Trang chủ

Lợi ích của Trung Quốc sau khi RCEP được ký kết

Đăng ngày: 9-01-2023, 10:21 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 7

Trần Thị Mỹ Hoa1

 

Tóm tắt: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, kết nối khu vực kinh tế năng động và phát triển hiện nay, bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Việc ký kết RCEP thể hiện mong muốn của các nước thành viên về một khuôn khổ thương mại tự do khu vực, mang lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế và là bước ngoặt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Trung Quốc là quốc gia thành viên và được hưởng lợi nhiều từ RCEP. Bài viết phân tích làm rõ ý nghĩa của hiệp định RCEP đối với Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị.

Từ khóa: Hiệp định RCEP,  thương mại tự do, Trung Quốc


1. Khái quát về RCEP[1]

Hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu của thế giới trong thời đại ngày nay, thể hiện một phần ở sự xuất hiện của các tổ chức kinh tế khu vực và toàn cầu, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ra đời là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của tất cả các nước tham gia đàm phán, mang lại cục diện mới, kết cấu mới và cú hích mới cho thương mại khu vực và quốc tế.

Hiệp định RCEP chính thức khởi động đàm phán từ tháng 11 năm 2012 tại Phnom Penh (Campuchia), thành viên bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Australia. Tháng 3 năm 2013, RCEP bắt đầu các cuộc đàm phán đầu tiên. Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, RCEP dường như có động lực nhiều hơn khi một số thành viên từng muốn thông qua TPP để mở rộng thị trường ở nước ngoài chuyển hy vọng sang RCEP. TPP sau đó được sửa đổi thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 11 nước và không có Mỹ, Nhật Bản giữ vai trò chủ đạo. TPP chủ yếu dựa vào các quốc gia châu Á, quảng bá cơ chế hợp tác đa phương về thương mại tự do tiêu chuẩn cao, nhưng lại gạt Trung Quốc nền kinh tế quan trọng khu vực châu Á- Thái Bình Dương ra ngoài. Điều này buộc Trung Quốc phải tích cực hơn trong việc tham gia RCEP, thúc đẩy các bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Đây được coi là một trong những sách lược quan trọng để ứng phó và phá vỡ vòng bao vây của TPP đối với Trung Quốc[2]. Tháng 11 năm 2019, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi RCEP, đồng thời hoàn tất các cuộc đàm phán. Tháng 11 năm 2020, tình hình quốc tế chuyển biến phức tạp, toàn cầu hóa bị cản trở, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dai dẳng, niềm tin vào hệ thống thương mại đa phương giảm; đồng thời các nước trên thế giới phải chịu những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, kinh tế trong khu vực đều bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch. Bất chấp những khó khăn trên, chính phủ các quốc gia thành viên đã ký kết thành công hiệp định RCEP. Điều này thể hiện sự quyết tâm và tin tưởng lẫn nhau của các nước thành viên trong việc duy trì thể chế thương mại đa phương, xây dựng hệ thống kinh tế mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng và ổn định kinh tế toàn cầu thông qua những hành động thực tế.

Mục tiêu của hiệp định là thiết lập khuôn khổ đối tác kinh tế hiện đại, tự do, toàn diện, chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực; đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu[3].

RCEP bao gồm 20 chương và các phụ lục. Trong đó, ngoài các nội dung cơ bản của hiệp định thương mại tự do như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, tiêu chuẩn đầu tư… còn có các quy định về các vấn đề thương mại mới xuất hiện như thương mại điện tử, quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, mua sắm chính phủ. RCEP không chỉ cam kết dỡ bỏ các rào cản thương mại trong phạm vi các nước thành viên, tạo dựng và cải thiện môi trường đầu tư, thương mại tự do hơn, mà còn xây dựng các quy tắc thương mại quốc tế thế hệ mới.

Về cắt giảm thuế quan, các nước thành viên cam kết giảm thuế về mức bằng 0 hoặc giảm về mức này trong vòng 10 năm tới. Về đầu tư, các nước thành viên cam kết đãi ngộ mở cửa mang tính thực chất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Về quy tắc xuất xứ, RCEP lựa chọn quy tắc xuất xứ sản phẩm linh hoạt cho doanh nghiệp các nước thành viên, nhằm đẩy nhanh xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất trong khu vực. Về quy trình hải quan và thuận lợi hóa thương mại, RCEP đưa ra nhiều quy tắc minh bạch và hiệu quả hơn để giảm bớt hàng rào phi thuế quan, tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển tự do các yếu tố sản xuất và hàng hóa trong khu vực[4]. Ngoài ra, RCEP còn áp dụng cơ chế thương mại mềm dẻo và linh hoạt do trong số các nước thành viên có cả các nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển, có sự khác biệt rõ rệt về hệ thống và quy mô thị trường. Từ đó, tất cả thành viên đều có thể được hưởng lợi từ cơ chế.

RCEP là cơ chế kinh tế khu vực có tổng lượng kinh tế lớn hơn CPTPP, có thể tạo ra sức hấp dẫn về cơ chế tương đối mạnh mẽ đối với các nước bên ngoài khu vực trên các phương diện như không gian thị trường, tiềm năng quy tắc... RCEP sau khi ký kết và thực thi sẽ tạo nên một khu vực thương mại tự do lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng gần 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa quy tắc xuất xứ, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại[5]. Là hiệp định gồm hầu hết tất cả các nền kinh tế lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển sôi động, trong đó quy tụ hai nền kinh thế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, RCEP hứa hẹn sẽ là một khu vực thương mại tự do có tiềm năng phát triển lớn nhất thế giới, hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích chung. Giới chuyên gia nhận định RCEP sẽ kết nối khoảng 30% dân số và sản lượng kinh tế của thế giới. RCEP có thể bổ sung 209 tỷ USD vào khoản thu nhập hàng năm của thế giới và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030[6].

Sau 8 năm đàm phán, RCEP được ký kết và làm dấy lên những hy vọng về tương lai, đồng thời tiếp thêm động lực mới cho việc thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu hậu COVID-19. Là mảng màu sáng trong bức tranh kinh tế thế giới, RCEP tạo ra một khuôn khổ thương mại tự do rộng lớn, mang lại lợi ích lớn cho tất cả các nước thành viên.

2. Lợi ích của RCEP đối với Trung Quốc

RCEP là hiệp định thương mại tự do đa phương có quy mô lớn đầu tiên mà Trung Quốc ký kết, đặt nền tảng thể chế hóa cho việc xây dựng khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất toàn cầu, có ý nghĩa đặt cột mốc rất quan trọng. Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất của RCEP và cũng như các nước thành viên khác, Trung Quốc trở thành quốc gia được hưởng lợi nhiều từ RCEP, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp như hiện nay.

2.1. Về chính trị

Trước hết, thành công của RCEP là một thắng lợi địa chính trị của Trung Quốc vào thời điểm Mỹ dường như đang rút lui khỏi châu Á - Thái Bình Dương dựa trên chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump. Cho đến nay vẫn chưa rõ Mỹ có đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại lớn nào với các nền kinh tế trong khu vực dưới thời Tổng thống Joe Biden hay không. Nhưng tính đến thời điểm này, Trung Quốc là nước đi đầu trong việc xây dựng thành công khu vực thương mại tự do đa phương không có sự tham gia của Mỹ. Điều này góp phần khôi phục tinh thần hợp tác kinh tế - thương mại đa phương giữa Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và là biểu trưng cho thắng lợi quan trọng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do[7]. Đây là sự đảo ngược đối với chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương của Tổng thống Mỹ Donal Trump. Lãnh đạo các quốc gia và chuyên gia kinh tế trên thế giới đưa ra nhận định tích cực về thỏa thuận thương mại này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định: “Hiệp định RCEP sẽ vượt qua các rào cản biên giới và góp phần khôi phục chủ nghĩa đa phương và trật tự thương mại tự do”. Về phía Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi), ông nhận định: “Việc ký kết hiệp định RCEP đánh dấu cam kết mạnh mẽ của Indonesia về chủ nghĩa đa phương”. Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia Simon Birmingham cho rằng: “Hiệp định RCEP là thỏa thuận cực kỳ quan trọng, mang tính biểu tượng trong bối cảnh bất ổn hiện nay của thương mại toàn cầu”[8]. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đánh giá cao hiệp định, ông cho rằng đây không chỉ là một thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác khu vực Đông Á, mà còn là một thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. “Được ký kết sau tám năm đàm phán, RCEP cho phép mọi người nhìn thấy ánh sáng và hy vọng trong bóng tối, chứng minh rằng chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do vẫn là hướng đi chính và đúng đắn cũng như hướng đi đúng đắn cho nền kinh tế toàn cầu và nhân loại”[9]. RCEP mang lại cho Trung Quốc không gian hành động, đặc biệt trong bối cảnh RCEP không có sự tham gia của Mỹ và Ấn Độ, giúp Trung Quốc loại bỏ các ảnh hưởng đối trọng, qua đó trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Á nói riêng và châu Á nói chung.

Th hai, thành công của RCEP là dấu mốc quan trọng thể hiện những thắng lợi trong chiến lược ngoại giao kinh tế của Bắc Kinh. RCEP giúp Trung Quốc tăng cường quan hệ với các đối tác kinh tế trong khu vực, tạo thành khối kinh tế chặt chẽ và trụ cột vững chắc, là khoảng không gian để Trung Quốc triển khai các chiến lược phát triển, mở rộng thị trường, chuyển hướng thương mại nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Việc mở rộng quan hệ ngoại giao với các quốc gia sẽ giảm áp lực trong khi Trung Quốc và Mỹ tách rời về kinh tế; khiến cho kế hoạch nhằm cô lập và hạn chế những ảnh hưởng của Trung Quốc khỏi chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ khó đạt kết quả như mong muốn. Cụ thể:

Quan hệ chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN được củng cố bền chặt. RCEP là bước đột phá mang tính lịch sử trong hợp tác ASEAN - Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và phát triển bền vững. Học giả Dụ Hồng thuộc Viện Nghiên cứu Đông Á - Đại học Quốc gia Singapore đánh giá, việc ký RCEP sẽ mang lại một động lực mới cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN vẫn phát triển mạnh mẽ[10], đồng thời mối quan hệ này càng được củng cố nhờ việc ký kết RCEP.

RCEP còn là dấu mốc quan trọng trong tiến trình thực hiện chiến lược FTA (hiệp định thương mại tự do) của Trung Quốc; RCEP mang đến cho Trung Quốc những kinh nghiệm trong việc thiết lập và xây dựng mạng lưới FTA. RCEP tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thiết lập khu vực thương mại tự do Trung - Nhật – Hàn, ba quốc gia lớn chiếm khoảng 90% quy mô kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quy mô xuất nhập khẩu thương mại và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 70% khu vực châu Á - Thái Bình Dương[11]. Song do các vấn đề xung đột địa chính trị, tàn dư của lịch sử, tranh chấp lãnh thổ mà ba thực thể kinh tế lớn ở Đông Á gặp nhiều trở ngại trên con đường đàm phán hiệp định thương mại tự do. Việc đạt được thỏa thuận cắt giảm thuế quan giữa Trung - Nhật, Nhật - Hàn là bước đột phá mang tính lịch sử, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc kí kết hiệp định thương mại tự do ba bên Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản.

Như vậy có thể thấy, RCEP giúp Trung Quốc mở rộng cánh cửa mới với bên ngoài, tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác kinh tế trong khu vực, mở rộng vòng bạn bè; nâng cao các lợi thế cạnh tranh mới, giúp Trung Quốc ngày càng có vị thế chủ động hơn trong cạnh tranh quốc tế, từ đó nâng tầm ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực và trên toàn thế giới.

Thứ ba, RCEP giúp Trung Quốc hiện thực hóa tốt hơn việc kết nối chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối lưu thông hàng hóa, kết nối tài chính và kết nối lòng dân trong việc thúc đẩy xây dựng chính sách Vành đai, Con đường (BRI). BRI là sáng kiến kết nối cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường biển và đường không giữa Trung Quốc với thế giới, mở rộng hợp tác công nghiệp, tăng nguồn cung hiệu quả, tạo ra nhu cầu mới nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đã ký kết 197 dự án hợp tác xây dựng BRI với 137 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế, trong đó nhiều nước tham gia “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc cũng là thành viên của RCEP; Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là các bên tham gia trong sáng kiến BRI của Trung Quốc[12]. Những thỏa thuận của RCEP phù hợp với BRI, từ đó tạo điều kiện cho các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư của Trung Quốc phát triển trên khắp Đông Nam Á. RCEP là một bước tiến quan trọng, cùng với BRI, Trung Quốc thể hiện nỗ lực của mình để trở thành quốc gia giữ vai trò định hình các mô hình đầu tư và thương mại trong khu vực.

Thứ tư, RCEP giúp giảm bớt quan điểm cho rằng Trung Quốc đang hướng nội nhiều hơn với “chiến lược tuần hoàn kép”, tập trung vào nền kinh tế quốc nội nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế. Với chiến lược này, Trung Quốc dường như muốn giảm bớt sự phụ thuộc tăng trưởng vào thương mại quốc tế, nhất là với Mỹ. Nhưng Trung Quốc sẽ không “tự cô lập mình” mà đồng thời tận dụng thương mại và đầu tư nước ngoài - hướng tới tăng trưởng thông qua các hiệp định thương mại tự do, dự án Vành đai, Con đường. Bởi vậy, RCEP chính là minh chứng cho thấy một Trung Quốc tích cực hội nhập thị trường toàn cầu, sẵn sàng mở cửa với bên ngoài, chủ động làm sâu sắc các quan hệ hợp tác đối ngoại, tạo ra nhiều cơ hội và dư địa cho sự phục hồi, phát triển và đổi mới của kinh tế thế giới.

Nhìn nhận về ý nghĩa chính trị của RCEP đối với Trung Quốc, ông Lý Minh Giang, Phó Giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng, RCEP sẽ đem lại lợi ích địa chính trị rõ rệt cho Trung Quốc khi gạt Mỹ sang một bên và rút ngắn khoảng cách trong quan hệ kinh tế thương mại giữa các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương với Trung Quốc, khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc sử dụng kinh tế thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngăn chặn sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Xét dưới một góc độ nào đó, RCEP giúp Bắc Kinh đối phó được với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington[13]. Trên thực tế, khó có thể định liệu được hết tất cả những gì mà RCEP có thể mang lại cho Bắc Kinh, tuy nhiên phải khẳng định rằng việc RCEP được ký kết thành công đã trở thành ý nghĩa biểu tượng lớn đối với Trung Quốc, giúp Trung Quốc “thêm bạn bớt thù” và đây là yếu tố vô cùng cần thiết trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

2.2. Về kinh tế

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo nên những bức tường rào cản trở sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh mới, chưa rõ liệu sẽ có những đổi thay trên mặt trận thương mại dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Bidden hay không, song trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, Trung Quốc kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Á. Việc Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực sẽ góp phần tích cực trong việc phát triển và phục hồi nền kinh tế, duy trì lợi thế cạnh tranh quốc tế.

Trước hết, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan cùng những cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ… sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc cùng các nước thành viên tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, mở ra tiềm năng tiếp cận các thị trường mới. Trung Quốc có thể dựa vào nền tảng RCEP để thúc đẩy việc dịch chuyển một số bộ phận sản xuất sang các nước đang phát triển trong khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cấp các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, việc mở rộng khu vực thương mại tự do cùng xu hướng hội nhập tạo thành thị trường lớn sẽ mang lại những lợi ích cho Trung Quốc, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đạt được những thị phần lớn hơn trên thị trường, giúp Bắc Kinh mở rộng không gian thị trường xuất khẩu. Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 13/4/2021, trong quý đầu tiên năm 2021, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với 14 quốc gia thành viên RCEP  là 2,67 nghìn tỷ nhân dân tệ (410,27 tỷ USD), tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31,5% tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc[14]. Với RCEP, sản phẩm công nghệ của Trung Quốc sẽ có thị trường tiêu thụ rộng lớn không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai. Điều này tạo vị thế cho Trung Quốc, đặc biệt trong cuộc cạnh tranh về công nghệ với Mỹ và Liên minh châu Âu.

Bên cạnh xuất khẩu, nhập khẩu Trung Quốc cũng được hưởng lợi nhiều từ RCEP, ông Vương Thụ Văn, Thứ trưởng Bộ Thương mại cho biết, về nhập khẩu, doanh nghiệp Trung Quốc cần mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện, máy móc thiết bị từ 14 quốc gia còn lại, thuế cũng sẽ giảm đi; đầu tư sẽ tăng trưởng và đem lại những lợi ích rõ rệt trong tạo việc làm ở Trung Quốc. Theo tính toán của nhà nghiên cứu thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, trong thời kỳ “5 năm lần thứ 14” (2021-2025), RCEP sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư và GDP nước này lần lượt thêm 1,95; 1,63; 0,09 và 0,04 %, trong đó riêng ngành dệt may là 0,86% [15]. Tóm lại, các tiêu chuẩn nhập khẩu trong RCEP không quá khắt khe đã tạo điều kiện cho việc giao thương thuận lợi; từ đây Trung Quốc mở rộng thị trường xuất khẩu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhập khẩu tiêu dùng trong nước, qua đó duy trì ổn định thương mại đối ngoại và đầu tư nước ngoài. Năm 2020, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước RCEP chiếm 27% tổng giá trị xuất khẩu của Bắc Kinh và nhập khẩu từ các thành viên RCEP chiếm 37,8 % tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc[16].

Thứ hai, việc ba quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia đã thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ, ngoài việc mở ra cánh cửa thị trường mới rộng lớn, còn mang lại hy vọng về thỏa thuận thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn. Nhật Bản cam kết sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 56% lượng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc[17]. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với rượu sake nhập khẩu từ Nhật Bản sau khi RCEP có hiệu lực, đồng thời dỡ bỏ thuế đối với khoảng 87% phụ tùng ô tô, sản phẩm thép và đồ điện gia dụng từ Nhật Bản[18]. Theo ước tính của Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Mỹ, xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 248 tỷ USD nhờ RCEP, trong khi xuất khẩu của Nhật Bản tăng thêm 128 tỷ USD và của Hàn Quốc khoảng 63 tỷ USD. Giao dịch giữa ba nước sẽ tăng lên đáng kể[19]. Hình ảnh dưới đây biểu thị ước tính ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ là những quốc gia thu được lợi nhiều nhất sau khi RCEP có hiệu lực.

Thứ ba, RCEP thúc đẩy mạnh mẽ Trung Quốc thực hiện các đổi mới cơ chế nhằm hỗ trợ đắc lực nền kinh tế mở trong kỷ nguyên mới và thúc đẩy mô hình phát triển mới với lưu thông trong nước là trụ cột, ngoài ra lưu thông trong nước và quốc tế sẽ thúc đẩy lẫn nhau, tạo thành hệ thống vòng tuần hoàn kép “trong nước và quốc tế”. RCEP giúp các công ty Trung Quốc tham gia sâu hơn vào thị trường, tăng cường khả năng phân bổ nguồn lực trong nước và quốc tế. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc đổi mới, cải cách và phát triển trong nước thông qua chính sách mở cửa, đồng thời liên tục chuyển đổi và nâng cấp các lĩnh vực khác nhau, củng cố vị trí trong các chuỗi cung ứng khu vực, hỗ trợ hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao.


Dự kiến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ thu được lợi nhiều nhất từ RCEP

(Ước tính ảnh hưởng của hiệp định đến xuất khẩu năm 2030, tính bằng tỷ USD)

Lợi ích của Trung Quốc sau khi RCEP được ký kết

Nguồn: Viện kinh tế quốc tế Peterson (Trích tại: https://asia.nikkei.com/Spotlight/Asia-Insight/RCEP-China-to-gain-as-trade-pact-ripples-across-post-COVID-world)


Thứ tư, RCEP dự kiến ​​cũng sẽ thúc đẩy thương mại điện tử giữa Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực. Chương 12 của hiệp định đã trình bày cụ thể về thương mại điện tử. Các quy định, khuôn khổ pháp lý để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử, bao gồm bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thương mại điện tử. Chương này cũng giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu thông qua các quy định về vị trí của các cơ sở xử lý dữ liệu và chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng các phương tiện điện tử. Đầu tháng 3/2021, bên lề kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIII, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết Bắc Kinh đã chính thức phê chuẩn RCEP. RCEP sẽ có hiệu lực khi có ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt hiệp định. Theo ông, hiệp định này có hiệu lực sớm sẽ tạo điều kiện để người dân của các nước tham gia sớm được hưởng lợi[20]. Để hỗ trợ các doanh nghiệp và các bộ ngành nắm toàn diện về các quy tắc của RCEP, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo thi hành toàn diện các nghĩa vụ khi RCEP có hiệu lực, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tổ chức lớp đào tạo trực tuyến trên phạm vi cả nước với nội dung xoay quanh 6 lĩnh vực gồm: cơ điện, thông tin điện tử, công nghiệp nhẹ, dệt may, hóa dầu, nông nghiệp, đi sâu phân tích cơ hội và các thách thức do RCEP mang lại, nêu một số khuyến nghị. Ngày15/4/2021, Trung Quốc đã trình văn kiện thông quan RCEP tới Ban Thư ký ASEAN. Từ đây, Trung Quốc trở thành nước thành viên đầu tiên không thuộc khối ASEAN chính thức hoàn tất tiến trình phê chuẩn RCEP. Trước đó, ngày 9/4/2021 Singapore đã phê chuẩn RCEP và nộp lưu chiểu văn kiện.

3. Một số nhận xét

RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của các nước thành viên. RCEP góp phần bổ sung động lực mới thúc đẩy sự phát triển phồn vinh của khu vực, là làn gió mới cho sự tăng trưởng mang tính phục hồi của nền kinh tế thế giới, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững. Mặc dù vẫn có nhiều thách thức ở phía trước, song trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và tác động của đại dịch COVID-19, việc ký kết RCEP như một thông điệp gửi tới thế giới rằng các nước trong khu vực vẫn lạc quan vào một tương lai rộng mở; là bước đệm để tăng lòng tin vào cơ chế thương mại đa phương, tạo động lực quan trọng để các nước khu vực chung tay vượt qua thách thức, thích nghi với tình hình mới.

Có thể thấy, RCEP đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất toàn khối. RCEP trở thành công cụ chính sách kinh tế đối ngoại đặc trưng của Trung Quốc, giúp củng cố vai trò lãnh đạo kinh tế và thương mại khu vực, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh trước áp lực kinh tế lớn hơn từ Mỹ. Khi những bất ổn liên tục diễn ra trong môi trường thương mại và đầu tư, RCEP dự kiến sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho hoạt động thương mại của Trung Quốc; mở ra cơ hội ổn định kinh tế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đồng thời bù đắp phần nào các thiệt hại từ cuộc chiến thương mại. Bên cạnh đó là triển vọng sáng cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Việc ký kết RCEP còn là minh chứng cho mối quan hệ có phần khởi sắc của Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc, khi RCEP nhận được sự ủng hộ của cả hai đồng minh trung thành của Mỹ. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng, các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến cho các hoạt động kinh tế ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, RCEP có thể sẽ là công cụ hữu ích giúp Trung Quốc giữ vững vị thế trong các chuỗi giá trị quốc tế đang chuyển dịch sau đại dịch. Đặc biệt, RCEP giúp lấp đầy khoảng trống trong hệ thống thương mại khu vực, tạo ra một thỏa thuận thương mại chưa từng có giữa ba quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các dự đoán sâu hơn về tầm quan trọng và tác động của RCEP sẽ phải chờ khi tất cả các quốc gia thành viên phê chuẩn thỏa thuận. Tuy nhiên, RCEP bước đầu thắp lại hy vọng và niềm tin của thế giới về một mô hình hợp tác; là tín hiệu cho thấy sự hợp tác này đang phát huy hiệu quả; đồng thời cho thấy rõ hơn vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương, một Trung Quốc sẵn sàng bắt tay với cộng đồng quốc tế, cùng các quốc gia thành viên luôn ủng hộ hình thức toàn cầu hóa mới, xây dựng mô hình hợp tác ngày càng phát triển và sôi động hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “China, 14 other economies sign RCEP in historic win for multilateralism”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/content/1206828.shtml, ngày 15/11/2020.

2. Rajaram Panda (2020), “Is the RCEP China’s Gain and India’s Loss?”, China Brief Volume, Issue: 22, ngày 23/12/2020.

3. “RCEP: China to gain as trade pact ripples across post-COVID world”, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Spotlight/Asia-Insight/ RCEP-China-to-gain-as-trade-pact-ripples-across-post-COVID-world.

4. Thông tấn xã Việt Nam, “Tác động của RCEP với Trung Quốc”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 15 /11/2020.

5. Thông tấn xã Việt Nam, “RCEP - Cú hích mới cho Châu Á”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 17 /11/2020.

6. Thông tấn xã Việt Nam, “Vì sao Ấn Độ không tham gia RCEP?”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 21/11/2020.

7. Thông tấn xã Việt Nam, “RCEP - Thắng lợi chiến lược của Trung Quốc”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 29 /11/2020.

8. Ministry of Commerce People's Republic of China, The leading official of the Department of International Trade and Economic Affairs of MOFCOM expounded on the Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP) Agreement (I), http://english.mofcom.gov.cn/ article/newsrelease/policyreleasing/202011/20201103017259.shtml.

 

 


[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Thông tấn xã Việt Nam, “RCEP mang lại gì cho Trung Quốc”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 06 /12/2020.

[3] Nội dung tóm tắt về hiệp định RCEP, https://www. moit.gov.vn/documents/36315/0/FILE_20201115115103_20201115_115046.pdf/d468691e-9a1c-4866-a3ae-366af3 9cf11a.

[4] Thông tấn xã Việt Nam, “RCEP - Thắng lợi chiến lược của Trung Quốc”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 29/11/2020.

[5] Bộ Công Thương Việt Nam, “Giới thiệu lời văn các chương và phụ lục của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)”, https://www.moit.gov.vn/web/ guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/gioi-thieu-loi-van-cac-chuong-va-phu-luc-cua-hiep-%C4%91inh-%C4%91oi-tac-kinh-te-toan-dien-khu-vuc-rcep--20843-22.html.

[7] “RCEP có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc”, https://ngkt.mofa.gov.vn/rcep-co-y-nghia-chien-luoc-doi-voi-trung-quoc/.

[8] “Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới nhận định tích cực về Hiệp định RCEP”, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/lanh-dao-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-nhan-dinh-tich-cuc-ve-hiep-dinh-rcep-76581.htm.

[9] Global Times, “China, 14 other economies sign RCEP in historic win for multilateralism”, https://www.globa ltimes.cn/content/1206828.shtml.

[10] “RCEP mang lại động lực mới cho hợp tác kinh tế Trung Quốc”, https://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/ 16684-rcep-mang-lai-dong-luc-moi-cho-hop-tac-kinh-te-trung-quoc—asean.

[11] Thông tấn xã Việt Nam, “RCEP - Cú hích mới cho Châu Á”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 17 /11/2020.

[12] Thông tấn xã Việt Nam, “RCEP - Cú hích mới cho Châu Á”, Tlđd, ngày 17 /11/2020.

[13] “Trung Quốc giành lợi thế từ RCEP”, https://vov. vn/kinh-te/trung-quoc-gianh-loi-the-tu-rcep-818325.vov.

[14] “RCEP faces challenges as comprehensive China-US competition takes shape: experts at Boao forum”, https://www.globaltimes.cn/page/202104/1221497.shtml.

[15] “Trung Quốc giành lợi thế từ RCEP”, https://vov. vn/kinh-te/trung-quoc-gianh-loi-the-tu-rcep-818325.vov.

[18] “Giới kinh doanh Nhật Bản kỳ vọng RCEP sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư ở châu Á”, https://bnews.vn/gioi-kinh-doanh-nhat-ban-ky-vong-rcep-se-thuc-day-thuong-mai-va-dau-tu-o-chau-a/178007.html.

[19] Nikkei Asia, “RCEP: China to gain as trade pact ripples across post-COVID world”, https://asia.nikkei.com/ Spotlight/Asia-Insight/RCEP-China-to-gain-as-trade-pact-ripples-across-post-COVID-world.

[20] “China has officially ratified RCEP deal: commerce minister”, http://www.xinhuanet.com/english/2021-03/08/ c_139794703.htm.

0thảo luận