Trang chủ

Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam

Đăng ngày: 1-02-2023, 14:00 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 9

Bạch Hồng Việt1

 

Tóm tắt: Kinh tế tuần hoàn còn gọi là kinh tế không phế thải, nghĩa là tất cả các chất thải, sản phẩm phụ, phế phụ phẩm, thiết bị, công cụ, vật liệu... đã qua sử dụng, còn trong quá trình sản xuất này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác, quay vòng liên tục và cuối cùng không để lại chất thải. Những năm qua, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia khá thành công trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Đông Bắc Á, bài viết phân tích thực trạng và những thành công của từng quốc gia trong việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó gợi mở cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Từ khóa:Kinh tế quốc tế,kinh tế tuần hoàn,phát triển bền vững, Nhật Bản, Hàn Quốc

 

 

M

ấy thập kỷ gần đây, kinh tế thế giới đạt được những thành tựu to lớn, nhưng cùng với nó là sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng ô nhiễm môi trường. Để khắc phục vấn đề này, các nước trên thế giới, trong[1]đó có Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Nhật Bản và Hàn Quốc đang chuyển đổi mạnh sang nền kinh tế tuần hoàn và đạt được những kết quả nhất định. Ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định xây, dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bài viết khái quát sự phát triển kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua các khuôn khổ pháp lý và các chính sách điều hành của chính phủ, từ đó rút ra những bài học cho Việt Nam.

1. Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế tuần hoàn

Trong nghiên cứu của Kirchherr, Reike, và Hekkert (2017), các tác giả đã tập hợp 114 định nghĩa khác nhau về kinh tế tuần hoàn từ các góc độ kinh tế khác nhau. Khái niệm phổ biến nhất được hiểu: “Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục theo chủ định và có thiết kế. Kinh tế tuần hoàn thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” bằng việc khôi phục, chuyển đổi hướng tới việc sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc tiêu dùng các hóachất độc hại, gây ảnh hưởng đến việc tái sử dụng, đồng thời hướng đến việc loại bỏ rác thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và các mô hình kinh doanh”[2].

Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoànđược đề cập trong văn bản chính thức, gắn với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế. Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 7/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã ghi nhận kinh tế tuần hoàn như một mô hình kinh tế mới, bên cạnh kinh tế mạng và kinh tế chia sẻ. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019), “kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế tối đa hóa các giá trị của vật liệu đầu vào và giảm thiểu chất thải thông qua việc thay đổi cách mà hàng hóa, dịch vụ được thiết kế, sản xuất và sử dụng theo hướng chất thải của quy trình này có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho quy trình khác và các sản phẩm có thể được sửa chữa, tái chế, tái sử dụng thay vì thải bỏ. Từ đó, kéo dài tuổi thọ vật chất, chuyển chất thải từ điểm cuối cùng của hệ thống trở lại điểm đầu, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường”. Cũng có thể hiểu, kinh tế tuần hoàn là “giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi chu kì (vòng) sản xuất hay tiêu dùng”[3].

Nhiều nghiên cứu khẳng định, kinh tế tuần hoàn được áp dụng ở nhiều cấp độ của nền kinh tế: cả cấp độ vi mô (sản phẩm, doanh nghiệp, người tiêu dùng), trung mô (khu công nghiệp) và vĩ mô (thành phố, vùng, quốc gia và rộng hơn). Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu nhằm giảm áp lực khai thác tài nguyên, chống biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là giải pháp giúp các quốc gia thích nghi và phát triển bền vững theo hướng thân thiện với môi trường, mà còn mang lại cái nhìn mới về quan hệ giữa thị trường, khách hàng và tài nguyên, từ đó góp phần thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh sáng tạo mới, công nghệ đột phá, giúp doanh nghiệp có sự tăng trưởng cao, thông qua việc cắt giảm các chi phí, như: giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải CO2, tăng cường chuỗi cung ứng, bảo tồn tài nguyên...

Theo Thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), lượng tài nguyên con người khai thác năm 2017 đã tăng gấp 3,4 lần so với 50 năm trước[4]. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (năm 2018) cho thấy, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trung bình toàn cầu khoảng 0,74 kg/người/ngày, trong đó quốc gia thấp nhất là 0,11 kg/người/ngày, cao nhất là 4,54 kg/người/ngày. Dự báo chất thải rắn đô thị sẽ tăng lên 2,59 tỷ tấn vào năm 2030 và 3,4 tỷ tấn năm 2050, trong đó tăng nhanh nhất ở các nền kinh tế đang phát triển, như châu Phi, Nam Á và Trung Đông[5]. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải lại thay đổi theo mức thu nhập của từng quốc gia, quốc gia có thu nhập càng cao thì tỷ lệ thu gom và xử lý càng cao. Vì vậy, để giảm thiểu mức tổn hại đến cuộc sống và chất lượng môi trường, mỗi quốc gia cần đẩy mạnh giải pháp tái chế để tiết kiệm nguồn tài nguyên. Theo các chuyên gia môi trường, nếu ứng dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, sẽ giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD vào năm 2030[6].

2. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Nhật Bản là một trong những quốc gia điển hình về tiếp cận và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Để có hành lang pháp lý cho việc quản lý tài nguyên và phát triển bền vững, Chính phủ Nhật Bản không ngừng hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến quản lý chất thải, bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội dựa trên việc tái chế. Từ năm 1900 Nhật Bản đã thông qua Luật Vệ sinh chất thải (1900), tiếp theo là các luật: Luật Tẩy rửa công cộng (1954), Luật Quản lý chất thải và làm sạch công cộng (1970), Luật Môi trường (1993), Luật Bao bì và tái chế bao bì (1995); Luật Tái chế thiết bị điện gia dụng (1998), Luật Kiểm soát dioxin (1999) (xem bảng 1).

Như vậy, Nhật Bản thực hiện mô hình phát triển kinh tế tuần hoànbằng việc xây dựng các quy định pháp lý, nhằm đưa quốc gia trở thành “xã hội dựa trên việc tái chế”. Để đánh giá sự phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn, Nhật Bản sử dụng haichỉ số cơ bản, một là chỉ số đầu vào (năng suất tài nguyên), được đo bằng số nguyên vật liệu được tái sử dụng trong tổng số nguyên vật liệu được sử dụng trong nền kinh tế; hai làchỉ số đầu ra, đo lường lượng chất thải cuối cùng được chôn lấp. Theo đó, việc tái chế có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh mà cả người dân. Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ bằng hệ thống văn bản pháp lý cùng với sự hưởng ứng rộng rãi của các doanh nghiệp và người dân đã làm nên mô hình kinh tế tuần hoàncủa Nhật Bản.

Từ khi Luật Tái chế thiết bị gia dụng (The Home Appliance Recycling Law) có hiệu lực, áp dụng với bốn mặt hàng: TV CRT (ống tia âm cực TV), máy điều hòa không khí, tủ lạnh/tủ đông và máy giặt/máy sấy (tủ đông được thêm vào danh mục chỉ định tháng 4/2004, ti vi tinh thể lỏng/plasma và máy sấy quần áo được đưa vào tháng 4/2009), đã khuyến khích người dân coi trọng các vật dụng đã qua sử dụng, đồng thời buộc các nhà sản xuất phải tái chế những mặt hàng nêu trên, người tiêu dùng trả phí thu gom, vận chuyển và tái chế. Sau 12 năm thực hiện luật, số lượng các điểm thu gom tăng lên và số đơn vị được xử lý tái chế tăng. Năm 2012, tỷ lệ tái chế đạt mức 91% đối với máy điều hòa không khí, 82% đối với TV CRT, 87% đối với TV LCD và plasma, 80% đối với tủ lạnh và tủ đông, và 86% cho máy giặt và máy sấy quần áo. Tổng lượng chất làm lạnh CFC đã được thu hồi là 1.479 tấn đối với máy lạnh, 278 tấn đối với tủ lạnh và tủ đông. Lượng thu hồi trên mỗi đơn vị sản phẩm là 627 gam đối với máy điều hòa không khí, 95 gam đối với tủ lạnh và tủ đông[7].

 

Bảng 1: Một số luật áp dụng cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Nhật Bản

Tên luật

(năm ban hành)

Các tính năng chính

Luật Vệ sinh chất thải (1900)

  • Mục tiêu đất đêm
  • Các thành phố tự quản, cá nhân chịu trách nhiệm về việc xử lý chất thải

Bắt đầu đô thị hóa nhanh

Luật Tẩy rửa công cộng (1954)

  • Mục tiêu thay đổi từ đất đêm thành rắn, chất thải (gọi là "chất thải").
  • Quy định rõ mục đích của là thúc đẩy việc loại bỏ nhanh chóng chất thải từ những nơi có con người tham gia vào cuộc sống hàng ngày
  • Về nguyên tắc, chất thải phải được đốt

Tăng lượng rác thải tạo ra do phục hồi kinh tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Luật Quản lý chất thải và làm sạch công cộng (1970)

  • Làm rõ trách nhiệm trong xử lý chất thải

-     Chất thải công nghiệp: chất thải phát sinh

-     Rác thải đô thị

  • Thiết lập các tiêu chí để xử lý chất thải
  • Tăng số lượng và thay đổi chất lượng của chất thải phát sinh từ các hoạt động kinh doanh do tăng trưởng kinh tế cao
  • Đáp ứng bảo tồn môi trường liên quan đến xử lý chất thải

Sửa Luật Quản lý chất thải và Luật tẩy rửa công cộng (1976)

Sửa Luật Quản lý chất thải và Luật Tẩy rửa công cộng (1991, 97)

  • Khuyến khích giảm thiểu chất thải, đồng thời phân loại và tái chế
  • Thúc đẩy xây dựng các cơ sở an toàn và thích hợp, với sự tham gia của khu vực công
  • Thực hiện triệt để trách nhiệm xử lý chất thải
  • Xử lý chất thải phù hợp và có ý thức về môi trường
  • Mối quan tâm ngày càng tăng trong xã hội về phát thải dioxin sau khi đốt
  • Tình hình cấp bách liên quan đến khối lượng còn lại của các bãi thải cuối cùng

Luật Môi trường cơ bản (1993)

Luật Bao bì và tái chế bao bì (1995)

Luật Tái chế thiết bị điện gia dụng (1998)

Luật Kiểm soát Dioxin (1999)

Luật Cơ bản thiết lập một xã hội tuần hoàn vật chất (2000)

  • Thúc đẩy khái niệm 3R (Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế) để hỗ trợ thiết lập một xã hội tuần hoàn vật chất
  • Tăng cường các biện pháp xử lý chất thải công nghiệp
  • Tăng cường các biện pháp chống bán phá giá bất hợp pháp
  • Nâng cao nhận thức về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, và ô nhiễm môi trường ở quy mô toàn cầu
  • Tình hình ngày càng xấu liên quan đến việc đảm bảo các bãi thải cuối cùng

Luật Tái chế vật liệu xây dựng (2000)

Luật tái chế chất thải thực phẩm (2000)

Luật Tái chế xe đã hết niên hạn sử dụng (2000)

Sửa Luật Quản lý chất thải và Luật Tẩy rửa công cộng (2003-06, 10, 15, 17)

Luật Tái chế thiết bị điện gia dụng nhỏ (2013)

Nguồn: Japan Industrial Waste Information Center (November, 2018): Waste management in Japan - Rules and Fingers

 

Hơn 50% tổng lượng rác thải phát sinh của các thiết bị gia dụng được thu gom để tái chế, mặc dù người tiêu dùng trả phí xử lý[8]. Năm 2016, chất thải rắn đô thị được xử lý bằng phương pháp đốt để thu hồi năng lượng là 80,3%; 4,8% được tái chế; 13,9% được xử lý bằng các phương pháp khác và 1% được chôn lấp[9].

Nhờ kết quả trên, 15 năm nay(từ năm 2007),Nhật Bản là quốc gia đạt được tỷ lệ tái chế cao hàng đầu thế giới. Nhật Bản đã tái chế được 98% kim loại, chỉ còn khoảng 5% chất thải được chôn lấp[10]. Trên 50% sản phẩm điện tử được tái chế, so với con số 30% - 40% ở châu Âu. Quan trọng hơn là khoảng 74% - 89% vật liệu chứa trong các thiết bị này đã được thu hồi quay trở lại phục vụ cho mục đích sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên[11].

3. Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàntheo cách tập trung vào việc xử lý và tái chế chất thải. Điều này khiến cho Hàn Quốc trở thành quốc gia có tỷ lệ tái chế cao thứ hai trong các quốc gia OECD vào năm 2013[12].

Để thực hiện, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành các văn bản luật, có nhiều chính sách và bước đi quan trọng tiến đến nền kinh tế tuần hoàn, như: Hệ thống quản lý mục tiêu (TMS); Chương trình hiệu quả tài nguyên (REP); Chương trình phục hồi năng lượng (ERP); Chương trình công nghệ tái chế (RTP);Hệ thống giao dịch khí thải (ETS)...

Hệ thống quản lý mục tiêu có liên quan chặt chẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính bình quân đầu người (C/P), là nền tảng cho các nỗ lực giảm tổng thể, và hỗ trợ các công cụ REP, ERP, RTP và ETS. TMS trước hết đặt mục tiêu quốc gia, sau đó là mục tiêu giảm phát thải theo ngành, các lĩnh vực sử dụng nhiều khí thải: phát điện, sản xuất, xây dựng, quản lý chất thải và vận tải. Mục tiêu cuối cùng là thu hút mọi thành phần trong xã hội tham gia vào các nỗ lực giảm thiểu khí nhà kính.

Chương trình hiệu quả tài nguyên (REP) hướng đến giảm lượng tài nguyên cần thiết để sản xuấtcác sản phẩm và dịch vụ. REP thúc đẩy việc áp dụng quy trình sản xuất hiệu quả hơn hoặc tái chế tài nguyên. REP tạo điều kiện cho các sản phẩm có đầu vào ít tài nguyên hơn. REP cung cấp cho các nhà sản xuất một số biện pháp khuyến khích để nâng cao hiệu quả sản phẩm, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng mua các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn trên thị trường.

Chương trình phục hồi năng lượng (ERP) hướng đến mục tiêu tăng nhu cầu và khả năng cung cấp năng lượng từ chất thải. Do 84% nguồn cung cấp năng lượng ở Hàn Quốc dựa trên các năng lượng hóa thạch. Vì vậy, việc triển khai thu hồi năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu để đạt được nền kinh tế tuần hoàn.ERP liên hệ chặt chẽ với cường độ carbon. Cường độ carbon có thể giảm xuống khi năng lượng được phục hồi từ chất thải. Mục tiêu liên kết của ERP là giảm chi phí tạo ra năng lượng từ chất thải.

Chương trình công nghệ tái chế (RTP)hướng vào việc phát triển công nghệ tái chế tiên tiến. Với Hàn Quốc, công nghệ tái chế được coi là công nghệ xanh điển hình. Chiến lược phát triển công nghệ xanh(bao gồm cả tái chế), công bố năm 2009, được thiết kế theo một lộ trình. Trong đó, các công nghệ xanh cốt lõi chia thành năm nhóm: (i) biến đổi khí hậu, (ii) công nghệ nguồn năng lượng, (iii) công nghệ nâng cao hiệu quả, (iv) công nghệ cuối đường ống, và (v) R&D trong thực tế ảo.

Hệ thống giao dịch khí thải (ETS) với mục tiêu đạt được phát thải khí nhà kính theo cách tiết kiệm chi phí. ETS là công cụ chính sách có thể phân biệt được dựa trên cơ chế thị trường. Mục tiêu cơ bản của ETS là giảm nhẹ gánh nặng cho ngành công nghiệp và xa hơn hơn là thiết lập một bước đệm hiệu quả về chi phí, dựa trên thị trường nhằm tạo điều kiện cho các bên cùng nhau giảm thiểu khí nhà kính và tăng trưởng kinh tế. ETS giúp cho mục tiêu giảm khí nhà kính quốc gia đạt hiệu quả hơn.

Luật Quản lý chất thải (có hiệu lực tháng 12/1986) thay thế Luật Làm sạch và bụi bẩn (1973) và Luật Bảo vệ môi trường (1963) đã quy định rõ hơn về chất thải và chất thải công nghiệp. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đưa ra Luật khuyến khích tái chế và tiết kiệm tài nguyên (năm 1992). Luật quy định giảm thiểu rác thải sinh hoạt bằng cách đưa ra chỉ tiêu tỷ lệ rác dựa trên khối lượng rác thải sinh hoạt và sử dụng khái niệm người gây ô nhiễm phải trả tiền. Hàn Quốc yêu cầu nhà sản xuất có nghĩa vụ thu gom và tái chế chất thải có nguồn gốc từ sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt áp dụng nghiêm đối với hàng hóa sử dụng một lần như cốc uống nước và túi nhựa. Đồng thời yêu cầu bắt buộc về sử dụng nguyên liệu tái chế trong các dự án xây dựng, nhằm tái chế tối đa chất thải xây dựng.

Năm 2018, Bộ Môi trường Hàn Quốc ban hành Luật Tuần hoàn tài nguyên, gồm các điều như: nhận diện tài nguyên tuần hoàn, quản lý hiệu quả tuần hoàn tài nguyên, đánh giá tính khả dụng của chu kỳ tuần hoàn và phí xử lý chất thải... Ngoài ra, luật cũng bao gồm các chính sách để giảm lượng chất thải trong tất cả các quy trình từ sản xuất, phân phối, tiêu thụ cho đến xử lý sản phẩm để thúc đẩy tái chế.

Để phát triển một xã hội tuần hoàn tài nguyên hiệu quả, Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật khung về tuần hoàn tài nguyên (Framework Act on Resource Circulation - FARC), cùng với các luật cấp dưới để thực thi.Mục đích của FARClà kiểm soát việc phát sinh chất thải với sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, thúc đẩy việc sử dụng và xử lý chất thải hợp lý, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, bảo vệ môi trường, và hướng đến một xã hội tuần hoàn tài nguyên bền vững. Thông qua FARC, Hàn Quốc đặt mục tiêu chuyển từ cách tiếp cận quản lý chất thải thuần túy sang mô hình mới, nhấn mạnh đến xã hội tuần hoàn tài nguyên. FARC thiết lập hệ thống phân cấp chất thải, phân bổ trách nhiệm cho các tác nhân chính và yêu cầu đặt ra các mục tiêu, biện pháp, để hỗ trợ lưu thông tài nguyên, bao gồm cả chi phí xử lý chất thải.

Đến nay, Hàn Quốc là quốc gia có hệ thống quản lý chất thải tiên tiến trên thế giới. Năm 2017, trung bình mỗi người dân thải ra 1,02 kg chất thải sinh hoạt hàng ngày, bằng một phần ba so với năm 1991, tỷ lệ tái chế đạt 86%[13]. Theo đó, chính phủ đã đặt mục tiêu hoàn thành tỷ lệ chôn lấp 3% và tỷ lệ tái chế 87% vào năm 2020.

Từ thực tiễn xây dựng xã hội dựạ trên việc tái chế và phát triển kinh tế tuần hoànở hai quốc gia Đông Bắc Á, có thể rút ra một số nhận định:

Thứ nhất, do diện tích không gian chôn lấp rác thải ngày càng hạn chế, chính phủ ở các quốc gia này phải tìm cách thay việc chôn lấp, chuyển sang phân loại, tái chế và đốt.

Thứ hai, với hệ thống pháp lý cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, Nhật Bản và Hàn Quốc đề cao vai trò định hướng, dẫn dắt của chính phủ, xây dựng một xã hội tái chế chất thải cả về nhận thức và hành động, lấy doanh nghiệp làm trung tâm với sự hơp tác của người dân và cộng đồng.

Thứ ba, là các quốc gia có nền công nghiệp khá phát triển, khi nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, việc kiếm các tài nguyên mới thay thế là cấp thiết để đảm bảo hai mục tiêu giảm suy kiệt tài nguyên và bảo vệ môi trường.

4. Bài học cho Việt Nam

Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tỷ lệ thu gom trung bình tại khu vực đô thị đạt 92% và nông thôn đạt 66%. Năm 2019, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải đã thu gom, gồm: 381 lò đốt, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp (trong đó khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh), góp phần xử lý lần lượt là 13%, 16% và 71% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của thế giới, được chứng minh ở nhiều quốc gia, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Từ thực tiễn phát triển kinh tế tuần hoàncủa Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể rút ra một số vấn đề cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Các quốc gia phát triển đã và đang thực hiện kinh tế tuần hoàntrên nền tảng hành lang pháp lý rõ ràng. Từ đó, khi tổ chức thực hiện được cụ thể hóa bằng các chiến lược, chương trình, kế hoạch với mục tiêu xác định cho mỗi thời kỳ, giai đoạn. Như vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và các luật có liên quan, hoặc xây dựng Luật Tái chế để quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng trong việc thu hồi, phân loại, tái chế và xử lý chất thải, biến chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống của chu trình sản xuất mới; thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, về tỷ lệ nguyên liệu tái chế trong cơ cấu sản phẩm mới.

Thứ hai, đẩy mạnh chương trình giáo dục phổ cập kiến thức về kinh tế tuần hoàn. Cần nhận thức đầy đủ về bản chất, tính cấp thiết phải chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, tạo sự chuyển biến rõ, với quyết tâm chính trị cao của giới lãnh đạo trong việc đề ra chủ trương, chính sách chuyển đổi, phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong quá trình này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm, cùng sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng. Chính phủ khuyến khích việc giảm thiểu chất thải trong sản xuất và tiêu dùng; khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng chất thải; hạn chế ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, khuyến khích hình thành và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàntrong các ngành, lĩnh vực; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp nói chung và công nghệ môi trường nói riêng, trong đó có công nghiệp tái chế.

Thứ tư, điều cốt lõi trong phát triển kinh tế tuần hoànlà sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, kinh tế số và xã hội số (kết nối dữ liệu)... Phải coi đổi mới công nghệ (công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0) là cốt lõi, yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ mới, đặc biệt là trong xử lý chất thải, tái tạo nguyên vật liệu mới (kiểm soát đầu ra). Quy định rõ lộ trình thay thế từng nhiên liệu, nguyên liệu có tính nguy hại hoặc sản phẩm sử dụng một lần, bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, với tuổi thọ sản phẩm dài.

Thứ sáu, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô, công nghệ, kỹ thuật, môi trường; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

Thứ bảy, như đã phân tích, cách tiếp cận và chuyển đổi sang nềnkinh tế tuần hoànở các nước rất khác nhau, vì vậy, cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn, từ đó chuyển giao, áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam là việc làm cần thiết.

5. Kết luận

Kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển tất yếu trên thế giới hướng tới phát triển bền vững, nhằm đạt 3 mục tiêu: (i) ứng phó với sự cạn kiệt tài nguyên (đầu vào); (ii) khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra; (iii) kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Trong bước đi đầu tiên để phát triển kinh tế tuần hoàn, các nước trên đều tập trung vào vấn đề chất thải trong sản xuất và tiêu dùng, với phương châm 10R (Refuse, Reduce, Redesign-Rethink, Reuse, Repair, Refubish, Remanufacture, Re-purpose, Recycle, Recover), nghĩa là: ngăn chặn việc sử dụng nguyên liệu thô; giảm sử dụng nguyên liệu thô trên mỗi đơn vị sản phẩm; nghĩ lại về sản phẩm theo quan điểm tuần hoàn; sử dụng lại sản phẩm (đồ cũ); bảo trì và sửa chữa sản phẩm; tân trang/hồi sinh sản phẩm; tái sản xuất - làm sản phẩm mới từ đồ cũ; sử dụng lại sản phẩm với chức năng khác; trục vớt nguyên liệu với giá trị cao nhất có thể; đốt chất thải thu hồi năng lượng.

Trên tinh thần đó, Nhà nước cần triển khai nghiên cứu sâu, rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn, từ cách tiếp cận toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, triển khai mô hình, tiêu chí của mô hình, từ đó vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Nxb Dân trí.
  2. Gia Linh (2019), “Phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới”,  http://consosukien.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tren-the-gioi.htm.
  3. Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Trọng Hạnh (2019), “Thực hiện kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam”, VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 35, No. 4.
  4. Ekins, P., Hughes, N. (2017), Resource Efficiency: Potential and Economic Implications. A Report of the International Resource Panel, UNEP, March.
  5. Japan Industrial Waste Information Center (2018), “Waste Management in Japan - Rules and Figures”, https://www.jwnet.or.jp/assets/pdf/en/ 20190322133536.pdf.
  6. Kaza, Silpa; Yao, Lisa C.; Bhada-Tata, Perinaz; Van Woerden, Frank(2018), What a Waste 2.0: A Global Snapshot of Solid Waste Management to 2050. Urban Development, World Bank, Washington, DC.
  7. Kirchherr, J., Reike, D., & Hekkert, M. (2017), Conceptualizing the circular economy: An analysis of 114 definitions. Resources, Conservation and Recycling, 127 (April), 221-232, https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2017. 09.005.
  8. Ministry of Economy, Trade and Industry, Act on Recycling of Specified Home Appliances, https://www.meti.go.jp/policy/recycle/main/english/law/home.html/.
  9. Olabode Emmanuel Ogunmakinde (2019), “A Review of Circular Economy Development Models in China, Germany and Japan”, https://www.researchgate.net ›publication.
  10. Seongreal Yun and Susanna Vanhamäki, “An insight on Circular economy in South Korea”,https://www.lamkpub.fi/2018/11/30/an-insight-on-circular-economy-in-south-korea/.
  11. 11.  WEEE Forum (2012), “The challenge of transposing WEEE II into national law”,  http://www.weee-forum.org/news/the-challenge-of-transposing-weee-ii-into-national-law/.
  12. Y. Hotta, A. Santo, and T. Tasaki (2014), “EPR-based Electronic Home Appliance Recycling System under Home Appliance Recycling Act of Japan”, https://www.oecd.org/ environment/waste/EPR_Japan_HomeAppliance.pdf/.

 

 

 



[1] TS., Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2]Kirchherr, J., Reike, D., & Hekkert, M. (2017), Conceptualizing the circular economy: An analysis of 114 definitions. Resources, Conservation and Recycling, 127 (April), 221-232.

[3]Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019), “Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”, https://congnghiepmoitruong.vn/nghien-cuu-danh-gia-de-xuat-cac-mo-hinh-phat-trien-nen-kinh-te-tuan-hoan-phu-hop-voi-viet-nam-6174.html.

[4] Ekins, P., Hughes, N. (2017),Resource Efficiency: Potential and Economic Implications. A Report of the International Resource Panel, UNEP, March 2017.

[5] Kaza, Silpa; Yao, Lisa C.; Bhada-Tata, Perinaz; Van Woerden, Frank, (2018),What a Waste 2.0: A Global Snapshot of Solid Waste Management to 2050. Urban Development, World Bank, tr. 3-4.

[6] Gia Linh (2019), “Phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới”, http://consosukien.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tren-the-gioi.htm.

[7] Y. Hotta, A. Santo, and T. Tasaki (2014), “EPR-based Electronic Home Appliance Recycling System under Home Appliance Recycling Act of Japan”, https://www.oecd.org/environment/waste/EPR_Japan_HomeAppliance.pdf, tr.23.

[8] Y. Hotta, A. Santo, and T. Tasaki (2014), Tlđd, tr. 28.

[9] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Nxb Dân trí, tr. 20.

[10] Olabode Emmanuel Ogunmakinde (2019), “A Review of Circular Economy Development Models in China, Germany and Japan”, tr. 8, https://www.researchgate.net › publication.

[11] Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Trọng Hạnh, “Thực hiện kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam”, VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 35, No. 4 (2019) 68-81.

[12]Seongreal Yun and Susanna Vanhamäki, “An insight on Circular economy in South Korea”,https://www. lamkpub.fi/2018/11/30/an-insight-on-circular-economy-in-south-korea/.

[13] Ministry of Environment: Land and Waste,https://eng.me.go.kr/eng/web/index.do?menuId=466.

 

0thảo luận