Trang chủ

Một số vấn đề về chính phủ điện tử ở Hàn Quốc

Đăng ngày: 13-01-2023, 09:30 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 8

Nguyễn Ngọc Mai1

 

Tóm tắt: Bài viết nêu một số khái niệm cơ bản về chính phủ điện tử của Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế. Tiếp theo đó, tác giả đi sâu vào phân tích mục tiêu, chiến lược hoạt động để phát triển mô hình này của Chính phủ Hàn Quốc,cũng như các kết quả đạt được và mặt hạn chế trong bốn giai đoạn phát triển là giai đoạn mở đầu (1978-1986), giai đoạn hinh thành nền tảng cơ bản (1987-1996), giai đoạn xúc tiến thực hiện (1997-2002), giai đoạn phát triển chính phủ điện tử với tốc độ cao (2003-2012).

Từ khóa: Hàn Quốc, chính phủ điện tử, công nghệ thông tin


1. Cơ sở lý luận về chính phủ điện tử[1]

Trong những năm gần đây, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo bùng nổ, góp phần thay đổi thế giới. Đồng thời, việc  ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công hay triển khai mô hình chính phủ điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Chính vì thế, nhiều tổ chức quốc tế nghiên cứu và đưa ra các khái niệm khác nhau về mô hình này. Cụ thể như Ngân hàng thế giới cho rằng, chính phủ điện tử đề cập đến việc các cơ quan chính phủ sử dụng các công nghệ thông tin (chẳng hạn như mạng diện rộng, mạng internet và mạng di động) để truyền tải mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ khác[2]. Hay Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra định nghĩa rằng,chính phủ điện tử (e-government) là việc chính phủ sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là internet, để áp dụng cho các dịch vụ của chính phủ[3].

Hàn Quốc là quốc gia sớm triển khai chính phủ điện tử và đạt được nhiều thành tựu. Trong 3 năm liên tiếp vào năm 2010, 2012, 2014, chính phủ điện tử của Hàn Quốc đã được Liên Hợp Quốc đánh giá đứng ở vị trí số một thế giới trong tổng số 193 quốc gia thành viên[4]. Trong đó chỉ số “Phát triển chính phủ điện tử” và chỉ số “Tham gia điện tử” đạt điểm cao nhất[5]. Điểm đặc biệt của Hàn Quốc so với Việt Nam là chính phủ nước này đã thiết lập hành lang pháp lý, đưa ra một số luật có liên quan và đề cập đến khái niệm cụ thể và chi tiết về chính phủ điện tử trong các đạo luật này. Điển hình như Điều 2 Luật Xúc tiến Điện tử hóa nghiệp vụ hành chính để xây dựng chính phủ điện tử ban hành vào ngày 1/7/2001 hay Điều 2 của Luật Chính phủ điện tử ban hành ngày 5/8/2020 đều đưa ra khái niệm rằng,chính phủ điện tử là chính phủ sử dụng công nghệ thông tin và điện tử hóa các nghiệp vụ của cơ quan hành chính công nhằm thực hiện một cách có hiệu quả các dịch vụ hành chính dành cho nhân dân và giữa các cơ quan nhà nước với nhau(trong đó, cơ quan hành chính ở đây được hiểu là Quốc hội, tòa án, cơ quan xử lý các nghiệp vụ hành chính cho Ủy ban quản lý bầu cử Trung ương, cơ quan hành chính trung ương bao gồm các cơ quan trực thuộc Phủ Tổng thống và Văn phòng Thủ tướng, các cơ quan và đoàn thể tự trị địa phương...).

Như vậy, từ việc khảo sát định nghĩa của một số tổ chức quốc gia, có thể thấy quanđiểm của Hàn Quốc về chính phủ điện tử nhìn chung có những điểm chung với hầu hết các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên có một điểm đáng chú ý trong định nghĩa khái niệm chính phủ điện tử của Hàn Quốc đó là đối tượng phục vụ của chính phủ điện tử không chỉ là người dân, doanh nghiệp mà còn là các cơ quan nhà nước, tức là bản thân của các bộ phận của chính phủ điện tử.

2. Các giai đoạn phát triển chính phủ điện tử ở Hàn Quốc

Mô hình phát triển chính phủ điện tửtrên toàn thế giới thường trải qua 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là giai đoạn mở đầu (khi đó hạn chế số lượng người sử dụng các trang web hay mạng liên kết), giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển (khi đó người dân có thể tiếp cận dễ dàng các thông tin về chính sách công), giai đoạn 3 là giai đoạn tương tác (cung cấp dịch vụ trực tuyến và các cổng thông tin điện tử có sự tương tác với người dân), giai đoạn 4 là giai đoạn giao dịch (giao dịch mua bán trực tuyến và sự tương tác hai chiều gữa chính phủ và người dân), giai đoạn 5 là giai đoạn kết nối (dịch vụ trực tuyến không giới hạn và cơ sở hạ tầng văn phòng hỗ trợ tích hợp).

Đối với trường hợp của Hàn Quốc, giai đoạn 1 đến 3 kết thúc vào năm 2007, các công nghệ mới như mạng thông tin băng thông rộng và công nghệ rộng khắp đã giúpcho nước này có sự phát triển vượt bậc từ giai đoạn 4 sang giai đoạn 5 và chuyển sang giai đoạn tiến hóa hơn, giai đoạn chính phủ số.

2.1. Giai đoạn mở đầu (1978-1986)

Mục tiêu chung của các dự án phát triển chính phủ điện tử trong thời kỳ 1978-1986 là tiến hành điện toán hóa hành chính. Điện toán hóa là việc nhập máy tính về để sử dụng và xử lý dữ liệu với quy mô lớn bằng cách sử dụng kỹ thuật thẻ đục lỗ (punch card computing). Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đã soạn thảo và ban hành Kế hoạch cơ bản về việc vi tính hóa hành chính lần thứ nhấtvào tháng 6/1979, Kế hoạch cơ bản về việc vi tính hóa hành chính lần thứ haivào tháng 1 năm 1982. Trong đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch cơ bản về việc vi tính hóa hành chính lần thứ nhấtlà phát triển tập trung nghiệp vụ chính của 30 cơ quan, sử dụng chung máy điện toán, xây dựng từng phần mạng thông tin điện toán để xử lý nghiệp vụ theo từng cơ quan, xây dựng trung tâm điện toán của từng đô thị để điện toán hóa nghiệp vụ hành chính địa phương và liên kết mạng thông tin điện toán của 33 thành phố trên toàn quốc. Đồng thời, để xây dựng cơ sở dữ liệu, chính phủ nước nàytiến hành điều tra nhu cầu sử dụng thông tin hành chính, phát triển kỹ thuật, cải thiện chế độ hành chính có liên quan, tạo nền tảng điện toán hóa với trọng tâm là nâng cao nhận thức của các viên chức. Nội dung kế hoạch lần thứ haicũng đảm bảo các mục tiêu quan trọng và chủ yếu của kế hoạch lần thứ nhấtvà đặt thêm một mục tiêu nữa là nâng cấp mạng thông tin hành chính tổng hợp toàn quốc.

Để thực hiện mục tiêu này, Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Hàn Quốc (KIST) áp dụng được ngôn ngữ lập trình COBOL hay FORTRAN cho máy tính. Đồng thời, từ năm 1970 đến 1980, các cơ quan hành chính Hàn Quốc bắt đầu nhập máy tính và tiến hành kế hoạch vi tính hóa các thủ tục hành chính cũng như phát triển sản xuất công tắc điện tạo nền tảng cho ngành công nghiệp điện tử vào năm 1985[6]. Nhờ đó, dịch vụ đăng ký xe ô tô và những dịch vụ hành chính công khác liên quan đến xe ô tô như việc cấp phép và ban hành giấy đăng ký lái xe... được vi tính hóa vào năm 1982. Sau đó, việc vi tính hóa quy trình cấp và ban hành hộ chiếu được hoàn tất vào năm 1983.

2.2. Giai đoạn hình thành nền tảng cơ bản (1987-1996)

Do các chính sách giai đoạn trước không đạt hiệu quả nên giai đoạn này các dự án chính phủ điện tử được liên kết với việc phát triển công nghệ thông tin để mang lại kết quả rõ ràng hơn. Mục tiêu chung của các dự án trong thời kỳ này là giảm sự quản lý và can thiệp của nhà nước theo định hướng thị trường, phát triển việc đào tạo ngành công nghiệp thông tin trong nước có hiệu quả để đầu tư cho việc vi tính hóa thủ tục hành chính, cải tiến phương thức cung ứng, nâng cao tiện ích của người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng việc thực hiện vi tính hóa trên 4 lĩnh vực: quản trị, tài chính, giáo dục, các viện nghiên cứu.Hai kế hoạch được chính phủ đưa ra trong thời kỳ này là Kế hoạch xây dựng mạng điện toán quốc gia lần 1(1987-1991) với nội dung lựa chọn 6 lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân như: quản lý chứng minh thư, quản lý bất động sản, quản lý tuyển dụng, quản lý thông quan, quản lý thống kê kinh tế để thí điểm mô hình này trong giai đoạn 1987-1991, hay vi tính hóa 7 lĩnh vực ưu tiên như: tự động thông quan theo hình thức truyền tải dữ liệu (gọi tắt là EDI), giải quyết các thủ tục về phúc lợi của người dân, dịch vụ tổng hợp của bưu điện; quản lý tàu đánh cá, quản lý danh mục hàng hóa, quản lý thông tin về tài sản công nghiệp, quản lý thông tin về sở hữu trí tuệ, quản lý danh mục trong dịch vụ mua sắm công trong giai đoạn 1992-1996.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện một số hoạt động cụ thể như:đầu tư khoảng 760,7 tỷ won vào năm 1986 để mua 283 máy tính chính làm máy chủ, 7.924 thiết bị văn phòng đa chức năng (máy tính dung lượng 16 bit) phân phối cho các cơ quan cũng như trả lương của 2.830 chuyên gia về máy tính[7]. Trong khoảng thời gian 2 năm (1989-1990), các nhân viên hành chính ở 3.678 văn phòng quận huyện trên khắp cả nước đã nhập thủ công số liệu 5,7 triệu sổ cái[8]. Vào năm 1998, Trung tâm phát hành thẻ đăng ký cư trú đã nâng cao hiệu quả làm việc bằng cách sử dụng hệ thống đăng ký cư trú trong mạng nội bộ của các cơ quan trọng yếu của chính phủ. Sau đó, vào năm 2001, hệ thống đăng ký cư trú được phát triển và đưa vào sử dụng rộng rãi.Ngay từ năm 1982, sổ cái đăng ký đất và rừng bao gồm cơ sở dữ liệu nhà đất về 32 triệu khu đất trên khắp cả nước đã được nhập và lưu trữ trên hệ thống máy tính[9]. Các văn phòng địa phương sau đó được kết nối với mạng trung tâm để xử lý những thông tin thay đổi về nhà đất. Quy trình này mất 6 năm từ năm 1985 đến năm 1990, giúp tăng độ chính xác và tốc độ các dịch vụ công như ban hành các chứng chỉ đăng ký và sổ cái trực tuyến. Cùng với sự ra đời của Trung tâm Thông tin lãnh thổ quốc gia, trong 2 năm từ 1997 đến 1998, Hệ thống đăng ký tên nhà đất được hoàn thiện và hợp nhất với hệ thống hành chính ở 21 quận lớn.

Vào năm 1998, hệ thống quản lý xe cơ giới tiên tiến đượcpháttriển, baogồmtoànbộ cáckhâutừ quảnlýxecơgiới,đăngkýcho tới kiểm tra, thanh tra và vận hành. Một hệ thống quản lý xe hai bánh và máy móc phục vụ xây dựng được bổ sung vào năm 1999 cho phépcác cơ quan có thể thu thập và chia sẻ thông tin liên quan tới xe cơgiới. Hệ thống này đã giúp tiết kiệm 8,2 tỷ won và giúp cho việc đăng ký một chiếc xe giảm xuống còn 20 phút[10].

2.3. Giai đoạn xúc tiến thực hiện (1997-2002)

Trong giai đoạn này, tốc độ mạng trở nên nhanh hơn và mạng internet tốc độ cao đã đượccung cấp cho chính phủ cũng như hầu hết các công dân, đã hình thành mạng kết nối với hệ thống thông tin chính phủ và bắt đầu việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ. Điều này mở đường cho việc mua sắm trực tuyến giữa chính phủ và doanh nghiệp (G2B). Hơn nữa, việc trao đổi thông tin hai chiều giữa chính phủ và công dân (G2C) và việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến từ giai đoạn này bắt đầu tăng lên nhờ vào tốc độ của máy tính và tính khả dụng rộng rãi của mạng internet.

Định hướng của chính sách chính phủ điện tử trong giai đoạn thúc đẩy toàn diện là nhằm thực hiện chính phủ nhỏ nhưng hiệu quả. Điều này thể hiện ý chí thúc đẩy cải cách hành chính bằng cách tích cực sử dụng công nghệ thông tin cho các khu vực công để đáp ứng và thực hiện hiệu quả chức năng ngày càng tăng của chính phủ. Bốn mục tiêu cụ thể đã được đặt ra để giải quyết những vấn đề này và thực hiện những mục tiêu nhỏ nhưng hiệu quả của chính phủ. Mục tiêu đầu tiên là cung cấp các dịch vụ công cho người dân thông qua một cửa sổ trực tuyến (G2C). Thứ hai là xây dựng hệ thống thương mại điện tử giữa chính phủ và doanh nghiệp (B2B). Thứ ba là tối đa hóa năng suất và minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nội bộ của chính phủ (G2G). Thứ tư là phổ biến việc sử dụng chữ ký điện tử và xây dựng mạng máy tính tích hợphệ thống trong chính phủ để đảm bảo an toàn và độ tin cậy của thông tinphân phối và quản lý.

Để thực hiện các mục tiêu này, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một số hoạt động cụ thể như: tới năm 1999, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nước này đã cung cấp 20 loại dịch vụ công. Vào năm 2000, trung tâm này đã phát triển thêm hệ thống quản lý hành chính tại nhà, nhờ vậy các công dân có thể gửi các yêu cầu từ máy tính cá nhân của họ và sau đó nhận được các tài liệu qua thư tín, phát triển việc số hóa và thông tin hóa các thủ tục hành chính. Đồng thời, từ 1999 đến 2001, các đại lý thuế của Văn phòng Seoul đã hoàn thiện hệ thống hoàn thuế điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế rượu và thuế tiêu thụ đặc biệt. Kết quả là 10% dữ liệu của 2,12 triệu người hoàn thuế giá trị gia tăng đã được nhập vào hệ thống điện tử trong năm 2001[11]. Vào năm 2001, nhà cung cấp mạng Hàn Quốc xây dựng hệ thống thông tin kết nối nội bộ giúp các cơ quan quản lý và chia sẻ các nguồn thông tin cũng như các hoạt động chung liên quan đến bốn thị trường bảo hiểm chính là lương hưu quốc gia, bảo hiểm y tế, bảo hiểm bồi thường tai nạn công nghiệp và bảo hiểm việc làm.

2.4 Giai đoạn phát triển chính phủ điện tử với tốc độ cao (2003-2012)

Giai đoạn này, các thiết bị điện tử đã được phổ biến rộng rãi tới người dân. Các dịch vụ của chính phủ điện tử đã được phân phối rộng rãi hơn trong giai đoạn tiên tiến dưới dạng không dây internet và các thiết bị di động, máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại thông minh. Giai đoạn này trải qua hai đời tổng thống là Tổng thống Roh Moo-hyun (2003-2008) và Tổng thống Lee Myung-bak (2008-2012).

Chính phủ Tổng thống Roh Moo-huyn đưa ra mục tiêu cho mô hình chính phủ điện tử trong vòng 5 năm với mục tiêu như: nâng cao dịch vụ dành cho người dân và doanh nghiệp để tất cả các dịch vụ người dân và doanh nghiệp có thể xử lý mà không cần đến cơ quan hành chính công, trong đó kiến nghị trực tuyến của người dân dự kiến đạt mức 85%; Thời gian đến các cơ quan công vụ giảm xuống còn 3 lần/năm; tỷ lệ sử dụng chính phủ điện tử đạt mức 60% vào năm 2008; nâng cao hiệu quả của các dịch vụ hành chính bao gồm việc mở rộng phạm vi số hóa và chia sẻ thông tin bằng tài liệu điện tử, rút ngắn thời gian thực hiện và mở rộng nguồn thông tin quản lý tích hợp như các cơ quan chính phủ chia sẻ thông tin toàn phần cho người dân;tăng cường tính dân chủ về việc quản trị bao gồm:mức độ tham gia chính sách xúc tiến bằng cách cung cấp tích cực và cởi mở về thông tin hành chính, việc tăng cường kiểm soát, bảo vệ thông tin cá nhân[12].

Kế hoạch cơ bản về thông tin hóa quốc gia dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak cũng bổ sung thêm4 mục tiêu cụ thể cho mô hình chính phủ điện tử là:hệ thống quản lý hành chính công nghệ cao tạo hiệu suất cao;tạo các dịch vụ công thuận tiện cho người dân;hiện thực hóa dịch vụ hành chính số một cách dân chủ để đối thoại với người dân và tăng cường cơ sở phát triển thông tin bền vững[13].

Một số hành động cụ thể đã được thực hiện để hoàn thành mục tiêu trên. Đầu tiên, về mặt G4C,cổng chính phủ điện tử di động (m.korea.go.kr) đã được thiết lập cho người dùng thiết bị di động. Một số dịch vụ công đã được phát triển cho điện thoại diđộng như dịch vụ xác định dựa trên vị trí và dịch vụ thời gian thực.Thứ hai, về G2G, một văn phòng di động sẽ được thành lập cho các công chức cấp phường. Một số mô hình kinh doanh được phát triển để giải quyết công việc nội bộ và kiểm tra địa điểm trên đường. Thứ ba, về cơ sở hạ tầng, mạng internet không dây phát triển với tốc độ cao và môi trường đám mây cho thiết bị di động sẽ được thiết lập. Cụ thể là, tốc độ của mạng không dây được tăng từ 1Mbps vào năm 2011 lên 100Mbps vào năm 2015. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cũng mở rộng cung cấp mạng wi-fi ở những địa điểm công cộng. Ngoài ra, đám mây dữ liệu của chính phủ nước này (bao gồm máy tính và cơ sở hạ tầng ảo của máy chủ) đã được thiết lập tại Cơ quan thông tin và máy tính quốc gia bằng cách đổi 2.170 thiết bị cũ thành 322 thiết bị cao cấp.

3. Một số thành tựu và hạn chế của chính phủ điện tử Hàn Quốc

Có thể nói, nhờ chính sách và mục tiêu phù hợp mà mô hình chính phủ điện tử của Hàn Quốc đã đạt được một số thành tựu nhất định theo từng giai đoạn như sau.

Trong giai đoạn mở đầu (1978-1986), Dự án Mạng điện toán cơ bản quốc gia được xây dựng bằng việc tin học hóa nghiệp vụ cho từng bộ. Đồng thời, vào năm 1983, các dịch vụ đăng ký xe ô tô,cấp giấy phép lái xe và hộ chiếu đã được vi tính hóa. Mạng máy tính quản trị cơ bản được thành lập với tư cách là yếu tố cốt lõi củachính phủ điện tử trong năm dự án nhỏ thuộc Dự án Mạng điện toán cơ bản quốc gia trên 5 lĩnh vực quản trị,tài chính, giáo dục/nghiên cứu, quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, do sự thiết hụt về trình độ kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, sự lãng phí ngân sách do đầu tư trùng lặp, sự do dự của các công ty tư nhân khi tham gia vào chương trình hợp tác do việc hỗ trợ kinh phí gián đoạn mà các kế hoạch vi tính hóa hành chính không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Tiếp đó, trong giai đoạn 1978-1996, Dự án quốc gia về mạng điện toán cơ bản đầu tiên đã đạt được một số kết quả nhất định như: máy chủđầu tiên (Tolerant) dựa trên công nghệ của Mỹ thì máy chủ thứ hai (TICOM) đã được bản địa hóa, 15.000 máy tính đã được phân phối để làm mạng liên kết và quản trị, năm phần mềm tiêu chuẩn cho tự động hóa văn phòng và bốn phần mềm khác cho công việc hành chính đã được phát triển, tiêu chuẩn mã ngôn ngữ dành cho tiếng Hàn và tiếng Trung đã được phát triển và máy tính tiêu chuẩn phục vụ cho mạng liên kết và quản trị được trang bị đầy đủ. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cũng đạt được một số kết quả nhất định trong sáu lĩnh vực dịch vụ.

Thứ nhất, về việc quản lý thông tin cư trú, thông tin cá nhân của 5,6 triệu công dân đã được nhập vào máy tính và các bản sao có chứng thực về việc đăng ký cư trú được phát hành không phân biệt khu vực cư trú ở 3.700 cơ quan có thẩm quyền từ tháng 1 năm 1991[14].

Thứ hai, về mặt tin học hóa lĩnh vực quản lý bất động sản, 3,2 triệu đơn đăng ký bất động sản được nhập vào máy tính và tất cả các cơ quan cấp địa phương đều kết nối trực tuyến. Do đó, người dân nước này có thể xem quá trình đăng ký đất đai và chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản tại bất kỳ cơ quan nào trong số 273 cơ quan cấp địa phương. Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất và kết nối trực tuyến với các cơ quan hiện hành đã mang lại kết quả cụ thể như sau: giản lược quy trình đăng ký từ 10 bước xuốngcòn 3 bước, cho phép các công dân truy cập các sổ cái về đất và rừng từ các máy tính tại nhà, giảm thời gian cho mỗi yêu cầu từ 30 phút xuống 5 phút[15].

Thứ ba, về trường hợp quản lý ô tô, 133 cơ quan liên quan đã được kết nối trực tuyến để cung cấp các thủ tục từ phát hành đến loại bỏ như đăng ký mới, gia hạn, chuyển giao, hủy bỏ, thế chấp và lưu giữ, thông báo về kiểm tra ô tô và kết quả cũng như quản lý giấy phép lái xe tắc xi cá nhâncần thiết cho công dân bắt đầu từ tháng 3 năm 1990.

Thứ tư, về mặt tin học hóa hải quan, các nhiệm vụ về thủ tục hải quan và quản lý hàng lưu kho đã được vi tính hóa. Đồng thời, 109 cơ quan liên quan như hải quan, nhà môi giới trong lĩnh vực thông quan như công ty vận tải... và ngân hàng được kết nối để cung cấp  các dịch vụ cho công dân trên toàn quốc  bắt đầu từ tháng 4 năm 1990.

Thứ năm, về mặt quản lý việc làm, vị trí việc làm, quản lý doanh nghiệp, địa điểm và chức năng nhiệm vụ của doanh nghiệp cũng đã được vi tính hóa, đồng thời, 49 cơ quan trực thuộc Bộ Lao động được kết nối để tiến hành cung cấp dịch vụ này trên toàn quốc vào năm 1990.

Thứ sáu, trong trường hợp quản lý thống kê, 20 thống kê quốc gia cơ bản về các lĩnh vực như giá cả, dân số, công nghiệp, sản xuất được vi tính hóa, sau đó được cung cấp trực tuyến từ tháng 1 năm 1991. Ngoài ra, theo kết quả của dự án mạng quản trị hành chính lần thứ hai, hệ thống quản lý cư dân chuyển vào được tích hợp với hệ thống quản lý cư dân chuyển ra và dịch vụ này bắt đầu hoạt động trên toàn quốc vào năm 1995. Tuy nhiên, hiệu suất của dự án thứ hai này không đạt được kết quả đáng kể như dự án đầu tiên do chiến lược đầu tư trước và quyết toán sau đã bị bãi bỏ.

Sau đó, vào năm 1998, trang web đại diện của chính phủ (www.egov.go.kr, Minwon24) được ra đời nhằm cung cấp dịch vụ kiến nghị và dịch vụ đăng ký bất động sản trực tuyến. Vào năm 1999, hệ thống thống kê thông tin được ra mắt và việc tin học hóa sổ hộ khẩu đã hoàn thành. Hoạt động của mô hình chính phủ điện tử đã được hoàn thiện với một loạt cổng thông tin toàn diện về các kiến nghị dân sự (Minwon24, www.minwon.go.kr), mua sắm điện tử (KONEPS, www.g2b.go.kr), dịch vụ thuế nhà (HTS, www.hometax.go.kr) và hệ thống thông tin giáo dục quốc gia (NEIS, www.neis.go.kr) bắt đầu hoạt động.

Về hình thức giao dịch haichiều giữa chính phủ với người dân (G4C), nhờ thiết lập cổng thông tin một cửa dành cho các kiến nghị dân sự, 20 loại thông tin hành chính trong năm lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến đời sống dân sự như cư dân, bất động sản, xe hơi, kinh doanh và thuế được chia sẻ đến người dân từ tháng 11 năm 2002. Qua đó, công dân có thể xử lý khoảng 680 loại kiến nghị dân sự mà không cần ban hành các văn bản bắt buộc vì một cán bộ có thể trực tiếp kiểm tra các thông tin liên quan trực tuyến. Về mặt thông tin hóa chính quyền cấp địa phương, 21 dịch vụ đã được thông tin hóa là hồ sơ đăng ký đất đai, nông thôn, môi trường, y tế và phúc lợi, công nghiệp địa phương, cư dân, ô tô, xây dựng tòa nhà, tài chính và thuế, phát triển khu vực, văn hóa và thể thao, nước, chăn nuôi, thủy sản, rừng, đường bộ, giao thông, dân phòng, quản lý nội bộ, đăng ký gia đình và thảm họa. Việc cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương cũng có hiệu quả trong G4C bằng cách cài đặt máy tra cứu thông tin KIOSK trên toàn quốc. KIOSK đã được cài đặt ở 712 nơi và phát hành thêm hơn 1,2 triệu tài liệu chính thức cho đến tháng 12 năm 2002[16]. Về việc phát hành trực tuyến các tài liệu chính thức, người dân chỉ có thể đọc trực tuyến hoặc nhờ gửi qua đường bưu điện hơn là tự in các tài liệuvì các tính năng chống giả mạo chưa được phát triển.

Tiếp theo, vào tháng 4 năm 2002, dịch vụ thuế nhà được ra mắt. Theo đó, tất cả các loại thuế quốc gia có thể thông báo và thanh toán trực tuyến. Theo thống kê sử dụng năm 2002, 12,5% thuế giá trị gia tăng và 34,5% thuế khấu trừ đã được nộp qua mạng. Thứ hai, về hình thức giao dịch giữa chính phủ và doanh nghiệp (G2B), cổng thông tin mua sắm điện tử (KONEPS) đã được mở vào tháng 9 năm 2002.Kết quả là 1.968 cơ quan công quyền đã được gọi để tham gia 34.773 lượt đấu thầu trong ba tháng sau khi phát hành. Thêm vào đó, 1.914 cơ quan đã thông báo công khai về 33.109 lượt đặt mua (95,2%) và 27.625 cơ quan chiếm 83,4% nhận được thông báo là đấu thầu thông qua[17]. Thứ ba, về hình thức giao dịch giữa các cơ quan chính phủ (G2G), Tỷ lệ sử dụng phê duyệt điện tử là21,2% vào tháng 12 năm 1998 trước khi hoạt động bắt đầu; tuy nhiên, tỷ lệ này đã được tăng lên 92,6% vào tháng 12 năm 2002. Tỷ lệ sử dụng tài liệu điện tử là 39,9% trong tháng hai năm 2001. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên 82,3% vào tháng 12 năm 2002[18]. Dựa trên những thành tựu này, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố hoàn thiện mô hình chính phủ điện tử vào tháng 11 năm 2002. Tuy nhiên, Chính phủ điện tử trong thời kỳ 1997-2002lại có ba hạn chế lớn: việc lựa chọn và thực hiện các nhiệm vụ nhưng thiếu sự khảo sát ý kiến của người dân cũng nhưkiểm tra sâu, thiếu cơ sở hạ tầng để hoàn thành và lợi ích xung đột giữa các bộ.

Trong giai đoạn nâng cao(2003-2012), hoạt động của chính phủ điện tử trở nên rõ ràng hơn và được quốc tế công nhận nhiều hơn so với các thời kỳ khác. Nó có thể được phân loại thành G4C, G2B/G4B, G2G, cơ sở hạ tầng và đánh giá quốc tế.

Thứ nhất, về G4C, 3.020 loại kiến ​​nghị dân sự và 1.208 loại tài liệu chính thức có thể được phát hành trực tuyến và in vào năm 2010. Ngoài ra, để đáp ứng nhanh chóng sự phổ biến của các thiết bị di động, 10 loại tài liệu có thể được đọc qua điện thoại thông minh vào năm 2011. Đồng thời, 165 đơn khiếu kiện dân sự đã được giải quyết trực tuyến vào tháng 11 năm 2010[19]. Kết quả của việc cải tiến dịch vụ thuế nhà (HTS) khiến cho số lượng các loại thuế được nộp trực tuyến tăng lên. Vào tháng 12 năm 2007, 298 loại thuế (chiếm 91,7%) trong số 325 loại đã được nộp thông qua hệ thống. Đến năm 2011, người dân Hàn Quốc có thể nộp trực tuyến thêm 13 hạng mục thuế khác. Ngoài ra, hệ thống biên nhận tiền mặt để nắm bắt thu nhập của từng doanh nghiệp và việc điều chỉnh thuế cuối năm đã được bổ sung thêm vào HTS. Đồng thời, tỷ lệ nộp đơn trực tuyến cũng vượt quá tỷ lệ sử dụng thông thường của các nước thuộc OECDtừ 30% đến 40%[20]. Nhờ những kết quả này, dịch vụ thuế quốc gia đã đạt được chứng nhận ISO 20000 vào năm 2008. Đồng thời, hệ thống HTS cũng giúp cắt giảm 350 tỷ won chi phí xã hội năm 2005 và 420 tỷ won trong năm 2006.

Thứ hai, về G2B, hệ thống mua sắm điện tửđược thành lập khiến cho chính phủ thực hiện trực tuyến 70% hoạt động mua sắm công (tương đương 85,7 nghìn tỷ won). Đồng thời, từ năm 2010, hơn 42 nghìn cơ quan nhà nước và 195 nghìn cơ quan tư nhân đã sử dụng hệ thống này. Nhờ đó mà khu vực công tiết kiệm được 1.440,6 tỷ won  (năm 2008) trong quá trình thông báo đấu thầu, ký kết hợp đồng và gửi các hợp đồng bằng văn bản[21]. Về G4B, trang web Hỗ trợ doanh nghiệp Plus G4B (www.g4b.go.kr)” là cửa sổ duy nhất để đăng ký hoạt động kinh doanh giúp giảm thời gian cần thiết và quy trình thành lập công ty từ 14 ngày và 8 giai đoạn xuống còn 5 ngày và hai giai đoạn.

Thứ ba, về G2G, hệ thống hỗ trợ quy trình nghiệp vụ cho các cơ quan hành chính BPS On-Narađược sử dụng trong 58 cơ quan chính quyền trung ương, 16 cơ quan hành chính cấp địa phương và 12 cơ quan hành chính cấp cộng đồng[22]. Trong hệ thống, mọi cơ quan kinh doanh của chính phủ được phân loại một cách có hệ thống và thủ tục hành chính trong kinh doanh được tiến hành hiệu quả hơn bằng cách tiêu chuẩn hóa và hệ thống hóa quy trình kinh doanh từ lập kế hoạch, lập lịch trình và quản lý hiệu suất. Ngoài ra, phạm vi chia sẻ thông tin hành chính được mở rộng với 20 loại hình thông tin trong 269 cơ quan hành chính vào năm 2003 lên 92 loại thông tin trong 442 cơ quan hành chính trong năm 2010. Nhờ vào những thành tựu trên, Hàn Quốc đã xuất khẩu chính phủ điện tử với lượng xuất khẩu đạt được 9,8 triệu USD vào năm 2007, 148 triệu USD vào năm 2010 và 235 triệu USD vào năm 2011[23].

Tóm lại, khi xem xét sự thành công của mô hình chính phủ điện tử tại Hàn Quốc trong giai đoạn từ 1978 đến 2012 để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, chúng ta có thể thấy, việc phát triển cơ sở hạ tầng và trình độ tin học cũng như những hiểu biết cơ bản về hệ thống chính phủ điện tử là điều kiện tiên quyết giúp các cán bộ, công viên chức nước ta thực hiện việc thông tin hóa và vi tính hóa các nghiệp vụ hành chính một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần kể đến một số yếu tố quan trọng khác như niềm tin và sự lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ, hành lang pháp lý phù hợp, sự đầu tư bền vững vào ngân sách chính phủ điện tử, sự kết hợp hiệu quả giữa cơ quan công quyền và tư nhân trong việc phát triển hệ thống máy tính và mạng quản trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020),Báo cáo xây dựng Nghị quyết của chính phủ về xây dựng, phát triển chính phủ số giai đoạn 2021-2025, tháng 5, Hà Nội.
  2. Nag Yeon Lee (2011),Học phần 3 về Ứng dụng chính phủ điện tử trong Bộ giáo trình Những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông cho lãnh đạo cơ quan nhà nước,  Bộ Thông tin &Truyền thông và Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin & Truyền thông châu Á- Thái Bình Dương, Hà Nội.
  3. Chong Sik Chung, “The Introduction of E-government in Korea: Development journey, outcomes and future”, Revue Gestion et Management Public,Vol 3 No 4 (2/2015).
  4. Young B.Lee (2012),2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, The Ministry of Public Administration and security and The Korean Association for Policy Studies,  South Korea.
  5. 이기식(2003)우리나라전자정부정책총괄평가-역사적평가를중심으로, 한국정책학회, 한국(Lee Ki Sik (2003) Đánh giá về chính sách Chính phủ điện tử của Hàn Quốc, đánh giá trọng tâm góc độ lịch sử, Hiệp hội chính sách Hàn Quốc, Hàn Quốc).
  6. Roberto Panzardi (Sr. Public Sector Specialist -PREM), Carlos Calcopietro (Consultant) and Enrique Fanta Ivanovic (Consultant – Government of Chile) (2002) New Economy Sector Study Electronic Government and Governance: Lesson for Argentina, The World Bank, Washington D.C.

 

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Roberto Panzardi (Sr. Public Sector Specialist -PREM), Carlos Calcopietro (Consultant) and Enrique Fanta Ivanovic (Consultant – Government of Chile) (2002), New Economy Sector Study Electronic Government and Governance: Lesson for Argentina, The World Bank, Washington D.C, p.2.

[3]OECD, UNDP, Dubai school of government (March 2007), Good Governance for development in Arab Countries- Working group 2 on E-government and Administrative Simplification, OECD, Dubai, United Arab Emirates, p.2

[4]김수림, 양희동, 안중호, “한국전자정부시스템발전에있어서핸정표준의역할과관리체제의변화연구”, 구술혁신연구, 23권3호 (3/2015), p. 24 (Kim Soo Rim, Yang Hwi Dong, Ahn Jung Ho, “Nghiên cứu sự thay đổi của hệ thống quản lý và vai trò của tiêu chuẩn hành chính nhờ vào sự phát triển của hệ thống chính phủ điện tử Hàn Quốc”, Tạp chí nghiên cứu cải cách kỹ thuật, Số 3 quyển 23, tr.24)

[5] Young B.Lee (2012),2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, The Ministry of Public Administration and security and The Korean Association for Policy Studies, South Korea, p.21.

[6] Tina George Karippacheril, Soonhee Kim, Robert P.Beschel JR and Changyong Choi (2016),Bring Government into the 21st Century: The Korean Digital Governance Experience, The World Bank, Washington D.C, p. 43.

[7] Young B.Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd,tr. 49.

[8] Nag Yeon Lee (2011),Học phần 3 về Ứng dụng chính phủ điện tử trong Bộ giáo trình Những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông cho lãnh đạo cơ quan nhà nước, Bộ Thông tin &Truyền thông và Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin & Truyền thông châu Á-Thái Bình Dương, Hà Nội, tr.52.

[9] Nag Yeon Lee (2011), Học phần 3 về Ứng dụng chính phủ điện tử trong Bộ giáo trình Những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông cho lãnh đạo cơ quan nhà nước, Tlđd, tr.53.

[10] Nag Yeon Lee (2011), Học phần 3 về Ứng dụng chính phủ điện tử trong Bộ giáo trình Những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông cho lãnh đạo cơ quan nhà nước, Tlđd, tr. 55.

[11]Nag Yeon Lee (2011), Học phần 3 về Ứng dụng chính phủ điện tử trong Bộ giáo trình Những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông cho lãnh đạo cơ quan nhà nước, Tlđd, tr. 55.

[12]Young B.Lee (2012),2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd,p. 94.

[13] Chong Sik Chung, “The Introduction of E-government in Korea: Development journey, outcomes and future”, Revue Gestion et Management Public, Vol 3 No 4 (2/2015), p. 114.

[14] Young B. Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd, p. 59.

 

[15] Young B. Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd, p. 59.

 

[16] Young B. Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd, p. 86.

[17]Young B. Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd, p. 87.

[18]Young B. Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd, p. 87.

[19]Young B. Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd, p. 103.

[20]Young B. Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd, p. 103.

[21]Young B. Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd, p. 105.

[22]Young B. Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd, p. 106-107.

[23]Young B. Lee (2012), 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: The Introduction of e-government in Korea, Tlđd, p. 110.

 

0thảo luận