Trang chủ

Luật cơ bản về văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản: Nội dung và một số vấn đề đặt ra

Đăng ngày: 2-01-2023, 14:47 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 7

Nguyễn Dương Đỗ Quyên1

 

 

Tóm tắt: Năm 2001, Nghị viện Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về chấn hưng văn hóa nghệ thuật- văn bản luật có tính chất nền tảng nhằm xây dựng quốc gia văn hóa – nghệ thuật. Sau 16 năm, luật được sửa đổi để đáp ứng những chuyển biến của xã hội Nhật Bản và quốc tế, thể hiện nhận thức chung của xã hội Nhật Bản về tầm quan trọng của chính sách văn hóa nghệ thuật cũng như nỗ lực tham gia của các nguồn lực trong phát triển văn hóa nghệ thuật trong sự kết nối mật thiết với các lĩnh vực đời sống. Trên cơ sở phân tích và tổng hợp nghiên cứu của các nhà chuyên môn Nhật Bản, bài viết trình bày những nội dung quan trọng của Luật cơ bản về chấn hưng văn hóa nghệ thuật năm 2001, Luật sửa đổi năm 2017, những hạn chế và vấn đề đặt ra trong thực thi luật nhằm cung cấp một góc nhìn khái quát về trường hợp Nhật Bản và gợi mở những vấn đề chính sách liên quan của Việt Nam.

Từ khóa: Nhật Bản, Luật cơ bản về văn hóa nghệ thuật, chính sách văn hóa, chấn hưng văn hóa nghệ thuật

 

Không lâu sau Chiến tranh thế giới thứ hai,quyền văn hóa được chính thức quy định trong Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (1948) và Quy ước quyền xã hội, Quy ước nhân quyền quốc tế (1976). Động thái này xuất phát từ bài học lịch sử của chính sách văn hóa của chế độ phát xít. Nhiều nghiên cứu cho rằng, tuy “quyền văn hóa” không được quy định rõ ràng trong Hiến pháp Nhật Bản (1946), các điều khoản như Điều 13 “Quyền truy cầu hạnh phúc”, Điều 25 “Quyền sinh tồn” đã gián tiếp đảm bảo nội dung này. Là quốc gia phê chuẩn Quy ước nhân quyền quốc tế, Nhật Bản có nghĩa vụ xây dựng luật đảm bảo những quy định đó. Thực tế, nhiều thập kỷ sau chiến tranh, chính quyền Nhật Bản tránh can thiệp vào lĩnh vực chính sách văn hóa, hầu như chỉ tập trung vào lĩnh vực bảo vệ di sản. Chỉ từ nửa sau những năm 1980, chấn hưng văn hóa nghệ thuật mới bắt đầu trở thành vấn đề chính sách quan trọng.

Trong bối cảnh đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hoạt động chấn hưng văn hóa lại được tiến hành với vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân và chính quyền địa phương. Đặc biệt, các địa phương có lãnh đạo cấp tiến, trong những năm 1960-1980, đã chủ động ban hành Điều lệ văn hóa nghệ thuật, với tư cách văn bản luật cao nhất cấp độ địa phương làm căn cứ pháp lý cho hoạt động chấn hưng văn hóa, xây dựng và cải tạo cơ sở văn hóa công lập. Từ sau những năm 1970, chủ trương “Thời đại của địa phương” và “Văn hóa hóa hành chính” được đề cao. Trong bối cảnh kinh tế bong bóng nửa sau những năm 1980, nổi lên phong trào xây dựng cơ sở văn hóa với quy mô đáng kinh ngạc nhằm xác lập bản sắc văn hóa của các địa phương.

Nhận thức vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, với chủ trương “mềm hóa nền kinh tế” và kêu gọi doanh nghiệp cống hiến xã hội, năm 1990, chính phủ đã tích cực phối hợp cùng cộng đồng doanh nghiệp tổ chức các diễn đàn phát triển các lĩnh vực văn hóa, góp vốn thành lập Quỹ chấn hưng văn hóa nghệ thuật. Hiệp hội doanh nghiệp bảo trợ nghệ thuật cũng ra đời gần như đồng thời. Hơn nữa, sự phát triển của các tổ chức phi lợi nhuận (NPO) nghệ thuật, đặc biệt sau sự kiện động đất lớn Hanshin-Awaji miền tây nước Nhật Bản năm 1995, càng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phát triển hệ thống chính sách quốc gia nhằm quy định cách thức vận hành các hoạt động văn hóa - nghệ thuật với vai trò chủ thể của người dân.

Như vậy, nhà nước Nhật Bản đã đi sau những động thái năng động của địa phương và khối tư nhân. Mãi đến năm 1989, Hội nghị xúc tiến chính sách văn hóa, cơ quan tư vấn chính sách trực thuộc Tổng cục Văn hóa mới được thành lập. Bước sang những năm 1990, chính quyền tích cực thể hiện chủ trương “sử dụng văn hóa làm phương tiện kích hoạt sinh khí quốc gia”, nêu rõ việc “lấy chính sách văn hóa làm trụ cột của chính sách quốc gia” nhằm thực hiện phương châm “xây dựng quốc gia văn hóa nghệ thuật”. Tính tự chủ và vai trò chủ thể của người dân và địa phương, cũng như việc hỗ trợ của khối tư nhân trong hoạt động văn hóa - nghệ thuật trở thành những nội dung chính sách quan trọng được nghiên cứu, thảo luận.

1.  Luật cơ bản về chấn hưng văn hóa nghệ thuật năm 2001

Trong bối cảnh đó, liên tiếp trong năm 2000-2001, Liên minh nghị sĩ âm nhạc Nhật Bản (không phân biệt đảng phái) đệ trình báo cáo “hướng tới thành lập Luật cơ bản nghệ thuật - văn hóa”. Hội đồng đoàn thể nghệ sĩ biểu diễn Nhật Bản cũng đề xuất ban hành luật cơ bản nghệ thuật văn hóa và việc hoàn thiện luật pháp liên quan. Cùng chung động thái, đảng Komei tiếp tục đệ trình đề xuất “hướng tới xây dựng Nhật Bản – quốc gia văn hóa nghệ thuật”. Tháng 11/2001, Luật cơ bản về chấn hưng văn hóa nghệ thuật hình thành theo chế độ lập pháp nghị viện được Thượng nghị viện thông qua. Việc có sự tham dự của nhân sự Tổng cục Văn hóa trong Ủy ban nghiên cứu đặc biệt luật cơ bản của Liên minh nghị sĩ âm nhạc cho thấy mối quan tâm và sự tham dự của chính phủ trong quá trình soạn thảo luật.

Nhiều nghiên cứu cho rằng, “có sự nóng vội trong việc ban hành luật”, hay tính mơ hồ về khái niệm “quyền văn hóa”, song luật đã thể hiện một bước tiến lớn trong chính sách văn hóa của Nhật Bản. Luật không quy định những quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể mà được cấu thành bởi những quy định “làm rõ những ý niệm cơ bản về chấn hưng nghệ thuật văn hóa, nhằm mục đích xúc tiến các chính sách tổng hợp liên quan đến chấn hưng văn hóa nghệ thuật, khiến văn hóa nghệ thuật trở nên gần gũi với người dân,... hướng tới đóng góp vào hiện thực hóa đời sống phong phú về tinh thần của người dân và một xã hội có sức sống”. Có thể thấy, không chỉ nội dung “tôn trọng tính tự chủ, sáng tạo của người hoạt động văn hóa nghệ thuật là quan trọng số một", “phải quan tâm sao cho địa vị của họ được nâng cao, và năng lực được phát huy đầy đủ” được lặp lại nhiều lần, luật còn hàm chứa nhiều nội dung có tính bước ngoặt như “quyền tự nhiên” của con người trong sáng tạo và thụ hưởng văn hóa qua việc cải thiện hoạt động văn hóa – nghệ thuật của người cao tuổi, người tàn tật và trẻ em.

Luật cũng quy định “vai trò của nhà nước trong việc xây dựng phương châm cơ bản và chính sách cần thiết nhằm chấn hưng các lĩnh vực như nghệ thuật, nghệ thuật truyền thông, nghệ thuật truyền thống, xúc tiến giao lưu văn hóa quốc tế, hoàn thiện các cơ sở văn hóa công cộng như nhà hát, sảnh hòa nhạc, cũng như bảo vệ tác quyền và đảm bảo quyền sử dụng công bằng”. Các chính sách liên quan cụ thể được thể hiện trong các luật riêng biệt như Luật bảo tàng hay Luật nhà hát, và các cơ sở quốc gia và pháp nhân độc lập đều được đặt mục tiêu và kế hoạch trung hạn 5 năm hướng tới nâng cao dịch vụ và cải cách kinh doanh. Luật cũng quy định “trách nhiệm của cộng đồng địa phương trong việc liên kết với nhà nước, đồng thời tự chủ và chủ động xây dựng và thực thi các chính sách phù hợp với đặc tính của địa phương” (Điều 4), tuy nhiên không quy định cụ thể hình thức và nội dung liên kết.

Việc ban hành Luật cơ bản về chấn hưng văn hóa nghệ thuật 2001 được coi là một nỗ lực nền tảng trong lĩnh vực lập pháp và hành chính văn hóa nhằm làm rõ “quyền lợi tham gia vào đời sống văn hóa” của người dân, trách nhiệm của nhà nước và trách nhiệm “tự chủ và chủ thể” của địa phương trong việc đảm bảo quyền đó. Những địa phương đã hoặc mới ban hành Điều lệ văn hóa nghệ thuật sau năm 2001 phần nhiều đều điều chỉnh nội dung nhằm phù hợp với luật.

Sự ra đời của luật đã tạo cú hích cho một số thành quả quan trọng. Ngân sách văn hóa được cải thiện đáng kể (tăng hơn 20 tỷ yên so với năm tài khóa trước); đáng chú ý là Kế hoạch sáng tạo nghệ thuật thế kỷ mới với ngân sách 19,3 tỷ yên dành cho ba trụ cột là “thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật hàng đầu - hỗ trợ trọng điểm cho opera, ballet và điện ảnh”, “đào tạo nghệ sĩ mới nổi vươn ra thế giới”, “xúc tiến hoạt động trải nghiệm nghệ thuật của trẻ em” và nhiều chính sách như tổ chức liên hoan sân khấu quốc tế, giao lưu nghệ thuật với các nước, mời các nhà đào tạo nghệ thuật hàng đầu thế giới sang Nhật Bản, miễn phí tham quan triển lãm thường kỳ tại một số bảo tàng quốc gia cho học sinh Tiểu học và trung học cơ sở; biện pháp ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân tài trợ văn hóa – nghệ thuật được mở rộng đối tượng; hình thành cơ chế tọa đàm định kỳ chính sách văn hóa giữa đại diện chính phủ và địa phương với giới chuyên môn. Chế độ tình nguyện viên văn hóa cũng định hình khá vững chắc.

2. Một số hạn chế và vấn đề đặt ra trong thực thi luật

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề và hạn chế được giới chuyên môn phân tích liên quan đến các nội dung luật cũng như thực tiễn thực hiện. Có thể chỉ ra một số điểm chính như sau.

(i) Về tên gọi của luật và một số nguyên tắc cơ bản

Về tên gọi của luật, theo Negi Akira, trong việc nghiên cứu nhằm xác định “Luật cơ bản về văn hóa” hay “Luật chấn hưng văn hóa” có hai khía cạnh bao gồm: luận bàn về ý xác lập “quyền văn hóa” với tư cách nhân quyền cơ bản và lợi ích thực tế để có được căn cứ hỗ trợ hoạt động văn hóa nghệ thuật”. Xuất phát từ kỳ vọng vào một văn bản luật vạn năng hàm chứa cả phương diện khái niệm và ích lợi thực tế, Luật cơ bản về chấn hưng văn hóa nghệ thuật 2001 mang một tên gọi được đánh giá là lạ lùng và mơ hồ, lắp ghép hai thuật ngữ “cơ bản” và “chấn hưng”.

Về các nguyên tắc cơ bản, Fujino Kazuo chỉ ra sự không đầy đủ trong việc thể hiện “quyền văn hóa” (khoản 3 Điều 2) khi chỉ xuất phát từ quan điểm “quyền tự nhiên”, không tương xứng với lý giải về nhân quyền thế kỷ XXI. Bài học lịch sử của nước Nhật Bản nửa đầu thế kỷ XX đã cho thấy biện pháp thông thường của quyền lực công nhằm kiểm soát văn hóa – nghệ thuật không chỉ bằng việc đàn áp, kiểm duyệt, mà còn là loại bỏ khỏi đối tượng chấn hưng và tài trợ những loại hình nghệ thuật không thuận theo. Theo Nakagawa Ikuo, “chủ thể sáng tạo văn hóa không phải là nhà nước (chính quyền) mà là người dân” trở thành nhận thức phổ quát được quốc tế công nhận. Bởi vậy, bảo đảm tự do và đa dạng hóa văn hóa là vấn đề vô cùng quan trọng. Theo đó, không chỉ là “quyền văn hóa mang tính chất quyền tự do” với ý nghĩa tự do khỏi sự can thiệp của nhà nước, mà còn cần phải xác lập “quyền văn hóa mang tính chất quyền xã hội” bao gồm quyền “biểu hiện”, “giao tiếp” và “học tập”, đòi hỏi trách nhiệm của chính phủ hiện đại trong việc bảo đảm quyền lợi của người dân. Các nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực bảo vệ quyền tự do song hành với quyền xã hội ở một chuẩn mực cao.

Liên hệ mật thiết với “quyền văn hóa”, khái niệm “chủ thể của chính sách văn hóa” cũng được chỉ ra là thiếu rõ ràng trong luật. Chủ nghĩa phát xít tiêu biểu cho việc sử dụng văn hóa nghệ thuật làm phương tiện tuyên truyền cho chính sách quốc gia, mà hệ quả là hai từ “chính sách văn hóa” trở thành một thuật ngữ “kiêng dùng” do ấn tượng sâu đậm về chính sách thống trị của chính quyền quân phiệt, và được thay thế bằng thuật ngữ “hành chính văn hóa” trong khoảng bốn thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Việc khôi phục thuật ngữ này với ý nghĩa một bộ phận của luật pháp quốc gia đặt ra vấn đề về trách nhiệm của chính quyền trong việc đảm bảo trên phương diện cơ chế chính sách sao cho người dân có thể tham gia với tư cách đối tác đồng đẳng của nhà nước. Bởi vậy, ngay khi luật được ban hành, Fujino đã nhấn mạnh cần thiết phải chuyển hướngtừ chính sách quốc gia và chính sách đối với nhà hoạt động nghệ thuật đơn thuần sang chính sách công cộng lấy người dân làm chủ thể trung tâm.

(ii) Tính tự chủ - chủ thể của chính quyền địa phương và mối liên kết với nhà nước

Như đã thấy, một thực tế đặc thù của Nhật Bản là hành chính văn hóa, đặc biệt các lĩnh vực liên quan đến chấn hưng văn hóa, trong một thời gian dài được thực hiện bởi năng lực tự quyết của chính quyền địa phương và tư nhân. Đặc biệt, trào lưu xây dựng nhà hát đa mục đích và bảo tàng sử dụng quy mô ngân sách lớn của địa phương đã diễn ra hầu như không theo một đạo luật thống nhất. Trong khi đó, trừ một số cơ sở tự trị, phần nhiều đều không có nền tảng hành chính như hệ thống đào tạo nhân lực đủ mạnh. Bởi vậy, trong tiến trình cải cách hành chính, nhiều cơ sở văn hóa công lập địa phương liên tục vấp phải những chỉ trích khắt khe của giới chuyên môn và dư luận về cơ chế vận hành và hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Trong hoàn cảnh đó, Điều 4 của luật quy định “chính quyền địa phương dựa trên Nguyên tắc cơ bản một mặt phát huy tính chủ thể và tự chủ trong việc xây dựng các biện pháp phù hợp với đặc tính của địa phương, mặt khác thiết lập liên kết với nhà nước và có trách nhiệm thực thi” và Điều 35 yêu cầu về việc “liên kết với nhà nước” và “cân nhắc các biện pháp của nhà nước”. Điều lệ văn hóa và Kế hoạch cơ bản về văn hóa là hai tiền đề quan trọng đảm bảo khả năng “tự chủ và chủ thể” trong chính sách văn hóa của mỗi địa phương. Các cơ sở văn hóa địa phương triển khai dự án dựa trên các chính sách cơ bản đó. Tuy nhiên trên thực tế, ngay cả sau khi luật có hiệu lực, nhiều địa phương vẫn không ban hành cả Điều lệ lẫn Kế hoạch mà quen với tình trạng phó thác cho các cơ sở văn hóa. Sự thiếu chiến lược cơ bản về văn hóa dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở văn hóa công lập vẫn loay hoay “lần mò trong bóng tối”.

Ở một khía cạnh khác, Fujino phân tích sự thiếu rõ ràng của Luật ở điểm: trong bối cảnh ngân sách Tổng cục Văn hóa dành cho chấn hưng văn hóa địa phương hết sức hạn chế và ngày càng bị cắt giảm, phải chăng với những quy định này, nhà nước phó mặc địa phương trên cả phương diện tài chính? Luật 2001 tỏ ra chưa thực sự được nghiên cứu thấu đáo nhằm thúc đẩy tính năng động, tiên tiến của chính sách văn hóa địa phương, cũng tương tự như đối với hoạt động của các nhà bảo trợ doanh nghiệp hay NPO địa phương. Các nghiên cứu đề xuất chính phủ tăng cường quan hệ đối tác thực sự với địa phương trong việc xây dựng chính sách và hỗ trợ nhằm xúc tiến các biện pháp thể hiện cá tính và vai trò chủ thể của địa phương.

(iii) Vấn đề mở rộng ngân sách và hệ thống đánh giá hiệu quả dự án công

Trên thực tế, nhiều năm sau khi ban hành Luật 2001, ngân sách dành cho văn hóa – nghệ thuật tuy có cải thiện nhất định, vẫn chưa tương xứng với tầm quan trọng của lĩnh vực này trong xã hội, đặc biệt khi so sánh với các quốc gia phát triển Âu - Mỹ. Trong tiến trình cải cách hành chính với khẩu hiệu “từ nhà nước đến người dân” được khởi xướng bởi chính quyền Koizumi cùng thời điểm ban hành luật, khẩu hiệu “loại bỏ lãng phí, không hiệu quả của hành chính” đã trở thành một tiêu chí chính trị xuyên suốt. Cụ thể, nhằm mục đích cắt giảm tài trợ và tăng cường giám sát của chính phủ, Hội Chấn hưng Văn hóa Nghệ thuật Nhật Bản (vốn trực thuộc chính phủ) đã được đổi thành pháp nhân hành chính độc lập trong “Kế hoạch hợp lý hóa pháp nhân đặc biệt”. Mặt khác, theo nguyện vọng tại Hội Thống đốc toàn quốc, kinh phí vốn do nhà nước hỗ trợ địa phương vận hành các bảo tàng bị hủy bỏ toàn bộ và đưa vào tài chính chung trong thuế phân bổ của nhà nước cấp cho địa phương. Đồng thời, với việc áp dụng chế độ người quản lý chỉ định - ủy thác vận hành cho tư nhân nhằm nâng cao dịch vụ và giảm tải áp lực tài chính của địa phương, các cơ sở văn hóa công lập địa phương lại rơi vào hoàn cảnh phải tự vận động với nguồn kinh phí hạn hẹp, khó khăn trong việc đảm bảo nhân lực ổn định và có năng lực. Điều này có nghĩa, tuy với danh nghĩa ban hành Luật nhằm chấn hưng văn hóa nghệ thuật, nhưng trên thực tế, khuynh hướng ngày càng cắt giảm tài trợ cho lĩnh vực này là vấn đề gây bức xúc trong giới chuyên môn và dư luận.

Đồng thời, một vấn đề cấp bách khác đặt ra là xác lập hệ thống đánh giá các dự án và tài trợ công. Ngay sau khi luật được ban hành, nhiều ý kiến chuyên gia, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là mô hình hoạt động của Hội đồng nghệ thuật Anh quốc, đã đề xuất thiết lập cơ quan thứ ba (Hội đồng nghệ thuật) dựa trên “nguyên tắc arm’s length” nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động độc lập dựa trên lập trường coi sự can thiệp của nhà nước không phải để quản lý, kiểm duyệt mà với sứ mệnh tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển văn hóa – nghệ thuật. Từ đó, những năm gần đây, Tổng cục văn hóa Nhật Bản tài trợ cho các chính quyền địa phương thông qua Hội đồng nghệ thuật địa phương (với số lượng hiện tại chưa đến 10 đơn vị) trong khuôn khổ “Dự án xây dựng thể chế nhằm xúc tiến các chính sách văn hóa tại địa phương”. Với chủ trương tôn trọng tính tự chủ và tính sáng tạo được quy định trong luật, Hội đồng nghệ thuật hoạt động trên nguyên tắc “nhà nước không can thiệp vào nội dung”, phó thác việc lựa chọn tài trợ cho chuyên gia bình duyệt (peer review) nhằm bảo lưu tính độc lập, tự do về biểu hiện và khoảng cách nhất định với quyền lực công. Hội đồng nghệ thuật địa phương có chức năng thúc đẩy phân quyền địa phương trong chính sách văn hóa và vai trò trung gian trong cơ chế phân phối tài trợ của nhà nước (như dự án tái phân phối - regrant), trên cơ sở nắm bắt thông tin mỗi địa phương trong việc vận hành dự án tài trợ, với thời hạn hỗ trợ mỗi dự án là 3 năm. Hội đồng nghệ thuật địa phương tập hợp các chuyên gia về chính sách và các nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế xúc tiến, ngân sách, tuyển dụng, nhiều trường hợp không đáp ứng kỳ vọng của giới hoạt động nghệ thuật, mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tiễn. Mặt khác, tài trợ ban đầu của nhà nước tuy có tính khích lệ lớn, nhưng không thể đảm bảo dự án có thể tiếp tục vận hành ổn định hay không khi nguồn tài trợ kết thúc. Vấn đề vẫn nằm ở sự “giác ngộ tiếp tục thay đổi” của các chính quyền địa phương.

3.  Luật cơ bản về văn hóa nghệ thuật (Luật sửa đổi năm 2017)

Đã 16 năm kể từ khi ban hành Luật cơ bản về chấn hưng văn hóa nghệ thuật năm 2001, diễn tiến nhanh chóng của vấn đề già hóavà suy giảm dân số cũng như bối cảnh toàn cầu hóa đặt ra yêu cầu phải triển khai các chính sách văn hóa mang tính tổng lực với một tầm nhìn sâu rộng, liên kết với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nhằm tạo nên những hiệu quả thực tiễn. Thế vận hội Olimpic Tokyo 2020 cũng được kỳ vọng là cơ hội lịch sử để phát huy sức sáng tạo, năng động của văn hóa nghệ thuật trong việc kích hoạt sức sống nội tại và quảng bá những giá trị độc đáo của Nhật Bản ra thế giới. Trong bối cảnh đó, phiên họp thường kỳ lần thứ 193 Nghị viện Nhật Bản tháng 1/2017 đã tập trung thảo luận về những tồn tại xung quanh Luật cơ bản về chấn hưng văn hóa nghệ thuật 2001. Kết quả luật đã được sửa đổi một phần và mang tên gọi mới là Luật cơ bản về văn hóa nghệ thuật, được ban hành và có hiệu lực từ ngày 23/6/2017.

Điều chỉnh tên gọi của luật và bổ sung nguyên tắc cơ bản

Về cơ bản, Luật sửa đổi năm 2017 vẫn bảo lưu những nội dung khẳng định giá trị căn bản và ý nghĩa của văn hóa nghệ thuật trong Nguyên tắc cơ bản của luật năm 2001. Điều chỉnh quan trọng nhất của luật là mục đích hoàn thiện không chỉ các chính sách chấn hưng văn hóa nghệ thuật và bảo vệ di sản văn hóa, mà còn mở rộng liên hệ với các lĩnh vực chính sách liên quan như du lịch, kiến thiết đô thị, giao lưu quốc tế, phúc lợi, giáo dục, công nghiệp; ở chiều ngược lại, sử dụng linh hoạt và tuần hoàn các giá trị đa dạng về kinh tế, xã hội hay công cộng được tạo ra bởi văn hóa nghệ thuật vào việc kế thừa, phát triển và sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Với ý nghĩa đó, tên gọi của luật được lược bỏ từ “chấn hưng” thành Luật cơ bản văn hóa nghệ thuật, đúng tính cách luật cơ bản với phạm vi liên đới với các lĩnh vực khác, chứ không giới hạn trong chấn hưng văn hóa nghệ thuật đơn thuần.

Một điểm nhấn khác trong Luật sửa đổi 2017 là việc làm rõ nguyên tắc “tự do biểu hiện” qua việc bổ sung “nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của tự do biểu hiện là nền tảng của văn hóa nghệ thuật” ngay trong Lời mở đầu. Đây là thiếu sót được nhiều chuyên gia chỉ ra trong Luật 2001 căn cứ theo Điều 21 của Hiến pháp về “Bảo đảm tự do biểu hiện” và khuyến nghị của UNESCO, và được tiếp thu sửa đổi trong luật lần này. Điều này xuất phát từ thực trạng một số chính quyền liên tiếp xâm hại tới “tự do biểu hiện” như đình chỉ các chương trình biểu diễn hay triển lãm với những lý do không thỏa đáng, làm dấy lên lo ngại về việc thui chột hoạt động sáng tác. Việc làm rõ nguyên tắc này được giới chuyên môn đánh giá có ý nghĩa lớn, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục được quan tâm thảo luận và bảo đảm hiệu lực trong thực tiễn.

Mở rộng phạm vi liên ngành và xây dựng mạng lưới liên kết các chủ thể hành chính

Điều chỉnh mở rộng phạm vi liên ngành của luật được hiểu nhằm mục tiêu sáng tạo những giá trị mới của văn hóa nghệ thuật thông qua liên kết với các lĩnh vực và xây dựng quốc gia sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Trên thực tế, sau 16 năm áp dụng, việc mở rộng phạm vi đối tượng của chính sách văn hóa không phải là sự điều chỉnh gây ngạc nhiên. Lý do là ngay từ đầu những năm 2000, nhiều dự án nghệ thuật mô hình liên kết với các lĩnh vực đã được thực hiện. Điều chỉnh luật chỉ đang theo xu hướng đó, tập trung vào các biện pháp cụ thể. Trong nhiều năm, các cơ quan văn hóa tư nhân và đoàn thể nghệ thuật cũng đề xuất xúc tiến chính sách văn hóa liên ngành, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục về văn hóa nghệ thuật, hay việc tăng cường liên kết giữa các đoàn thể văn hóa nghệ thuật, gia đình và địa phương. Tổng cục Văn hóa cũng đã thực hiện khảo sát với chủ đề liên quan vào năm 2014.

Bên cạnh thành quả từ luật sửa đổi, có ý kiến lo ngại về khả năng những lĩnh vực không liên quan trực tiếp tới văn hóa bị xem nhẹ, hoặc bảo tồn di sản văn hóa trở nên mơ hồ với danh nghĩa phát triển du lịch. “Ung nhọt lớn nhất là giám tuyển” hay “thiếu tư duy du lịch” - phát ngôn thiếu thận trọng của Bộ trưởng Bộ Sáng tạo Địa phương năm 2017 cũng đặt ra vấn đề về thái độ nghiêm túc và hiểu biết trong thảo luận và nghiên cứu chính sách.

Mặt khác, việc mở rộng phạm vi đối tượng của chính sách văn hóa đòi hỏi phải xây dựng mạng lưới liên kết giữa các chủ thể hành chính. Nói đến cơ quan hành chính, lâu nay chúng ta thường có ấn tượng về sự phân chia và quản lý theo ngành dọc. Nhưng trên thực tế, không chỉ cơ quan chuyên trách văn hóa (ở cấp độ nhà nước là Tổng cục Văn hóa, Bộ Văn hóa – Giáo dục – Khoa học, cấp độ địa phương là Ủy ban Giáo dục, Cục Văn hóa - Thể thao...), nhiều cơ quan hành chính cũng tham gia các dự án văn hóa nhằm đạt được các mục đích một cách thuận lợi. Chính sách đa dạng hóa chủ thể trong các dự án văn hóa không chỉ đem đến hiệu quả cụ thể cho các dự án, mà còn được kỳ vọng giúp tăng cường liên kết giữa các cơ quan hành chính nhà nước, tạo ra những thành quả gắn kết hữu cơ với các nhu cầu hoạt động và thụ hưởng của người dân. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan, tổ chức, nhằm tránh khả năng trùng lặp hoạt động, vấp phải phản biện khắt khe trong giới hành chính và dư luận về “sự không hiệu quả, lãng phí”, đặc biệt sau khi các dự án được phân loại mới theo chính sách điều chỉnh. Ngay cả những dự án được cho là vận hành hiệu quả cũng không tránh khỏi tình trạng này, vô hình chung tạo tâm lý e ngại chia sẻ thông tin hoạt động của nhiều cơ quan hành chính ngoài lĩnh vực văn hóa. Bởi vậy, cần một thời gian dài để có thể kiểm chứng được hiệu quả thực tế của những nỗ lực này.

Trách nhiệm và phân quyền địa phương trong chính sách văn hóa

Luật sửa đổi 2017 cũng đổi mới trách nhiệm của đoàn thể địa phương: thay thế “Phương châm cơ bản” bằng việc xây dựng “Kế hoạch cơ bản xúc tiến văn hóa nghệ thuật” nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu và hành động thực tiễn, bổ sung quy định về thiết lập “Hội nghị xúc tiến văn hóa nghệ thuật” (Điều 36) nhằm điều phối giữa các cơ quan liên quan của nhà nước và địa phương, xúc tiến các chính sách có tính kế hoạch và tổng hợp liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Luật cũng quy định mới về trách nhiệm nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc ban hành “Kế hoạch cơ bản xúc tiến văn hóa nghệ thuật địa phương” trên cơ sở tham khảo “Kế hoạch cơ bản xúc tiến văn hóa nghệ thuật” của nhà nước nhằm tăng cường vai trò tự chủ và sáng tạo của địa phương, khắc phục tình trạng lệ thuộc hoặc đối phó của nhiều địa phương trong việc ban hành Điều lệ, Hướng dẫn và Kế hoạch cụ thể ngay cả sau khi ban hành Luật 2001. Trong khi đó, một số địa phương cũng chủ động tổ chức các nhóm làm việc liên ngành có sự tham gia của nhân viên phụ trách văn hóa bên ngoài để học hỏi về chính sách, cũng như các buổi thảo luận chính sách giữa người dân và chuyên gia. Tuy nhiên, theo Sugimoto Atsushi, bên cạnh những hạn chế về tài chính hay ý thức và kiến thức chuyên môn của nhân viên hành chính văn hóa, vấn đề quan trọng hơn hết lại chính ở chỗ mối quan tâm của chính quyền đối với các chính sách văn hóa còn mang tính hình thức so với các lĩnh vực kinh tế hay tài chính. Những buổi thảo luận và phổ biến luật tại địa phương không cho thấy nhận thức sâu sắc của các chính quyền gần đây về ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa nghệ thuật. Từ đó, Kế hoạch cơ bản của nhiều địa phương chỉ mang tính đối phó theo Kế hoạch cơ bản của chính phủ. Ý kiến của chuyên gia và người dân chưa thực sự được lắng nghe.

Tạm kết

Ban hành, sửa đổi và thực thi một bộ luật cơ bản về văn hóa – nghệ thuật trong vòng hơn 15 năm đầu thế kỷ XXI là thành quả quan trọng của ngành lập pháp và hành chính Nhật Bản, ghi nhận chuyển biến tích cực trong nhận thức và nỗ lực lớn của chính phủ và các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng và khẳng định sức sống của một quốc gia văn hóa - nghệ thuật.

Việc ban hành và sửa đổi luật đã tạo khung pháp lý cho việc thực thi nhiều chính sách và kế hoạch cụ thể mang tính tự chủ ở các cấp độ nhà nước lẫn địa phương, tạo điều kiện tăng cường sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và người dân trong việc hỗ trợ và sáng tạo văn hóa – nghệ thuật nói riêng, trong phát triển đô thị, giải quyết các vấn đề xã hội và nhiều lĩnh vực đa dạng của đời sống. Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, vẫn còn nhiều hạn chế và vấn đề đặt ra, trong đó có tình trạng “chủ nghĩa thành tích” hay “đồng nhất hóa kế hoạch” mang tính hình thức, thiếu nhiệt huyết và công tâm, ý kiến chuyên gia và người dân vẫn chưa được ghi nhận thỏa đáng. Cả hai lần ban hành năm 2001 và sửa đổi luật năm 2017 đều được tiến hành mà hầu như không được thảo luận rộng rãi trong giới chuyên môn và công luận. Vẫn còn khoảng cách giữa khẩu hiệu, văn bản chính sách với thực tiễn thực hiện. Theo nhận định của nhiều chuyên gia khi so sánh Nhật Bản với các quốc gia phát triển, tình trạng chỉ chăm chú vào vấn đề chống “lãng phí, không hiệu quả của hành chính” phần nào thể hiện sự thiếu sức sống, tiến thoái lưỡng nan của bộ máy hành chính văn hóa Nhật Bản, vốn không có nền tảng kinh tế và hậu thuẫn chính trị đủ mạnh để phản biện và bảo vệ được vị trí của văn hóa – nghệ thuật.

Xu hướng của thế giới hiện nay là tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc vận dụng tính đa dạng, sức hấp dẫn của văn hóa theo nghĩa rộng trong sự liên kết mật thiết với các lĩnh vực của đời sống. Mấu chốt vẫn nằm ở nhận thức và nỗ lực thực chất của nhà nước và địa phương nhằm đảm bảo “quyền văn hóa thực sự của quốc dân” thay vì những nhóm lợi ích chính trị và kinh tế, một vấn đề tồn tại của nền chính trị Nhật Bản hiện nay. Trong bối cảnh đó, phản biện và giám sát xã hội vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy những thay đổi tích cực. Tuy có khoảng cách đáng kể về mức độ phát triển giữa hai quốc gia, nhưng nghiên cứu Nhật Bản hẳn sẽ luôn cung cấp những tham khảo hữu ích đối với những vấn đề chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật mà Việt Nam đã, đang và sẽ gặp phải trong tương lai.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.  藤野一夫 (2002)、『日本の芸術文化政策と法整備の課題--文化権の生成をめぐる日独比較をふまえて (芸術文化政策の国際比較研究(2)グローバル化における地域性と国際性)』、神戸大学国際文化学部、18:65-91(Fujino Kazuo (2002), “Chính sách văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản và những vấn đề về xây dựng luật: So sánh giữa Nhật Bản và Đức vềhình thành “quyền văn hóa”, Nghiên cứu Văn hóa học Quốc tế: Kỷ yếu Khoa Văn hóa học quốc tế, Đại học Kobe, 18:65-91).

2.  中川幾郎〈2017〉、『文化・芸術によるまちづくりの基本的な視点』、特集2・アート(文化芸術)によるまちづくり、国際文化研修Vol. 94 (Nagakawa Ikuo (2017), “Quan điểm cơ bản về kiến thiết đô thị bằng văn hóa nghệ thuật”, Tập san đặc biệt 2 – Kiến thiết đô thị bằng nghệ thuật, Tạp chí nghiên cứu văn hóa quốc tế 2017, số 94).

3.  吉本光宏 (2015), 『地域アーツカウンシル――その現状と展望』、ニッセイ基礎研究所 (Yoshimoto Mitsuhiro (2015), “Hội đồng nghệ thuật địa phương – Hiện trạng và triển vọng”, Viện nghiên cứu cơ bản Nissei).

4.  作田知樹 (2019)、『文化芸術基本法の社会的背景』、東京アートマネジメント(Sakuta Tomoki, “Bối cảnh xã hội của Luật cơ bản văn hóa nghệ thuật”, Quản lý nghệ thuật Tokyo).

5.  文化庁アーカイブ、『新文化立国に向けて』(文化庁30年史)(Lưu trữ Tổng cục Văn hóa Nhật Bản, “Hướng tới xây dựng quốc gia văn hóa mới” (Lịch sử 30 năm Tổng cục Văn hóa), https://www.bunka.go.jp/ tokei_hakusho_shuppan/hakusho_ nenjihokokusho/archive/pdf/r1402577.

6.  東京アーツカウンシル(2017)、フォーラム『基本法改正で問われる文化政策の原点─なぜ、文化に政策が必要なのか』 (Hội đồng nghệ thuật Tokyo (2017), Diễn đàn “Khởi nguồn của chính sách văn hóa – vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật cơ bản – Tại sao trong văn hóa lại cần chính sách?”, https://www.artscouncil-tokyo. jp/ja/blog/22797/.

7.  日本芸能実演家団体協議会 (2017), CPRAニュース『文化芸術振興基本法の見直しをめぐる動向について』, 特集Vol. 84 (Hiệp hội đoàn thể nghệ thuật Nhật Bản, Tin tức CPRA “Động hướng liên quan đến sửa đổi Luật cơ bản chấn hưng văn hóa nghệ thuật”, Tập san đặc biệt số 84).

 

 

 

 

 

 

0thảo luận