Trang chủ

Nhân tố Trung Quốc trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Đăng ngày: 9-01-2023, 10:27 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 7

Văn Ngọc Thành1, Trần Ngọc Dũng2

 

 

Tóm tắt: Sau khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump đã thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị, quân sự trong khu vực. Khác với những đời tổng thống trước đó, Trump đã thực hiện chính sách đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Có thể nói, sự phát triển của Trung Quốc và thay đổi trong cách tiếp cận quyền lực thế giới thời Tập Cận Bình đã buộc Donald Trump phải có những chiến lược đối phó mới. Bài viết này chỉ ra rằng Trung Quốc là nhân tố then chốt tác động đến sự hình thành Chiến lược Ấn Độ Dương– Thái Bình Dương của Donald Trump trong những năm cầm quyền của ông.

Từ khóa: Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Donald Trump, Tập Cận Bình

 

 

Sau thắng lợicủa cuộc bầu cử năm 2016,Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump là sự mở rộng ảnh hưởng của Mỹ trong thế đối kháng với sự phát triển của Trung Quốc. Những chính sách của Donald Trump không chỉ xuất phát từ cách nhìn và tư duy đặc biệt của ông trong việc cạnh tranh với Trung Quốc, mà còn đến từ sự thay đổi chính sách và cách tiếp cận quyền lực thế giới của đối thủ trong giai đoạn cầm quyền của Tập Cận Bình. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến nhân tố Trung Quốc trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Donald Trump với nhận định rằng, đây là nhân tố có tính then chốt thúc đẩy những hoạt động của Mỹ trong một khu vực rộng lớn.

1. Khái quát về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific)

Những ý niệm ban đầu về việc kết nối Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vai trò, tầm ảnh hưởng của khu vực này đã được Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trình bày trong bài phát biểu năm 2007. “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” lần đầu tiên xuất hiện trong các văn bản ngoại giao năm 2011 của Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton. Bà cho rằng, Mỹ cần hợp tác với Australia không chỉ ở khu vực Thái Bình Dương mà cả ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhiệm vụ quan trọng của Mỹ là tăng cường đầu tư về ngoại giao, kinh tế, chiến lược ở khu vực này. Năm 2013, Australia khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc phạm vi quan tâm chiến lược của quốc gia này. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng phát biểu rằng: “khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng thịnh vượng, Nhật Bản cần phải duy trì được vị thế của nước tiên phong”. Năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi làm rõ khái niệm này, và cho rằng “mối quan hệ vững bền Ấn Độ - Mỹ có thể duy trì hòa bình, sự thịnh vượng và ổn định từ châu Á đến châu Phi và từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương”. Năm 2017, Australia nêu lên ý tưởng về một khu vực mở, toàn diện và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó quyền của các quốc gia đều được tôn trọng. Hệ thống tìm kiếm Factiva cho thấy, trong giai đoạn 1988-2017, cụm từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được nhắc đến trên mọi văn bản ngoại giao, truyền thông cũng như phát biểu: 1.130 lần ở Ấn Độ, 905 lần ở Mỹ, 674 lần ở Trung Quốc, 646 lần ở Australia, 465 lần ở Nhật Bản.

Từ khi khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xuất hiện, có rất nhiều ý kiến đánh giá và cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhận định rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tầm quan trọng đặc biệt trong quan hệ quốc tế, là nơi có khả năng điều tiết sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc bằng việc xây dựng các liên kết khu vực. Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng thể hiện vai trò ngày càng lớn của Ấn Độ trong khu vực. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ (US National Security Strategy - NSS) chỉ ra rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ khu vực từ bờ biển phía Tây Ấn Độ đến bờ Tây nước Mỹ. Nhật Bản và Ấn Độ chia sẻ quan điểm rằng khu vực này kéo dài đến bờ biển phía Đông của châu Phi và bao gồm toàn bộ các quốc gia quanh Ấn Độ Dương. Khu vực này bao gồm 37 quốc gia khác nhau, trong đó có hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Đây là khu vực đông dân nhất thế giới, có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất, và bao gồm 6 cường quốc hạt nhân, 8/10 cường quốc quân sự trên thế giới. Khu vực này có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, 9/10 cảng biển lớn nhất, và rất nhiều khu vực kinh tế biển quan trọng. Hàng năm có tới 5,3 nghìn tỉ USD giá trị thương mại vận chuyển qua Malacca và vùng biển Đông Nam Á, trong đó 1,2 nghìn tỉ USD là từ Mỹ. Mỗi năm có 25% lượng dầu và 50% lượng khí gas của thế giới được vận chuyển qua Malacca. Những số liệu trên cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cả về kinh tế và quân sự. Do đó, dù Mỹ hay Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng quốc tế đều cần chú ý đến khu vực này.

2. Sự phát triển của cường quốc Trung Quốc

Nhà khoa học và chính trị học, George Modelski đã xây dựng mô hình tuần hoàn về sự thịnh suy của các cường quốc từ thế kỷ XV với sự vươn lên lần lượt của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Mỹ. Theo đó, mỗi cường quốc hàng đầu thế giới thường chỉ duy trì ảnh hưởng trong khoảng 100 năm. Nước Mỹ bắt đầu vươn lên từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến nay đã đến cuối chu kỳ trên và tầm ảnh hưởng quốc tế của Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi Trung Quốc.

Khi nhắc đến cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, nhiều học giả nhận định rằng sự phát triển của Trung Quốc trong vòng 30 năm, hoặc gần hơn là 15 năm sau khi quốc gia này gia nhập WTO đã trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi tập trung vào sự phát triển đột phá, những thay đổi quan trọng của Trung Quốc sau khi ông Tập Cận Bình nắm quyền năm 2012, đặc biệt từ khi Donald Trump giành thắng lợi trong bầu cử tại Mỹ để thấy được những sức ép ngày càng lớn mà Trung Quốc tạo ra cho Mỹ. Đó có thể được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi chiến lược của Tổng thống Donald Trump ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc.

Về kinh tế, Trung Quốc đã đạt tốc độ phát triển thần kỳ từ đầu thế kỷ XXI. Năm 2000, GDP của quốc gia này đạt hơn 2 nghìn tỉ USD, năm 2010 là hơn 6 nghìn tỉ và năm 2017 lên tới 12,238 nghìn tỉ USD. Trong các năm đó, GDP của Mỹ lần lượt là 12 nghìn tỉ USD, 15 nghìn tỉ USD và 19,485 nghìn tỉ USD (số liệu theo ước tính giá trị USD năm 2010). Từ năm 2010, GDP của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, đến năm 2017 thì hơn gần gấp đôi, và bằng 59% GDP của Mỹ. Năm 2019, GDP của Mỹ là 21,4 nghìn tỉ USD, của Trung Quốc là 14,3nghìn tỉ USD, tức là vẫn chênh nhau khoảng 7 nghìn tỉ USD, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ là 2,331% trong khi của Trung Quốc là 6,267%. Trong số 500 công ty lớn nhất thế giới năm 2016, Trung Quốc có tới 103 công ty (tăng gấp gần 4 lần so với năm 2007 – 29 công ty). Về xuất nhập khẩu, năm 2016 Trung Quốc xuất hơn 2 nghìn tỉ, nhập 1,5 nghìn tỉ USD; trong khi Mỹ xuất khẩu gần 1,5 nghìn tỉ USD và nhập khẩu lên tới 2,2 nghìn tỉ USD; tức là Trung Quốc xuất siêu hơn 500 tỉ USD còn Mỹ nhập siêu hơn 500 tỉ USD. Năm 2017, Trung Quốc tiếp tục xuất siêu, và tỉ lệ này tăng 13% so với năm 2016. Năm 2019, Trung Quốc xuất sang Mỹ số hàng trị giá 451,7 tỉ USD, nhưng nhập khẩu chỉ có 206,5 tỉ USD, tức là xuất siêu lên tới 345 tỉ USD. Để mở rộng ảnh hưởng kinh tế, Trung Quốc lần lượt kí các hiệp định thương mại với Singapore, Chile, Costa Rica, Peru, Macau, Pakistan, Hong Kong; đồng thời thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển BRICS để rót vốn vào các nước trong khu vực và rộng hơn nữa thông qua chiến lược “một vành đai một con đường”. Quan trọng hơn, Trung Quốc lần lượt đưa ra chiến lược “Một vành đai, Một con đường” (OBOR) và chuyển sang Chiến lược “Vành đai - Con đường” năm 2017 (BRI) để mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc cùng những hành động mở rộng ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã dấy lên những lo lắng của chính quyền Donald Trump về việc mất đi vị thế, sức ảnh hưởng tại đây.

Về quân sự, trong khi Mỹ có xu hướng giảm dần đầu tư, từ 768 tỉ USD năm 2010 còn 597 tỉ USD năm 2017 thì Trung Quốc tăng mạnh vốn đầu tư, từ 138 tỉ USD lên 228 tỉ USD (tính theo giá trị đồng USD năm 2016), tương đương với 38% số đầu tư của Mỹ. Trong khi Mỹ sử dụng 3,1% GDP cho quân sự, Trung Quốc đầu tư 1,9% GDP. So với năm 2001, đầu tư cho quân sự của Trung Quốc tăng lên 330% (trong khi tăng trưởng kinh tế là 950%). Quân đội Trung Quốc được hiện đại hóa trong nhiều lĩnh vực. Hơn thế nữa, Trung Quốc đang tìm cách tạo lập ảnh hưởng thông qua Liên Hợp Quốc bằng việc đóng góp nhiều hơn cho hoạt động của tổ chức này, tăng cường đưa quân đến gìn giữ hòa bình tại các quốc gia trong khu vực. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ làm giảm dần vai trò của Mỹ trong khu vực và đến năm 2020, Trung Quốc sẽ cân bằng quân sự với Mỹ trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đi kèm với sự phát triển mạnh về kinh tế, quân sự, chính quyền Bắc Kinh thực hiện chiến lược đẩy mạnh vai trò, tầm ảnh hưởng ra quốc tế. Trung Quốc đã trải qua ba giai đoạn khác nhau trong chiến lược phát triển (giai đoạn nền tảng 1991-2008, giai đoạn chuyển giao 2008-2012 và giai đoạn mới với tính công kích cao hơn từ năm 2013) buộc các đời tổng thống Mỹ phải tìm cách thích nghi. Khi Mỹ sa lầy ở Iraq, rất nhiều học giả Trung Quốc đã cho rằng quốc gia này có thể nắm lấy cơ hội, mở rộng ảnh hưởng nhanh chóng vì một mục tiêu lâu dài là đoạt lấy địa vị cường quốc hàng đầu thế giới. Đến năm 2015, những chính sách của Tập Cận Bình được đánh giá là “vô cùng tham vọng để phát triển cường quốc Trung Quốc và thậm chí giúp quốc gia này chiếm lấy vai trò chủ đạo ở châu Á và Tây Thái Bình Dương. Nhìn về lâu dài, cường quốc này sẽ làm suy yếu và phá vỡ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực”. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc đang tiến gần hơn đến vũ đài trung tâm và sẽ đạt được vị trí lớn hơn của quốc gia lãnh đạo thế giới. Do đó, thay vì “giấu mình chờ thời”, Trung Quốc chuyển sang chính sách cạnh tranh, biến quốc gia này thành thị trường kinh tế và trung tâm chính trị để thu hút hợp tác từ các quốc gia khác. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi cho rằng sự phát triển của tình hình chính trị sau năm 2017 sẽ thúc đẩy cái gọi là “thời kỳ hậu Mỹ”, với vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc. Thậm chí một vài lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu nói về vai trò dẫn đầu của Trung Quốc trong thời kỳ mới.Tập Cận Bình cũng thể hiện rõ tham vọng trong chính sách ngoại giao khi đề xuất nhiều tổ chức quốc tế mới và tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao giữa các bên trong khu vực nhằm đề cao hơn nữa vai trò quốc tế của Trung Quốc. Trong Hội nghị cấp cao về chiến lược OBOR, ông khẳng định Trung Quốc muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển toàn cầu.

3. Chính sách của Donald Trump và nhân tố Trung Quốc

Mỹ luôn duy trì hai mảng chiến lược khác nhau trong thế đối phó với Trung Quốc. Trong những năm 1960 Mỹ cố gắng hứa hẹn kết nối Trung Quốc với thế giới qua các lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, khoa học, giáo dục và kinh tế. Những năm 1990 Mỹ dần thực hiện chính sách tạo sự cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương với mục tiêu cao nhất là đảm bảo vị thế hàng đầu của Mỹ trong khu vực. Bằng cách mời chào Trung Quốc tham gia vào trật tự quốc tế do Mỹ xây dựng, các đời tổng thống Mỹ muốn biến Trung Quốc thành “người chia sẻ trách nhiệm” (responsible stakeholder) trong trật tự thế giới. Mearsheimer đã chỉ ra rằng, sự vươn lên của Trung Quốc không đi cùng với hòa bình thế giới và Mỹ phải hành động để ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo lập ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng dù Mỹ thành công hay thất bại, xung đột Mỹ-Trung là điều tất yếu xảy ra. Từ đầu thế kỷ XXI, đặc biệt với việc Trung Quốc tham gia WTO và có sự phát triển mạnh mẽ từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, các học giả quốc tế đánh giá rằng dường như chính sách trước đó của Mỹ đã thất bại. Chính sách của Tổng thống Obama hướng đến hai nhiệm vụ chính là: (1) khuyến khích Trung Quốc tham gia hơn nữa vào các công việc quốc tế, đóng góp cho sự duy trì, phát triển trật tự quốc tế; (2) đánh giá lại và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Á. Ông thiên về tạo sự cân bằng trong khu vực khi Trung Quốc chưa đưa ra chiến lược cạnh tranh trực diện, trực tiếp và vẫn chia sẻ quyền lực, trách nhiệm quốc tế với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Tuy vậy, chính sách “tái cân bằng” (rebalance) của Obama không hiệu quả khi sức mạnh của Trung Quốc ngày càng lớn và tham vọng của quốc gia này được thể hiện rõ ràng trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng ra các nước láng giềng và các khu vực “trống” trên thế giới. Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền trong hoàn cảnh Trung Quốc rất tự tin vào vị thế, sức mạnh kinh tế và quân sự để có thể xác lập vai trò lớn hơn trong hệ thống Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Năm 2014, Tập Cận Bình vẫn phát biểu cẩn trọng về việc xác định vai trò của Trung Quốc, về việc cần tránh bẫy Thucydides trong quan hệ song phương Mỹ-Trung, và Trung Quốc chỉ đảm nhận trách nhiệm trong trật tự thế giới trong khả năng cho phép. Nhưng từ năm 2015, chính sách của Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ và Donald Trump cần có những đối sách, chiến lược mới để bảo vệ địa vị của Mỹ.

Năm 2016, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhận định rằng, Trung Quốc đang tìm kiếm quyền bá chủ ở Đông Á. Donald Trump nhìn nhận Trung Quốc như một cường quốc “xét lại” đang nhăm nhe vị thế của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là kẻ thù chiến lược khi sử dụng sự phát triển kinh tế và tiềm năng quân sự để đe dọa các quốc gia láng giềng. Sự “hung hăng” của Trung Quốc khiến Donald Trump thực hiện chiến lược mới, chuyển sang cạnh tranh trực tiếp với quốc gia này trong khu vực. Tháng 12/2017, Mỹ cho rằng sự vươn lên của Trung Quốc đe dọa các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nên các quốc gia này cần thiết lập các liên minh song phương hoặc hợp tác bốn bên để đối phó lại với chiến lược Vành đai – Con đường. Sức ép từ sự vươn lên của Trung Quốc khiến Mỹ thay đổi cách nhìn, từ việc coi Trung Quốc là cường quốc chia sẻ trách nhiệm đã biến thành kẻ thù nguy hiểm nhất.

Về mặt kinh tế, để đối phó với chiến lược Vành đai-Con đường (BRI), Mỹ tìm cách xây dựng “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Riêng đối với Việt Nam, tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump đến thăm Hà Nội và nhấn mạnh hơn nữa chiến lược này, nhằm tìm kiếm “bạn bè, đối tác, liên minh trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, yêu cầu các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền của các quốc gia, tự do thương mại. Ông nhấn mạnh rằng, khi Mỹ xây dựng quan hệ kinh tế với bất cứ quốc gia nào đều mong muốn tôn trọng luật chơi, chính sách mở cửa đôi bên và hướng đến việc đầu tư trực tiếp. Mỹ cho rằng, 90% đầu tư của Trung Quốc thông qua chiến lược Vành đai – Con đường là nợ thương mại và nếu đối chiếu với quy chuẩn quốc tế thì có tỉ lệ rất thấp là hỗ trợ cho chính phủ các nước. Ngược lại, Mỹ sẵn sàng cung cấp tiền để hỗ trợ các quốc gia và các dự án phát triển khác nhau trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Năm 2018, số tiền đó là khoảng 113 triệu USD cho các lĩnh vực công nghệ, năng lượng và hợp tác kinh tế. Tháng 8/2018, 300 triệu USD trong gói hợp tác mới nhằm trực tiếp chống lại chiến lược của Trung Quốc được triển khai.

Cuộc chiến thương mại là minh chứng rõ nhất về việc lo ngại ảnh hưởng từ sự vươn lên của Trung Quốc trong chính sách của Donald Trump. Ngày 22/3/2018, Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với một số sản phẩm của Trung Quốc. Điều này được thực thi với hơn 325 tỉ USD hàng hóa vào đầu tháng 5-2019 khi đàm phán hai bên đổ vỡ. Chiến tranh thương mại có nguy cơ trở thành một “cuộc chiến tranh lạnh” mới. Nguyên nhân đầu tiên cho cuộc chiến này là Mỹ lo ngại cán cân xuất nhập khẩu ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc, buộc Donald Trump phải tìm cách giảm tỉ lệ nhập siêu của Mỹ. Thứ hai, Mỹ nhắm đến việc ngăn chặn chiến lược 10 năm của chính quyền Trung Quốc trong việc phát triển trong các lĩnh vực chính của sản xuất máy móc, điện tử, công nghệ IT.

Về mặt quân sự, Donald Trump đề ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do lo lắng về khả năng Trung Quốc sẽ thay thế vai trò của Mỹ trong khu vực. Alex Wong, Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương chỉ ra vấn đề của Mỹ trong giai đoạn hiện nay là biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành khu vực tự do và rộng mở. Với cụm từ “tự do” và “rộng mở”, Mỹ rõ ràng đang chống lại Trung Quốc khi mong muốn các quốc gia cùng hợp tác trên bình diện quốc tế, tuân thủ luật pháp, và quyền của các nước cũng như vấn đề nhân quyền. Để thực hiện điều này, Donald Trump không tin tưởng vào cơ chế hợp tác đa phương hay vai trò dẫn đầu của các thể chế kinh tế. Thay vào đó, Donald Trump mong muốn những hợp tác song phương, ba bên, thậm chí bốn bên. Ví dụ, tháng 6/2017, Tổng thống Donald Trump gặp Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, cam kết hai nước sẵn sàng cho việc hợp tác trong khu vực khi Trung Quốc không thể hiện “trách nhiệm” ở Đông Nam Á. Những phát biểu sau đó của giới chức Mỹ đều đề cao vai trò của Ấn Độ, coi giai đoạn mới này là mở đầu của hợp tác song phương cho sự phát triển trong thế kỷ mới, và sự hợp tác vững mạnh giữa hai nước là nền tảng cho nền hòa bình trong khu vực. Tháng 4/2018, Mỹ-Nhật-Ấn Độ đã thống nhất liên minh bền vững để hỗ trợ xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng, hòa bình. Ngoài ra, Mỹ tái tổ chức Diễn đàn hợp tác quân sự bốn bên (the Quadrilateral Security Dialogue - the Quad), bao gồm Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ năm 2017 nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Về mặt lý thuyết, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phản ánh quá trình phát triển trong tư duy cạnh tranh của người Mỹ. Ban đầu, sự phát triển của Trung Quốc thách thức vai trò của Mỹ, buộc Mỹ phải phản ứng lại bằng cách tạo ra sự cân bằng trong cả nội tại nước Mỹ và trật tự thế giới bên ngoài. Sự cân bằng không chỉ cho nước Mỹ, mà cho cả Australia, Nhật Bản, Ấn Độ trong thế đối sánh với Trung Quốc. Dù hiểu theo cách nào, chiến lược mới yêu cầu sự hợp tác khu vực về cả kinh tế và an ninh trong mối tương quan đối đầu Mỹ - Trung.

Trước tiên, Mỹ khẳng định vai trò, sự quan tâm của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho rằng đó là khu vực Mỹ có biên giới biển dài nhất, có nhiều đồng minh nhất và là nhà của hạm đội Thái Bình Dương. Tháng 5/2018, Donald Trump đổi tên Hạm đội Thái Bình Dương (PACOM) thành Hạm đội Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPCOM) với sự phục vụ của khoảng 375.000 lính và nhân viên. Đồng thời, thông qua việc tập trận RIMPAC tại Hawaii, Đô đốc Aquilino cho rằng đây chính là cơ hội để nâng cao sự hợp tác giữa các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính sách quân sự chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc được Trung tâm Chiến lược phòng thủ quốc gia (NDS) và Trung tâm Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) đề xuất. NDS cho rằng, Mỹ cần chuẩn bị cho chiến tranh và ngăn chặn xung đột ở cả Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu và Đông Á. Trong năm 2018, Mỹ chi tới 639 tỉ USD để phòng vệ quốc gia, tăng 10% so với năm 2017. Năm 2019, con số đó là 717 tỉ (có số liệu là 750 tỉ USD), bao gồm cả phòng vệ trong nước và giúp đỡ đồng minh. Mỹ chi cho việc duy trì và mở rộng căn cứ quân sự Mỹ ở Australia là 14,5 triệu, vùng lãnh thổ Anh ở Ấn Độ Dương là 83,3 triệu, Nhật Bản là 5,155 tỉ, Hàn Quốc là 3,464 tỉ và Singapore là 77,5 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ dự định chi tới 300 triệu USD cho hỗ trợ hợp tác duy trì an ninh; 113 triệu cho hoạt động kết nối kinh tế, năng lượng trong khu vực. Việc đầu tư trên không chỉ hỗ trợ cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn tạo điều kiện cho những hoạt động ngoại giao của Mỹ trong khu vực để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia.

4. Kết luận

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể nhìn nhận ở 3 phương diện khác nhau về lý thuyết: (1) bộ mặt “hiện thực” chính là chiến lược cân bằng chống lại Trung Quốc; (2) bộ mặt “tự do” là thành lập những thiết chế có tính tổ chức để phối hợp giữa các quốc gia liên kết hai đại dương; (3) bộ mặt “kiến tạo” là những ý niệm về việc phát triển giá trị phương Đông cũng như những tiêu chuẩn ngoại giao căn bản trong khu vực. Nếu nhìn nhận từ góc độ lý thuyết, dù là hiện thực, tự do hay kiến tạo thì Trung Quốc cũng là trung tâm trong việc hoạch định chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự trỗi dậy đầy “hung hăng” của Trung Quốc thời Tập Cận Bình, cùng những vấn đề của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sự khác biệt hệ tư tưởng với vai trò các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều là thách thức lớn của Mỹ trong việc duy trì vị trí siêu cường cũng như phổ biến các giá trị Mỹ. Dĩ nhiên, trong thế giới hiện đại được thể chế hóa bởi luật pháp quốc tế, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc không chỉ được thiết kế trên cơ sở lợi ích quốc gia mà còn phải dựa trên các thể chế, phù hợp với hệ thống quốc tế. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do Donald Trump khởi xướng đang chứng minh điều đó. Có thể nói, Trung Quốc với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, sự mở rộng tầm ảnh hưởng toàn diện trên nhiều lĩnh vực đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải tìm cách thay đổi cách thức tiếp cận, chính sách đối với các khu vực chiến lược quan trọng, và từ đó dẫn đến hình thành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Như vậy, Donald Trump đã tìm cách thiết lập vành đai quân sự ở Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương nhằm chống lại ảnh hưởng về mặt kinh tế, quân sự của Trung Quốc qua chiến lược Vành đai – Con đường. Đầu tư quân sự vào đồng minh của Mỹ chính là tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng và vị thế của Mỹ trong khu vực.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Thái Yên Hương (2018), “Từ châu Á – Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do: tiếp cận theo góc độ lịch sử và văn hóa chính trị”, Nghiên cứu Lịch sử, số 1 , tr. 65-75.

2. S. Boros (2018), “Changing role of China in the international politics of the last 15 years in reflection to the US”, Contemporary Chinese political economy and strategic relations: An international Journal, 4, pp. 221-245.

3. M. Beeson, S. Hameiri (eds.) (2017), Navigating the new international disorder: Australia in world affairs 2011-2015, Oxford University Press, Melbourne.

4. Department of State, “US Security Cooperation in the Indo-Pacific Region”, 4/8/2018.

5. K. He (2018), “Three Faces of the Indo-Pacific: Understanding the “Indo-Pacific” from an IR Theory Perspective”, East Asia, 35, pp. 149-161.

6. E. Hegenbotham, M. Nixon (eds.) (2015), The US-China military scorecard: forces, geography, and the evolving balance of power, 1996-2017, RAND Corporation, Santa Monica.

7. C.K. Johnson (ed) (2014), Decoding China’s emerging “Great Power’ strategy in Asia, Center for Strategic & International Studies, Washington.

8. G. Modelski (1988), Sea power in global politics, 1494-1993, Macmillan Press, London.

9. D.M. Lampton, “China: Challenger or Challenged?”, The Washington Quarterly, 39 (2016), pp. 107-119.

10. E.B. Montgomery (2017), Reinforcing the front line: US defense strategy and the rise of China, Center for Strategic and Budgetary Assessments, Washington.

11. M. Pompeo, “America’s Indo-Pacific economic vision”, 30/6/2018, http://www.stage. gov/secretary/remarks/2018/07/284722.htm.

 

 

 

 

 

 

0thảo luận