Trang chủ

Chính sách văn hóa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thời Chủ tịch Kim Jung-un: Những dấu hiệu đổi mới

Đăng ngày: 8-02-2023, 14:41 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 9

Phạm Hồng Thái1

 

Tóm tắt: Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jung-un cầm quyền, Triều Tiên đã có nhiều dấu hiệu đổi mới được dư luận quốc tế chú ý. Bài viết góp phần làm rõ thêm chủ đề này thông qua việc phân tích những đổi mới trong chính sách văn hóa của Triều Tiên dưới thời Chủ tịch Kim Jung-un trong balĩnh vực nổi bật là văn hóa đại chúng, giáo dục và du lịch.Kết quả nghiên cứu cho thấy, Triều Tiên đã có những đổi mới trong chính sách văn hóa; song về căn bản, chỉ là những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế mới trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc vốn có. Những dấu hiệu thay đổi không ổn định trong văn hóa đại chúng hiện nay cũng cho thấy thế lưỡng nan trong chính sách của Triều Tiên trước nhu cầu đổi mới đất nước và việc đảm bảo an ninh cho thể chế chính trị hiện hành.

Từ khóa: Triều Tiên, chính sách văn hóa, đổi mới

 

T

háng 4 năm 2012, Kim Jung-un nắm quyền lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) sau khi cha của ông,nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jung-il qua đời. Trải qua gần mộtthập kỷ cẩm[1]quyền, Chủ tịch Kim Jung-un được dư luận quốc tế rất quan tâm về những đổi mới chính sách của ông trong bối cảnh đất nước bị cấm vận bởicác lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Vậy những đổimới chính sách đó là gì? Triển vọng của những thay đổi đó ra sao?Góp phần làm sáng tỏ vấn đề này, bài viếttập trung phân tích và đánh giá những dấu hiệu thay đổi chính sách trong lĩnh vực văn hóa của Triều Tiên trong gần mộtthập niên vừa qua.

Nói đến chính sách văn hóa của một quốc gia là đề cập tới một vấn đề có phạm vi rộng và phức tạp. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số lĩnh vực văn hóa có những dấu hiệu thay đổi nổi bật của Triều Tiên như văn hóa đại chúng, giáo dục và du lịch.

1. Bối cảnh Triều Tiên từ khi Chủ tịch Kim Jung-un cầm quyền

Ông Kim Jung-un lên cầm quyền trong tình trạng Triều Tiên đứng trước nhiều khó khăn, trước hết là tình trạng lương thực thiếu hụt trầm trọng, kinh tế ngày một tụt hậu. Không những thế, đất nước này còn bị quốc tế cấm vận ngặt nghèo do chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, khiến những khó khăn càng trở nên nghiêm trọng. Để cải thiện tình hình, một trong những đổi mới căn bản nhất trong chính sách của Chủ tịch KimJung-un ngay từ khi nắm quyền là chủ trương chính sách “song tiến” -phát triển đồng thời cả năng lực hạt nhân và kinh tế thay cho chính sách “tiên quân” thời kỳ cha của ông còn lãnh đạo. Một mặt, Triều Tiên gia tăng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa để tăng cường năng lực răn đe, phòng thủ đất nước; mặt khác, tiến hành hàng lọat các biện pháp kinh tế mới mạnh mẽ và toàn diện hơn trước để cải thiện đời sống người dân.Chính sách "Hệ thống quản lý có trách nhiệm xã hội chủ nghĩa" đưa ra vào năm 2013 được coi là "hệ thống tập thể linh hoạt" nhằm làm tăng sự sẵn có của hàng hóa sản xuất trong nước trên thị trường, đưa các sáng kiến quốc phòng vào khu vực dân sự và thúc đẩy thương mại quốc tế[2]. Nhờ những chính sách mới trong quản lí kinh tế, nhất là việc nới lỏng những hạn chế trước đây mà kinh tế thị trường ngày càng rộng mở.Cùng với những đặc khu kinh tế có đầu tư nước ngoài,hệ thống Jangmadang (chợ dân sinh, chợ đen) được chính thức cho phép hoạt động với số lượng lớn (tính đến năm 2018 có 436 Jangmadang được chính quyền chính thức thừa nhận và vô số Jangmadang không chính thức khác) đã góp phần quan trọng vào việc bù đắp lưu thông hàng hóa thiếu hụt trong hệ thống phân phối chính thức của nhà nước.Sự xuất hiện của những yếu tố kinh tế thị trường này có tác động rất đáng kể đến việc cải thiện đời sống sinh hoạt mọi mặt của người dân.

Gần một thập kỷ qua cũng làkhoảngthời gianxuất hiện những diễn biến phức tạp và khó lường nhất trong đời sống chính trị -an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiênđược cho là đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc nâng cao năng lực quốc phòng và tạo ra sức mạnh răn đe nhất định, song làm cho đất nước này liên tiếp chịu các đòn trừng phạt, cấm vận của Mỹ và Liên Hợp Quốc. Điều này không chỉ hạn chế những thành quả do chính sách phát triển kinh tế mớiđem lại, mà còn làm cho bầu không khí an ninh trên bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng. Quan hệ liên Triều đã có lúc rơi vào tình trạng “bên miệng hố chiến tranh”. Mặc dù vậy, kể từ cuối năm 2017, quan hệ hai miền Triều Tiên đột nhiêntrở nên hòa dịu với những cuộc đối thoại song phương được khôi phục. Đỉnh cao của xu thế hòa dịu là các cuộc họp thượng đỉnh liên Triều, thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức tại Singapore (tháng 6/2018) và Việt Nam(tháng 2/2019) từng đem lại những hy vọng tốt đẹp về quan hệ hai miền và triển vọng hòa bình lâu dài chobán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tình hình chính trị - an ninh trên bán đảo hiện naydường như có xu hướng quay về vạch xuất phátsau khi những kết quả không như mong đợi của quan hệ Mỹ - Triềucùng với sự tác động của bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ ngày một gia tăng.Có thể nói đây là yếu tố có tác động rất lớn đến những cải cách trong nước, đối với những đổi mới trong lĩnh vực văn hóa của Triều Tiên.

Về mặt văn hóa xã hội, mặc dù Triều Tiên bị đánh giá là một xã hội khép kín hay một “vương quốc ẩn dật”, nhưng trong thực tế, người dân Triều Tiên vẫn có những tiếp xúc nhất định và chịu tác động của văn hóa từ bên ngoài biên giới. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược tương lai của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc năm 2020, Triều Tiên có khoảng 6 triệu thuê bao điện thoại di động - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy khả năng mức độ hiểu biết của người dân Triều Tiên về thế giới bên ngoài đang ngày một cải thiện. Đó là chưa tính đến sự gia tăng lượng người sử dụng các phương tiện nghe nhìn khác,ít nhất là xét ở phạm vi cư dân đô thị có mức sống cao hơn.Hơn thế nữa, áp lực thông tin từ bên ngoài đối với Triều Tiên còn ngày một gia tăng thông qua các kênh thông tin không chính thức từ các tờ rơi, khinh khí cầu, hoặc từ các USB, đầu đĩa DVD… được mua ở chợJangmadang… Một nghiên cứu năm 2019 về 200 người Triều Tiên vượt biên trái phép cho thấy, hơn 90% đã theo dõi các phương tiện truyền thông nước ngoài hoặc Hàn Quốc trước khi họ ra đi[3]. Trong bối cảnh mới như vậy, việc bảo vệ môi trường văn hóa trong nước theo cách truyền thống, như những nỗ lực cấm đoán hoặc bảo vệ văn hóa trong nước trong một bức “màn sắt”… sẽ dần giảm bớt hiệu quả. Thực tế này đặt ra những thách thức mới đối vớichính quyền trong lĩnh vực quản lí văn hóa.

2. Những dấu hiệu đổi mới trong chính sách văn hóa đại chúng

Đề cập tới văn hóa đại chúng là nói đến văn hóa bình dân,văn hóa dành cho đối tượng số đông và mang tính giải trí. Văn hóa đại chúng thường được phân biệt tương đối với văn hóa tinh hoa, với đặc trưng hàn lâm và ý thức hệ. Trong các xã hội hiện đại, nhất là xã hội phương Tây, khái niệm văn hóa đại chúng chỉ quá trình sáng tạo và hưởng thụ của đông đảo quần chúng đối với các sản phẩm như âm nhạc, nghệ thuật, văn học, thời trang, khiêu vũ, phim ảnh, văn hóa mạng, truyền hình và đài phát thanh.

Ở Triều Tiên trong gần một thập niên qua, khi đề cập tới những nét mới trong đời sống văn hóa người ta không thể không nói tới sự khởi sắc của văn hóa đại chúng. Trước đây, văn hóa đại chúng thường được đồng nghĩa với thứ văn hóa tiêu cực, lai căng;là thứvăn hóa tiêu dùng của phương Tây,có nguy cơ đe dọa đến hệ giá trịvăn hóa truyền thống, đe dọahệ tư tưởng và ổn định của thể chế chính trị hiện hành. Do vậy, các nhà quản lí văn hóa Triều Tiên luôn tìm cách ngăn chặn những ảnh hưởng văn hóa đại chúng được coi là có nguồn gốc nước ngoài do những e ngại về tác dụng tiêu cực của chúng có thể đem tới. Nhưng dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên dường như đang thực hiện các bước tiếp nhận văn hóa đại chúng theo cáchcởi mở hơn. Các nhà quan sát quốc tế cho thấy, có những bằng chứng rõ ràng về sự thay đổi này trongtất cả các lĩnh vực, từ âm nhạc, truyền hình, điện ảnh đến thời trang… Đặc điểm chung của những dấu hiệu đổi mới này là các sản phẩm văn hóa chú ý nhiều hơn đến đổi mới phong cách, hình thức nhằm đáp ứng thị hiếu thưởng thức và tiêu dùng của đông đảo người dân. Mặc dù vậy, hướng đổi mới này có sự khác biệt về mức độ trong các giai đoạn khác nhau dưới tác động của tình hình an ninh trong nước, bối cảnh quốc tế, nhất là sự thăng trầm của quan hệ liên Triều.

Có thể thấy, từ khi Chủ tịch KimJung-un bắt đầu nắm quyền cho đến khi diễn ra các cuộc họp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều vào đầu năm 2019, sinh hoạt văn hóa đại chúng của Triều Tiên có nhiều dấu hiệu đổi mớinổi bật nhất. Dường như Triều Tiên đã thể hiện rõ nét hơn chính sách sẵn sàng tiếp thu những yếu tố được cho là tốt đẹp của văn hóa đại chúng nước ngoài để sáng tạo những sản phẩm trong nước nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa của đông đảo người dân. Các bộ phim dài tập (phim chiếu rạp) ở Triều Tiên đang dần được thay thế bằng các bộ phim truyền hình được quay bằng chất liệu trong nước với kỹ xảo hiện đại. Các chương trình ẩm thực, hài hước, các bài hát theo yêu cầu, các chương trình du lịch ở các vùng khác nhau của đất nước được đưa lên ngày một sôi nổi trên màn ảnh nhỏ[4].

Trong lĩnh vực âm nhạc, phong cách biểu diễn của các buổi hòa nhạc chính thức đang được hiện đại hóa. Cùng với việccho phép biểu diễn một số tác phẩm âm nhạc hiện đại phương Tây, nhà lãnh đạo Kim Jung-un đã chỉ đạo thành lập ban nhạc có tính biểu tượng của sự đổi mới với tên gọi ban nhạc Moranbong (모란봉악단).Đây là một ban nhạc nữ ra mắt khán giả vàonăm 2012,được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu của thế kỷ mới với ý tưởng lớn, khởi xướng một cuộc cách mạng trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật[5]. Ở trong nước, Moranbong được gọi bằng một cái tên khá mạnh mẽ là “ban nhạc quân đội” vì các thành viên của nó đều là những quân nhân; truyền thông nước ngoài thì gọi họ là “Spice Girls của Triều Tiên” để thể hiện sự hâm mộ[6].Có thể nói, không có ban nhạc nào của Triều Tiên trước đây lại chiếm được cảm tình của người dân và đã đưa âm nhạc Triều Tiên đến với khán giả quốc tế như ban nhạc Moranbong. Tuy vậy, bất chấp phong cách biểu diễn hiện đại và hấp dẫn khán giả với những chiếc váy ngắn của các cô gái trong dàn đồng diễn, các tiết mục chính của "Moranbong” vẫn là các chủ đềvề không gian quê hương, về những tên lửa vĩ đại và vị lãnh tụ kính yêu... Có thể thấy, Monranbong là một thể hiện rõ nét phong cáchđổi mới trong văn hóa đại chúng của Triều Tiên, vừa mang tính hiện đại, nhưng vẫn quán triệt đúng tinh thần của “tư tưởng chủ thể”.

Trong lĩnh vực điện ảnh truyền hình, trước đây điện ảnh Triều Tiên tập trung vào các chủ đề chính trị, mang nặng tính cổ động, tuyên truyền. Vào thời Kim Jong-un, các bộ phim sản xuất trong nước của Triều Tiên tuy có ít hơn so với những thời kỳ trước[7], nhưng đã trở nên mượt mà hơn về kỹ xảo và bố cục màn hình, xuất hiện nhiều tác phẩm có sức cuốn hút, hấp dẫn mạnh mẽ hơn. “Những người hái sâm hoang dã trong cuộc chiến Nhâm Thìn” là một bộ phim có thể là ví dụ cho những thành công như vậy. Đây là một bộ phim truyện lịch sử lấy bối cảnh vào cuối thế kỷ XVI, khi Triều Tiên đang đấu tranh chống lại quân xâm lược Nhật Bản, gồm 8 tập được công chiếu từ tháng 7/2018. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, điểm khác biệt của bộ phim này là hình ảnh trực quan được thực hiện với việc sử dụng các công nghệ mới nhất có chất lượng rất cao không thua kém các bộ phim truyền hình Hàn Quốc hoặc Nhật Bản đương đại. Hiệu ứng hình ảnh đặc biệt, những màn đấu võ thuật ấn tượng cùng với cốt truyện có nhiều lớp và hấp dẫn đã làm cho nó trở nên khác biệt so với tất cả các sản phẩm trước đây thuộc thể loại này.Chương trình hấp dẫn và nổi tiếng đến mức nhiều người đã bỏ cả những việc đang làm để xem phim và tụ tập cùng nhau bình luận, tán thưởng.Bộ phim này cũng nhận được sự đánh giá tích cực từ một số nhà nghiên cứu Hàn Quốc với việc thừa nhận rằng các bộ phim truyền hình của Triều Tiên trong thời gian gần đây đã có sự khác biệt so với trước, đa dạng màu sắc và có nội dung sinh động, linh hoạt hơn so với trước đây[8].

Bên cạnh những phim sản xuất trong nước còn có nhiều hơn các bộ phim của nước ngoài được phép lưu hành ở Triều Tiên. Theo một số nhà quan sát, ở Triều Tiên hiện nay phim Hollywood khá phổ biến ở các rạp do nhà nước quản lý, ví dụ như bộ phim “Ba chàng ngốc” (Three Idiots) của Ấn Độ đã được chiếu tại một nhà hát ngay cạnh Quảng trường Kim Nhật Thành. Với nội dung xoay quanh tình bạn của ba sinh viên tại một trường đại học kĩ thuật của Ấn Độ và những áp lực xã hội dưới hệ thống giáo dục Ấn Độ, bộ phim đã được đông đảo khán giả thích thú. Không những thế, kênh giáo dục của Triều Tiên còn thường xuyên đăng tải các clip dài từ các bộ phim tài liệu nước ngoài. Hình ảnh chú chuột Mickey xuất hiện nhiều hơn trên các sân khấu, sách Harry Potter hiện diện khá phổ biến tại Đại học đường Nhân dân (인민대학습당) - thư viện quốc gia lớn nhất của Triều Tiên hiện nay.

Trong lĩnh vực thời trang, khi các biện pháp cải cách doanh nghiệp từng phần được thực hiện thông qua chỉ đạo của Chủ tịch Kim Jung-un trong “Diễn văn 5,30”[9], ngành thiết kế thời trang của Triều Tiên đã có nhiều thay đổi. Tại Triển lãm Mỹ thuật Công nghiệp Quốc gia được tổ chức vào tháng 4 năm 2014, người ta đã trưng bày các “mẫu quần áo hàng ngày mùa xuân và mùa thu” và “mẫu in áo thun trẻ em” với những mẫu thiết kế năng động và tinh tế không giống như các thiết kế quần áo truyền thống trong quá khứ. Người tiêu dùng bắt đầu hướng sự lựa chọn tới những kiểu một trang phục mới lạ. Các nhà máy đang bận rộn sản xuất những đôi giày, túi xách tay được thiết kế trông giống như mẫu thời trang nổi tiếng đang được bán ở các nơi khác trên thế giới.Nhìn chung, nhiều hàng hóa mới của Triều Tiên hiện được giới thiệu trước công chúng trong bao bì kiểu phương Tây, được thiết kế hấp dẫn hơn nhiều so với trước đây[10].

Có thể thấy, cách tiếp cận của Triều Tiên đối với sự thâm nhập của văn hóa đại chúng qua tác động của làn sóng truyền thông nước ngoài là “hiện đại hóa” sản xuất truyền thông để cung cấp một sản phẩm hấp dẫn và có sức cạnh tranh, nhằm phục vụ cho các thế hệ trẻ trong khi các tác phẩm cũ không còn hấp dẫn công chúng nữa. Điều muốn lưu ý ở đây là không phải chỉ đến thời Kim Jung-un phim ảnh nước ngoài mới được lưu hành ở Triều Tiên mà ngay từ hai thập kỷ trước đâyviệc này đã từng diễn ra[11], chỉ có điều trước kia việc lưu hành chúng còn ở mức độ rất hạn chế, còn ngày nay thì nó được chú ý như một hướng rõ rệt hơn. Nếu thành công, chính sách phát triển văn hóa đại chúng của Triều Tiênchắc sẽ có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng nhu cầu thỏa mãn nhu cầu của công chúng trong nước bằng những sản phẩm truyền thông nội địa, vừa giúp nâng cao khả năng tự vệ trước nguy cơ xâm nhập và lấn lướt của các sản phẩm thâm nhập từ bên ngoài.

Tuy nhiên, văn hóa đại chúng ở Triều Tiên là lĩnh vực có nhiều nhạy cảm chính trị. Vì vậy, từ khi quan hệ liên Triều trở lại tình trạng bế tắc sau những nỗ lực không thành của các cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, cộng với việc Triều Tiên phải đóng cửa hoàn toàn biên giới từ đầu năm 2020 do đại dịch COVID-19, cắt đứt mọi nguồn cung từ Trung Quốc khiến kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề,những biểu hiện cởi mở trong chính sách văn hóa đại chúng của nước này dường như đang thu hẹp lại. Nhiều tín hiệu cho thấy chính quyền đang gia tăng các nỗ lực ngăn chặn thông tin không chính thức xâm nhập từ bên ngoài. Tháng 12/2020, Triều Tiên đã thông qua một đạo luật cấm phát tán các nội dung không được nhà nước kiểm duyệt, nhất là các thông tin lậu từ làn song truyền thông Hàn Quốc[12]. Động thái này cho thấy tính phức tạp vàkhông ổn định trong đổi mới chính sách văn hóa đại chúng của Triều Tiên trước bối cảnh đặc thù của tình hình kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế.

3. Những đổi mới chính sách trong lĩnh vực giáo dục

Trong lĩnh vực giáo dục, sau khi Cộng hòa Dân Nhân dânTriều Tiên được thành lập, một hệ thống giáo dục phần lớn theo mô hình của Liên Xô đã được thiết lập. Giáo dục phổ cập do nhà nước bảo trợ được áp dụng trong tất cả các trường học; học sinh đến trường không không những không phải đóng học phí mà còn cung cấp miễn phí sách giáo khoa, đồng phục và các dụng cụ học tập khác. Năm1975hệ thống giáo dục bắt buộc của Triều Tiên mở rộng từ hệ 9 năm lên hệ 11 năm, giống với hệ thống giáo dục của miền Bắc Việt Nam vào những thập niên trước 1975, bao gồm 1 năm giáo dục mầm nonvà 10 năm giáo dục phổ thông.Từ năm 2012, nhà lãnh đạo Kim Jong-unchủ trương Triều Tiên cần mở rộng giáo dục bắt buộc từ 11 năm lên 12 năm vớiLuật mở rộng giáo dục bắt buộc được thông qua vào tháng 9 cùng năm. Hiện nay, hệ thống giáo dục của Triều Tiên có nét giống với hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc, bao gồm 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở và 3 năm trung học phổ thông.

Sự thay đổi đối với hệ thống 12 năm của Triều Tiên hiện nay là một bước hợp lý trong việc hoàn thiện và nâng cao hệ thống giáo dục bắt kịp với tiến bộ của giáo dục toàn cầu. Khi Kim Jong-un nắm quyền, các chuyên gia nghiên cứu quốc tế đã tranh luận về việc liệu những năm học tập ở nước ngoài của ông có thể ảnh hưởng đến thế giới quan và cách quản trị đất nước của ông hay không. Dù sao, hệ thống giáo dục hiện nay của Triều Tiênkhá giống với Việt Nam và các đối tác phương Tây, đặc biệt là Hàn Quốc, với giáo dục bắt buộc từ 5 tuổi đến 17 tuổi.

Khi nói về những thay đổi trong chính sách giáo dục của Triều Tiên thời Kim Jung-un, không thể không quan tâm đến hai định hướng rõ nét trong những bước cải cách của Triều Tiên. Thứ nhất làchính sách giáo dục hiện nay vẫn tiếp tục duy trì đường hướng đã có từ trước đây là nền giáo dục của Triều Tiên phải phù hợp xu hướng chung của giáo dục toàn cầu. Những chính sách mới chỉ là việc thiết kế lại các nguyên tắc giáo dục để tăng khả năng tương thích với các yêu cầu của giáo dục mang tính quốc tế. Ngay từ thời Chủ tịch Kim Nhật Thành, Triều Tiên đăng ký tất cả các khuôn khổ của Liên Hợp Quốc về phát triển giáo dục kể từ khi tuân thủ tuyên bố đầu tiên của EFA (Giáo dục cho tất cả mọi người) vào năm 1990. Trong bối cảnh mới, Kim Jong-un cho rằng Triều Tiên cần phải lấy xu hướng phát triển giáo dục toàn cầu, tiếp thu những kinh nghiệm tốt, phù hợp với thực tế của đất nước đểTriều Tiên trở thành một cường quốc giáo dục trong thế kỷ XXI.Thứ hai là tăng cường giảng dạy nội dung công nghệ thông tin ở cấp trung học và cấp đại học, nhằm thiết lập một “quốc gia dựa trên nền kinh tế tri thức”theo quy định tại Điều 46 của Hiến pháp Triều Tiên được sửa đổi vào năm 2019. Những nỗ lực cải cách giáo dục của Triều Tiên như vừa nêu đều nhằm đạt tới mục tiêu tạo ra những tài năng “sáng tạo” và “rèn luyện” những người tài năng phù hợp với “kỷ nguyên công nghệ thông tin” và “kỷ nguyên kinh tế tri thức”.

4. Những đổi mới trong chính sách phát triển du lịch

Trong lĩnh vực du lịch,trước đây Triều Tiên không chú trọng lĩnh vực du lịch, nhất là du lịch quốc tế, thậm chí còn hạn chế lĩnh vực này vì quan niệm rằng việc người Triều Tiên ra nước ngoài và người nước ngoài vào Triều Tiên gắn liền với sự thâm nhập, ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản[13]. Đối với người trong nước du lịch nước ngoài, Triều Tiên chỉ cho phép du lịch trong phạm vi một số nước xã hội chủ nghĩa. Đến thời Kim Jung-il, trong khi duy trì chính sách đóng cửa đối với cư dân trong nước, du khách nước ngoài được phép tham quan một số khu vực giới hạn của Triều Tiên như một công việc kinh doanh để thu ngoại tệ. Tuy nhiên, du lịch trong giai đoạn này đã không thể phát triển như một ngành công nghiệp và bị dừng lại ở giai đoạn đầu. Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jung-un nắm quyền, Triều Tiên có nhiều đổi mới trong quan niệm và hoạch định chính sách trong lĩnh vực này.Chiến lược 5 năm phát triển kinh tế quốc gia (2016-2020) được công bố trong Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7 vào tháng 5 năm 2016 nhấn mạnh đến khu vực phát triển kinh tế và kích hoạt lĩnh vực du lịch trên cơ sở tuân thủ phương châm “song tiến”. Từ năm 2016, trong điều kiện trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế chống lại Triều Tiên được mở rộng và nâng cao, dòng chảy ngoại tệ của nước này thông qua ngoại thương trở lên khó khăn. Chính phủ Triều Tiên đã chú trọng phát triển ngành du lịch nhằm nâng cao hình ảnh quốc gia trong khi vượt qua các lệnh trừng phạt.Các cơ sở đào tạo chuyên ngành đại học lớn của Triều Tiên đã mở thêm các khoa chuyên ngành mới như quản lý du lịch và khách sạn. Du lịch Triều Tiên đã được đa dạng hóa thông qua việc phát triển liên tục các tour du lịch trọn gói và các tour du lịch theo chủ đề cho khách du lịch nước ngoài.

Về hợp tác du lịch, phạm vi hợp tác đang dần mở rộng sang khu vực thứ ba (châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ…) thông qua Trung Quốc cũng như hợp tác du lịch Triều Tiên-Trung Quốc.Triều Tiên đặt mục tiêu thu hút 200.000 khách du lịch đến thăm đất nước hàng năm vào năm 2020. Riêng năm 2018, Triều Tiên đã đạt mục tiêu với 200.000 khách du lịch nước ngoài đã đến thăm Bình Nhưỡng, phần đông số đó là khách đến từ Trung Quốc với nguồn thu ngoại tệ ước tính ít nhất 50 triệu USD chưa kể các nguồn thu khác của các ngành có liên quan đến dịch vụ du lịch[14]. Hoạt động du lịch của Triều Tiên hiện tại đang bị dừng do đại dịch COVID-19, có khả năng sẽ hồi phục và tiếp tục tăng trưởng sau khi dịch bệnh được đẩy lùi trên quy mô toàn cầu. Mặc dù vậy, các nghiên cứu về du lịch của Triều Tiên hiện nay cho thấy nước này vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về du lịch. Ngành này hiện còn phát triển dựa vào Luật về khu vực phát triển kinh tế, chưa có luật cơ bản dành riêng cho du lịch tương tự các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam.

Việc kích hoạt ngành công nghiệp du lịch của Triều Tiên hiện nay có ý nghĩa rất tích cực. Trước hết, về phương diện văn hóa, phát triển du lịch góp phần quảng bá hình ảnh tích cực của một đất nước Triều Tiên ra thế giới thông qua những ấn tượng tốt đẹp mà khách quốc tế có được. Những tour du lịch được thiết kế rất công phu, với những điểm nhấn về sự phát triển của xã hội, văn hóa, lịch sử… đã trở thành phương tiện tuyên truyền có hiệu quả cao về hình ảnh đất nước Triều Tiên tươi đẹp, phản lại những thông tin tuyên truyền tiêu cực về Triều Tiên từ bên ngoài.Mặt khác, ngành du lịch đã đem lại cho Triều Tiên một nguồn thu đáng kể, góp phần khắc phục khó khăn của nền kinh tế đang bị quốc tế cấm vận. Sự phát triển của du lịch còn góp phần kích thích phát triển của những ngành dịch vụ liên quan như hệ thống nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm đặc thù địa phương… Có thể nói, sự thay đổi của chính sách du lịch của Triều Tiên hiện nay đã góp phần thúc đẩy sự chuyển biến dần dần về chính sách của các lĩnh vực khác.

5. Một vài nhận xét

Có thể thấy, kể từ khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jung-un lên cầm quyền, cùng với sự đổi mới chính sách trong các lĩnh vực khác, chính sách văn hóa – xã hội của Triều Tiên đã có những điều chỉnh, đổi mới nhất định. Trong số những biểu hiện rõ nhất của những đổi mới đóphải kể đến những đổi mới chính sách liên quan đến các lĩnh vực cụ thể như văn hóa đại chúng, giáo dục, và du lịch. Những thay đổi này nhìn chung mang tính tích cực và cởi mở hơn so với chính sách của các giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, đókhông phải là sự đổi mới mang tính toàn diện, triệt để mà chỉ là những điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của Triều Tiên trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới một cách thận trọng trên cơ sở tiếp nối những nguyên tắc chính sách từ các thời kỳ trước. Đặc biệt, những nét mới trong lĩnh vực văn hóa đại chúng, mặc dù từng được dư luận báo chí rất chú ý và đánh giá tích cực, cũng chỉ là những thay đổi về hình thức và phong cách thể hiện, còn về mặt nội dung vẫn tiếp tục mang nặng tính tuyên truyền, quán triệt nguyên tắc tư tưởng như trước đây. Mặc dù vậy, những đổi mới trong các chính sách văn hóa – xã hội của Triều Tiên dưới thời Kim Jung-un cho thấy đã có sự nhận thức từng bước tính tất yếu của quá trình điều chỉnh chính sách trước đòi hỏi khách quan của nhu cầu phát triển, trong bối cảnh mới của đất nước và quốc tế.Những đổi mới chính sách trong lĩnh vựcvăn hóa là rất phức tạp và nhạy cảm, nhất là những thay đổi liên quan đến hệ tư tưởng làm nền tảng cho sự tồn vong của thể chế hiện hành. Chính vì vậy, những nét mới và những điều chỉnh trong chính sách văn hóa của Triều Tiên thời gian vừa qua cũng cho thấy tính lưỡng nan của Triều Tiên trước nhu cầu đổi mới mạnh mẽ và bảo vệ sự an toàn cho chế độ trước sự tác động ngày càng phức tạp của cục diện chính trị và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bryan, Lynn, “Pop Culture Revolution in North Korea?”, https://learningenglish.voanews.com/a/pop-culture-revolution-in-north-korea-/4788232.html.
  2. Eun-Jeong Kim, “Changes in North Korea’s higher education and education management system during the Kim Jong Un Era”, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10. 1080/02188791.2020.1756741.
  3. Kim Jung-un, Great Programme for Struggle Leading Korean-style Socialist Construction to Fresh Victory, On Report Made by Supreme Leader Kim Jong-un at the 8th Congress of WPK, Jan. 7, Juche 110 (2021).
  4. Konstantin V Asmolov, “North Korea’s Ideology and Propangada: Sings of change”, Rusia in Globle Affaire,No. 1, 2021 January/March, https://eng.globalaffairs.ru/articles/north-koreas-propaganda/.
  5. ТатьянаГабрусенко, КакживетсяМикки-Маусув КНДР, Чтопредставляетсобойпоп-культураСевернойКоре (ChuộtMickeysốngnhư thếnàoởCHDCNDTriềuTiên,Vănhóa đạichúngTriềuTiênlà gì?),LENTA.RU, МИР, 24 ФЕВРАЛЯ,https://lenta.ru/articles/2017/04/26/pop_culture_in_dprk/.
  6. 文星, 最近の朝鮮の観光業発展について(VănTinh, Sựpháttriểngần đâycủangànhdulịchTriềuTiên), ErinaReportPlusNo.152 2020 February,https://www.erina.or.jp/wp-content/uploads/2020/04/se152120_tssc.pdf.
  7. 石丸次 郎,北朝鮮の市場経済の拡大と社会変化~北朝鮮内部映像から考える~(Jiro Ishimaru, Suy nghĩ về sự mở rộng của kinh tế thị trường và chuyển biến xã hội của Bắc Triều Tiên qua video nội bộ của Bắc Triều Tiên), https://www.kansai-u.ac.jp/Keiseiken/publi cation/report/asset/sousho162/162_02.pdf.
  8. 김정은제1비서, 7차당대회중앙위원회사업총화보고 (Kim Jong-un, Bí thư thứ nhất, Báo cáo tóm tắt Đại hội lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng).
  9. 이해정김성환강성현,북한의관광정책추진동향과남북관광협력에대한시사점(HaejungHaeSeonghwan KimSeonghyun Kang, Xu hướng thúc đẩy chính sách du lịch của Triều Tiên và các hàm ý cho hợp tác du lịch liên Triều), KIEP, 2020.08.03, https://www.kiep.go.kr/gallery.es?mid=a10101010000&bid=0001&act=view&list_no=2463&cg_code=C13.
  10. 조정아, 김정은시대북한교육정책방향과중등교육과정개편(Jo Jung Ah, Định hướng chính sách giáo dục của Triều Tiên và tổ chức lại chương trình giáo dục trung học trong thời Kim Jong-un), 통일정책연구제23권 2호 2014  pp. 177~206,http://unibook.unikorea.go.kr/libeka/elec/WebBook_data4/kinu/267503.pdf#page=181.

 

 


[1]PGS.TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2]제훈, 북 ‘김정은식경제개혁’헌법에넣었다 (Je Hoon, "Cải cách kinh tế của Triều Tiên theo phong cách Kim Jong-un" được đưa vào hiến pháp), 한겨레, 2019-07-11, https://www.hani.co.kr/arti/politics/defense/901528.html#csidx1b92bfd1eb7cc45908694e49dec8c7d.

[3] Olivia Schieber, “A culture war is brewing in North Korea”,https://www.washingtonpost.com/opinions/2021/02/02/culture-war-is-brewing-north-korea-it-shows-kim-jong-uns-deepest-fear/.

[4]Татьяна Габрусенко, Как живется Микки-Маусу в КНДРЧ то представляет собой поп-культура Северной Кореи (Chuột Mickey sống như thế nào ở CHDCND Triều Tiên, văn hóa đại chúng Triều Tiên là gì?),LENTA.RU, https://lenta.ru/articles/2017/04/26/pop_culture_in_dprk/.

[5]조영빈, https://m.mt.co.kr/renew/view.html?no=2012070811118242719#_enliple.

[6]SpiceGirlslà mộtnhómnhạcnữmangphongcáchpopnổitiếngcủanướcAnh, đượcthànhlậpvàonăm 1994 với 5 thànhviên. Vớiphongcáchbiểudiễn đặcbiệt, nhómnhạcnữnàynổilênnhư mộthiệntượng âmnhạctoàncầu, được đánhgiá là nhómnhạcnữthànhcôngnhấtmọithời đại, và là hiệntượngnhạcpopthànhcôngnhấtnướcAnhkểtừTheBeatles.

[7]안지영, 김정은시대의북한영화(Jiyoung Ahn, Phim Bắc Triều Tiên thời Kim Jong-un), http://m.cine21.com/news/view/?mag_id=90499.

[8]Konstantin V Asmolov, “North Korea’s Ideology and Propangada: Sings of change”, Rusia in Globle Affaire,No. 1 2021 January/March,https://eng.globalaffairs.ru/articles/north-koreas-propaganda/.

[9] Diễn văn 5,30' là bài phát biểu của Chủ tịch Kim Jong-un tổ chức vào ngày 30 tháng 5 năm 2014 trước các quan chức, sĩ quan Đảng, Nhà nước và quân đội “về phương pháp quản lý kinh tế đáp ứng nhu cầu phát triển của hiện thực khách quan”.

[10]CBS New, “Kim Jong Un is upgrading North Korea's pop culture”, https://www.cbsnews.com/news/kim-jong-un-is-upgrading-north-koreas-pop-culture/.

[11] Theo nghiên cứu của Tatiana Gabrusenko – Giáo sư Đại học Koryu (Seoul).Nguồn: https://lenta.ru/articles/2017/04/26/pop_culture_in_dprk/.

[12] Jessie Yeung and Yoonjung Seo, “Why North Korea is so afraid of K-pop”, CNN July 24, 2021, https://edition.cnn.com/2021/07/23/asia/north-korea-culture-war-kpop-intl-hnk-dst/index.html.

[13]솔향, 문학에서김정은시대북한의관광인식(Solhyang, sự công nhận của Triều Tiên về ngành du lịch trong thời đại Kim Jung-un qua các diễn văn),https://m.blog.naver.com/chhioo/222091372199.

[14]강채연, 김정은시대관광산업의국제화전략과관광협력의선택적이중구조 (10.2019)(Kang Chae-yeon, Chiến lược quốc tế hóa ngành du lịch thời Kim Jong-un và cơ cấu kép lựa chọn hợp tác du lịch),https://unibook.unikorea.go.kr.

 

0thảo luận