Trang chủ

Một số thành tựu và vấn đề trong nhiệm kỳ một năm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide

Đăng ngày: 13-02-2023, 08:39 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 10

Đỗ Thị Ánh1

 

Tóm tắt:Tháng 9/2020, ông Suga Yoshihide đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vàkế nhiệm cựu Thủ tướng Abe trở thành Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản. Tuy nhiên vàođầu tháng 9/2021, Thủ tướng Suga bất ngờ tuyên bố sẽ không tham gia tái cử chức Chủ tịch đảng, do vậy, ông sẽ rời khỏi cương vị thủ tướng sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào cuối tháng này.Là một nhà chính trị giàu kinh nghiệm thực tiễn, Thủ tướng Sugavới tôn chỉ phụng sự nhân dân đã luôn nỗ lực hành động một cách khẩn trương và hiệu quả.Bất chấp quãng thời gian cầm quyền không dài và bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, chính quyền của ông vẫn để lại được cho người kế nhiệm một số di sản quan trọng về chính sách đối nội và đối ngoại. Bài viết sẽ điểm lại những thành tựu quan trọng cũng như một số vấn đề trong nhiệm kỳ một năm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Từ khóa:Nhật Bản, Thủ tướng Suga Yoshihide, nhiệm kỳ,thành tựu, vấn đề

 


1. Khái quát về Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide[1]

Dưới thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe, ông Suga Yoshihide đã có 8 năm giữ chức Chánh văn phòng Nội các, vị trí cao cấp nhất trong chính phủ chỉ sau thủ tướng, điều mà chưa chính trị gia Nhật Bản nào từng làm. Là cánh tay phải của cựu Thủ tướng Abe, ông Suga đã trợ giúp ông Abe trong hoạch định và triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại, gắn kết các phe phái khác nhau trong nội bộ liên minh đảng cầm quyền cũng như với cả các đảng phái đối lập.Ông Suga có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý các quan chức dưới quyền và có quan hệ tốt với Đảng Công Minh (NKP) trong liên minh cầm quyền.Bởi vậy khi Thủ tướng Suga nhậm chức tháng 9/2020, ông đã giành được rất nhiều kỳ vọng từ đảng LDP cầm quyền và đa số người dân Nhật Bản.Nội các Suga ở thời điểm mới nhậm chức đãnhận được tỷ lệ ủng hộ lên tới 74%, mức ủng hộ cao thứ ba trong lịch sử thống kê được tiến hành từ năm 1987 tại Nhật Bản, theo đó tỷ lệ ủng hộ cao nhất dành cho một chính quyền mới nhậm chức là 80% đốivới Nội các của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi năm 2001[2].

Thủ tướng Sugabắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn to lớn cả ở trong và ngoài nước. Kinh tế Nhật Bản sau nhiều năm trì trệ và cố gắng đối phó với những tác động dai dẳng của tình trạng già hóa dân số đang phải chống chọi thêm vớiđại dịchCOVID-19. Thế vận hội Tokyo 2020 đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Về bối cảnh quốc tế cũng nổi lên nhiều vấn đề như quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng, Trung Quốc có nhiều động thái phức tạp tại Biển Đông và biển Hoa Đông[3], sự thay đổi chính quyền tại Mỹ tháng 11/2020, khủng hoảng khí hậu toàn cầu, xu thế mới về công nghệ số và không gian mạng…Để vượt qua giai đoạn khó khăn, Thủ tướng Suga chủ trương kế tục các chính sách của người tiền nhiệm, đề ra tôn chỉ phụng sự nhân dân, hành động khẩn trương, coi trọng tính thực tế, tập trung vào các chính sách trọng tâm như cải cách hành chính, khống chế đại dịch COVID-19 và vực dậy nền kinh tế[4].Đến nay nhìn lại có thể thấy rằng,trong một năm qua chính quyền của Thủ tướng Sugađã đạt được một sốnhững thành quả nhất định.

2. Những thành tựu chính của Thủ tướng Suga Yoshihide

Vềđối nội, trước hếtliên quan đến vấn đềcải cách hành chính thông qua ứng dụng công nghệ số,sự ra đời của Cơ quan Kỹ thuật số (Digital Agency), một cơ quan chính phủ mới đóng vai trò tháp chỉ huy việc nâng cấp và thúc đẩy nền kinh tế số của Nhật Bản vào đầu tháng 9/2021có thể đánh giálà điểm nhấn lớn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Suga.Kỹ thuật số hóa cùng với tính bền vữngvốn được coi là trụ cột của “sự chuyển đổi kép”- một cụm từ phổ biến trong chính phủ và khu vực doanh nghiệp trên toàn cầu hiện nay- chính là động lực cốt lõi nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.Cuộc khủng hoảng COVID-19càng cho thấyyêu cầu cấp bách phải giải quyết những khúc mắctồn tại trong dịch vụ công, cải thiện năng lực và tốc độ điều phối thông qua ứng dụng công nghệ kỹ thuật số. Từ góc độ toàn cầu, kế hoạch này cũng sẽ giúpnâng caokhả năng cạnh tranh quốc tế của Nhật Bản.Quốc hội Nhật Bảnngày 12/5/2021 đã thông qua luật dự luật đầu tiên củaNội các Suga để mở đường cho kế hoạch này.Theo Thủ tướng Suga,“Cơ quan kỹ thuật số phải hoạt động như một trung tâm kiểm soát mạnh mẽgồm những người tài năng vượt trội được tập hợp từ cả khu vực công và tư để dẫn đầu quá trình số hóa toàn xã hội”[5].Đặt ở trung tâm Tokyo với khoảng 600 nhân viên bao gồm các kỹ sư công nghệ thông tin, trong đó có khoảng 200 người đến từ khu vực tư nhân[6],cơ quan này sẽ điều hành hệ thống thông tin của chính phủ và cố vấn cho các bộ ngành, chuẩn hóa hệ thống thông tin của các chính quyền địa phương, tinh giản các dịch vụ hành chính, phổ biến thẻ mã số cá nhân (My Number)và tích hợp với thẻ và giấy phép bảo hiểm y tế, thúc đẩy kỹ thuật số hóa các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc y tế và ứng phó với thảm họa, dịch bệnh[7].Theo kế hoạch ban đầu, cơ quan nàydự kiến bắt đầu hoạt động từ 2022 nhưng đã đượchoàn thành sớm trước thời hạn. Chỉ chưa đầy một năm sau khi Thủ tướng Suga đưa ramục tiêu thành lập mộttổ chức thúc đẩy cải cách hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tintại cuộc bầu cử chủ tịch LDP, việc Cơ quan Kỹ thuật số được khánh thành vào ngày 1/9 năm nay đã thể hiện tốc độ khẩn trương hiếm có trong triển khai chính sách của Nội các Suga.

Thứ hai, liên quan đến chính sách kinh tế, bên cạnh việc kế thừa chiến lược của người tiền nhiệm, Thủ tướng Suga cũng có những quyết sách mang bản sắc riêng. Về những điểm khác biệt của Suganomics (chính sách kinh tế của Thủ tướng Suga) so với  Abenomics, trước hết có thể thấy rằng Abenomics lấy kinh tế vĩ mô làm trung tâm, trong khi ưu tiên của Suganomics là chính sách vi mô, tập trungvào các công ty, doanh nghiệp. Ví dụ, chiến dịch "Go to Travel" là một chính sách thúc đẩy phía cung là các công ty liên quan đến du lịch, chứ không chỉ đơn thuần là kích cầu với người tiêu dùng. Thủ tướng Suga cũng chỉ đạo các bộ, ngành khuyến khích nâng cao năng suất và tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Việc thiết lập cơ chế tạo điều kiện cho M&A và sự kết hợp giữa các công ty cũng là trụ cột trong chính sách SMEs của Thủ tướng Suga. Cho dù đóng góp của SMEs vào giá trị gia tăng trong nền kinh tế Nhật Bảnít hơn so các doanh nghiệp lớn nhưng lại sử dụng tới 70% lực lượng lao động và chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp, bởi vậy mà chính sách này mang ý nghĩa rất lớn[8].Chính sách vĩ mô duy nhất được đưa ra là chính sách giá cổ phiếu cũng khuyến khích tích lũy lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa dưới thời Thủ tướng Suga không có nhiều thay đổi, cho thấy sự tiếp nối của Abenomics qua việcgiữ lại một số bộ trưởng chủ chốtnhư Bộ trưởng Tài chính Aso Taro. Mặc dù vậy, có thể thấy Suganomics cũng chú ý giải quyết một số vấn đề mang tính cơ cấu của Nhật Bản như hồi sinh các khu vực nông thôn của đất nước và hợp lý hóa hệ thống ngân hàng khu vực cồng kềnh và ít lợi nhuận.

Bên cạnh đó, còn có một đặc trưng khác trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Suga, đó là chú trọngtới người tiêu dùng và ưu tiên "sự thuận lợi của người dân". Trong năm qua, Chính phủ NhậtBản đã dành nhiều nỗ lực để xử lý các vấn đề như tăng lương tối thiểu, dịch vụ chăm sóc y tế trực tuyến và đặc biệt là giảm cước điện thoại di động, kế hoạch mà Thủ tướng Suga đã rất quan tâm kể từ khi còn là Chánh văn phòng Nội các. Ngay sau khi chính quyền mới nhậm chức, Bộ Nội vụ và Truyền thông đã công bố kế hoạch giảm cước điện thoại di động mà theo ước tính số cước giảmhàng năm sẽ vào khoảng 430 tỷ yên[9].Trước yêu cầu từchính phủ, các gói cước giá rẻ dành cho người tiêu dùng đã được đưa ra bởi 10 công ty viễn thôngNhật như DoCoMo, KDDI, Softbank, Rakuten Mobile, nhà điều hành mạng di động ảo (MVNO)… Đại dịch COVID-19 khiến thu nhập của hộ gia đình gặp nhiềukhó khăn và chi phí điện thoại di độngđã trở thành một gánh nặng không nhỏ. Theo khảo sát, cước điện thoại di động trung bình hàng thángcủa hộ gia đình Nhật Bảncó từ hai lao động trở lên là 13.410 yên vào năm 2020,tuy đã giảm 1% so với 2019 nhưng vẫn chiếm tới 4,4% tổng chi tiêu, nghĩa là tương đương chi tiêu cho giáo dục (5,4%) và chăm sóc sức khỏe (4,3%)[10].

Thứ ba, liên quan đếnđối sách với biến đổi khí hậu,ngày 2/10/2020 tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội đầu tiên kể từ khi nắm quyền, Thủ tướng Suga đã công bố mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Nhật Bản xuống gần bằng 0 vào năm 2050,đồng thờilên kế hoạch ban hành luật.Theo Thủ tướng Suga:"Việc ứng phó với vấn đề nóng lên toàn cầu hiện không còn là trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế. Cần thay đổi cách nghĩ. Các biện pháp chủ động đối phó với biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi cơ cấu công nghiệp và kinh tế xã hội, dẫn đến cơ hội tăng trưởng vượt bậc"[11].Nhấn mạnh yếu tố công nghệ, ôngkhẳng định: "Đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa" trong việc thực hiện. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vềchống biến đổi khí hậu tổ chức vào ngày 12/12/2020 với sự tham gia của hơn 70 nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng Suga một lần nữatái khẳng định mục tiêu hướng tới một xã hội xanh không carbon vào năm 2050 của Nhật Bản thông qua những công nghệ đột phá như tái chế carbon, nhiên liệu hydro, pin năng lượng mặt trời thế hệ mới… Nhật Bản là một trong những quốc gia phát thải carbon hàng đầu thế giới[12] vàthường bị chỉ trích là thường đưa ra mục tiêu chung chungvà thiếu quyết đoán trong vấn đề biến đổi khí hậu.Đây là lần đầumột chính quyền của Nhật Bản đưa ra mốc thời gian cụ thể về mục tiêu cắt giảm phát thải carbon, bước tiến lớn trong việc đưa ra thông điệp của Nhật Bản ra thế giới vàgiúp cộng đồng quốc tế thấyđược những nỗ lực đáng kể của Nhật Bản. Đến ngày 2/3/2021, Nội các Nhật Bản đã đưa ra dự luật sửa đổi về“Hiện thực hóa mục tiêu xã hội không carbon trước năm 2050”. Ý nghĩa của mục tiêu trung hòa carbon trước 2050 được chính thức đưa vào luật cho thấy tuyên bố của Thủ tướng Suga Yoshihide không dừng lại ở khía cạnh tuyên truyền mà đã được cụ thể hóa bằng căn cứ luật pháp.

Tiếp theo, trong lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Suga đã thúc đẩy tương đối thành công chiến lược tổng thể của người tiền nhiệm như tiếp tục triển khai các chính sách coi trọng quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, tiếp tục thúc đẩy Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia và duy trì ổn định mốiquan hệ với Trung Quốc. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch hoành hành trên toàn cầu hiện nay, Thủ tướng Suga cũng đã nỗ lực duy trì ảnh hưởng của Nhật Bản thông qua hoạt động ngoại giao vắc xin.

Trước hết, vềviệc tái khẳng định mối quan hệđồng minh Nhật-Mỹ, tháng 4/2021 Thủ tướng Suga đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới Nhà Trắng gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Mỹsaukhi ông Joe Biden chính thứcnhậm chức. Chuyến công du của ông tới Mỹ được đánh giá là giúp thắt chặt quan hệ liên minh song phương, tăng cường liên kết kinh tế và an ninh để cùng nhau đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên ở châu Á-Thái Bình Dương như vấn đề Triều Tiên, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, chính sách công nghệ, cũng như khẳng định lập trường đối với Trung Quốc và vấn đề eo biển Đài Loan. Theo Rumi Aoyama trên East Asia Forum, đây là một kết quả ý nghĩa còn bởi vì“trong nhiều năm các quan chức chính phủ phải tìm cách để không xảy ra "sự bắt tay nhau giữa G2" (Mỹ - Trung) khiến Nhật Bản bị gạt rangoài lề và Chính phủ Nhật Bản đã nhận thấy rằng kịch bản này không phải là điều cầnlo ngại hiện nay”[13].

Mặt khác, giữa haivấn đề an ninh và kinh tế, Thủ tướng Sugatrong nhiệm kỳ của mình cũng đã chứng minh được sự đúng đắn của chính sách ngoại giao cân bằng của Nhật Bản với việc duy trì ổn định mối quan hệ kinh tếvới Trung Quốc. Vốn là quốc gia có vị trí địa lý gần với Nhật Bản, từ nhiều năm trước Trung Quốcđã trở thành đối tác thương mại lớn nhấtvà nước này cũng đã thay thế Mỹ trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Nền kinh tế Nhật ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Theo số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản đưa ra tháng 6/2021, về tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, Trung Quốc đứng đầu với 22,2%, Mỹ thứ haivới 17,6% và Liên minh châu Âu (EU) thứ ba với 9,9%. Về nhập khẩu, tỷ trọng của Trung Quốc cũng đứng thứ nhất với 24,6%, Mỹ đứng thứ năm với 11,5% và EU thứ ba với 12,5%. Ngoài ra,nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, Nhật Bản cũng đã nỗ lực hành động để Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết giữa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN vào tháng 11/2020 tại Nhật Bản, thúc đẩy việc mở rộng hơn nữa thương mại và đầu tư và chuỗi cung ứng khu vực.

Chính quyền của Thủ tướng Suga cũng đã nỗ lực thúc đẩychiến lược xây dựng liên minh khu vực của người tiền nhiệm thông qua việc quảng bá "Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP). Chính phủ Nhật Bản cũng đồng thuận cao về việc củng cố quan hệ với Australia, Ấn Độ và các nước ASEAN. Thủ tướng Suga trong chuyến công du đầu tiênsau khi nhậm chứcđã đến Việt Nam và Indonesia,cho thấy tầm quan trọng của khu vực này đối với Nhật Bản. Bên cạnh việcủng hộ những nỗ lực của Đông Nam Á đối với hòa bình ở Biển Đông, ông đồng thời cũngnhấn mạnh tầm quan trọng FOIP trong hợp tác khu vực. Thủ tướng Suga cũng tăng cường quan hệ với Anh, Pháp và Đức, mong muốn sự tham gia của các nước này trong khuôn khổ FOIP.Sau cuộc gặp với Tổng thống Biden, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh tháng 6/2021, ông đãtuyên bố rằng các nước G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italia, Nhật Bản) nên làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Nỗ lực xây dựng liên minh khu vực cũng được thể hiện qua việc Nhật Bản tổ chức cuộc họp Bộ trưởng nhóm Bộ tứ kim cương(QUAD) lần thứ hai vào tháng 10/2020.Động lực của Bộ tứ đã được tăng cường mạnh mẽ hơn dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Mỹ Biden và Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các nguyên thủ nhómQUAD đã diễn ra vào tháng 3/2021 dưới hình thức trực tuyến,bàn về những nội dung mở rộng như an ninh kinh tế - chuỗi cung ứng, phân phối vaccine Covid-19 và biến đổi khí hậu.Sắp tới,vào ngày 24/9/2021,Thủ tướng Suga dự kiến sẽ tới Nhà Trắng theo lời mời của Tổng thống Biden để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, thúc đẩy hợp tác giữa 4 nước thành viên và cùng xác nhận những cam kết mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bên cạnh đó Thủ tướng Suga được cho là sẽ tận dụng cơ hội này đểcủng cố mối quan hệ vững chắc có tính tiếp nối, kế thừa với lãnh đạo các nước trong nhóm trước khi trao lại vị trí đứng đầu cho người kế nhiệm[14].

Ngoài ra, liên quan đếnvấn đề cấp bách trên thế giới hiện nay là phân phối và đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin COVID-19,tại Hội nghị thượng đỉnh AMC được tổ chức bởi liên minh vắc xin Gavi và Chính phủ Nhật Bản tháng 6/2021, Thủ tướng Suga đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và hành động chống lại đại dịch toàn cầu, đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ cung cấp cho 13 quốc gia và khu vực (Đông Nam Á, Tây Nam Á và quốc đảo Thái Bình Dương) 30 triệu liều vắc xin được sản xuất tại Nhật Bản thông qua Cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX)[15].Ngoài ra, Nhật Bản cũng đãviện trợ trực tiếpthay vì thông qua COVAX cho các nước mà Nhật Bản muốn thắt chặt quan hệ.Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được Chính phủ Nhật Bản viện trợ vắc xin Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và khan hiếm nguồn cung vắc xin trên toàn thế giới. Tính đến 15/9/2021 tổng số vắc xin phòng Covid-19 mà Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam là 3,58 triệu liều[16].Theo đánh giá của lãnh đạo chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam, sự hỗ trợ vắc xin của Chính phủ Nhật Bản hết sức có ý nghĩa trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân.

3. Một số vấn đề trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Suga Yoshihide

Qua những phân tích trên đây có thể thấy rằng sau một năm cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng Suga đã đạt được không ít thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với cách đây một năm, tỷ lệ ủng hộ đối với Nội các Nhật Bản hiện đã giảmxuống mức xấp xỉ 30%[17], một kết quả phản ánh cảm xúc lẫn lộn của công chúng Nhật Bản về hiệu quả đối phó với đại dịchCOVID-19 của chính phủ, những quan điểm chia rẽ về việc tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020vàsự hồi phục của nền kinh tế không như kỳ vọng.

Trước hết, về tínhhiệu quả của việc đối phó với đại dịchCOVID-19 của chính quyền Thủ tướng Suga, theo cuộc thăm dò dư luận quốc gia do Mainichi Shimbun và Trung tâm Nghiên cứu xã hội Nhật Bản tiến hành ngày 28/8,số người đánh giásự đối phó của chính phủ là"không hiệu quả" chiếm tới70% và số người đánh giá"hiệu quả" chỉ vỏn vẹn 14%[18]. Đánh giá về việctiêm chủng vắc xin COVID-19của chính phủ, cuộc thăm dò ý kiến ngày 29/8 của thời báo kinh tế Nhật Bản Nihon Keizai và Đài truyền hình TV Tokyo cho thấy, số người cho rằng việc tiêm chủng của Chính phủ Nhật Bản được tổ chức "không tốt" chiếm tới 70%, và số người cho rằng "tốt" chỉ có 26%[19].

Sự chậm trễ trong việc dừng chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go to Travel” mà nhiều chuyên gia cho rằng có thể đã khiến COVID-19 lây lan khắp Nhật Bản cũng bị chỉ trích nặng nề. Số ca mắc COVID-19 tăng vọt do biến chủng mới, số bệnh nhân trở nặng cũng tăng đột biến khiến hệ thống y tế phải căng mình đối phó. Ngày 19/9, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 3.401 ca nhiễm và số ca đang phải nhập viện điều trị là 70.628[20]. Nhiều người cũng bày tỏ quan điểm bất bình và yêu cầu sự giải thích về quyết định hạn chế nhập viện và tự điều trị y tế tại nhà đối với những ca bệnh không quá nặng.

Thứ hai, quyết tâm tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 cũng không tránh khỏirất nhiềuchỉ trích. Trước khẳng định của Thủ tướng Suga rằng Nhật Bản vẫn "có thể tổ chức một giải đấu an toàn trong khiđảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân", 73% số người được hỏi nói rằng họ “không bị thuyết phục” và chỉ 20% trả lời “có thuyết phục”. Hơn nữa, cho dù Thế vận hội Tokyo 2020 đã khép lại mà không để lại hậu quả lây nhiễm nghiêm trọng, việc không thể kết nối sự kiện lớn này với sự phục hồi nền kinh tế Nhật Bảncũng khiến chính quyền Suga đánh mất đáng kể uy tín ở trong nước.

Thứ ba, liên quan đến tình hình kinh tế, do tình trạng khẩn cấp được ban bố liên tiếp (năm 2021 tại Tokyo tình trạng khẩn cấp đã được ban hành từ tháng 1đến tháng 3, từ tháng 4đến tháng 6và hiện tại tình trạng khẩn cấp được ban hành từ tháng 7vẫn đang tiếp diễn) tiêu thụ cá nhân suy giảm mạnh, đặc biệt là lĩnh vực nhà hàng và bán lẻ. Bên cạnh đó, chiến dịch kích cầu du lịch “Go to Travel” của chính phủ vốn là trung tâm của kế hoạch phục hồi du lịch đã buộc phải dừng lại từ cuối năm 2020 cũng đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của ngành công nghiệp du lịch. GDP thực tế của Nhật Bản trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6 năm 2021 chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 1,3% năm. Rõ ràng là so với Mỹ, quốc gia đi tiên phong trong việc chủng ngừa COVID-19 với mức tăng trưởng 6,6% và khu vực đồng euro tăng 8,2% năm so với quý I/2021, sự phục hồikinh tế của Nhật Bản diễn ra tương đối chậm. Mức tăng tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa GDP chỉ vỏn vẹn 0,8% đã kéo mức tăng trưởng chung xuống thấp. Hiện tại GDP thực tế của Nhật Bản là khoảng 539 nghìn tỷ yên, thấp hơn 8 nghìn tỷ yên so với mức 547 nghìn tỷ yên củaquý IV 2019 trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19[21].

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, mặc dù thời gian qua Nhật Bản đã phải gánh chịu làn sóng thứ năm tồi tệ nhấttừ trước đến naydo biến chủng Delta, nước này vẫn có số ca nhiễm và tử vong thấp hơn bất kỳ quốc gia G7 nào khác cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối. Về việc tiêm chủng, tính đến 20/9/2021 tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin của Nhật Bản là 54,4% (trong đó người trên 65 tuổi tiêm đủ 2 mũi là 88,6%), tỷ lệ tiêm 1 mũi là 66,5% (trong đó người trên 65 tuổi tiêm một mũi là 90,1%)[22].Ngày 25/8, chính phủ Nhật Bản đã đề cập tới kế hoạch chi bổ sung khoảng 1,4 nghìn tỷ yên từ quỹ dự phòng ngân sách năm 2021 để mua thêm vắc xin và thuốc điều trị. Đến 27/8, Nội các Nhật Bản đã quyết định về việc chuẩn bịtiêm tăng cường mũi vắc xin thứ ba[23].Việc tổ chức Thế vận hội Olympic cũng là một quyết định khó khănbởi đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là hình ảnh ngoại giao, uy tín và vị thếcủa Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế. Về khía cạnh an toàn, Bộ trưởng Thế vận hội Olympic và Paralympic Nhật Bản Marukawacho biết: "Không có báo cáo về trường hợp lây lan ra ngoài cộng đồng dân cư từ những người có liên quan" sau quá trình tổ chức sự kiện thể thao này[24].

Bởi vậy, từ quan điểm khắt khe của công chúng Nhật Bản đối với Nội các Suga cho thấy vấn đề có thể còn nằm ở một khía cạnh khác, đó là khả năng giao tiếp công chúng nhìntừ góc độ của một nhà lãnh đạo.Thủ tướng Suga đã thể hiện sự xuất sắc trong những khía cạnh ngầm của chính trị, bao gồm vận động lập pháp và kiểm soát các chính trị gia quyền lực. Tuy nhiên, khả năng giao tiếp chưa hiệu quả với công chúng có thể là vấn đề đáng kể.Là người hành động khẩn trương và thực tế, coi trọng kết quả, Thủ tướng Suga ít khi thể hiện mình hoặc chú trọng quá nhiều đến thông điệp. Tuy nhiên, khác với người làm chính sách,là một chính trị gia, khả năng thuyết phục, giải thích từng quyết định cho người dân cũng hết sức quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng nặng nề, người dân càng mong muốn thấynhiều hơn sự đồng cảm từ phíagiới chức lãnh đạo.

4. Kết luận

Mặc dù thời gian đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản không dài, song có thể thấy rằng, sau một năm cầm quyềnThủ tướng Suga Yoshihide cũng đãđạt được những thành tựu nhất định. Bên cạnh việcduy trì những sách lược quan trọng của người tiền nhiệm, Thủ tướng Suga cũng đãcho thấy những bản sắc riêng. Nhìn từ bên ngoài, cách thức thể hiện của ông có vẻ thiếu tính đột phá, tuy nhiên trên thực tế, trong cáclĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến xã hội, việc duy trìtính ổn định đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng của thế giới và Nhật Bản hiện nay. Bên cạnh đó Thủ tướng Suga cũng đã tạo được những dấu ấn riêng trong các lĩnh vực cải cáchhành chính, quản lý chuyển đổi số và gia tăng năng suất lao động qua việc cấu trúc lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành công trong việc tổ chức mộtthế vận hội đặc biệt nhất trong lịch sử các kỳ Olympic, tạo nhiều ấn tượng tích cực đối với cộng đồng quốc tế. Trong lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Suga với hiểu biết sâu sắc về những vấn đề trọng tâm của chính sách đối ngoại Nhật Bản cũng đã thành công trong việc xử lý quan hệ với các nước lớn, bao gồm duy trì liên minh Nhật-Mỹ, chủ động đi đầu trong thiết lập các quy tắc quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định khu vực và cân bằng trong việc đối phó với Trung Quốc.Mặc dù còn nhiều vấn đề trước mắt, nhưng có thể nói, với những nỗ lực của mình, Thủ tướng Suga đã để lại cho người kế nhiệm một số thành tựu chính sách đối nội, đối ngoạiquan trọng có tính chất nền móng cho chính quyềntiếp theo, đóng góp tích cực đối với chặng đường phát triển lâu dài của Nhật Bản./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 菅内閣支持率74%、発足時歴代3位「人柄」を評価本社世論調査(Tỷ lệ ủng hộ Nội các Suga là 74%, cao thứ 3 trong lịch sử các chính quyền mới nhậm chức, "Nhân cách Thủ tướng" được đánh giá cao trong cuộc thăm dò do trụ sở báo Nikkei tiến hành),https://www.nikkei.com/article/DGXMZO63999770X10C20A9MM8000/.
  2. 尖閣諸島周辺海域における中国海警局に所属する船舶等の動向と我が国の対処(Động thái của các tàu thuộc Lực lượng bảo vệ biển Trung Quốc trong vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku và phản ứng của Nhật Bản), https://www.kaiho.mlit.go.jp/mission/senkaku/senkaku.html.
  3. 「国民のために働く内閣」菅内閣政策集("Nội các hành động vì người dân" Các chính sách của Nội các Suga), https://www.kantei.go.jp/jp/headline/tokushu.html.
  4. 菅総理所信表明演説「2050年までに脱炭素社会を実現」(Tuyên bố của Thủ tướng Suga "Thực hiện một xã hội không có carbon vào năm 2050"),https://sdgs-support.or.jp/journal/decarbonisation/.
  5. 菅首相外交、訪米会合で総決算 (Hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Suga Tổng kết trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Hội nghị Bộ tứ trong chuyến công tác tới Mỹ), https://www.reuters.com/article/idJP2021091401000941.


[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2]菅内閣支持率74%、発足時歴代3位「人柄」を評価本社世論調査(Tỷ lệ ủng hộ Nội các Suga là 74%, cao thứ 3 trong lịch sử các chính quyền mới nhậm chức, "nhân cách Thủ tướng" được đánh giá cao trong cuộc thăm dò do trụ sở báo Nikkei tiến hànhhttps://www.nikkei.com/article/DGXMZO63999770X10C20A9MM8000/, truy cập ngày 6/9/2021.

[3]尖閣諸島周辺海域における中国海警局に所属する船舶等の動向と我が国の対処 (Động thái của các tàu thuộc Lực lượng bảo vệ biển Trung Quốc trong vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku và phản ứng của Nhật Bản),https://www.kaiho.mlit.go.jp/mission/senkaku/senkaku.html,truy cập ngày 15/9/2021.

[4]「国民のために働く内閣」菅内閣政策集("Nội các hành động vì người dân", các chính sách của Nội các Suga), https://www.kantei.go.jp/jp/headline/tokushu.html.

[5]“For Japan, Abenomics isn’t going away – it will just get better”,https://www.asiafinancial.com/for-japan-abenomics-isnt-going-away-it-will-just-get-better, truy cập ngày 9/9/2021.

[6]“Nhật Bản thành lập cơ quan kỹ thuật số”,https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/319676/, truy cập ngày10/9/2021.

[7]デジタル庁(Cơ quan kỹ thuật số),https://swri.jp/glossary/%E3%83%87%E3%82%B8%E3%82%BF%E3%83%AB%E5%BA%81, truy cập ngày 10/9/2021.

[8]菅政権初の成長戦略実行計画 脱炭素化へ基金、中小企業の生産性向上支援など柱 (Kế hoạch thực thi chiến lược tăng trưởng đầu tiên của chính quyền SugaTrụ cột gồm quỹ cắt giảm cacbon, hỗ trợ nâng cao năng suất doanh nghiệp vừa và nhỏ),https://mainichi.jp/arti cles/20201201/k00/00m/010/401000c,truy cập ngày 10/9/2021.

[9]携帯の家計負担、年4300億円減 新プランで総務省試算(Gánh nặng cước điện thoại di động của hộ gia đìnhgiảm 430 tỷ yên hàng năm, Bộ Nội vụ và Truyền thông ước tính về kế hoạch mới),https://www. nikkei.com/article/DGXZQOUA290XH0Z20C21A6000000/, truy cập ngày 9/9/2021.

[10]携帯値下げ、国民の負担軽減は年4300億円に 総務省試算 (Giảm giá cước điện thoại di động, gánh nặng cước phí với người dân sẽ giảm 430 tỷ yên mỗi năm, theo ước tính của Bộ Nội vụ và Truyền thông),https://mainichi.jp/articles/20210629/k00/00m/020/421000c, truy cập ngày9/9/2021.

[11]菅総理所信表明演説「2050年までに脱炭素社会を実現」(Tuyên bố của Thủ tướng Suga "Thực hiện một xã hội không có carbon vào năm 2050"),https://sdgs-sup port.or.jp/journal/decarbonisation/, truy cập ngày 9/9/2021.

[12]“Sự phát thải theo Quốc gia: Quốc gia nào thải ra bao nhiêu khí CO₂?”,https://climatescience.org/vi/advanced-s%E1%BB%B1-ph%C3%A1t-th%E1%BA%A3i-theo-qu%E1%BB%91c-gia/,truy cập ngày 12/9/2021.

[13]「菅首相」にアメリカが妙に期待している理由バイデン氏が初めて直接会談する外国首脳に(Vì sao Mỹ kỳ vọng nhiều ở Thủ tướng Suga - Lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp mặt trực tiếp Tổng thống Biden),https://toyokeizai.net/articles/-/420728, truy cập ngày 12/9/2021.

[14]菅首相外交、訪米会合で総決算 (Hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Suga, Tổng kết trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Hội nghị Bộ tứ trong chuyến công tác tới Mỹ),https://www.reuters.com/article/idJP2021091401000941, truy cập ngày 19/9/2021.

[15] COVAXワクチン・サミット(AMC増資首脳会合)の結果概要Tóm tắt kết quả của Hội nghị thượng đỉnh về vắc xin COVAX (Hội nghị tăng vốn AMC) https://www.mofa.go.jp/mofaj/page1_000979.html Truy cập 10/9/2021

[17]菅内閣の支持率31%、最低を更新…読売世論調査 (Tỷ lệ ủng hộ Nội các Suga là 31%, cập nhật với mức thấp nhất... Cuộc thăm dò ý kiến của Yomiuri) https://www.yomiuri.co.jp/election/yoron-chosa/20210905-OYT1T 50276/, truy cập ngày 5/9/2021.

[18]菅政権コロナ対策「評価せず」70% 支持率低下に直結 世論調査(Số người "đánh giá thấp" đối sách COVID-19 của Nội các Suga chiếm 70% liên quan trực tiếp đến nguyên nhân tỷ lệ ủng hộ chính quyền giảm,thăm dò ý kiến)https://mainichi.jp/articles/20210828/k00/00m/010/ 288000c, truy cập ngày 16/9/2021.

[19]内閣支持率34%横ばい、コロナ対策「評価せず」64%  (Đánh giá Nội các không đổi ở mức 34%, các biện pháp đối phó COVID-19 "Không được đánh giá cao" 64%)https://www.nikkei.com/article/DGXZQOUA264PM0W1A820C2000000/, truy cập ngày 16/9/2021.

[20]日本国内の感染者数(NHKまとめ)(Số ca nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản (do NHK tổng hợp)),https://www3.nhk.or.jp/news/special/coronavirus/data-all/,truy cập ngày 19/9/2021.

[21]「菅首相退陣」で株価は急伸 遠かった“V字回復”...道半ばで幕を下ろすスガノミクス (Giá cổ phiếu tăng vọt do "Thủ tướng Suga từ chức",khả năng "hồi phục hình chữ V" lùi xa... Suganomics đứt gánh giữa đường), https://news.yahoo.co.jp/articles/1b9f064b58fd089c7b681889cbed8d0966ac2c42, truy cập ngày 15/9/2021.

[22]チャートで見る日本の接種状況コロナワクチン(Tình hình tiêm chủng ở Nhật Bản qua biểu đồ - Vắc xin COVID-19),https://vdata.nikkei.com/newsgraphics/coronavirus-japan-vaccine-status/, truy cập ngày 20/9/2021.

[23]ワクチン購入など1.4兆円 追加支出、3回目接種想定―政府(Chi bổ sung 1,4 nghìn tỷ yên mua vắc xin, chính phủ dự định tiêm chủng lần ba),https://www. jiji.com/jc/article?k=2021082501021&g=pol, truy cập ngày 17/9/2021.

[24]東京大会に丸川大臣「開催国としての責任果たせた」(Bộ trưởng Thế vận hội Tokyo Marukawa "Hoàn thành trách nhiệm với tư cách nước chủ nhà"), https://news.yahoo.co.jp/articles/c11fc14a0497544fc63d69cdbfc784612d0628af, truy cập ngày 12/9/2021.

0thảo luận