Trang chủ

Văn học đại chúng Nhật Bản: Sự ra đời, đặc trưng và vị trí của tiểu thuyết thời đại

Đăng ngày: 15-02-2023, 08:43 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 10

Đỗ Thị Mai1

 

Tóm tắt: Văn hóa đại chúng bắt đầu tại Nhật Bản từthậpkỷ 20 của thế kỷ XX.Trong thời kỳ này, một dòng văn học mới với tên gọi “văn học đại chúng” đã ra đời. Dòng văn học này gồm những tác phẩm mang đặc điểm khác biệt với dòng văn học tồn tại trước đó(văn học thuầntúy) vàcó thể kể đến một số nhà văn tiêu biểu cho dòng văn học này như Nakazato Kaizan, Shirai Kyōji. Văn học không còn đơn thuần là phương tiện để các nhà văn bộc lộ tâm tư, tình cảm cá nhân của mình hay phản ánh hiện thực xã hội mà mục đích quan trọng nhất của văn học thời bấy giờ là phục vụ nhu cầu giải trí của đông đảo độc giả. Bài viết giới thiệu về sự ra đời, một số đặc trưng của văn học đại chúng Nhật Bản, bên cạnh đó là phân tích về vị trí của “tiểu thuyết thời đại”, một nhóm các tác phẩm văn học tiêu biểu thuộc dòng văn học đại chúng Nhật Bản giai đoại 1920-1945.

Từ khóa: Nhật Bản, văn hóa đại chúng, văn học đại chúng, tiểu thuyết thời đại

 


1. Một số vấn đề lý thuyết[1]

Nhà xã hội học người Pháp Robert Escarpit[2] đã chia văn học làm ba bộ phận cơ bản: sản xuất, phân phối (phổ biến, truyền bá), tiêu thụ văn học. Văn học không chỉ là việc nhà văn hình thành ý tưởng sáng tác rồithể hiện ý tưởng trong tác phẩm của mình mà sau khi tác phẩm được hình thành còn cần đến các giai đoạn tiếp theo bao gồm truyền bá đến công chúng và sau khi đến với công chúng sẽ là quá trình công chúng tiêu thụ tác phẩm văn học. Như vậy có thể thấy trong quá trình này có sự liên hệ giữa văn học (tác phẩm, tác giả) và xã hội (công chúng). Mối quan hệ giữa văn học và xã hội chính là đối tượng nghiên cứu của xã hội học văn học. Theo Escarpit, hiện tượng văn học về bản chất là một hiện tượng giao tiếp, hay là hiện tượng truyền thông tin từ người phát thông tin (nhà văn) đến người nhận thông tin (người đọc) thông qua phương tiện là chữ viết và sản phẩm là sách[3].

Có thể thấy phương pháp của Escarpit nhấn mạnh đến các yếu tố của xã hội học, sự tác động của các yếu tố đó đến sự ra đời của một dòng văn học mới mà chưa làm rõ mối tương tác giữa văn học và xã hội hay nói cách khác là thiếu đi sự nhìn nhậnvề mối quan hệ giữa giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của tác phẩm văn học với bối cảnh xã hội.

Để bổ trợ cho những hạn chế trong phương pháp của Escarpit, có thể dựa trên những lý thuyết về tác phẩm văn học của Lucien Goldmann (1913-1970), một nhà nghiên cứu xã hội học văn học khác. Goldmann quan tâm trước hết đến văn bản, tiến hành “sự phân tích mỹ học nội tại” để tìm ra ý nghĩa khách quan của tác phẩm. Cụ thể hơn, Goldmann cho rằng một tư tưởng, một tác phẩm chỉ có nghĩa thực sự của nó khi được gắn kết vào tổng thể xã hội và thái độ xã hội cũng như kinh tế của một nhóm xã hội.Bên cạnh đó tác phẩm có đặc điểm tích cực khinó không phản ánh trực tiếp hiện thực xã hội mà chuyển các thành tố thuộc ý thức của hiện thực này thành một quan niệm về thế giới một cách gắn kết[4].

Bài viết này dựa trên lý thuyết của Escaprit để phân tích những đặc điểm của ba yếu tố trong một hiện tượng văn học bao gồm: nhà văn, người đọc, phương tiệnkhi xem xétcácđặc trưng của dòng văn học đại chúng Nhật Bản. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu về vị trí của tiểu thuyết thời đại, lý thuyết của Goldmann về tác phẩm văn học sẽ được sử dụng để phân tích về mối quan hệ giữa tác phẩm và xã hội.

Bài viết chọn mốc thời gian từ năm 1920 đến năm 1945 bởi những năm 1920 tại Nhật Bản là thời kỳ nở rộ của phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có xuất bản sách báo. Cũng trong những năm 1920, khái niệm “văn học đại chúng” chính thức ra đời dù rằng đã có những các tác phẩm văn học mang trong mình đặc trưng của văn học đại chúng được sáng tác từ những giai đoạn trước. Năm 1945 là thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai trong đó có sự tham gia của Nhật Bản kết thúc. Là một nước bại trận và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến, xã hội Nhật Bản đã có thay đổi đáng kể từ thời điểm này và văn học cũng chứng kiến một số thay đổi sau đó.

2. Sự ra đời và lý luận về văn học đại chúng Nhật Bản

Văn học đại chúng là một bộ phận của văn học mà trong đó các tác phẩm văn học được sản xuất với khối lượng lớn, truyền bá, tiêu thụ đến một lượng lớn công chúng (độc giả). Đại chúng ở đây được hiểu là người đọc không bị giới hạn trong một nhóm đối tượng đặc biệt hay riêng một tầng lớp nào mà là người tiêu thụ tác phẩm văn học trải rộng ở mọi cá nhân trong xã hội.

Văn học đại chúng(大衆文学) và văn học thuầntúy (純文学)  được biết đến như là hai bộ phận đối lập của nền văn học cận đại Nhật Bản. Văn học thuần túy là các sáng tác văn học được hình thành từ chính những trải nghiệm, tâm tư, tình cảm của tác giả. Tác giả sáng tác các tác phẩm từ ý đồ của chính bản thân mình mà không xem xét đến ảnh hưởng của tác phẩm đến độc giả sau khi tác phẩm được ra đời, hay nói cách khác đó là những tác phẩm mang tính khách quan khi đặt trong mối quan hệ với độc giả. Một trong những thể loại văn học tiêu biểu cho đặc trưng này là tiểu thuyết tự thuật[5], bắt đầu xuất hiện vào những năm cuối thời kỳ Minh Trị (1868-1912).

Ngược lại, văn học đại chúng là những tác phẩm văn học được sáng tác mà mục đích của nó là làm sao thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả. Tác phẩm không liên quan nhiều đến trải nghiệm thực tế của tác giả mà quan tâm đến nhu cầu của độc giả.Nhà văn cần nắm được xu hướng và nhu cầu của phần lớn độc giả khi đọc tác phẩm văn học là gì để lấy cơ sở hình thành tác phẩm của mình.

Về thời điểm chính thức ra đời của văn học đại chúng Nhật Bản, có thể kể đến quan điểm của một số nhà nghiên cứu như Isogai Katsutarō, ông đã nhận xét:“Văn học đại chúng Nhật Bản ra đời vài năm sau đại thảm họađộng đất Kanto xảy ra vào năm 1923 tại Nhật Bản trên nền tảng là sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng, nó là sự kế tục các hoạt động văn nghệ mang tính đại chúng từ thời Cận thế như kōdan[6], với tư cách là lối diễn đạt mang tính cận đại trong giai đoạn chữ in”.Còn theo nhà nghiên cứu Nakatani Hakashithì văn học đại chúng Nhật Bản ra đời vào năm 1921 qua tác phẩm “Daibosatsu tōge” (大菩薩峠–Đèo Đại Bồ tát)của nhà văn Nakazato Kaizan (中里介山).Dù tácphẩmnàyđã được đăng báo từ năm 1913 nhưng đến thời điểm này mới chính thức được phát hành dưới dạng một cuốn sách có kích thước nhỏ hơn so với kích thước thông thường của sách thời bấy giờ và thu hút được đông đảo người đọc[7].Bên cạnh đó còn có thể kể đến một số dấu mốc của văn học đại chúng như vào năm 1925, nhà văn Shirai Kyōji (白井喬二) cùng với các nhà văn chuyên sáng tác các tác phẩm văn học đại chúng khác đã thành lập “Hội ngày 21”[8]. Trước đó, năm 1924, các tác phẩm mà ông cùng những nhà văn khác sáng tác đã bắt đầu được gọi là “văn nghệ đại chúng”. Năm 1926, hội này đã bắt đầu xuất bản tạp chí “Văn nghệ đại chúng”, một tạp chí chuyên đăng tải các tác phẩm văn học đại chúng chứ không có các nội dung khác như tin tức, tình hình xã hội… Như vậy, có thể nói Shirai Kyōji là người có công lớn nhất trong việc xác lập vị trí của văn học đại chúng cũng như định hướng phát triển văn học đại chúng thông qua hoạt động sáng tác và xuất bản.

Về sự ra đời của văn học đại chúng, có thể kể đến hai lý do chính. Một là, sự phát triển mạnh mẽ của các tiểu thuyết tự thuậtnhư đã nêu ở trên khiến hoạt động sáng tác văn học trở nên sôi nổi. Theo đó, mỗi cá nhân đều có những câu chuyện riêng, những trải nghiệm riêng nên ai cũng có thể viết ra một tác phẩm của riêng mình theo phong cách của tiểu thuyết tự thuật.Tuy nhiên về phía độc giả, với quá nhiều tác phẩm văn học như vậy, độc giả sẽ không còn cảm thấy hứng thúbởi trên hai phương diện là giải trí và tìm thấy sự đồng cảm qua tác phẩm đều không có trong tiểu thuyết tự thuật. Chính vì thế, cần có những tác phẩm văn học với lối viết mới lạ, trước hết là có thể đáp ứng nhu cầu giải trí của độc giả. Có lẽ đó là một trong những tiền đề cho sự ra đời của văn học đại chúng. Hai là, sự ra đời của sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng những năm 1920 làm cho người đọc dễ dàng tiếp cận với thông tin, với tác phẩm văn học. Hoạt động nghe kể chuyện tập trung kōdan truyền thống dần bị mai một, thay vào đó độc giả có sự lựa chọn mới hướng đến các tác phẩm văn học dễ dàng tiếp cận từ các phương tiện thông tin đại chúng. Có lẽ lý do thứ hai là một hiện tượng xã hội cụ thể hóa quan điểm mà Escapit từng nêu: “Cùng với sự xuất hiện của sách in, văn học truyền miệng và khuyết danh dần dần nhường chỗ cho văn học viết và có tên tác giả”.

Vào thời kỳ Minh Trị đã bắt đầu xuất hiện một số tác phẩm mang đặc trưng của văn học đại chúng với rất nhiều tên gọi khác nhau như kaki kōdan (giảng đàm dưới dạng viết), shin kōdan (tân giảng đàm hay giảng đàm kiểu mới), yomimonobungei (văn nghệ dưới dạng đọc), dùng để chỉ việc các câu chuyện hay được kể trong các buổi giảng đàm hay sinh hoạt văn nghệ đã được ghi chép lại thành một tập sách. Tuy nhiên khi bộ tác phẩm “Văn học đại chúng hiện đại toàn tập”[9], trong đó gồm các tiểu thuyết như: tiểu thuyết thời đại, tiểu thuyết gia đình, tiểu thuyết trinh thám… được phát hành thì tên gọi “văn học đại chúng” mới được biết đến rộng rãi.

Như vậy, xét trong mối quan hệ giữa nhà văn, độc giả và phương tiện mà lý thuyết của Escapit đưa ra thì độc giả và phương tiện đã tác động đến nhà văn, hay sự thay đổi trong nhu cầu của độc giả, sự ra đời của những loại phương tiện thông tin mới đã tác động đến nhà văn để họ thay đổi khuynh hướng sáng tác và từ đó hình thành một thể loại văn học mới. Không phải ban đầu các nhà văn đi theo dòng văn học đại chúng đã có ý định sáng tác những tác phẩm khác biệt với dòng văn học thuần túyđể phục vụ công chúng mà chính bối cảnh xã hội đương thời đã tạo ra một môi trường để các tác phẩm văn học đại chúng có thể được sảnsinh, phát triển.

3. Đặc trưng của các nhân tố trong nền văn học đại chúng Nhật Bản

3.1. Nhàvăn

Có thể thấy rằng việc viết tiểu thuyết đại chúng là một công việc được các tạp chí yêu cầu, đặt hàng hay nói cách khác tiểu thuyết được coi như là một hàng hóa.Sau khi được đặt hàng, nhà sản xuất (nhà văn) tiến hành sản xuất hàng hóa (sáng tác) rồi đưa món hàng đó ra thị trường (đưa tác phẩm văn học đến với công chúng), tới tay người mua (độc giả). Một món hàng được coi là thành công khi đáp ứng được những gì mà khách hàng kỳ vọng, được nhiều khách hàng thừa nhận. Theo quan điểm của nhà văn Kikuchi Kan thì tác phẩm văn học nói chung ngoài giá trị nghệ thuật còn có giá trị về cuộc sống hay chạm đến khía cạnh tâm lý (human interest). Khía cạnh tâm lý này chính là sự kết nối giữa nhà văn và người đọc. Yêu cầu đối với tác phẩm văn học đại chúng để có được sự kết nối này là sự thú vị cùng sự đơn giản trong nội dung và cách thể hiện[10].

Chính bởi môi trường xã hội và yêu cầu từ độc giả mà những năm 1920 được coi là thời kỳ hoàngkim của văn học đại chúng với số lượng lớn các tác giả cũng như tác phẩm vô cùng đồ sộ. Có thể chia các tác phẩm văn học đại chúng trong thời kỳ này làm ba nhóm chính căn cứ vào nội dung tiểu thuyết bao gồm: tiểu thuyết thời đại, tiểu thuyết thông tục,tiểu thuyết trinh thám.

Nhà văn đi theo dòng văn học thuầntúy sáng tác những tác phẩm theo cảm quan cá nhân, những trải nghiệm riêng của bản thân. Việc sáng tác của họ trước tiên là một cách để làm thỏamãn nhu cầu bản thân, sauđómới tínhđếncảm nhận của người đọc. Đối tượng người đọc mà họ hướng đến chỉ là một bộ phận nhỏ, có tư tưởng, thị hiếu tương đồng. Tuynhiên,đối với nhà văn đi theo dòng văn học đại chúng, mục tiêu của họ là làm hài lòng đông đảo độc giả, mỗi độc giả là một cá tính và có thị hiếu khác nhau.Do đó để làm hài lòng số lượng độc giả ở mức độ cao nhấtcó thể thì việc sáng tác không phải là một quá trình dễ dàngnênđòi hỏi nhà văn cần có những nỗ lực nhất định. Đó là nỗ lực trong việc tìm ra điểm chung về thị hiếu của đông đảo độc giả, hiểu được độc giả cần gì ở một tác phẩm văn họcđể từ đó xây dựng một tác phẩm văn học vừa có tính giải trí nhưng vẫn có giá trị nghệ thuật. Chính vì vậy, việc coi văn học thuầntúy là văn học chính thống và đánh giá cao những nhà văn đi theo dòng văn học nàyhơn những nhà văn theo văn học đại chúng là cách nhìn nhận có phần thiên lệch, mặc dù đây là hiện tượng khá phổ biến khi đánh giá một nền văn học nói chung.

3.2. Ngườiđọc

Theo Escarpit, mỗi chuyển biến quan trong trong lịch sử sách và văn học đều có nguồn gốc từsự chuyển biến xã hội, hay khi xã hội xuất hiện một nhóm độc giả mới có nhu cầu đọc khác với các nhóm độc giả truyền thống, tất sẽ gây áp lực tới nhóm độc giả thiểu số thuộc tầng lớp xã hội cao cấp nắm quyền kiểm soát hệ thống phản hồi và giao lưu văn học. Sự xuất hiện nhóm độc giả mới này ban đầu tạo ra một loại văn học “thứ cấp” bởi được sản xuất hàng loạt với những mẫu nhân vật có sẵn, sau đó thể loại này dần được chấp nhận và trở thành một bộ phận của văn học nói chung[11].

Văn học đại chúng Nhật Bản đã hình thành và phát triển theo tiến trình này. Khi ra đời với nội dung hoàn toàn khác biệt với văn học thuần túy, văn học đại chúng ban đầu được coi là một loại văn học “thứ cấp”, nhưng sau đó được đón nhận rộng rãi và cùng tồn tại với văn học thuần túynhư hai bộ phận có vị trí ngang hàng trong nền văn học Nhật Bản.

Theo lý thuyết của Escarpit, để nhìn nhận rõ hơn sự chuyển biến trong nền văn học Nhật Bản, cụ thể hơn là sự ra đời của văn học đại chúng cần xem xét đến sự xuất hiện của nhóm độc giả mới.

Thứ nhất, dân số Nhật Bản đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh vào những năm 1920. Dân số năm 1900 của Nhật Bản là khoảng 44 triệungười, đến năm 1920 là khoảng 56 triệu người, 1940 là 71 triệu người, như vậy từ 1900 đến 1920 và từ 1920 đến 1940, dân số Nhật Bản đã tăng trên 10 triệu người[12]. [v1] Đây là điều kiện cần để lượng độc giả của các sáng tác văn học tăng lên. Còn điều kiện đủ là trình độ giáo dục của người dân. Khi trình độ giáo dục được cải thiện, ngườidânsẽđọcsách,trong đócó tác phẩm văn học, nhiều hơn. Theo thống kê, số lượng người theo học tại các cơ sở giáo dục bậc trung học chế độ cũ đã có tăng lên đáng kể trong những thập niên đầu thế kỷ XX.Từ 122 nghìn ngườinăm 1910, đến năm 1920, con số này là 176 nghìn người, năm 1930 đã lên tới 622 nghìn người[13].Ở đây, sự thay đổi về lượng đã dẫn đến sự thay đổi về chất. Cụ thể là sự thay đổi vềsố lượng độc giả đã dẫn đến thay đổi trong chất lượng của độc giả: độc giả không còn chỉ đọc những tác phẩm văn học kinh điển, văn học thuần túy mà tìm đến những tác phẩm văn học mang phong cách mới mẻ như văn học đại chúng.

Thứ hai, đó là sự thay đổi trong môi trường xã hội đã dẫn đến sự thay đổi vềnhu cầu của độc giả. Việc tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất là bước đệm để Nhật Bản nhanh chóng đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Kinh tế ngày càng phát triển đi kèm theo đó sự phát triển của công nghiệp, giatăng dân số thành thị tạo ra sự tăng nhanh về số lượng người lao động trong các ngành nghề và một tầng lớp những người lao động đã được hình thành. Bên cạnh đó, ngoài tầng lớp “trung lưu cũ” là những người nông dân giàucó, người lao động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, một tầng lớp gọi là “trung lưu mới” cũng xuất hiện gồm những người làm việc trong công ty thương mại hay các doanh nghiệp, sống dựa vào lương. Tầng lớp trung lưu thành thị và người lao động tăng nhiều dẫn đến yêu cầu về văn hóa mang tính đại chúng cao.

Khủng hoảng kinh tế thế giới từ 1929 đến 1933 có ảnh hưởnglớn đến kinh tế Nhật Bản,cùng sự phân chia các đảng phái trong xã hội, làm cho người dân mất đi tinh thần và hy vọng cho cuộc sống. Khi đa phần người dân là những người lao động sống trong điều kiện thực tế khắc nghiệt, thì nhu cầu giải trí của họ khó có thể là những tác phẩm nói về tình cảm cá nhân riêng của nhà văn – một người ở tầng lớp và học thức khác họ.Do đó, những tác phẩm phản ánh hiện thực khắc nghiệt sẽ càng làm cho người đọc thêm bi quan. Chính vì vậy, độc giả thuộc tầng lớp những người lao động sẽ chọnnhững tác phẩm dễ đọc, gợi nên những hoài niệm về quá khứ tươi đẹp để có thể phần nào tạm thời xa rời khỏi thực tại cũng như để giải trí.

Với tinh thần như vậy, những gì mà độc giả tìm kiếm thông qua văn học không phải là những tư tưởng, triết lýquá sâu sắc mà là tìm thấy niềm vui nào đó thông qua các tác phẩm văn họccũng như giải phóng mình khỏi hiện thực khắc nghiệt. Văn học đại chúng đã đáp ứng được điều này.

3.3. Phươngtiện

Escapit đã chỉ ra rằng giữa nhà văn và độc giả có một kênh thông tin là sách và chữ viết. Tuy nhiên, hiểu một cách rộng hơn thì các phương tiện thông tin đại chúng, nơi có thể đưa các tác phẩm văn học từ nhà văn đến độc giả chính là cầu nối giữa nhà văn và người đọc.

Về chữ viết, thay đổi quan trọng nhất đối với tiếng Nhật là sự thống nhất về ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết thông qua phong trào văn ngôn nhất trí thời kỳ Minh Trị. Bên cạnh đó, trong thời kỳ này, việc sử dụng tiếng Nhật tiêu chuẩn trên toàn quốc đã được quyết định. Khi được viết bằng một ngôn ngữ chuẩn mà tất cả người dân trong nước đều sử dụngthì khả năng lưu hành của sách sẽ rộng rãi hơn. Các hoạt động văn học truyền miệng như kōdan trong thời Cận thế dần bị thay thế bởi các tác phẩm văn học bằng sách in, bởi các nội dung truyền đạt đến độc giả thông qua kōdan hoàn toàn có thể ghi chép lại, xuất bản dưới dạng một cuốn sách và đến tay đông đảo độc giả hơn so với việc chỉ một số lượng nhất định khán giả tham gia hoạt động kōdan.

Văn học đại chúng hình thành nửa đầu những năm 1920 còn nhờ sự ra đời của các phương tiện thông tin truyền thông mà vai trò chủ đạo là các tạp chí. Các tạp chí này liên tục kêu gọi những sáng tác mới từ các nhà văn để phục vụ độc giả. Tạp chíKōdanKurabulàmột tạp chí tuần do nhà xuất bản Kōdansha phát hành năm 1924 - một năm sau đại thảm họa động đất Kantō 1923 -với số lượng 150 đến 160 nghìn bản cho một số. Vào năm 1935, con số này đã lên tới 400-500 nghìn bản, và đỉnh cao là năm 1942, tạp chí này đã phát hành560nghìn bản cho số đầu năm mới.

Tại hai đô thị lớn của Nhật Bản là Tokyo và Osaka, nhữngtờbáo, tạp chí lớn đã ra đời. Tiêu biểu là Kokumin Shimbun, Jiji Shinhōở Tokyo và Osaka Asahi Shimbun, Osaka Mainichi Shimbunở Osaka. Ở thời điểm năm 1924, tờ Osaka Mainichi Shimbunđã có lượngphát hành lên đến một triệu bản. Tạp chí King ra đời năm 1925 là tạp chí được biết đến rộng rãi nhất thời điểm đó với số lượng đạt kỷ lục là 1,2 triệu bản cho số ngày đầu năm mới năm 1927.

Các tờ báo, tạp chí này đều thu hút được đông đảo độc giả. Mỗi tờ báo, tạp chí lại chọn cho mình những tác phẩm văn học đại chúng riêng để đăng tải liên tiếp trong nhiều số. Tác phẩm văn học đại chúng “照る日くもる日” (Hoteruhi Kumoruhi –“Ngày tươi sáng, ngày u ám”) của nhà văn Osaragi Jirō (大仏次郎) được đăng trên báo Osaka Asahi Shimbunvà tiểu thuyết “Daibosatsu Tōge” của nhà văn Nakazato Kaizan đã nêu ở phần trên được đăng báo Tokyo Nichinichi Shimbun là hai tiểu thuyết văn học đại chúng điển hình.

4. Vị trí của tiểu thuyết thời đại trong văn học đại chúng

4.1. Sự ra đờicủatiểuthuyếtthờiđại (時代小説)

Như đã trình bày ở trên, kōdan là một hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống có từ thời Cận thế. Chủ đề chính trong các buổi kōdan là chuyện về các nhân vật lịch sử, những sự kiện đã xảy ra ở các thời kỳ trước và tùy vào người kể mà sẽ có biến tấu khác nhau về nội dung cũng như ngôn từ. Khi công nghệ in ấn hiện đại hơn được sử dụng tại Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị và nở rộ trong thời kỳ Đại Chính (Taisho, 1912-1926), thay cho phương pháp in mộc bản thờiCận thế thì kōdan không còn được tổ chức rộng rãi. Bởil ẽ, các câu chuyện được kể trong kōdan có thể được ghi chép lại, rồi in thành nhiều bản. Khi các tạp chí lớn ra đời như King, ShōnenKurabu, những câu chuyện này lại được tiếp tục đăng tải và đến được với đông đảo người đọc.

Tiểu thuyết thời đại đầu tiên xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng là tác phẩm “Daibosatsu Tōge” của Nakazato Kaizan bắt đầu được đăng trên tạp chí Miyako Shimbun vào năm 1913. Sau đó tiểu thuyết thời đại của các tác giả khác cũng lần lượt được đăng tải trên các tạp chí khác. Như tên gọi của mình, tiểu thuyết thời đại lấy bối cảnh là những câu chuyện xảy ra trong các thời đại quá khứ nhưng có thể chia ra làm ba nhóm chính gồm: tiểu thuyết lịch sử (kể về các nhân vật, sự kiện nổi bật trong lịch sử), truyện du hành (kể về các chuyến đi, những trải nghiệm của các nhân vật thông qua các chuyến đi đó), truyện phản ánh các cuộc chiến tranh (nhân vật là các kiếm khách, tìm kiếm chân lý thông việc luyện kiếm và tham gia chiến đấu). Bên cạnh đó cũng có những tiểu thuyết thời đại rất khó để phân loại chính xác thuộc nhóm nào bởi tiểu thuyết đó lồng ghép cả ba nội dung kể trên.

4.2. Vị trícủatiểu thuyết thời đại

Tiểu thuyết thời đại là dòng tiểu thuyết được sáng tác và được đọc nhiều nhất trong các dòng tiểu thuyết thuộc bộ phận văn học đại chúng Nhật Bản từ sau những năm 1920. Sức hút của tiểu thuyết thời đại nằm ở chỗ dù là bối cảnh trong quá khứ nhưng suy nghĩ và hành động của nhân vật đều hướng đến mục đích là để giải quyết vấn đề bên trong mình, cũng như vấn đề giữa mình và xã hội. Khi đọc tiểu thuyết thời đại, độc giả sẽ bước vào một thế giới khác xa rời hiện tại như một cách để giải phóng bản thân khỏi thực tại có nhiều vấn đề - đó là tính giải trí. Bên cạnh đó, về giá trị thẩm mỹ, tiểu thuyết thời đại còn đem lại cái nhìn khách quan về cuộc sống cho độc giả. Có thể lấy hai tiểu thuyết thời đại tiêu biểu trongthời kỳ Đại Chính (1912-1926) và Chiêu Hòa(Showa, 1926-1989) tương ứng là “Daibosatsu-Tōge” và “Miyamoto Musashi”để làm rõ hơn luận điểm này.

4.2.1. “Daibosatsu-tōge”

Đây là một trong những tiểu thuyết được đăng tảitrong thời gian lâu nhất, trên các tờbáo như Minato Shimbun,Mainichi Shimbun… trong suốt gần 30 năm từ năm 1913 đến năm 1941.

Tiểu thuyết “Đèo Đại Bồ tát” lấy bối cảnh là những năm cuối thời Cận thế, với nhân vật chính là một samurai vô chủ tên là Tsukue Ryunosuke. “Nhân vật có vấn đề” này đã giết người nên phải rời bỏ quê hương và đi phiêu bạt nhiều nơi. Tuy tiêu đề của tiểu thuyết là “Đèo Đại Bồ tát’ – một địa danh theo mô tả trong truyện nằm cách Edo (Tokyo ngày nay) khoảng 30 dặm về phía tây, ngày nay nằm giữa Tokyo và Yamanashi, là nơi mà Ryunosuke xuất hiện đầu tiên nhưng sau đó là rất nhiều những câu chuyện diễn ra ở các vùng khác nhau - nơi mà Ryunosuke đến. Tại những nơi đó sẽ là một câu chuyện mới với bối cảnh và nhân vật khác xoay quanh Ryunosuke, đó là những âm mưu trả thù, những trận quyết đấu.

Tại sao cuốn tiểu thuyết lại có sức hấp dẫn đến như vậy? Trước tiên đó là lối viết của tác giả. Trong tác phẩm này tác giả sử dụng những ngôn từ khá đơn giản, dễ hiểu, đơn thuần chỉ miêu tả hành động và trải nghiệm của nhân vật chính. Đồng hành cùng nhân vật chính người đọc cũng sẽ có được những trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng được đánh giá cao trong tác phẩm này. Với số lượng nhân vật đồ sộ, tài năng của tác giả là ở chỗ ông đã xây dựng được đặc trưng riêng cho từng nhân vật, không có nhân vật nào lặp lại. Chính vì vậy, qua mỗi nhân vật người đọc sẽ tìm được phần nào điểm tương đồng với bản thân mình, từ đó có thể đồng cảm với nhân vật.

Vấn đề của nhân vật chính trong tác phẩm này là sự thờ ơ với tính chất dã man trong hành động của mình.Xã hội được nói đến trong tác phẩm là hiệntrạngđầy rẫy những hành vi xấu xa, mưu đồ trả thù và việc mạng sống của con người dễ dàng bị định đoạt, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Ngoài tính giải trí, nếu đặt trong bối cảnh xã hội Nhật Bản cận đại, thời kỳ tác phẩm ra đờithì giá trị của tác phẩm còn nằm ở chỗ đem lại cho độc giả cái nhìn lạc quan về cuộc sống họ đang trải qua: dù khắc nghiệt nhưng không phải sống trong lo sợ về việcsinh mạng của mình bị tước đoạt bởi những âm mưu và thù hận cá nhân.

4.2.2. “Miyamoto Musashi”(宮本武蔵)

Đây là một tiểu thuyết thời đại của nhà văn Yoshikawa Eichi(吉川英治), được sáng tác vào đầu những năm 1930và được đăng báo từ năm 1935 đến 1939.

Tên tác phẩm cũng chính là tên nhân vật chính, là một nhân vật có thực sống từ nửa sau thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI, nổi tiếng với tài nghệ kiếm thuật của mình. Trong tác phẩm của mình ngoài việc nói về tài nghệ của Musashi, nhà văn còn khai thác các khía cạnh khác của nhân vật như tâm tư, tình cảm, những tính cách tốt đẹp.

Tác phẩm còn xoay quanh nhiều mối quan hệ như bạn bè, tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình, là sự kết hợp tài tình và khéo léo giữa truyện kiếm hiệp và truyện tình cảm. Vấn đề của nhân vật trong tác phẩm này có lẽ là sự dung hòa giữa các mối quan hệ này. Nhân vật chính vừa phải sử dụng tài năng của mình một cách hợp lý, vừa phải giải quyết những xung đột phát sinh trong các mối quan hệ. Thế giới xung quanh nhân vật chính khá phức tạp,được tạo nên bởi một số nhân vật như Matahachi, đại diện cho suy đồi, thất bại, hay mẹ của Matahachi với sự thù hận và quyết tâm trả thù cho con trai mình…Bằng việc xây dựng nhân vật Musashi – người sau khi trải qua quá trình tu luyện cả tài lẫn đức, đã trở thành một nhân vật được mến mộ, tác phẩm nàyđem lại sự khích lệ nhất định cho độc giả,cụ thể đó là ý chí ngoan cường và tinh thần hướng thiện. Đâychính là giá trị thẩm mỹ của tác phẩm.

Như vậy, có thể thấy cả hai tác phẩm trên đều mang những đặc trưng tích cực mà Goldmann đã khẳng định: các tác phẩm không phản ánh trực tiếp hiện thực xã hội – xã hội cận, hiện đại Nhật Bản nhưng vẫn tạo được sự gắn kết giữa tư tưởng đại diện cho những cá nhân trong xã hội hiện thực với tư tưởng mà tác phẩm muốn đề cao, hướng đến. Phải chăng đó chính là lý do làm cho cáctác phẩm này được đón nhận rộng rãi.

Văn học đại chúng Nhật Bản ra đời với số lượng tác giả và tác phẩm đồ sộ cùng nhiều loại tiểu thuyết khác nhau đã tạo nên sự đa dạng trong nền văn học Nhật Bản nói chung. Sự ra đời và quá trình vậnhành của một tác phẩm văn học bao gồm nhà văn, người đọc, phương tiệntạiNhật Bản trong những năm 1920 với những đặc trưng riêngcólà ba khối vững chắc tạo điều kiện để văn học đại chúng Nhật Bản phát triển rực rỡ.

Tiểu thuyết thời đại là nhóm tác phẩm đại diện tiêu biểu nhất cho văn học đại chúngbởilẽnó khẳng định được vị trí của mình so với các thể loại tiểu thuyết khác khikết hợp được hai yếu tố trong một tác phẩm: tính giải trí và giá trị thẩm mỹ, bên cạnh đó còn là sự kết nối tư tưởng con người củaxã hội hiện đại với xã hội trong quá khứ. Chính bởi những lý do này mà tiểu thuyết thời đại có được sự yêu mến đặc biệt của đại đa số độc giả đương thời.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  セシルサカイ(1997), 日本の大衆文学平凡社 (C’ecile Sakai (1997), Văn học đại chúng Nhật Bản, Nxb Heibonsha).

2. 尾崎秀樹 (2001), 大衆文学論, 講談社 (Hideki Ozaki (2001), Lýluậnvềvănhọcđạichúng, NxbKōdansha).

3. 桑原武夫 (1950), 文学入門, 岩波書店 (Kuwabara Takeo (1950), Nhậpmônvănhọc, NxbIwanami shoten).

4. LộcPhươngThủy, NguyễnPhươngNgọc, Phùng Ngọc Kiên (2018), Xãhộihọcvănhọc, NxbĐạihọcQuốcgiaHàNội.

5. 金原左門(1994), 大正デモクラシー,吉川弘文館(Samon Kimbara (1994), Nền dân chủ Đại Chính,NxbYoshikawa Kōbunkan).

6. 吉見俊哉, 土屋礼子 (2010), 大衆文化とメディア, ミネルヴァ書房 (Shunya Yoshimy, Reiko Tsuchiya(2010), Văn hóa đại chúng và truyền thông, NxbMinervashobo).

 



[1]ThS., TrườngĐạihọc Khoa họcxãhộivànhânvăn, ĐạihọcQuốcgiaHàNội

[2]Robert Escarpit(1918-2000)là nhà trí thức, nhà văn, nhà báo, là nhân vật tiên phong trong lĩnh vực xã hội học văn học.

[3]Lộc Phương Thủy, Nguyễn Phương Ngọc, Phùng Ngọc Kiên (2018), Xã hội học văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, HàNội, tr. 89.

[4]Lộc Phương Thủy, “Về tương quan đối ứng giữa tác phẩm và ý thức nhóm xã hội”,http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/LyLuanVanHoc/View_Detail.aspx?ItemID=13.

[5]私小説: còn có tên gọi khác là tiểu thuyết cái tôi, nhân vật chính trong tác phẩm thường là chính tác giả, nội dung thường liên quan đến trải nghiệm thực tế của tác giả.

[6]Giảng đàm (講談) là một hoạt động nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản được phát triển mạnh mẽ vào cuối thời cận thế (1868-1945) đầu thời kỳ Minh Trị (1868-1912) trong đó sẽ có một người ngồi trên sân khấu kể chuyện liên quan đến tác phẩm văn học hay sự kiện lịch sử nào đó cho khán giả bên dưới nghe.

[7]桑原武夫 (1950), 文学入門,岩波書店 (Kuwabara Takeo (1950), Nhập môn văn học, Nxb Iwanami Shoten), tr. 78.

[8]二十一日会: một hội được sáng lập bởi 11 nhà văn chuyên sáng tác các tác phẩm văn học đại chúng. Hội được quyết định thành lập vào ngày 21 nên lấy tên là “Hội ngày 21”.

[9] “現代大衆文学全集”làmột bộ các tác phẩm văn học đại chúng Nhật Bản gồm 60 quyển. Quyển đầu tiên được phát hành vào tháng 5 năm 1927, quyển cuối cùng được phát hành năm 1932 bởi nhà xuất bản Heibonsha.

[10]尾崎秀樹 (2001), 大衆文学論, 講談社 (Hideki Ozaki (2001), luận về văn học đại chúng, Nxb Kōdansha), tr. 45.

[11]Lộc Phương Thủy, Nguyễn Phương Ngọc, Phùng Ngọc Kiên (2018), Sđd, tr. 95.

[12]Theo số liệu thống kê dân số, Niên giám thống kê Nhật Bản, Tổng cục thống kê (日本統計年鑑・総務省統計局)https://www.stat.go.jp/data/nenkan/70nenkan/02.html.

[13]Thống theo năm số liệu về tình hình giáo dục từ sau năm Minh Trị 6 (明治六年以降教育累年統計), https://www.mext.go.jp/b_menu/hakusho/html/others/detail/1318190.htm.


 

0thảo luận