Trang chủ

Vị thế và thách thức của Hàn Quốc trong việc tham gia Bộ tứ

Đăng ngày: 3-02-2023, 14:23 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 9

Huỳnh Tâm Sáng1, Phạm Đỗ Ân2

 

Tóm tắt: Tuy là một đồng minh quan trọng của Mỹ, chia sẻ nhiều giá trị dân chủ với các thành viên của Bộ tứ và quan ngại về sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn chưa có nhiều động thái tham gia vào thể chế khu vực này. Việc Hàn Quốc “né tránh” can dự vào Bộ tứ đã đặt ra nhiều vấn đề, nổi bật là mức độ gắn bó trong quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, vai trò cường quốc tầm trung của Hàn Quốcvà cam kết của Hàn Quốc đối với hoà bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ thực tiễn nêu trên, bài viết tìm hiểu những thuận lợi và thách thức của Hàn Quốc trong việc gia nhập Bộ tứ cũng như đưa ra một số nhận xét về khả năng tham gia và cam kết của Hàn Quốc đối với Bộ tứ nói riêng và an ninh khu vực nói chung.

Từ khóa: Hàn Quốc, Bộ tứ, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

 


1. Tầm quan trọng của việc Hàn Quốc tham gia Bộ tứ[1][2]

Hàn Quốc chia sẻ lợi ích với Bộ tứ (bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) như pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế[3]. Ngoài những vấn đề căn bản vừa nêu, có bốn lý do mang ý nghĩa chiến lược khiến việc Hàn Quốc tham gia Bộ tứ là cần thiết:

Thứ nhất, tham gia Bộ tứ giúp Hàn Quốc củng cố vị thế và an ninh quốc gia, trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang diễn ra quá trình tái cấu trúc trật tự quyền lực. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung còn kéo dài và phức tạp, với khu vực Đông Á là điểm nóng chứng kiến các va chạm lợi ích như chủ quyền, phạm vi ảnh hưởng. Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát đối với khoảng 85% diện tích Biển Đông, và có những hành động làm phức tạp an ninh khu vực nhằm hiện thực hóayêu sách chủ quyền. Đáp lại, Mỹ sẵn sàng “thực thi và khẳng định các quyền lợi, sự tự do và khả năng sử dụng biển cả trên toàn thế giới” theo cách thức phù hợp với cán cân lợi ích của Mỹ, thông qua các hoạt động tự do hàng hải (FONOP)[4]. Trong bối cảnh đó, nguy cơ bất ổn về an ninh ở khu vực vẫn tồn tại, chừng nào Mỹ và Trung Quốc vẫn coi Biển Đông là một khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của các cường quốc này.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng là một “ngòi nổ” tiềm tàng về an ninh, thường xuyên đặt mức độ an toàn của khu vực trong trạng thái “không chắc chắn”. Trong giai đoạn 1999-2019, các lần bắn thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra với tần suất và cường độ gia tăng. Nếu trong suốt bảy năm (1999-2005), Triều Tiên không bắn thử quả tên lửa nào, thì chỉ trong ba năm (2017-2019), nước này đã 40 lần thử nghiệm thành công nhiều tên lửa tấn công tầm thấp và trung bình[5]. Trong đó, các quả tên lửa nặng ít nhất 500 kg với tầm bắn gần nhất là 300 km đặt an nguy của các quốc gia xung quanh, trong đó có Hàn Quốc vào tình trạng báo động.

Thứ hai, việc Hàn Quốc gia nhập Bộ tứ phản ánh vị thế quốc gia trong quá trình kiến tạo mục tiêu, phương hướng, nguyên tắc và cách thức tổ chức cấu trúc an ninh khu vực. Tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ tứ nhiều khả năng trở thành một trụ cột chủ yếu, kiến tạo và chi phối sự vận động của khu vực. Từ cuộc gặp ở Manila (Philippines) năm 2017 đến phiên họp tháng 3/2021, Bộ tứ nhất quán nhấn mạnh mục đích ổn định trật tự khu vực và giải quyết các thách thức về an ninh là những ưu tiên hàng đầu. Cùng chia sẻ quan điểm về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” và “dựa trên luật lệ” (rules-based), Mỹ cùng các đồng minh đang góp phần tạo lập và duy trì môi trường phát triển cho các quốc gia trong một khu vực được coi là động lực phát triển của nền kinh tế thế giới[6].

Mặt khác, Hàn Quốc đáp ứng “tiêu chuẩn” thành viên của Bộ tứ nếu quốc gia này xem xét gia nhập thể chế do Mỹ “lãnh đạo” trên thực tế. Hàn Quốc không chỉ là một nền dân chủ ổn định trong khu vực mà còn là đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Á. Từ năm 1990, chỉ số giá trị về dân chủ của Hàn Quốc (quốc gia thực hành dân chủ) luôn được duy trì ở mức độ cao, vào năm 2020, Hàn Quốc xếp thứ 20 trong bảng “Xếp hạng quốc gia theo chất lượng dân chủ” của Viện Khoa học Chính trị và Xã hội học ở Würzburg (Đức)[7]. Bên cạnh đó, mức độ vững mạnh trên khía cạnh an ninh của quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn còn được thể hiện qua Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai quốc gia (Mutual Defense Treaty). Được ký kết vào tháng 10/1953, có hiệu lực từ ngày 18/11/1954, và duy trì liên tục sau đó, hiệp ước là sự đảm bảo về cam kết quân sự của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á nói chung, cũng như lòng tin chiến lược và quan điểm của Mỹ đối với Hàn Quốc nói riêng. Hai bên sẵn sàng viện trợ lẫn nhau nếu phải đối mặt với cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài, đồng thời, Hàn Quốc còn cho phép lực lượng quân sự Mỹ đồn trú thường xuyên tại Hàn Quốc dưới sự tham vấn của chính phủ quốc gia này.

Thứ ba, sự có mặt của Hàn Quốc trong Bộ tứ giúp Mỹ chiếm ưu thế trong nỗ lực “kiềm chế” sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là giúp Mỹ củng cố cấu trúc “trục và nan hoa” (hub-and-spoke) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc đóng vai trò như “gọng kìm” thứ hai, án ngữ con đường tiến ra Thái Bình Dương của Trung Quốc. Nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên, giữa nơi Hoàng Hải (Yellow Sea) và biển Nhật Bản (Sea of Japan) gặp gỡ, Hàn Quốc có ba mặt giáp biển. Trong đó, khoảng cách từ thành phố cảng Incheon đến bờ biển Uy Hải (Weihai) thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc chỉ hơn 400 km, còn khoảng cách từ đảo Jeju (đảo lớn nhất Hàn Quốc) đến Đài Loan là 1.217 km. Với sự tham gia của Hàn Quốc, khả năng kiểm soát quân sự của Bộ tứ sẽ tăng lên nhờ vị trí chiến lược của Hàn Quốc ở Đông Bắc Á. Thực tế trên càng được củng cố trong bối cảnh Mỹ đã quyết định dỡ bỏ hạn chế về tầm bắn tối đa của tên lửa Hàn Quốc vào tháng 5/2021, cho phép các bệ phóng của nước này đẩy tên lửa vươn xa nhiều km khỏi bán đảo Triều Tiên[8].

Thứ tư, sự tham gia của Hàn Quốc có thể là chất xúc tác giúp thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động của Bộ tứ. Theo “The Soft Power 2019”, Hàn Quốc xếp thứ 19 trong số các quốc gia sở hữu quyền lực mềm hàng đầu thế giới, tăng một bậc so với năm 2018[9]. Ảnh hưởng và đóng góp tích cực của Hàn Quốc trong các thể chế đa phương có thể giúp Bộ tứ có cơ sở để tạo dư luận và gây sức ép đối với Trung Quốc, liên quan đến chuẩn mực hành xử của nước lớn. Cùng với Hàn Quốc, các thành viên Bộ tứ càng tô điểm thêm sự tương phản mạnh mẽ giữa nỗ lực tái lập “trật tự dựa trên luật lệ” do Mỹ dẫn đầu và tham vọng trỗi dậy có phần “bất chấp” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông,bao gồm việc gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp trên biển. Sự tham gia của Hàn Quốc có thể giúp làm rõ hơn ranh giới giữa những hoạt động có trách nhiệm và những hành động phi pháp và quyết đoán của Trung Quốc. Về lâu dài, sự tương phản rõ nét có thể gây sức ép đối với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao, buộc Trung Quốc phải cân nhắc hơn trong các vấn đề quan hệ quốc tế ở khu vực.

2. Thách thức của việc Hàn Quốc gia nhập Bộ tứ và lựa chọn của chính quyền Moon Jae-in

Sự tham gia của Hàn Quốc vào Bộ tứ là cần thiết và có thể đóng góp đáng kể cho việc củng cố an ninh khu vực, tuy vậy, thực tế cho thấy khả năng đóng góp và mức độ cam kết của Hàn Quốc đối với các hoạt động của Bộ tứ là chưa nhiều. Trên cơ sở cân nhắc lợi ích trước mắt và lâu dài, Hàn Quốc có lý do để thận trọng và đánh giá yếu tố “được - mất” khi tham gia Bộ tứ. Do đó, sự “dè dặt” của Hàn Quốc là có thể hiểu được, với những lý do chính sau đây.

Thay vì “chọn phe” và tự giới hạn các lựa chọn chiến lược, Hàn Quốc mong muốn cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc để có thể tối đa hóacơ hội giải quyết các mối quan tâm trước mắt. Dù Hàn Quốc là đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng tham gia vào một thể chế có độ bao phủ rộng lớn (Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương), vốn gắn liền với mục đích “ngăn chặn” Trung Quốc, chưa phải là một bước đi phù hợp khi xét thực tế rằng quan hệ Trung - Hàn vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc trong nhiều năm qua. Từ năm 2015, hai bên đã ký hết hiệp định thương mại tự do (FTA) với mong muốn tiếp tục thúc đẩy và tạo cơ hội đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương. Năm 2019, Trung Quốc chiếm 24,5% giá trị hàng xuất khẩu và 22,2% giá trị hàng nhập khẩu của Hàn Quốc[10]. Công khai theo đuổi các nỗ lực của Bộ tứ nhằm ngăn chặn Trung Quốc có thể khiến quan hệ Hàn - Trung “sứt mẻ”, trong đó thiệt hại kinh tế là nguy cơ hiện hữu. Khi người tiền nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in là Park Geun-hye quyết định triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)của Mỹ tại Hàn Quốc vào năm 2017, Trung Quốc đã phản đối và trả đũa thông qua các hành động kinh tế khắc nghiệt, khiến quan hệ song phương thiệt hại đến 15,6 tỷ USD và tác động tới hầu hết lĩnh vực, từ thương mại đến văn hóa, chính trị và ngoại giao[11].

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cần sự đóng góp tích cực của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), quân đội Trung Quốc đã chi viện cho Triều Tiên chống lại quân đội Hàn Quốc. Sau chiến tranh, Trung Quốc còn cung cấp viện trợ qua ba thế hệ lãnh đạo liên tục của Đảng Lao động Triều Tiên, lần lượt là Kim Il-sung (1948-1994), Kim Jong-il (1994-2011) và Kim Jong-un (đương nhiệm). Trong đó, nguồn lương thực từ Trung Quốc đứng đầu trong tổng số lương thực viện trợ mà Triều Tiên nhận được từ nước ngoài[12]. Năm 2019, Trung Quốc chiếm đến 67% tỷ trọng hàng xuất đi của Triều Tiên và là quốc gia đóng góp 95,8% giá trị hàng hóaTriều Tiên nhập về[13]. Trong trường hợp quan hệ Hàn - Trung diễn tiến xấu đi, khó có thể đảm bảo đàm phán song phương lẫn đa phương của Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên không bị ảnh hưởng bởi yếu tố Trung Quốc. Hơn nữa, với lợi thế có được từ quan hệ Trung - Triều, Trung Quốc có thêm cơ sở để gây áp lực với Hàn Quốc trong mối quan hệ với Mỹ. Tháng 8/2020, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì, khi gặp Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon, đã tuyên bố Hàn Quốc “không nên đứng về phía Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh quan hệ hòa bình giữa Trung Quốc và Mỹ là cần thiết cho an ninh ở Đông Bắc Á[14].

Đối với Mỹ, Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ thể hiện vai trò và trách nhiệm lớn hơn trong nỗ lực tạo lập và duy trì trật tự ở khu vực. Giống như Nhật Bản và Australia, Mỹ cần Hàn Quốc hành động cụ thể và quyết tâm hơn đối với các thách thức từ Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Mỹ tin rằng Hàn Quốc sẽ là “mảnh ghép” vừa vặn với các thành viên Bộ tứ. Ngược lại, Trung Quốc nhìn nhận việc gia nhập Bộ tứ là một nỗ lực “chống Trung Quốc”, và các quốc gia có thể “làm tổn hại đáng kể” quan hệ song phương với Trung Quốc nếu quyết định tham gia[15]. Với vị trí gần kề và phụ thuộc lớn vào kinh tế với Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ gặp bất lợi khi công khai chống lại Trung Quốc, hay khiến Trung Quốc “cảm thấy” rằng Hàn Quốc có khả năng gia nhập Bộ tứ. Do đó, triển vọng gia nhập Bộ tứ của Hàn Quốc không đơn thuần dựa trên khả năng đóng góp của Hàn Quốc hay mong muốn của các thành viên. Trên thực tế, viễn cảnh này còn phụ thuộc vào quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn và quan hệ đối tác chiến lược Trung - Hàn.

Với việc theo đuổi sự mơ hồ có tính chiến lược và mức độ hoài nghi đáng kể trong chính giới đối với Bộ tứ, Hàn Quốc dường như sẽ không mạnh dạn tham gia Bộ tứ[16]. Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ lựa chọn một giải pháp khác (thay vì gia nhập Bộ tứ)như tìm kiếm các hướng đi ít ràng buộc hơn nhưng vẫn chia sẻ các giá trị cốt lõi về khu vực, với phương châm ngăn ngừa cạnh tranh bá quyền để tập trung vào ưu tiên phi hạt nhân hóavà duy trì tiến trình hòabình trên bán đảo Triều Tiên.Trên thực tế, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in luôn “khéo léo” né tránh cam kết gia nhập Bộ tứ với mong muốn cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nỗ lực “đi dây” giữa Mỹ và Trung Quốc giúp Hàn Quốc có thêm không gianđể đạt được các mục tiêu đối ngoại. Trên cơ sở đóng góp “vừa phải” vào các hoạt động chung của Bộ tứ, Hàn Quốc có thể vừa củng cố vai trò và tầm ảnh hưởng, vừa cải thiện vị thế quốc tế thông qua nỗ lực đảm bảo trật tự khu vực. Không trở thành một thành viên của Bộ tứ cũng giúp tăng cường lòng tin chiến lược trong quan hệ Trung - Hàn, ngăn ngừa nguy cơ khiến quan hệ song phương lao dốc với những diễn biến phức tạp.Các chiến lược mà Hàn Quốc có thể lựa chọn nhằm cân bằng trong quan hệ tam giác Trung - Hàn - Mỹ và đồng thời phát triển quan hệ với Bộ tứ bao gồm:

Thứ nhất, Hàn Quốc có thể phát triển quan hệ với từng thành viên Bộ tứ ở cấp độ song phương. Nỗ lực này vừa nhằm thắt chặt quan hệ đối tác của Hàn Quốc, vừa củng cố và đa dạng hóasự ủng hộ quốc tế, nhất là từ các quốc gia cùng chí hướng (like-minded countries), đối với lập trường của Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Tháng 3/2021, Tổng thống Moon Jae-in đã gửi một thông điệp thiện chí đến Nhật Bản, khẳng định Hàn Quốc đã “sẵn sàng thảo luận” để tháo gỡ các vấn đề đang cản trở quan hệ hai bên[17]. Động thái này diễn ra chưa đầy một năm sau tuyên bố tương tự của Tổng thống Moon vào tháng 8/2020 trong sự kiện đánh dấu 75 năm ngày Nhật Bản đầu hàng quân đội Đồng minh[18]. Nỗ lực của Hàn Quốc không chỉ cho thấy thái độ cởi mở trước những tranh cãi liên quan đến cáo buộc về tội ác của quân đội Nhật Bản ở Triều Tiên, mà còn thể hiện tinh thần sẵn sàng giải quyết một “điểm đen” phủ bóng quan hệ song phương suốt nhiều năm qua.

Cũng trong tháng 3/2021, với tư cách là một trong những nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự hàng đầu cho Ấn Độ[19], Hàn Quốc chủ động thắt chặt quan hệ quốc phòng song phương thông qua chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook đến quốc gia Nam Á này. Cuộc gặp nhằm bàn thảo về khả năng mở rộng hợp tác quốc phòng, trong bối cảnh hai quốc gia đã hoàn tất lộ trình hợp tác sản xuất chung các hệ thống quân sự trên bộ và trên biển từ năm 2019[20]. Bên cạnh đó, Tổng thống MoonJae-in cũng gặp gỡ Thủ tướng Australia Scott Morrison nhằm vạch ra kế hoạch hợp tác song phương trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, phát triển công nghiệp và năng lượng[21]. Trong đó, hợp tác quốc phòng tiếp tục là một trọng điểm chiến lược, khi Hàn Quốc đồng ý cung cấp cho Australia 30 pháo tự hành K-9 Thunder và 15 xe tiếp đạn K-10 trong một hợp đồng trị giá khoảng 770 triệu USD[22].

Trên cơ sở củng cố quan hệ với các đối tác, Hàn Quốc còn nâng cao tính đa dạng của các quan hệ song phương, làm cơ sở phát triển kinh tế và tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Đơn cử, đối với Australia, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư (khoảng 31,3 tỷ USD) và thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (khoảng 21,8 tỷ USD) của quốc gia này. Trong khi đó, đầu tư của Hàn Quốc vào Australia đã tăng 6,3 lần, từ 5 tỷ USD năm 2006 lên 31,4 tỷ USD vào năm 2019. Với “lực đẩy” từ Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Australia (KAFTA) có hiệu lực từ cuối năm 2014, quan hệ thương mại song phương vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, với những tiềm lực như dân số đông, tự do hóachính sách tốt, cơ sở hạ tầng ngày một cải thiện và nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy số hóa ở cả khu vực tư nhân và nhà nước[23], Ấn Độ cũng là một đối tác kinh tế giàu tiềm năng của Hàn Quốc. Năm 2020, đầu tư của Hàn Quốc vào Ấn Độ đạt 51,9 tỷ USD, tăng 16% so với 44,7 tỷ USD của năm 2019. Theo số liệu của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea EXIM Bank), trong năm 2020, có 66 tập đoàn mới của Hàn Quốc được thành lập tại Ấn Độ[24]. Với việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)vào năm 2020, Hàn Quốc và Nhật Bản có điều kiện thúc đẩy quan hệ thương mại. Các rào cản thương mại giữa hai nước sẽ được hạ thấp và được kỳ vọng sẽ làm tăng thương mại song phương[25].

Thứ hai, bằng cách “để ngỏ” khả năng gia nhập Bộ tứ, Hàn Quốc dường như muốn gửi đến Trung Quốc và các thành viên Bộ tứ thông điệp rằng cả hai phía nên tranh thủ Hàn Quốc vì những mục tiêu đối ngoại và tầm quan trọng của Hàn Quốc trong cấu trúc khu vực. Tháng 6/2019, Tổng thống Moon Jae-in từng nhận xét: “Chính sách hướng Nam mới (NSP) và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ có thể tìm thấy điểm tương đồng”[26]. Trọng tâm của NSP là nhằm tăng cường liên kết kinh tế và ngoại giao của Hàn Quốc với Đông Nam Á và Ấn Độ. Trọng tâm địa lý này rất phù hợp với phạm vi mà Bộ tứ quan tâm[27]. Thông điệp của Tổng thống Moon Jae-in “úp mở” về những toan tính của Hàn Quốc, một mặt thể hiện những điểm chung trong quan hệ đồng minh với Mỹ, mặt khác khẳng định sự độc lập của Hàn Quốc và nỗ lực tự khẳng định mình của quốc gia này qua NSP.

Dù Mỹ và Hàn Quốc đều chia sẻ những góc nhìn chung trên một số lĩnh vực hợp tác, như phi hạt nhân hóabán đảo Triều Tiên, thúc đẩy phát triển bền vững, an ninh năng lượng và quản lý nguồn nước có trách nhiệm ở tiểu vùng sông Mekong, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN (ASEAN Centrality) và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt[28], Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ không cáo buộc Trung Quốc “thực hành đàn áp trong và ngoài nước” hay “đe dọađến ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” tương tự như nội dung trong Chiến lược của Mỹ công bố năm 2019[29]. Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đang là một trong những thách thức an ninh chủ yếu ở khu vực, Mỹ liên tục tổ chức các cuộc tập trận chung với đồng minh, nhằm gửi đi thông điệp răn đe với Trung Quốc[30]. Đáp lại, Hàn Quốc chưa từng tham gia một cuộc tập trận nào do Mỹ tổ chức ở vùng biển này, dù vẫn đều đặn gửi quân trong các cuộc tập trận ở Đông Bắc Á hàng năm[31]. Tháng 5/2021, Tổng thống Moon Jae-in trở thành quan chức cấp cao thứ hai đến Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.Trong cuộc gặp, hai bên tái khẳng định quan điểm phản đối mọi hoạt động phá hoại, gây mất ổn định hoặc đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cam kết duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông[32]. Dù đề cập đến những nguyên tắc căn bản trong tầm nhìn chiến lược của Bộ tứ về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tuyên bố chung chỉ một lần đề cập đến thuật ngữ “Bộ tứ” (Quad).

Thứ ba, Hàn Quốc có thể ưu tiên các vấn đề an ninh phi truyền thống khi hợp tác và tham vấn lẫn nhau với Bộ tứ để khéo léo không “kích động” Trung Quốc. Như được khẳng định trong tuyên bố chung vào tháng 3/2021, Hàn Quốc có cơ hội cùng Mỹ và các đồng minh, thậm chí là với cả Trung Quốc, cam kết đóng góp trong các nỗ lực đa phương nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Các mục tiêu chung là ứng phó và khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, hợp lực để mở rộng sản xuất vaccine, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chống khủng bố, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Trên thực tế, từ tháng 3/2020, cùng với Việt Nam và New Zealand, Hàn Quốc đã tham dự một phiên họp mở rộng của Bộ tứ trong vai trò đối tác, thảo luận về những vấn đề trọng tâm trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 ở khu vực.

Với việc nhấn mạnh phạm vi hoạt động của Bộ tứ trên cơ sở lưu ý đến những lĩnh vực hiếm hoi mà Mỹ và Trung Quốc có thể tìm được tiếng nói chung, Hàn Quốc mong muốn làm “hài lòng” Mỹ nhưng không khiến Trung Quốc “phật ý”, đồng thời cho thấy quốc gia này không hoàn toàn liên kết với Mỹ hoặc Trung Quốc[33]. Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Hàn Quốc Choi Jong-kun đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng Hàn Quốc nhất quán phản đối việc thiết lập một cấu trúc khu vực loại trừ hoặc nhằm kiềm chế một quốc gia cụ thể[34]. Sau cuộc gặp “nảy lửa” ở Alaska vào tháng 3/2021 với nhiều bất đồng và chỉ trích[35], Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể đề cập đến khía cạnh “hợp tác” đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Tháng 4/2021, Đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerryđã đến Thượng Hải gặp người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa để cam kết hợp tác trong các tiến trình đa phương về biến đổi khí hậu[36]. Ngay sau đó, ông John Kerry cũng đích thân đến Hàn Quốc để cùng Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong thống nhất về việc hai nước cần hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn “sức mạnh tổng hợp từ cả hai phía”[37]. Động thái trên nhiều khả năng sẽ tạo cơ sở để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Bộ tứ và Hàn Quốc, với đóng góp đáng kể từ Trung Quốc, trên các lĩnh vực hợp tác tương tự trong thời gian tới.

3. Thay lời kết

Cho đến nay, khả năng và mức độ đóng góp của Hàn Quốc đối với Bộ tứ về cơ bản được phát triển theo quỹ đạo mà Hàn Quốc hướng đến, dù Hàn Quốc vẫn phải cân nhắc những mục tiêu chiến lược mà Bộ tứ ưu tiên. Trong chừng mực nhất định, đóng góp của Hàn Quốc giúp quốc gia này củng cố vị thế và uy tín trong nỗ lực duy trì hoà bình và ổn định khu vực để phù hợp với mục tiêu chung trong chính sách đối ngoại. Nhưng đồng thời, Hàn Quốc đã và đang rất cẩn trọng nhằm tránh “lún sâu”vào tình thế lưỡng nan trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, hay bị ràng buộc trong các hoạt động tập thể (của Bộ tứ), vốn có thể làm tổn hại đến quan hệ Trung - Hàn.Trong trường hợp này, vị thế địa chính trị của Hàn Quốc với nhiều khả năng tổn thương đã quy định chính sách đối ngoại cũng như sự linh hoạt, thực dụng của quốc gia này.

Dự kiến vào tháng 3/2022, Hàn Quốc sẽ tổ chứcbầu cử tổng thống lần thứ 20để tìm ra người kế nhiệm Tổng thống Moon Jae-in. Dù quan điểm của các ứng cử viêntổng thống đối với Mỹ và Trung Quốc có sự khác biệt[38], chính phủ mới của Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì cách tiếp cận hiện tại, đồng thời cân nhắc điều chỉnh về chính sách để phù hợp với những thay đổi trong quan hệ liên Triều và mức độ can dự của Mỹ vào khu vực. Lựa chọn này góp phần phản ánh sự nhất quán trong chính sách “đi dây”[39] củaHàn Quốc, nhất là từ nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Park Geun-hye(năm 2013) cho đến nay.

Nỗ lực cân bằng với các cường quốc, trong trường hợp này là với Mỹ và Trung Quốc, là chiến lược mà các cường quốc tầm trung truyền thống đã lựa chọn (như Canada, Australia). Không giống như cường quốc có thể lựa chọn chính sách đối trọng (balancing) và nước nhỏ thường ưu tiên cho chính sách phù thịnh (bandwagoning) nhằm về phe với cường quốc đang chiếm ưu thế, cường quốc tầm trung cố gắng linh hoạt trong chính sách đối ngoại thông qua các nỗ lực ngoại giao khéo léo và theo đuổi chủ nghĩa đa phương. Dù là đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng Hàn Quốc ngày càng mong muốn khẳng định mình, thể hiện qua việc chủ động kết nối với ASEAN qua NSP, hoạt động tích cực trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc chiếm ưu thế theo đường hướng của “ngoại giao chuyên biệt” (niche diplomacy), tham gia tích cực vào WTO, G20, duy trì tương tác trong nhóm các cường quốc tầm trung “MIKTA” (gồm 5 cường quốc tầm trung là Mexico, Indonesia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳvà Australia)đểcủng cố vị thế cường quốc tầm trung và mở rộng hoạt động ngoại giao đa phương. Ứng xử của Hàn Quốc đối với Bộ tứ có thể cung cấp nhiều bài học quan trọng về chiến lược mà một cường quốc tầm trung áp dụng để khéo léo duy trì chính sách đối ngoại tự chủ, sử dụng các quan hệ song phương trong cấu trúc đa phương để làm đòn bẩy cho các cam kết, đồng thời đóng góp tích cực cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên luật lệ và mang tính thâu nạp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Anthony Rinna, “Securing an ‘Asian NATO’ or destabilising Korea relations?”, East Asia Forum, 15/10/2020, https://www.eastasiaforum.org/2020/10/15/securing-an-asian-nato-or-destabilising-korea-relations/.
  2. James Park, “Biden Should Embrace South Korea’s Strategic Nondecision on the Quad”, The Diplomat, 5/3/2021, https://thediplomat.com/2021/03/biden-should-embrace-south-koreas-strategic-nondecision-on-the-quad/.
  3. Park Jin, “Korea needs to consider joining Quad to make 'Penta'”, The Korea Times, 04/04/2021, https://www.koreatimes.co.kr/www/opinion/2021/04/197_306495.html.
  4. Ramon Pacheco Pardo, “South Korea rebuffed Trump. Here’s why it might cooperate with Biden”, The Washington Post, 21/05/2021, https://www.washingtonpost.com/politics/2021/05/21/south-korea-rebuffed-trump-heres-why-it-might-cooperate-with-biden/.
  5. “Seoul shouldn't hesitate joining the Quad initiative: Korea Herald editorial”, The Strait Times, 15/03/2021, https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/time-to-decide-joining-the-quad-initiative-korea-herald-editorial.
  6. Yosuke Onchi, “Moon weighs 'Quad lite' at Biden summit”, 18/05/2021, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Indo-Pacific/Moon-weighs-Quad-lite-at-Biden-summit.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1]TS., Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

[2]Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

[3] Park Jin, “Korea needs to consider joining Quad to make 'Penta'”, The Korea Times, 04/04/2021, https://www.koreatimes.co.kr/www/opinion/2021/04/197_306495.html

[4]“U.S. Department of Defense Freedom of Navigation Program”, USDepartment of Defense, 3/2015, p. 1.

[5]“The CNS North Korea Missile Test Database”, Nuclear Threat Initiative, 31/3/2021, https://www.nti.org/analysis/articles/cns-north-korea-missile-test-database/, truy cập ngày 08/6/2021.

[6]“A Free and Open Indo-Pacific: Advancing a Shared Vision”, US Department of State, 4/11/2019.

[7]“Ranking of Countries by Quality of Democracy”, Institute of Political Science and Sociology Julius-Maximilians-Universität Würzburg, https://www.democracymatrix.com/ranking, truy cập ngày 05/6/2021.

[8] Brian Kim, “US lifts missile restrictions on South Korea, ending range and warhead limits”, Defense News, 25/5/2021, https://www.defensenews.com/global/asia-pacific/2021/05/25/us-lifts-missile-restrictions-on-south-korea-ending-range-and-warhead-limits/, truy cập ngày 05/6/2021.

[9]“The Soft Power 30” (2019), USC Center on Public Diplomacy, https://softpower30.com, truy cập ngày 05/6/2021.

[10]“South Korea Export Import and Trade Partners”, The Observatory of Economic Complexity, https://oec.world/en/profile/country/kor/?subnatTradeValueSelector=tradeScale0, truy cập ngày 05/6/2021.

[11]“THAAD row with China costs S. Korea dear: report”, Yonhap News Agency, 15/10/2017, https://en.yna.co.kr/view/AEN20170915008300320, truy cập ngày 06/6/2021.

[12] Mark E. Manyin and Mary Beth D. Nikitin (2014), “Foreign Assistance to North Korea”, Congressional Research Service, pp. 10-18.

[13]“North Korea Export Import and Trade Partners”, The Observatory of Economic Complexity, https://oec.world/en/profile/country/prk, truy cập ngày 05/6/2021.

[14] Anthony Rinna, “Securing an ‘Asian NATO’ or destabilising Korea relations?”, East Asia Forum, 15/10/2020, https://www.eastasiaforum.org/2020/10/15/securing-an-asian-nato-or-destabilising-korea-relations/, truy cập ngày 05/6/2021.

[15]Nilotpal Bhattacharjee, “China’s Warning to Bangladesh on the Quad”, The Diplomat, 18/5/2021, https://thediplomat.com/2021/05/chinas-warning-to-bangladesh-on-the-quad/, truy cập ngày 09/6/2021.

[16] James Park, “Biden Should Embrace South Korea’s Strategic Nondecision on the Quad”, The Diplomat, 5/3/2021, https://thediplomat.com/2021/03/biden-should-embrace-south-koreas-strategic-nondecision-on-the-quad/, truy cập ngày 1/7/2021.

[17]“Moon says South Korea ready to talk with Japan over war issues”, Nikkei Asia, 01/3/2021, https://asia.nikkei.com/Spotlight/Japan-South-Korea-rift/Moon-says-South-Korea-ready-to-talk-with-Japan-over-war-issues, truy cập ngày 09/6/2021.

[18]Sangmi Cha, “South Korea’s Moon says always ready to talk with Japan over history disputes”, Reuters, 15/8/2020, https://www.reuters.com/article/us-southkorea-japan-idUSKCN25B040, truy cập ngày 09/6/2021.

[19]Những quốc gia cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự hàng đầu cho Ấn Độ là Nga, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc và Israel.

[20]“India and South Korea explore new avenues to broaden defence ties”, The Economic Times, 29/3/2021, https://economictimes.indiatimes.com/news/defence/india-and-south-korea-explore-new-avenues-to-broaden-defence-ties/articleshow/81711022.cms?from=mdr, truy cập ngày 09/6/2021.

[21] Stephen Kuper, “South Korea and Australia move to deepen energy, defence and industry ties”, Defense Connect, 26/9/2019, https://www.defenceconnect.com.au/key-enablers/4836-south-korea-and-australia-move-to-deepen-energy-defence-and-industry-ties, truy cập ngày 09/6/2021.

[22] Oh Seok-min, “S. Korea's K-9 howitzer shortlisted for Australian procurement project”, Yonhap News Agency, 03/9/2020, https://en.yna.co.kr/view/AEN20200902009100325?section=national/defense, truy cập ngày 09/6/2021.

[23] John West, “Will India Ever Fulfill Its Economic Potential?”, Brink News, 23/2/2020, https://www.brinknews.com/will-india-ever-fulfill-its-promise/, truy cập ngày 30/6/2021.

[24]“Economic Relations between Korea and India (as of Feb. 2021)”, Embassy of the Republic of Korea to the Republic of India, 5/3/2021, https://overseas.mofa.go.kr/in-en/brd/m_2673/list.do.

[25] Young-Yeon Kang and Kyung-Mok Noh, “S.Korea, Japan ink first free trade deal via 15-country trade bloc”, The Korea Economic Daily, 16/11/2020, https://www.kedglobal.com/newsView/ked202011160008, truy cập ngày 30/6/2021.

[26]“Remarks by President Trump and President Moon of the Republic of Korea in Joint Press Conference”, U.S. Embassy & Consulate In The Republic Of Korea, 30/7/2019, https://kr.usembassy.gov/063019-remarks-by-president-trump-and-president-moon-of-the-republic-of-korea-in-joint-press-conference/, truy cập ngày 08/6/2021.

[27] Ramon Pacheco Pardo, “South Korea rebuffed Trump. Here’s why it might cooperate with Biden”, The Washington Post, 21/05/2021, https://www.washingtonpost.com/politics/2021/05/21/south-korea-rebuffed-trump-heres-why-it-might-cooperate-with-biden/, truy cập ngày 1/7/2021.

[28]“U.S.-ROK Leaders’ Joint Statement”, The White House, 21/5/2021, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/05/21/u-s-rok-leaders-joint-statement/, truy cập ngày 30/6/2021.

[29]“A Free and Open Indo-Pacific: Advancing a Shared Vision”, USDepartment of State, 4/11/2019, https://www.state.gov/wp-content/uploads/2019/11/Free-and-Open-Indo-Pacific-4Nov2019.pdf, truy cập ngày 06/6/2021.

[30] Diana StancyCorrell, “US, Japan, Australia team up for naval exercises in South China Sea”, Navy Times, 21/10/2020, https://www.navytimes.com/news/your-navy/2020/10/21/us-japan-australia-team-up-for-naval-exercises-in-south-china-sea/, truy cập ngày 08/6/2021.

[31] Mitch Shin, “South Korea, US Prepare to Conduct Joint Military Exercise”, The Diplomat, 02/3/2021, https://thediplomat.com/2021/03/south-korea-us-prepare-to-conduct-joint-military-exercise/, truy cập ngày 09/6/2021.

[32]“U.S.-ROK Leaders’ Joint Statement”, TheWhite House, 21/5/2021, tại địa chỉ: https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/05/21/u-s-rok-leaders-joint-statement/, truy cập ngày 08/6/2021.

[33] Yosuke Onchi, “Moon weighs 'Quad lite' at Biden summit”, 18/05/2021, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Indo-Pacific/Moon-weighs-Quad-lite-at-Biden-summit, truy cập ngày 1/7/2021.

[34]“Seoul shouldn't hesitate joining the Quad initiative: Korea Herald editorial”, The Strait Times, 15/03/2021, https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/time-to-decide-joining-the-quad-initiative-korea-herald-editorial, truy cập ngày 1/7/2021.

[35]“Thomas Wright”, The US and China finally get real with each other”, Brookings, 22/3/2021, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2021/03/22/the-us-and-china-finally-get-real-with-each-other/, truy cập ngày 08/6/2021.

[36] Hyung-Jin Kim, “US, China agree to cooperate on climate crisis with urgency”, The Associated Press, 18/4/2021, https://apnews.com/article/business-science-general-news-china-climate-905125d79b6c31940b8747df86c2a87a, truy cập ngày 08/6/2021.

[37] Hyung-Jin Kim, “After China, US envoy Kerry in S. Korea for climate talks”, The Associated Press, 17/4/2021, https://apnews.com/article/joe-biden-climate-shanghai-seoul-south-korea-42c6b36e6628239b14b65820717071a9, truy cập ngày 08/6/2021.

[38]Andrew Injoo Park, “How South Korea’s 2022 presidential election could reshape its US-China balancing act”, South China Morning Post, 20/7/2021, https://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/3141711/how-south-koreas-2022-presidential-election-could-reshape-its-us, truy cập ngày 24/8/2021.

[39]Park Jin, “Korea Between the United States and China: How Does Hedging Work?”, Joint U.S.-Korea Academic Studies, 26/6/2016, https://keia.org/publication/korea-between-the-united-states-and-china-how-does-hedging-work/, truy cập ngày 24/8/2021.

0thảo luận