Trang chủ

Thỏa thuận xanh mới của Hàn Quốc trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19

Đăng ngày: 12-12-2022, 08:19 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 6

Đặng Thu Thủy1

 

Tóm tắt: Tăng trưởng xanh được coi là nội dung quan trọng trong phát triển bền vững với 3 lĩnh vực chính: kinh tế-xã hội-môi trường. Tăng trưởng xanh đem lại nhiều cơ hội để giải quyết những thách thức phát triển chưa từng có trong thời đại chúng ta và những giải pháp đổi mới để tích hợp tăng trưởng kinh tế, môi trường bền vững và hòa nhập xã hội. Cùng với dòng chảy tăng trưởng xanh toàn cầu, Hàn Quốc đã dũng cảm theo đuổi con đường này để giải quyết các vấn đề phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tăng trưởng kinh tế chậm và biến đổi khí hậu. Thỏa thuận xanh mới (Green new deal)của Hàn Quốc là một chính sách mới cho thời kỳ hậu đại dịchCOVID-19 được Đảng Dân chủ cầm quyền đề xuất trước cuộc bầu cử Quốc hội ngày 15/4/2020. Đây được xem là chương trình lớn do Chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhằm hạn chế những tác động của đại dịch COVID-19 và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững kinh tế trong tương lai.

Từ khóa: Thỏa thuận xanh mới, tăng trưởng xanh, Hàn Quốc

 

 

C

ơn bão đại dịch  COVID-19 đã gây nên một cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Kiểm soát dịch lây lan và phục [1]hồi sau suy thoái là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ, trong đó có Hàn Quốc. Khi thế giới đang trải qua những ảnh hưởng của đại dịch, cộng đồng toàn cầu đã nhận thức được tính cấp thiết về các hành động vì khí hậu hơn bao giờ hết[2]. Thử thách đại dịch COVID-19 tạo cơ hội cho việc đánh giá lại các tác động, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối đe dọa nghiêm trọng thuộc về môi trường và sức khỏe đòi hỏi phải có các phản ứng chính sách công toàn diện. Nói cách khác, đại dịch COVID-19 có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai bền vững.Thỏa thuận xanh mới của Hàn Quốc được xem như một chiến lược chuyển đổi bền vững để thích ứng sau cơn khủng hoảng đại dịch COVID-19, nhằm xây dựng một nền kinh tế carbon thấp và thân thiện với môi trường. Thỏa thuận này đặt ra 8 mục tiêu phải đạt được trong ba lĩnh vực chiến lược: (i) phát triển đô thị xanh, (ii) năng lượng carbon thấp và (iii) công nghiệp sáng tạo. Thỏa thuận cũng đưa ra các biện pháp bảo vệ người dân và các ngành khác trong xã hội có nguy cơ bị bỏ lại phía sau do quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Thỏa thuận xanh mới này là phiên bản nâng cấp của chính sách Hàn Quốc về phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và đặc biệt chú trọng nhiều hơn đến phát triển bền vững, lâu dài.

1. Hàn Quốc với chiến lược tăng trưởng xanh và thỏa thuận xanh mới

Khái niệm tăng trưởng xanh được xem như một phương thức phát triển mới bền vững cho các nước đang phát triển nhanh tại châu Á. Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tháng 6/2009 đã thông qua tuyên bố  “xanh” và “tăng trưởng” có thể đi đôi với nhau và hội nghị đã yêu cầu OECD phát triển một chiến lược tăng trưởng xanh có kết hợp với nhiều lĩnh vực như kinh tế, môi trường, công nghệ, tài chính trong một khuôn khổ toàn diện. OECD cho rằng, tăng trưởng xanh “nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tếtăng trưởng và phát triển, đồng thời đảm bảo rằng nguồn tài sản tự nhiên được sử dụng bền vững và tiếp tụccung cấp các nguồn tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu”[3]. Thỏa thuận mới xanh toàn cầu được biết đến lần đầu vào tháng 3/2009 do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đề xuất để điều phối các yếu tố kích thích kinh tế trong bối cảnh suy thoái toàn cầu cho các lĩnh vực xanh với ba mục tiêu là phục hồi kinh tế, xóa bỏ đói nghèo và giảm lượng khí thải carbon và suy thoái hệ sinh thái[4]. Tăng trưởng xanh được biết đến như một chỉ thị chính sách trong luật và chính sách môi trường của Hàn Quốc vào năm 2009 với việc ban hành Khung về tăng trưởng xanh carbon thấp (trong Đạo luật tăng trưởng xanh) vào năm 2010[5]. Theo Đạo luật tăng trưởng xanh của Hàn Quốc thì “tăng trưởng xanh được hiểu là tăng trưởng đạt được bằng cách tiết kiệm và sử dụng năng lượng, nguồn lực hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thiệt hại với môi trường, đảm bảo tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, tạo cơ hội việc làm mới và hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường” (Điều 2). Hàn Quốc thành lập Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) với tư cách là tổ chức phi lợi nhuận và được công nhận là một tổ chức quốc tế mới tại Hội nghị Rio+20 vào tháng 6/2012. GGGI tập trung thúc đẩy tăng trưởng xanh nhưmột mô hình tăng trưởng kinh tế mới của thế giới.Cách tiếp cận toàn diện của Hàn Quốc đối với chính sách tăng trưởng xanh được phản ánh trong các kế hoạch trung và dài hạn và xây dựng dựa trên tầm nhìn quốc gia về tăng trưởng xanh carbon thấp với ba chiến lược và mười định hướng chính sách: (i) giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh năng lượng; (ii) tạo động cơ tăng trưởng mới; (iii) cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao vị thế quốc tế của Hàn Quốc. Chiến lược này được cụ thể hóa thành 10 định hướng với nhiều chương trình và dự án[6](Bảng 1).


Bảng 1: Chiến lược và định hướng chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc

Chiến lược và tầm nhìn quốc gia về tăng trưởng xanh

Hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế xanh lớn thứ 7 thế giới vào năm 2020, và lớn thứ 5 vào năm 2050

Ba chiến lược

Mười định hướng chính sách

Giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh năng lượng

<!--[if !supportLists]-->1. <!--[endif]-->Giảm phát thải nhà kính một cách hiệu quả

<!--[if !supportLists]-->2. <!--[endif]-->Giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch

<!--[if !supportLists]-->3. <!--[endif]-->Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Tạo động cơ tăng trưởng mới

<!--[if !supportLists]-->4. <!--[endif]-->Phát triển công nghệ xanh để tạo động cơ tăng trưởng mới

<!--[if !supportLists]-->5. <!--[endif]-->Xanh hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ truyền thống và nuôi dưỡng công nghiệp xanh

<!--[if !supportLists]-->6. <!--[endif]-->Cải tiến cơ cấu công nghiệp

<!--[if !supportLists]-->7. <!--[endif]-->Tạo nền móng cho kinh tế xanh

Cải thiện chất lượng cuộc sống nâng cao vị thế quốc tế

<!--[if !supportLists]-->8. <!--[endif]-->Tạo ra đất nước xanh và vận tải xanh

<!--[if !supportLists]-->9. <!--[endif]-->Các mạng cuộc sống xanh

<!--[if !supportLists]-->10. <!--[endif]-->Trở thành hình mẫu cho cộng đồng quốc tế như một quốc gia đi đầu về tăng trưởng xanh

 

Nguồn:Presidential Commission on green growth Republic Korea (2010)

 

Các kế hoạch tăng trưởng xanh của Hàn Quốc có thể được phân loại tổng quát thành kế hoạch toàn diện và kế hoạch ngành. Kế hoạch toàn diện là những kế hoạch đan chéo các nhiệm vụ của chính quyền trung ương và địa phương cũng như của các bộ. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, kế hoạch 5 năm (2009-2013), kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (2014-2018) cùng với Thỏa thuận xanh mới (năm 2020) là những kế hoạch rất quan trọng, đưa ra định hướng cho các kế hoạch tăng trưởng xanh toàn diện khác ở cấp trung ương và khu vực.Hàn Quốc đã đặt ra một tầm nhìn dài hạn để trở thành một trong bảy nền kinh tế “xanh” hàng đầu thế giới vào năm 2020 và điều này đã được trình bày rõ ràng trước cộng đồng quốc tế với hy vọng là tăng trưởng xanh cũng sẽ là chương trình nghị sự chính của các chính quyền kế nhiệm[7]. Mặt khác, hai kế hoạch 5 năm hỗ trợ việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thông qua các khoản đầu tư, các dự án, và cải cách chính sách trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, giao thông vận tải và công nghệ xanh. Trong khi kế hoạch này nhấn mạnh vào việc tạo ra các ngành công nghiệp mới thân thiện với môi trường, nó cũng đồng thời tập trung vào việc xanh hóa toàn bộ các ngành công nghiệp hiện có. Vì vậy, nó nêu bật lên yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính, nhất là trong lĩnh vực chế tạo trong khi vẫn nâng cao được năng suất. Một điều đáng chú ý là cả hai kế hoạch đều được tạo lập thông qua sự hợp tác năng động của Ủy ban Tổng thống về tăng trưởng xanh (PCGG), văn phòng Thủ tướng, các bộ có liên quan và các viện nghiên cứu, các trường đại học và các chuyên gia kỹ thuật. Để tránh sự chồng chéo với các kế hoạch và chiến lược khác, kế hoạch này đã được đánh giá lại và điều chỉnh thành kế hoạch quốc gia vừa có tính toàn diện vừa có tính chính xác. Như vậy, việc công bố kế hoạch 5 năm cả hai lần đều nhận được sự hỗ trợ của các chính sách của các bộ liên quan và của chính quyền địa phương[8]. Thỏa thuận xanh mớicủa Hàn Quốc là chính sách mới cho thời kỳ hậu đại dịch COVID - 19 được Đảng Dân chủ cầm quyền đề xuất trước cuộc bầu cử Quốc hội ngày 15/4/2020. Đây được xem là chính sách do Chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhằm bù đắp những tác động của đại dịch COVID- 19và tạo nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững kinh tế trong tương lai. Thỏa thuận mới về xanh hóa là một trong hai nội dung trong Thỏa thuận mới của Hàn Quốc (Thỏa thuận xanh mới và thỏa thuận mới về kỹ thuật số).

2. Thỏa thuận xanh mới của Hàn Quốc trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19

Thỏa thuận xanh mới của Hàn Quốc được biết đến như là phương thức phản ứng lại với đại dịch COVID-19. Thỏa thuận này của Hàn Quốc không giống với thỏa thuận của châu Âu và Mỹ vì nó không chỉ ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu mà còn mong muốn xóa bỏ bất bình đẳng trong xã hội và đói nghèo[9]. Thỏa thuận xanh mới của Hàn Quốc xác định 3 lĩnh vực chính cùng 8 mục tiêu cụ thể. Chính phủ Hàn Quốc dự định cấp 73,4 nghìn tỷ KRW (trong đó 42,7 nghìn tỷ KRW từ ngân sách) và dự định sẽ có 659 nghìn việc làm được tạo ra. Nguồn quỹ đầu tư hỗ trợ các dự án từ thỏa thuận xanh mới với kỳ vọng nhận được sự đóng góp từ phía khu vực công và cả khu vực tư nhân.

Lĩnh vực đầu tiên là sự chuyển đổi của cơ sở hạ tầng theo hướng xanh hóa. Chính phủ đầu tư 30,1 nghìn tỷ KRW (bao gồm 12,1 nghìn tỷ KRW từ ngân sách) được thực hiện vào năm 2025 để tạo ra 387.000 việc làm. Chính phủ mong muốn đầu tư vào các thiết bị năng lượng tái tạo, vật liệu cách nhiệt hiệu suất cao để làm cho các tòa nhà công cộng xanh và các dự án tiết kiệm năng lượng với nhiều việc làm được tạo ra. Bên cạnh đó, việcphục hồi các hệ sinh thái trên cạn, dưới biển, đô thị cũng được chính phủ quan tâm, cân nhắc. Tiếp theo đó là toàn bộ hệ thống cấp nước thông minh được sử dụng thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Lĩnh vực thứ hai là cung cấp năng lượng carbon thấp và phi tập trung. Chính phủ đầu tư cho lĩnh vực này là 35,8 nghìn tỷ KRW (bao gồm 24,3 nghìn tỷ KRW từ ngân sách) sẽ được thực hiện vào năm 2025 để tạo ra 209.000 việc làm. Riêng các nhiệm vụ bao gồm thiết lập lưới điện thông minh để quản lý năng lượng hiệu quả cũng được Chính phủ Hàn Quốcđặc biệt quan tâm. Việc sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng các phương tiện thân thiện hơn với môi trường, gia tăng cạnh tranh trong thời kỳ phát triển bền vững được Tổng thống Hàn Quốc đặt lên hàng đầu. Lĩnh vực thứ ba là sự biến đổi trong ngành công nghiệp xanh với mức đầu tư lên đến 7,6 nghìn tỷ KRW (bao gồm 6,3 nghìn tỷ KRW từ ngân sách) sẽ được thực hiện vào năm 2025 để tạo ra 63.000 việc làm. Ở lĩnh vực này, chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp tiềm năng dẫn đầu ngành công nghiệp xanh và thành lập các khu liên hợp công nghiệp xanh và carbon thấp. Để tạo nền tảng cho sự đổi mới xanh, khoản vay 1,9 nghìn tỷ KRW sẽ được Chính phủ Hàn Quốc thực thi vào việc ngăn chặn ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp và một quỹ chung do Nhà nước và khu vực tư nhân được thành lập với trị giá 215 tỷ KRW để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh hóa.

 

Bảng 2: Các nhiệm vụ và khối lượng việc làm được tạo ra từThỏa thuận xanh mới của Chính phủ Hàn Quốc

Khu vực

Nhiệm vụ

Ngân sách (nghìn tỷ KRW) đến năm 2022

Ngân sách (nghìn tỷ KRW) đến năm 2025

Việc làm (nghìn)

Tổng cộng

19,6

42,7

659

Chuyển dịch xanh từ cơ sở hạ tầng

Tổng phụ

6,1

12,12

387

Biến các cơ sở công cộng thành các tòa nhà không sử dụng năng lượng

2,6

6,2

243

Phục hồi các hệ sinh thái trên cạn, biển và đô thị

1,2

2,5

105

Xây dựng hệ thống quản lý nước sạch và an toàn

2,3

3,4

39

Duy trì carbon thấp và năng lượng phi tập trung

Tổng phụ

10,3

24,3

209

Xây dựng mạng lưới điện thông minh để quản lý năng lượng hiệu quả

1,1

2,0

20

Thúc đẩy sử dụng và hỗ trợ năng lượng tái tạo

3,6

9,2

38

Cung cấp số lượng lớn các loại xe chạy bằng điện và hydro

5,6

13,1

151

Đổi mới trong công nghiệp xanh

Tổng phụ

3,2

6,3

63

Thúc đẩy các doanh nghiệp tiềm năng dẫn đầu công nghiệp xanh và thiết lập khu liên hợp công nghiệp xanh và carbon thấp

2,0

3,6

47

Đặt nền tảng đổi mới xanh thông qua R&D và lĩnh vực tài chính

1,2

2,7

16

Nguồn:Government of the Republic of Korea (2020)

 

Chính phủ đã xác định 10 dự án trong Thỏa thuận mớicụ thể gồm 5 lĩnh vực liên quan đến Thỏa thuận xanh mới như các nội dung sau: (i) mô hình hóa hoạt động xanh bền vững, (ii) năng lượng xanh, (iii) phương thức di chuyển thân thiện với môi trường trong tương lai, (iv)trường học xanh với thiết kế thông minh và (v) khu liên hợp công nghiệp xanh với thiết kế thông minh.


Bảng 3: Thời hạn mục tiêu chính sách về năm lĩnh vực liên quan đến Thỏa thuận xanh mới

 

2020

2022

2025

Mô hình hóa hoạt động xanh bền vững

Cải tạo lại các nhà cho thuê cũ

-

186.000

225.000

Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày tiết kiệm năng lượng

-

194

440

Cơ sở văn hóa tiết kiệm năng lượng

-

287

1.148

Năng lượng xanh

Công suất phát (năng lượng mặt trời và năng lượng gió)

12,7GW  (2019)

26,3GW

42,7GW

Công nghệ lõi và nguyên bản cho sản xuất hydro

Nghiên cứu ở mức độ cơ bản

-

Áp dụng (đến 2026)

Tiêu chuẩn về công nghệ thủy nhiệt

-

Thử nghiệm (đến 2023)

-

Phương thức di chuyển thân thiện với môi trường trong tương lai

Số phương tiện chạy bằng điện

91.000 (2019)

430.000

1.130.000

Số  phương tiện chạy bằng hydro

5.000

67.000

200.000

Những chiếc xe diesel cũ nát

1.060.000

1.720.000

2.220.000

(đến 2024)

Chuyển đổi ô tô chở hàng diesel cũ sang sử dụng khí hóa lỏng (LBG)

15.000

60.000

150.000

Trường học xanh với thiết kế thông minh

Mô hình hóa khu trường học

-

1.299

Hơn 2.890

Phủ sóng wifi cho điểm trường

14,8%

100%

100%

Khoản chi cho đào tạo có yếu tố công nghệ

3,8 triệu KRW (năm 2018)

7 triệu KRW

10 triệu KRW

Khu liên hợp công nghiệp xanh với thiết kế thông minh

Khu liên hợp thông minh

7

10

15

Các nhà máy an toàn

-

700

1.750

Cụm công nghiệp chia sẻ chất thải công nghiệp để tái sử dụng

-

27

81

Các phương tiện ngăn ngừa ô nhiễm cho  các doanh nghiệp nhỏ

4.182

10.182

13.182

Nguồn: Government of the Republic of Korea (2020)Mô hình hóa hoạt động xanh bền vững

 

Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà tư nhân, các nhà công cộng dẫn đầu trong việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường như: lắp đặt năng lượng mặt trời, các vật liệu cách nhiệt hiệu quả. Rất nhiều các đơn vị công đã được chính phủ hỗ trợ hệ thống năng lượng mặt trời và đèn LED như trung tâm y tế, trung tâm thể thao, các địa điểm văn hóa, bảo tàng và thư viện…

Năng lượng xanh.

Thỏa thuận xanh dự tính mở rộng nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô lớn, các dự án năng lượng và cung cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy hệ sinh thái năng lượng mới và tái tạo cho các ngành công nghiệp, như điện mặt trời và điện gió. Chính phủ có kế hoạch tăng sản xuất điện tái tạo từ 12,7GW hiện tại lên 42,7GW vào năm 2025. Về năng lượng gió và mặt trời, một dự án có sự tham gia và hỗ trợ vốn vay cho khu vực nông thôn và các cụm công nghiệp sẽ được mở rộng. Chính phủ cũng có ý định phát triển công nghệ cao cho toàn bộ chu trình sản xuất để sử dụng hydro và xây dựng “thành phố hydro”. Ba thành phố hydro sẽ được khởi tạo vào năm 2022 và ba thành phố bổ sung sẽ được tạo ra vào năm 2025.

Phương thức di chuyển thân thiện với môi trường trong tương lai.

Thỏa thuận xanh mới có kế hoạch tăng số lượng ô tô điện từ 90.100 xe (tính đến năm 2020) lên 1,13 triệu xe và mở rộng các địa điểm sạc pin tự động (15.000 bộ sạc nhanh và 30.000 bộ sạc chậm) vào năm 2025. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn khuyếnkhích các phương tiện sẽ chạy bằng hydro như ô tô chở khách, xe buýt, xe vận chuyển hànghóa. Ngoài ra, thỏa thuận xanh mới sẽ hỗ trợ chuyển đổi các phương tiện chạy bằng nhiên liệu ảnh hưởng đến môi trường sang các phương tiện công cộng, tư nhân sang phương tiện thân thiện hơn với môi trường.

Trường học xanh với thiết kế thông minh.

Việc lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng hỗ trợ các lớp học thân thiện với môi trường, trong khi đó sử dụng giáo trình dựa trên các yếu tố công nghệ gần gũi với với con người, gia tăng lợi ích và giảm thiểu các tác hại tới thiên nhiên. Các lớp học sẽ được lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời và vật liệu cách nhiệt có ích cho môi trường và kế hoạch phủ sóng wifi đầy đủ trong 380.000 lớp học đến năm 2024 sẽ hoàn thành trước thời hạn trong dự kiến vào năm 2022.

Khu liên hợp công nghiệp xanh với thiết kếthông minh.

Thỏa thuận xanh mới sẽ chuyển đổi các khu liên hợp công nghiệp thành sản xuất thông minh và thân thiện với môi trường và năng suất cao dựa trên kỹ thuật số (thông minh), hiệu quả năng lượng cao và ô nhiễm thấp (xanh). Chính phủ có kế hoạch thành lập một trung tâm mô phòng để kiểm tra quy trình sản xuất (ba địa điểm) và hệ thống giám sát từ xa để phát hiện các hóa chất nguy hiểm dựa trên trí tuệ nhân tạo và máy bay không người lái. Các nhà máy sinh thái thông minh cũng sẽ được đầu tư thông qua các dự án thuộc Thỏa thuận xanh mới của chính phủ.

3. So sánh Thỏa thuận xanh mới với các chiến lược tăng trưởng xanh

Hàn Quốc đã thực hiện lược tăng trưởng xanh trong hơn một thập kỷ và để gia tăng tính hữu dụng cũng như thích ứng với thời kỳ mới, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra Thỏa thuận xanh mới vào năm 2020 – một năm quá nhiều biến động trên toàn cầu cũng như tại Hàn Quốc trước đại dịch COVID-19. Thỏa thuận xanh cũng có nhiều nét khác biệt với các chiến lược tăng trưởng xanh trước đây của Hàn Quốc[10], cụ thể:

Thứ nhất, phần lớn các lĩnh vực chính sách của Thỏa thuận xanh mới không khác nhiều so với chiến lược tăng trưởng xanh năm 2009. Hàn Quốc cho rằng chiến lược tăng trưởngxanh không chỉ đơn thuần là ứng phó với biến đổi khí hậu mà hướng đến tăng trưởng kinh tế và lợi ích quốc gia[11]. Chiến lược tăng trưởng xanh 2009 và 2014 xác định ngành công nghiệp hạt nhân là ngành động cơ tăng trưởng. Dự án phục hồi bốn con sông lớnđược Chính phủ Hàn Quốc thực hiện trước hết hướng đến việc “xanh hóa” bốn con sông lớn nhất nước: Han (sông Hàn), Nakdong (Lạc Đông), Geum (Cẩm Giang) và Yeongsan (Vinh Sơn). Tuy nhiên dự án này lại không thành công như mong đợi mà còn gây hại cho môi trường xung quanh với tổng mức chi là 63,7% ngân sách cho “ứng phó với biến đổi khí hậu và độc lập về năng lượng, chiếm 50% tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế xanh”[12]. Chính vì vậy khi đưa ra Thỏa thuận xanh mới, Chính phủ đã nhấn mạnh rằng chính sáchsẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng thay vì dựa vào xây dựng các dự án[13]. Yếu tố “xanh” trong Thỏa thuận xanh mới là chuyển đổi năng lượng thiên nhiên hóa thạch sang năng lượng tái tạo, carbon thấp, không hỗ trợ cho các dự án gây hại cho môi trường và khủng hoảng xã hội.

Thứ hai, tính “mới” trong thỏa thuận được thể hiện rõ ràng so với hai chiến lược tăng trưởng xanh trước đó như việc hai chiến lược năm 2009 và 2014 có nêu cụ thể “theo đuổi phát triển hài hòa giữa nền kinh tế và môi trường thông qua việc sử dụng một lượng carbon thấp trong xã hội”[14]. Nhưng nếu carbon thấp tại thời điểm 2020 là không triệt để, Chính phủ Hàn Quốccần chuyển dịch sang nền kinh tế “không carbon” và điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng cũng như hàng hóa, dịch vụ.

Thứ ba, thỏa thuận xanh mới đã hướng đến các khía cạnh xã hội hơn là các chiến lược tăng trưởng xanh trước đó. Yếu tố công bằng đã phát huy được giá trị khi những tác động về biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nhiều đến các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Những biến đổi từ thiên nhiên, con người có thể nhận diện được như lũ lụt, sóng thần hay gần đây là đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn xã hội loài người và Hàn Quốc đã đưa ra phương tiện để thích ứng nhưng có nguyên tắc cốt lõi cho các chính sách hậu đại dịchCOVID-19. Nếu tăng trưởng xanh nhấn mạnh đến các yếu tố về kinh tế thì Thỏa thuận xanh mới đặt trọng tâm nhiều hơn về tính bền vững. Thỏa thuận xanh mới kết hợp nhiều biện pháp bảo vệ hơn so với chiến lượctăng trưởng xanh và đặc biệt chú ý đến việc điều chỉnh sự phát triển không đồng đều giữa thành thị và nông thôn tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc là quốc gia đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) năm 2020 và đóng góp vào phát triển quan hệ đối tác công tư để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tại mỗi vị trí, Hàn Quốc luôn muốn thế giới biết rằng Hàn Quốc là quốc gia đặc biệt quan tâm đến các mục tiêu, cam kết trong tăng trưởng và phát triển xanh và ngày càng bền vững.

Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế thời hậu COVID-19, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố chi tiết chính sách đầy tham vọng mang tên “Thỏa thuận xanh mới”, nhằm biến Hàn Quốc thành nước dẫn đầu thế giới với nền kinh tế thải ít khí carbon. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng Thỏa thuận xanh mới này sẽ giúp Hàn Quốc phát triển bền vững hơn thông qua việc xây dựng cơ chế khuyến khích nhằm đẩy mạnh việc phi carbon hóa ngành năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch hướng đến năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, từ đó, hình thành nền kinh tế bền vững và có khả năng phục hồi cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bae, H,“[Green and New] How green and new is Moon’s deal?”,TheKorea Herald, 9 August 2020.
  2. Chang, Y.B.; Han, J.K.; Kim, H.W (2012), Green Growth and Green New Deal policies in the Republic of Korea: Are they creating decent green jobs?,Int. J. Labour Res, 2012.
  3. Georgeson, L.; Maslin, M.; Poessinouw, M (2017), The global green economy: A review of concepts, definitions, measurement and methodologies and their interactions.
  4. Government of the Republic of Korea (2020),Korean New Deal: National Strategy for a Great Transformation, July 2020.
  5. Jae-Hyup Lee and Jisuk Woo (2021), Green New Deal Policy of South Korea: Policy Innovation for a Sustainability Transition, MDPI.
  6. Jae-Seung Lee (2015),South Korea: green growth as a development strategy.
  7. Kim, S.H.; Cho, H (2016), Green growth policy in Korea”,InFarber, D., Peeters, M., (Eds.), Climate Change Law, Edward Elgar, Cheltenham.
  8. Klein, N (2020),On Fire: The (Burning): Case for a Green New Deal,Simon & Schuster, New York, NY, USA.
  9. Lee, S (2020), “The substance of a Korean Green New Deal is still being defined”, Eco-Business, 9 July 2020.
  10. Ministry of Government Legislation (2010),Laws on Green Growth in Korea.
  11. National Strategy for a Great Transformation (2020), Korean New Deal, July 2020, pp. 3–17.
  12. OECD (2011), Towards Green Growth, 2011.
  13. Presidential Commision on green growth Republic Korea (2010), “Road to our Future: Green growth”, National Strategy and the Five-Year Plan (2009~2013).
  14. UNEMG (2011),Working towards a Balanced and Inclusive Green Economy: A United Nations System-wide Perspective.
  15. UNEP (2009), “Global Green New Deal”, An Update for the G20 Pittsburgh Summit.

[1]TS., Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt nam

[2]Klein, N (2020),On Fire: The (Burning): Case for a Green New Deal,Simon & Schuster, New York, NY, USA.

[3]OECD (2011), Towards Green Growth, 2011.

[4]UNEMG (2011), Working towards a Balanced and Inclusive Green Economy: A United Nations System-wide Perspective.

[5]UNEP (2009), “Global Green New Deal”, An Update for the G20 Pittsburgh Summit.

[6]Presidential Commision on green growth Republic Korea (2010), “Road to our Future: Green growth”, National Strategy and the Five-Year Plan (2009~2013).

[7]Lee, S. (2020), “The substance of a Korean Green New Deal is still being defined”, Eco-Business, 9 July 2020.

[8]Jae-Seung Lee (2015), South Korea: green growth as a development strategy.

[9]National Strategy for a Great Transformation (2020), Korean New Deal, July 2020, pp. 3–17.

[10]Jae-Hyup Lee and Jisuk Woo (2021), Green New Deal Policy of South Korea: Policy Innovation for a Sustainability Transition, MDPI.

[11]Georgeson, L.; Maslin, M.; Poessinouw, M (2017), The global green economy: A review of concepts, definitions, measurement and methodologies and their interactions.

Kim, S.H.; Cho, H (2016), “Green growth policy in Korea”, In Farber, D., Peeters, M., (Eds.), Climate Change Law, Edward Elgar, Cheltenham.

[12]Chang, Y.B.; Han, J.K.; Kim, H.W (2012), Green Growth and Green New Deal policies in the Republic of Korea: Are they creating decent green jobs?, Int. J. Labour Res.

[13]Bae, H, “[Green and New] How green and new is Moon’s deal?”,TheKorea Herald, 9 August 2020.

[14]Ministry of Government Legislation (2010), Laws on Green Growth in Korea.

 

Chiến lược và tầm nhìn quốc gia về tăng trưởng xanh

Hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế xanh lớn thứ 7 thế giới vào năm 2020, và lớn thứ 5 vào năm 2050

Ba chiến lược

Mười định hướng chính sách

Giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh năng lượng

<!--[if !supportLists]-->1. <!--[endif]-->Giảm phát thải nhà kính một cách hiệu quả

<!--[if !supportLists]-->2. <!--[endif]-->Giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch

<!--[if !supportLists]-->3. <!--[endif]-->Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Tạo động cơ tăng trưởng mới

<!--[if !supportLists]-->4. <!--[endif]-->Phát triển công nghệ xanh để tạo động cơ tăng trưởng mới

0thảo luận