điều 177 Bộ luật Dân sự Nhật Bản)[18]. Đối với việc chuyển nhượng quyền yêu cầu, hiệu lực đối kháng với người thứ ba (ngoài bên có nghĩa vụ) sẽ phát sinh khi bên chuyển nhượng đảm bảo rằng việc thông báo về việc chuyển nhượng được công chứng, chứng thực bởi tổ chức công chứng có đề ngày thôngbáo về việc chuyển nhượng quyền yêu cầu (Điều 467 (2) Bộ luật Dân sự Nhật Bản). Ngoài ra, để làm phát sinh hiệu lực với người thứ ba, pháp luật Nhật Bản còn cho phép thực hiện việc công bố thông qua việc đăng ký tại cơ quan đăng ký có thẩm quyền.Theo đó, nếu bên chuyển nhượng là một công ty được thành lập theo pháp luậtNhật Bản, pháp luật cho phép có thể hoàn thiện việc chuyển nhượng bằng cách đăng kýquyền yêu cầu mà không cần thông báo hoặc có sự đồng ý từ bên có nghĩa vụ theo luật về việc hoàn thiện việc chuyển nhượng động sản và quyền yêu cầu (Luật số 104 năm 1998).

1.5. Về việc xử lý tài sản

Việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ được thực hiện tương đối giống với xử lý tài sản thế chấp.Theo đó, trường hợp người mắc nợ thanh toán đúng hạn, người mắc nợ sẽ khôi phục lại tình trạng chủ sở hữu đối với tài sản bảo đảm, sau khi thanh toán đầy đủ nghĩa vụ cho bên chủ nợ.Trường hợp người mắc nợ không thanh toán đúng hạn, tùy loại tài sản mà có cách xử lý khác nhau.Ví dụ, liên quan đến vấn đề xử lý tài sản, đối với tài sản là quyền yêu cầu sẽ được thực hiện một cách trực tiếp thông qua việc bên chủ sở hữu sẽ trực tiếp đòi người mắc nợ gốc (bên trong quan hệ quyền đòi nợ)[19].Đối với việc xử lý tài sản bảo đảm là động sản như máy móc, tài sản thì thủ tục tương đối phức tạp hơn quyền yêu cầu.Theo đó, trường hợp nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng hạn, bên có quyền có thể bán tài sản bảo đảm hoặc bán đấu giá hoặc bên thứ ba.Việc bán đấu giá được xem là một phương pháp xử lý tài sản được chấp nhận (mặc định) trong trường hợp không có thỏa thuận về phương pháp xử lý tài sản.Các bên có thể thỏa thuận về phương pháp xử lý tài sản bảo đảm theo hướng chủ nợ sẽ định giá tài sản bảo đảm và xác định đó là tài sản của mình, và hoàn trả phần chênh lệch cho người mắc nợ (nếu có).

Trước đây, chủ nợ có quyền trở thành chủ sở hữu của tài sản bất kể giá trị của tài sản so với nghĩa vụ được bảo đảm. Do đó, thực tế, nhiều chủ nợ có thể trở thành chủ sở hữu của tài sản bảo đảm dù cho giá trị của khoản nợ nhỏ hơn giá trị của tài sản. Điều này dường như không công bằng cho người mắc nợ.Do đó, trong phán quyết ngày 25 tháng 3 năm 1971, Tòa án tối cao Nhật Bản đã thiết lập nguyên tắc trong xử lý tài sản bảo đảm theo hướng: sự chênh lệch giữa số tiền nợ và giá của tài sản sẽ được hoàn trả lại cho bên có nghĩa vụ.Nếu tiền xử lý nợ (hoặc tiền đã được định giá trong trường hợp là động sản) ít hơn nghĩa vụ trả nợ, bên có quyền tiếp tục tính phần nợ trên nghĩa vụ trả nợ của người mắc nợ[20].Ngoài ra, người có nghĩa vụ cũng có thể giữ lại tài sản bảo đảm bằng cách hoàn trả lại số tiền nợ cho bên có quyền, nếu việc trả lại diễn ra trước khi bên bán nhận được số tiền bán đấu giá hoặc đối tượng được bán cho bên thứ ba[21].

2. Thực trạng và một số gợi mở cho pháp luật Việt Nam

Tại Việt Nam, Bộ luật Dân sự 2015 quy định 9 loại biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lãnh, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, tín chấp, bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản. Theo kỹ thuật lập pháp này, các biện pháp có tính chất bảo đảm khác nhưng không được quy định trong Bộ luật Dân sự, bao gồm bảo đảm bằng chuyển nhượng không được xem là một biện pháp bảo đảm theo pháp luật. Do đó, các giao dịch này thường bị tòa án tuyên bố vô hiệu[22]. Thực tế xét xử cho thấy việc các bên thỏa thuận về việc bảo đảm bằng chuyển nhượng trong các giao dịch vay thường có xu hướng được tòa án xem xét là giao dịch giả cách, do đó các giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu sẽ bị tuyên bố vô hiệu[23]. Giao dịch bị che giấu là giao dịch vay tài sản sẽ vẫn có hiệu lựctheo quy định.

Ngoài ra, có thể thấy các biện pháp bảo đảm khác theo thỏa thuận của các bên, mặc dù không vi phạm điều cấm của pháp luật nhưng vẫn bị tuyên vô hiệu trên thực tế, ví dụ như các thỏa thuận về việc cầm cố đất đai (hay cố đất) ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long[24]. Việc cầm cố đất đai được ghi nhận tại Việt Nam từ rất lâu, bằng chứng là các quy định về cầm cố đất đai vẫn được tìm thấy trong các quy định trong cổ luật Việt Nam như Bộ luật Hồng Đức dưới thời nhà Lê (Quốc triều hình luật)[25]. Việc tuyên các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không được quy định trong Bộ luật Dân sự khiến cho thực tế quyền và lợi ích của các bên bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với bên có quyền.

Hiện nay, chúng tôi cho rằng thực tếxét xử nên công nhận biện phápchuyển nhượng để bảo đảmlà một trong những biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận của các bêndựa trên các căn cứ sau:

Thứ nhất,quyền tự do thỏa thuận là một nguyên tắc cốt lõi của dân luật, do đó, thỏa thuận chuyển nhượng để bảo đảm giữa các bên nên được công nhận.Bộ luật Dân sự2015 trao quyền cho cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận (Điều 3). Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Mặt khác,nguyên tắc tiến bộ được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 liên quan đến điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói rõ: “mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội” (khoản 1 Điều 117).Việc thỏa thuận giữa các bên về việc bảo đảm bằng chuyển nhượng về nguyên tắc không vi phạm điều cấm của luật, cũng như đạo đức xã hội, do đó, tác giả cho rằng không có cơ sở để tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Thứ hai, việc công nhận thỏa thuận bảo đảm bằng chuyển nhượng phù hợp với quy phạm pháp luật.Theo đó, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP đã có một quy định tiến bộ rằngtrường hợp các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có quy định khác với nghị định này mà phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì vẫn được công nhận (khoản 2 Điều 4). Vì vậy, có cơ sở pháp lý để tòa án công nhận các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên nói chung và bảo đảm bằng chuyển nhượng nói riêng.

Thứ ba,thỏa thuận bảo đảm bằng chuyển nhượng có nhiều điểm tương tự với thỏa thuận chuộc lại tài sản trong hợp đồng mua bán tài sản và thế chấp tài sản.Bộ luật Dân sự 2015 cho phép các bên thỏa thuận về việc chuộc lại tài sản trong hợp đồng mua bán tài sản[26].Cụ thể, các bên thỏa thuận về việc chuộc lại tài sản trong hợp đồng bán tài sản trong một thời hạn nhất định.Trong thời hạn này, bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý.Với loại hợp đồng mua bán này, thông thường người bán không thực sự có ý định bán tài sản.Tuy nhiên, do cần tiền mà người bán lựa chọn giải pháp bán tài sản một cách tạm thời và trong một khoảng thời gian nhất định sẽ chuộc lại tài sản[27].Dưới góc độ bảo đảm nghĩa vụ, bên bán chính là bên vay tài sản và bên mua chính là bên cho vay.Để bảo đảm cho nghĩa vụ trả tiền vay (tiền mua tài sản), bên vay phải chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên cho vay để bảo đảm.Do vậy, thỏa thuận này về bản chất là một biện pháp bảo đảm bằng quyền sở hữu[28].Giống vớithỏa thuận bảo đảm bằng chuyển nhượng:người vay chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người cho vay để đổi lấy số tiền vay; trong thời hạn thỏa thuận, nếu người vay trả tiền vay thì người cho vay trả lại quyền sở hữu tài sản. Nếu quá thời hạn thỏa thuận, người cho vay có quyền sở hữu tài sản mà người bán không thể thay đổi tình hình được nữa, song người bán không phải trả nợ vay[29].

So với biện pháp thế chấp tài sản, bảo đảm bằng chuyển nhượng cũng có những điểm tương đồng.Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”. Như vậy, điểm giống nhau giữa thỏa thuận bảo đảm bằng chuyển nhượng và thế chấp tài sản làbên bảo đảm không chuyển giao tài sản mà vẫn nắm giữ tài sản và sử dụng đến khi hoàn thành nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm.Nói cách khác, bên bảo đảm vẫn giữ lại quyền chiếm hữu và quyền sử dụng đối với tài sản bảo đảm.Tuy nhiên,trong thế chấp tài sản, bên nhận thế chấp xác lập quyền bảo đảm trên tài sản và việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản chỉ tiến hành khi xử lý tài sản bảo đảm.Ngược lại, đối với thỏa thuận bảo đảm bằng chuyển nhượng, quyền sở hữu của tài sản được chuyển giao tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo đảm.Thực tế tại Nhật Bản, quan điểm của tòa án cũng như nhiều học giả cho rằng, việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm là một dạng đặc biệt của thế chấp[30].

Từ nhữngđiểm tương đồng như đã phân tích ở trên, việc chỉ công nhận hợp đồng mua bán tài sản có thỏa thuận chuộc lại và thế chấp tài sản mà không công nhận thỏa thuận bảo đảm bằng chuyển nhượng dường như chưa thực sự hợp lý.

Thứ tư, bảo đảm bằng chuyển nhượng là một biện pháp bảo đảm được công nhận tại nhiều quốc gia. Thông lệ cho thấy, pháp luật nhiều quốc gia tiếp cận giao dịch bảo đảm theo hướng chức năng của giao dịch (như Anh – Mỹ), hơn là liệt kê các biện pháp bảo đảm. Ví dụ, theo Bộ luật Thương mại thống nhất của Hoa Kỳ (UCC), Luật Về các biện pháp bảo đảm bằng động sản của Australianăm 2009 (PPSA 2009) không chú trọng tới việc phân chia các biện pháp bảo đảm về mặt hình thức mà chỉ chú trọng tới lợi ích bảo đảm và đặc quyền của bên nhận bảo đảm trên tài sản bảo đảm khi có vi phạm của bên được bảo đảm (bên có nghĩa vụ) hoặc bên bảo đảm[31]. Thậm chí, đối với các quốc gia dân luật như Nhật Bản, dù không có quy định trong Bộ luật Dân sự song thực tế xét xử cho thấy tòa án cũng đã chấp nhận các biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận giữa các bên nhằm đáp ứng nhu cầu phát sinh trên thực tế, cũng như tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên.

Những phân tích trên cho thấy,thỏa thuận bảo đảm bằng chuyển nhượngcũng có tính chất của một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.Thậm chí, biện pháp này còn hiệu quả hơn cả các biện pháp bảo đảm khác được luật định như thế chấp tài sản hay cầm cố tài sản. Việc trở thành chủ sở hữu của tài sản bảo đảm sẽ giúp bên nhận bảo đảm có thêm sự bảo đảm hơn do không phải cạnh tranh với các chủ nợ khác. Hơn thế nữa, biện pháp bảo đảm này giúp bên bảo đảm tránh được các thủ tục pháp lý xử lý tài sản bảo đảm phức tạp, cũng như sự bất hợp tác của bên bảo đảm trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.Đây cũng là biện pháp bảo đảm được quy định, cũng như chấp nhận trong thực tiễn xét xử tại nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản.Do vậy, tại Việt Nam, thực tiễn xét xử nên công nhận thỏa thuận này giữa các bên. Điều này cũng là tinh thần được thể hiện trong Nghị định 21/2021/NĐ-CP về việc công nhận các biện pháp bảo đảm do các bên thỏa thuận (khoản 2 Điều 4).Để điều chỉnh quan hệ bảo đảm này trong thời gian tới, bên cạnh việc công nhận cũng cần dự liệu để xây dựng cácquy định pháp luật cũng như các án lệ cần bổ sung liên quan đến tài sản chuyển nhượng để bảo đảm, hiệu lực của hợp đồng, hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm đối với người thứ ba, cũng như là vấn đề xử lý tài sản bảo đảm. Dưới góc độ so sánh, các phán quyết tư pháp của Nhật Bản nhằm điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thỏa thuận bảo đảm bằng chuyển nhượnglà kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo trong thời gian tới khi giải quyết các tranh chấp liên quan.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.Đoàn Thị Phương Diệp (2014), “Bản chất pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản với các thỏa thuận đặc biệt”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp,số2+3.

2.Lê Thị Thu Thủy (2018), “Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ - nhìn từ góc độ lý luận”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 18(370).

3.Nguyễn Lan Hương, “Thực tiễn áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự Nhật Bản”, Thời báo Ngân hàng, https://thoibaonganhang.vn/thuc-tien-ap-dung-bien-phap-bao-dam-bang-tai-san-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-nhat-ban-57067.html.

4.Nguyễn Ngọc Điện (1999), Một số suy nghĩ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong luật dân sự Việt Nam, Nxb Trẻ, TPHồ Chí Minh.

5.Adam Newhouse và Tanaka Tsuneyoshi, “CISG – A Tool for Globalization (1): American and Japanese Perspectives”, Ritsumeikan Law Review, 29/2012.

6.Hiroshi Oda (2009), Japanese Law, 3ed, Oxford University Express.

7. Zentaro Kitagawa(2017), Doing Business in Japan, LexisNexis.

 

 



[1]ThS., Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

[2]Lớp Chất lượng cao ngành luật khóa 42, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh

[3]Zentaro Kitagawa (2017), Doing Business in Japan, LexisNexis, tr. 5-7.

[4]Zentaro Kitagawa (2017), Doing Business in Japan, LexisNexis, tr. 5-7.

[5] Hiroshi Oda (2009), Japanese Law, 3ed, Oxford University Express, tr.174.

[6]Nguyễn Ngọc Điện (1999),Một số suy nghĩ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong luật dân sự Việt Nam, Nxb Trẻ, TPHồ Chí Minh, tr. 17.

[7]Hiroshi Oda (2009), Japanese Law, 3ed, Oxford University Express, tr. 177.

[8]Adam Newhouse và Tanaka Tsuneyoshi, “CISG – A Tool for Globalization (1): American and Japanese Perspectives”, Ritsumeikan Law Review,http://www. ritsumei.ac.jp/acd/cg/law/lex/rlr29/AdamTanaka.pdf.

[9]Nguyễn Lan Hương, “Thực tiễn áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự Nhật Bản”,Thời báo Ngân hàng, https://thoibaonganhang.vn/thuc-tien-ap-dung-bien-phap-bao-dam-bang-tai-san-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-nhat-ban-57067.html.

[10]Hiroshi Oda (2009), Japanese Law, 3ed, Oxford University Express, tr. 177.

[11]Xem phán quyết của Tòa ántối cao Nhật Bản ngày 21 tháng 4 năm 2000.

[12]Xem phán quyết của Tòa ántối cao Nhật bản ngày 21 tháng 4 năm 2000.

[13]Xem phán quyết của Tòa ántối cao Nhật bản ngày 29 tháng 1 năm 1999.

[14] Zentaro Kitagawa (2017), Doing Business in Japan, LexisNexis, tr. 5-57.

[15] Zentaro Kitagawa (2017), Doing Business in Japan, LexisNexis, tr. 5-57.

[16] Điều 178 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định:“Việc chuyển giao vật quyền đối với động sản không làm phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba, trừ khi động sản đó được chuyển giao”.

[17]Zentaro Nihei, Masaki Fujita, “Restructuring and insolvency in Japan: overview”,Thomson Reuters,https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/8-502-0188?transitionType=Default&contextData=(sc.Default).

[18]Điều 177 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: “Việc thủ đắc, làm mất và thay đổi các vật quyền đối với bất động sản không làm phát sinh hiệu lực đối kháng với các bên thứ ba, trừ khi được đăng ký theo quy định tại Luật đăng ký bất động sản (Luật số 123 năm 2004) và các luật khác liên quan đến việc đăng ký”.

[19]Xem phán quyết của Tòa ántối cao Nhật bản ngày 21 tháng 4 năm 2000.

[20]Hiroshi Oda (2009), Japanese Law, 3ed, Oxford University Express, tr. 178-179.

[21]Xem Zentaro Kitagawa (2017), Doing Business in Japan, LexisNexis, tr. 5-60.

[22]Lê Thị Thu Thủy (2018),“Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ - nhìn từ góc độ lý luận”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 18(370), tr. 14.

[23] Tham khảo Bản án số 36/2018/DS-PTvề việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân Tỉnh Hậu Giang; Bản án 63/2019/DSST ngày 31/07/2019 về chuyển nhượng quyền sử dụng đất và vay tài sản của Tòa án nhân dân Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

[24]Tham khảo Bản án 49/2020/DS-PT ngày 28/05/2020 về tranh chấp hợp đồng dân sự - Cầm cố và thuê quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang.

[25]Xem Điều 384 của Bộ luật Hồng Đức.

[26]Bộ luật Dân sự không định nghĩa về bán tài sản có thỏa thuận chuộc lại.Về cơ bản, bán có thỏa thuận chuộc lại tài sản là việc“người bán giao tài sản và chuyển quyền sở hữu tài sản cho nguời mua và người sau này trả tiền nhưng với điều kiện người bán được phép lấy lại tài sản sau một thời gian bằng cách trả tiền chuộc tài sản cho người mua”.Đây là biện pháp xuất phát từ cổ luật và luật tục của Việt Nam (điển mại). Xem Nguyễn Ngọc Điện (1999),Một số suy nghĩ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong luật dân sự Việt Nam, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 17.

[27]Đoàn Thị Phương Diệp, “Bản chất pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản với các thỏa thuận đặc biệt”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử, http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/207785/Ban-chat-phap-ly-cua-hop-dong-mua-ban-tai-san-voi-cac-thoa-thuan-dac-biet.html.

[28]Đoàn Thị Phương Diệp, “Bản chất pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản với các thỏa thuận đặc biệt”, Tlđd.

[29]Nguyễn Ngọc Điện (1999),Một số suy nghĩ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong luật dân sự Việt Nam, Tlđd, tr. 380.

[30] Adam Newhouse và Tanaka Tsuneyoshi, “CISG – A Tool for Globalization (1): American and Japanese Perspectives”, Ritsumeikan Law Review, tr. 18, http://www.ritsumei.ac.jp/acd/cg/law/lex/rlr29/AdamTanaka.pdf.

[31]Lê Thị Thu Thủy (2018), “Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ - nhìn từ góc độ lý luận”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 18(370), tr. 15.

 

0thảo luận