Trang chủ

Phát triển Internet vạn vật (IoT) ở Hàn Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Đăng ngày: 13-02-2023, 08:30 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 10

Bùi Đông Hưng1

 

Tóm tắt: Hàn Quốc là một quốc gia nổi tiếng với dân số siêu kết nối, từng đứng đầu bảng xếp hạng về việc sử dụng internet tốc độ cao và sở hữu điện thoại thông minh. Hiện nay Hàn Quốc đang chạy đua hướng tới các lĩnh vực mới, trong đó bao gồm cả internet vạn vật (IoT).Chính phủ Hàn Quốc cho rằng IoT sẽ không chỉ giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất bằng cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn tạo ra các ngành công nghiệp và cơ hội tăng trưởng mới. Bài viết phân tích những chính sách phát triển IoT ở Hàn Quốc thời gian gần đây và nêu hàm ý cho Việt Nam.

Từ khóa: IoT, Công nghệ 4.0, kinh tế Hàn Quốc

 


1. Lịch sử hình thành và phát triển của IoT ở Hàn Quốc[1]

1.1. Khái niệm internet vạn vật (IoT)

IoT (Internet of Things/internet vạn vật) là một phần tích hợp của internet tương lai bao gồm các phát triển internet, mạng hiện tại và tiến hóa và có thể được định nghĩa theo khái niệm là một cơ sở hạ tầng mạng toàn cầu với các khả năng tự định hình dựa trên các giao thức liên lạc tiêu chuẩn và tương tác, ở đó “vạn vật” hữu hình và ảo, có các đặc tính, thuộc tính vật lý, và tính cá nhân ảo, sử dụng các giao diện thông minh và được tích hợp vào mạng thông tin một cách thông suốt[2].

Khu vực IoT đang phát triển nhanh chóng với tốc độ đáng kinh ngạc.IoT được coi là công nghệ đột phá cho phép các cơ hội để đổi mới và tạo ra các công nghệ mới, phát triển các dịch vụ mới và đưa vào thị trường các sản phẩm mới.Trong tương lai ngắn, những cơ hội mới nổi đó sẽ trở thành ngành kinh doanh mới trong thị trường công nghiệp và tiêu dùng.

Trong sản xuất chế tạo, công nghệ IoT có thể cải thiện được hiệu suất làm việc theo nhiều cách. Ngoài ra, IoT có tiềm năng cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách giải quyết các vấn đề trên quy mô lớn. Thông qua IoT, chúng ta thể giải quyết các vấn đề về nhân khẩu học cũng như kinh tế bởi vì nó mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp như mô hình kinh doanh mới, chuyển đổi chi phí, hiệu quả hoạt động và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

1.2. Sự hình thành IoT ở Hàn Quốc

Ở một khía cạnh nào đó, IoT không phải là một khái niệm hoàn toàn mới ở Hàn Quốc. Với những tên gọi và dự án khác nhau IoT đã được Chính phủ Hàn Quốctừng bước theo đuổi kể từ những năm 2000.

-  Hệ thống thông tin cơ bản quốc gia (NIS)

Năm 1984 Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu dự án công nghệ thông tin quốc gia đầu tiên, trong đó 5 kế hoạch chính đã được triển khai bao gồm: Hệ thống thông tin quản trị quốc gia, Hệ thống thông tin tài chính, Hệ thống thông tin giáo dục và nghiên cứu, Hệ thống thông tin quốc phòng và Hệ thống thông tin an ninh quốc gia[3]. Mục tiêu của việc tin học hóa quốc gia là sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển của NIS rõ ràng là nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin ở Hàn Quốc và nó đã đạt được những thành công nhất định trong một số lĩnh vực. Ví dụ: giai đoạn đầu của Hệ thống thông tin quản trị quốc gia (1987-1991) Hàn Quốc đã triển khai lắp đặt máy tính rộng rãi trong các cơ quan hành chính, đồng thời xây dựng mạng lưới các cơ sở dữ liệu nhằm sử dụng trong các hoạt động nội bộ và cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiênchiến lược NIS cũng không đạt được hiệu quả trong một số lĩnh vực do dự án này phần lớn tập trung thúc đẩy phía cung mà không tính đến nhu cầu[4]. Một nguyên nhân khác dẫn đến sự không hiệu quả của NIS có thể là doChính phủ Hàn Quốc sau đó đã rút bớt hỗ trợ tài chính khỏi chiến lược. Hàn Quốc đã phân bổ khoảng 200 triệu USD khi bắt đầu dự án, tuy nhiên lại tạm ngừng bổ sung thêm ngân sách trong các giai đoạn tiếp theo và đồng thời Chính phủ Hàn Quốc cũng giảm bớt sự chỉ đạo trực tiếp đối với dự án.

- Cơ sở hạ tầng thông tin Hàn Quốc (KII).

Được xây dựng dựa trên dự án NIS, dự áncơ sở hạ tầng thông tin quốc gia thứ hai của Hàn Quốc được bắt đầu vào năm 1993[5].KII sử dụng hai kênh chính, một dành cho thông tin chính phủ được gọi là KII-G (Government) và mộtdành cho thông tin công cộng được gọi là KII-P (Public).KII-G cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản cho các cơ quan trực thuộc chính phủ, hỗ trợ tài chính ban đầu cho khu vực tư nhân, thử nghiệm các công nghệ mạng và khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư (nếu thích hợp).KII-P cung cấp các ứng dụng đa phương tiện, tư vấn bảo mật cho các doanh nghiệp và tổ chức, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh.Tuy nhiên sau đó dự án KII đã bị coi là thất bại và tạm dừngngay trong quá trình triển khaiđầu tiên vào năm 1998. Nguyên nhân dự án KII thất bại là do nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu của khu vực tư nhân lại rất thấp dẫn đến cạnh tranh gay gắt về giá trong các lĩnh vực truyền thông và dịch vụ thuêkênh riêng (đây đều là những nguồn lực quan trọng đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet mới thành lập và cũng rất quan trọng đối với cácthuê bao internet).

- Chiến lược công nghệ thông tin IT839.

Kể từ những năm 2000,Chính phủ Hàn Quốc đã khá tích cực trong việc lập kế hoạch và thiết kế cơ sở hạ tầngcông nghệ thông tin, truyền thông vàinternet. Vào tháng 2 năm 2004, Chính phủ Hàn Quốcđã công bố một chiến lược mới được gọi là Chiến lược công nghệ thông tin IT839. Chiến lược này được đưa ra nhằm tạo động lực mới cho nền kinh tế sau khi triển khaithành công internet băng thông rộng. Đây là dự án cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia chính thức đầu tiên của Hàn Quốc vì nó đưa ra một lộ trình rõ ràng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và xây dựng năng lực thông tin. Chính phủ Hàn Quốc nhận ra rằng cơ sở hạ tầng sẽ không hiệu quả nếu không có các ứng dụng phù hợp[6].Trong bối cảnh đó, IT839 kêu gọi sự chú ý hơn nữa đối với việc phát triển nội dung và dịch vụ kỹ thuật số.Dự án được đặt tên là 839 bởi vì nó có ba trụ cột, bao gồm: dịch vụ, cơ sở hạ tầng và động cơ tăng trưởng mới.Dự án có 8 dịch vụ công nghệ thông tin, ba cơ sở hạ tầng và chín động cơ tăng trưởng mới. Nguyên lý cơ bản của dự án IT839 là việc triển khai cơ sở hạ tầng và ứng dụng mới sẽ tạo ra đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chính, giúp phát triển và tạo ra động lực tăng trưởng mới trong tương lai. So với các dự án trước đây thường không đi kèm với một lộ trình kỹ thuật, IT839 có được một cái nhìn toàn diện hơn, tập trung vào tính liên kết giữa cơ sở hạ tầng, dịch vụ và ứng dụng. Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng chiến lược IT839 sẽ đạt được hiệu quả tổng hợp thông qua sự hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các viện nghiên cứu. Chiến lược IT839 được triển khai dựa trên niềm tin rằng công nghệ thông tin sẽ mang lại những thay đổi về chất trong mô hìnhphát triển kinh tế - xã hội, nhằm mục đích cuối cùng là hình thành một vòng tròn phát triển các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và động cơ tăng trưởng mới[7].

-  Cơ sở hạ tầng lưới (Grid-infrastructure).

Hàn Quốc đã bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưới như một phần của chiến lược nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin. Nỗ lực đầu tiên nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng internet được Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc đề xuất triển khai vào năm 1995 với tên gọi“Mạng thông tin tốc độ cao”. Dự án Mạng thông tin tốc độ cao nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cáp quang tốc độ cao trên phạm vi toàn quốcđã cung cấp mạng lưới liên lạc tốc độ cao cho hầu hết các tòa nhà thương mại và chung cư ở Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã xây dựng các dịch vụ internet dựa trên cơ sở hạ tầng này như dịch vụ chính phủ điện tử, dịch vụ thương mại điện tử và các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin khác với chi phí thấp và chất lượng cao.Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc đã chi 7 nghìn tỷ won (khoảng 7 tỷ USD) để triển khai Mạng thông tin tốc độ cao. Kể từ khi triển khai cơ sở hạ tầng Mạng thông tin tốc độ cao, Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc đã tập trung khuyến khích phát triển công nghệ sinh học và công nghệ nano. Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc sau đó tiếp tục khởi xướng một dự án mới, như Cơ sở hạ tầng lưới quốc gia Hàn Quốc (K-Grid). K-Grid được lên kế hoạch triển khai vào năm 2002 nhằm mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiệu suất cao có thể thu thập, tích hợp và chia sẻ động các tài nguyên có tính hạn chế, chẳng hạn như các siêu máy tính, trung tâm lưu trữ quy mô lớn và các công cụ nghiên cứu tiên tiến. Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đóng vai trò hàng đầu trong việc xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng lưới cần thiết,sử dụng trong các dự án hợp tác nghiên cứuứng dụng khoa học kỹ thuật quy mô lớn và thương mại hoá sản phẩm. Mục tiêu chính của cơ sở hạ tầng K-Grid là tích hợp sức mạnh tính toán, hệ thống lưu trữ khổng lồ và cơ sở thí nghiệm thành một hệ thống ảo duy nhất, đồng thời cung cấp một môi trường nghiên cứu cho các ngành công nghiệp và học viện.

2. Phát triển IoT ở Hàn Quốc hiện nay

Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin đã mở ra kỷ nguyên internet vạn vật trong đó con người, bộ xử lý, dữ liệu… đều được kết nối thông qua internet. Điều này có nghĩa là chúng ta đã bước vào một xã hội siêu kết nối, nơi mọi thứ được kết nối chặt chẽ với nhau, giống như trong một mạng nhện. IoT sẽ không chỉ giúp tăng năng suất bằng cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn tạo ra các ngành công nghiệp mới, do đó thị trường IoT chắc chắn sẽ phát triển đáng kể trong tương lai gần. Với triển vọng thị trường sáng sủa, các quốc gia lớn bao gồm Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản đang tích cực tham gia vào các nỗ lực thúc đẩy IoT như một ngành công nghiệp cốt lõi. Phù hợp với xu hướng toàn cầu, Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định IoT là một trong những ngành công nghiệp cốt lõi và đề ra những chiến lược rõ ràng nhằm thúc đẩy sự phát triển của IoT.

2.1. Thiết lập và mở rộng thị trường dịch vụ IoT sáng tạo

Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích tập trung phát triển các dịch vụ IoT đầy hứa hẹn dựa trên nhu cầu của chính phủ, khu vực tư nhân và người dân như chăm sóc sức khỏe, nhà thông minh, thành phố thông minh, giao thông, hậu cần, năng lượng, an toàn...Thành phố thông minhcủa Hàn Quốc bao gồm các phân ngành nhưgiao thông thông minh (ví dụ dự án K-City được xây dựng để kiểm tra hiệu suất của các phương tiện tự hành trong môi trường thực tế), quản lý tài nguyên thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh (bao gồm các giải pháp cho bệnh nhân và trung tâm y tế).Trong các phân ngành này chính phủ Hàn Quốc xây dựng một sự hợp tác xuyên suốt giữa chính quyền, tập đoàn công nghệ lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các tập đoàn nhằm cung cấp nền tảng và mạng lưới cần thiết, trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường đảm nhận phát triển phần cứng và phần mềm liên quan.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đã phát triển một nền tảng mở dựa trên sự hợp tác với các doanh nghiệp lớn và các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, những đối tác này sẽ đồng thời hợp tác trong việc xây dựng và tiêu chuẩn hóa môi trường thử nghiệm.

Đồng thời Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các trường đại học (thường có có ý tưởng mới)để  hỗ trợ phát triển dịch vụ kinh doanh. Điều này là do mặc dù sự phát triển của hệ sinh thái IoT đang được thúc đẩy và định hình bởi các công ty điện tử và viễn thông lớn nhưng vẫn có đến 83,8% sản phẩm liên quan đến IoT thuộc về các doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (dưới 300 nhân viên) và con số này đang tăng lên nhanh chóng. Để khuyến khích khu vực doanh nghiệp này, Chính phủ Hàn Quốc đã đơn giản hóa các thủ tục bắt buộc đối với các nhà khai thác IoT giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò lớn hơn trong việc phát triển các công nghệ liên quan đến IoT và hạn chế sự thống trị của các tập đoàn lớn trong nền kinh tế nói chung.

Ngoài raChính phủ Hàn Quốc còn tập trung nhiều vào việc hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh.Nhờ các chính sách mở rộng hỗ trợ, kết hợp các giải pháp trí tuệ nhân tạo và đám mây để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực sản xuất, Hàn Quốc hiện nay đã có hơn 20.000 nhà máy thông minh đang hoạt động[8]. Xu hướng mới cho thấy ngày càng nhiều nhà máy ở Hàn Quốc áp dụng các giải pháp thông minh dựa trên công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu đưa vào sử dụng hệ thống đo lường thông minh trên toàn quốc vào năm 2022 và đặt mục tiêu đưa Hàn Quốc thànhmột trung tâm thử nghiệm IoT toàn cầu[9]. Tầm nhìn của Chính phủ Hàn Quốc là thiết lậpmột hệ sinh thái mở và sáng tạo, trong đó bất kỳ ai cũng có thể phát triển các dịch vụ IoT bằng cách sử dụng các nền tảng dựa trên 5G và IoT.

2.2. Thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu chuyên về IoT

Hàn Quốc đã thành lập “Hội đồng toàn cầu về các lĩnh vực công và tư cho IoT” và “Trung tâm đổi mới IoT” để cải thiện quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp phần mềm, thiết bị hoặc người dùng và các doanh nghiệp lớn/doanh nghiệp vừa và nhỏ (tháng 5 năm 2014). Động thái này của Hàn Quốc nhằm mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp IoT nhỏ nhưng thường có những ý tưởng và mô hình kinh doanh mới hướng đến mở rộng ra thị trường toàn cầu bằng cách hỗ trợ đào tạo kinh doanh,thúc đẩy sáng tạo vàgiúp khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận thực hiện các dự án hợp tác vớicác doanh nghiệp lớn.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đi tiên phong trong việc thúc đẩy ngành thiết bị thông minh bằng cách khuyến khích sản xuất các thiết bị có chi phí thấp và dẫn dắt tăng trưởng chung bằng cách kết nối doanh nghiệp sản xuất thiết bị với cáctrung tâm phát triển dịch vụ IoT mới[10].

Để thúc đẩy ngành công nghiệp cảm biến thông minh, Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích và làm cầu nối liên kết các dự án R&D liên quan đến cảm biến thông minh với các dự án thí điểm của chính phủ (được chủ trì bởi Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc). Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cảm biến (tháng 12 năm 2012) được Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượngđảm nhận phát triển các công nghệ ứng dụng và thương mại hóa cảm biến công nghệ cao, áp dụng trong các ngành công nghiệp chính từ năm 2015.

2.3. Thiết lập cơ sở hạ tầng cho sự phát triển an toàn và năng động của IoT

Cơ sở hạ tầng luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, chính vì vậyviệc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia.Chính phủ Hàn Quốc hướng đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng bảo mật thông tin bằng cách xây dựng “Lộ trình an toàn thông tin cho IoT” (năm 2014) và thiết lập một khuôn khổ hợp tác với các quốc gia khác (Mỹ, Nhật Bản, EU…) để phản ứng nhanh chóng và phân tích các sự cố dựa trên chia sẻ thông tin. Thúc đẩy các dự án thí điểm trong các lĩnh vực bảo mật IoT như chăm sóc sức khỏe và thiết bị điện tử gia dụng

Hàn Quốc cũng khuyến khích mở rộng cơ sở hạ tầng mạng có dây và không dâychẳng hạn như truyền thông di động thế hệ thứ 5 (5G) và giga-internet để có thể ứng dụng IoT trên phạm vi rộng hơn. Hiện nay cơ sở hạ tầng thông tin viễn thông của Hàn Quốc bị chi phối bởi ba nhà khai thác chính: KT, SK Telecom và LG U +. SK Telecom tập trung chủ yếu vào phát triển các công nghệ mạng di động tốc độ cao (bao gồm các công nghệ LTE-M, LoRa và LTE Cat.M1). Để thúc đẩy cạnh tranh, liên minhKT & LG U+ đã được thành lập và đã đạt được thành công trong việc xây dựng một mạng lưới IoT cụ thể với đầy đủ chức năng dựa trên công nghệ NB-IoT. Đến tháng 7 năm 2017 liên minh KT & LG U+đã hoàn thành và phủ sóng hơn 80 thành phố trên khắp Hàn Quốc và sử dụng mạng lưới này để cung cấp các dịch vụ như điều khiển từ xa, giám sát điện và khí đốt, theo dõi vận tải và quản lý tài sản[11]. Ba công ty viễn thông lớn này của Hàn Quốcsở hữu mạng lưới rộng khắp và do đó có khả năng định hình thị trường IoT trong nước. Các công ty này hoạt động như các đối tác một cửa để các doanh nghiệp SMEIoT (doanh nghiệp vừa và nhỏ) mua chipset, gói dữ liệu và xây dựng ứng dụng bằng cách sử dụng các bộ phát triển phần mềm do họ cung cấp (rất khó để các giao thức khác xuất hiện do sự chi phối quá lớn của ba tập đoàn này).

Về nghiên cứu và triển khai (R&D),Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập “Kế hoạch R&D trung hạn và dài hạn cho IoT” nhằm liên kết các dự án R&D hiện có. Ngoài ra Hàn Quốc còn đẩy mạnh hợp tác R&D giữa khu vực tư nhân và quốc phòng nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo khối quân sựtheocác tiêu chuẩn quốc tế thông qua nghiên cứu chung với các nước lớn như Mỹ và các nước thuộc khối EU. Ví dụ: Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc hiện đang hợp tác để phát triển một nền tảng công nghệ thông tin hội tụ và cơ sở hạ tầng dịch vụ cho khu vực quốc phòng (MOU tháng 4 năm 2012)[12].

2.4. Vai trò của chính phủ

Chính phủ Hàn Quốc đảm nhận vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy và tài trợ cho các dự án IoT trong nước.Hiện nayChính phủ Hàn Quốc đang tìm cách dẫn đầu trong việc thương mại hóa IoT trong các lĩnh vực nhà thông minh, thành phố thông minh, nhà máy thông minh và cải thiện kết nối mạng. Để tạo điều kiện cho sự đổi mới, Tổng thống Moon Jae-in đã thông báo về việc thực hiện miễn giảm quy định và nới lỏngĐạo luật Kinh doanh viễn thông.Chính phủ Hàn Quốc xác định 5 lĩnh vực trọng tâm cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tưlà ICBM+AI, trong đó ICBM là viết tắt của IoT, Cloud (điện toán đám mây), Big Data (dữ liệu lớn) và Mobile (điện thoại di động).Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành cơ sở thử nghiệm toàn cầu trong các lĩnh vực này dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông tiên tiến và việc nới lỏng các quy định pháp luật liên quan.Như vậy có thể thấyChính phủ Hàn Quốc rất tích cực trong việc hoạch định chính sách liên quan đến các ngành nằm trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm cả IoT.

2.5. Một vài hạn chế

Bất chấp những điểm tích cực đã kể trên, hướng phát triển của IoT ở Hàn Quốc vẫn bị coi là chưa rõ ràngvà có vẻ như Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau để tích hợp các giải pháp IoT.Sự thiếu định hướng này được phản ánh trong các số liệu về khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hàn Quốc về công nghệ IoT. Theo Viện Xúc tiến Công nghệ thông tin & Truyền thông Hàn Quốc, mức độ phát triển của IoT của Hàn Quốc hiện là 82,9% so vớiMỹ, Nhật Bản là 84,5%,Trung Quốc là 75,8% (hình 1). Hàn Quốc tương đối mạnh  trong lĩnh vực phát triển mạng (85,1%) nhưng về phát triển nền tảng, Hàn Quốc đi sau hầu hết các nước cùng ngành về công nghệ tiên tiến. Về phần cứng và dịch vụ, Hàn Quốc đạt được năng suất tốt nhưng vẫn kém hơn so đối thủ trong khu vực là Nhật Bản.


Hình 1: Năng lực cạnh tranh toàn cầu của IoT Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản so với Mỹ (Mỹ được giả định có năng lực cạnh tranh ở mức 100)

 

Phát triển Internet vạn vật (IoT) ở Hàn Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam

 

Nguồn: Institute for Information & communication Technology Promotion, Korea (IITP)


Bên cạnh đó, việc phát triển IoT của Hàn Quốc hiện phải đối mặt với sự thiếu hụt các băng tần kỹ thuật số cần thiết. Cụ thể, đối với kỷ nguyên IoT tiếp theo, sự kết nối của các thiết bị thông minh cần được tiếp cận nhanh chóng với chi phí thấp cho người tiêu dùng và các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Hiện nay Hàn Quốc đang sử dụng một số lượng lớn các thiết bị truyền thông không dây ở dải băng tần 2.4GHz - ISM như điện thoại không dây, thiết bị Bluetooth... Điều này có nghĩa là khi IoT với các dịch vụ hướng đối tượng được cung cấp ở quy mô lớn hơn,băng thông mạng của Hàn Quốc nhất định sẽ bị thiếu hụt[13]. Hơn nữa, hầu hết các dịch vụ và sản phẩm thông minh liên quan đến IoT của Hàn Quốc hiện nay đều dựa trên giao thức Wi-Fi chứ không phải là các giao thức tiết kiệm năng lượng khác.Điều này đặt ra cho Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu bổ sung các giải băng tần mới, tiên tiến để thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị thông minh. Mặc dù hiện nay Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực hỗ trợ các công nghệ chia sẻ băng tần mới dựa trên công nghệ mới tiên tiến hơn, tuy nhiên việc này được dự đoán sẽ tốn rất nhiều thời gian cả về mặt công nghệ lẫn chính sách hỗ trợ kinh doanh, ứng dụng.

Ngoài ra, như đã phân tích ở trên,toàn cảnh viễn thông Hàn Quốc bị chi phối bởi ba nhà khai thác chính gồm KT, SK Telecom và LG U+.Ba công ty viễn thông này cùng nhau chiếm tới 90% thị trường IoT ở Hàn Quốc.10% còn lại thuộc về các nhà khai thác mạng ảo di động nhỏ, nhưng trong đó cũng có nhiều nhà khai thác mạng ảo di động nhỏ là công ty con của các tập đoànviễn thông lớn[14].Việc ba tập đoàn lớn kiểm soát và định hướng phát triển của IoT rất có thể sẽ dẫn tới hạn chế sáng tạo và ngăn cản những doanh nghiệp startup tham gia vào ngành dẫn đến khả năng cạnh tranh của IoT bị sụt giảm.Để tránh dẫn tới điều này, Chính phủ Hàn Quốc nên duy trì sự trung lập về công nghệ, chính phủ không nên ủng hộ hoặc ưu tiên bất kỳ công nghệ cụ thể nào.Cụ thể hơn,khi những tác động của IoT đến cấu trúc kinh doanh, chuỗicung ứng, luồng dữ liệu (mà các thiết bị, ứng dụng và dịch vụ IoT trong tương lai sẽ tạo ra)… còn chưa rõ ràng, Chính phủ Hàn Quốc nên để mọi công nghệ đổi mới được tự do phát triển.

3. Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm phát triển IoT của Hàn Quốc có thể đưa ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam như sau:

- Về chính sách quản lý, đầu tiên chính phủ cần liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cốt lõi để làm nền tảng cho một IoT tiên tiến, việc phát triển IoT cần phải được đặt vào trong bối cảnh của từng địa phương và phân ngành phù hợp qua các giai đoạn phát triển[15].Ngoài ra chính phủ cũng nên hỗ trợ các chương trình nâng cao hiểu biết về IoT, nâng cao nhận thức để tăng cường sự tương tác của cá nhân với IoT.Chính phủ cũng nên hỗ trợ và thúc đẩy chia sẻ kiến ​​thức, nghiên cứu, khuyến khích tranh luận liên tục và hoạch định chính sách, đặc biệt là về bảo mật, quyền riêng tư và đạo đức trong môi trường IoT.Bên cạnh đó, chính phủ còn cần phải đảm bảo sự phối hợp liên ngành nhằm phát triển IoT. Điều này là do khi nhiều ngành cũng tham gia phát triển IoT, các chính sách và quy định của chính phủ rất có thể sẽ gây nhầm lẫn và thất vọng đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, dẫn tới làm chậm quá trình triển khai IoT. Do đó cần phải đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cơ quan trực thuộc chính phủ, một giải pháp khả thi là tạo ra một lực lượng liên ngành điều phối tất cả các cơ quan về các vấn đề liên quan đến IoT.

- Về phát triển cơ sở hạ tầng,IoTsẽ cần một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, có quy mô lớn và tốc độ phát triển vượt bậcđể hỗ trợ ứng dụng và phát triển công nghệ.Hiện nay chính phủ đã và đang thúc đẩy phát triển, xây dựng cơ sở hạn tầng về mạng truyền thông với hệ 5G, internet tốc độ cao… Tuy nhiên sự phát triển của IoT còn cần được nhìn nhận từ một góc độ dài hạn và khi đó cơ sở hạ tầng sẽbị hạn chế theo thời gian bởi sự phức tạp của công nghệ, các mối quan hệ xã hội và cả văn hóa bản địa. Theo Star & Ruhleder,cơ sở hạ tầngrất rộng lớn và tốn kém nên cần phải được xây dựng từng bước, từng nơi và cần thời gian đểđạt được sự ổn định[16]. Dựa theo quan điểm này chính phủ nên lưu ý đến hai điểm chính khi đưa ra các chính sách phát triển IoT là mức độ trưởng thành và sự phức tạp. IoT với tư cách là một hệ thống sẽ đạt đến giai đoạn phát triển trưởng thành.Nói cách khácchính phủ cần phải có được tầm nhìn rộng hơn và xem xét tất cả các khía cạnh của hệ sinh thái IoT để đảm bảo rằng các công cụ, công nghệ và chính sách trong tương lai vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của tất cả người dùng và các bên liên quan khác, đồng thời vừa giúp thúc đẩy phát triển và duy trì IoT.

Về xây dựng lợi thế cạnh tranh, khi ngành công nghiệp IoT sẽ mở rộng hơn nữa sang các lĩnh vực dịch vụ được cá nhân hóa và công cộng, chắc chắn đây là một trong những ngành mục tiêu hứa hẹn nhất để đầu tư. Để nuôi dưỡng ngành công nghiệp IoT, chính phủ nên tiếp tục khám phá các mô hình dịch vụ mới, tạo ra các dự án tiên phong để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thị trường nội địa.Quan trọng nhất, chính phủ nên tập trung giúp đỡ phát triển các công nghệ và dịch vụ cốt lõi để thúc đẩy khả năng cạnh tranh về công nghệ. Ngoài ra như đã nói ở trên chính phủ nên duy trì sự trung lập về công nghệ, chính phủ không nên ủng hộ hoặc ưu tiên bất kỳ công nghệ cụ thể nào, các quy định hướng đến một thiết bị hoặc công nghệ cụ thể không chỉ không cần thiết mà còn phản tác dụng.

- Về bảo mật,antoàn thông tin, vớisố lượng lớn các thiết bị được kết nối với internet sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng về bảo mật. Đối với các thiết bị IoT, an ninh mạng là một mối quan tâm lớn và các tính năng bảo mật mạnh mẽ phải có trước khi chúng được triển khai.Đồng thời chính phủ cũng cần ban hành các đạo luật hướng người dân làm trung tâm để đảm bảo sự an toàn về thông tin cho họ, chính phủ cũng nên trao quyền sử dụng các công nghệ IoT để biến môi trường vật lý thành môi trường kỹ thuật xã hội, nơi các chính sách được định hình xung quanh người dân. Bên cạnh đó cũng cần hướng dẫn các nhà thiết kế IoT làm việc với quan điểm lấy con người làm trung tâm. IoT cần được phát triển phù hợp với nhu cầu của con người nhằm cung cấp công nghệ, khuôn khổ và cơ sở vật chất để cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

Chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang một nền kinh tế số hướng đến các lĩnh vực có thể mang đến động lực tăng trưởng mới như IoT là xu hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi. Tuy nhiên, phát triển IoT vẫn là một thách thức lớn đối với tất cả các nước, kể cả các nước có nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến như Hàn Quốc.Hiện nay Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực tham gia vào việc thiết lập tầm nhìn cho IoT, nhưng tầm nhìn rõ ràng về IoT vẫn chưa hoàn thiện, hoặc phần lớn đều dành quá nhiều sự chú ý vào phía cung. Chính phủ Hàn Quốc còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy IoT phát triển theo thời gian, sẵn sàng cho giai đoạn kế tiếp của IoT khi mà nền kinh tế sẽ thiết lập các tiêu chí cho IoT. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiềunếu so sánh với những thách thức liên quan đến công nghệ và kỹ thuật trong giai đoạn triển khai phát triển IoT. Những thách thức này liên quan đến con người, xã hội, kinh tế và chính trị,nơi mà IoT sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu rộng.Đây sẽ là những kinh nghiệm hữu ích mà Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình thực thi chiến lược phát triển IoT hiện nay và tương lai.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2017), “Internet vạn vật: hiện tại và tương lai”,Tổng luận Khoa học Công nghệ Kinh tế, số 5-2017, Bộ Khoa học và Công nghệ.
  2. Department for International Trade Report(2018), “Internet of Things South Korea Market Intelligence Report”, Intralink Limited, United Kingdom.
  3. Jeongwon Yoon (2016), “Korean Digital Government Infrastructure Building and Implementation: Capacity Dimensions”, World Bank.
  4. JH Song (2006), “IT839 Policy Leading to u-Korea”, IT Policy Advisor to Minister of Information and Communication of Korea.
  5. Shin, D. (2008),“Next generation of information infrastructure”,Journal of the American Society for Information Sciences and Technology, 59 (11), 1785-1800.
  6. Song, Jung-Hee (2006), “IT839 Policy Leading to u-Korea”,VLDB ‘06. September 12-15, p. 1103.
  7. Star, S. L., & Ruhleder, K. (1996), “Steps toward an ecology of infrastructures”,Information Systems Research, 7 (1), 111-134.
  8. R Lee (2021), “The Effects of Smart Factory Operational Strategies and System Management on the Innovative Performance of Small- and Medium-Sized Manufacturing Firms”, MDPI.

 



[1]ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2017) “Internet vạn vật: hiện tại và tương lai”,Tổng luận Khoa học Công nghệ Kinh tế, số 5-2017, Bộ Khoa học và Công nghệ.

[3]Shin, D. (2008), “Next generation of information infrastructure”,Journal of the American Society for Information Sciences and Technology, 59 (11), 1785-1800.

[4]Chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò chỉ đạo trong quá trình này thực hiện kế hoạch này (cả việc lập kể hoạch và triển khai).

[5]Jeongwon Yoon (2016), “Korean Digital Government Infrastructure Building and Implementation: Capacity Dimensions”, World Bank.

[6]JH Song (2006), “IT839 Policy Leading to u-Korea”, IT Policy Advisor to Minister of Information and Communication of Korea.

[7]Song, Jung-Hee (2006), “IT839 Policy Leading to u-Korea”,VLDB ‘06.September 12-15, p. 1103.

[8]Khoảng 19.799 nhà máy thông minh đã được đăng ký tại Hàn Quốc vào cuối năm 2020, tăng từ 12.660 vào năm 2019 và 7.903 vào năm 2018 (dữ liệu từ Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp Hàn Quốc).

[9]R Lee (2021), “The Effects of Smart Factory Operational Strategies and System Management on the Innovative Performance of Smalland Medium-Sized Manufacturing Firms”,MDPI.

[10]Ministry of Sicence, ITC and Feature Planning, Korea.

[11]Department for International Trade Report(2018), “Internet of Things South Korea Market Intelligence Report”,Intralink Limited, United Kingdom.

[12]Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc (Ministry of Science, ICT and Future Planning, Korea).

[13]J. T Oh, “A Study on the required Frequency Bandwidth for Personal Environment Service”, The Journal of Korean Institute of Communications and Information Sciences, Vol. 34, No.11, 2009.

[14] Korea Information Society Development Institute (KISDI).

[15] Shin, D., & Jung, J. (2012), Socio-technical analysis of Korea’s broadband convergence network: Big plans, big projects, big prospects? Telecommunications Policy, 36 (7), 579- 593.

[16]Star, S. L., & Ruhleder, K. (1996),“Steps toward an ecology of infrastructures”,Information Systems Research, 7 (1), 111-134.

0thảo luận