Trang chủ

Vấn đề giải quyết mâu thuẫn xã hội chủ yếu của Trung Quốc hiện nay

Đăng ngày: 13-12-2022, 02:18 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 6

Đinh Công Tuấn1

 

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích quá trình thay đổi nhận thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc về cải cách kinh tế và cải cách xã hội, phát triển xã hội. Do quá đề cao nhiệm vụ cải cách kinh tế, nên những mâu thuẫn xã hội ở Trung Quốc đã nảy sinh và phát triển mạnh mẽ, thể hiện trong cơ cấu việc làm; chênh lệch giàu -nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa miền Đông và miền Tây; sự bất hợp lý trong giải quyết chế độ ruộng đất ở nông thôn; hệ thống quản lý xã hội; vấn đề dân tộc và tôn giáo…Tiếp đến bài viết dự báo xu thế biến đổi mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở Trung Quốc trong tương lai và đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn xã hội chủ yếu hiện nay.

Từ khóa: Mâu thuẫn xã hội, xung đột xã hội, quản trị xã hội, cải cách kinh tế, Trung Quốc


S

au 42 năm cải cách-mở cửa kinh tế (1978-2020),Trung Quốc đã có những bước tiến nhảy vọt cả về[1]chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy vậy, quá trình cải cách đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, trong đó có vấn đề xã hội. Do quá tập trung vào vấn đề cải cách kinh tế nên nhiều vấn đề xã hội ở Trung Quốc đã nảy sinh,  tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững đất nước. Phải đến Đại hội XVI (11/2002), Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đưa ra quan điểm cần phải xuất phát từ vấn đề xây dựng xã hội để giải quyết các mâu thuẫn xã hội. Đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI, Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên đặt vấn đề xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Trung Quốc đã chú trọng vừa phát triển kinh tế vừa chú trọng giải quyết công bằng xã hội, phát triển bền vững, tập trung giải quyết những mâu thuẫn xã hội nhằm tạo ra một môi trường xã hội phát triển tốt đẹp. Tiếp theo, Trung Quốc đã từng bước đề cao vai trò của yếu tố con người, xây dựng xã hội, cải thiện dân sinh, đề cao vai trò quản lý xã hội, quản trị xã hội, loại bỏ dần những mâu thuẫn, xung đột xã hội.

Bài viết  tập trung phân tích quá trình thay đổi nhận thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc về xử lý mối quan hệ giữa cải cách kinh tế và cải cách xã hội, phân tích những mâu thuẫn xã hội chủ yếu do tập trung phát triển kinh tế thái quá, ít quan tâm đến phát triển xã hội. Từ đó sẽ đưa ra những giải pháp chủ yếu giải quyết những mâu thuẫn xã hội của Trung Quốc vàgợi mở cho Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn xã hội chủ yếu hiện nay.

1. Quá trình thay đổi nhận thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc về cải cách xã hội, phát triển xã hội

Trải qua 42 năm cải cách - mở cửa (1978-2020), Trung Quốc đã gặt hái được những thành tựu to lớn trên nhiều phương diện như kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nhưng sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề, đó là tình trạng thiếu nhịp nhàng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, phát triển xã hội tụt hậu so với phát triển kinh tế. Điều đó thể hiện những bất cập ở vấn đề dân sinh đang ngày càng nổi cộm đã ảnh hưởng tiêu cực tới cục diện phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc[2]. Trong hơn 20 năm đầu cải cách mở cửa (1978-2000),Trung Quốc luôn đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế lên hàng đầu, tập trung mọi nguồn lực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập quốc dân. Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là Đặng Tiểu Bình đã chủ trương "lấy kinh tế làm trung tâm", "lấy phát triển làm đạo lý cứng", "cho phép một bộ phận cư dân giàu lên trước", thực hiện "chiến lược ba bước" để xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc. Vì vậy, trong hơn 20 năm đầu của công cuộc cải cách, Trung Quốc đã phát triển nghiêng lệch giữa vùng miền, thành thị - nông thôn, giữa các tầng lớp trong dân cư, giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa kinh tế và xã hội. Nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh do sự phát triển thiếu đồng bộ, mất cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và xã hội ngày càng bộc lộ rõ, tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Kể từ Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2002) đến nay, Trung Quốcđã đưa ra quan điểm cần phải xuất phát từ vấn đề xây dựng xã hội để giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội của Trung Quốc. Để giải quyết hậu quả của sự tập trung phát triển kinh tế quá nhanh bằng mọi cách,tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2006), Trung Quốc lần đầu tiên đã đặt vấn đề xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Trung Quốc đã chú trọng vừa phát triển kinh tế, vừa chú trọng giải quyết công bằng xã hội, phát triển bền vững, tập trung giải quyết những mâu thuẫn xã hội, tạo ra một môi trường xã hội phát triển tốt đẹp[3]. Qua thực tiễn cải cách - mở cửa, Trung Quốc đã dần dần đưa vấn đề xây dựng xã hội với cải thiện dân sinh là trọng điểm nhằm bổ sung vào sự nghiệp xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XVII (2007) đã đưa ra quan điểm "lấy con người làm gốc", đề cao vai trò con người là trung tâm cho phát triển[4]. Đến Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012), Trung Quốc đã đề cao vai trò của quản lý xã hội. "Đẩy nhanh xây dựng xã hội lấy việc cải thiện dân sinh làm trọng điểm", "quản lý xã hội” được coi là bộ phận của “cải thiện dân sinh” (trong Báo cáo Chính trị Đại hội XVII (2007)). Cho đến Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (11/2013), Trung Quốc đã đưa ra khái niệm “quản trị xã hội”, dùng để thay thế cho khái niệm “quản lý xã hội”. Nội dung đó đã khẳng định một bước đổi mới trong cải cách chế độ “quản lý xã hội” theo hướng “quản trị xã hội”. Vì vậy, nhiệm vụ chủ yếu của Trung Quốc trước mắt là tập trung cải tiến  phương thức quản trị xã hội, khơi dậy sức sống của các tổ chức xã hội, kiện toàn hệ thống an ninh công cộng. Đến quy hoạch 5 năm lần thứ XIII (2016-2020), nhiệm vụ “quản trị xã hội” được đề cao hơn, quyết liệt hơn.Đó là việc hoàn thiện thể chế quản trị xã hội phải do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, chính phủ chỉ đạo, xã hội chung sức, toàn dân tham gia, pháp luật đảm bảo, tạo nên sự tương hỗ giữa sự quản lý của chính phủ, với sự điều tiết của xã hội, và sự tham gia của nhân dân.

Đến Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (10/2017), nhận thức về phát triển xã hội của Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã có những điều chỉnh mới. Trong bối cảnh Trung Quốc đang bước vào “thời đại mới”, yêu cầu mới của sự phát triển là phải giải quyết các mâu thuẫn giữa nhu cầu về cuộc sống ngày càng tốt đẹp của người dân với sự phát triển không cân đối, không đầy đủ. Dựa trên nhận thức đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển, đồng thời tập trung giải quyết căn bản vấn đề phát triển không cân đối, không đầy đủ, nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng lên của người dân Trung Quốc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, sinh thái…nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển toàn diện của con người và tiến bộ xã hội.

Tóm lại, nhận thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc về cải cách xã hội, phát triển xã hội đã được nâng cao từng bước, từ việc xác định cải cách kinh tế là trung tâm, cho phép một bộ phận dân cư được giàu lên trước, đến việc xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, vừa chú trọng phát triển kinh tế, vừa chú trọng phát triển xã hội, đã dẫn đến thay đổi nhận thức từ nhìn nhận vai trò của quản lý xã hội trong phát triển xã hội đến nâng cao “đổi mới quản trị xã hội” nhằm đáp ứng những nhu cầu mới trong tình hình mới, khi Trung Quốc bước vào thời đại mới. Điều đó cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của yếu tố con người và thực hiện ổn định xã hội, xóa bỏ dần dần những mâu thuẫn xã hội nảy sinh[5].

2. Những mâu thuẫn và nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở Trung Quốc hiện nay

Trước hết, đó là mâu thuẫn, xung đột xã hội trong cơ cấu việc làm.

Quá trình chuyển biến từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, quá trình đô thị hóa đã dẫn đến phong trào di dân từ nông thôn ra thành phố,từ đó tạo ra những mâu thuẫn sâu sắc về vấn đề việc làm. Năm 2011, số người dân nông thôn vào thành phố làm thuê lên đến 159 triệu người, dân số thành thị tăng lên 51,3%, vì vậy mâu thuẫn về công ăn việc làm rất lớn, người thất nghiệp nhiều đã tạo sức ép lớn cho quản lý, quản trị xã hội. Một câu hỏi đặt ra, liệu năng lực quản lý xã hội ở thành thị Trung Quốc có đáp ứng được nhu cầu việc làm, sinh hoạt của luồng di cư này không? Mặt khác tỷ lệ dân số thành thị vượt tỷ lệ dân số nông thôn cũng đặt ra vấn đề chế độ an sinh của những người dân từ nông thôn ra thành phố.Sức ép về an sinh xã hội, quản lý, quản trị xã hội đã tạo ra những mâu thuẫn sâu sắc về vấn đề phân biệt đối xử, thụ hưởng các chế độ khác nhau, gây nên những mâu thuẫn, xung đột xã hội sâu sắc.

Thứ hai, chênh lệch thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền càng ngày càng xa, tạo ra tình trạng phân hóa giàu - nghèo sâu sắc, đe dọa sự ổn định chính trị - xã hội đất nước.

Năm 2009, GDP bình quân đầu người của người dân miền Tây chỉ là 2.000 USD, miền Đông hơn 5.000 USD, ở thành phố như Thâm Quyến đạt trên 13.000 USD, ở Bắc Kinh, Thượng Hải đạt trên 10.000 USD. Khoảng cách thu nhập ngày càng cách xa giữa miền Đông với miền Tây, giữa thành thị và nông thôn đã tạo nên những bất bình, mâu thuẫn xã hội sâu sắc, gây nên những xung đột xã hội,tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định chính trị - xã hội ở Trung Quốc hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước Trung Quốc đã quá tập trung đầu tư phát triển  miền Đông, ít đầu tư cho phát triển miền Tây.Ví dụ như năm 2008, Nhà nước tập trung đầu tư cho miền Đông 9.645 tỷ nhân dân tệ, còn chỉ đầu tư cho miền Tây 3.594 tỷ nhân dân tệ, trong 10 năm (2000-2010) chênh lệch lên đến 6,63 lần, làm cho miền Đông càng ngày càng giàu lên, còn miền Tây càng ngày càng nghèo đi, khiến khoảng cách giàu- nghèo hai miền càng xa, gây nên những mâu thuẫn, xung đột xã hội sâu sắc[6].

Thứ ba, mâu thuẫn, xung đột xã hội ở Trung Quốc dâng cao do vấn đề về chế độ ruộng đất ở nông thôn bất hợp lý.

Trước năm 1984, đa số nông dân Trung Quốc thoát ly nông nghiệp, tìm kiếm việc làm tại các xí nghiệp lương trấn, theo hướng “ly thổ, bất ly hương”, “tiến xưởng, bất tiến thành” (vào nhà máy, không vào thành phố). Nhưng từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, do Chính phủ Trung Quốc nới lỏng các quy định vào thành phố làm việc và sinh sống đối với nông dân, nên số người từ nông thôn ra thành phố mưu sinh ngày càng nhiều. Đặc biệt, năm 2006 sau khi Chính phủ Trung Quốc công bố “một số ý kiến về việc giải quyết vấn đề nông dân làm thuê”, thì số lượng nông dân vào thành phố tăng lên đột biến (tổng cộng khoảng 1 triệu người tính đến năm 2006). Nhiều người tìm kiếm được việc làm và thu nhập ổn định ở thành phố, nhưng cũng không ít người sống bấp bênh, nay đây mai đó, trong đó không hiếm người đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất canh tác, không còn “tấc đất cắm dùi” để trở về quê hương sinh sống, canh tác[7]. Vấn đề nông dân mất đất trong quá trình đô thị hóa đã trở nên phổ biến trong xã hội nông thôn Trung Quốc hiện nay. Điều đó đã gây ra những mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội Trung Quốc. Hiện tượng “đền bù”, “giải phóng mặt bằng”, “cưỡng chế thu hồi đất”…vì những lợi ích nhóm khác nhau trong xã hội đô thị hóa sâu sắc ở Trung Quốc, đã dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột xã hội xảy ra, khi mạnh, khi bùng nổ to lớn, tạo nên khủng hoảng chính trị - xã hội lớn ở Trung Quốc. Sự kiện Ung An ở Quý Châu, Trung Quốc năm 2004 là một ví dụ điển hình. Do bất đồng với chính sách thu hồi đất làm thủy điện Cầu Bí, những chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, sắp xếp lại nhà ở của người dân quá thấp, không đảm bảo được cuộc sống lâu dài của nông dân, buộc người dân yêu cầu chính quyền địa phương đứng ra giải quyết, nhưng chính quyền không giải quyết được một cách triệt để, người nông dân ở đây đã tự phát bao vây, đập phá trụ sở làm việc của chính quyền. Mâu thuẫn xã hội và xung đột xã hội đã xảy ra[8]. Thực chất điều này cho thấy, sự phát triển kinh tế trong những năm qua ở nhiều địa phương Trung Quốc, chủ yếu là dựa vào việc bán đất. Ước tính khoảng 60%-70% thu nhập của chính quyền địa phương đến từ việc bán đất của nông dân, góp phần làm tỷ lệ tăng trưởng GDP cao, tạo nên thành tích cho quan chức địa phương Trung Quốc, đồng thời đem lại sự hưởng lợi cho “nhóm lợi ích” quan chức địa phương. Họ đứng về phía lợi ích của nhà đầu tư nhằm hưởng lợi cá nhân, chứ không hề bảo vệ quyền lợi nhỏ nhoi của người nông dân mất đất. Đó là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn xã hội, xung đột xã hội ngày càng gia tăng trong xã hội Trung Quốc hiện nay [9].

Thứ tư,mâu thuẫn xã hội gia tăng do chậm tiến hành cải cách hệ thống quản lý xã hội.

20 năm đầu cải cách - mở cửa, Trung Quốc tập trung vào cải cách kinh tế bằng mọi giá nên hệ thống quản lý xã hội rất chậm được cải cách. Vì vậy, khi Trung Quốc chuyển sang tập trung xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, hệ thống quản lý xã hội rất khó được cải cách, đổi mới. Hệ thống quản lý xã hội ở Trung Quốc cho đến trước Đại hội XVIII (2012) vẫn còn tồn tại khiếm khuyết lớn như sau: (i) quan niệm quản lý xã hội chưa chuẩn xác, chỉ chú trọng xây dựng kinh tế, ít chú trọng đến quản lý xã hội; chỉ chú trọng đến cái lớn, cái mạnh, ít chú ý đến cái nhỏ, cái cá thể, yếu kém; chủ yếu hô hào tầm vĩ mô, không chú ý đến cách quản trị mới trong quản lý xã hội; (ii) chưa đa nguyên hóa chủ thể quản lý xã hội, chính quyền địa phương các cấp vẫn ôm đồm quá nhiều công việc, dẫn đến tình trạng vai trò, chức năng của chính phủ vượt quá giới hạn cho phép, đồng thời ít coi trọng vai trò các tổ chức xã hội, nhưng nhiều lĩnh vực xã hội lại không có ai quản lý; (iii) chính quyền các cấp chủ yếu sử dụng quyền lực, dựa vào các biện pháp hành chính, mệnh lệnh can dự vào quản lý xã hội, chưa để cho người dân tham gia vào công tác quản lý xã hội; (iv) hệ thống quản lý xã hội chưa được kiện toàn, chưa luật hóa thể chế quản lý xã hội; (v) các chủ thể quản lý xã hội chưa xác định rõ ràng và chưa được phát huy vai trò. Vai trò của người dân chưa được đề cao, nên vai trò quản lý xã hội của người dân còn kém; (vi) thiếu hụt nhân tài trong công tác quản lý xã hội, tỷ lệ người làm công tác quản lý xã hội hiện nay ở Trung Quốc chưa đạt 1‰, trong khi đó ở Nhật Bản là 5‰, Mỹ và Canada là 2‰. Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi, kết cấu xã hội, hình thức tổ chức xã hội đang có những thay đổi sâu sắc. Đặc biệt, với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thông tin hóa, thị trường hóa, quốc tế hóa, từ một xã hội nông nghiệp chuyển sang xã hội hiện đại, đòi hỏi thể chế, hệ thống quản lý xã hội phải được cải cách, kiện toàn theo mô hình mới. Do sự cải cách, đổi mới, kiện toàn hệ thống quản lý xã hội ở Trung Quốc hiện nay chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình mới, vì vậy đã nảy sinh và tồn tại nhiều mâu thuẫn, xung đột xã hội về vấn đề này.

Thứ năm, sự gia tăng bất ổn xã hội ở Trung Quốc ngày càng lớn, thể hiện ở số vụ biểu tình, phản kháng xã hội, bạo động… tăng cao.

Năm 2005, Trung Quốc  lần đầu tiên công bố số “sự kiện mang tính quần chúng” như bạo động, biểu tình, phản kháng… đã tăng  từ 8.700 vụ (năm 1993) lên đến 74.000 vụ (năm 2004). Bộ Công an Trung Quốc công bố năm 2006 số vụ phản kháng ở Trung Quốc năm 2005 đã đạt đến 87.000 vụ, năm 2010 có tới 180.000 vụ biểu tình mang tính quần chúng. Con số này đã gấp đôi so với năm 2006. Điều này khiến cho giới học giả Mỹ nhận xét: “Tới đầu thế kỷ XXI, phản kháng xã hội đã trở thành một đặc điểm phổ biến của xã hội Trung Quốc”[10].

Thứ sáu,mâu thuẫn, xung đột xã hội Trung Quốc gia tăng do chưa giải quyết tốt vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Vấn đề mâu thuẫn dân tộc ở Trung Quốc ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, xét theo cơ cấu vùng, miền thì ở miền Nam mâu thuẫn dân tộc nổi bật ở lĩnh vực kinh tế như tranh chấp ruộng đất, rừng, tài nguyên, thủy sản giữa các dân tộc. Còn ở miền Bắc, ngoài mâu thuẫn về lĩnh vực kinh tế, còn có những mâu thuẫn dân tộc liên quan đến phong tục tập quán, tín ngưỡng. Trong đó, nổi bật là các vụ đấu tranh, biểu tình đòi độc lập, ly khai của lực lượng xã hội “Tây Tạng độc lập” với chủ trương đòi độc lập cho Tây Tạng. Tổ chức “Trakistan” (bao gồm ba thế lực là ly khai dân tộc, tôn giáo cực đoan và khủng bố bạo lực) ở khu tự trị Tân Cương, cùng với những căng thẳng sắc tộc, tôn giáo tín ngưỡng ở khu tự trị Nội Mông, đã làm cho trật tự an ninh, chính trị, xã hội Trung Quốc  bất ổn sâu sắc. Những chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Trung Quốc như “khai phá miền Tây” ở khu vực Tây Bắc đã gây ra những biến đổi về xã hội, cảnh quan, môi trường, khiến cho nền văn hóa dân tộc của  các vùng này bị thay đổi sâu sắc, nền kinh tế kém phát triển, kinh tế khu vực mất cân bằng nghiêm trọng, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội  quá xa, mâu thuẫn kinh tế - xã hội, dân tộc, tôn giáo ngày càng nghiêm trọng, thổi bùng lên những cuộc đấu tranh từ tự phát đến tự giác. Bên cạnh đó, với sự xúi giục của các thế lực phản động ở trong và ngoài nước, mâu thuẫn, xung đột, đấu tranh xã hội ở khu vực này đã trở thành “điểm nóng”, “ngòi nổ”, làm cho ổn định xã hội có nguy cơ bị phá vỡ, gây nguy hại cho sự tồn tại của chế độ.

3.Những giải pháp chủ yếu giải quyết mâu thuẫn xã hội ở Trung Quốc hiện nay

Bước vào “thời đại mới”, Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ khó khăn chồng chất. Trong bản cương yếu quy hoạch 5 năm lần thứ XIII (2016-2020) Trung Quốc đã nhận định rằng: “Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như mâu thuẫn chồng chất, mầm mống rủi ro tăng nhiều”[11]. Cụ thể là: “Trung Quốc phải thiết thực chuyển đổi phương thức phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, “tập trung chống tham nhũng, lãng phí, lấy lại niềm tin trong nhân dân, tiếp tục đi sâu cải cách, làm thế nào để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn ở tầng sâu của cải cách và phát triển, trong đó có vấn đề mâu thuẫn giữa cải cách, phát triển kinh tế với xã hội, cải cách chính trị, môi trường”[12].

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, thế giới trong đó có Trung Quốc đang phải gồng mình vật lộn với đại dịch Covid-19, phải đồng thời thực hiện cả hai nhiệm vụ chiến lược: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Vì vậy, Trung Quốc cần cấp bách giải quyết những mâu thuẫn đang tồn tại, phát sinh trong xã hội tạo cho đất nước ổn định để có thể tập trung thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược đó. Trước mắt, Trung Quốc cần tập trung giải quyết một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, giải quyết tốt việc kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, thực hiện hiệu quả công bằng xã hội; đẩy mạnh tiến hành cải cách hệ thống quản lý xã hội, quản trị mới trong quản lý xã hội; hoàn thiện thể chế quản trị xã hội, tạo nên sự gắn kết, tương hỗ giữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước với sự điều tiết của xã hội và sự tham gia của người dân, dựa trên cơ sở pháp lý đúng đắn.

Hai là,tập trung mọi nguồn lực xây dựng thành công xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, trước mắt cần giải quyết dần dần, có hiệu quả tình trạng về khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, phân hóa giai tầng xã hội sâu sắc giữa thành thị với nông thôn; giữa vùng ven biển phía đông với vùng núi phía tây; giữa công nghiệp với nông nghiệp; giữa công nghiệp nặng với công nghiệp nhẹ…giải quyết sự bất hợp lý về chế độ ruộng đất đang còn tồn tại ở nông thôn hiện nay, ban hành các chính sách mới nhằm xây dựng và chấn hưng nông thôn mới.

Ba là, quán triệt hoàn thành tốt mục tiêu “xây dựng toàn diện xã hội khá giả” vào năm 2021, như nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII (2012) và khóa XIX (2017) đã đề ra. Trong đó nhiệm vụ trung tâm là “xóa nghèo” với cam kết là “kiên quyết đánh thắng trận chiến công kiên thoát nghèo, làm cho những người nghèo khó và những khu vực khó khăn cùng cả nước bước vào xã hội khá giả là lời hứa nghiêm túc của đảng ta (Đảng Cộng sản Trung Quốc)”[13]. Muốn thực hiện tốt mục tiêu “xóa nghèo”, Trung Quốc cần phải kiên trì thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, trong đó đặc biệt đề cao tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện xóa nghèo. Muốn vậy cần phải nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, thực hiện tăng trưởng đồng bộ nhằm mục tiêu nâng cao mức thu nhập cho mọi người dân.

Bốn là, triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách tạo công ăn việc làm cho mọi người dân với qui mô rộng lớn, độ bao phủ cao, mức độ thụ hưởng phù hợp, đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng “thị trường lao động tích cực” (đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, cung cấp dịch vụ việc làm, tạo cơ hội cho mọi người dân thông qua lao động, tạo việc làm mới…).

Năm là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội với định hướng lấy người dân làm trung tâm. Kiện toàn ba“lưới” an sinh xã hội bao gồm: bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội và xây dựng thị trường lao động tích cực, với nguyên tắc “đóng - hưởng” phù hợp; độ bao phủ rộng rãi; thực hiện công bằng, công khai, minh bạch với sự tham gia đồng thời ở cả ba cấp Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân người lao động; chú ý đến vai trò của các tổ chức xã hội, các quỹ, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia; hoàn thiện hệ thống dịch vụ công cơ bản của xã hội một cách rộng rãi.

Sáu là, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương cần phát hiện sớm những bất ổn trong xã hội, kịp thời đưa ra các chính sách đúng đắn nhằm giải quyết tận gốc những bất ổn xã hội, những vụ biểu tình, đình công phản kháng trong xã hội. Giải quyết triệt để những manh nha mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo trong xã hội, xây dựng các đội “đặc nhiệm” các cấp, các đội hòa giải trong nhân dân nhằm hóa giải, tháo gỡ kịp thời các “ngòi nổ” tránh để lây lan, bảo vệ sự ổn định của xã hội và sự tồn tại của chế độ.

4.Những nhận xét và gợi mở cho Việt Nam giải quyết các vấn đề mâu thuẫn xã hội chủ yếu hiện nay

Trải qua hơn 42 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý những mâu thuẫn, xung đột xã hội. Đây là những kinh nghiệm quý, có khả năng gợi mở cho Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về mâu thuẫn xã hội hiện nay và trong tương lai.

Theo chúng tôi, kinh nghiệm được rút ra từ hai nội dung chính sau đây:thứ nhất từ việc xây dựng, thực hiện đường lối, chính sách, sử dụng các phương pháp đúng đắn thực thi đường lối, chính sách đó;thứ hai là việc phát hiện, xử lý, sử dụng các biện pháp, phương pháp giải quyết đúng đắn, kịp thời, sáng suốt, dựa trên cơ sở pháp lý nghiêm minh, rõ ràng. Gợi mở từ những bài học giải quyết mâu thuẫn xã hội chủ yếu ở Trung Quốc hiện nay, trong điều kiện của Việt Nam, chúng ta cũng cần thiết phải tập trung nghiên cứu và thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

1. Đảng và Nhà nước cần hoạch định và thực thi đường lối phát triển kinh tế với phát triển xã hội đúng đắn, một cách cân đối, nhịp nhàng. Thực hiện hiệu quả công bằng xã hội, đẩy mạnh cải cách hệ thống quản lý xã hội, quản trị mới trong xã hội, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, xóa đói giảm nghèo đa chiều, phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế bao trùm, chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, đề cao vai trò của người dân, lấy người dân làm trung tâm trong việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Cần tổng kết thực tiễn, phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn xã hội mới nảy sinh, trước tiên phải xây dựng được khung pháp lý đúng đắn, phải thể chế hóa, luật hóa các đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế, chính trị nói chung, cải cách các vấn đề xã hội nói riêng. Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nướccần căn cứ vào luật pháp hiện hành, kịp thời xây dựng những bộ khung chính sách một cách khoa học, phù hợp, tôn trọng quy luật về phát triển xã hội, quản lý xã hội, phù hợp với thực tiễn, từ đó sẽ tiến hành tổ chức, lãnh đạo mọi người dân thực thi các chính sách đó.

2. Đảng và Nhà nước cần tập trung kiểm tra, kiểm soát kịp thời việc thực hiện những chủ trương, chính sách, cơ chế giải quyết các vấn đề xã hội dễ gây ra những mâu thuẫn,xung đột xã hội. Từ đó cần có cơ chế phản biện các chủ trương, chính sách, cơ chế phát triển xã hội và quản lý xã hội. Phát huy vai trò của mặt trận, các tổ chức xã hội, người dân trong việc tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát, thực thi, phản biện các chính sách, việc thực hiện những vấn đề xã hội.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, ngăn chặn những tư tưởng lệch lạc, không phù hợp với các giá trị xã hội Việt Nam, không phù hợp với thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước. Phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, giải thích cho nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về vấn đề phát triển kinh tế và phát triển xã hội, những mâu thuẫn, xung đột xã hội sẽ có thể xảy ra trong phát triển kinh tế nếu không hiểu biết, tôn trọng pháp luật. Cần công khai hóa, minh bạch hóa các việc làm động đến lợi ích của đất nước, người dân, của tập thể…

Cụ thể cần phải nâng cao tố chất như: tăng cường xây dựng cơ sở địa bàn ở địa phương, nông thôn, khu phố; nâng cao năng lực công tác, nghiệp vụ chuyên môn, tố chất chính trị của cán bộ cơ sở ở địa phương, nông thôn, khu phố làm công tác giải thích, tuyên truyền, phát hiện, giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn, xung đột xã hội ở địa bàn nơi công tác.

4. Đảng và Nhà nước cần phải thường xuyên tổ chức tổng kết, rút ra những kinh nghiệm, gợi mở về nội dung phát hiện, xử lý, phòng, chống kịp thời, triệt để các mâu thuẫn xã hội. Cụ thể, tập trung ở một số công tác như sau:

- Công tác phát hiện, phòng ngừa, phải dựa vào tổ chức đảng, chính quyền, các ngành chức năng, đoàn thể làm tốt công tác quần chúng, có chân rết ở địa bàn, nhanh chóng kịp thời phát hiện, đưa ra các giải pháp phòng ngừa kịp thời, với tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý hài hòa, có tình, có lý.

- Công tác đảm bảo trị an, phát huy đầy đủ, đảm bảo trị an ở cơ sở, thực hiện vai trò hòa giải của tổ chức, thúc đẩy cơ sở địa bàn địa phương ổn định.

- Thu thập thông tin, tăng cường công tác thu thập thông tin nhanh chóng, kịp thời, làm tốt khâu phát hiện sớm, không để phát tán những tin đồn nhảm nhí, dễ dẫn đến tụ tập đông người, gây mất ổn định trật tự, an ninh…

- Điều tra nghiên cứu, tăng cường công tác điều tra, nghiên cứu nắm bắt tình hình, thông minh, linh hoạt, nắm vững nghiệp vụ chuyên môn điều tra, làm tốt công tác phòng ngừa trước khi sự kiện xảy ra và giải quyết tốt vấn đề sau khi sự kiện xảy ra.

- Tổ chức kỷ luật, tăng cường xây dựng đội ngũ chấp pháp, nghiêm túc làm việc theo pháp luật, xử lý văn minh, xây dựng lòng tin của dân.

- Biện pháp ứng phó cụ thể, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng chương trình bồi dưỡng cho cán bộ địa phương cơ sở các cấp: chi bộ, tổ trưởng, mặt trận, các hội…về nội dung xử lý mâu thuẫn, xung đột xã hội. Tiến hành thực nghiệm, tập huấn thường xuyên, rút ra những bài học kinh nghiệm cụ thể.

- Tăng cường công tác trinh sát, nghiêm túc phân biệt rõ tính chất của sự kiện, tiến hành phân loại xử lý.

- Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp chế, nâng cao toàn diện ý thức pháp luật của công dân nhằm giữ vững ổn định xã hội, sẵn sàng tham gia ứng phó, giải quyết các mâu thuẫn xã hội.

Thay lời kết

1.Trải qua 42 năm cải cách -mở cửa của đất nước Trung Quốc (1978-2020), nhận thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc về cải cách xã hội, phát triển xã hội đã được nâng cao từng bước, từ việc xác định cải cách kinh tế là trung tâm, đến việc vừa chú trọng phát triển kinh tế, vừa chú trọng phát triển xã hội, xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, thay đổi nhận thức đề cao vai trò con người là trung tâm, không ngừng cải cách quản lý xã hội và quản trị xã hội, nhằm đáp ứng với những nhu cầu mới trong bối cảnh quốc tế mới.

2.Nội dung giải quyết các mâu thuẫn xã hội, xung đột xã hội ở Trung Quốc được tập trung trong giải quyết các mâu thuẫn cơ cấu việc làm; trong việc giải quyết những chênh lệch trong thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa miền Đông ven biển với miền Tây nội địa; sự bất hợp lý trong việc giải quyết chế độ ruộng đất ở nông thôn; không ngừng nâng cao cải cách hệ thống quản lý xã hội, quản trị xã hội; tập trung giải quyết từng bước các vấn đề mâu thuẫn về dân tộc, tôn giáo; tháo gỡ dứt điểm các “điểm nóng”, “ngòi nổ”, làm ổn định dần dần đời sống xã hội Trung Quốc. Các nhiệm vụ đó đã được toàn đảng, toàn dân Trung Quốc quán triệt, đề cao, tập trung giải quyết và đã thu được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

3.Bước vào “thời đại mới” trong bối cảnh quốc tế mới với nhiều biến đổi sâu sắc hiện nay, Trung Quốc đã và đang tập trung mọi nguồn lực nhằm thực hiện cả hai nhiệm vụ chiến lược: vừa tích cực chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong đó, Trung Quốc cần đề cao nhiệm vụ xuyên suốt là giữ vững sự ổn định về chính trị, xã hội.

4.Các bài học kinh nghiệm của Trung Quốc đã có những gợi mở ít, nhiều cho Việt Nam trong việc giải quyết hiệu quả các vấn đề mâu thuẫn xã hội và xung đột xã hội. Việt Nam cần nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những bài học này của Trung Quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Thế Anh(chủ biên, 2013),Xã hội Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

2. Hoàng Thế Anh (2017), Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Nguyễn Kim Bảo (chủ biên, 2013),Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

4. Tập Cận Bình (2015),Về quản lý đất nước Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật và Nxb Ngoại văn Trung Quốc, Hà Nội.

5. Tạ Xuân Đào (chủ biên, 2019),Vì sao Trung Quốc cải cách thành công, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

6. Henry M. Paulson Jr (2019),Ứng xử với Trung Quốc, góc nhìn  trong cuộc về siêu cường kinh tế mới”, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

7. Nguyễn Mai Phương (2019), “Xã hội Trung Quốc 40 năm xây dựng và phát triển”, trong 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc: Nhìn lại và triển vọng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Viện Nghiên cứu Trung Quốc (2020),70 năm tiến hành xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

 



[1] PGS., TS., Trường Đại học Đại Nam

[2] Nguyễn Mai Phương (2019), “Xã hội Trung Quốc 40 năm xây dựng và phát triển”, trong 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc: Nhìn lại và triển vọng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 326.

[3] Hoàng Thế Anh (2009), Vấn đề xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 47.

[4] Nguyễn Mai Phương (2019), “Xã hội Trung Quốc 40 năm xây dựng và phát triển”, Tlđd, tr. 328, 329.

[5]Nguyễn Mai Phương (2019), “Xã hội Trung Quốc 40 năm xây dựng và phát triển”, Tlđd, tr. 331, 332.

[6] Hoàng Thế Anh (chủ biên, 2013), Xã hội Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr. 80-85.

[7] Phùng Thị Huệ (2010), “Vai trò quản lý xã hội của Nhà nước Trung Quốc trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa: Kinh nghiệm cho Việt Nam, trong Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, 60 năm xây dựng và phát triển, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 185.

[8] Hoàng Thế Anh (chủ biên, 2013), Xã hội Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Tlđd, tr. 81, 82.

[9] Hoàng Thế Anh (chủ biên, 2013), Xã hội Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Tlđd, tr. 82, 83.

[10] Hoàng Thế Anh (chủ biên, 2013), Xã hội Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Tlđd, tr. 83, 84.

[11]Hoàng Thế Anh (2017), Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 249.

[12] Hoàng Thế Anh (chủ biên, 2013), Xã hội Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Tlđd, tr. 20-29.

13 Tập Cận Bình, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Quyết giành thắng lợi vĩ đại xây dựng toàn diện xã hội khá giả, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới,http://new.xinhuanet.com/politics/19cpenc/2017 (tiếng Trung).

 

0thảo luận