Trang chủ

Tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật Bản và các giải pháp

Đăng ngày: 13-01-2023, 09:24 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 8

Lê Hoàng Anh1

 

 

Tóm tắt:Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với đặc điểm là quy mô nhỏ, số vốn ít, không có kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản đang gặp không ít khó khăn để duy trì hoạt động kinh doanh. Bài viết phân tích những tác động của đại dịch Covid 19 đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nêu các giải pháp của Chính phủ Nhật Bản cũng như chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua được những tác động này.

Từ khóa:Doanh nghiệp nhỏvà vừa, Nhật Bản, đại dịch Covid-19

 


1. Tác động của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản[1]

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 99,7% tổng số doanh nghiệp tại Nhật Bản, với số lượng người lao động là khoảng 70% và tạo ra giá trị gia tăng (đối với công nghiệp chế tạo) là khoảng hơn 50%. Đặc biệt các doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm khoảng 90% với 1/4 số người lao động. Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp nhỏ vàvừa - một nguồn lực quan trọng đối với nền kinh tế của Nhật Bản. Có thể nói rằng, đại dịch Covid-19 tác động đến doanh nghiệp cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh thu, lợi nhuận và việc làm của người lao động.

Giai đoạn ngắn hạn là giai đoạn “phòng chống dịch bệnh”. Việc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm và ngăn ngừa dịch bệnh đã làm cho hoạt động kinh tế bị suy giảm và bị dừng tạm thời, các chuỗi cung ứng bị đình trệ, xuất khẩu giảm sút, tiêu dùng cá nhân sụt giảm. Để thực hiện biện pháp phòng tránh “3C” (Closed spaces, Crowded places, Close-contact settings – tránh không gian đóng, tránh nơi đông người và tránh tiếp xúc gần), các doanh nghiệp buộc phải làm việc từ xa hoặc trực tuyến, hay phải tạm thời nghỉ kinh doanh hoặc giảm công suất vận hành. Theo lý thuyết kinh tế, tình trạng này sẽ dẫn đến đồng thời cả “cú sốc về cầu” (demand shock) và “cú sốc về cung” (supply shock) do tác động của dịch bệnh, tạo áp lực cho doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động kinh doanh. Tùy theo mức độ tác động của “cú sốc cầu” và “cú sốc cung” mà các giải pháp, chính sách đưa ra sẽ khác nhau.

Giai đoạn trung hạn là giai đoạn “sống cùng với dịch bệnh”. Tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ song vẫn phải tiếp tục duy trì “trạng thái giãn cách mới” nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai. Các hoạt động kinh tế bị hạn chế trong giai đoạn trước được dần dần dỡ bỏ song giá trị quan và hành vi của con người có sự thay đổi nhằm thích ứng với “tình trạng giãn cách mới”, hạn chế tập trung đông người, tránh tiếp xúc trực tiếp, đa dạng hóa phương thức làm việc,… Doanh nghiệp phải rà soát lại kế hoạch kinh doanh, đòi hỏi đối tác giao dịch phải có kế hoạch kinh doanh có tính đến các rủi ro của dịch bệnh Covid-19, đồng thời điều chỉnh quy định, chính sách về lao động, tuyển dụng mang tính hệ thống và khả thi.

Giai đoạn dài hạn là giai đoạn “hậu dịch bệnh”. Việc phát triển vaccine và tiêm chủng quy mô rộng sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, có khả năng đưa các hoạt động kinh tế trở về trạng thái bình thường trước đây. Tuy nhiên, những giá trị quan, hành vi được thay đổi từ giai đoạn trước bắt đầu ngấm sâu vào đời sống xã hội và tiếp tục được duy trì như chuyển đổi sang hình thức online, đa dạng hóa phương thức làm việc.

Theo kết quả khảo sát của Đài truyền hình Nhật Bản NHK thực hiện trong một tháng từ 20/11 đến 25/12 năm 2020 đối với hơn 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn lãnh thổ Nhật Bản, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp nhỏvàvừa, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trú, khách sạn và ăn uống. Kết quả khảo sát cho thấy 68% doanh nghiệp có mức doanh thu giảm so với trước đại dịch, trong khi chỉ có 9% doanh nghiệp có mức doanh thu tăng (bảng 1).

Theo lĩnh vực, ngành nghề, kết quả khảo sát cho thấy tác động lớn nhất là đối với lĩnh vực lưu trú, tiếp đến là dịch vụ ăn uống (bảng 2). Tuy nhiên, không chỉ các lĩnh vực có tiếp xúc trực tiếp mà cả các lĩnh vực như chế tạo, xây dựng, bán buôn cũng chịu tác động không nhỏ. Ngoài ra, các lĩnh vực như y tế, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi cũng cho thấy xu hướng giảm doanh thu do tâm lý e ngại tiếp xúc và hạn chế rủi ro lây bệnh của bệnh nhân.

 

Bảng 1: Sự thay đổi về doanh thu do tác động của đại dịch Covid-19

Doanh thu

Tăng

Không thay đổi

Giảm

khoảng 10%

Giảm

khoảng 30%

Giảm

khoảng 50%

Giảm khoảng 70%

Giảm

trên 80%

Tỷ lệ doanh nghiệp (%)

9

23

22

29

11

3

3

Ghi chú:Số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát: 50.994 doanh nghiệp, số doanh nghiệp gửi phản hồi: 17.882 doanh nghiệp

Nguồn:http://www3.nhk.or.jp/news/special/coronavirus/economic/indicators/detail/detail_14.html)

 


Bảng 2: Sự thay đổi về doanh thu theo lĩnh vực

Doanh thu

Tăng

Không thay đổi

Giảm

khoảng 10%

Giảm

khoảng 30%

Giảm

khoảng 50%

Giảm khoảng 70%

Giảm

trên 80%

Lưu trú

Tỷ lệ doanh nghiệp

(114 doanh nghiệp) (%)

 

1

 

5

 

8

 

24

 

28

 

14

 

20

Dịch vụ ăn uống

Tỷ lệ doanh nghiệp

(910 doanh nghiệp) (%)

 

6

 

5

 

9

 

32

 

27

 

12

 

9

Xây dựng

Tỷ lệ doanh nghiệp

(4.404 doanh nghiệp) (%)

 

11

 

31

 

22

 

25

 

8

 

2

 

1

Chế tạo

Tỷ lệdoanh nghiệp

(2.781 doanh nghiệp) (%)

 

7

 

15

 

23

 

37

 

13

 

3

 

2

Bán lẻ

Tỷ lệdoanh nghiệp

(2.090 doanh nghiệp) (%)

 

9

 

17

 

24

 

34

 

11

 

3

 

2

Dịch vụ liên quan đến cuộc sống

Tỷ lệdoanh nghiệp

(1.595 doanh nghiệp) (%)

 

 

8

 

 

23

 

 

22

 

 

29

 

 

12

 

 

3

 

 

3

Bán buôn

Tỷ lệdoanh nghiệp

(1.103 doanh nghiệp) (%)

 

10

 

16

 

26

 

34

 

9

 

3

 

2

Y tế/chăm sóc SK/phúc lợi

Tỷ lệdoanh nghiệp

(449 doanh nghiệp) (%)

 

 

11

 

 

32

 

 

27

 

 

25

 

 

4

 

 

1

 

 

0

Thông tin truyền thông

Tỷ lệdoanh nghiệp

(420 doanh nghiệp) (%)

 

 

14

 

 

31

 

 

25

 

 

21

 

 

5

 

 

3

 

 

1

Ghi chú: Số liệu trong ngoặc đơn là tổng số doanh nghiệp tham gia và trả lời khảo sát

Nguồn:http://www3.nhk.or.jp/news/special/coronavirus/economic/indicators/detail/detail_14.html)

 

Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 40% doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh Covid-19, trong đó lĩnh vực lưu trú chiếm tỷ lệ cao nhất là19% (bảng 3, bảng 4).


Bảng 3: Những tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Tác động

Tỷ lệ (%)

Thay đổi hình thức kinh doanh

10,1

Thu hẹp quy mô kinh doanh

9,8

Đóng cửa hàng/điểm kinh doanh

11,6

Cho nhân viên nghỉ việc tạm thời

39,4

Cho nhân viên nghỉ việc

5,9

Giảm nhân viên (nhân viên làm việc bán thời gian)

6,5

Giảm nhân viên (nhân viên chính thức)

3,0

Cắt giảm lương

9,1

Ghi chú: Bao gồm cả nhiều phương án trả lời, tổng số doanh nghiệp trả lời là 11.648 doanh nghiệp.

Nguồn:http://www3.nhk.or.jp/news/special/coronavirus/economic/indicators/detail/detail_14.html)

Bảng 4: Những tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo lĩnh vực (%)

Lĩnh vực

Cho nhân viên nghỉ việc tạm thời

Cho nhân viên nghỉ việc

Giảm nhân sự

Cắt giảm lương

NV bán thời gian

NV chính thức

Xây dựng (2.334)

35,9

2,4

3,7

2,7

7,5

Chế tạo (2.048)

55,3

10,4

5,9

3,1

8,9

Bán lẻ (1.346)

30,2

4,4

7,6

2,0

11,9

Dịch vụ phục vụ cuộc sống hàng ngày (1.044)

36,5

4,1

4,7

3,7

8,4

Dịch vụ ăn uống (805)

47,3

11,4

22,5

6,0

12,8

Bán buôn (741)

39,1

5,9

5,5

3,1

10,4

Vân tải (563)

47,2

9,1

3,6

1,8

7,8

Bất động sản (376)

28,7

1,3

2,9

3,2

11,7

Y tế, chăm sóc SK, phúc lợi (312)

30,8

3,8

6,1

3,2

6,7

Thông tin truyền thông (282)

35,5

7,8

6,0

1,4

8,9

Lưu trú (104)

60,6%

19,2%

21,2%

6,7%

17,3%

Ghi chú: Số liệu trong ngoặc đơn là số lượng doanh nghiệp trả lời.

Nguồn:http://www3.nhk.or.jp/news/special/coronavirus/economic/indicators/detail/detail_14.html)


2. Chính sách và giải pháp

Trước những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp nhỏvà vừa như nêu trên, Chính phủ Nhật Bản đã có chính sách hỗ trợ như thế nào để giúp các doanh nghiệp nhỏvàvừa vượt qua được khó khăn của dịch bệnh? Bản thân các doanh nghiệp cũng có những biện pháp gì để có thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của mình?

2.1. Giai đoạn ngắn hạn

Giai đoạn này đòi hỏi các chính sách mang tính khẩn cấp liên quan đến dòng tiền và duy trì lao động.

-      Chính sách trợ cấp nhằm duy trì ổn định kinh doanh: là chính sách do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp(METI) Nhật Bản chủ trì nhằm mục đích hỗ trợ cho các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sách này áp dụng cho mọi lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất chế tạo, bán lẻ, ăn uống, nghệ thuật…, áp dụng cho cả cá nhân và doanh nghiệp.

-      Chính sách hỗ trợ điều chỉnh tuyển dụng: là chính sách do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chủ trì, hỗ trợ mộtphần chi phí trợ cấp nghỉ việc cho chủ lao động khi buộc phải cho nhân viên nghỉ việc theo hợp đồng lao động do thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh bởi tác động của dịch bệnh.

-      Chính sách cho vay không lãi suất, không thế chấp của các tổ chức tín dụng của chính phủ: là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị suy giảm doanh thu do tác động của dịch bệnh Covid-19 như một biện pháp kinh tế khẩn cấp. Ngân hàng tín dụng chính sách Nhật Bản triển khai đồng thời 2 chính sách “cho vay đặc biệt ứng phó với dịch bệnh Covid-19 (cho vay không thế chấp)” và chính sách “hỗ trợ lãi suất đặc biệt (không lãi suất)” với thời gian ân hạn tối đa là 3 năm. Chính sách sẽ giúp cho doanh nghiệp bảo đảm được dòng tiền cho việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

2.2. Giai đoạn trung hạn

Giai đoạn này đòi hỏi phải có sự thay đổi kế hoạch kinh doanh và tái cấu trúc lại hệ thống tuyển dụng.

-      Chính sách trợ cấp hỗ trợ tiền thuê nhà: là chính sách hỗ trợ nhằm làm giảm bớt gánh nặng về tiền thuê đất/thuê nhà giúp cho doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh do suy giảm doanh thu bởi tình trạng khẩn cấp kéo dài. Chính sách này được triển khai thực hiện từ 14/7/2020 đến 15/2/2021.

-      Chính sách hỗ trợ nhằm duy trì ổn định kinh doanh: là chính sách hỗ trợ 1 phần chi phí cần thiết cho việc phát triển các kênh bán hàng và nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

-      Chính sách miễn/giảm thuế: là chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế cho doanh nghiệp nhỏvàvừa, doanh nghiệp nhỏ đối với thuế tài sản cố định và thuế xây dựng đô thị[2], tùy theo mức độ suy giảm thu nhập sẽ được miễn hoặc giảm 50%.


Bảng 5: Tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng các chính sách của chính phủ

Lĩnh vực

Chính sách

Trợ cấp duy trì ổn định kinh doanh

Go to campain

Tín dụng ưu đãi

Hỗ trợ tiền thuê nhà

Miễn/giảm thuế

Xây dựng (3.304)

79,5

 

35,5

11,3

5,1

Chế tạo (2.291)

69,9

 

40.9

15,5

6,0

Bán lẻ (1.520)

70,1

 

36,6

18,9

6,4

Dịch vụ phục vụ cuộc sống hàng ngày (1.118)

69,5

 

31,2

17,4

6,7

Dịch vụ ăn uống (818)

86,9

38,8

38,6

40,7

16,4

Bán buôn (835)

64,4

 

44,2

15,7

5,0

Vân tải (520)

45,4

 

50,6

12,9

10,2

Bất động sản (410)

74,9

 

37,1

21,0

7,3

Y tế, chăm sóc SK, phúc lợi (330)

36,1

 

31.5

8,2

3,0

Thông tin truyền thông (293)

54,9

 

29,7

26,5

5,8

Lưu trú (109)

85,3

60,6

54,1

20,2

34,9

Ghi chú: Số liệu trong ngoặc đơn là số lượng doanh nghiệp trả lời.

Nguồn:http://www3.nhk.or.jp/news/special/coronavirus/economic/indicators/detail/detail_14.html)

 

2.3. Giai đoạn dài hạn

Giai đoạn này đòi hỏi phải có sự thay đổi trong chiến lược, mô hình kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.

-      Chính sách “Go to campain”: hỗ trợ cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống và lưu trú, nhằm thúc đẩy nhu cầu đi du lịch nội địa của người dân.

-      Chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực chế tạo “Monozukuri”: hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏvàvừa, doanh nghiệp nhỏ đầu tư trang thiết bị để phát triển sản phẩm/dịch vụ mới, thử nghiệm sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất nhằm đáp ứng với những sự thay đổi có thể xảy ra trong tương lai (thay đổi phương thức làm việc, mở rộng đối tượng áp dụng bảo hiểm, tăng lương…).

-      Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng cơ chế làm việc từ xa: là chính sách hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp nhỏvàvừa trong việc triển khai cách thức làm việc tại nhà hoặc tại các văn phòng vệ tinh như chi phí lắp đặt thiết bị truyền thông cần thiết cho hình thức làm việc từ xa, chi phí đào tạo cho nhân viên phụ trách quản lý lao động, đào tạo/tuyên truyền cho nhân viên…

-      Chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ thông tin: là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhỏ trong việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin.

Ngoài các chính sách cơ bản của chính phủ như nêu trên, các địa phương cũng có những chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏvàvừatrong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Ví dụ như chính quyền thành phố Tokyo đã có nhiều cơ chế để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp như: hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh xe taxi, xe buýt để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách và nhân viên, hỗ trợ chuyển đổi hình thức kinh doanh cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống, hỗ trợ cho các cơ sở lưu trú triển khai dịch vụ không tiếp xúc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài… Mỗi địa phương bên cạnh các chính sách chung của chính phủ cũng đều có những cơ chế chính sách riêng phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh của từng địa phương.

Vậy các chính sách như nêu trên có thực sự hiệu quả như kỳ vọng của chính phủ trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏvàvừa hay không?

Qua số liệu ở bảng 5 có thể thấy phần lớn doanh nghiệp đều quan tâm và sử dụng chính sách trợ cấp nhằm duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được với các chính sách của chính phủ. Vậy đâu là rào cản đối với doanh nghiệp trong việc sử dụng các chính sách hỗ trợ của chính phủ?


Bảng 6: Nguyên nhân (%)

Không đáp ứng với các tiêu chí/điều kiện của chính sách

77,8

Không biết thông tin về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ

1,6

Thủ tục phức tạp

4,0

Không biết cách thực hiện các thủ tục xin hỗ trợ

4,7

Không có thời gian để làm các thủ tục cần thiết

3,6

Ghi chú: Số doanh nghiệp trả lời là 5.501 doanh nghiệp.

Nguồn: http://www3.nhk.or.jp/news/special/coronavirus/economic/indicators/detail/detail_14.html)

 

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của chính phủ, các doanh nghiệp cũng chủ động trong việc thực hiện các biện pháp nhằm ứng phó với những tác động của dịch bệnh. Theo kết quả khảo sát của Cơ quan Phát triển doanh nghiệp nhỏvàvừa (SMRJ) đối với 2.000 doanh nghiệp nhỏvàvừa trên toàn lãnh thổ Nhật Bản trong tháng 7/2020, các biện pháp đang và sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới thể hiện cụ thể như trong bảng 7.

Từ những kết quả khảo sát này, có thể thấy dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến tất cả mọi lĩnh vực ngành nghề, nhất là lĩnh vực dịch vụ ăn uống và lưu trú. Đặc biệt, việc làm thế nào để duy trì được việc tuyển dụng là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ việc, hoặc nếu như không có sự hỗ trợ của chính phủ thì rất khó để có thể duy trì được đội ngũ nhân viên hiện tại. Tuy nhiên các chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng chỉ mang tính ngắn hạn để giải quyết những vấn đề trước mắt. Trong dài hạn, các doanh nghiệp buộc phải có các biện pháp phù hợp như thay đổi hình thức kinh doanh hay đầu tư sang lĩnh vực mới. Song để thực hiện được sự chuyển đổi này cũng cần có cơ chế chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp.


Bảng 7: Các biện pháp của doanh nghiệp (%)

Các biện pháp

Hiện tại

Trong thời gian tới

Biện pháp liên quan đến vận hành doanh nghiệp

 

 

Không áp dụng biện pháp nào/chưa xác định được các biện pháp trong thời gian tới

34,1

32,7

Phát triển sản phẩm, dịch vụ mới

18,3

26,0

Rà soát lại cách thực cung ứng sản phẩm, dịch vụ hiện tại

20,1

24,5

Thu thập thông tin và sử dụng các chính sách hỗ trợ của chính phủ

25,4

23,8

Trực tuyến hóa các hoạt động hội họp, trao đổi

18,0

19,0

Huy động vốn từ các tổ chức tín dụng

22,0

18,3

Kéo dài thời hạn hoặc thu hẹp kế hoạch đầu tư trang thiết bị

9,6

10,1

Cắt giảm nhân viên/nhân sự quản lý

6,2

7,0

Bỏ kinh doanh

4,1

5,2

Khác

11,5

12,6

Biện pháp về lao động

 

 

Bố trí/phát các phương tiện phòng chống dịch bệnh (khẩu trang, nước sát khuẩn…)

46,5

46,7

Bảo đảm khoảng cách

29,1

31,8

Không áp dụng biện pháp nào/chưa rõ sẽ áp dụng biện pháp nào trong thời gian tới

28,6

29,2

Làm việc từ xa (tại nhà)

22,6

23,2

Không tổ chức sự kiện tập trung đông người, kéo dài thời gian tổ chức sự kiện

21,9

20,4

Họp trực tuyến, thủ tục hành chính trực tuyến

18,4

19,9

Xem xét lại thời gian làm việc

20,0

19,3

Lắp đặt tấm chắn ngăn cách

15,3

16,9

Khử khuẩn định kỳ tại cơ sở sản xuất

14,9

16,4

Hoàn thiện lại quy tắc báo cáo, nội quy

13,1

14,6

Sử dụng ứng dụng kiểm soát việc tiếp xúc với người nhiễm Covid-19

5,6

5,8

Khác

1,9

2,3

Nguồn:https://www.smrj.go.jp/research_case/research/questionnaire/favgos000000rzfk-att/coronaQues tionnaire_ 202007.pdf


3. Một số đánh giá

Từ những số liệu khảo sát nêu trên, có thể đưa ra một số nhận định như sau:

Thứ nhất, nhucầu đối với các lĩnh vực có thể hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ không cần tiếp xúc như thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng tại nhà, game trực tuyến, nền tảng phim điện ảnh… sẽ gia tăng. Nhu cầu gia tăng sẽ tác động đến chuỗi cung ứng liên quan như các thiết bị phục vụ cho thương mại điện tử, robot, thiết bị tự động hóa… và về mặt ngắn và trung hạn sẽ tác động tích cực đến chuỗi cung ứng này.

Thứ hai, nhu cầu đối với các lĩnh vực cần phải đi ra ngoài và tiếp xúc trực tiếp như các loại hình vận tải liên quan đến sự di chuyển của con người như hàng không, du lịch, các dịch vụ tiếp xúc trực tiếp như nhà hàng ăn uống, đại lý xe ô tô…sẽ giảm. Nhu cầu giảm sẽ tác động đến chuỗi cung ứng liên quan như ngành công nghiệp ô tô, vận tải, năng lượng… và về dài hạn sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng do việc điều chỉnh sản xuất trên cơ sở đánh giá lại chuỗi cung ứng hiện tại.

Thứ ba, trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh và dòng tiền của nhiều doanh nghiệp sẽ suy giảm, buộc các doanh nghiệp này phải hạn chế đầu tư song xét về dài hạn, các doanh nghiệp sẽ buộc phải tái cấu trúc lại doanh nghiệp để từ đó tạo ra sự tăng trưởng trở lại.

Thứ tư, các doanh nghiệp nhỏvàvừa   buộc phải điều chỉnh mô hình kinh doanh và cách thức làm việc theo “phong cách sống mới” như mộttiêu chuẩn của thời kỳ hậu Covid-19. Chính phủ đã đưa ra 10 điểm về “phong cách sống mới” nhằm hạn chế và giảm 80% tiếp xúc trực tiếp: (1) thăm gia đình từ xa (gọi điện qua video call);(2) đi siêu thị 1 mình hoặc lựa chọn giờ vắng người;(3) tập thể dục ngoài trời một mình, lựa chọn thời gian và địa điểm vắng người;(4) mua hàng trực tuyến; (5) nhậu trực tuyến;(6) khám bệnh từ xa; (7) tập yoga tại nhà sử dụng video;(8) mua đồ mang về hoặc đặt giao tại nhà;(9) làm việc từ xa;(10) đeo khẩu trang khi nói chuyện.

Thứ năm, về ngắn hạn, doanh nghiệp phải “cải thiện doanh thu” và “kiểm soát chi phí” để có thể duy trì hoạt động kinh doanh hiện tại nhưng về trung và dài hạn, doanh nghiệp cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ IoT như 5G, AI, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng mới đáp ứng với nhu cầu của người tiêu dùng thời kỳ hậu Covid-19, thay đổi cách thức làm việc mới do dân số trong độ tuổi lao động đang suy giảm, cải tiến nghiệp vụ trên cơ sở ứng dụng IT…

Thứ sáu, trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm tới, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch trung và dài hạn để có thể triển khai một cách chắc chắn trên cơ sở sự đồng thuận của các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng và toàn bộ nhân viên của doanh nghiệp để thực hiện các hạng mục đầu tư cần thiết, tái cơ cấu doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. ポストコロナ期における中堅中小企業の経営課題、三菱UFJリサーチ・コンサルティング、2020年7月(Báo cáo về “Những vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ hậu Covid-19”, 7/2020, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Mitsubishi UFJ).
  2. 新型コロナウイルス感染症の中小・小規模企業影響調査、中小企業機構、2020年8月(Báo cáo “Khảo sát về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhỏ”, 8/2020, Cơ quan phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMRJ):https://www.smrj.go.jp/research_case/research/questionnaire/favgos000000ogx2.html.
  3. Kết quả khảo sát của NHK,https:// www3.nhk.or.jp/news/special/coronavirus/economic-indicatots/detail/detail_14. html.
  4. Website của Bộ Tài chính Nhật Bản,https://www.mof.go.jp/policy/financial_system/fiscal_finance/coronavirus-jigyosya/index. html.
  5. Kuniyuki Tashiro, “Resilience and competitiveness of small and medium size enterpreses:an empirical research”,http://www. risktaisaku.com/articles/-/40809.
  6. “新型コロナウイルス問題と中小企業の再建”,柴原多 (Shibahara Masaru, “Vấn đề Covid-19 và tái thiết doanh nghiệp vừa và nhỏ”,Tạp chí Tình hình tài chính từ góc độ luật pháp, số 2136 (25/4/2020), Hội Nghiên cứu tình hình tài chính tín dụng), https://www.nishimura.com/ ja/articles/71303.html.
  7. “経済理論からみる新型コロナ対策の有効性”, 小林若葉(Kobayashi Wakaba, Tính hiệu quả của các chính sách đối với dịch bệnh Covid-19 nhìn từ góc độ lý thuyết kinh tế,Báo cáo nghiên cứu chuyên đề của Viện Nghiên cứu Daiwa, 12/8/202:https://www.dir.co.jp/report/research/economics/japan/20200812_021697.pdf.

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2]Thuế xây dựng đô thị là thuế đánh vào người sở hữu đất, bất động sản, được sử dụng cho mục đích xây dựng và hoàn thiện cảnh quan đô thị, các dự án công trình công ích như công viên… Thuế xây dựng đô thị là 1 loại thuế địa phương.

0thảo luận